Tôi nhớ đây là lần thứ ba đến dự sinh nhật Hằng đều bắt gặp ông già này đứng thắp hương trong vườn. Hình như bên ấy có một bàn thờ nhỏ ở chái nhà hướng Nam. Đứng bên hè nhà Hằng tôi nhìn thấy rất rõ hình ảnh ông già hàng xóm đang đứng lúi húi đặt bó hương lên bàn thờ rồi lẩm nhẩm khấn vái. Bạn bè chúng tôi mải vui nên chẳng ai để ý đến mái đầu bạc trắng và dáng người gầy gò của ông già ấy. Bởi ông lặng lẽ đi ra đi vào như một cái bóng vậy. Thấy lạ, tôi hỏi Hằng: -Sao cứ đến sinh nhật cậu là tớ lại gặp ông già này? Hằng chỉ gạt đi: - Để ý làm gì. Tớ quen hình ảnh này từ khi còn bé cơ. - Sao vậy nhỉ? Ông ta thắp hương để tưởng nhớ đến ai đó vào ngày đầu năm. Tôi như tự hỏi chính mình, nhưng cái Hằng lại vui vẻ nói: - Thật cái số mình cũng lạ, sinh ra đúng ngày của năm mới. Nào, hãy vui lên vì sự ra đời này... Thế rồi nó bật to tiếng nhạc. Lời bài bát Cây đàn sinh viên quen thuộc vang lên. Cả nhóm hơn chục đứa cứ thế nghêu ngao theo giọng hát của Mỹ Tâm. Lát sau thằng Đạt nói to: - Nhảy đi! Chúng mình nhảy đi! - Disco! Disco! - Nào Rap, Rap, Rap cơ. Đứa nào đứa nấy la lên như cuồng dại. Cái Hằng lắc người khoẻ nhất như muốn xóa đi mặc cảm của cái ngày sinh nhật nó rơi đúng vào ngày 27/7. Nó hát để chứng tỏ đây là một ngày vui chứ không phải ngày buồn, ngày tưởng nhớ. Biết tính nó, tôi cũng nhảy theo phụ họa: - Chúc mừng ngày vui của bạn! - Nào hãy hát lên! Bất ngờ có tiếng nổ lép bép. Lúc đó một ngọn nến cháy lẹm vào góc giấy bóng nút trên chai rượu. Có đứa nào đó hốt hoảng kêu lên và kéo vội đầu khăn làm cho những chai rượu mạnh đổ dập xuống vỡ tan. Rượu chảy ra lênh láng bắt nhanh ngọn lửa. Thật bất ngờ chiếc bàn gỗ như một ngọn lửa bùng lên làm mấy đứa con gái hét lên thất thanh và chạy ào ra ngoài sân. Mấy đứa con trai vội chạy để múc nước nhưng không tìm đâu thấy cái xô mà chỉ cuốn vội mấy cái áo xuống bể nước rồi chạy vào đập lên ngọn lửa đang cháy bốc lên gần trần nhà. Tôi cuống cuồng la to: - Cháy rồi! Cứu chúng tôi với, cứu... cứu! Tôi cứ líu lưỡi lại không kêu được nữa khi thấy lửa đã bén lên gần những vì kèo. Nhưng bất ngờ có bóng ai đó nhảy băng qua hàng rào rồi chạy vào bên trong nhà bê bổng cái bàn đang bốc lửa ném ra ngoài sân. Tôi đứng lùi ngạc nhiên vì thấy ông già hàng xóm nhà Hằng đang bắc ghế leo lên xà ngang nhà và lấy chiếc tải ướt dập lên ngọn lửa vừa bén cháy. Bọn con trai nhanh tay dập tắt ngọn lửa ở chiếc bàn thì cũng là lúc chiếc bàn đã cháy rụi hết đổ sập xuống giữa sân. Mấy đứa con gái thì đều tái xanh cả mặt và run run nhìn ông già với mái tóc bị cháy xém, lầm lụi bước về qua hàng cây bên nhà. Đứa nào cũng cảm ơn ông rối rít. Ông chỉ nói ngắn gọn và hết sức bình thản: - Vui nhưng cẩn thận nhé! Tôi để ý thấy trên ngấn mắt ông già hình như hoe đỏ. Không biết có phải do lửa hay ông vừa khóc. Bởi vì khi ông nói với chúng tôi mà vẫn chẳng giấu được nỗi buồn đang chế ngự. Bóng ông bước về chậm chạp nặng nề chứ không nhanh nhẹn và khoẻ mạnh như khi ông ném chiếc bàn bốc lửa ra ngoài sân. Không biết ông lấy sức mạnh ở đâu và vì sao ông buồn vậy? Trong lòng tôi biết bao xáo trộn vì nỗi buồn trên ánh mắt ấy. Tất cả vội vàng dọn dẹp cho gọn gàng. Thế là hết một buổi liên hoan vui vẻ vì mọi sự đã đổ vỡ. Cứ thế tôi lẳng lặng bước qua hàng cây sang bên vườn nhà ông già lúc nào không hay. Tôi tò mò bước tới gần bàn thờ nhỏ bên chái nhà. Ở trên bài vị của bát hương chỉ đính một ngôi sao và ở dưới có ghi dòng chữ: Nguyễn Văn Tốn. Bên cạnh bát hương là một cây sáo nhỏ được bày trên một đĩa đầy hoa hồng. Tôi đứng thừ người nhìn chăm chú vào ngôi sao. Trước mắt tôi ba nén hương đã cháy gần hết. Hương khói thơm ngát lan toả ngan ngát khắp vườn. Định thần một lúc, tôi mới nhận ra bóng ông già ngồi ở góc bàn giữa nhà. Nhẹ nhàng bước qua bậc cửa, tôi cúi chào và cảm ơn ông vì sự vìệc vừa qua bên nhà Hằng. Ông ngước nhìn tôi chẳng nói gì, tôi hỏi: - Thưa ông! Hình như hôm nay ông thắp hương để tưởng nhớ ai. Con hay cháu ông ạ? Ông không nhìn tôi mà nói như với chính mình: - Người đã hi sinh để cứu sống ông trong chiến dịch đó. Một chiến sĩ trẻ, đồng đội của ông. Tôi im lặng một lúc nhìn về phía ngôi sao trên bàn thờ và hình dung ra một chiến trận khốc liệt đang xảy ra trước mắt. Rồi sau đó tôi ngồi xuống bên bàn và hỏi: - Ông kể chuyện cho cháu nghe đi về người chiến sĩ trẻ ấy. Lúc này, mấy đứa sinh viền cùng lớp cũng tò mò chạy sang ngồi bên cạnh tôi. Cái Hằng ngơ ngác một lúc rồi thầm thì: - Ông sống ở đây một mình ạ? Ông già chỉ tay lên bàn thờ nói: - Không? Ông sống với đồng đội của mình. Anh là Nguyễn Văn Tốn đó. Khi nhận cái chết thay ông, anh ấy mới 20 tuổi. Mấy đứa ngạc nhiên hỏi: - Sao ạ? Sao lại chết thay ạ? - Chuyện như thế nào? Ông kể cho chúng cháu nghe đi! Lúc này tôi có cảm giác buồn và ân hận. Khi nhìn thấy ông già trông rất cô đơn đang ngồi trước mặt mình. Tôi nhẹ nhàng nói: - Nếu là chuyện buồn mà ông không muốn kể thì thôi ạ. Chúng cháu chỉ sang thăm ông và cảm ơn ông. Thật bất ngờ, đôi mắt ông bừng sáng và giọng nói của ông bỗng khoẻ và vang xa: - Kể chứ! Đấy là chuyện của một người anh hùng, các cháu cần phải nghe để biết những chiến sĩ thầm lặng hi sinh cho đồng đội và cho đất nước như thế nào. Mọi người líu ríu ngồi quanh ông như những đứa trẻ nhỏ hay hớp chuyện người lớn. Ông kể chậm rãi những kỉ niệm sâu sắc trong đời mình. °