Khe Nước Đục thuộc Lũng Sỏi nhưng nhiều người Lũng Sỏi còn chưa nghe nói đến tên. Nó là vùng đất trũng nằm sâu trong chân núi, từ đó rỉ ra dòng nước đục, mùa mưa thì lênh láng còn mùa khô chỉ lõng bõng trên lớp mùn lưu niên. Rừng ở đây chỉ còn gỗ tạp xen giữa những vạt lau sậy và cỏ tranh che phủ những bãi lầy. Chú Gôi câm ở Khe Nước Đục, nương náu trong rừng, sống nhờ rừng. Ngoại hình của chú hơi dị thường: đầu to, chân tay ngắn, vẻ mặt ngờ nghệch. Không thể đoán biết chú còn trẻ hay đã già. Chú đi hái măng, đào củ, kiếm cây thuốc nam và đủ thứ linh tinh khác. Ngày phiên chợ chú ra khỏi rừng, cưỡi trên chiếc xe đạp không chuông không phanh, không chắn bùn chắn xích (người ta gọi là xe đạp cởi truồng), phía sau thồ hai sọt hàng kềnh càng, ra chợ bán. Gặp ai chú cũng cười cười, tiếng ú ớ phát ra từ trong cuống họng kèm theo cử chỉ và đôi mắt nhấp nháy. Nếu có chuyện gì nghiêm trọng cần bày tỏ hoặc thề thốt, chú mở to mắt, đấm đấm vào ngực trái, dằn giọng “ôi, ôi”, có nghĩa là chú xưng tên chú lên. Có nhiều chuyện được thêu dệt quanh cuộc sống một mình tách biệt của Gôi. Rằng Gôi là con của thần linh, ai làm gì nghĩ gì Gôi cũng biết, chỉ có điều chú không nói ra được (hay là không được nói ra) mà thôi. Cũng có lời đồn ngược, rằng Gôi là đứa con hoang, bị bỏ rơi trong rừng sống như muông thú và chim chóc, mà lại là con chim con thú tật nguyền.
Người trong vùng thường đứng ngoài xa ngó mông lung vào. Khe Nước Đục, chỉ những ai bị tình thế xô đẩy mới đâm đầu vào. Chẳng hạn như Ngưỡng, người từng được mệnh danh là “nhân vật đang lên” nhưng ông ta tự tóm tóc mình định lôi mình lên thật nhanh, thành sa cơ lỡ bước. Ngưỡng bị vỡ nợ, ông ta mang theo một khối đắng cay, trốn vào Khe Nước Đục. Cũng chẳng biết trốn vào đây thì giải quyết được gì nhưng ông ta cần một chỗ vắng lặng và ông ta cứ đi sâu mãi vào trong rừng. Rừng gỗ tạp, chỗ mau chỗ thưa với rất nhiều bụi rậm và gai góc. Ngưỡng như lạc vào cõi âm u, bị gai góc cào xé tơi bời, đầu óc ông ta bị tê dại dần đi. Rồi đột nhiên rừng mở ra một khoảng trống, cỏ mọc xanh um, bầu trời trên cao cũng mở ra, xanh như mê hoặc. Cứ tự nhiên Ngưỡng nhập vào cỏ, ông ta định băng qua vạt cỏ sang mé rừng bên kia. Nhưng cỏ lún dưới chân ông ta, càng lúc càng lún, nghe có tiếng nước ùng ục đùn lên, bắn vọt lên. Ngưỡng đã ra khá xa. Ông ta hoảng, định quay lùi nhưng vệt đường cũ không còn dấu vết. Cỏ bị quần nát vì bước chân quẩn quanh của Ngưỡng, dập dềnh chìm xuống dưới lớp bùn ngầu đục. Ông ta sa vào đúng cái hút của bãi lầy. Lớp bùn phía dưới đặc quánh và trơn trượt, bùn ngập ngang gối rồi ngang bắp đùi, khẽ cựa quậy là chìm sâu mà đứng yên cũng từ từ chìm. Tình cảnh của Ngưỡng thật bi đát, ông ta đến đây không phải để chết, vậy mà phải chết vô tăm tích giữa bãi lầy này sao? Ngưỡng tuyệt vọng kêu lên: “Cứu... cứu tôi sa lầy!” Tiếng kêu của Ngưỡng tan vào mênh mông, chỉ có đàn chim gì nhỏ xíu kiếm ăn trên bãi cỏ bay túa vào trong rừng.
Trời đã về chiều, trên những ngọn cây cao còn vệt nắng nhạt nhưng dưới thấp đã tối mờ. Chú Gôi câm đang buổi đi rừng, lưng đeo sọt, tay cầm con dao phát vừa đi vừa phát cành lá loà xoà hai bên lối mòn. Chú câm nên điếc (hoặc điếc nên câm), để bù lại chú giao tiếp với thế giới bằng đôi mắt tinh tường. Chú dừng bước, nhìn về phía bìa rừng thấy đàn chim như những đốm đen nhỏ xíu vụt qua trong nắng chếch ngọn cây, biết ngay là đường bay của chúng không bình thường. Chú có linh cảm đàn chim gửi tới chú lời kêu gọi, rằng nơi bãi lầy được che phủ bằng thảm cỏ mượt ngoài bìa rừng kia có ai đó, hoặc con chim, con thú nào đó, đang cần đến chú.
Chú Gôi câm đã cứu Ngưỡng thoát khỏi cái chết sa lầy bằng cách chú ném cho ông ta một cành cây làm cái đòn trượt để ông ta nhoai lên rồi dẫn dắt ông ta bò lên bờ. Ngưỡng bị tán loạn hồn vía, mãĩ một lúc sau mới hồi tỉnh, ông ta thở dốc và níu chặt lấy Gôi, vái Gôi lia lịa: “Chú đã cứu mạng tôi, ơn này tôi sẽ nhớ suốt đời!”. Gôi phát ra những tiếng ú ớ trong cuống họng. Ngưỡng biết là Gôi câm nhưng ông ta vẫn nói:
“Tôi không muốn chết. Chết vào đúng lúc tôi vỡ nợ, tức là tôi thất bại thì uổng quá, thiên hạ sẽ chê cười tôi. Tôi phải sống để làm lại, để đua tranh với đời, bây giờ thì cái ý chí tranh đua của tôi tăng gấp đôi. Nhờ chú cứu tôi, coi như cho tôi thêm một cuộc đời nữa. Chú tên gì, nói cho tôi biết để hàng ngày tôi nhớ đến chú, thầm gọi tên chú”.
Gôi nhìn thẳng vào Ngưỡng, đôi mắt chú sáng lấp lánh trên khuôn mặt ngơ ngơ, vẻ như chú hiểu và chẳng hiểu Ngưỡng nói gì. Nhưng khi Ngưỡng nhắc lại: “Chú tên gì?” thì chú hiểu, chú đặt tay lên ngực trái, dằn giọng phát ra âm thanh trang trọng: “Ôi! Ôi!”. Mãi về sau này nhờ có người mách bảo Ngưỡng mới biết tên chú là Gôi.
Thời gian trôi qua dường như không để lại dấu vết gì trên khuôn mặt chú Gôi câm. Chú vẫn ngơ ngơ, không trẻ cũng không già, thấp thoáng ẩn hiện trong Khe Nước Đục. Một phiên chợ Gôi đạp cái “xe đạp cởi truồng” thồ hàng ra chợ bán. Trên đường về gặp trời mưa chú phải trú lại ngang đường. Cơn mưa lai rai, vừa ngớt chốc lát lại đổ nước xuống ào ào. Tự nhiên Gôi cảm thấy sốt ruột, bụng dạ không yên. Chú có linh cảm tiếng mưa vừa ngăn cản lại vừa thúc giục chú phải mau về nhà. Gôi xông ra ngoài mưa đạp xe theo sự thúc giục mơ hồ đó... Nhà Gôi, đúng hơn là gian lều tuềnh toàng thêm một mái vẩy thành chái bếp, chênh vênh trên sườn dốc ở bìa rừng. Trời mới nhập nhoạng trong nhà đã tối thui. Hóa ra cái linh cảm về sự thúc giục trong lòng Gôi là đúng: Có người đang cần đến chú, người ấy đang ngồi co ro sau đống củi.Chú giơ cao ngọn đèn, ú ớ trong cuống họng. Người ấy đứng lên, gầy gò, đầu trọc, lúng túng trong bộ quần áo cũ nát và lấm lem. Chú vẫn ú ớ trong cuống họng còn người ấy nói: “Chú làm phúc cho tôi trú nhờ ở đây đêm nay. Chỉ đêm nay thôi... Chẳng giấu gì chú, tôi trốn tù...”. Gôi vẫn ngơ ngơ như sự bộc bạch thật thà của người tù trốn khiến ánh mắt săm soi xét nét của chú dần dịu lại. Trong bếp sẵn có nồi sắn luộc, Gôi đang đói mà người tù trốn chắc còn đói hơn, chú nhón khúc sắn luộc đưa cho ông ta và nhón một khúc khác cho mình. Người tù trốn không ăn ngay, ông ta nói: “Trại tù cách đây không xa, đã có lần tôi ở trong nhóm tù đi chặt gỗ thông thấy chú ở trong rừng: Chú tên là Gôi...”. Điều này thì Gôi hiểu ngay, chú gật gật đầu, một tay khẽ đấm đấm vào ngực trái của mình, cổ họng phát ra âm thanh trang trọng: “Ôi! Ôi!...” như là sự xác nhận. Người tù trốn vẫn nói lảm nhảm, với chính mình hơn là nói với Gôi: “Tôi là người tử tế, bởi mắc án oan nên phải đi tù. Tù lâu rồi. Mà vợ tôi lại không được thăm nom. Tôi thương cô ấy, nhớ cô ấy lắm. Tôi trốn tù chỉ cốt để vợ chồng trông thấy nhau một lần, rồi lại vào tù thôi. Chứ làm sao mà thoát ra, gỡ ra được!” Gôi vẫn ngơ ngơ, chỉ có điều chú biết rõ, qua cái nhìn câm của chú, là người ngồi trước mặt chú đang đói, chú giơ khúc sắn lên ú ớ ra hiệu: “Hãy ăn đi, ăn đi!”... Rồi chú ăn trước, người tù trốn cũng ăn ngon lành. Bên ngoài, trời lại mưa. Gôi theo thói quen chỉ khép cánh cửa liếp chứ không cài then nhưng người tù trốn được nằm chung giường với chú, ngủ một giấc thật say.
Ít hôm sau, chú Gôi câm bị bắt về đồn công an thị trấn. Hỏi cung chú thật khó, chú chỉ ú ớ trong cuống họng và ra hiệu tay nhưng cuối cùng biên bản cũng được lập. Chú nhận chú có cho một người lạ mặt ngủ nhờ qua một đêm mưa, người ấy trọc đầu, đúng thế, còn ngườí ấy có là tù hay không tù chú không rõ. Chỉ có điều chú biết rõ là người ấy đói, chú cho người ấy ăn. Sáng sớm hôm sau người ấy đi chú còn gói cho người ấy đùm sắn luộc... Chú khẽ đập tay lên ngực trái, phát ra từ cuống họng cái âm thanh nghiêm trang: “Ôi! Ồi…” và sẵn sàng kí vào biên bản chữ “Gôi” viết hoa to tướng. Hóa ra là chú Gôi câm biết viết tên chú, mặc dầu chú không biết chữ. Người ta đâm ngờ chú giả câm, chú ngoan cố còn giấu giếm điều gì về người tù trốn. Chú bị tam giam ở đồn công an và bị hỏi cung liên miên. Nhưng trước sau chú vẫn ngơ ngơ và chú chỉ biết lắc đầu, ra hiệu “không biết”. Vốn là đứa con của rừng nay bị trói buộc trong phòng tạm giam nhỏ như cái hộp bằng xi măng, Gôi kêu ú ớ liên tục. Rồi chú không kêu nữa, chỉ giương mắt nhìn. Cái nhìn đờ đẫn. Cái nhìn câm.
Gôi được thả ra vào một buổi chiếu. Chú gầy sọp, đôi mắt lờ đờ trên khuôn mặt ngơ ngơ ngơ gần như đần độn. Chú thất thểu đi dọc phố Núi, nắng xiên chênh chếch làm mắt chú loà đi, các cửa hàng cửa hiệu, người và xe... tất cả đều chập chờn. Rồi con phố lượn vòng. Gôi đi vào đoạn phố khuất nắng, chú dụi mắt và nhìn rõ ở phía trước một ngôi nhà lớn, cánh cửa mở rộng, có người đàn ông đang đứng chờ ai đó. Người đàn ông ăn mặc bảnh bao, bụng phệ, khuôn mặt đỏ mỡ màng nhưng dáng điệu và cử chỉ của ông ta nhắc Gôi nhớ đến kẻ vỡ nợ, bị sa lầy trong Khe Nước Đục. Gôi vẫn ngơ ngơ nhưng đôi mắt chú mở to, nhấp nháy cười, vẻ như mừng cho ông ta. Ông ta hơi sững người, đôi mắt nheo nheo cũng cười cười. A chú Gôi câm... Trộng thấy chú là tôi nhận ra ngay. Tôi là Ngưỡng, kẻ ngày nào được chú cứu thoát chết đây... Chợt một chiếc xe con bóng loáng lượn vào sát vỉa hè, đỗ lại, Ngưỡng chạy ra đón khách, nói với ông khách vài câu, dẫn khách vào tới cửa lại vội vã quay ra. Một chiếc xe con nữa còn bóng loáng hơn. Rồi những chiếc xe máy đủ kiểu... Ngưỡng tôi qua một phen bị vỡ nợ, mang theo một bài học nhớ đời xông vào cuộc đua tranh, bây giờ đã là người có quyền và có tiền, cả phố Núi này phải vì nể. Nhưng sự đời phức tạp lắm chú Gôi câm ơi. Trước bàn dân thiên hạ tôi không thể dây với người vừa bị pháp luật sờ đến, hình dong lại cổ quái, lại câm như chú được. Biết giải thích với thiên hạ ra sao? Ngưỡng tất bật đón khách, ông ta quay lưng về phía Gôi, cứ như không trông thấy Gôi hay đúng hơn là Gôi không có mặt trên đời.
Chú Gôi câm đi ngang qua ngôi nhà lớn, mặt chú vẫn ngơ ngơ, đôi mắt mở to của chú vẫn cười cười. Cái cười câm.
Và Gôi đi, hướng về phía bóng núi xanh mờ ở phía xa...
Khá lâu về sau có người đàn bà dắt theo đứa con nhỏ về Khe Nước Đục tìm chú Gôi câm. Người đàn bà ấy là vợ kẻ trốn tù năm nào, được Gôi cưu mang qua một đêm mưa gió. Vợ chồng gặp nhau được vài hôm, ông ta bị bắt lại và đã chết vì sốt rét ở trong tù. Bà vợ đem đứa con nhỏ, là kết quả của lần gặp lại ngắn ngủi giữa hai vợ chồng đến đây tìm Gôi theo lời dặn của chồng. Người trong vùng nói không biẽt chú Gôi câm đi đâu, hiện ở phương nào (cứ như là chú chợt hiện rồi chợt biến mất)? Cả căn nhà nhỏ của chú nơi bìa rừng cũng không còn dấu tích. Nhưng cũng không sao, bà đã đem con lên đây thì sẽ ở lại đây. Đứa con mang tên Gôi, thế là thoả nguyện của cả bà lẫn người chồng đã khuất. Bà nói với Gôi: “Con ơi, bố con là người tử tế bị mắc tiếng oan, con phải thành người tử tế không chỉ cho riêng con mà còn sống thay cho cả cuộc đời của bố con”.
Bà mẹ Gôi nay đã già. Gôi trưởng thành, năng nổ và xốc vác. Anh nhận khoán đất rừng, trở thành người chủ vườn rừng đầu tiên ở Khe Nước Đục./.

Xem Tiếp: ----