Từ lâu rồi chị chưa về quê chồng, chỉ vì chốn ấy còn người chị ruột của chồng cay nghiệt, vì những vết hằn cũ chị chưa thể quên. Những ngày đầu rời thị trấn về làm dâu nhà họ Đoàn, chị đã khóc cạn nước mắt. Nhà anh ở mom sông, một bên đồng lúa hun hút, đêm đêm đom đóm lập loè, côn trùng ra rả như oan hồn... chị sợ hãi và nhớ nhà quay quắt. Ban ngày chỉ một cơn mưa thôi là đường sá nhão nhoét, đi lại lơ mơ ngã chổng vó. Biết phận làm dâu, trời chưa rõ mặt người chị đã bật dậy quét lá sàn sạt ngoài ven sân, quần xắn tận gối, xách nước giội chuồng heo rào rào. Thế mà người chị chồng bóng gió: "Con dâu báo hiếu mẹ chồng/Nấu canh lưỡi rồng bỏ ớt cho cay". Mẹ chồng chị đã mất sớm. Bữa nọ chị ngồi bới cơm cho cả nhà, cha chồng húp canh, ông nhăn mặt, dằn chén xuống mâm quát: "Đứa nào nấu canh?". Chị giật mình đánh thót, lí nhí: "Dạ, con ạ!". Ông cụ mặt giận hầm hầm, ném cái nhìn về phía con trai: "Thằng ba, vợ mày đảm quá hở?". Chị húp canh mặn đắng đầu lưỡi, tái mặt. Chị nhìn anh, nước mắt trực trào ra. Ai là thủ phạm bỏ muối vào canh để hại chị, chị đã rõ. Buổi chiều. Chị trốn ra bờ sông ngồi khóc một mình. Anh đi tìm, lau nước mắt vỗ về: "Ráng chịu em à! Rồi nay mai chị ấy cũng theo chồng". Chị thương anh, đau đáu chờ cái ngày anh nói, nhưng cứ xa vời vợi. Chị chồng là gái lỡ thì, nhưng còn đẹp mặn mòi. Thân hình thon thả, tóc xoã lưng ong, mặt đẹp như ngọc, chỉ phải tội vành môi hơi dày. Một lần trong đêm trăng, tình cờ chị nhìn thấy chị ấy tắm ngoài thềm giếng, chị ngẩn người trước vẻ đẹp thuần khiết của người thôn nữ. Chồng chị kể: Ngày trước, chị của anh cũng có một mối nặng tình với người con trai làng bên. Anh lực điền nhờ người đến dạm hỏi cô con gái rượu thầy Bảy - ông cười khanh khách: "Thằng nào muốn lấy con gái của ông thì phải gấm lót đàng, vàng lót ngõ". Anh trai quê bị người ta chê nghèo, quẫn chí bỏ nhà đi biệt. Từ ngày có em dâu lo việc nội trợ hàng ngày, chị ấy chuyên chú giúp cha chồng viết vào những mảnh giấy cỏn con ngày giờ cưới xin, cất nhà, vét giếng cho thiên hạ... cha chồng chị suốt ngày giương mục kỉnh, tay thấm nước bọt lật từng trang sách mỏng dính đã ngả sang màu ố vàng, tỉ mẩn đối chiếu ngày giờ, cung mạng... cho thân chủ của ông. Khách đến coi ngày nườm nượp, chị chồng lo thu bạc vuốt phẳng phiu từng tờ một cất kỹ vào chiếc hộp gỗ mun đen. Nhà chị được coi sung túc nhất làng nhưng chị không biết nên vui hay nên buồn. Chị chồng bẩn tánh bao nhiêu thì cha chồng khó tánh bấy nhiêu. Ngày nào coi được bao nhiêu người? Bao nhiêu tiền? Cha chồng chị dặn cô con gái nhất nhất ghi chép cẩn thận vào sổ, cuối tháng ông tra xét lại, một phần chi dùng cho gia đình, còn của dư, của để ông giao hẳn cho cô con gái sắm vàng cất giữ. Một hôm không hiểu bà chị tính toán sổ sách vòng vo thế nào bị cha mắng sa sả: "Mi là đồ con gái hư, ăn phí cơm. Tao mà biết mi ngu đần thế này thì hồi bé tao bóp mũi cho rồi". Trông bà chị chồng quen thói hoạnh hoẹ, chanh chua giờ bị mắng mỏ khóc sướt mướt, chị hả hê trong lòng. Năm ấy tự dưng bướm vàng phía núi bay ra thành đàn nối đuôi nhau dài dằng dặc suốt mấy hôm liền. Sáng nào chị cũng đứng bên hàng dâm bụt đỏ hoa xem bướm bay vàng trời, lòng bồi hồi nhớ đến anh... Anh đi học ở xa. Việc nội trợ, việc đồng áng đều một tay chị cáng đáng. Cha và chị chồng thì miệt mài với các nghề hái ra tiền bằng dịch vụ coi ngày. Thế rồi vào một buổi sáng, đàn bướm cuối cùng bay qua, chị bỗng nghe chị chồng khóc ầm ĩ, chạy vội vào nhà, bà chị chồng ôm chầm lấy chị khóc ngất: "Mợ Ba ơi! Cha mất rồi!". Đó là lần đầu tiên chị ấy thể hiện tình cảm chân thật với chị. Chị sụt sùi khóc, gỡ tay chị chồng, bước lại giường giở chiếu, tay đặt lên trán cha chồng - xác ông đã lạnh ngắt. Có lẽ ông trút hơi thở vào lúc nửa đêm. Chị biết từ lâu, tuy không nói ra nhưng cha chồng cũng thương chị tần tảo, chịu đựng. Tánh ông nghiêm khắc ngay cả với con cháu. Nho giáo thấm sâu vào máu thịt ông và con gái. Kể ra hiếm có người đàn ông nào vợ mất sớm chịu cảnh gà trống nuôi con đến cuối đời như cha chồng chị. Nhìn ông nằm đó, nghĩ đến đời người, chị thấy xót xa. Anh về, bệu bạo khóc, nhờ bà con hàng xóm quật heo tạ cúng cha và cảm ơn dân làng. Dẫu sao cũng tiếng thầy Bẩy... không có mâm cơm mời dân làng trước lúc an táng, họ cười cho... Anh nói trần trụi như thế với bà chị, may sao bà chị nổi tiếng bủn xỉn cũng biết bảo: "Tuỳ cậu, muốn tính sao thì tính để trả hiếu cho cha". Bà vừa nói vừa khóc, tiếng khóc ai oán, lấn át tiếng nhạc bát âm nức nở tang tóc. Mãn tang cha chồng, vợ chồng chị mua nhà ở thị trấn xin ra riêng. Chị chồng ngờ chị xúi bẩy, mắng chị như tát nước vào mặt: "Tao nói cho mà biết, mi là con em dâu bạc nghĩa, bạc tình. Mi xúi giục chồng bỏ quê cha đất tổ. Thằng Tánh nó u mê mới nghe lời mi. Nó không hiểu thà sống chuồng heo còn hơn theo quê vợ". Bà ta còn dằn mạnh từng lời: "Ba con chưa gọi là chồng, mi hãy nhớ lấy". Chị câm lặng, uất nghẹn xách gói ra khỏi nhà. Chị thề sẽ không bao giờ trở lại quê chồng. Ngày chị Hai mất, các con bận đi học xa, vợ chồng chị hối hả đón xe về quê. Dọc đường mỗi người đeo đuổi một ý niệm riêng. Chắc anh đau lòng lắm? Nhìn gương mặt rầu rầu của anh, chị đủ hiểu. Nhà có hai chị em giờ chỉ còn mình anh. Bao năm rồi, mỗi lần đến giỗ chạp, chị mua các thứ cho cha con anh mang về quê. Sự hờn giận đối với chị chồng cũng đã nguôi ngoai, song chị lại có mặc cảm, ngại tiếp xúc với bà con hàng xóm, nên do dự chưa về. Mỗi lần cha con chị dắt díu nhau mang bánh trái ra bến xe, anh đều nói duy nhất một câu: "Em giận chị Hai dai quá!". Chị tránh cái nhìn buồn bã của anh: "Khi nào chị Hai qua đời, em sẽ về chịu tang". Nói thì nói vậy, nhưng thâm tâm chị dự định một ngày gần nhất chị sẽ về nối lại tình cảm chị em. Vậy mà không kịp...". Chị Hai ơi! Vong linh chị hãy tha thứ cho đứa em cố chấp, bạc bẽo này". Anh ngồi bên cạnh đâu hiểu cơn bão lòng đang dâng lên từng đợt cồn cào trong chị. Anh ôm bờ vai chị, mấy ngón tay cứ xoa xoa, thì thầm: "Chắc em hết giận... nghĩa tử là nghĩa tận em à!". Chị oà khóc... Mọi người trên xe tò mò nhìn sang. Mặc, chị khóc như chưa bao giờ được khóc. Về đến đầu làng, chị ngẩn ngơ như người mất hồn. Ôi! Bướm vàng! Đàn bướm dài vô tận bay lao xao trong nắng. Và nữa, hoa dâm bụt bên đường nhà ai nở rộ một màu đỏ nhức mắt. Khi vợ chồng chị bước vào sân, mọi người im bặt. Có ai đó kêu lên: "Trời ơi! Mợ Ba về đấy ư?". Chị ào vào nhà, thả cái sắc xuống, lật chiếu nhìn mặt, ôm lấy xác chị chồng oà khóc: "Chị Hai ơi!". Chừng ấy năm xa cách, không ngờ chị chồng chị tiều tụy quá! Tóc ngả màu muối tiêu, nét mặt khắc khổ, ốm yếu. Ngày xưa, trước biến cố đau thương, chị chồng ôm chị với vòng tay ấm áp. Giờ chị ôm chị chồng thân xác lạnh băng, anh thì ngồi ôm đầu, nước mắt ràn rụa. Ngay khi ấy, cụ già ở cạnh nhà bê chiếc hộp dán giấy trắng kín bưng, từ từ tiến lại: "Vợ chồng thằng Ba ơi! Trước khi qua đời, chị Hai bây nhờ già chuyển lại cho con Ba cái này!". Bàn tay chị run run gỡ từng mẩu giấy, nước mắt rơi lã chã. Nắp hộp bật ra, trong đó có một tờ giấy gấp tư và một túi vải. Chị không thể nhầm, đó là nét chữ của người chị đã quá cố, có những dòng đã ướt nhoè nước mắt: "Thành ơi! Mợ Ba ơi! Khi em đọc những dòng chữ này thì chị đã về cõi vĩnh hằng. Chị biết em còn oán giận chị. Chị đã đối xử không công bằng với em trong những năm tháng em về làm dâu... Chị ngàn lần mong em tha thứ cho chị. Lớp người của chị quen sống trong khuôn mẫu gia giáo... nỗi bất hạnh của chị... khiến cho chị bảo thủ, khắt khe... Thành ơi! Những năm tháng cuối đời chị mới thấm thía hết nỗi cô đơn của đời người. Bấy lâu chị giữ số vàng của cha, chị xin chia làm ba phần: Hai phần cho hai cháu khi lập gia đình. Phần còn lại chị gởi cho vợ chồng em thay chị cúng giỗ cha, hương khói ông bà. Chị nguyện cầu cho hai em sống hạnh phúc bên nhau suốt đời...". Chị lại vạch chiếu ôm lấy xác người chị chồng khóc thảm thiết. Người ta xúm lại gỡ tay chị ra, dìu đi nơi khác vì đã đến giờ thành phục. Bên tai chị vang lên tiếng nhạc bát âm réo rắt và mùi hương trầm ngào ngạt.