Ngày 19 tháng 5 năm 1994, gia đình tôi đáp chuyến bay xuống thành phố Hoa Hồng, Portland, cùng với một số gia đình Việt Nam khác. Người ra đón chúng tôi dĩ nhiên là có cả gia đình bác Khúc và một số bạn cũ của ba cùng quân ngũ năm xưa. Trong khi mọi người tay bắt mặt mừng thì tôi bẽn lẽn núp đằng sau ba nhìn khắp lượt quan sát. Bác Khúc trai năm xưa là một phi công trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa nên có một thân hình to lớn, tướng cao thật sang trọng. Tiếng nói của bác rõ ràng và mạnh mẽ tỏ uy quyền nhưng bác lại có một nụ cười rất hiền, dễ mến. Bác đang đứng cùng các chú bác khác hỏi thăm ba tôi. Họ bắt tay nhau nói chuyện sang sảng. Mẹ tôi thì đang ôm bác Khúc gái vừa khóc vừa cười vui mừng sau ba năm gặp lại. Tôi để ý thấy bác Khúc gái tướng tá mập mạp, quý phái, vừa vặn trông thật xứng với bác Khúc trai. Hôm ấy bác gái mặc một bộ đầm rất Tây làm chúng tôi bỗng thấy quần áo trên người mình thật quê mùa. Điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa hai bác và ba mẹ tôi là cái ốm và cái mập. Mấy chị em tôi đều giống ba ở cái tướng cao như cổ thụ mà lại gầy như lá liễu. So sánh hai bên thật không giống một chút nào. Trong lúc mấy người đàn ông đứng sang một bên chào hỏi nhau thì mẹ tôi liền giới thiệu hai chị Tường Lan và Tường Mai với bác gái. Đến lúc mẹ muốn giới thiệu tôi thì nhìn quanh chẳng thấy tôi đâu. Một hồi mẹ mới phát hiện tôi đang đứng bên ba nhìn sang thì mẹ chỉ tay cho bác gái thấy rồi nói. -Còn nó là đứa con út, Tường Vi đó chị. Bác gái nhìn tôi cười hiền lành. Nụ cười bác thật phúc hậu và dịu dàng khiến tôi cũng vui nhe răng cười lại nhưng mắc cở không dám bước qua. Tôi lại thấy bác quay lại hỏi mẹ. -Thế còn đứa lớn đâu? -Nó lập gia đình, có hai con rồi nên không qua được. Thôi vậy cũng tốt chị ạ, vì ở nhà chỉ còn bà ngoại nên có đứa cháu ở lại chăm sóc cũng đỡ buồn tuổi già. Nghe mẹ nói tâm trí tôi chợt thấy nao nao trong dạ khi nghĩ đến ngoại, chị Tường Vân và hai đứa cháu mình. Lúc chia tay ở phi trường mọi người ai cũng khóc bù lu bù loa làm tôi phát khóc theo. Nhưng cho đến lúc này tôi mới hiểu thế nào là chia cách. Ngồi trên máy bay di chuyển ba lần trong vòng 24 tiếng đồng hồ qua Mỹ, tôi mới cảm nhận thế nào là xa xôi và khoảng cách ấy không phải như tôi tưởng khi được ba chỉ cho thấy trên bản đồ ngày nào. Tiếng bác trai Khúc nói với ba thật lớn làm cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. -Anh Nhân, đây là Văn Khải, thằng con trai thứ hai của tôi nè. Tôi tò mò quay lại nhìn thì liền bắt gặp một gương mặt với những nét thật giống bác trai Khúc. Lần đầu tiên nhìn thấy Văn Khải tôi đã có một ấn tượng thật tốt. Tướng anh cũng cao lớn giống như ba mình, gương mặt không quá cương nghị nhưng nụ cười thân thiện quả là bản sao của bác trai Khúc. Đôi mắt anh nhỏ nên mỗi lần cười đều chỉ còn thấy hai đường vằn ngang trông thật dễ thương. Tôi đã thích nụ cười của anh từ ấy. Văn Khải lễ phép chào ba tôi với một giọng trầm mới lớn. -Dạ chào bác. Ba tôi cười giơ tay ra bắt tay với anh. Ông ngó quanh thì liền thấy tôi đứng bên cạnh nên vội giới thiệu lại với một giọng hãnh diện khiến tôi mắc cở. -Còn đây là con gái út của tôi, Tường Vi. Con chào bác Khúc và anh Khải đi con. Tôi ngoan ngoãn cúi đầu chào bác rồi chào anh Khải. Vừa chào xong thì mấy người lớn lại bỏ mặc chúng tôi, tiếp tục trở lại câu chuyện dang dở. Văn Khải đưa ánh mắt đầu tiên nhìn tôi cười. Không hiểu sao tôi bỗng cảm thấy mặt mình nóng lên. Có lẽ tôi đã đỏ mặt ở cái nhìn của một người con trai đầu tiên cười thân thiện với tôi. Lần đầu tiên tôi biết mắc cở với người khác phái. Chúng tôi chưa kịp nói gì với nhau ngoài nụ cười thì có một đứa bé trai khác chạy ào lại bên Văn Khải kêu lớn lên. -Anh Khải, anh Khải, mẹ gọi anh kìa. Vừa nói đứa bé vừa kéo tay anh nó sang bên kia về phía mẹ, bỏ mặc tôi đứng ngơ ngác nhìn theo. Tôi còn đang lưỡng lự không biết nên tiếp tục đứng với ba hay chạy sang bên mẹ thì đôi bên đã đi lại gọi nhau ra về. Tôi bỗng vui mừng chạy lại nắm tay mẹ bên cạnh chị Tường Mai. Tất cả cùng đi xuống tầng dưới phi trường lấy những túi hành lý nặng trịch rồi ra xe chia nhau về nhà bác Khúc. Ra đến sân đậu xe chúng tôi nhanh chóng phân chia ai về chung xe nào. Bình thường thì tôi nhất định sẽ theo ba nhưng lúc này ba đang bận rộn trò chuyện với bác trai Khúc nên tôi đành phải đi với mẹ. Trên đường đi tôi ngồi đằng sau xe giữa mẹ và đứa bé trai lúc nãy. Bác gái Khúc ngồi phía trước với một người con trai khác đang lái xe. Tôi nghe bác gái giới thiệu chúng tôi với nhau. -À Tường Vi, con chưa gặp anh Khiêm phải không? Đây là con trai lớn của bác. Vừa nói bác vừa vỗ nhẹ lên tay anh đang lái xe rồi quay xuống chỉ vào đứa bé. -Còn thằng út là bé Khương. Bác còn đứa con trai nữa tên Khải. Nhà bác thì toàn con trai không, nhà con thì toàn gái. Rồi bác chắt lưỡi đùa với mẹ tôi. -Chị Nhân, hay là chị với tôi đổi nhau một đứa đi. Hai người nói đùa qua lại với nhau nhưng cũng tránh không dám nói thẳng sợ tôi và bé Khương hiểu được lại buồn. Tôi cũng cười cho vui vẻ nhưng sự thực trong lòng tôi bỗng bối rối. Ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ với bao nhiêu niềm háo hức, hồi hộp, và lo sợ. Gặp gỡ những người thân mới nên quan hệ thay đổi, đường xá và cảnh vật thay đổi, cộng những ngỡ ngàng trong tất cả mọi chuyện làm tôi phải chạnh lòng suy nghĩ. Lần đầu tiên tôi biết xuyến xao trong dạ. Tôi nhìn ra ngoài đường ngắm bầu trời trong xanh chợt thấy một sự đổi thay lớn dần, lớn dần ngay trước mắt. Những tòa nhà thật cao, hàng cây cũng cao xanh ngắt. Xe hơi chạy đầy đường theo trật tự giao thông. Người đi bộ chẳng mấy ai. Tất cả im lìm, yên bình đến xa lạ. Thành phố Portland đối với tôi như một vòng tay hiền hòa nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng. Không còn những tiếng ồn ào của đám trẻ trong xóm. Không còn những tiếng vội vã của những người thức khuya, dậy sớm. Tiếng ê a học bài, tiếng gọi nhau chí chóe, tiếng xe Honda rùm rùm chạy ngang qua nhà. Tất cả mới hôm qua còn xảy ra trước mắt tôi, nay đã như đi lùi vào dĩ vãng một cách hối hả, vội vàng. Lần đầu tiên tôi bắt gặp mình suy tư đến những điều ấy. Ngay ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, tôi đã biết mình thay đổi. Cách nhìn và sự suy nghĩ của tôi đã hiện hình rõ ràng. Cuộc đời tôi từ nay đã sang một trang mới, hoàn toàn mới. Bác Khúc đã mướn cho chúng tôi một căn apartment trong khu Halsey gần nhà bác, nhưng lúc đó căn hộ đang được sơn sửa nên tạm thời chúng tôi không thể dọn vào. Thế là cả gia đình tôi phải ở nhờ nhà bác suốt một tháng đầu tiên đặt chân đến Mỹ. Nhà bác Khúc bỗng trở thành chật chội so với số người quá đông của hai gia đình cộng lại, nhưng niềm vui trùng phùng khiến sự nhộn nhịp làm tan đi điều bất tiện ấy. Nhà bác chỉ có ba phòng ngủ nên nhường cho cả gia đình tôi phòng lớn nhất. Lần đầu tiên bước vào căn phòng tôi đã phải ngạc nhiên đến thích thú. Nó thật sự không rộng, chỉ vừa đủ kê hai chiếc giường twin lại với nhau là chừa ra một lối nhỏ bước vào. Không bàn, không ghế, nhưng có một tủ quần áo riêng rộng rãi. Hồi đó đối với tôi cái gì cũng mới và thành ra cái gì cũng đẹp. Nhưng bây giờ đôi khi nhìn lại căn phòng ấy ở nhà bác Khúc, tôi không khỏi ngạc nhiên nghĩ lại năm xưa cả nhà tôi đã ở đó suốt một tháng mà không hề thấy khó khăn gì. Bốn mẹ con ngủ trên giường nệm thao thức cả một tuần vừa không quen, vừa xa lạ. Ba tôi thì ngủ ở dưới thảm, đôi lúc lại ra phòng khách ngủ. Hai phòng còn lại trong nhà bác Khúc thì một dành cho hai anh Văn Khiêm và Văn Khải. Một phòng dành cho hai vợ chồng bác và bé Khương. Cuộc sống dần dần trôi qua với sự học hỏi thích nghi và lo lắng. Tháng Sáu năm đó chúng tôi được dọn vào căn apartment riêng của mình để thực sự bắt đầu cuộc sống mới của người di cư. Gia đình bác Khúc và gia đình tôi đã có một mối quan hệ thân thiết như ruột thịt. Nhà hai bên lại gần nên sự qua lại trở thành thường xuyên không mấy khó khăn. Thật may cho tôi trong thời gian đầu đến Mỹ lại đúng vào mùa Hè nên không phải đi học ngay. Tôi có ba tháng vui đùa thỏa thích dưới ánh nắng dịu hiền nơi xứ lạ. Trong khi ba mẹ và hai chị tôi bận rộn với công việc cho cuộc sống mới nhiều lo toan, thì tôi lại được tạm quên trong những điều mới lạ xảy ra trước mắt.