Châu ơi,
Hùng viết bài này với chút hy vọng sẽ có ngày Châu tình cờ đọc được. Ngày đó, xin Châu đừng vội nghĩ rằng Hùng đang phân trần hay giải thích (vì thực sự hoàn cảnh của Hùng ra sao, Châu hiểu còn hơn chính Hùng nữa kia mà). Hùng cũng không dám mong Châu tha thứ (liệu Hùng có thể tự tha thứ cho mình nổi không sau những biến cố đã qua?), chỉ xin được nhắc lại một thời-không-thể-nào-quên giữa Châu và Hùng, dẫu điều đó sẽ làm cho Hùng thêm đau đớn, dẫu cái đẹp đã qua hẳn hoi, và sẽ không bao giờ quay trở lại…
Không-bao-giờ, phải không Châu?
Bài chính trị của thầy In loãng đi trước một tập thể ồn ào. Cả lớp không ai thèm nghe giảng. Mỗi người mỗi nhóm đều có việc riêng, và những việc riêng đó hợp thành một cảnh vô trật tự đến hỗn loạn.
Tôi nhìn thầy In đang kiên nhẫn nói, rồi nhìn nét mặt nhăn nhó bất lực của Châu. Đã hai lần tôi - lớp trưởng, và Châu – bí thư đứng lên yêu cầu giữ trật tự, nhưng chẳng ăn thua gì.
Chợt.
Một tiếng ngáp lớn vang lên từ cuối lớp, cố ý kéo dài thành chuỗi âm thanh du dương và quái đản. Ngay sau đó là trận cười nổ bùng của mọi người. Tràng cười rộ lên rồi nhỏ dần, sau cùng tắt hẳn.
Cả lớp yên lặng như tờ.
Thầy In tái mặt, viên phấn vỡ vụn trong những ngón tay run rẩy. Giọng thầy khàn đi:
- Đề nghị trò đứng lên!
Thân thản nhiên vươn vai đứng dậy, nó nhăn nhở cười:
- Xin lỗi thầy, em không cố ý, chỉ tại nghe giảng buồn ngủ quá chịu không nổi.
Câu nói bỡn cợt còn đau hơn một cái tát. Thầy In sững sờ nhìn gã học trò ngang ngược:
- Nếu vậy, em có thể ra khỏi lớp, kể từ ngày hôm nay không cần học giờ tôi nữa!
Thân vẫn đứng lặng thinh. Vài phút qua, rồi chuông ra chơi réo lên từng hồi, lanh lảnh.
Vẻ lầm lì trên mặt Thân giãn ra thành một cái cười ngổ ngáo. Nó rùn vai hỏi bâng quơ:
- Bây giờ…không biết ai phải ra khỏi lớp đây?
Thầy In bàng hoàng, mắt thầy hướng về Thân mà dường như không còn trông thấy nó…Rồi, ghìm lại tiếng thở dài, thầy nói chung với cả lớp:
- Thôi, các em nghỉ…
- Rồi lặng lẽ bước ra ngoài.
Thầy In đi chậm, dáng mệt mỏi, có vẻ như đang chìm vào một thế giới bí ẩn nào đó của riêng mình. Tôi thử gọi:
- Thưa thầy…
Thoáng một cái giật mình, trong mấy giây, thầy In ngơ ngác như thể không nhận ra tôi. Rồi, thầy choàng tỉnh:
- À…gì đó Hùng?
Tôi thận trọng tìm lời:
- Thưa thầy, xin thầy bỏ qua chuyện hồi nãy. Thực ra, Thân chỉ hay phá phách chứ không có ác ý…thầy đừng buồn… - Tôi cố gắng nói – Thân rất hối hận, xin thầy cho nó gặp cuối giờ để xin lỗi, nó…
Tôi ngập ngừng, không biết nói gì hơn. Thầy In gượng gạo:
- Dù sao cũng cảm ơn em…thôi, về lớp đi…
Lớp học ồn ào như vỡ chợ. Đám đông xúm quanh Châu giãn ra nhường lối cho tôi.
Đối diện với Châu là Thân, nó gác hai chân lên bàn:
- …thì tội gì Châu sợ ổng buồn? Hay là…thầy In có quan hệ gì với gì với “ổ” ve chai của má Châu?
Tôi chụp lấy áo Thân:
- Đứng dậy!
Thân vùng vẫy:
- Làm cái gì vậy? Buông ra!
- Đừng sợ. Tao không làm gì mày đâu. Tao chỉ muốn hỏi: ba mày đạp xích lô, má mày đi bán từ sáng tới chiều tối để nuôi anh em mày ăn học, phải không?
Thân đỏ mặt:
- Không mắc mớ tới mày!
Tôi quắc mắt:
- Thầy In và má của Châu có đáng tuổi ba má mày không? Họ cũng nghèo như nhà của mày, cũng đổ mồ hôi kiếm tiền nuôi con ăn học như ba má mày, mày có biết không?
Mọi phản ứng đột nhiên tắt lịm, Thân đứng, ngây người nhìn tôi chằm chằm. Tôi buông vai nó, bỏ đi…
Cuối cùng tôi cũng tìm thấy Châu ngồi một mình trong thư viện. Tôi cuối xuống với chiếc khăn tay:
- Châu biết không, nếu tôi có một người mẹ như má của Châu, tôi sẽ hãnh diện vô cùng…
Đôi mắt ướt ngẩng lên nhìn tôi, long lanh một dấu hỏi. Tôi ngồi xuống:
- Có một người mẹ suốt mười năm chịu cực kiếm tiền nuôi con, hy sinh tất cả vì tương lai hạnh phúc của con mình…không đáng tự hào hay sao? Không đáng hãnh diện hay sao?
Đôi mắt ướt lặng lẽ nhìn tôi, rất lâu. Rồi Châu cầm chiếc khăn, nói nhỏ:
- Châu cảm ơn anh Hùng… cảm ơn…
Ánh mắt Châu làm tôi thờ thẫn suốt ngày hôm ấy. Và sau này, khi mọi chuyện đã qua, ánh mắt đó cứ luôn hiện ra trước mặt, làm tôi thờ thẫn suốt một đời…
°

*

Ba tôi là tài xế tuyến Sài Gòn – Đà Lạt. Ông cao lớn, vui nhộn và luôn tự đắc ý về khả năng tiên đoán của mình. Ba hãnh diện nói: “Ngay từ lần gặp đầu tiên, ba biết trước, má sẽ là vợ của ba, là má của sáu đứa bây”. Ông thường nháy mắt, vỗ mạnh vai tôi: “Người nghèo có một thứ để hãnh diện là tự trọng, nhớ kỹ đó! Tao biết tương lai mày sẽ “hết sẩy” hơn ba nhiều!”. Ông cũng hay cằn nhằn với Hằng – em kế tôi – bằng giọng ghen tị giả vờ: “Trời đất, nó thương mấy cái cây đó còn hơn cả ông già của nó nữa!”. Rồi ba nghiêm trang quay đầu nói với má: “Con Hằng sẽ là nhà sinh vật học nổi tiếng nhất thế giới, bà cá với tôi không?”. Ba thường khoe có con mắt thứ ba ngó thấu tương lai. Tuy nhiên, điều mà ông không thể nhìn thấy, không hề nhắc đến, là cái chết đột ngột của chính mình.
Tôi quỳ cạnh quan tài, lạy trả những cái lạy của người đi đưa đám. Mùi khói nhang sặc sụa trong căn nhà chật, đều đều tiếng gõ mõ tụng kinh, văng vẳng tiếng khóc của năm đứa nhỏ, thấp thoáng những bóng người quen quen lạ lạ: tài xế bạn ba, láng giềng, bạn bè, thầy cô của anh em chúng tôi. Những nét mặt nghiêm trang thành kính, những ánh mắt xót xa thương cảm… tất cả đều xác nhận một điều: ba đã thực sự ra đi! Mọi chuyện nhanh chóng và đột ngột đến không thể ngờ: “Trời tối quá, lại mưa dầm dề, mà đèo Ba Cô thì nguy hiểm… Chúng tôi thành thực chia buồn…” Tôi kịp ngó sững thi thể nhàu nát đẫm máu trước khi bị lôi đi. Ba tôi đó sao? Con người vui nhộn vẫn nói đùa suốt ngày, cười giỡn suốt ngày đó sao?
Vậy là ba đã chết. Và kể từ khi “tin” được điều này, ba bỗng trở thành xa lắc xa lơ. Hình ảnh ba nhạt nhòa, giống như khung hình thờ đằng sau lớp khói nhang mờ mờ ảo ảo.
°

*

Thằng Hải trở người, quơ tay đập mạnh vào mặt khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Tôi sửa lại thế nằm cho nó, chợt nhận ra má với Hằng vẫn còn thức, và đang rì rầm nói chuyện. Câu chuyện của hai người khiến tôi không sao ngủ lại được nữa.
Hằng kiên nhẫn nói:
- Má mà nhìn thấy tiệm đó là má thích liền! Với lại, bán hàng sướng thấy mồ, ngoài ra còn được nuôi một bữa cơm nữa… Má ơi, cho con đi làm nghen má?
Nãy giờ nó cứ nhắc đi nhắc lại hoài điệp khúc đó. Tôi nhắm mắt, dễ dàng hình dung ra nét mặc má, chỉ mới ba tháng thôi, mà má già đi hẳn: mắt má sâu hơn, mặt hốc hác và tóc hai bên thái dương đã bắt đầu nhuốm bạc.
- Không được đâu Hằng - Giọng má thật yếu ớt – Con phải biết nguyện vọng của ba con là…
Hằng sốt ruột:
- Là học thành tài, con biết, nhưng con là con gái mà má? Vả lại lớp mười cũng đâu gọi là dốt được? Má ơi, việc làm “ngon” như vậy không dễ tìm đâu. Thiệt ra, con cũng không thích đi học…con… - Nó bỗng ngập ngừng – Con chán học lâu rồi… học nhiều cũng vậy thôi…
Im lặng. Rồi Hằng chợt kêu lên, thảng thốt:
- Má… con xin lỗi… má đừng giận con, má ơi… má đừng khóc… má…
Nó oà khóc:
- Nhà mình không còn gì để bán nữa. Con không muốn nhìn anh hai với mấy đứa nhỏ bỏ học đâu má. Bây giờ con đi làm, khi nao nhà mình khá hơn thì con học bổ túc trở lại… Má ơi, cho con nghỉ học đi bán nghen má? Nghe má?
Im lặng thật lâu. Rồi Hằng lại thì thào:
- Như vậy nghĩa là má đồng ý rồi phải không? Trời ơi con… con… mừng quá…! – Giọng nó run lên, như thể đang vui mừng thực sự.
Tôi nhắm mắt lại, không muốn nghe nữa. Những giọt nước mắt nóng hổi không hiểu từ đâu lăn xuống hai bên thái dương. Đâu đó trong ký ức chợt lóe lên đôi mắt của Hằng, như hai vì sao rực sáng: “Anh Hai biết không, thế giới thực vật còn hay hơn chuyện thần thoại nữa kia! Càng học, càng thấy mê, càng học càng thấy tầm hiểu biết của mình bé nhỏ…”
Nhưng, Hằng đã nói cách đây lâu lắm rồi, phải… lâu lắm rồi…
°

*

Bà ta đến vào lúc cả nhà đang ăn bữa ăn tồi muộn màng. Sự xuất hiện của bà làm tắt phụt bầu không khí vui vẻ hiếm có của chúng tôi. Phải khó khăn lắm má mới mỉm được nụ cười:
- Chị hai ngồi chơi.
Chúng tôi lễ phép cúi chào “dì hai”. Cả sáu đứa đều đủ lớn để được nghe kể về “lai lịch” của má, trước khi trở thành vợ ba. Dì hai là người thừa kế duy nhất sau khi má bị ông bà ngoại từ bỏ.
Vừa ngồi xuống, dì đã liếc nhanh bàn ăn, cái nhìn thực bén:
- À, cả nhà đang ăn cơm hả? Tốt quá!
Dì đặt lên bàn cái giỏ đầy ắp chả, thịt, đồ hộp và bánh trái, hài lòng trước ánh mắt sáng lên của ba đứa nhỏ.
Dì hai đứng lên thắp nhang trước bàn thờ - thực ra, đó chỉ là mộc cái cớ. Tôi rợn người cảm nhận được ánh mắt tò mò đang sục sạo khắp căn nhà bé nhỏ. Không khí trên bàn ăn lặng xuống. Hằng, Hạnh cố gắng tỏ ra bình thường. Má ngồi sững im như tượng đá.
- Tiền đi làm mướn của em được bao nhiêu, mỗi tháng?
- Dạ, cũng đủ sống.
Giọng má nghe đầy mệt mỏi.
Dì hai nhẹ lắc đầu, lại liếc nhìn mâm cơm một cách đầy ý nghĩa, và hỏi tiếp:
- Phải ở nhà chủ từ sáng đến chiều tối hả?
Cái gật đầu của má phải nhìn kỹ mới thấy. Dì hai mím chặt môi:
- Vậy thì lấy ai giáo dục con cái đây? – Dì bất thình lình cao giọng – Hằng, con bỏ học mấy bữa rồi?
Hằng giật bắn mình, đáp lại như cái máy:
- Dạ, mười hai.
Dì hai quắc mắt:
- Tại sao vậy?
- Dạ… dạ… con chán học – Hằng run rẩy lắp bắp – Con không thích… đi học nữa…
Tôi xót xa nhìn Hằng đang cắn môi, những ngón tay bấn loạn bấu lấy cạnh bàn. Nhắc đến chuyện học lúc này khác nào cầm dao khuấy vào vết thương vốn đã khó lành của nó?
Giọng dì hai càng cao hơn, nghe đầy xót thương và trách móc:
- Em thấy chưa Hạ? Kết quả việc cãi lời cha mẹ của em là như vậy đó?
Hạ là tên thời con gái của má tôi.
- Nó đã từng hứa suốt đời chăm lo em, vậy mà giờ đây, nó bỏ em một mình với lũ con chết đói, không ai chăm sóc, không ai dạy dỗ… em thấy chưa?
Dì thở dài, rồi làm như sực tỉnh:
- Thôi, ai cũng có một thời lầm lẫn ngu dại, dầu sao chuyện cũng đã qua rồi. Kể từ nay, chị thay mặt hương hồn ba má đứng ra lo cho em. Mấy mẹ con đi theo chị, bỏ cái nhà rách này, bỏ cả cuộc sống bẩn thỉu này nữa. Chị đủ tiền nuôi cả gia đình em, đủ khả năng giúp em làm lại cuộc đời!
Tôi đứng bật dậy, quắc mắt ngó dì trừng trừng:
- Xin lỗi, chúng tôi không cần dì nuôi, cũng không cần cuộc đời đổi mới của dì! Cầm lại những thứ này và đi khỏi đây ngay!
Bà ta nhìn tôi từ chân tới đầu cười lạt:
- Không cần phải tỏ ra sĩ diện vời dì hai đâu cháu.
Tôi gầm lên:
- Bà muốn tự mình đi hay đợi tôi tống ra khỏi nhà, hả?
Cùng với nỗi khiếp hãi trong mắt và giỏ đồ ôm trên tay, người đàn bà biến mất.
… Tôi dần dần bình tĩnh lại, ngạc nhiên thấy chân tay mình run rẩy. Má lặng lẽ nhìn tôi đăm đăm. Gục đầu trên bàn ăn, con Hằng đang khóc ngất.
Má bỗng đứng dậy:
- Mấy đứa lại đây với má!
Chúng tôi quỳ trước bàn thờ, giọng má nghiêm trang:
- Má cho các con hay, là không có chuyện lầm lỡ khi má lấy ba, má không bao giờ ân hận, kể cả lúc này, bởi vì đối với má, ba không bao giờ chết. Má muốn các con cũng nhìn thấy như má thấy.
Má nhìn thẳng vào mắt chúng tôi, từng người một.
- Nghĩa là, phải làm sao cho không ai dám coi thường gia đình mình, phải sống như ba vẫn còn ở đây, sao cho ba hãnh diện vì cả nhà mình… các con có hiểu không?
- Dạ hiểu – Sáu đứa cùng trả lời, kể cả con Hà nhỏ nhất.
… Dáng má quỳ nghiêng nghiêng xiêu vẹo, mắt má trũng sâu hốc hác, mặt má xanh xao hao gầy… cùng với hình ảnh đó,từng lời từng chữ của má đi bào óc chúng tôi, in sâu ở đó - đến trọn đời.
Nắng trưa gay gắt tràn lên quyển vở, hắt trở lại vào mặt tôi một thứ ánh sáng chói mắt khó chịu. Những đường vẽ ngoằn nghoèo trên trang giấy mờ đi, nhập nhòe. Tôi bịt hai ngón tay lên mí mắt, và giữ yên trong vài phút. Khi buông tay, một gương mặc quen thuộc đã ở ngay trước mặt tôi. Tôi há hốc miệng:
- Trời ơi…
Trên gương mặt đó hiện thêm một nụ cười:
- Châu đây mà, chứ đâu phải ma.
Giọng nói xác nhận hình người đó không phải là ảo ảnh. Trời bỗng tối sầm lại chung quanh tôi.
Vậy là hết! Điều mà tôi hằng lo sợ cuối cùng đã xảy ra. Tôi - lớp trưởng, tôi – cánh chim đầu đàn của tập thể 12Á, tôi - học sinh xuất sắc nhất khối 12, và tôi thằng thợ sửa xe trong cái áo rách bươm, tay chân lấm lem dầu mỡ. Bất giác, tôi co rúm người lại…
- Hùng không mời Châu ngồi sao?
Tôi nghiến răng:
- Có chuyện gì không?
Châu tròn xoe mắt:
- Chao ơi, đang nắng đạp xe từ nhà đến đây để được Hùng đón chào như vậy đó?
Cái bĩu môi hờn dỗi không che được ánh mắt xót xa thương hại! Tôi cười gằn:
- Đang nắng từ nhà đến đây để coi chuyện lạ chứ gì? Thì đây, tôi là thợ sửa xe đó, nhà tôi nghèo, tôi phải kiếm tiền phụ má, nuôi em… Tức cười lắm, phải không? Cứ cười đi! Cứ việc khinh thường đi! – Tôi gầm lên. – Tôi không cần lòng thương hại của ai hết!
Nhìn trừng trừng vào đôi mắt đen trước mặt, tôi tuyệt vọng chờ một cái mím môi giận dữ, một cái quay phắt lạnh lùng. Nhưng… Châu vẫn dịu dàng nhìn tôi và thốt nhiên, ánh mắt đó bỗng làm tôi choáng váng.
- Nhà Hùng nghèo, Hùng kiếm tiền phụ má bằng chính sức lao động của mình, có gì mà cười đâu? Tại sao Hùng lại sợ Châu khinh thường? Tại sao Hùng nghĩ là Châu sẽ thương hại?
Tôi ngẩn người… Bao nhiêu giận dữ không biết đã tắt từ bao giờ, cả ngôn ngữ cũng kéo nhau đi mất. Tôi mở miệng, mà không thốt ra được tiếng nào.
- Nếu như Hùng không làm như thế, thì mới đáng khinh, Châu đến đây để nói với Hùng như vậy, nhưng chưa kịp lên tiếng… thì…
Châu ngừng lời, le lưỡi, rồi nhoẻn miệng cười:
- Còn nhớ lần Thân làm quê Châu trước lớp chuyện “ổ” ve chai lông vịt không. Nhờ Hùng mà từ đó Châu không còn xấu hổ, không còn buồn tủi vô lý… nhất là những lúc lang thang đi mua ve chai với má.
Thiếu chút nữa tôi đã nhảy dựng lên, Tôi buột miệng kêu sửng sốt:
- Đi mua ve chai?
- Phải, Bởi vì nhà Châu cũng nghèo, Châu cũng phải kiếm tiền phụ má nuôi em - Châu thôi cười, nhìn thẳng mắt tôi – Hùng có thấy tức cười không? Và có “khinh thường” Châu không?
Tôi hoang mang tránh ánh mắt Châu, để nhìn lại chính mình. Tại sao tôi lại sợ người khác nhìn thấy tôi trong cái áo rách bươm và tay chân dính đầy dầu nhớt? Tôi bàng hoàng trước câu hỏi đó, và không dám nghĩ sâu hơn.
°

*

Chỉ thiếu một điểm thôi!
Tôi đứng chết lặng giữa rừng nguời, bảng điểm nhòe đi trước mắt. Thiếu một điểm, nghĩa là vẫn đậu, với điều kiện phải có năm trăm ngàn đồng.
Năm trăm ngàn đồng?
Tìm đâu ra? Trong nhà không còn gì có thể bán được, kể cả bàn thờ. Bán nhà ư? Tôi rùng mình. Để mở cổng vào đại học cho tôi, cả nhà phải ra lề đường sống? Hay là gõ cửa nhà một người thân nào đó – như dì hai chẳng hạn? “Không cần phải tỏ ra sĩ diện với dì hai đâu cháu”. Giọng nói ngọt ngào vang lên nhức buốt trong tai. Tôi nghiến chặt răng. Không bao giờ!
Không bao giờ? Tôi tuyệt vọng nhìn nắng chiều đang tắt dần. Trời tối sầm đi, xung quanh tôi, bóng tối phủ đầy…
- Má ơi, mười hai điểm! Đậu rồi! Đậu rồi! Mừng quá! Má! Má ơi!
Tiếng hét sát bên tai làm tôi giựt mình. Một đứa con trai đag nhảy dựng lên, ôm chầm người đàn bà má nó kêu là má, bất chấp những con mắt tò mò. Mười hai điểm? Đương nhiên là đậu! Tôi thẫn thờ nhìn chiếc xe màu nâu bóng loáng và người mẹ áo quần lộng lẫy. Và thốt nhiên, ruột tôi như thắt lại.
Tôi vừa sực nhớ đến má.
Tôi phải nói sao với má bây giờ?
Khi tôi bước vào nhà, cả sáu người đều bật dậy, những câu hỏi nôn nao hầu như cùng cất lên cùng lúc:
- Mấy điểm vậy, anh Hai?
Câu hỏi của má có gắn theo một nụ cười trìu mến:
- Sao, con? – Có điều, giọng má run run một cách khó thấy.
Bắt đầu rồi đây! Tôi hít mạnh, nhìn má bằng đôi mắt sáng rực:
- Má phải thưởng con mới được! – Tôi hét lên, ồm chầm lấy má – Con đậu rồi! Giành được học bổng rồi!
Giấu cái nhìn trong tóc má, tôi cố gắng nghĩ tới đứa con trai ban chiều. Nó đậu mười hai điểm, còn tôi, tôi hơn nó một điểm kia mà!
Nhưng với Châu thì khác.
Châu đến tìm tôi một buổi trưa vắng khách, nhìn vào mắt Châu, tôi biết mình sẽ không diễn nổi bất cứ vở kịch nào.
Tôi nói:
- Cả nhà ai cũng tin là tôi lấy được học bổng. Sắp tới đây phải làm sao cho mọi người tin là tôi đang học bách khoa thực sự… Châu giúp tôi chứ?
Châu nhìn tôi, không hiểu.
- Thật sự Hùng đã đậu rồi!
Tôi nhún vai:
- Tìm đâu ra năm trăm ngàn? Tôi không muốn nhìn thấy tóc má tôi bạc thêm nữa đâu Châu!
- Nghĩa là…?
Tôi cười buồn:
- Tôi đã xin được chỗ làm ở garage xe hơi. Ngoài ra, còn phải bỏ ống dần dần rủi năm sau không lấy được học bổng, Châu biết không…
Giọng Châu thật lạ:
- Hùng không cần làm vậy đâu!
- Hả - tôi ngơ ngác – Châu nói sao.
- Tại vì… - Châu cắn môi, ngập ngừng – Vì ai cũng hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của Hùng, do đó, cả lớp, cô chủ nhiệm và thầy cô bộ môn đã cùng nhau… kẻ ít người nhiều… tổng cộng là sáu trăm ngàn…
Từ lúc đó, tôi không còn nghe gì nữa. Tai ù lên, tôi sững sờ nhìn gói giấy vuông đang phình ra, lớn dần thành một bức tường khổng lồ, chắc chắn giữa tôi và Châu. Tiền? Người chị của má đã từng mỉm cười ném tiền lên mâm cơm của gia đình tôi. Giờ đây, Châu cũng đang xòe ra một gói tiền, cũng mỉm cười, có lẽ đợi một cái sáng mắt vui mừng, một tiếng tạ ơn rối rít. Tôi nghiết chặt răng:
- Ai mượn Châu làm chuyện đó? Tưởng tôi sẽ cám ơn Châu hay sao? Đừng có ngu!
Phải mất một lúc lâu để cho vẻ mặt rạng rỡ trên mắt Châu tê cứng lại, bàng hoàng. Nhưng tôi không để Châu kịp nói:
- Trong khi tôi đang cần một ánh mặt động viên, một câu nói khuyến khích, thì Châu lại ném ra một nắm tiền. Tức cười thật! Người nghèo chỉ có một thứ để hãnh diện thôi, đó là tự trọng. Châu cũng nghèo như tôi kia mà, tại sao Châu không biết.
Tôi cười gằn:
- Thì ra cũng có loại người nghèo không hề biết tự trọng là gì nữa sao Châu?
Với gương mặt trắng bệch không còn chút máu. Châu cuống cuồng bật dậy, nhào lên xe đạp. và cuống cuồng phóng đi.
Còn lại một mình, tôi chụp thùng đồ nghề, nghiến răng ném thật xa, và sững sờ nhìn những dụng cụ sửa xe đổ ra văng tung tóe…
Tôi ngả lưng xuống giường, người mỏi rã rời sau mười sáu tiếng đồng hồ quay như chong chóng giữa tiếng ồn và máy móc. Tôi nhắm mắt lại, cố xua đuổi mọi hình ảnh ra khỏi đầu. Chỉ có làm việc điên cuồng và giấc ngủ mới có thể giúp tôi quên tất cả.
- Hùng.
Giọng của má. Tưởng như giường chiếu cũng run bắn lên trong một cái giật mình hoảng hốt. Đã lâu, không ai còn cố gắng thức đợi tôi về. Tôi vẫn nhắm mắt, nằm im. Má sẽ nghĩ là tôi đã ngủ và sẽ bỏ đi…
- Má biết con còn thức. Dậy đi, má có chuyện muốn bàn với con.
Tôi trở mình, giọng tôi nhừa nhựa ngái ngủ:
- Có chuyện gì để mai bàn được không má…? Bây giờ con buồn ngủ quá.
- Má đứng đây chờ con.
Giọng má vẫn nhẹ nhàng. Tôi thở dài, ngồi dậy. Tôi biết, khắp thế gian này không ai có thể gan lì hơn má, vả lại bao nhiêu mệt mỏi không hiểu đã tan biến tự lúc nào.
Ngọn đèn dầu trên bàn thờ hắt ra một thứ ánh sáng vàng leo lét. Dưới ánh sáng run rẩy đó, tôi trân mình chịu đựng cái nhìn của má. Hàng thế kỷ qua, má đau xót nói:
- Càng ngày, má thấy con càng giống bộ xương biết đi đó Hùng!
Dường như có ai đó vừa nhấc tảng đá nghìn cân khỏi ngực tôi, tôi thở phào nhẹ nhỏm. Tưởng chuyện gì!
- Má, con kiếm tiền mua sách vở, mai mốt lên đại học rồi sẽ không còn thời giờ nữa đâu! Má đừng lo, con hứa trước khai giảng con sẽ nghỉ ở nhà bồi dưỡng hai tuần mà – tôi cười hì hì - Chỉ sợ khi đó má quở càng ngày con càng giống cục mỡ biết ăn thôi!
Má cũng cười:
- Thôi được, chuyện đó tính sau. Ngày mai con nghỉ làm một bữa, được không?
- Chi vậy má?
- Đi lên trường với má, đến mai là hạn chót đóng tiền rồi.
Miệng tôi bỗng nhiên khô khốc:
- Tiền gì, Sinh viên đại học không những nhà nước đào tạo miễn phí, mà còn được cấp lương hàng tháng, bộ má không biết sao?
Giọng má vẫn không đổi:
- Má biết. Cái ngày má lên trường hỏi điểm cho con, người ta có cắt nghĩa sinh viên đậu bao nhiêu điểm thì được học bổng – Tôi tránh cái nhìn của má, nhưng không còn kịp nữa – Má cũng biết sinh viên hệ B phải đóng tiền học phí bao nhiêu trong năm đầu.
- Má?!
Tiếng kêu nghẹn ngào tắt lịm, tôi ngồi chết lặng nhìn má chăm chăm. Nhưng, dù tôi có mở trừng đến rách toang khóe mắt, hình ảnh má trước mắt vẫn cứ nhòe đi, chập chờn. Một giọt nóng không hiểu từ đâu rớt xuống trên môi, giọt nữa, rồi giọt nữa… Tôi òa khóc trong vòng tay dang rộng siết tôi vào lòng…
Lâu lắm rồi, tôi - đứa con trai đầu lòng mới trở lại trong vòng tay của má. Và, dường như cũng đã lâu lắm tôi mới tìm lại được cảm giác bình yên thanh thảnh như thế này. Ngập trong cảm giác đó tôi tức tưởi dốc cạn lòng mình. Phải chi ba đừng mất và tôi đừng phải đi làm? Phải chi tôi có nhiều thời gian hơn để học? Phải chi tôi cò đủ tiền thi nhiều trường như đám bạn? Phải chi tôi muời bốn điểm? Phải chi nhà đỡ khốn khó hơn? Phải chi…
Má lặng lẽ ngồi nghe. Sau cùng, má nói:
- Tại sao con không chịu hỏi má? Con tưởng nhà mình không có đủ năm trăm ngàn sao? Vậy thì em con nghỉ học để làm gì? Má đi làm công từ sáng đến tối để làm gì?
Tôi ngước nhìn má, lần đầu tiên, từ sau khi ba mất, tôi mới cười thực sự. Trước mắt tôi, một đêm đã qua, và trời đang bắt đầu hửng nắng.
°

*

- Anh Hai, nhà có khách.
Bốn đứa nhỏ đón tôi ngay đầu hẻm. Thằng Hải thì thào:
- Em nghe má kêu là bà chủ rồi má bảo tụi em đi ra ngoài chơi.
- Hằng đâu?
- Chị ba mới về trước anh chừng mười phút – Con Hạnh chỉ tay - Ở trong nhà với má.
Một nỗi lo lắng mơ hồ thoáng hiện, tôi dẫn bốn đứa nhỏ đi nhanh về nhà.
Má và người đàn bà sang trọng ngồi đối diện nhau. Hằng đứng sau lưng má, mặt nó đỏ bừng, mắt tóe lửa nhìn bà khách với vẻ căm hờn không giấu giếm. Trái lại, mặt má mét xanh, giọng má vẫn bình tĩnh:
- … Tiền mẹ con tôi đi làm mỗi tháng cũng đủ sống rồi, bà chủ, tôi làm cho bà hơn nửa năm nay chưa từng có chuyện này xảy ra, tại sao bà chủ không tin tôi…
Bà chủ ngắt lời:
- Chính vì tin, tôi mới để chị một mình ở nhà cả buổi… Chị ba à, tôi cũng hiểu hoàn cảnh gia đình chị nhưng thật tình tiền đó người ta gởi chứ không phải tiền của tôi, nếu như chị có lỡ…
Cửa nhà bật tung, tôi xông vào. Thấy tôi, con Hằng nhào tới:
- Anh Hai, bà này dám đổ cho má lấy tiền của bả - Nó khóc ngất – Anh nói chuyện với bả đi, anh hai…
Tôi đứng đối diện với người đàn bà cao sang và xa lạ, giận dữ làm toàn thân tôi bốc lửa:
- Xin lỗi, bà lấy quyền gì dám xúc phạm đến má tôi? Nếu bà không xin lỗi ngay, thì cho bà biết, dù bà “có là cái thá gì đi nữa “, tôi cũng không tha bà đâu!
Người đàn bà ngó tôi từ đầu đến chân bằng cặp mắt dò xét:
- Cậu là con trai lớn của chị ba đây hả?
- Phải, và năm đứa này nữa – Tôi đưa cao tay hét – Chúng tôi dám lấy mạng thề trước bàn thờ là má không bao giờ làm chuyện xấu xa đó! Không bao giờ!
- Không bao giờ! - Hạnh rít lên - Nếu bà đi hỏi thì cả xóm này cũng sẽ thề như vậy.
Người đàn bà cười lạt:
- Tôi có hỏi rồi, nhờ hỏi mới biết, cậu vừa đậu hệ B đại học bách khoa, học phí là năm trăm ngàn đồng, đúng không – Bà ta nhìn tôi chòng chọc – Tôi cũng mất năm trăm ngàn đúng vào hôm chị ba xin nghỉ đóng tiền trường cho cậu…
Tôi cười khẩy:
- Đó là lý do bà bảo rằng má tôi ăn cắp?
- Tôi đã giao nhà cho chị ba giữ cả buổi chiều, buổi tối trước khi về mẹ cậu xin phép nghỉ, và sáng hôm sau tôi phát giác ra bị mất tiền.
- Tiền đó là của má với chị ba để dành.
Không để ý đến lời hạnh, bà chủ thản nhiên tiếp:
- Cách đây một tuần, mẹ cậu có khóc với bà tư hàng xóm, vì không biết tìm đâu ra tiền đóng học phí cho cậu nếu như thật sự trong nhà đã sẵn năm trăm ngàn, thì có cần phải khóc như vậy không? – Đôi mắt sáng quắc của bà chuyển từ tôi sang má – tôi biết, chị là người mẹ thương con, dám hy sinh vì tương lai hạnh phúc của con mình, kể cả…
- Nói láo! Nói láo! Má tôi không bao giờ làm chuyện đó! Không bao giờ! Không bao giờ!
Hằng đột ngột gào lên, nó nhào tới bên má, vừa khóc vừa hét:
- Má, tiền đó má nói là của con với má đi làm để dành mà? Má không bao giờ thèm ăn cắp, phải không má? Má đã từng dạy con phải sống sao cho ba hãnh diện vì cả nhà mình mà? Phải không má? Má… má nói đi! Má ơi!…
Trong một giây, mắt của tôi và má gặp nhau. Trong một giây, tôi chợt thấy nỗi kinh hoàng hiện lên trên mắt má. Và chỉ sau một giây, nỗi kinh hoàng đó đã quấn lấy tôi. Tôi mở miệng, không còn giận ra giọng của mình:
- Con Hằng đang hỏi má kìa, má có nghe không? Tại sao má không trả lời?
Bà chủ lắc mạnh tay má:
- Chị ba, chị lấy năm trăm ngàn ở đâu? Nói đi!
- Tôi… Tôi… của một người cho tôi mượn… - Đôi môi tái nhợt run lên – Hùng… con phải tin má…
- Nghĩa là không phải do chị dành dụm phải không? Chị mượn của ai? Người đó ở đâu?
Mắt má vẫn chưa rời tôi bối rối, hoang mang, hoảng sợ.
- Của một người… nhưng tôi không nói được… Hùng ơi…
- Tại sao vậy? Nếu không nói tiền đó của ai và ở đâu, thì làm sao chứng minh được chị không ăn cắp tiền của tôi?
- Má! Tại sao má không trả lời? Má nói là tiền của con với má để dành đi! - Hằng vẫn gào thét – Má nói đi! Má!
- Tôi không nói ở đây được – Đôi mắt vẫn dán chặt vào tôi một cái nhìn van lơn kỳ lạ - Làm ơn đừng ép tôi nói… Đừng…
Má càng luống cuống, bà chủ càng hỏi dồn:
- Vậy thì đúng lả chị ăn cắp tiền của tôi rồi! Sao chị không nói gì hết vậy chị ba? Chị trả lời đi chứ!
Hai tay ghì chặt thái dương, má nhắm nghiền mắt, lảo đảo. Hằng rú lên hãi hùng, bốn đứa em cũng khóc thét, nhào đến xúm quanh một thân hình vừa đổ gục.
Xóm làng náo động, tiếng khóc, tiếng la hét, tiếng chửi rủa, rồi tiếng còi inh ỏi của xe cứu thương… mọi âm thanh góp sức nhau tạo nên một cảnh hỗn loạn kinh hoàng.
Trong bối cảnh đó, không ai chú ý đến một người vừa lầm lũi bỏ đi, âm thầm như cái bóng.
Đêm ập xuống, bóng tối vây chặt quanh tôi đến nghẹt thở.
°

*

Kiên nhẫn của tôi cạn dần sau mỗi phút trôi qua, con hẻm nhỏ vẫn vắng tanh không một bóng người qua lại. Những bước chân bồn chồn lôi tôi đến trước ngôi nhà nghèo nàn cũ kỹ. Sự vắng lặng của nó càng khiến tôi thêm hoảng hốt. Không kịp suy nghĩ, tôi đẩy cửa, bước vào.
Hằng nhìn thấy tôi trước.
Nó lặng người, dán vào tôi một cái nhìn nghi ngại, rồi thì thào, như không còn hơi sức.
- Anh hai? Trời ơi… anh hai về? Anh hai…
Nó khóc òa trên cánh tay tôi, tiếng khóc như mưa gió làm tôi bủn rủn:
- Má đâu? Má có sao không? Má đâu rồi?
Hằng giật mỉnh, nín khóc, và vùng khỏi tay tôi:
- Má? Má ở trong buồng, đi thăm má đi! Nhanh lên! Trời ơi má nhắc anh suốt ba ngày nay… đi đi!
Nhưng trong buồng không chỉ có má. Tôi sững lại trước giọng nói thật quen đầy nước mắt:
- Bác phải ráng lên,bác ơi! Bác đã hy sinh tất cả chỉ vì Hùng, nhất định Hùng sẽ về mà.
Khi tôi nghĩ đến chuyện trở lui thì đã muộn. Người con gái đang an ủi má ngước lên. Mắt chúng tôi gặp nhau. Và đất dưới chân tôi dường như vừa sụp xuống.
Châu!
Má bật dậy, lao đến bên tôi bằng cả sinh lực của mình. Nhưng tôi kịp đẩy vai má, thoát khỏi một vòng tay siết chặt. Lửa từ lồng ngực tôi phừng lên, rát bỏng:
- Cả xóm này biết chuyện má ăn cắp chưa đủ hay sao. Má muốn đem cái nhục đó khoe với cả thế giới này, phải không? Má cần người ta thương hại đến nỗi vậy lận à?
Câu nói chưa kịp tuôn ra hết, hối hận đã trào theo. Tôi hoảng sợ nhìn ánh mắt đau đớn đến khờ dại của má, nhưng, tiếng xin lỗi chưa kịp thành lời, châu đã xô tôi ra, chen vào đứng giữa:
- Đủ rồi! Hùng muốn bác gái phải chết mới vừa lòng phải không?
Tôi ngó Châu trừng trừng:
- Không ai mượn Châu xen vào chuyện nhà tôi.
- Phải nói cho Hùng bớt cao ngạo và gàn bướng đi! Bản thân Hùng không có gì để cao ngạo, ngoài cái tự ái ngu ngốc của Hùng.
Lời nói của Châu còn đau đớn họn trăm ngàn roi quất. Tôi hét lên:
- Châu im đi!
- … Có đầu óc mà không biết nghĩ là đồ ngu. Hùng là như vậy đó, biết không…
“Bốp”!
Cả hai chúng tôi cùng lùi lại, sững sờ.
Tôi thảng thốt ngó bàn tay mình rồi ngó vào mắt Châu. Dường như đã có lúc Châu nhìn tôi bằng ánh mắt như thế này: long lanh và thăm thẳm… Tôi khẽ nhíu mày cố nhớ… phải rồi, giờ ra chơi trong thư viện “Châu cảm ơn Hùng”… Châu thì thầm và ngước nhìn tôi, đôi mắt ấm áp hơn tất cả các thứ lửa, mênh mông hơn bất cứ đại dương nào… Từ đó đến nay đã bao lâu rồi không biết?
… Có ai đó níu cánh tay tôi lắc mạnh, tôi dần dần nhận ra Hằng, tiếng hét của nó xoáy vào tai:
- Anh hai làm gì vậy? Chạy theo giữ chị Châu lại, nhanh lên! Trời ơi anh hai làm ơn nghe lời em đi!
Má bỗg đứng dậy, loạng choạng đi ra cửa buồng:
- Con không đi thì để mà đi! Phải giữ con Châu lại… phải xin lỗi nó.
Tôi nắm tay lôi má lại:
- Vô ích thôi má! Tại vì má, mà con mới mất Châu, chẳng lẽ má không hiểu? - giọng tôi chua chát – “Phải sống sao cho hãnh diện vì cả nhà mình”, má thấy chưa, con vẫn nhớ lời má dạy, vậy thì tại sao má không chịu sống như thế giùm con hả má?
Nhìn thẳng vào mắt má, tôi buông gằn từng chữ:
- Con ghét má, con hận má lắm, má biết không?
Rồi tôi buông tay, quay người bước nhanh ra cửa:
- Má khỏi đi đâu hết! Người phải đi bây giờ là con. Và, con sẽ không bao giờ trở lại!
°

*

Lâm trường. Nắng như lửa đốt. Mưa xối xả triền miên. Bão dữ dội hơn cả cơn thịnh nộ của đất trời. Tất cả đề vô nghĩa. Thời gian không đủ sức làm dịu một vết đau. Cực nhọc không thể làm vơi đi nỗi nhớ.
Vì lẽ đó, một năm sau, tôi trở lại.
… Hằng đứng ngây người ngó sững tôi hai tay siết chặt song cửa đến trắng bệch. Sửng sốt, tủi thân, vui mừng, lạnh nhạt, yêu thương, thù ghét… những cảm xúc trái ngược nhau thay đổi liên tục trên đôi mắt mở lớn. Tuy nhiên, giọng nó vẫn bình tĩnh lạ lùng.
- Anh hai về đúng lúc quá, ngày mai đám giỗ của má rồi.
Ruột tôi đau quặn lên. Mắt Hằng bỗng hóa thành hai lưỡi dao sắc nhọn, tôi không còn can đảm nhìn vào đó. Tôi ngó quanh, hối hả tìm một câu gì đó để nói:
- Rồi… một năm nay… các em… làm sao sống?
- Dì Hoàng đứng ra lo đám ma của má và bảo lãnh tụi em, nhờ Dì mà tụi em còn sống đến hôm nay, mà không đứa nào bỏ học.
- Dì Hoàng là…
- Là bà chủ của má mà anh hai đã gặp một lần rồi đó! Dì nói suốt đời dì sẽ không quên được tội đã làm cho anh hai hiểu lầm má!
Một cơn gió lạnh chạy dài theo sống lưng.Tôi rùng mình, tôi sững sờ lắp bắp:
- Không đúng! Nếu má không ăn cắp, nếu số tiền đó thật sự là của má thì tại sao má lại sợ đến nỗi bất tỉnh? Tại sao má lại…
Giọng Hằng nghe thực lạ:
- Bởi vì số tiền đó không phải là tiền của má, mà là của chị Châu.
Tôi há hốc miệng:
- Châu?
Tôi chới với ngã người vào bức tường sau lưng, cả bầu trời đảo chao trước mắt. Giọng Hằng trở thành những tiếng dội ầm vang đến buốt óc:
- Nhờ chị Châu, má mới biết anh không giành được hộc bổng. Nhà không có tiền, má đành nhận sáu trăm ngàn của chị Châu đưa. Chị Châu dặn má đừng cho ai biết, vì tự ái của anh không chấp nhận bất cứ sự giúp đỡ nào.
Từng cơn, từng cơn, quá khứ cuồn cuộn kéo về, quay cuồng chung quanh. Tôi ôm đầu, cố mở mắt thật lớn, nhưng Hằng vẫn cứ mờ dần, mờ dần. Đâu đó thật xa, tiếng khóc của nó mơ hồ vọng lại:
- Má chết một ngày sau khi anh bỏ nhà đi. Cho tới khi nhắm mắt, má vẫn còn luôn miệng gọi tên anh, năn nỉ anh quay trở lại. Anh không nghe, anh đã giết má rồi, anh hai…
Châu ơi,
Khi Châu đọc được những dòng chữ này, thì Hùng đã đi xa, xa lắm rồi. Không dám đối diện với cái nhìn của ba má trên bàn thờ, với đôi mắt Hằng chồng chất ưu tư dày hơn độ tuổi và với những ánh mắt khát khao tình thương của bốn đứa kia, nên Hùng hối hả ra đi. Nếu phải nán lại thêm dù chỉ một ngày, những đôi mắt đó sẽ khiến Hùng tự sát. Mà, cái chết bây giờ là một hình phạt quá nhẹ nhàng và vô nghĩa, phải không Châu?
Vì vậy, Hùng quyết định ra đi. Lần này Hùng trở lại đời TNXP không phải để bằng mọi cách quên ình đi như năm ngoái, càng không phải để trốn một sự trừng phạt. Hùng đã ngu dại đập vỡ tấm gương, để mất đi hai người mà Hùng kínhnể nhất, yêu thương nhất. Trời ơi… tội lỗi này làm sao tôi dám trốn tránh? Bài học này làm sao tôi có thể quên?
Châu ơi,
Hùng viết bài này với chút hy vọng sẽ có một ngày Châu tình cờ đọc được. Ngày đó, mong Châu sẽ hiểu một điều, rằng bất cứ ở nơi rất xa có kẻ đang kiên trì gom từng mảnh vỡ để hàn gắn lại thành một tấm gương, với tất cả niềm tin và sức sống dẫu hắn biết gương đã vỡ thì không liền lại bao giờ.
Hùng

Xem Tiếp: ----