Một trong số những rất nhiều nhược điểm của cuộc sống thực tế là rất ít khi nó tạo ra được một câu chuyện trọn vẹn. Đôi khi có một vài sự kiện thu hút sự chú ý của chúng ta, một số người gặp phải một chuyện rắc rối không lối thoát làm cho chúng ta phải hồi hộp tự hỏi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ấy thế mà thông thường lại chẳng có gì xảy ra cả! Tai hoạ mà chúng ta dự báo trước như không thể tránh khỏi thực ra lại có thể được giải quyết một cách đơn giản và vở bi kịch hoành tráng đột nhiên trở thành một câu chuyện tầm phào. Tuổi già cũng có những cái bất lợi nhưng ít ra để bù lại nó cũng mang lại cho một thuận lợi đó là cho phép bạn cso thể hiểu được kết cục của nhiều chuyện mà bạn đã từng chứng kiến trước đó rất lâu mà chưa hiểu được. Bạn đã chẳng còn hy vọng hiểu được chuyện đã được giải quyết như thế nào nữa, thế nhưng đúng lúc không ngờ nhất người ta lại mang giải đáp đến cho bạn. Ý nghĩ đó đến với tôi khi đang ngồi nghỉ trong phòng khách của khách sạn, sau khi tiễn bà hầu tước San Esteban ra xe. Tôi gọi một ly cocktail, châm một điếu thuốc và tĩnh tâm nhớ lại những kỷ niệm xưa. Khách sạn mới và rất đẹp nhưng hoàn toàn giống như bao khách sạn khác ở Châu Âu và tôi tiếc là đã chọn nó, chỉ vì nó sạch, thay vì khách sạn Madrid cổ kính và đẹp như tranh – nơi tôi thường ở mỗi khi đến Sevilla. Đúng là tôi có thể chiêm ngưỡng dòng sông Guadalquivir từ phòng tôi nhưng điều đó không thể bù đắp cho những ồn ã với đủ các loại âm thanh như của một ban nhạc jazz vọng lên từ phòng trà có vũ nữ tổ chức hai hay ba lần mỗi tuần ở đây, thu hút đủ loại khách Chính vì thế mà sau khi đi dạo cả buổi chiều tôi bị rơi vào giữa đám đông nhộn nhạo khi trở về khách sạn. Tôi đến thẳng bàn tiếp tân lấy chìa khoá để lên phòng. Người trực vừa đưa chìa khoá cho tôi vừa báo là có một phụ nữ đã đến tìm tôi. - Một phụ nữ ư? - Đó là bà hầu tước San Esteban. Bà ấy rất muốn gặp ông. Tôi chẳng biết ai có tên như thế cả. - Chắc là có một sự nhầm lẫn rồi. Tôi chưa dứt lời thì thấy một quý bà tiến đến và đưa tay về phía tôi với một nụ cười rất tươi. Tôi vẫn không nhớ ra đã gặp người này ở đâu. Bà nắm chặt tay tôi và nói bằng tiếng Pháp rất chuẩn: - Tôi rất vui được gặp lại ông, trời đã bao nhiêu năm rồi! Tôi đọc trên báo biết ông ở đây, thế là tôi quyết định đến thăm ông. Lần cuối cùng chúng ta đã khiêu vũ với nhau là khi nào nhỉ? Ôi, lâu lắm lắm rồi! Ông có còn hay đi khiêu vũ nữa không? Tôi vẫn đi thường xuyên, à tôi đã lên chức bà rồi đấy. Tất nhiên là tôi có hơi béo lên thật nhưng kệ, khiêu vũ sẽ làm cho tôi không béo lên nữa. Bà ta nói nhanh đến nỗi tôi nghe cũng thấy đứt hơi. Đó là một phụ nữ mập, đứng tuổi, trang điểm rất kỹ, tóc nâu đỏ đậm, tất nhiên là tóc nhuộm, và được cắt khá ngắn. Bà ta mặc một bộ đồ mốt mới nhất của Paris – thực ra những mốt Paris không hợp với người Tây Ban Nha lắm. Bà ta có nụ cười rất tươi và trong trẻo khiến cho người đối thoại cũng muốn cười theo. Bà ta có vẻ rất hạnh phúc với cuộc sống của mình. Ở tuổi này mà vẫn đẹp đến thế, chắc hẳn rằng thời trẻ bà ta đẹp lắm. Nhưng tôi vẫn không nhận ra bà ta là ai. - Hãy đến uống một ly champagne với tôi và chúng ta nói lại chuyện cũ. Hay là ông thích dùng cocktail hơn? Sevilla của chúng tôi đã thay đổi rất nhiều, ông thấy đấy. Các phòng trà vũ nữ, rượu cocktail như là ở Paris và London ấy. Chúng tôi cũng bắt nhịp với xu thế thời đại, với xã hội văn minh. Bà ta dẫn tôi tới một cái bàn gần khu dành cho vũ nữ. Quả là tôi không thể giả vờ tự nhiên được nữa, chỉ e rằng sự nhầm lẫn có thể dẫn tôi đến những chuyện không tưởng tượng được. - Tôi xin lỗi, tôi thực sự là đáng trách nhưng tôi không tài nào nhớ ra được là mình đã quen biết ai ở Sevilla tên là … - Tên San Esteban? Bà ta cắt lời tôi. Đúng rồi. Chồng tôi là người gốc Salamanque. Ông ấy làm ngoại giao, giờ ông ấy đã mất rồi. Khi chúng ta biết nhau tôi còn mang tên Pilar Carreon. Hẳn là màu tóc nhuộm nâu đỏ của tôi đã làm ông không nhận ra chứ tôi không nghĩ là tôi đã đổi nhiều lắm. - Đúng thế, tôi vội tiếp lời. Thực ra họ mới của bà làm tôi không nhận ra. Lúc này thì tôi đã nhớ ra rồi và tôi cố gắng giấu sự ngạc nhiên. Thật không ngờ cô Pilar Carreon đã từng nhảy với tôi ở nhà bà bá tước Marbella và ở Phòng trưng bày ngày nào nay đã trở thành bà quả phụ béo tốt trước mặt tôi. Tôi thực sự không làm quen được với cái ý nghĩ ấy. Không biết bà ta có ngờ rằng tôi cũng đã được biết về vụ tai tiếng của bà ta đã từng làm rung động cả Sevilla không. Tôi cố gắng nói năng thật thận trọng và tôi thở phào nhẹ nhõm sau khi nói lời tạm biệt rất nồng nhiệt. Giờ đây tôi có thể tự do tìm lại những kỷ niệm xưa. Bốn mươi năm trước đây, Sevilla chưa phải là một thành phố thương mại giàu có như bây giờ. Thời đó các con phố còn lát đá cuội, rất vắng vẻ, yên tĩnh, và người ta còn có thể thấy khắp nơi những tổ cò trên tháp chuông nhà thờ. Nhưng người đấu bò tót, những sinh viên và những kẻ thích rong chơi suốt ngày lang thang trong thành phố. Cuộc sống thật dễ dàng. Thời đó tất nhiên là chưa có xe ôtô và những người dân Sevilla có xe ngựa kéo phải là những người khá giả và cũng phải rất tiết kiệm. Có những người đã sẵn sàng hy sinh những điều quý giá nhất của đời mình để có được sự xa xỉ ấy. Để có thể được coi là thuộc xã hội thượng lưu người ta phải làm được một điều là chiều chiều, từ 5 giờ đến 7giờ, đi xe dọc vườn Delicias dọc sông Guadalquivir. Ở đó chúng ta sẽ thấy đủ các loại xe ngựa kéo: những chiếc Victoria kiểu Anh lịch lãm, những chiếc mui trần cũ kỹ vừa đi vừa rung như thể sắp vỡ tan thành từng mảnh, những con tuấn mã và những chú ngựa già xấu xí sắp đến ngày phải đến với kết cục bi thảm trong trường đấu. Nhưng có một cỗ xe luôn thu hút sự chú ý của những người mới đến. Đó là một chiếc Victoria rất mới, rất duyên dáng và được kéo bởi một đôi la tuyệt đẹp. Người đánh xe và người hầu mặc đồng phục xám nhạt kiểu người Andalucia. Đó là cỗ xe đẹp nhất Séville từ trước đến giờ, nó là của bà bá tước Marbella, người Pháp kết hôn với một người Tây Ban Nha. Bà ta đã học theo một cách hứng thú cái kiểu cách của quê chồng và thêm vào đó sự lịch lãm của người Paris và điều đó làm cho phong cách của bà ta thật đặc sắc. Các xe khác bao giờ cũng đi rất chậm rãi để cho mọi người có thể nhìn rõ người ngồi trên xe nhưng bà bá tước thì luôn cho la phi nước kiệu, giữa hai hàng xe đang từ từ đi, chạy qua chạy lại hai vòng dọc vườn Delicias rồi biến mất. Trong phong cách của bà ấy có cái gì đó thật đế vương giả. Khi nhìn thấy vẻ duyên dáng của bà ta trong xe, với kiểu đầu tuyệt đẹp, mái tóc vàng trên mức tự nhiên, người ta sẽ chẳng ngạc nhiên gì về địa vị mà hiện nay bà ta có. Bà ta thường là người xướng ra các loại mốt, những quyết định của bà ta có sức mạnh như những đạo luật. Tuy nhiên bà bá tước có nhiều người hâm mộ và cũng không ít kẻ thù địch. Và người cương quyết nhất trong số họ là bà công tước mới goá chồng Dos Palos, với địa vị xã hội và nguồn gốc gia đình bà ta nghĩ rằng đáng lẽ ra bà ta phải có được vị trí số một mà bà người Pháp kia đã giành được bằng sắc đẹp, trí thông minh và cá tính của mình. Bà công tước có một cô con gái độc nhất: cô Dona Pilar. Khi tôi gặp cô ấy lần đầu cô mới hai mươi tuổi và rất đẹp. Cô có đôi mắt đẹp mê hồn và làn da màu đào – một lời khen tầm thường nhưng trong trường hợp này với cô là hoàn toàn phù hợp. Pilar mảnh dẻ, hơi cao đối với một người Tây Ban Nha, làn môi đỏ của cô làm nổi bật thêm lên hàm răng trắng. Mái tóc dày đen mượt của cô được chải theo một kiểu rất phức tạp – là mốt vào thời ấy. Cô ấy rất quyến rũ. Sự khát khao trong đôi mắt đen, sự ấm ám trong nụ cười và sức quyến rũ trong từng cử chỉ của cô làm người ta mê mẩn (khao khát). Cô thuộc thế hệ trẻ Tây Ban Nha đang cố gắng phá bỏ tục lệ cổ hủ cho rằng tất cả những cô gái trẻ dòng dõi phải sống tách rời với thế giới bên ngoài cho tới khi lấy chồng. Tôi thường chơi quần vợt với cô và khiêu vũ cùng cô trong những buổi dạ hội do bà bá tưóc Marbella tổ chức. Bà công tước thì cho là những buổi tiệc với bữa tối và rượu sâm panh, mà bà người Pháp tổ chức là quá xa hoa. Về phần bà ta, mỗi khi đãi khách quý tại nhà mình, độ 2 lần trong một năm, bà ta mời họ dùng nước chanh và bánh quy. Nhưng bà công tước có một trại nuôi bò đấu do chồng đểlại, và khi những con bò mới được đưa ra trận bà ta tổ chức ăn trưa ngoài trời với các bạn bè và người trong gia đình nhưng với những nghi thức thời Trung Cổ làm tôi rất tò mò. Một hôm tôi đi cùng đoàn kỵ sỹ dẫn đàn bò của bà công tước đi đến một đấu trường ở Séville. Chúng tôi đi ban đêm, Dona Pilar đi đầu đoàn mang một bồ đồ như trong tranh của Goya. Thật chẳng có gì quyến rũ hơn là cưỡi ngựa đi trong đêm trên những con ngựa vùng andalouisia và theo sau là một đoàn 6 chú bò tót được bao bọc bởi một đàn bò trong tiếng cồm cộp của móng bò. Rất nhiều người giàu có hoặc có địa vị, đôi khi vừa giàu có vừa có địa vị, đã từng cầu hôn với Dona Pilar nhưng mặc cho mẹ cô trách mắng, cô đã từ chối tất cả. Bà công tước lấy chồng từ lúc mười lăm tuổi và thấy không thể chấp nhận được khi con gái mình đã 20 tuổi rồi mà vẫn chưa có gia đình. “Nó muốn gì chứ? Già kén kẹn hom. Nhiệm vụ của nó là lấy chồng.” Nhưng Pilar rất bướng bỉnh, cô luôn tìm ra lý do để từ chối những người theo đuổi cô. Nhưng cuối cùng một ngày sự thật cũng lộ ra. Trong những buổi dạo xe hàng ngày ở vườn Delicias, trên chiếc Landau lỗi thời, Dona Pilar và mẹ thường gặp bà bá tước cho xe đi nước kiệu chạy qua chạy lại hai vòng liền. Hai quý bà ghét nhau đến nỗi họ giả vờ không nhìn thấy nhau nhưng Pilar thì không thể không ngắm cỗ xe lộng lẫy và hai con la xám tuyệt đẹp, tuy nhiên, để tránh cái nhìn của bà bá tước cô phải nhìn anh chàng đánh xe. Đó là người đàn ông đẹp trai nhất Sevilla, trong bộ trang phục màu xám trông anh ta thật ưa nhìn. Tất nhiên, chẳng ai biết chuyện gì đã xảy ra nhưng, vô tình càng nhìn Pilar lại càng thích cái vẻ oai vệ của anh chàng đánh xe và, những điều bí ẩn bắt đầu từ đây, bằng một cách nào đó họ đã gặp được nhau. Ở Tây Ban Nha các tầng lớp trong xã hội pha trộn một cách lạ lùng đến nỗi người hầu phòng có thể có trong mình dòng máu quý tộc hơn cả chủ của mình. Pilar đã rất vui khi biết được rằng anh chàng đánh xe có nguồn gốc từ gia đình Leon ngày xưa đã từng là gia đình quý tộc nhất ở Andalucia, và như vậy anh ta và cô là hoàn toàn tương xứng. Chỉ đơn giản là tạo hoá đã sắp đặt cho cô sống trong một gia đình công tước còn anh ta thì phải kiếm sống trên ghế đánh xe một chiếc Victoria. Chẳng có gì đáng phàn nàn vì chính nhờ cái vị trí trên ghế cao ấy mà anh ta đã thu hút được sự chú ý của cô gái kiêu kì nhất Sevilla. Họ yêu nhau say đắm. Nhưng, đúng vào thời điểm đó, một chàng trai khác, hầu tước San Esteban, đã viết thư cho bà công tước để cầu hôn với Pilar, họ đã gặp nhau mùa hè trước đó ở Saint-Sébastien. Bà công tước rất hài lòng. Hơn nữa đã từng có nhiều đôi lấy nhau giữa hai gia đình từ thời vua Phillippe II. Bà công tước quyết định sẽ không nhượng bộ con gái nữa và khi nói chuyện với Pilar bà đã nói cho cô biết rằng cô đã lẩn tránh quá lâu rồi, bây giờ phải lựa chọn giữa hầu tước San Esteban và tu viện. - Con sẽ không lấy ông hầu tước mà cũng chẳng vào tu viện. Pilar trả lời. - Thế con làm gì đây? Mẹ sẽ chẳng giữ con bên mình lâu hơn nữa đâu. - Con sẽ lấy José Leon. - Ai vậy? Pilar ngập ngừng một lát, và có thể là hơi đỏ mặt một chút, ít ra là người ta cũng hy vọng như vậy. - Anh ấy là người đánh xe của bà bá tước. - Bá tước nào? - Bà bá tước Marbella. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ bà công tước và tôi biết rằng khi nổi giận thì bà ấy hoàn toàn thay đổi. Bà la hét, van xin, khóc lóc cố gắng làm cô con gái đổi ý. Màn kịch rất dữ dội. Có người còn nói rằng bà công tước đã kéo tóc con gái để đánh nhưng tôi biết, trong trường hợp ấy, Pilar thừa sức chống đỡ. Cô khẳng định lại với mẹ cô rằng cô yêu José Leon, anh ta cũng yêu cô và cô đã kiên quyết sẽ lấy anh ta làm chồng. Cuối cùng bà công tước phải triệu tập một cuộc họp gia đình để giải quyết chuyện này. Và, để tránh nỗi nhục cho gia đình, họ đã quyết định gửi Pilar về nông thôn cho tới khi nào cô quên cái mối tình ngông cuồng này đi. Pilar đã dò biết được dự định của họ và đã nhanh chân chốn đến nhà bố mẹ người yêu. Đó là những người đáng kính, họ sống trong một căn hộ xòng xĩnh ở khu Triana, phía bên kia sông Guadalquivir. Sau sự việc ấy, chuyện không thể giấu được nữa. Trong các câu lạc bộ, người ta bàn tán rất nhiều về chuyện này. Mọi người vừa cười hỉ hả vừa bàn luận về cái tin bất ngờ ấy; những người cầu hôn đã bị Pilar từ chối giờ lại được chúc mừng. Họ đã gặp may! Bà công tước thất vọng vô cùng. Bà ta chẳng còn biết làm gì hơn nữa ngoài việc đến gặp Tổng giám mục, một người thân thiết mà bà ta đã từng đến gặp để xưng tội. Bà ta van xin ông đích thân đến khuyên nhủ cô con gái bị tình yêu làm cho mù quáng của mình. Pilar được goi đến và ông tổng giám mục, vốn đã rất quen can thiệp vào những rắc rối, bất hoà trong gia đình đã làm tất cả những điều có thể để cho cô thấy sự sai trái trong cách cư xử của cô. Nhưng cô không chịu nghe gì hết. Chẳng có gì có thể làm cô từ bỏ người mình yêu. Bà công tước cũng được gọi vào cố gắng thuyết phục con gái lần cuối nhưng chẳng ăn thua gì. Pilar trở lại chỗ mình đang ở tạm và bà công tước, nước mắt ròng ròng ở lại với ông Tổng giám mục. Ông này, rất thương người và có nhiều mưu mẹo, đợi khi bà bình tâm trở lại đã khuyên bà hãy thử một biện pháp cuối cùng là đến gặp bà bá tước Marbella. Đó là người phụ nữ khôn khéo nhất Séville, có thể là bà ta sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề. Thoạt đầu bà công tước phẫn nộ phản đối. Đời nào bà ta lại chịu đi nhờ vả kẻ thù lớn nhất của mình cơ chứ. Thà rằng nhà của bà sập còn hơn! Ông tổng giám mục biết phải làm gì với những người đàn bà ngoan cố. Ông dùng mọi sự khéo léo của mình ra để làm bà ta đổi ý và cuối cùng bà ta cũng đồng ý đến cậy nhờ vào lòng tốt của bà bá tước người Pháp. Tuy rất tức tối nhưng bà ta cũng phải viết một lá thư cho kẻ thù của mình để xin gặp và ngay chiều hôm đó bà ta đã có mặt ở phòng khách nhà bà bá tước. Tất nhiên bà bá tước là một trong những người đầu tiên biết chuyện nhưng bà ta vẫn cứ nghe bà mẹ bất hạnh kể lại như thể không hề biết gì. Bà ta thực sự rất thích chí với hoàn cảnh ấy. Kẻ luôn luôn đố kỵ mình nay phải quỳ xuống chân mình xin xỏ, thật là một chiến thắng ngoài sức tưởng tượng. Thế nhưng bà bá tước cũng là người tốt bụng, bà ta cũng chẳng phải là người hoàn toàn không có lương tri. - Quả là rắc rối thật. Tôi rất tiếc rằng thủ phạm lại là một trong những người làm của tôi. Chỉ có điều tôi không biết có thể làm được gì đây. Bà công tước ước thầm có thể vả cho cái mặt đầy phấn son kia một cái nhưng vẫn phải cố nén cơn giận của mình, bà nói giọng run run: - Thật không hẳn vì tôi mà tôi kêu gọi tới bà. Đó là vì Pilar. Tôi biết, cũng như mọi người, rằng bà là người thông minh nhất thành phố này. Tôi nghĩ, và cả ông tổng giám mục cũng đồng ý với tôi, rằng nếu có một giải pháp nào đó thì chắc chắn rằng bà sẽ tìm ra ngay. Bà bá tước biết rằng đó là những lời nịnh quá đáng nhưng bà ta chẳng phật ý tí nào, nếu không muốn nói là ngược lại. - Hãy cho tôi thời gian suy nghĩ. - Tất nhiên rồi. Nếu như đó là một người quân tử thì tôi đã nhờ đến con trai tôi rồi, nó chỉ việc giết hắn ta đi là xong. Nhưng bá tước Dos Palos làm sao có thể đấu súng với người đánh xe của bà bá tước Marbella được. - Đúng thế. - Thời ngày xưa có phải đơn giản hơn không. Tôi chỉ cần mướn 2 kẻ giết thuê cắt cổ tên bịp đó đi. Nhưng những luật lệ thời nay làm cho những người tử tế chẳng có gì để bảo vệ mình trước sự xúc phạm của người khác cả. - Tôi cực lực phản đối tất cả những giải pháp làm tôi mất người đánh xe rất tốt của tôi. Bà bá tước nói khẽ. - Nhưng nếu như anh ta lấy con gái tôi thì làm sao anh ta có thể là người đánh xe cho bà được nữa. Bà công tước kêu lên, tức giận. - Thế bà có chịu cho Pilar của hồi môn đủ để họ có thể sinh sống được không? - Tôi ư? Tôi sẽ không cho nó một xu nào. Tôi đã cảnh cáo Pilar rồi, nó sẽ chẳng có gì cả. Nếu chúng tính dựa vào tôi thì chúng sẽ chết đói đấy. - Vậy thì tôi nghĩ rằng anh ta sẽ vẫn tiếp tục làm người đánh xe cho tôi. Trên nóc chuống ngựa có mấy phòng nhỏ cũng khá tử tế đấy. Mặt bà công tước hết tái xanh rồi lại đỏ lựng lên. - Hãy bỏ qua tất cả những gì đã xảy ra giữa chúng ta. Chúng ta hãy là bạn. Chẳng lẽ bà lại làm nhục tôi đến thế sao. Nếu chẳng may tôi đã có làm điều gì đó không phải với bà thì tôi xin quỳ xuống xin bà tha thứ. Má bà tràn trề nước mắt. - Hãy lau nước mắt đi, bà công tước - cuối cùng bà người Pháp nói. Tôi sẽ cố gắng hết sức xem sao. - Bà có thể làm được điều gì đó đúng không? - Có thể thế. Chắc chắn là Pilar sẽ không có của cải gì đúng không? - Không một xu nếu nó lấy chồng không được sự đồng ý của tôi. Trên mặt bà bá tước nở một nụ cười rạng rỡ. - Người ta vẫn nói rằng người miền Nam thơ mộng và người miền Bắc bủn xỉn. Nhưng thực ra là ngược lại. Những người miền Bắc mới lãng mạng. Tôi sống với người Tây Ban Nha đã đủ lâu để nhận thấy đầu óc họ rất thực tế. Bà công tước đã quá chán chẳng còn muốn phản đối lời nhận xét xúc xiểm của bà bá tước nhưng thực chất là chưa bao giờ bà lại căm ghét bà bá tước như lúc này. Bà bá tước Marbella đứng dậy: - Tôi sẽ trả lời bà trong ngày hôm nay. Rồi bà ta tiễn khách một cách rất lạnh nhạt. Thông thường cỗ xe sẵn sàng vào lúc 5 giờ nhưng hôm nay trước buổi đi dạo thường nhật, bà bá tước ăn mặc chỉnh tề đã cho gọi José vào gặp. Khi thấy anh ta bước vào trong bộ đồng phục màu xám nhạt, bà ta cũng phải thừa nhận rằng anh ta có vẻ rất đàng hoàng và không phải là một người tồi. Nếu anh ta không phải chính là người đánh xe của bà thì… nhưng thôi đây không phải là lúc nghĩ chuyện nhảm. Anh ta đứng thẳng trước mặt bà rất tự nhiên, thậm chí với chút vẻ bạo dạn kiêu kỳ. Anh ta chẳng có gì là vẻ của người ở cả. “Một tượng thần Hylạp, bà bá tước nghĩ thầm, chỉ có ở Andalucia mới có thể có những người đàn ông như thế này.” - Tôi nghe nói rằng anh sẽ lấy con gái bà công tước DosPalos. - Nếu như bà bá tước không phản đối. Bà ta nhún vai. - Anh có thể lấy ai anh muốn, tôi không quan tâm. Nhưng anh cũng biết rằng Dona Pilar sẽ không có chút tài sản nào chứ? - Có tôi biết, thưa bà. nhưng tôi có một chỗ làm việc tốt và tôi có thể nuôi vợ tôi được. Tôi yêu cô ấy. - Tôi không trách gì anh. Cô ta rất xinh đẹp. Nhưng tôi phải báo trước với anh rằng tôi không giữ một người đánh xe đã có gia đình. Kể từ ngày cưới của anh, anh sẽ không còn là người làm của tôi nữa. Tôi chỉ muốn nói với anh như vậy thôi. Anh có thể đi ra được rồi. Rồi bà ta chuyển sang đọc tờ báo mới được chuyển đến từ Paris. Nhưng đúng như bà ta đã dự đoán, José vẫn đứng im không đi, anh ta nhìn xuống nền nhà. Một lát sau, bà bá tước nhìn lên: - Anh còn đợi gì nữa? - Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng bà bá tước sẽ đuổi việc tôi. Anh ta nói giọng không chắc chắn lắm. - Tôi tin chắc rằng anh sẽ dễ dàng tìm thấy một chỗ làm khác. - Vâng, nhưng… - Nhưng sao? Có vấn đề gì? Bà ta hỏi khô khan. Anh ta thở dài đau khổ: - Cả Tây Ban Nha chẳng đâu có được một đôi la đáng giá như đôi la của bà ở đây. Chúng chỉ không biết nói thôi. Nhưng chúng hiểu hết những gì tôi nói với chúng. Bà bá tước nở một nụ cười làm xiêu lòng bất cứ người đàn ông nào chưa từng yêu. - Tôi rất tiếc nhưng anh phải chọn giữa tôi và người yêu của anh… Anh chàng đánh xe bối rối đổi từ chân này sang chân kia, đưa tay vào túi định lấy thuốc lá nhưng lại chợt nhớ ra mình đang ở đâu nên ngừng lại. Anh ta nhìn bà bá tước và gương mặt chợt loé lên một nụ cười tinh quái mà tất cả những ai đã từng sống lâu năm ở Andalucia đều hiểu. - Vậy thì tôi không thể do dự nữa. Pilar sẽ hiểu rằng điều đó thay đổi tất cả. Người ta lấy vợ lúc nào mà chẳng được nhưng một chỗ làm việc như thế này thì người ta chỉ có thể có một lần trong đời thôi. Thật là ngớ ngẩn nếu từ bỏ nó chỉ vì một người đàn bà. Và như vậy cuộc phiêu lưu kết thúc ở đó. José Leon tiếp tục đánh xe cho bà bá tước Marbella nhưng từ đó bà ta nhận thấy rằng khi đi dọc vườn Delicias, anh chàng đánh xe điển trai của mình cũng thu hút ánh mắt người khác chẳng kém gì kiểu mũ mới nhất của bà. Một năm sau đó Pilar kết hôn với hầu tước San Esteban. Prusten dịch