Trời đã bắt đầu lạnh cắt da cắt thịt. Buổi chiều muộn lại thấy một lớp băng mỏng phủ trên hè phố, cống rãnh. Cứ chỗ nào có nước thì sẽ có một lớp băng xám mỏng manh và rất dễ vỡ như thế, tạo thành những tiếng loạt soạt trên khắp lối đi. Quê lau hai bàn tay dính đầy máu vào chiếc tạp dề treo ở tấm bảng gỗ rồi mặc áo khoác, quấn khăn, đội nón bước ra ngoài, sau khi dặn Othenlo nhớ khóa cửa trước khi về. Trông Quê lúc này giống một con gấu xám to béo và xù xì với khuôn mặt hiền lành của một đứa con nít. Quê rẽ qua toa-lét, ngắm mình trong gương một chút và cố gắng nhét mớ tóc quăn chỉ chực xổ tung ra vào lại trong chiếc mũ dạ. Một con bé tóc hung mặc juýp ngắn đi tất len màu đen suýt đâm sầm vào Quê. Nó cau mặt, chui tọt vào một góc, rút thuốc ra châm lửa rồi khạc nhổ ầm ĩ như ở chỗ không người. Nhìn nó, Quê lại nhớ hồi mới vô trường, cô cũng học đòi như thế cho ra vẻ dân nghệ sĩ của thành Pari hoa lệ. Nhưng chỉ được vài ngày thì thấy chán, thấy cuộc sống vẫn tiếp tục vô vị nhạt nhẽo lại tốn tiền quá nên thôi.
Hành lang tử phòng học dẫn ra sân chính đã bắt đầu thắp đèn, những cái đèn vàng tròn xoay lắp trên đầu những tượng thần bằng thạch cao gắn lơ lửng trong các hốc tường. Mỗi lần đi qua đây, Quê không khỏi cảm thương cho kiếp đội đèn của các vị thần. Sự cam chịu và sầu não đông cứng trong những cơ bắp cuồn cuộn và đường nét thanh tú trên khuôn mặt họ. Sự sầu não đó trong những ngày mưa ướt át và ảm đạm lan sang cả Quê. Cô thường đến trường với bộ mặt dàu dàu và bị bọn bạn chọc quê với cái tên “Chổi ướt”.
Ở ngoài cổng Quê gặp nhóm sinh viên nam lớp trên ăn mặc lôi thôi lếch thếch, tóc tai dài thậm thượt và phun khói thuốc lá như những đầu tàu. Một thằng trông thấy Quê liền huýt một tiếng sáo chói tai. Hắn nhào tới và làm như vô tình phả một luồng khói khét lẹt vào mặt Quê: “Ê, Chổi ướt, về sớm thế? Tối nay đi với bọn anh không? Có party ở nhà thằng Chanes...”. Cả bọn quây lấy Quê chọc ghẹo, tuồng như cô vừa từ trên trời rớt xuống với mặt xanh nanh vàng quái dị. Nhưng như thế này dễ chịu hơn, Quê nghĩ thầm. Chứ hôm đầu vô trường, bọn sinh viên chỉ nhìn Quê bằng con mắt lạnh lẽo có phần khinh miệt. Chúng không tin một đứa con gái châu Á da vàng mũi tẹt lại có quyền đặt chân lên mảnh đất thánh vốn chỉ dành riêng cho chúng. Điều này nhiều lần làm Quê suýt mất bình tĩnh. Cho đến một ngày bức tranh của Quê được treo trang trọng trong phòng triển lãm của trường, bọn chúng mới kiêng dè Quê hơn một chút. Bây giờ Quê đã có thể ngước đôi mắt mí lót đen láy của mình lên, nhìn thẳng vào chúng và cười nụ cười của Đức Mẹ: “Xin lỗi, tối nay tôi bận rồi”. Cô quay lưng vội vã bỏ đi. Hai ống tay dài thõng thượt xuống tận đầu gối. Cái túi bằng vải nỉ đeo trước bụng có lẽ nặng lắm nên cả người cô cứ chúi về trước, nom khổ sở hết sức.
°

*

Tan sở lúc sáu giờ chiều, Tam mới sực nhớ hôm nay là thứ sáu. Theo lịch, chiều thứ sáu Tam không phải nấu cơm mà sẽ ghé qua quận Mười Ba, vào quán Hoà để dùng một tô phở nóng, một tô xí quách và hai li rượu nếp than. Trời rét cắt da cắt thịt. Băng vỡ lạo xạo dưới giày Tam. Chỉ cần nghĩ đến tô phở và những cái xí quách to tướng bám đầy thịt vớt ra từ thùng nước lèo. Tam đã thấy nóng ra cả mặt. Tam nhìn đồng hồ, chí ít thì cũng phải một tiếng nữa Tam mới có mặt ở đó.
Trong toa tàu điện ngầm vẫn còn thưa khách nên Tam chọn ngay được một chỗ ngồi. Nhưng đến trạm Lees Halis thì người đã ngồi đầy trên các ghế và đứng chen chúc ở bất kì chỗ nào còn trống trên sàn toa. Tam nới cổ áo để cho dễ thở hơn. Anh muốn ngủ một chút nhưng tiếng ồn cứ âm ỉ bên tai khiến anh không tài nào chợp mắt được. Anh lấy tờ báo ra giả vờ đọc kì thực là để quan sát những gương mặt đang bao quanh lấy anh lúc này đây. Bọn họ đều ra vẻ thờ ơ với thế giới xung quanh để toan tính một chuyện riêng nào đó của mình trong cái nhăn trán, nhíu mày đầy suy ngẫm. Nhưng chỉ cần anh chuyển động người một chút là người đàn ông béo ị đội mũ nồi đỏ ngồi trước mặt sẽ nhìn anh để dò xét và cho hai tay vào túi quần để giữ chặt cái bóp tiền ngay lập tức. Hoặc bà già khô đét như một con cá khô có cái mái tóc giả màu tím ngồi sát cạnh Tam sẽ thu tay ôm chặt cái túi da căng phồng vào trong lòng. Tam cười khẩy, tôi thừa biết các người nghĩ gì rồi. Vì màu da vàng của tôi, vì đôi mắt một mí màu đen và vì cái mũi tẹt của tôi mà các người mới sợ hãi đến thế phải không? Đừng có vơ đũa cả nắm như thế. Thốt nhiên Tam thấy quá chừng là buồn bã. Mình không thể trách họ được, vì dạo gần đây có rất nhiều vụ trộm cướp, trên các chuyến tàu điện ngầm do dân Châu Á và Ả Rập gây ra. Những tin tức loại này đăng nhan nhản trên khắp các báo.
Tam xuống sớm một trạm. Anh nghĩ mình nên đi bộ để lát nữa ăn ngon hơn. Chân Tam vẫn đạp trên băng lạo xạo. Người Tam nóng dần lên. Chỗ ghế đá trong công viên nhỏ, dưới một cây phong trơ trụi, một ông già trùm tấm mền rách đang ngồi chơi violon. Những bản nhạc run rẩy vì những ngón tay già nua run rẩy. Trong chiếc mũ dạ để trước mặt, lá vàng nhiều hơn tiền xu người ta bố thí cho ông. Khung cảnh này làm Tam nhớ đến công viên Luxembourg một ngày mùa thu chín ủng và mọng nước, có ông già ngồi gõ hết bản nhạc này sang bản nhạc khác trên chiếc piano cũ mèm. Lâu lắm rồi Tam không ghé qua công viên kể từ khi chia tay Nathalie. Người ta chỉ đến đó khi có đôi có cặp. Và rất có thể sau đợt nóng hổi tháng bảy vừa rồi, ông già chơi piano, cũng như rất nhiều ông già bà cả khác, đã vĩnh viễn không còn ra đó nữa. Tam lắc đầu thật mạnh, tưởng như để làm văng hết kỷ niệm ra ngoài cho nhẹ nhõm bớt. Quái quỷ, Tam cáu kỉnh nghĩ, hôm nay là ngày gì mà mình uỷ mị thế. Thật không đúng là mình chút nào.
°

*

Hai người gặp nhau ở đầu đường. Đúng ra là Quê nhận ra Tam trước. Cái dáng lêu đêu, hai vai suôn đuột và mái tóc hoe chĩa ngược cứng như một bụi cỏ khô của anh. không thể lẫn vào đâu được. Quê bỏ bao tay vẫy anh bằng những ngón tay nhỏ xíu có những móng đỏ hồng. Cô cười, hai mắt tít lại:
- Chào anh. Anh khỏe không?
- Cảm ơn em, anh vẫn thường. Công việc của em ra sao?
- Cảm ơn anh, vẫn vậy thôi.
- Chà, năm nay rét nhỉ. Chỗ em người ta đã bật máy sưởi chưa”
- Dạ chưa. Năm ngoái cuối tháng một họ mới bật kia.
Đó là những câu xã giao thông thường họ vẫn nói với nhau mỗi khi gặp mặt. Mỗi tuần gặp nhau một lần vào chiều thứ sáu, những câu hỏi khô khan đó không bao giờ thừa vì một tuần có thể xảy ra biết bao chuyện cho sức khỏe, công việc, tình cảm...
- Em phải cẩn thận đó. Thời tiết này dễ bị bệnh.
- Dà...
Họ bước vào quán. Không khí ấm sực mùi hành trần mùi bánh phở trụng và mùi nước lèo. Ông chủ Trần hồ hỏi chạy ra: “A, anh Tam. Đến hẹn lại lên đấy à” rồi quay sang Quê, mặt cau lại. “Sao cô đến muộn thế?”. Quê ấp úng: “Cháu kẹt bài ở trường”. Ông Trần giục: “Nhanh chân lên, khách đang đợi kìa. Buổi nào cũng kẹt bài thế thì còn làm ăn cái gì nữa”. Quê tất tưởi đi vô trong thay tạp dề, vừa đi vừa nghĩ, gớm cái ông Trần này có khách nào đâu mà bảo khách đang đợi. Chỉ muốn làm khó cho mình thì có.
Tam chọn một cái bàn kê sát cửa sổ. Quê cũng vừa bước ra, cổ đeo tạp dề trắng, mái tóc quăn vấn cao trông rất nữ tính hỏi: “Anh vẫn dùng như cũ chớ?” Rồi không đợi Tam trả lời, cô biến vào bếp rất nhanh. Chẳng cứ gì cô, mà ngay cả ông chủ Trần cũng rất rành tính anh. Hôm nay ông bê nguyên cả chai Mai Quế Lộ tới và ngồi xuống bàn cùng Tam. Tam ngó quanh, hỏi: “Hôm nay rảnh dữ hả ông Trần. Chiều thứ sáu mà cũng vắng thế này sao?” Ông Trần gọi với vào trong: “Nhớ làm tô xí quách đặc biệt cho cậu Tam nghe mày”, rồi nhướng mắt ngó Tam: “Cha, cậu cả này, ở Tây lâu quá riết thành Tây rồi hả? Hôm nay ngày gì cậu đoán thử coi”. “Ngày gì ông Trần?” Tam thờ ơ hỏi. “Cậu cứ đoán thử đi”. Tam nhún vai, im lặng có vẻ không thích trò đánh đố này lắm. Ông Trần bật cười ha hả: “Tôi biết ngay mà, bọn trẻ các cậu chỉ có nhớ mấy cô đầm tóc vàng chân dài thôi. Hôm nay là Ba mươi, Ba mươi Tết ta, cậu hiểu chưa”. “Thì sao?” Tam dửng dưng hỏi.
Khái niệm về Tết ta đối với Tam là một cái gì đó quá đỗi mơ hồ. Gia đình Tam sang Pháp khi Tam còn bé xíu. Những ngày Tết ta gói gọn trong một tô miến, tô măng hoặc một miếng bánh chưng bé bằng vuông bàn tay hấp vội bằng lò vi sóng. Sau khi cha mẹ mất vì tai nạn, bánh chưng hay măng cũng không còn có mặt trong nhà Tam nữa. Anh ăn đồ Tây riết vì nhanh và tiện, chỉ dành mỗi tối thứ sáu để xuống tiệm ông Trần làm tô phở cho đỡ thèm. Tết ta hay Tết tây gì cũng thế, ngủ dậy buổi sáng là thấy mình đã già đi một tuổi. Có sung sướng gì. Nghe anh nói thế, ông Trần nhăn nhó: “Tôi già rụng răng còn chưa nói gì nữa là cậu. Ô là là, các cậu bây giờ mất gốc hết. Nhưng mấy đứa con tôi thì không đâu à nghe. Khuya nay tôi bắt chúng phải tụ tập đông đủ ở nhà. Bận gì cũng phải bỏ. Cứ tính theo mười hai giờ khuya của mình mà cúng tổ tiên thôi. Chà chà, Đêm ba mươi mà...”.
Quê bê phở cho Tam. Cô ngó thấy má anh đã bắt đầu ửng đỏ. Mớ cỏ khô trên đầu có vẻ như đang từ từ ngả xuống. Trông anh ta cũng bảnh đó chớ, dù có hơi khô khan một chút.
- Của anh đây.
- Cảm ơn em - Tam ngẩng lên nhìn Quê. Có lẽ anh đã hơi quá chén, vì hôm nay anh thấy Quê đẹp và dịu dàng lạ thường.
“Quê này, hôm nay tiệm nghỉ sớm. Ngày kia cháu hãy đi làm lại nhé” - Ông Trần bảo Quê. Cô ngạc nhiên hỏi: “Sao vậy bác? Mai thứ bảy là ngày đông nhất trong tuần mà”. Ông Trần nhướng nhướng mắt nhìn Tam tuồng như bảo, đó cậu thấy chưa, tôi nói cấm có sai bao giờ. Tam bảo:
- Hôm nay là Ba mươi Tết ta, cả em cũng không biết sao?
Quê xịu mặt, không nói gì. Cô lẳng lặng kê ghế ra ngồi ngó qua cửa kính. Tam và ông Trần đang bàn cãi chuyện gì ghê lắm, nhưng cô không để ý. Những bông tuyết nhỏ xíu đậu vào cửa kiếng rồi chảy tan thành nước. Lòng Quê rười rượi buồn. Cô tự trách mình sao đuểnh đoảng. Cả năm có một ngày duy nhất mà cũng quên. Hẳn cha mẹ và em trai cô đã mong ngóng điện thoại của cô ghê lắm. Hai năm trước, năm nào Quê cũng canh đúng giao thừa Việt Nam để gọi điện về. Vài ba tháng cô lại gọi về nhưng đêm giao thừa, dường như mọi thứ trở nên thiêng liêng hơn, nên chỉ mới nghe giọng Quê, mẹ cô đã khóc nức nở. Quê tủi thân, cũng nức nở khóc. Hai mẹ con khóc tu tu qua điện thoại, đến khi đầu dây báo tít tít vì thẻ điện thoại hết tiền mới thôi.
Mãi suy nghĩ, Quê không để ý Tam đang nhìn mình chăm chăm. Vừa ăn vừa nghe ông Trần nói chuyện, Tam vừa nghĩ, cô bé Quê lạ thật. Chẳng nhẽ câu nói của mình làm cô ta giận sao. Trông cô ta kìa, mũi cứ nhăn lại, miệng trề ra như sắp khóc vậy. Mình có lỗi gì đâu cơ chứ. Con gái Việt Nam đến là lạ. Cứ thẳng tính như con gái Tây có hay hơn không. Tam băn khoăn mãi cho đến khi ông Trần bảo đóng cửa tiệm và Quê đột nhiên bảo:
- Anh Tam rảnh không, tối nay mình lang thang chút đi.
°

*

Hai người lặng đi bên nhau một đoạn đường dài. Băng vỡ dưới chân lạo xạo. Gió thổi rít qua tai. Tới cột điện thoại, Quê bảo Tam đợi một chút để cô gọi về nhà. Nhà ở Việt Nam kìa. Tam đợi lâu lắm, lối đâu chừng mười lăm phút mới thấy Quê bước ra, mũi đỏ rựng lên và mắt nhoe nhoét nước. Tam hỏi:
- Ba mẹ em khỏe chứ?
- Em không biết.
- Ở nhà ăn Tết vui không
- Em không biết.
- Có đi đâu chơi xa không?
- Em không biết.
- Sao cái gì em cũng không biết hết vậy? - Tam kinh ngạc kêu lên - Em vừa nói chuyện với họ mà.
- Nhưng em không biết - Quê chớp đôi mắt mọng nước nhìn Tam - Hai mẹ con đều khóc nên có nói được gì đâu
Đấy đấy, lại sụt sịt muốn khóc rồi. Tam ghét nhất là thấy người ta khóc. Mẹ bảo Tam từ lúc đẻ ra cho đến lớn, không bao giờ khóc. Đau hay không vừa ý thì chỉ gào lên chứ cấm không có giọt nước mắt nào rơi ra. Ngày ba mẹ mất cũng vậy. Tam không khóc được, chỉ thấy đau rát ở mắt và ngực. Nhưng với Quê, tự nhiên Tam thấy thương cô quá. Cảm giác muốn được bao dung, che chở cho cô khiến cổ họng Tam đau thắt lại. Tam choàng qua vai cô, âu yếm bảo:
- Nhớ nhà à? Rồi sẽ quen thôi.
Anh định bảo rồi cũng sẽ quen như anh quen sống một cuộc sống không có gia đình vậy. Nhưng lại sợ cô nghĩ ngợi gì nên thôi.
- Giao thừa nhà em vui lắm. Bốn ba con thắp nhang bàn thờ rồi nổ sâm panh, cắt dưa hấu. Năm nào dưa hấu đỏ là năm đó tốt lành - Quê có vẻ vui trở lại. - Mà mẹ em khéo lựa dưa, nên năm nào cũng bổ đúng trái dưa ngon.
- Thế còn đốt pháo thì sao?
- Xưa rồi anh ơi. Cái trò đó giờ đâu còn nữa.
- À vậy cũng mất vui nhỉ?
-Cũng có hơi buồn một chút. Nhưng bù lại người ta cho bắn pháo bông. Bắn tới mười lăm phút lận - Quê hoan hỉ như cô sắp sửa được trông thấy pháo bông bắn lên trời vậy - Sau giao thừa cả nhà đi chùa hái lộc.
- Lộc là gì?
- Ờ, anh không biết thiệt sao? Ờ, mà tại anh rời Việt Nam sớm quá, không biết là phải. Lộc là... ừm...
Tiếng Quê bị át đi trong tiếng gió.
- … Ỏ đây rét quá, cây cối chẳng có tí lộc nào để mà hái, anh nhỉ?
Vì không nghe rõ lời giải thích của Quê nên Tam chỉ ậm ừ, chỉ sợ là mình trả lời lại làm cô cười thêm một trận. Quê líu ríu kể chuyện này sang chuyện kia, làm Tam cuốn theo câu chuyện cũng thấy vui lây. Tam lan man nghĩ, mình thật thiệt thòi. Có những điều tốt đẹp nhường kia mà sao không bao giờ mình có được. Kí ức chỉ là những chuyện đau lòng. Còn những ngày đang sống sao khó khăn vất vả. Đến ngay cả bọn Tây cũng chê mình là khô khan. Ước gì mình có được một chút niềm vui từ Quê, hẳn mình sẽ sống khác đi nhiều.
Quê bỗng dưng đột ngột dừng lại hỏi:
- Anh này, thế đêm giao thừa anh làm gì?
- Có lẽ là đi làm, nếu không phải ngày cuối tuần.
- Thế ba mẹ anh có làm lễ cúng tổ tiên không? Giao thừa như đêm No-el bên Tây, mọi người đều phải tụ họp về nhà. Gia đình anh không vậy sao?
- Họ mất rồi - Tam trả lời, giọng khô khan.
- Em xin lỗỉ - Quê nói khẽ. Cô chủ động cầm tay Tam, bàn tay thô ráp và lạnh. Cái chạm bất ngờ ấy làm Tam kinh ngạc. Chưa bao giờ anh nghĩ sẽ có lúc mình và Quê gần gũi đến mức này.
Họ ngồi xuống một ghế đá trên đại lộ Champs Elisées. Mặt Quê kề sát mặt Tam. Ánh đèn màu từ các quán cà phê soi rõ khuôn mặt tròn nhỏ nhắn và đôi mắt trong veo của Quê. Tam nghe tiếng Quê thì thầm: “Cảm ơn anh. Chúc một năm mới hạnh phúc” và cảm giác một cái hôn nhẹ phảng phất qua má. Một nụ hôn ẩm ướt còn thơm mùi phở làm Tam xúc động quá. Tam muốn hỏi cô cảm ơn anh về cái gì và thật lòng Tam cũng muốn nói cảm ơn cô, nhưng cổ họng nghẹn lại. Lần đầu tiên trong những năm tháng sống không gia đình trên đất khách quê người, Tam thấy mình thật sự muốn khóc./.

Xem Tiếp: ----