Người Việt Nam ngày nay không ai không thuộc tích "con Rồng cháu Tiên", và cũng không ai lại không rõ Rồng ở đây là Lạc Long Quân, còn Tiên tức Âu Cơ. Đấy dường như là một chân lý mà tất cả các tư liệu về sử học cũng như văn hóa đều khẳng định một cách vững vàng như đinh đóng cột. Việt sử toàn thư của Phạm Văn Sơn, chẳng hạn, viết "Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc có trăm trứng nở ra 100 con trai, nửa theo mẹ lên núi, nửa theo cha xuống bể Nam Hải, vì mẹ là giống Tiên, và cha là giống Rồng" (tr. 38). Song le, việc Lạc Long Quân là giống Rồng thì chẳng có gì phải bàn cãi, còn Âu Cơ có thật thuộc giống Tiên chăng? Về Kỷ Họ Hồng Bàng, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, các bộ cổ sử nước ta còn lưu giữ được cho đến nay, trừ Đại Việt sử lược, đều chép tương tự nhau, như Đại Việt sử ký toàn thư, phần Ngoại Kỷ, quyển một, chép về Kinh Dương Vương như sau: "Xưa, cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua... phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ... Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân" (tr. 3). Về tích trên, truyện họ Hồng Bàng, sách Lĩnh Nam trích quái, cũng ghi: "Kinh Dương Vương có tài đi dưới Thủy phủ, lấy con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước" (tr. 1). Như vậy, có thể thấy Kinh Dương Vương mang trong mình một nửa dòng máu tiên, vì có mẹ là tiên nữ, do thế nên mới có tài chu du thủy phủ mà cầu hôn con gái của Động Đình Quân Thần Long. Đến Lạc Long Quân thì ngoài dòng máu tiên lại có thêm cả... máu rồng, thừa hưởng từ mẹ. Như vậy, chính Lạc Long Quân đã là "con Rồng cháu Tiên" rồi vậy. Về phần Âu Cơ thì sử sách đều ghi rõ bà là con của Đế Lai, cháu Đế Nghi, mà Đế Nghi thì chẳng phải ai khác, chính là con Đế Minh và anh ruột Kinh Dương Vương. Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư có luận rằng "Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao? Xét sách Thông giám ngoại kỷ nói: Đế Lai là con Đế Nghi; cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?" (tr. 4). Cứ theo như thế thì Âu Cơ chỉ là một công chúa bình thường, dù có theo quan niệm người xưa mà đồng hóa vua với rồng chăng nữa, thì cũng chỉ có thể bảo bà là giống rồng, chứ không có liên hệ gì với tiên cả. Đến đây, sẽ có những ý kiến "biện bác" cho dòng dõi nhà tiên của Âu Cơ, viện lý rằng bản thân Lạc Long Quân cũng công nhận vợ mình là... tiên. Thật vậy, Đại Việt sử ký toàn thư (tr. 3), cũng như các bộ sử về sau như Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều thuật lời của Long Quân nói với Âu Cơ "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Song thiết nghĩ nước ta từ thuở hồng hoang, trải mấy ngàn năm cho đến đời Trần mới có người chép quốc sử, lại sang tới Lê, phần huyền sử đời Hồng Bàng mới được thêm vào, thế thì có nhiều khả năng cái quan niệm sai lầm rằng Âu Cơ là tiên đã phát sinh chính trong "thời kỳ đen tối" ấy. Truyền thuyết truyền miệng, tam sao thất bổn là chuyện không thể tránh; các sử gia có lẽ do không cẩn trọng nên đã "bê" câu "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên" vào sử, góp phần củng cố thêm cho cái sai, trong khi thực tế cụm từ "con Rồng cháu Tiên" được dùng để chỉ về một mình Lạc Long Quân, vốn có mẹ là Rồng (con gái Thần Long) và bà nội là Tiên (con gái Vụ Tiên). Vì Lạc Long Quân được coi là tổ của dân tộc ta, nên người Việt ta cũng được tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên vậy. Nhân đây cũng xin bàn thêm, nói về chuyện Âu Cơ và Lạc Long Quân chia tay, mỗi người mang theo 50 đứa con, chúng ta vẫn thường nghe kể và thường được đọc đại khái rằng 50 người con theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi, trong đó những người đi theo Lạc Long Quân đã lập nên nước Văn Lang. Song, cũng giống như chuyện Âu Cơ là tiên, thiết nghĩ đây cũng lại là một lầm lẫn, vì nếu quả như 50 người con đi theo Long Quân lập nên nước Văn Lang thì hẳn vương quốc này phải nằm dưới... thủy phủ. Dĩ nhiên có những lập luận cho rằng "xuống biển" ở đây là xuống những vùng đồng bằng, duyên hải ven biển, nhưng nếu là như thế sao không nói rõ ra, mà lại mập mờ "xuống biển" đánh lận con đen? Thực ra, theo như đúng truyền thuyết cổ xưa thì nước Văn Lang là do 50 người con đi theo mẹ Âu Cơ lập nên. Lĩnh Nam trích quái, bộ sách sưu tầm các truyền thuyết đất Việt, chép rất rõ "Long Quân nói "...Ta đem năm mươi con về Thủy phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên". Trăm con vâng theo, sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang" (tr. 1). Sở dĩ có chuyện "đổi trắng thay đen" là do các sử gia sống trong thời phong kiến phụ hệ đã bóp méo truyền thuyết, như Ngô Thời Sỹ đã chỉ ra trong Việt sử tiêu án, phần chép về Lạc Long Quân: "Trong truyện lại chép: Lạc Long cùng với Âu Cơ chia con ra mỗi bên một nữa, theo cha mẹ lên núi và xuống bể, có việc gì cũng cho nhau biết. Âu Cơ đưa 50 con đến ở Phong Châu, tôn người con trưởng, đời đời gọi là Hùng Vương. Nhà làm sử muốn lấy người theo cha làm chính thống, nên đổi lời văn mà nói rằng: 50 con theo cha ở phía Nam, mà lấy Hùng Vương để đời sau, khiến cho việc mất sự thật, người đọc sách không thể không nghi được, nếu Long Quân không phải là giống Động Đình sinh ra thì không cần biện luận làm gì. Long Quân mà quả là giống Động Đình, thì loài ở dưới nước tất nhiên không thể ở trên bộ được. Những người con theo mẹ ai cũng phải lệ thuộc Long Quân, há có lẽ tất những người theo cha mới có thể được làm vua chúa, mà những người theo mẹ chỉ có thể làm man mọi ư?" (tr. 4). Lời bàn của Ngô Thời Sỹ tưởng rất hữu lý, bởi cứ theo truyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam trích quái, Lạc Long Quân sau khi lên ngôi vẫn hay ở dưới Thủy phủ, mỗi khi dân có việc, gọi rằng "Bố ơi! Sao không lại cứu chúng tôi" thì mới lại lên. Đó là do giống Động Đình không sống được lâu trên cạn chăng? Mở đầu cho sự "bóp méo truyền thuyết" có lẽ là Đại Việt sử ký toàn thư với câu"(Lạc Long Quân và Âu Cơ) bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam... phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua", (tr. 4) mở đường cho các sử liệu sau này đi vào đường trái. Rồi thì một số các "hậu bối" vẫn giữ nguyên cái thuyết 50 con theo cha lập quốc mà khẳng định rằng Lạc Long Quân phong con cả làm Hùng Vương, nhưng quên không chỉnh "xuống biển" thành "về Nam", do đó tạo nên một chi tiết quái đản và mâu thuẫn... Trên đây là vài suy nghĩ của chúng tôi về sự tích con Rồng cháu Tiên. Theo thiển ý, những chi tiết vô lý trong tích này, tuy rất đơn giản và dễ nhận ra, nhưng không hiểu vì sao vẫn gây nên sự hiểu lầm qua nhiều thế hệ, và đặc biệt với chi tiết Âu Cơ là tiên, hình như vẫn chưa hề có ai lên tiếng cải chính. Có lẽ là do ít ai để ý đến nên không nhận ra những hạt sạn nhỏ nhặt, hoặc nhiều người đã nhận ra rồi mà cho là nhỏ nên không bận tâm chăng? Vậy xin nêu lên để thỉnh ý các bậc thức giả. Tài liệu trích dẫn: Ngô Sỹ Liên và các tác giả khác,Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH-Hà Nội, 1993 Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ, Việt sử tiêu án, NXB Văn Sử, 1991 Phạm Văn Sơn, Việt sử toàn thư, Đại Nam-Hoa Kỳ tái bản không ghi năm Vũ Quỳnh-Kiều Phú, Lĩnh Nam chính quái, NXB Văn Học, 2001