... Chiếc xe lửa cũ chạy cà rịch cà tàng trong đêm tối. Ngành đường sắt mới khôi phục chưa được bao lâu nên vẫn phải dùng tàu cũ, ray mòn, chỗ ngồi chỗ nằm khá chật chội và hỗn độn. Ngồi thu mình ở một góc toa là một người phụ nữ đứng tuổi. Bà ta còn khá đẹp, làn son phấn xoa khiêm tốn trên mặt làm bà càng sắc sảo dù chập chờn trong bóng đèn tàu vàng ệch. Người đi tàu chen lấn ép bà vào vách tàu. Bà cứ phải luôn tay kéo cái túi xách vào lòng, ôm chặt. Bà không dám ngủ vì sợ... điều gì đó không hay xảy đến. Bà nhìn bầu trời miền bắc chạy loang loáng qua cánh cửa, nói nhỏ: - Thế là mình sắp trở về Hà Nội. Gần 25 năm rồi còn gì. Năm 1954, Hà Nội giải phóng. Từ mấy ngày trước, đám học sinh đã rộn rịp hẳn lên. Chẳng còn sợ lính kín, mật vụ, ai cũng nói công khai về việc đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô. Thu Thủy - cô nữ sinh Trưng Vương - cũng như mọi người, nôn nao cả ruột gan, đạp xe chạy khắp nơi, nét mặt rạng rỡ. Ai cũng biết, cô chờ đợi đón bộ đội về giải phóng Thủ đô cũng là đón người anh ruột đi kháng chiến trở về. Thu Thủy có người anh trai tham gia Trung đoàn Thủ đô rời Nội từ đêm 19-12-1946. Chính vì vậy mà ba cô - Ông giáo Nhượng - bị chính quyền Hà Nội quấy rầy hoài. Ông biết nói thế nào được khi con trai ông theo tiếng gọi của non sông. Ông không đủ can đảm đi kháng chiến theo con, đã chạy tới Vân Đình lại quay về. Mấy năm sau này, nhờ ông Ký Hiếu - người bạn cố tri - có quen với phòng nhì nói giúp đôi lời, ông mới đỡ vất vả hơn. Thu Thủy - con gái ông giáo Nhượng - là một học sinh yêu nước, lòng luôn hướng về Việt Bắc, về người anh trai đi kháng chiến. Vì vậy cô hoạt động suốt đêm ngày cho phong trào học sinh kháng chiến... ... Một thanh niên xin phép bà trải miếng ni lông nằm dưới sàn. Bà biết sao được tàu chật mà ai cũng cần đi. Bà co chân lên ghế ôm chặt cái túi vào lòng... ... Thế rồi vào năm 1 952, cô Thủy và anh chàng Hữu con ông Ký Hiếu yêu nhau một cách nồng nàn. Hữu cũng tham gia phong trào học sinh kháng chiến khá tích cực. Nhưng đến đầu 1953, Hữu bị gọi đi trường võ bị. Cuộc đấu tranh giữa hai người bạn khá quyết liệt. Song lệnh gọi nhập ngũ rất gấp không cho phép Hữu dùng dằng. Anh hứa dù ở đâu làm gì cũng sẽ hết lòng hướng về kháng chiến, hướng về Cụ Hồ... Mấy hôm liền lo đón bộ đội về giải phóng, lo đón anh, Thủy vẫn nghĩ đến Hữu đang ở phương nam không biết anh ta đón tin này ra sao? Thủy giấu anh trai, không kể gì về anh chàng sinh viên ở trong Nam, cho tới ngày ông bà Ký Hiếu đi Hải Phòng. Cả nhà không cho Thủy đi theo. Thủy khóc rất dữ, hứa sẽ ở lại Hà Nội. Nhưng chỉ mấy ngày sau, do đấu tranh tư tưởng không nổi, nhất là khi cô em gái của Hữu lên Hà Nội thì thầm, đưa thư của Hữu từ trong nam gửi ra, thì Thủy bỏ nhà trốn đi Hải Phòng. Cô đứng nhìn Hà Nội lần cuối vừa khóc vừa nói thầm: - Hai năm, thống nhất Tổ quốc lại gặp nhau, Hà Nội nhé! ... Cô học sinh Trưng Vương ngày đó đã trở thành "Bà thiếu tướng Nguyễn Hữu" của quân đội Sài Gòn từ đầu những năm 70. Những ngày lên xe, xuống ngựa, sống giàu sang phú quý đã đi qua. Ngày 30-4-1975 khi lính bỏ chạy tán loạn thì tướng Nguyễn Hữu ngồi yên tại nhà. Ông xin được trở lại đời thường dù cách mạng xử ông tù tội thế nào cũng được. Chính bà lo sợ giục ông: - Hay... ta chạy đi. Mặt mũi nào gặp lại gia đình, các anh chị, bạn bè, nhất là ông đã trở thành tướng của quân đội Sài Gòn... Ông khăng khăng: - Tôi bỏ chạy một lần, bây giờ không chạy nữa. Bà biết, tôi cố gắng chạy vạy để làm tướng hậu cần, chỉ có tội bớt xén tiền viện trợ chứ không trực tiếp gây đổ máu. Tôi tin không bị bắn bỏ. Nhưng chắc chắn ở tù. Thế là cũng đủ lắm rồi... ... Người thanh niên nằm dưới chân bà tướng cũng không ngủ, hỏi giờ giấc hoài. Bà có ý không vui với người khách tự đến... ... Bây giờ "bà tướng" Thu Thủy đang ngồi xe lửa hạng bét này ra Hà Nội, để sáng mai chuyến xe lửa đi Bắc Giang. Ngồi trên tàu bà cố nén sự cay đắng của cuộc đời. Ông ra trình diện rồi đi cải tạo từ trại này sang trại khác, rồi bây giờ ra tận Bắc Giang. Đây là lần đầu tiên bà đi thăm ông bởi bà mới biết địa chỉ cụ thể. Sau giải phóng, bà cũng tính về thăm Hà Nội, thăm bà con một cách đàng hoàng, nhưng rồi ông đi cải tạo mấy năm liền. Vinh quang gì mà ló mặt về Hà Nội! Bà ở trốn trong một căn nhà nhỏ ở Gò Vấp, chỉ mong không có ai tìm. Bà cũng tính bao giờ ông ấy được ra trại, hẵng hay... Bà nuối tiếc năm tháng sống sung sướng trên đất Sài Gòn với nhà cao cửa rộng, một bước cũng không rời xe hơi. Bây giờ lang thang khắp nơi để thăm nuôi ông. Có người rủ bà đi vượt biên, song làm sao bà rời Việt Nam khi ông đang ở trại cải tạo? Bà yêu ông tha thiết và ông chưa h࠰hản bội bà, thì làm sao bà bỏ ông được. Lần này, bà đem cho ông ít quần áo, thuốc men và một chút tiền. Bà chưa hết tiền nhưng không biết phép tắc của cán bộ ở trại ra sao. Đem nhiều sợ bị phê bình, tịch thu, sợ cấm cho "tù" ăn sung sướng, sợ... sợ. Bà nhớ, trong thư ông viết: "Mong gặp được bà là quý rồi, đừng đem gì cho cực khổ, vướng bận". Đành rằng vậy, nhưng cũng có chút đỉnh cho ông ấy dằn túi. Bà mệt quá chợp mắt. Trong giấc mơ bà thấy hai người gặp nhau bên hồ Hoàn Kiếm, tung tăng như hồi còn đi học. Cả nhà đón họ, mở tiệc mừng trong tiếng nổ của sâm banh... Bà giật mình, tỉnh dậy. Đoàn tàu vẫn lăn bánh lạch cạch đều đặn. Nhưng người ngủ nhờ dưới chân không còn nữa. Bã vội vàng sờ vào túi xách. Một vết rạch bên cạnh túi để lòi cả quần áo bên trong. Mồ hôi bà vã ra như tắm. Kẻ khốn nạn kia đã móc mất túi tiền của bà lúc ngủ thiếp đi. Bà sững sờ như muốn đứng tim. Thế là hết, không còn tiền mua vé tàu đi Bắc Giang, không còn tiền đưa cho ông ấy. Bà biết dựa vào ai giữa thành phố quê hương, nhưng lại xa lạ... Bà tự trách mình, nếu giải phóng xong chạy về nhà thì bây giờ đâu đến nỗi khó khăn. Bà nhổm lên định tri hô. Song kinh nghiệm cuộc đời đã nhắc bà ghìm lại. Ai chứng minh cho bà đã mất tiền và mất bao nhiêu? Người ta sẽ buộc bà đến công an, lập biên bản, ghi lời khai. Rồi bà phải xưng là vợ một viên tướng ngụy Sài Gòn đi thăm chồng đang cải tạo, giữa một Thủ đô của "phía bên kia", ai sẽ bênh bà bây giờ? Bà ôm mặt hai hàng nước mắt trào ra. Ông Trời chắc hành bà cho thật đau đớn để trị tội đã bỏ đi khi cờ đỏ đã rợp trời Hà Nội. Đáng đời mày lắm, Thủy ạ! Nhưng chỉ tội cho Hữu đang ở trại cải tạo, chắc không thể nào đầy đủ như ở nhà. Mà trời Hà Nội đã sang đông... Một cô gái mặc bộ đồ xám của ngành đường sắt, mệt mỏi bước xuống toa đi ra cửa ga. Cô vừa hoàn thành chuyến đi vào Sài Gòn và trở ra cả tuần lễ. Chốc nữa, cô sắp gặp người mẹ già, bán nước trên vỉa hè. Cha cô đã hy sinh ở Sài Gòn khi đơn vị ông đến Củ Chi - mẹ cô nói như vậy. Hai mẹ con dựa vào nhau để đứng vững và đi tới. Đáng lẽ cô vào đại học, nhưng khi bố "đi B", cô phải bỏ học đi làm nuôi mẹ... Các bác, các chú nói: Cô đã góp phần cho ba đi đánh Mỹ. Đó là lời động viên thôi, còn mẹ con cô rất thiệt thòi khi không còn bố. Cô gái giật mình. Bên góc sân ga một người ngủ gật gà gật gưỡng. Bà ôm chặt túi đồ. - Bác ơi, Bác ơi! Cô gái lay lay: Bà khách choàng dậy. Đó là người khách vừa bị mất tiền. - Thưa chị, tôi nằm chờ để sáng đi Bắc Giang. Tàu Bắc Giang ngày mai chạy chậm. Bác phải tìm chỗ nghỉ rồi mới ra ga. - Tôi nằm tạm ở đây cũng được. - Không ai cho bác nằm ở đây đâu bác gái ạ. Bác tìm nhà quen nghỉ tạm rồi mai ra ga. - Tôi không có ai quen ở Hà Nội. Bà buộc phải nói dối vì bà đâu dám về nhà, dù rằng gia đình bà rất gần ga. - Vậy bác ra nghỉ ở nhà trọ trước cửa ga; sáng vào cho gần. Bà yên lặng. Một đồng cũng không còn trong túi làm sao vào nhà trọ! Cô gái thấy người khách lạ lúng túng, biết có chuyện không lành, vội nắm tay bà. - Sao thế hở bác, có chuyện gì rồi? - Nói thật với chị, tôi bị mất cắp, hết sạch tiền rồi. Bây giờ không biết sẽ ra sao! Bà khóc sụt sùi. Cô gái thật sự lúng túng. Cô nhìn kỹ người khách: Một người lịch sự, đẹp và giọng nói rất... Hà Nội, mà sao lại lâm cảnh này. - Bác là người Hà Nội phải không? - Tôi ở Hà Nội từ lúc bé, lớn lên ở trong Nam. Nên chẳng nhớ gì nữa, chẳng biết ai còn ai mất! Cô gái bỗng hoạt bát hẳn lên: - Bây giờ cháu nói thật với bác nhé. Bác ở Sài Gòn ra, bác ở trong Nam lâu thế thì bác phải nghe lời thành thật của cháu. Thứ nhất, cháu đáng tuổi con cháu, bác đừng gọi cháu bằng chị, như vậy không đúng đâu. Cháu tên Tuyết, Thu Tuyết bác cứ gọi là con bé Tuyết hay cháu Tuyết cũng được. Thứ hai, bác phải về nhà cháu nghỉ đêm nay thôi, ở đây người ta không cho ngủ, với lại bác ngủ bên hè không tiện đâu. Bác về với cháu nhé. - Tuyết à, cảm ơn cháu đối với bác rất chân tình. Nhưng cháu có biết bác là ai đâu mà cho ngủ nhờ. - Cháu biết chứ, bác là khách Sài Gòn ra Hà Nội đi Bắc Giang thăm gia đình. Bác phải chờ tàu sáng, lại bị kẻ gian móc túi... Đúng chưa nào? - Nhưng... nhưng cháu chưa biết hết đâu. Bác nói thật nhé... thà mất lòng trước được lòng sau. Bác là vợ một viên tướng Sài Gòn có tội với cách mạng đang đi học tập cải tạo ở Bắc Giang. Nào, bây giờ cháu có dám cho bác ngủ nhờ không? "Bà tướng" nhìn thẳng vào mắt cô gái Hà Nội. Cô bé cũng bất ngờ, lúng túng. Trời! Một bà tướng ngụy đang đứng trước mặt sao? Cô ngồi sụp xuống đất, gục đầu vào hai bàn tay. Ông tướng này có dính dáng đến cái chết của bố cô không? Ông ta có bắn súng, ném bom vào đơn vị bố cô không? "Bà tướng" hoàn toàn thất vọng khi thấy cô gái yên lặng. Tất cả bà con đều căm giận những người như chồng bà. Đúng thôi! Chống cách mạng thì khi cách mạng thắng lợi phải chịu tội, phải đi ở tù. Được tha chết là may! Nhưng bà buồn quá, nghĩ tới chỗ ngủ đêm nay và ngày mai nếu gặp được ông cũng chỉ còn hai bộ đồ ngủ... Bỗng cô gái đứng phắt dậy: - Bác đi theo cháu nhé. Cháu lấy xe đạp chở bác về. - Cháu đã nghe rõ chưa. Bác là vợ một viên tướng ngụy Sài Gòn. - Bác ơi, hết chiến tranh rồi, nhắc làm gì, chuyện tướng tá. Với lại... bác có đánh nhau đâu mà bác ngại. Còn bác trai thì đang ở trại cải tạo. Cháu đâu có... sợ bác. Bác chờ cháu lấy xe đạp nhé! Cô gái chạy ù đi.- Còn "bà tướng" thì nước mắt rơi lã chã. Cách mạng dạy dỗ lớp trẻ thế nào mà dễ thương như thế. Chẳng oán thù gì mà còn biết thương người, lễ phép. Người Hà Nội bây giờ cũng lạ thật. ... Bà mẹ của Tuyết vẫn còn ngồi bên quán nước trên vỉa hè bên cây đèn dầu bóng tròn như hột vịt. Thấy có khách, bà đứng dậy chào đon đả. Bà Thủy vội nói trước: - Tôi đi tàu bị mất hết tiền, không ở trọ đâu được định nằm ở ngoài ga. Cháu Tuyết rủ lòng thương nói cho về ngủ nhờ một đêm, sáng tôi ra ga sớm. - Cháu Tuyết làm thế là phải lắm. Tôi cũng mừng là cháu biết điều. Bà chị lớn tuổi rồi ngủ ngoài sương gió không được đâu. Khốn nỗi nhà tôi quá chật lại là dân lao động, ăn ở xuềnh xoàng, mong bà chị thông cảm. - Cảm ơn chị, có chỗ che sương là quý rồi. Tôi lỡ đường, thất cơ lỡ vận. Bà mẹ gọi con gái: - Con đưa bà đi tắm rửa rồi mời bà lên gác xép nghỉ tạm. Nhớ mở cửa thông gió cho thoáng với lại... nhắc bà cúi khom kẻo đụng đầu. Hai bác cháu thay nhau tắm rửa trong một phòng tắm chỉ hơn một mét vuông. "Bà tướng" thấy quá hạnh phúc và ấm cúng nhiều so với phòng tắm của bà lớn gấp mười lần. Hai bác cháu leo lên gác xép. Đó là một "tầng" sát nóc nhà. Leo lên thang gỗ phải cúi lom khom mới dám ngồi xuống. Một cánh cửa nhỏ mở ra đường. Trong góc phòng một chiếc quạt cánh cao su quay tít. Cô gái thủ thỉ: - Mùa này dễ chịu lắm bác ạ. Mùa nắng thì quá nóng, nhiều đêm muốn hụt hơi. - Thế mẹ cháu nằm đâu? - Bà già luôn nằm cái chõng tre kê dưới đất. Bà bảo nằm đó tiện cho bà đun nước, chuẩn bị năm giờ đã bán hàng cho người đi sớm... - Tuyết ơi - Bà mẹ gọi - Con xin bác cho mượn chứng minh thư để trình công an... Nói với các chú là em gái mẹ ở Sài Gòn ra thăm, nghe chưa! Cô gái đi rồi "bà tướng" tuột xuống nhà đến ngồi bên bà mẹ, xem bà bán nước chè. Bà mẹ kể lể với bà khách mới quen: - Hai mẹ con tôi tần tảo nuôi nhau cũng đủ sống bà ạ. Bố cháu hy sinh gần Sài Gòn, bốn ngày trước khi giải phóng. Thật tội, nếu bố nó còn sống chắc nó được học hành đến nơi đến chốn. Ai ngờ... Nó phải bỏ ngang rồi xin làm ở đường sắt. Học dở dang nên chỉ xin được chân quét dọn, phục vụ ở toa xe. Thấy con đẹp người, đẹp nết mà phải đi làm lao động, lắm lúc tôi xót quá. Nhưng rồi nghĩ lại: Có người làm việc này, có người làm việc khác. Đừng làm gì thất nhân, ác đức thì thôi. "Bà tướng" lại lúng túng. Bà có thể nói thật về mình với người bạn bán nước chè, người vợ liệt sĩ này không? Nói ra, bà ta có thể khinh mình, căm thù chồng mình không? Không nói thì Tuyết cũng sẽ nói, hóa ra mình là kẻ dối trá, phụ lòng tốt của bà. - Chị ạ, chị có giận tôi khi tôi là vợ một tướng ngụy không? Bà mẹ bán nước chè yên lặng, rót nước mời khách, rồi chậm rãi: - Lúc chị đang tắm, cháu Tuyết có nói cho tôi nghe rồi. Chúng ta là phụ nữ, đều bị thiệt thòi cả thôi. Tốt nhất là đừng có chiến tranh. Chồng tôi chết, chồng chị đi cải tạo. Cả hai chúng ta đều đau đớn... Bỏ qua đi chị nhắc lại chỉ thêm phiền lòng. Thật ra nỗi đau của tôi đã qua, còn nỗi đau của chị đang dằn vặt... Bà vợ ông tướng òa khóc, ôm lấy đôi vai người mẹ bán nước chè cũng đang trào nước mắt. - Chị ơi, sao chị tốt thế. Sao mẹ con chị tốt thế! Tôi không biết nói thế nào với chị. Người ta nói xấu người Hà Nội nhiều lắm, vậy mà... - Ôi dào, ở đâu chẳng có người xấu, người tốt. Như cái thằng ăn cắp tiền của chị, thật "chó cắn áo rách". Quân đội Sài Gòn cũng có người ác, người không ác, người xung phong đi lính chống cách mạng, người bị bắt đi lính... Mà cũng đã qua rồi. Gác chuyện đó lại. Cô gái quay về, mặt tươi rói, vừa chạy vừa hát. Hai bà mẹ vội chùi nước mắt, nét mặt cố tươi tỉnh. Tuyết liến thoắng: - Bác có thích uống chè không? Hôm nào đi tàu cháu cũng phải uống chè để thức mà canh chừng cho bà con ngủ ngon lành... Bà mẹ Tuyết rầy con: - Bố cô! Thức mà để bác gái mất tiền. Thôi đưa bác đi nghỉ đi. Cô gái vừa đi vừa cãi: - Bác ở toa bên cạnh chứ có phải ở toa con phục vụ đâu. Trời hửng sáng. Bà vợ ông tướng chợt tỉnh. Bà bò ra gần cửa thông gió, nhìn xuống đường. Người Hà Nội đã đi nườm nượp. Cũng không có ai ăn mặc sang trọng, có khi còn xuềnh xoàng nữa là khác. Bà đã nhận ra một đường phố quen thuộc. Bỗng bà giật mình nhoài sát cửa. Dưới mái đình kia, đã hai chục năm rồi mà vẫn như thuở đó. Vẫn bà bán bún nem cua có hàm răng đen nháy. Trước đây người bán nem tóc xanh mượt, mắt đen láy. Bao chàng học trò vừa ăn nem vừa tán cô bán nem xinh đẹp. Bây giờ người bán nem vẫn ngồi đó, chỉ khác là đã già đi nhiều. Bà bật cười. Cô học sinh Thu Thủy ngày xưa hay đến ăn nem, cũng đã ngoài bốn mươi rồi còn gì. Hà Nội giản dị thế, vẫn như xưa đâu có gì quan cách, xa lạ! Tại sao bà cố chấp, mặc cảm không dám về thăm nhà? Bố mẹ thì mất hết rồi, nhưng còn ông anh cũng là tướng cách mạng, bà chị cũng là cán bộ cao cấp. Họ có tha lỗi, có đón chào cô em gái hay hắt hủi, phỉ nhổ? Ôi giá biết rõ ông anh, bà chị cũng tốt như hai mẹ con người bán nước chè này, thì bà đã chạy ù về nhà. Nhưng bà đã biết họ đối xử với bà ra sao đâu mà trách móc, ngần ngại! Cô gái gọi "bà tướng" dậy để chuẩn bị ra ga. Bà bán nước chè đã đặt trên bàn một bát xôi bắp nóng hổi thơm mùi mỡ và hành phi. - Chị còn nhớ món này không? Đặc sản Hà Nội đó. "Bà tướng" ăn từng thìa xôi cùng nước mắt. ở Sài Gòn cũng có nấu xôi này nhưng sao không ngọt không thơm như bát xôi này! Hình như trong bát xôi có mùi... Hà Nội, bà không biết tả thế nào. Nhưng rồi tâm trí bà lại lo cho chuyến đi lên Bắc Giang khi trong túi không còn tiền. Bà sẽ nói thật và xin ngành đường sắt cho đi tàu không mất tiền, nhưng chả lẽ gặp ông ấy với hai bàn tay trắng? Bà mẹ rót cho "bà tướng" một tách nước chè vàng xanh, nóng hổi. Bà nắm chặt tay "bà tướng": - Cháu Tuyết sẽ đưa chị ra ga và gửi gắm anh em để chị đi đến nơi đến chốn. Mẹ con tôi nghèo làm, nhưng tình cảnh của chị lại đang khó khăn hơn nhiều. Tôi còn một ít tiền đủ cho chị mua vé lên Bắc Giang và mua vé từ Bắc Giang về Sài Gòn. Chị cũng đủ tiền đưa cho anh ấy tiêu vặt cho đỡ tủi. Cháu Tuyết có mua cho anh ấy ít thuốc lào. ở trong đó hút thuốc lá người ta nói cho... "Bà tướng" xô ghế, quỳ ngay xuống đất, chắp hai tay: - Tôi không biết nói gì để cảm ơn chị. Xin lạy chị để tỏ lòng mình. Bà mẹ bán nước chè lật đật nâng "bà tướng" đứng dậy. - Chị là người có học, người hiểu biết sao lại làm điều đó. Tình nghĩa mới đáng trọng, đồng bạc có nghĩa lý gì đâu! Tôi biết chị thất cơ lỡ vận mới ra nông nỗi này, chứ chị đâu có thiếu thốn gì. - Tình nghĩa của hai mẹ con chị và mấy chục bạc này còn quý hơn triệu lần cơ ngơi của vợ chồng tôi. Tôi rất hổ thẹn về việc những năm qua đã nghĩ không đúng về người Hà Nội... Cô gái từ ngoài phố chạy về, trên tay có một bánh thuốc lào đen nhánh... "Bà tướng" đã về đến Sài Gòn. Vừa đến nhà, bà lên ngay phòng ngủ mở tủ lấy tiền rồi kêu xe chạy ra bưu điện Sài Gòn. Bà muốn gửi tiền để trả cho mẹ con cô Tuyết, bởi bà tin rằng bà mẹ bán nước chè đã phải đi vay mượn đâu đó. Bà lấy một xấp lớn tiền, gấp mười lần số tiền bà mẹ Hà Nội đã đưa cho bà. Bà biết rằng có gửi gấp trăm lần số tiền đó cũng không xứng đáng với tấm lòng của mẹ con bà bán nước chè. Bà viết số tiền gửi rồi viết vài lời cảm ơn mẹ con cô Tuyết. Bà tin rằng hai mẹ con người bán nước chè sẽ có thêm một số vốn để vượt qua khó khăn. Bỗng bà giật mình. Bà điên rồ hay sao? Tại sao bà lại nghĩ ra việc làm ngu xuẩn này? Tấm lòng của mẹ con cô gái Hà Nội đáng giá ngàn vàng thật, nhưng bà không thể dùng tiền để trả nghĩa! Sao bà dám xúc phạm đến tấm lòng của hai mẹ con cô gái? Bà vò xé tờ giấy gửi tiền đã ghi địa chỉ, rồi xin một tờ giấy khác. Tay bà run run, viết: "Vợ chồng tôi chân thành cảm ơn chị và cháu Tuyết. Tôi xin hoàn lại số tiền chị đã cho tôi mượn hôm rồi. Ngàn vạn lần cảm ơn tấm lòng vàng của chị và cháu, của người Hà Nội..." Mắt bà lại nhòe đi, không thấy rõ chỗ ký tên...