Tôi đưa mắt nhìn đồng hồ. Bên ngoài, nắng đã nhạt và tắt dần. Các nhà đã lên đèn. Tại sao đến lúc này anh vẫn chưa về? Tôi điên lên nhìn mâm cơm nguội ngắt và các nhà hàng xóm bát đũa đã kêu lách cách báo hiệu một ngày đã qua. Sao mày lấy chồng sớm thế? Lấy chồng sớm làm gì? Ngu ơi là ngu. Ăn chơi cho sướng đã. Ràng buộc lúc nào khổ lúc ấy. Những lời nói của bạn bè lâu nay tôi để ngoài tai, có khi còn vênh mặt lên: “Tại tao yêu anh ấy. Anh ấy cũng yêu tao. Tao thích cưới!”. Nói đến thế là tiêu. Các bạn tôi im re. Tôi thích thú vì đã thắng lợi. Tôi là người hiếu thắng. Tôi đã làm gì thì điều đó tuyệt đối đúng. Ừ, có lúc cũng phải khổ sở tí chút, như lúc này chẳng hạn. Ở đời phải có lúc sướng lúc khổ chứ. Anh là một thanh niên đẹp trai, theo đuổi mục tiêu không hề biết mệt từ lúc tôi còn học phổ thông, nhẫn nại ít thấy, chịu đựng hết sảy. Anh đưa đón tôi chu đáo, ngoài ra ngày nghỉ anh đưa tôi đi chơi. Những con đường đẹp, những cây lạ. Tôi biết thế nào là hoa thơm, cỏ lạ. Anh giúp tôi sưu tầm ô mai các loại mà tôi thích ăn… Ngày đối với tôi cứ rối rít tít mù những thăm viếng hẹn hò. Tôi luôn chờ đợi thấp thỏm khi anh đến. Tôi cảm thấy đời tôi có thể thiếu nhiều thứ – trừ anh. Rồi một hôm, anh đột ngột xuất hiện. Tôi chạy lao ra đón anh. Anh luống cuống đẩy ra trước mặt tôi một bà già đứng tuổi. Anh cười giơ tay cho tôi: - Mẹ anh đấy, em làm quen với mẹ đi. Lúc đó thế nào nhỉ? Người tôi nóng bừng lên nhưng hai tay lại sởn gai ốc như bị lạnh vậy. Tôi lí nhí chào “bác” rồi chạy vụt ra đằng sau bếp chúi mũi vào hai củ khoai lang và một con mực đã mốc xanh mẹ để dành làm thức ăn cho con mèo. Tôi nghĩ và quên bẵng những gì đã xảy ra ở trên nhà. Một lúc sau, con mực đã phồng rộp lên, thơm phức, không còn dấu hiệu nào của mốc xanh mốc đỏ nữa. Tôi đang xé con mực tước ra thành những mảnh nhỏ thì anh chạy lao từ trên nhà xuống bếp, ngồi thụp bên tôi, thở phào: - Xong rồi! - Xong cái gì? - Tôi ngơ ngác. -Chuyện chúng mình xong rồi. Hai cụ đã “ô kê” nhau và sẽ đứng ra lo đám cưới cho chúng mình – Vừa nói anh vừa cầm con mực đã nướng xé nhỏ nhai tóp tép. - Anh nói chuyện gì đấy? Cái gì, lúc nào cũng đùa. – Tôi nhăn nhó và lo lắng không hiểu những gì xảy ra ở trên nhà. Anh vẫn tóp tép nhai và còn khen mực ngon nữa mới tức chứ. Rồi anh khề khà: - Anh không ngờ hai cụ “ô kê” nhau nhanh đến thế! Lạ thật! Nhẽ ra hai cụ phải bàn bạc, trao đổi với nhau về mọi việc của đám cưới. Bao nhiêu là việc không bàn lại ngồi trao đổi với nhau về sở thích của các món ăn. Cả hai đều thích ăn rau khoai lang luộc, ăn cháo hến, cháo trai với rau dền. Thích thế cơ chứ. Em phải thưởng công cho anh đi. Anh vừa nói vừa nhai và thế là hết sạch con mực của tôi. Còn tôi lúc ấy chẳng hiểu ra sao, phát hoảng lên. Tôi lao lên nhà, đứng sững nơi cửa. Tiếng trong nhà vang lên. Giọng mẹ tôi xởi lởi: - Vâng. Bác đã nói thế em xin chấp nhận. Bác ở xa mà đến thăm gia đình em như thế này thật là quý hoá. Bác cứ yên tâm để em bàn thêm với gia đình. Có thế nào thì đầu tuần sau em sang bên đó. Trước nhất là để thăm gia đình, sau là để xem còn gì cần bàn bạc ta dứt điểm luôn. Chẳng giấu gì bác, lâu nay cháu Đạt vẫn qua lại đây, tôi quý lắm, coi cháu như con em trong nhà. Bác cứ yên tâm hai nhà như một. Tôi hốt hoảng chạy xuống bếp. Anh đã xơi hết hai củ khoai lang. - Có chuyện gì thế anh Đạt? Thế này là thế nào? - Cứ ngồi xuống đây đã! Anh bình tĩnh chờ đợi tôi. Khi tôi đã ngồi yên ổn trước mặt anh, cách nhau cái bếp lửa nhỏ đang đỏ hồng nổ lốp bốp vì vụn mực và đất ở củ khoai lang rơi xuống. Anh nhìn tôi đăm đăm rồi hỏi nhỏ: - Em có đồng ý làm vợ anh không? Tôi sững sờ. Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ đến lúc có người lại hỏi tôi như vậy. Lại hỏi vào một hoàn cảnh chẳng nên thơ tí nào. Chẳng có ánh trăng làm chứng. Chẳng có dòng sông hay con đò lờ lững trôi, hay rặng liễu rủ, bãi cỏ non xanh như tôi thường tưởng tượng.Chung quanh tôi chỉ có chảo rán, các kiểu nồi xoong, xô đựng nước và cái bếp điện nhỏ cháy đỏ và hai củ khoai nướng mà anh đã ăn hết trong nháy mắt. Chừng hiểu tâm trạng của tôi, anh khẽ đặt tay lên mái tóc ngắn cũn của tôi: - Anh đèo mẹ đến đây để đặt vấn đề cho anh đi lại nhà em, đồng thời xin mẹ cưới em về làm vợ. Em thấy thế nào? Nghe anh nói, trong ngực tôi có một cục gì chẹn ngang làm tôi tức thở. Không trả lời, tôi vùng chạy ra sân, người run bắn lên và lặng lẽ khóc. Anh đưa khăn cho tôi lau nước mắt. Tôi tấm tức: - Lấy anh xong em có được đi học, đi chơi không? Anh có đi với em không? Anh có đánh em như mấy ông hay đánh vợ ở gần nhà em không? Anh cười rũ ra, không trả lời tôi. Chỉ cười và cười. Lúc ấy tôi khóc nên không nhìn thấy hai bà mẹ đang đứng ngay bên cạnh nhìn chúng tôi. Chợt tôi nghe một tiếng nói là lạ: - Chao ôi, con bé đáng yêu quá. Nếu nó, thằng con trai của mẹ không chiều chuộng con, con ở với mẹ, lo gì? Tôi giật mình, chùi vội nước mắt gượng cười nói với “mẹ anh ấy”. Chắc mồm tôi méo đi hay sao mà cả ba người đều cười ồ. Tôi chuẩn bị lấy chồng là như thế đấy! Ngày đón dâu, lúc mẹ anh (đằng trai) đến xin dâu. Theo đúng luật lệ bà mang một cái tráp trong có những lá trầu cắt têm cánh phượng, cau đã bổ và vỏ đã cắt miếng. Bà mẹ anh mời bà mẹ tôi ăn một miếng trầu rồi để tráp lên bàn ra về. Nhà gái nhận cơi trầu để mời khách và trả lại nhà trai vào hôm đón dâu. Đằng này lúc bà mẹ anh đi ra, nhìn thấy cái tráp để trên bàn, tưởng bà quên, tôi vội ôm tráp hối hả đuổi theo, mồm gọi to: - Bác ơi, bác quên cái tráp! Mẹ anh ấy và mẹ tôi lại được trận cười. Bà mẹ anh ấy vuốt tóc tôi nhỏ nhẹ: - Phải để lại con ạ. Xin dâu không đem tráp về đâu. Tôi ngớ mặt ra lủi thủi ôm tráp vào nhà. Lòng chưa hết bàng hoàng, một lúc sau, khi một cô đến trang điểm cho tôi lại làm cho tôi thêm ngơ ngác. Thay mái tóc ngắn ngổ ngáo như con trai của tôi là những búp tóc dài xoăn tít của cái đầu tóc giả úp lên. Mắt tôi xanh thẫm. Hai hàng lông mi giả kè kè nặng trĩu luôn kéo sụp xuống làm tôi đâm buồn ngủ. Đôi môi tôi vốn dĩ màu hồng, giờ bôi cái gì làm nó thẫm lại, da mặt trắng phếch ra. Hai sống mũi được viền hai đường chỉ nâu sẫm. Nhìn vào gương tôi thấy một gương mặt quen quen. Một mặt đàn bà không già không trẻ, đanh đá như con ma đeo mặt nạ doạ trẻ con ngày rằm tháng tám. Rồi váy bốn tầng kết hoa lượt thượt, tay găng, chân tất. Cô bạn phù dâu đã từng học với tôi từ lớp 1 đến lớp 12, sau đó mỗi đứa vào một trường đại học. Hai đứa cùng nhìn nhau qua gương, cười đến chảy nước mắt. Thế là một vệt đen ngòm chảy dài bên cánh mũi. Càng cười. Thấy vậy bà hoá trang lên cơn thịnh nộ mắng cho một trận vì đã làm bà mất bao công sức. Đang cười bỗng nghe một tràng pháo nổ vang lên. Hai đứa chạy cuống lên nấp vào sau cánh cửa ban công. Chỉ được một lúc thôi, tôi và Quý, cô bạn phù dâu lại lôi nhau ra cửa nhìn sang phòng bên. Chao ôi là đông! Toàn người là người. Khói pháo mù mịt. Quý thì thầm: - Chẳng thấy chú rể với phù rể đâu mày ạ. - Tao làm sao biết được. – Tôi đáp. Bỗng cớ tiếng nói phía sau: - Ai đời cô dâu háo hức xem mặt chú rể, nó sang bây giờ tha hồ mà xem! – Bà bác tôi nói. Hai đứa lại kéo nhau vào. Chú rể xuất hiện. Thật tức mình là tôi không được biết mặt anh ấy để hỏi xem anh ấy nghĩ gì. Chỉ nhìn thoáng anh cười, hai hàm răng trắng loá lên. Tôi cúi gầm mặt vì ngượng. Tôi luôn có cảm giác mình đeo mặt nạ, luống cuống giơ tay ra đón bó hoa hồng to tướng anh đưa cho tôi: - Cầm hoa thế nào? - Không biết! – Anh cũng thì thào. Lúc mẹ dẫn chúng tôi đến trước bàn thờ làm lễ gia tiên, mẹ dặn dò tôi trước lúc về nhà chồng. Tôi bỗng thấy mình phải xa mẹ, xa ngôi nhà thân yêu suốt gần hai mươi năm tôi đã sống, xa tất cả... Nước mắt trào ra má. Anh thấy tôi khóc, sợ quá ghé tai tôi thì thầm: - Khóc làm gì, sớm mai anh lại đèo em về ngay mà. Đây chỉ là luật buộc phải làm thôi. Không làm đúng các cụ chửi cho à? Quay nhìn sang bên, mẹ tôi cũng đang sụt sịt, anh phải quay mặt đi vì buồn cười. Còn tôi, nước mắt vẫn chảy nhưng lại nhe răng ra cười. °