Ăn uống xong xuôi, tôi ngồi chơi thêm một lát rồi đeo bao lô, chào mọi người, rồi cúi mình ra khỏi nhà sàn, đi xuống bậc thang một cách khoẻ khoắn. Bao nhiêu nhọc mệt của một ngày đi đường sau khi tắm suối, ăn uống no nê, duỗi chân ngồi nghỉ bây giờ đã biến mất. Bây giờ tôi có thể đối phó với bất kỳ tình cảnh nào, vì đầu óc đã tỉnh táo và biết được, hay đoán được những khó khăn trước mắt hay những âm mưu có thể nguy hại đến bản thân. Phàm thần kinh con người dễ mệt mỏi khi âu lo, suy tư mà không biết mình phải làm gì, hay kẻ thù là ai, chứ một khi trực diện rõ ràng thường mọi sự dễ dàng hơn không làm mình lo lắng mệt mỏi. Như người tưởng mình bị mắc bệnh viêm gan B hiểm nghèo được bác sĩ báo là dù bệnh viêm gan tuy trầm trọng nhưng nếu kiêng cữ rượu bia thì cũng không đến nỗi nào, con vi khuẩn dù có trốn trong gan, trong lá lách mà người bệnh biết ăn uống điều độ biết giữ gìn sức khoẻ thì con bệnh đó chỉ nằm chờ thôi, chứ không gây hề hấn gì, tôi đã đoán biết anh Minh và cô Hồng Loan là gì ai, đang làm việc gì, thì họ đối với tôi không còn đáng sợ nữa. Cái may của tôi là họ không biết tôi biết họ, nên mọi động tác sau này nếu có xảy ra phải là do tôi chủ động chứ không phải do họ chủ động nắm được tình hình. Tôi như còn nằm trong bóng tối, còn họ đang nằm trong ánh sáng. Chỉ cần tôi đừng chủ quan, chỉ cần tôi đề cao cảnh giác là tôi có thể lọt khỏi vòng lưới dòm ngó của những người theo dõi. Tôi về tới Phòng Giáo Dục thì trời chưa tối hẳn, những rạng mây đỏ ối xa xa về phía tây sau lưng tôi. Tôi cười thầm. Đời giáo viên miền núi tuy khổ thật, nhưng chẳng mấy ai được nhìn những cảnh núi rừng, những hoàng hôn tuyệt đẹp như chúng tôi. Những người quen sống nội tâm dễ tìm được nguồn vui trong thiên nhiên kỳ thú này. Tôi lững thững bước đi trên đường lộ thanh vắng, đã về chiều nên không còn xe đò tới nữa. Bên tay trái là bệnh xá huyện, bên tay phải là Phòng Giáo Dục. Đứa con hoang đã trở về. Tôi nhìn đèn sáng sau Phòng Giáo Dục là biết mọi người đang ăn tối dưới bếp. Tôi đi thẳng vào phòng ăn chào hỏi mọi người. Mọi ngày đông đủ thì có bốn cô bảy chàng kể Cả tôi, hôm nay chỉ có hai chị, bốn anh và tôi vừa về đến. Anh Nhật, chị Hiệp, chị Chức, anh Ít, anh Bài, anh Khoa ào ào hỏi tới tấp, tôi không kịp trả lời. Đứa em út đi lang bạt giang hồ trở về có khác. Chị Chức, chị đầu bếp nói: -- Quang, em đưa bao lô lên phòng rồi xuống đây ăn, chị nấu dư hôm nay, vì anh Hưng, anh Giáp, cô Nhung và cô Hương về thị xã đột xuất! Tôi cười: -- Em ăn ở làng Nang rồi mới về! -- Không, hôm nay có món thịt heo hầm với bí xanh ngon lắm, em phải ăn mới được! -- Sang quá ha! Chị có gì mừng mà đãi anh chị em trong phòng ngon thế? -- Chị có đãi đâu! Anh Nhật đãi sinh nhật chị Hiệp đó! Nói cho đúng cô Hiệp mua đồ từ thị xã lên đãi mọi người đó! Chị Chức vừa nói vừa nháy mắt như thầm bảo tôi phụ hoạ vào chọc anh Nhật và chị Hiệp. Cũng chẳng lạ gì vì trong Phòng Giáo Dục ai cũng biết anh Nhật có cảm tình riêng với chị Hiệp. Chị Hiệp hiền và dễ thương nên chuyện anh Nhật xa gia đình lâu có cảm tình với chị cũng dễ hiểu. Tôi qúi chị như một người chị ruột, nên cũng quan tâm lắm vì biết anh Nhật đã có gia đình ở ngoài Bắc. Nhưng đang lúc vui tôi cũng chêm vào: -- Thế hoa đâu? Anh Nhật này thật! Đãi ăn thì tốt cho anh chị em trong Phòng, nhưng sinh nhật chị Hiệp phải có hoa chứ? Anh Nhật da ngăm nhưng bấy giờ cũng đỏ mặt vì sự nghịch ngợm của tôi: -- Cái đó phải nhờ tới cậu thôi, ở đây có hoa gì đâu mà hái, hoa cúc quỳ hở? -- Được anh chờ em! Tôi bỏ bao lô xuống, chạy ra sau chuồng gà, nơi mát và khuất nắng lẫn gió nhờ những tàn cây to che, chỗ tôi treo những cành phong lan, khấn thầm một vài nhánh đã nở, không thôi thì xệ chết! Cũng may, một nhánh lan tím đã nở khá nhiều bông, còn một nhánh vàng thì mới nở có mấy bông thôi. Tôi ngắt hai bông vàng ra, rồi cầm luôn cả nhánh lan tím vào nhà bếp, trước mắt ngạc nhiên của mọi người. Đúng là mấy hôm tôi đi vắng, chẳng có ai ngó ngàng tới chuồng gà của tôi cả, chắc không ai lục lọi trứng gà của tôi rồi. Tôi đưa cành hoa tím giao cho anh Nhật, rồi gắn một bông lan lên tóc chị Hiệp còn một bông giao cho chị gắn lên ngực làm chị đỏ mặt tía tai. Tôi nói: -- Quà của em tặng chị Hiệp là hai cánh phong lan, còn cụm phong lan tím là phần anh Nhật. Anh Nhật nói gì đi! Anh Nhật cười, vẫy tay xua tôi: -- Các cậu miền Nam này, lôi thôi quá! Gặp cậu Quang lại càng rắc rối! Nói gì bây giờ? Anh đưa cành lan cho chị Hiệp: -- Cậu Quang có lòng giúp anh tặng cành lan này cho em đó! Chị Hiệp càng đỏ mặt, nhưng qua ánh mắt của anh Nhật và chị Hiệp, tôi đoán biết anh chị có tình ý với nhau lắm! Điệu này tôi khỏi phải giải thích lôi thôi chuyện tôi lưu lại ở làng xa quá thời hạn. Chị Chức đem chén lên cho tôi bảo tôi ngồi xuống ăn cơm, tôi nói: -- Thôi, chị cho em một tô súp nha. Em ăn cơm no rồi! -- Ờ ờ, để chị lấy cho. Vừa ăn tôi vừa nói chuyện cả làng Tung Breng bị bệnh, rồi chuyện săn trâu cũng như tình hình dạy học trong các làng coi như là lý do tôi bị lưu lại. Anh Bài nói: -- Cậu về có khác, phòng vui nhộn hẳn lên. Mấy hôm vắng cậu, im lặng lắm! -- Tại các anh không chịu nói đó chứ! Em bây giờ nói bù lại mấy ngày công tác một mình không có ai để nói chuyện đây! -- Cậu mà không nói! Tớ biết tỏng cậu rồi, cậu lại huyên thuyên với dân làng thôi. -- Thế mấy anh có gì lạ? -- Không, chẳng có gì lạ cả. Anh Khoa hỏi tôi: -- Ê cậu Quang nè, hôm nọ tớ đi qua vọt nước, có mấy cô đang lấy nước ở vòi, tớ xin nước uống mà sao họ bỏ chạy tuốt về làng, la ó ầm ĩ. -- Thế anh xin nước làm sao? Tiếng Việt hay tiếng Thượng? -- Thì tiếng Thượng, ông thầy Nhân chỉ tớ. Tớ hỏi ông Ít ông chỉ cười mà không nói gì hết. -- Anh nói lại cho em nghe xem. Anh Khoa lập lại câu tiếng Thượng được thầy Nhân chỉ: -- Pha câu mạ sầu. Cũng may tôi vừa nuốt ngụm canh xong, mà tôi bật cười thiếu điều rơi khỏi ghế, ho sặc suạ. -- Tớ nói cái gì vậy mà cả ông Ít lẫn cậu khi nghe là cười ầm! Tôi ôm bụng nín cười: -- Để tí nữa lên phòng anh, em giải thích! Số là anh Bài, anh Khoa đều là những giáo viên miền Bắc được bổ sung vào huyện Chư Pah phụ với anh Nhật, anh Bài giữ chức bí thư của phòng, còn anh Khoa làm phó trưởng phòng. Hai anh không biết tiếng Thượng, lại cũng ngại anh Nhật vì anh Nhật là trưởng phòng đã ở cao nguyên từ những năm chiến tranh. Cũng là miền Bắc cả, nhưng cũng không thân với nhau lắm, có lẽ vì tính tình khác hay phân biệt kẻ chiến đấu người hưởng lợi thành quả hoà bình. Anh Khoa thì nghiêm trang, tính tình rất được, còn anh Bài thì láu táu hơn, chơi vui, nhưng thỉnh thoảng gặp cặp mắt anh liếc lén trông sợ lắm, giống như anh lúc nào cũng tính toán hạ thủ mình lúc nào không ngờ. Mấy chị ngồi đó cũng xen vào: -- Nói cho mọi người cùng nghe đi nào. -- Không được, nhất định không nói lại ở đây được mà! Các anh các chị lại càng tò mò vặn hỏi tôi, tôi lắc đầu quầy quậy: -- Thôi các anh chị ăn xong rồi lên kia nói chuyện đó sau đi. Tôi tìm cớ nói sau rồi tính chút nữa tôi viện lý do mệt đi ngủ sớm để khỏi phải nói chung cho mọi người nghe, chỉ nói riêng cho anh Khoa thôi. Ai ngờ anh Nhật xen vào: -- Cậu Quang mắc cở không nói được là phải rồi! Ông Khoa nói: "Cho tôi bóp vú!" thì mấy bà mấy cô Jrai chạy toé đái chứ còn gì nữa. Tôi sửng sờ kinh ngạc, không phải tôi không biết anh Nhật biết tiếng Thượng, nhưng không ngờ anh huỵch toẹt nói chuyện đó trước mặt các chị. Cả phòng ăn phá lên cười ầm ĩ, anh Khoa đỏ mặt nhưng cũng cười thật lớn. Tôi cũng hết nhịn nổi lăn ra cười thoải mái. Anh Khoa cười xong, lại gần hỏi tôi: -- Ông Nhật không đùa chứ hở? Thật vậy đó sao? Tôi gật đầu, nói: -- Đúng ra, anh phải nói: "Pha kau nhum ea!" thì mới là cho tôi uống nước! Anh Khoa nói: -- Mẹ, cái ông thầy Nhân đểu giả thật! Nó mà mang xác về đây phải bầm cho nó nhừ tử! -- Thôi anh, có lẽ anh Nhân đùa quá lố một tí, bỏ qua đi. Lâu lâu cười một tí cho vui thôi mà. Chuyện của thầy Khoa từ đó trở đi thành một giai thoại, và từ đó thầy Khoa cũng không dám mó mé học tiếng Thượng nữa. Thầy chỉ lo việc văn phòng, và giảng dạy giáo viên chứ không dám đi vào làng bập bẹ tiếng Thượng nữa. Nhiều lần tôi chỉ thầy, thầy cười nói: -- Học với cậu thì được, nhưng bố tớ tớ cũng không dám tin ai! Học ngôn ngữ nào cũng vậy, phải thực hành thì mới tiến. Chứ học mà để đấy thật dễ quên. Không nói những chữ đã học thì chẳng bao lâu chẳng nhớ gì! Tối thứ Bảy đó, tôi lên phòng trao đổi với anh Nhật anh Ít một số ý kiến về chương trình huấn luyện giáo viên vào ngày thứ hai. Tôi còn một ngày hôm sau là ngày chủ nhật tha hồ chuẩn bị. Tôi mừng là chuyện về trễ của tôi không bị ngăn trở gì, vì tôi về đúng ngày sinh nhật chị Hiệp và chuyện cười việc xin nước của thầy Khoa làm không khí trong Phòng Giáo Dục thật thoải mái và cởi mở. Khi tôi đứng dậy về phòng, anh Nhật nói: -- Xong khoá huấn luyện giáo viên, tớ cho cậu về thị xã một tuần đó. -- Để xem anh, em còn phải lên lại làng Tung Breng dịp trăng rằm này. Họ cúng Giàng, kêu em lên uống rượu, ông trưởng làng cũng nhờ em mua ít đồ đưa lên đó! Thành thử em có về cũng vài ngày thôi! -- Cậu sướng quá nhỉ? Đi đâu cũng được mời ăn. -- Thì anh dịp đó đi lên với em luôn cho vui, coi như là đi thanh tra đó! -- Ừ, để mình bàn với Hiệp và các anh Khoa, anh Bài xem sao. Tôi giật mình, định mời tích cách xã giao mà không ngờ anh ấy có thể đi chung thanh tra với tôi trên đó. Thế là tôi cũng khó xoay sở rồi. Tôi cười trừ, cầu thầm là anh Nhật không đi được. Thấy anh Nhật chị Hiệp vui tôi lại nhớ tới Nhung, Du. Chút nữa tôi lại lấy nhật ký Nhung ra đọc rồi ôm vào lòng ngủ rồi.