Dịch giả: Nguyễn Việt Long

 Xu hướng của đàn bà, - Giep Pitơx nói, sau khi đã có một vài ý kiến bàn về vấn đề này, - thường hướng về phía mâu thuẫn. Đàn bà muốn cái mà các cậu không có. Cái gì càng có ít, đàn bà càng muốn nhiều. Họ thích lưu trữ các loại xuvơnia về những sự kiện thực ra chẳng có trong đời họ. Cái nhìn một phía đối với sự vật không đội trời chung với bản tính đàn bà.
Tớ có một điểm dở bẩm sinh và được những chuyến du lịch phát triển lên, - Giep nói tiếp, mặt đăm chiêu nhìn cái bếp lò nằm lọt giữa đôi chân ghếch cao. - Tớ nhìn một số sự vật sâu hơn đa số mọi người. Tớ đã hít no hơi xăng, đã diễn thuyết trước đám đông hầu như tại tất cả các thành phố của Hoa Kỳ. Tớ mê hoặc người đời bằng âm nhạc, tài hùng biện, sự khéo léo của đôi tay và những thủ thuật ranh mãnh, đồng thời bán cho họ hàng kim hoàn thuốc men, xà phòng, thuốc mọc tóc và đủ thứ tạp nham khác. Trong lúc đi chu du, phần để giải trí, phần để chuộc tội, tớ đã nghiên cứu đàn bà. Muốn hiểu được một ả đàn bà, con người ta cần cả một đời, nhưng những mầm mồng kiến thức về nữ giới có thể đạt được, nếu ta dành cho nó mười năm nghiên cứu cần cù, kĩ lưỡng. Trong lĩnh vực này, tớ đã biết được rất nhiều điều bổ ích khi rao bán ở miền tây kim cương Braxin và đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh, - đó là sau chuyến đi Xavanna của tớ qua vành đai bông. Dạo ấy là thời kì phát đạt đầu tiên của bang Oclahôma. Thị xã Gatơri mọc lên ở giữa bang này, vùn vụt như thổi. Đó là một thị xã điển hình ra đời trong cao trào bùng nổ kinh tế: muốn tắm rửa phải xếp hàng, nếu bạn ngồi ăn trong tiệm lâu quá chục phút thì phải trả thêm tiền chỗ ngồi; còn nếu ngủ đất trong khách sạn, sáng ra xin cứ việc chi tiền như nghỉ biệt thự.
Về quan điểm lẫn tư chất thì ở đâu tớ cũng thích tìm những chỗ đánh chén ngon lành nhất. Tớ tìm được một nơi hết sức vừa ý. Đó là một tiệm ăn căng bạt của một gia đình vừa mới mở. Gia đình ấy đến thị xã này theo vết chân sự bùng nổ kinh tế. Họ đã dựng gấp một ngôi nhà nhỏ vừa để ở vừa để nấu nướng và chăng thêm lều bạt áp vào ngôi nhà làm tiệm ăn. Lều này chăng đầy những tờ quảng cáo nhằm giành giật từ vòng tay tội lỗi của các biệt thự và khách sạn kẻ lữ hành mệt mỏi. “Hãy nếm bánh quy nhà chúng tôi”, “Bánh rán nóng với xirô phong, những món bạn vẫn ăn từ thuở bé”, “Gà rán của chúng tôi lúc sống chưa đến tuổi cục tác” đấy là những dòng chữ có nhiệm vụ kích thích sự tiêu hoá của khách ăn. Tớ mới bụng bảo dạ rằng cái thân xác tớ cần tọng một chút gì đó chiều nay tại chính tiệm ăn này. Sự việc diễn ra đúng như vậy. Chính tại đây tớ đã làm quen được với Mâymi Điugân.
Ông già Điugân - kiểu dân ăn không ngồi ở xứ Inđiana, cao tới sáu bộ (1) - nằm trên ghế xích đu hồi tưởng lại vụ thất bát năm một tám linh sáu. Bà lão Điugân nấu bếp, còn Mâymi thì phục vụ khách.
Chỉ vừa trông thấy Mâymi, tớ đã hiểu ngay là cuộc tổng kê dân số đã phạm một sự nhầm lẫn. Ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đúng ra chỉ có một cô gái mà thôi! Mô tả nàng chi tiết thật là khó. Vóc nàng xấp xỉ một thiên thần, nàng có đôi mắt, lại còn điệu bộ nữa chứ. Nếu các cậu muốn biết nàng là người như thế nào, thì có thể tìm thấy cả một chuỗi xích, trải dài từ cầu Bruclin về phía tây đến tận trụ sở toà án ở Caonsin Blaphơ, bang Inđiana. Những người như nàng kiếm sống bằng cách làm việc ở các cửa hàng tiệm ăn, trong các nhà máy và văn phòng. Họ có gốc gác theo đường thẳng từ bà Eva, chả là họ đã giàng được quyền làm đàn bà, còn nếu như các cậu dám đặt dấu hỏi về cái quyền ấy thì có khả năng ăn một cái tát ra trò. Họ là những người bạn tốt, họ trung thực và tự do, dịu dàng và táo tợn, và họ biết nhìn thẳng vào cuộc đời. Họ gặp gỡ mặt đối mặt với đàn ông và đã đi đến kết luận rằng đàn ông là giống sinh vật thảm hại. Họ đã đinh ninh rằng sự mô tả của đàn ông trong các tiểu thuyết đọc trên tàu hoả tựa như chàng hoàng tử trong cổ tích, chẳng hề được thực tế xác nhận.
Đấy, Mâymi cũng là một cô gái như vậy. Toàn bộ con người nàng toát lên sức sống, sự vui vẻ và tính linh lợi, với khách thì mau mồm mau miệng: thật chết cười mỗi lần nghe nàng đáp. Tớ không ưa khai quật tận lòng sâu các cảm xúc cá nhân. Tớ vẫn theo cái thuyết cho rằng những mâu thuẫn và những mối tơ vò của cái bệnh có tên gọi là bệnh tương tư là những thứ cũng riêng tư giống như cái bàn chải đánh răng. Theo tớ, các bản tiểu sử những trái tim chỉ nên tìm vị trí cho mình bên cạnh các tiểu thuyết lịch sử về đời sống buồng gan trên các tạp chí dành cho việc rao tin. Vì thế xin các cậu thứ lỗi, nếu tớ không liệt kê ra đây danh sách đầy đủ của những tình cảm của tớ đối với Mâymi.
Chẳng bao lâu tớ đã nhiễm thói quen thường xuyên có mặt ở quán vào những lúc ít người. Mâymi tiến lại phía tớ, trong bộ áo dài đen và tạp dề trắng, miệng mỉm cười và nói: “Chào anh Giep, sao anh không đến đúng giờ đã định? Anh cố ý muộn để mọi người phải lo lắng hay sao? Gà rán - bít-tết - thịt lợn - dầu - trứng tráng - với - giăm-bông - … Nàng gọi tớ là Giep, nhưng điều ấy tuyệt nhiên không có nghĩa gì cả. Chẳng qua nàng cũng phải phân biệt người nọ với người kia mà thôi. Gọi thế thì vừa nhanh, vừa tiện. Tớ thường ăn hai bữa trưa và cố kéo dài chúng như ăn tiệc trong xã hội thưọng lưu, nơi người ta đổi đĩa, đổi vợ và trao qua đổi lại những câu đùa giữa các lần nuốt. Mâymi chịu đựng tất. Có lẽ nào nàng lại làm ầm ĩ lên và bỏ mất một đôla chỉ vì người ăn không đến theo thời gian biểu đã định.
Ít lâu sau lại thêm một cậu chàng nữa tên là Eđ Côliê nảy ra cái thói tọng đồ ăn vào giờ trái khoáy. Vì có tớ và cậu ta mà giữa bữa ăn sáng với bữa ăn trưa và bữa ăn trưa với bữa ăn chiều đã bắc những cây cầu nối thường xuyên. Qnán ăn biến thành rạp xiếc với ba vũ đài, thành thử Mâymi hoàn toàn không còn thời gian nghỉ ở hậu trường nữa. Thằng cha Côliê đầy những thủ đoạn ma lanh. Hắn làm việc đâu như ở đội khoan giếng hoặc bảo hiểm, có quỷ mới biết được - tớ cũng chả nhớ ở đội nào. Hắn cũng khá về khoa ăn nói và dễ gây được thiện cảm. Tớ với hắn đã tạo ra trong quán một bầu không khí tình tự và thi đua. Mâymi giữ mình trên tầm cao vô tư và phân phối đều sự lịch thiệp đối với cả hai người chúng tớ, giống như chia bài ở câu lạc bộ ấy: một quân bài cho tớ, một quân bài cho Côliê, và một quân bài đặt cái. Trong ống tay áo không còn một quân bài nào cả.
Tất nhiên tớ với Côliê đã làm quen với nhau và thỉnh thoảng còn thù tạc với nhau trong bốn bức tường của lều quán. Không kể những trò khôn ranh, cậu ta gây được ấn tượng tốt và sự đối địch của cậu ta cũng rất ngộ.
- Tao thấy mày thích ngồi lì trong phòng tiệc sau khi khách đã tản về hết đấy nhé. - Có một lần tớ nói với Côliê để xem hắn đối đáp như thế nào.
- Ừ, - Côliê nói, vẻ tư lự. - Sự ồn ào cảnh chen vai thích cánh làm thần kinh nhạy cảm của tao khó chịu.
- Thần kinh tao cũng thế, - tớ nói - À, cô bé cũng kháu đấy chứ nhỉ?
- À, thì ra thế, - Côliê bật cười. - Nếu mày đã nhắc đến điều đó, thì tao xin báo để mày rõ là cô bé gây được ân tượng không phải là khó chịu đối với thần kinh thị giác của tao.
- Cô ấy làm tao thích mắt lắm, - tớ nói. - Tao đang tán nó đây. Nói để mày biết.
- Tao sẽ rất trung thực, - Côliê nói. - Nếu như ở các hiệu thuốc có bán đủ dịch vị, tao sẽ cho mày một chầu cho mày tha hồ bị bội thực để đạt được cái đích mới thôi.
Thế là bắt đầu cuộc đua nước rút của chúng tớ. Quán ăn cung ứng liên tục. Mâymi phục vụ chúng tớ, vui vẻ, dễ thương và lịch sự. Thần ái tình và người nấu bếp ở quán Điugân làm việc cật lực.
Một ngày tháng chín tớ đã rủ Mâymi đi chơi với tớ sau bữa ăn tối, khi cô ấy dọn dẹp xong. Chúng tớ đi dạo một tí rồi ngồi lên những khúc gỗ ở khu vực cuối thành phố. Dịp may như thế chắc còn lâu mới có, nên tớ đã thổ lộ hết những gì mình muốn nói. Rằng kim cương Braxin và đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh là nguồn thu nhập của tớ, đủ để đảm bảo ấm no cho cả hai, rằng cả hai thứ ấy dù sao cũng không thể cạnh tranh được với ánh mắt của một nàng, rằng họ Điugân cần phải đổi sang họ Pitơx, nếu không đổi thì xin giải thích lí do.
Thoạt đầu Mâymi chẳng nói gì cả. Sau đó bỗng nàng rùng rùng toàn thân. Thế là tớ nghe được những điều bổ ích. Nàng nói:
- Anh Giep ạ, em rất tiếc là anh đã nói ra. Em cũng mến anh, em mến anh nhiều mặt, nhưng trên đời này sẽ chẳng có người đàn ông nào em lấy làm chồng đâu và sẽ chẳng bao giờ có cả. Anh có biết trong con mắt em, đàn ông là cái thứ gì không? Đó là nấm mồ, là nấm mồ để chôn bít-tết, thịt lợn kho, gan xào, trứng tráng với giăm-bông. Trong tâm khảm em đã in đậm hình ảnh của họ như thế. Em đã thử chống lại cảm giác ấy, những không tài nào chống được. Nghe nói các cô gái khen hết lời chồng chưa cưới của mình, em không hiểu nổi. Đàn ông, cái cối xay thịt và chạn đựng thức ăn đều gây ra ở em những cảm giác giống nhau. Có lần em đi xem kịch, nhìn thấy một diễn viên mà các cô gái đều chết mê chết mệt. Em ngồi xem mà nghĩ bụng, không hiểu anh ta thích loại bít-tết nào - còn tái, chín vừa hay đã rán già và loại trứng nào - còn lòng đỏ nhùng nhùng hay đã luộc nhừ, chỉ có bấy nhiêu thôi. Không, anh Giep ạ. Em sẽ không bao giờ lấy chồng. Để mà toàn trông thấy anh ta sáng đến ngồi ăn, đến trưa lại quay về ăn, rồi cuối cùng lại vác mặt về ăn tối, chỉ ăn, ăn, ăn ấy à…
- Nhưng mà, Mâymi này, - tớ bảo, - cái đó rồi sẽ qua. Tại em đã làm công việc này nhiều quá đấy thôi. Nhất định rồi em sẽ lấy chồng. Đàn ông không phải bao giờ cũng chỉ ăn.
- Còn em thì lúc nào cũng quan sát thấy họ ăn. Không, em sẽ nói cho anh biết em sẽ làm gì. - Mâymi bỗng tràn đầy cảm hứng, đôi mắt nàng sáng lên. - Ở Têri Hot có một cô gái tên là Xiudi Phoxtơ, bạn gái em. Cô bạn ấy làm ở quán điểm tâm ngay nhà ga. Em cũng đã làm hai năm ở tiệm ăn chỗ ấy. Xiudi còn kinh tởm đàn ông hơn, bởi vì những người đàn ông ra ga ăn bao giờ cũng vội cuống vội cuồng. Họ vừa tán tỉnh vừa nhồm nhoàm nhai cùng một lúc. Khiếp! Em với Xiudi đã quyết rồi. Chúng em sẽ dành dụm tiền, khi nào đủ sẽ tậu một ngôi nhà nhỏ và năm acrơ (2) đất. Chúng em đã để ý đến một khoảnh đất. Chúng em sẽ sống với nhau và sẽ trồng hoa viôla. Em khuyên người đàn ông nào phàm ăn tục uống đừng nên đến gần trang trại của chúng em dưới một dặm.
- Ồ, thế chả lẽ các cô gái không bao giờ… - tớ cất tiếng. Nhưng Mâymi đã dứt khoát cắt ngang.
- Không, không bao giờ. Họ chỉ nhấm nháp gọi là đôi chút thôi.
- Anh thì cho rằng kẹo…
- Lạy trời, anh hãy nói sang chuyện khác đi, - Mâymi đáp.
Như tớ đã nói, kinh nghiệm này đã chứng minh cho tớ rằng bản tính đàn bà đời đời hướng tới những ảo ảnh và ảo tưởng. Hãy lấy nước Anh mà xem - bít-tết đã tạo nên nó, nước Đức thì do xúc-xích đẻ ra, còn chú Sam hùng mạnh như ngày nay là nhờ bánh rán và gà rán. Nhưng các cô thiếu nữ có tin điều ấy đâu. Họ cho rằng tất cả là do Sếchxpia, Rubinxtên và đội khinh kị binh của Thêơđo Rudơven làm nên.
Tình thế của tớ thì ai mà chẳng nản lòng. Không thể có chuyện cắt đứt Mâymi được. Thế nhưng cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ thói quen ăn uống xưa nay thì tớ lại buồn nẫu ruột. Tớ đã nhiễm phải cái tật ấy từ sớm quá. Hai mươi bảy tuổi đời mà tớ đã mù quáng lao đầu vào thảm hoạ và ngả theo tiếng gọi mê hoặc của con quái vật khủng khiếp là thực phẩm. Thay đổi muộn quá rồi. Tớ đã trở thành loại nhai lại hai chân hết phương cứu vãn. Có thể đánh cuộc bằng món tôm hùm với món bánh rán, cuộc đời tớ thế là đi đứt vì cái thói ấy.
Tớ tiếp tục ăn ở quán Điugân, hi vọng Mâymi rủ lòng thương. Tớ tin vào tình yêu chân chính và nghĩ rằng nếu nó thường đã phải chống chọi lại với sự vắng mặt của một bữa ăn thịnh soạn thì biết đâu, nó sẽ biết chống chọi lại với sự có mặt của chính bữa ăn ấy. Tớ vẫn tiếp tục chịu sự điều khiển của tật xấu tai hại, nhưng mỗi lần tớ bỏ một miếng khoai tây vào mồm trước mặt Mâymi là tớ cảm thấy có lẽ mình đang chôn vùi những hi vọng ngọt ngào nhất của bản thân.
Côliê hình như cũng ngỏ lời với Mâymi và cũng nhận được câu trả lời tương tự. Ít ra thì có một hôm hắn chỉ gọi một tách cà phê và một mẩu bánh lương khô rồi ngồi nhấm nháp miếng bánh hệt như một tiểu thư khuê các trước đó đã nếm thịt bò xào bắp cải dưới bếp. Tớ liền bắt chước và cũng chỉ gọi cà phê và bánh lương khô. Kể cũng láu cá đấy chứ hả? Ngày hôm sau, hai đứa lại lặp lại như thế. Ông già Điugân từ bếp lên bưng cái món đài các của chúng tớ.
- Các cậu mắc chứng ăn không ngon hả? - Bác ấy hỏi với giọng của người cha, tuy không phải không có sự châm biếm. - Tôi đã đổi con Mâymi xuống bếp rồi, cho nó nghỉ ít lâu. Phục vụ bàn này cũng không vất vả, không ảnh hưởng lắm đến bệnh thấp khớp của tôi.
Tớ với Côliê đành phải quay trở lại với những thứ thực phẩm nặng dạ dày. Lúc ấy tớ bỗng phát hiện ra mình ăn ngon miệng kinh khủng, đúng là “ngồi ăn núi lở”. Tớ ăn đến nỗi nếu có bước qua ngưỡng cửa vào gặp Mâymi lúc ấy thì nàng sẽ căm ghét tớ lắm. Sau đó tớ phát hiện ra mình đã trở thành nạn nhân của một mánh khoé đầy báng bổ và đê tiện mà Eđ Côliê đã rắp ranh bẫy tớ. Tớ với hắn ngày nào cũng đi uống lai rai trong thành phố để làm dịu bớt cơn đói. Cái thằng xỏ lá ấy đã mua chuộc gần chục gã phục vụ, thế là những gã này đã rót vào từng cốc rượu uytxki của tớ một lượng đáng kể thứ chất cay làm từ táo kích thích sự ngon miệng do hãng Anacôn sản xuất. Nhưng còn trò bịp cuối cùng mà hắn định chơi tớ, còn khó quên hơn nhiều.
Một hôm không thấy Côliê ló mặt đến quán nữa. Một người quen chung có nói rằng buổi sáng hắn đã rời bỏ thành phố. Như vậy là kẻ thù duy nhất của tớ chỉ là tấm bảng món ăn. Vài ngày trước khi đi biệt tăm, Côliê đã tặng tớ hai chai uytxki hảo hạng, tuồng như là của người anh họ ở Kentơcki gửi cho hắn. Bây giờ tớ có cơ sở để nghĩ rằng thứ uytxki ấy hầu như chứa toàn món chất cay Anacôn là từ táo kích thích sự ngon miệng. Tớ vẫn tiếp tục ngốn hàng tấn thực phẩm. Trong con mắt Mâymi, hơn bao giờ hết, tớ vẫn là loài hai chân chuyên nhai lại.
Khoảng một tuần sau khi Côliê mất hút, có một đoàn triển lãm trưng bày của lạ đến thành phố và ở trong một lều bạt gần đường sắt. Một buổi chiều tớ ghé vào chỗ Mâymi, thì bà mẹ nàng bảo với tớ rằng Mâymi cùng đứa em trai là Tômat đã đi xem triển lãm rồi. Việc này lặp đi lặp lại tuần ba lần. Chiều thứ bảy tớ lại bắt gặp Mâymi đi xem triển lãm về. Tớ bèn rủ nàng ngồi lại một lát. Nàng đã thay đổi hẳn. Đôi mắt dịu dàng hơn và long lanh sáng. Thay vì một Mâymi Điugân chỉ chực trốn chạy khỏi tính tham ăn của giới đàn ông, đi chăm sóc hoa viôla, trước mặt tớ là một Mâymi đáp ứng được với dự liệu của Chúa trời và cực kì thích hợp với việc sưởi lòng trong ánh kim cương Braxin và những đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh.
- Chắc là em đang bị lôi cuốn rất nhiều vì cái triển lãm chưa từng có về các sinh vật kì diệu và lạ mắt? - Tớ hỏi.
- Dù sao cũng giải trí được ạ. - Mâymi đáp.
- Rồi em sẽ phải đi tìm sự giải trí để thoát khỏi sự giải trí ấy, nếu ngày nào em cũng đi xem.
- Đừng nổi nóng lên thế, anh Giep! Chẳng qua em chỉ muốn bứt khỏi những ý nghĩ về bếp núc.
- Những sinh vật kì diệu ấy không ăn à?
- Không phải tất cả. Một số bằng sáp.
- Đừng có dính vào đấy là được. - Tớ nói nặng tuy không có ẩn ý gì, chẳng qua quen mồm mà thôi.
Mâymi đỏ mặt. Tớ chẳng hiểu ra làm sao nữa. Trong lòng tớ bừng lên một hi vọng là bằng sự chung thuỷ của mình tớ sẽ làm nhẹ bớt tội ác khủng khiếp của cánh đàn ông là công nhiên nhồi nhét thực phẩm vào cơ thể. Mâymi loáng thoáng nói đến các vì sao, trong những ngôn từ lịch sự nhất. Tớ cũng hứng chí tán về sự kết giao của những con tim, về tổ ấm gia đình sưởi bằng tình yêu chân chính và những đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh. Mâymi lắng nghe không nhăn mặt, thế là tớ đã bụng bảo dạ “Chú mày đã làm nhẹ được sự căm ghét trùm lên những kẻ phàm ăn tục uống rồi đấy! Chú mày đã giẫm được lên đầu con rắn ẩn trong lọ nước chấm rồi đấy!”.
Chiều thứ hai tớ lại mò đến Mâymi. Nàng với cậu em trai lại đi xem triển lãm các vật kì diệu mất rồi.
“Lạy trời cho bốn mươi lăm hà bá quơ cái triển lãm ấy đi cho rồi! - Tớ rủa. - Tròi đánh thánh vật đời đời cái triển lãm ấy! Amen! Ngày mai ta phải đích thân đến đấy xem có cái chết tiệt gì mà hấp dẫn thế. Chả lẽ một con người được tạo hoá sinh ra để thừa kế đất đai, lại có thể bị mất người yêu thoạt đầu vì thìa dĩa, rồi sau đó vì một cái triển lãm mà vé vào cửa chỉ có mười xu?”
Chiều hôm sau, trước khi đi xem triển lãm, tớ tạt vào nhà Mâymi và được biết nàng không có nhà. Lần này nàng không đi với Tômat, vì cậu này đã đón tớ ngay trên bãi cỏ trước lều quán để gạ tớ.
- Anh Giep, anh sẽ cho em gì nào, nếu em nói chuyện này cho anh nghe?
- Cái gì đáng giá thì anh sẽ cho.
- Chị Mâymi phải lòng kì quan ở triển lãm rồi. Em chẳng thấy thích. Nhưng chị ấy lại thích. Em đã nghe lỏm được họ nói chuyện với nhau. Em nghĩ chắc anh thích nghe. Anh Giep này, hai đôla đối với anh có nhiều quá không? Ở trong thành phố có bán một khẩu súng, em muốn…
Tớ lục túi và đổ vào mũ cho Tômat một đồng xu bạc. Tin Tômat báo như dao đâm vào tớ, khiến ý nghĩ của tớ chao đảo mất một lúc. Rót tiền lẻ cho Tômat, tớ mỉm cười một cách ngớ ngẩn, mà trong lòng tan nát. Tớ nói giọng nửa ngố nửa pha trò.
- Cảm ơn Tômat… cảm ơn… em nói cái kì quan… ấy à? Nó có gì đặc biệt, cái của quái dị ấy, hả Tômat?
- Đây này, - Tômat vừa nói vừa lôi từ trong túi ra tờ chương trình bằng giấy vàng khè và dúi vào mũi tớ. - Anh ta là vô địch thế giới về nhịn đói. Chắc là vì thế mà chị Mâymi cứ bám lấy anh ta. Anh ta không ăn gì cả. Anh ta sẽ nhịn đói bốn mươi chín ngày. Hôm nay là ngày thứ sáu… Anh ta đây này.
Tớ nhìn dòng chữ mà ngón tay Tômat chỉ vào: “Giáo sư Eđuacđô Côliêri”.
- À! - Tớ thốt lên thán phục. - Giỏi thật, Eđ Côliê. Xin chịu ông cái khoản nhanh trí. Nhưng tôi không nhường cô gái cho ông đâu, hiện tại nàng chưa phải là kì quan phu nhân.
Tớ rảo bước đến ngay triển lãm. Khi tớ tiến vào lối cửa sau thì có một người nào đó thò đầu ra như con rắn, đứng thẳng chân lên và lao thẳng đến tớ như chú ngựa muxtang. Tớ tóm ngay cổ người đó và quan sát kĩ dưới ánh sao. Đó là giáo sư Eđuacđô Côliêri mặc quần áo của giống người, với nỗi tức giận trong một con mắt và sự sốt ruột trong con mắt kia.
- Hêlô, kì vậy! - Tớ nói. - Đợi một chút nhé, để tao ngắm mày cái nào. Chà chà, làm kì quan của thế kỉ chúng ta, hoặc là của lạ từ đảo Boocnêô thích thật! Thế trong chương trình người ta tôn xưng cho mày cái tên gì?
- Giep Pitơx này, - Côliê nói khe khẽ. - Thả tao ra, không thì tao nện mày bây giờ. Tao đang vội chết đi được đấy. Bỏ tay ra!
- Nhẹ nhàng nào, nhẹ nhàng nào, Eđi, - tớ nói, tay vẫn giữ chặt cổ áo anh chàng. - Cho phép một người bạn cũ chiêm ngưỡng mày cho thoả đã. Mày bày ra trò này phải nói là đại bợm đấy, con ạ, nhưng chớ có to mồm về chuyện đấm nhau: mày không thích hợp với việc ấy đâu. Cái tối đa mà mày có bây giờ - đó là sự táo tợn kha khá với cái dạ dày rỗng.
Tớ đoán không nhầm, hắn yếu như sên. Hắn lên tiếng:
- Giep ơi, tao sẵn sàng tranh cãi với mày về chủ đề này bao nhiêu hiệp cũng được, chỉ cần tao có nửa tiếng luyện tập và một thỏi bít-tết diện tích hai bộ vuông để luyện. Tổ sư đứa nào sáng tạo ra nghệ thuật nhịn ăn! Hãy xích nó lại đời đời cách cái giếng không đáy chứa toàn bít-tết nóng sốt chỉ hai bước chân! Tao bỏ cuộc đấu đây, Giep ạ. Tao đào ngũ đây. Mày sẽ tìm thấy nàng Điugân trong lều: nàng đang ngắm một xác ướp sống và một con lợn bác học ở đấy. Nàng thật là một cô gái kì diệu, Giep ạ. Lẽ ra tao đã thắng trong cái trò này, nếu như chịu được trạng thái không ăn uống thêm một thời gian nữa. Mày phải thừa nhận rằng đường đi nước bước của tao trong trò tuyệt thực này đã được suy tính để hoàn toàn có khả năng thành công. Tao đã tưởng như thế. Người ta bảo tình yêu lay chuyển cả núi non. Cứ tin tao đi, đấy chỉ là lời đồn sai lệch… Không phải tình yêu, mà là hồi chuông gọi đi ăn buộc núi non phải rung chuyển. Tao yêu Mâymi Điugân. Tao đã trải qua sáu ngày nhịn ăn để chiếm được tình cảm của nàng. Suốt thời gian này tao chỉ có một lần xơi một miếng, đó là lúc tao đẩy cái thằng xăm đầy mình và giật của nó miếng bánh xanđuych để ăn. Ông chủ cúp sạch lương của tao. Nhưng tao đến đây không phải vì mấy đồng lương, mà là vì cô gái ấy. Vì nàng tao có thể hiến dâng cuộc đời, còn vì miếng thịt lợn rán tao sẽ hiến dâng tâm hồn bất tử của mình. Đó là một cực hình, Giep ạ. Cả tình yêu, cả sự nghiệp, cả gia đình, cả tôn giáo, cả nghệ thuật, cả tinh thần yêu nước đều chỉ là những lời nói suông trống rỗng, khi con người ta đói.
Eđ Côliê tâm sự với tớ bằng giọng lâm li. Chẩn đoán bệnh rất dễ: những đòi hỏi của trái tim cậu ta và những đòi hỏi của dạ dày đang xung đột với nhau, và phái hậu cần đã thắng. Quả thực, tớ luôn thấy mến Côliê. Tớ lục tìm một câu an ủi nào đó, nhưng chẳng tìm thấy câu nào thích hợp cả. Côliê nói tiếp:
- Bây giờ mày hãy thương tao mà để cho tao đi. Số phận đã giáng cho tao một đòn nên thân, nhưng bây giờ tao sẽ giáng cho đồ ăn thức uống một đòn mạnh hơn. Tao sẽ khua sạch tất cả các tiệm ăn trong thành phố. Tao sẽ ngâm mình ngập đến thắt lưng trong món thịt philê và sẽ tắm trong trứng tráng với giăm-bông. Thật kinh khủng khi một người đàn ông phải đến nước từ bỏ một cô gái chỉ vì cái ăn. Thật còn tệ hơn cái anh chàng tên gì nhỉ? Ixav, kẻ đã bỏ cả bản quyền tác giả vì một con lôi. Đói là một điều khủng khiếp. Xin lỗi mày nhé, tao đang ngửi thấy mùi giăm-bông rán ở phía xa xa, nên đôi chân tao đang thúc giục tao băng về hướng đó.
- Chúc mày ăn ngon miệng, Côliê ạ. - Tớ nói - Nhưng đừng có giận tao nhé. Trời sinh ra tao cũng là một đứa phàm ăn nên tao thông cảm với nỗi đau khổ của mày.
Đúng vào phút ấy mùi giăm-bông rán đã bay đến trên đôi cánh của gió trời. Nhà quán quân nhịn ăn chép miệng rồi phi nước đại về phía có mồi ăn.
Tiếc rằng các vị văn hoá xưa nay vẫn quảng cáo về ảnh hưởng thần diệu của tình yêu và lãng mạn không nhìn thấy cảnh này! Thì đây, Eđ Côliê, một con người tinh tế, đầy khôn ngoan mưu mẹo. Vậy mà cậu ta đã bỏ một cô gái, đang làm chúa tể trái tim cậu ta và nhảy sang địa hạt của dạ dày trong cuộc truy tìm cái ăn hèn kém. Đó là cái tát đối với các thi sĩ, là sự nhạo báng chủ đề câu khách nhất của văn chương. Cái dạ dày rỗng là đối trọng tốt nhất đối với một con tim tràn trề tình cảm.
Tất nhiên tớ hết sức quan tâm đến việc Mâymi mù quáng tin vào mánh khoé của Côliê đến mức nào. Tớ bước vào trong lều, nơi tổ chức cái triển lãm có một không hai đó, thấy Mâymi ở đó. Dường như nàng ngạc nhiên, nhưng không để lộ sự lúng túng.
- Hôm nay ngoài phố thật là một buổi tối tuyệt vời. - Tớ lên tiếng. - Mát mẻ dễ chịu làm sao, còn tất cả các vì sao thì đứng sóng hàng theo một trật tự tuyệt vời. Em có muốn nhổ toẹt vào những sản phẩm phụ của cái vương quốc loài vật này để đi dạo với một con người bình thường chưa có tên trong chương trình được không?
Mâymi e dè né sáng một bên, và tớ hiểu điều đó có nghĩa là gì. Tớ bèn nói:
- Ôi, anh nói điều này ra với em quả là không dễ chịu, nhưng cái vật kì diệu chỉ nuốt không khí mà sống của em đã chuồn rồi. Hắn vừa mớibò ra khỏi lều bằng lối cửa sau. Bây giờ hắn đã hoà nhập làm một với cái phần háu ăn của nhân loại ở trong thành phố.
- Anh một số chỉ anh Eđ Côliê phải không? - Mâymi hỏi.
- Đúng thế. Nhưng điều đáng buồn nhất là hắn lại bước lên con đường tội lỗi. Anh đã gặp hắn ngoài lều, và hắn đã tuyên bố với anh về ý định tiêu diệt số thực phẩm dự trữ của thế giới. Buồn không thể tả được, khi thần tượng của em đã bước khỏi bục danh dự để biến thành một con châu chấu đi tìm cái ăn.
Mâymi nhìn thẳng vào mắt tớ không rời cho đến khi làm tắc tị những ý nghĩ của tớ.
- Anh Giep, nói những điều ấy thật không giống với con người anh chút nào. Anh đừng có đem anh Eđ Côliê ra làm trò cười. Một con người có thể làm những điều buồn cười, nhưng không vì thế mà anh ta trở nên buồn cười trong đôi mắt của cô gái bởi lẽ vì cô, anh ta làm những điều buồn cười ấy. Những người như Eđ ít khi gặp được lắm. Anh ấy từ bỏ ăn uống chỉ cốt làm vừa lòng em. Em thật tàn nhẫn và bội bạc, nếu như sau việc này lại đối xử không tốt đối với anh ấy. Còn anh, anh có gan làm những việc hi sinh như thế không?
- Anh biết, - tớ nói, sau khi hiểu nàng ngả về hướng nào. - Anh đã có phốt rồi. Anh chẳng thế làm gì được nữa. Vết chàm của kẻ phàm ăn đã đóng lên trán anh. Bà Eva đã định trước điều này khi nghe lời con rắn (3). Thật là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Hiển nhiên anh là nhà vô địch thế giới về ăn.
Tớ nói với giọng cam phận, nên Mâymi cũng mềm lòng chút ít.
- Quan hệ của em với anh Eđ Côliê rất tốt, - nàng nói, - cũng như với anh thôi. Em cũng đã trả lời anh ấy như trả lời anh: đối với em, không có chuyện hôn nhân đâu. Em chỉ thích gặp gỡ, chuyện phiếm với anh ấy. Em cảm thấy dễ chịu vô cùng mỗi khi nghĩ rằng có một người không bao giờ sờ đến dao và dĩa chỉ vì em.
- Thế em không yêu anh ta à? - Tớ hỏi hết sức không đúng chỗ. - Em không có tí ý định nào muốn trở thành kì quan phu nhân à?
Điều này với ai chả có thể xảy ra. Tất cả chúng ta đôi khi đều vượt quá phạm vi những lời nói có suy nghĩ thấu đáo. Mâymi khoác lên mặt một nụ cười mát mẻ, trong đó có bao nhiêu đường thì cũng có bấy nhiêu băng và nói bằng giọng hết sức lịch sự.
- Anh Pitơx, anh không có quyền đặt cho em những câu hỏi như vậy. Trước tiên anh hãy nhịn ăn bốn mươi chín ngày để giành được cái quyền ấy đã, rồi sau có thể em mới trả lời anh.
Vậy là, ngay cả khi Côliê, bằng sự thèm ăn của mình, không còn ngáng trở tớ nữa, thì triển vọng quan hệ riêng của tớ với Mâymi cũng không khá lên. Rồi công việc ở Gatơri cũng chẳng ra làm sao cả.
Tớ đã ở đó quá lâu. Kim cương Braxin mà tớ bán đã dần dần kém đi, còn đồ nhóm lửa thì dứt khoát không chịu cháy những khi trời ẩm. Trong công việc của tớ bao giờ cũng có cái giây phút mà ngôi sao may mắn bảo tớ: “Hãy chuyển sang thành phố lân cận”. Hồi đó tớ du ngoạn trên chiếc xe ngựa có mui để khỏi bỏ sót các thị trấn nhỏ, thế là sau đó mấy hôm tớ thắng ngựa và đánh xe đến chào Mâymi. Tớ chưa bỏ cuộc đâu. Tớ chỉ định đến Oclahôma Xity có công chuyện độ một hai tuần, sau đó sẽ trở về và tiếp tục mở các cuộc tấn công Mâymi.
Các bạn có thể hình dung được không, - tớ đến nhà Điugân thì thấy Mâymi ở đó, kiều diễm trong bộ áo dài xanh, và ở cửa có cái hòm của nàng. Hoá ra là cô bạn của nàng tên là Lôtti Ben làm nghề đánh máy ở Têri Hot, thứ năm tới sẽ đi lấy chồng và Mâymi sẽ đi một tuần để tham dự lễ cưới ấy. Mâymi đang mong một xe hàng chở nàng đến Oclahôma. Tớ khinh bỉ nhìn chiếc xe rồi xung phong nhận chở hàng. Bà mẹ Điugân thấy chẳng tội gì phải từ chối cả, - vì chở hàng xưa nay vẫn phải mất tiền mà lại, - nên nửa tiếng sau tớ đã cùng Mâymi ngồi trên chiếc xe có bộ díp nhẹ và nhắm hướng phía nam lên đường.
Buổi sáng hôm ấy thật đáng khen hết chỗ nói. Làn gió nhẹ thổi hây hây, cây cỏ hoa lá toả hương, những chú thỏ con vểnh đuôi chạy qua đường cho thêm phần vui nhộn. Cặp ngựa hồng Kentớcky của tớ hướng thẳng về phía đường chân trời; đến nỗi chói hoa cả mắt, khiến lắm lúc tớ phải quay mặt. Không nhìn đường chân trời căng tựa dây phơi quần áo, Mâymi phấn khởi ra mặt, nàng bô lô ba la như trẻ con, nào chuyện về ngôi nhà cũ, nào những trò nghịch ngợm thời đi học, nào những thứ nàng yêu thích, nào những cô ả đáng ghét nhà Giônxơn ở ngay phía đối diện, nơi quê hương nàng, bang Inđiana. Nhưng tịnh không một lời nào về Eđ Côliê, về ăn uống và những đề tài khó chịu đại loại như vậy.
Khoảng gần trưa thì Mâymi mới phát hiện ra giỏ đồ ăn mà nàng định mang theo, đã nằm lại ở nhà. Tớ không phản đối chuyện lót dạ tí ti, nhưng Mâymi không tỏ ra một chút khó chịu nào về chuyện nàng chẳng có cái ăn, nên tớ cũng nín lặng. Đây chính là điểm chốt của vấn đề, nên tớ tránh nói động đến bất cứ đồ ăn dưới bất cứ dạng gì.
Tớ xin rọi chút ánh sáng vào sự việc tớ bị lạc đường trong hoàn cảnh nào. Đường không rõ ràng, bị cỏ che lấp nhiều, mà bên cạnh tớ là Mâymi, người đã thâu tóm hết tâm trí và sự khôn ngoan của tớ. Điều này có thể biện hộ được hay không thì tuỳ các bạn xem xét. Chỉ có điều là tớ bị lạc đường, và trong cảnh chạng vạng, đáng lẽ phải ở Oclahôma rồi, thì chúng tớ lại luẩn quẩn trên địa giới nào đó, trong lòng khô của một con sông còn chưa khai thông, mà mưa đang quất vào người. Ở một bên, giữa đầm, chúng tớ nhìn thấy một căn nhà gỗ trên gò khô. Xung quanh cỏ mọc cùng những loài cây hiếm. Ngôi nhà nhuốm vẻ buồn bã gợi thương cảm. Theo sự đồ chừng của tớ thì hai đứa chúng tớ phải náu mình qua đêm ở đó. Tớ giảng giải cho Mâymi nghe, và nàng dành quyền quyết định cho tớ. Nàng không tỏ ra nôn nao lo lắng, và không làm mình làm mẩy ra dáng khổ ải như đa số những người phụ nữ khác nếu ở vào địa vị ấy, mà chỉ nói: “Thôi được”. Nàng biết rằng nào ai muốn cơ sự này.
Ngôi nhà không có người ở. Trong đó có hai phòng trống. Ngoài sân có một nhà kho nhỏ ngảy xưa vẫn nhốt súc vật. Trên gác xép còn ít cỏ khô từ năm ngoái. Tớ dẫn ngựa vào gian nhà kho cho chúng ăn một ít cỏ khô. Lũ ngựa nhìn tớ bằng cặp mắt buồn bã, dường như chờ đợi sự xin lỗi. Chỗ cỏ khô còn lại thì tớ ôm thành từng bó vào nhà làm nơi ngả lưng. Tớ cũng mang kim cương Braxin và đồ nhóm lửa, vì cả hai thứ ấy không thể chống chọi được tác dụng phá hoại của nước.
Tớ với Mâymi ngự toạ trên sàn, trên nệm gối lấy từ trên xe xuống. Tớ dùng cả đống đồ nhóm lửa, vì đêm ấy trời lạnh. Nếu tớ phán đoán đúng thì toàn bộ sự việc trên khiến Mâymi lấy làm thích thú. Đối với nàng, đó là một cái gì đó mới lạ, một vị trí mới từ đó mà nhìn cuộc đời. Nàng cười nói huyên thuyên, và đồ nhóm lửa của tớ cháy không sáng rực bằng đôi mắt nàng. Tớ có mang theo bên người bao thuốc lá, nên về phần mình, tớ cảm thấy tớ như chàng Ađam trước khi mắc tội. Cả hai chúng tớ đúng là đang ở trong vườn Địa Đàng xưa tốt đẹp. Đâu đó trong đêm tối là con sông Xiôn chảy dưới mưa, và vị thiên thần cầm thanh kiếm lửa còn chưa treo tấm biển “Cấm đi trên cỏ”. Tớ mở hộp ra lấy cho Mâymi đeo lên người nào nhẫn, nào vòng, nào dây chuyền, hoa tai, thắt lưng và khánh hình trái tim. Nàng lấp la lấp lánh như một nàng công chúa triệu phú cho mãi đến khi má rực hồng và nàng đòi có gương đến suýt phát khóc.
Đêm đến, tớ sửa soạn cho Mâymi một chiếc giường tuyệt vời trên sàn bằng cỏ khô, áo khoác của tớ và chăn từ xe đem xuống, rồi khuyên nàng ngả lưng. Còn tớ thì ngồi ở căn phòng khác hút thuốc, lắng nghe mưa rơi và nghĩ đến chuyện biết bao sự khó nhọc đổ xuống đầu con người ta khoảng bảy chục năm trước khi anh ta được mai táng.
Gần sáng có lẽ tớ hơi thiếp đi, bởi vì mắt tớ đã nhắm tít lại, mà khi mở ra thì trời đã sáng và trước mặt tớ là Mâymi, đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ, quần áo tươm tất, với đôi mắt sáng lên niềm vui cuộc đời.
- Hêlô Giep, - nàng thốt lên. - Em thấy đói rồi đấy! Giá em được ăn…
Tớ chăm chú nhìn nàng. Nụ cười biến khỏi khuôn mặt nàng và nàng ném vào tớ cái nhìn đầy khinh thị lạnh lùng. Thế là tớ bật cười và lại nằm lăn ra đất cho dễ chịu hơn. Tớ thấy vui nhộn kinh khủng. Về bản tính và gien di truyền thì xưa nay tớ là thằng hay cười thượng hạng, nhưng lúc này tớ cười ngất, vượt xa mức thường. Khi tớ đã cười chán chê, Mâymi ngồi quay lưng lại phía tớ và toàn thân chứa đầy cảm giác tự tôn.
- Đừng giận, Mâymi, - tớ lên tiếng. - Anh không thể nào nhịn cười được. Em chải đầu buồn cười quá. Giá như em được trông thấy…
- Đừng có kể chuyện cổ tích ở đây, - Mâymi nói giọng lạnh lùng và quyền uy. - Tóc em đâu vào đấy chỉnh tề cả. Em biết anh cười cái gì rồi. Nhìn này, anh Giep, - nàng vừa nói vừa ghé nhìn qua kẽ hở giữa các súc gỗ căn nhà ra ngoài trời.
Tớ mở ô cửa sổ nhỏ bằng gỗ và nhìn ra. Toàn bộ con sông đã chìm cả dưới nước và cái gò mà trên đó có ngôi nhà chúng tớ đang ở, đã biến thành hòn đảo, vây quanh là dòng nước lũ vàng điên cuồng rộng tới một trăm yat. Mưa vẫn trút xuống. Chúng tớ chỉ còn cách ngồi đây đợi một chú chim bồ câu đem cành ôliu tới.
Phải công nhận rằng trò chuyện và giải trí ngày hôm đó mang rặt một vẻ ảm đạm. Tớ ý thức được rằng Mâymi lại chuốc cho mình cái nhìn hết sức một chiều đối với sự vật, nhưng tớ không đủ sức thay đổi cái nhìn ấy. Bản thân tớ thì rạo rực một mong muốn được ăn. Những ảo ảnh thịt băm và những giấc mộng giăm-bông không buông tha tớ và lúc nào tớ cũng nghĩ thầm: “Nào, bây giờ mi sẽ đánh chén cái gì đây, hả Giep? Mi sẽ gọi món gì đây khi người phục vụ đi đến?”. Tớ chọn cho mình những món ăn ưa thích nhất trong thực đơn và hình dung ra cái giây phút chúng được đặt lên bàn trước mặt tớ. Có lẽ điều này xảy đến với tất cả những ai đói cồn đói cào. Họ không thể tập trung ý nghĩ vào cái gì khác ngoài cái ăn. Hoá ra, cái chủ yếu nhất không phải là sự bất tử của tâm hồn, cũng không phải là hoà bình thế giới, mà là một cái bàn ăn xinh xắn với cái bát ăn, nước chấm giả kiểu Uxtơ và chiếc khăn ăn để lau những vết cà phê trên khăn trải bàn.
Tớ ngồi bần thần nhai đi nhai lại, than ôi, chỉ những ý nghĩ của mình và tranh luận kịch liệt với chính bản thân mình về việc tớ sẽ ăn loại bít-tết nào - với nấm hương hay là theo kiểu con cháu những người Âu sang châu Mỹ vẫn ăn. Mâymi ngồi đối diện vẻ trầm ngâm, đầu tì xuống cánh tay. “Khoai tây thì cứ rán theo kiểu quê, - tớ nhủ thầm, - còn bánh cuốn thì cứ tráng lên chảo. Cũng trên cái chảo ấy sẽ rán chín quả trứng”. Tớ lục kĩ các túi xem vô tình có còn sót lại củ lạc hay vài hạt ngô nào không?
Sang đến buổi chiều thứ hai, dòng sông càng dâng cao, mưa vẫn đổ xuống. Tớ nhìn sang Mâymi và bắt gặp trên mặt nàng nỗi buồn vẫn thường hiện lên trên mặt các cô gái khi đi ngang qua quầy bán kem. Tớ biết rằng cô nàng tội nghiệp của tớ đang đói, có lẽ lần đầu tiên trong đời. Nàng có cái nhìn ưu tư thường gặp ở phụ nữ khi đi ăn trưa hơi muộn hoặc khi cảm thấy đằng sau váy bị tuột cúc.
Có lẽ đã đến mười một giờ rồi. Chúng tớ ngồi trong gian nhà xơ xác, mặt lầm lì và lặng im thin thít. Tớ cố xua đuổi khỏi đầu những hình ảnh ăn uống, nhưng chúng cứ trôi dạt về đúng chỗ cũ trước khi tớ kịp xích chúng vào chỗ khác. Tớ nghĩ đến tất cả những món cao lương mĩ vị đã từng được nghe kể. Tớ chìm đắm trong suy nghĩ về những năm tháng niên thiếu và với sự hồ hởi, sùng bái, tớ hồi tưởng bánh bích-quy tẩm mật và xúc-xích chấm nước mắm. Sau đó tớ đi dọc những năm tháng cuộc đời, dừng lại ở những quả táo tươi và táo ướp, ở bánh rán và xirô phong, ở cháo ngô, ở gà con quay kiểu Vơgini, ở ngô luộc, thịt lợn băm viên và ở bánh khoai lang, và kết thúc bằng món ragu Brunxuych là đỉnh cao của tất cả những thứ ngon lành, vì nó chứa tất cả những thứ ngon lành.
Người ta thường bảo trước mắt người sắp chết đuối hiện ra toàn bộ cuộc đời. Cũng có thể. Vậy thì khi con người ta đói, trước mặt người đói hiện lên bóng ma của tất cả các món ăn anh ta đã nếm trong đời. Và anh ta sáng tạo ra những món ăn mới có thể đem lại vinh quang danh giá cho người đầu bếp. Giá có ai cất công thu thập những lời trăng trối của những kẻ chết đói thì hẳn sẽ phát hiện thấy trong những lời ấy có ít tình cảm, nhưng được cái dồi dào tư liệu cho một cuốn sách dạy nấu ăn in đến triệu bản bán cũng hết.
Nhiều phần chắc là những tư duy bếp núc đã hoàn toàn ru ngủ trí óc tớ. Bất giác tớ thốt lên thành lời với một người hầu bàn tưởng tượng:
- Hãy cắt cho dày dày một chút và rán tai tái thôi, sau đó đổ trứng vào - sáu quả nhé.
Mâymi quay đầu lại ngay. Đôi mắt nàng sáng lên và nàng mỉm cười rồi nói líu tíu:
- Còn tôi thì ba quả trứng rán vừa chín với khoai tây. Ái chà, được thế thì còn gì bằng, anh Giep nhỉ. Em sẽ gọi thêm món cơm gà rán, món kem…
- Nhẹ thôi! - Tớ cắt ngang. - Thế còn bánh gan gà, thận xô-tê, lại cả cừu non rán…
- Ôi, - Mâymi ngắt lời tớ, toàn thân run lên, - với nước chấm cay… Cả xalát với thịt gà tây, cả quả ôliu, cả dâu nữa…
Cứ như vậy trong suốt mười phút chúng tớ duy trì cuộc đối thoại cao lâu này. Chúng tớ vòng đi vòng lại trên con đường huyết mạch rồi rẽ vào tất cả các nhánh đường con của đề tài ăn uống, do Mâymi dẫn đường, vì nàng rất có tri thức về các loại danh mục đồ ăn, và những món ăn mà nàng gọi tên càng làm tăng sự thèm khát của tớ. Có cảm tưởng Mâymi đã hoà nhập được với thực phẩm ăn uống và nàng nhìn cái thói háu ăn tội nghiệp ít khinh bỉ hơn so với trước đây.
Sáng ra, chúng tớ thấy nước đã rút. Tớ thắng ngựa và cả hai lên đường, lần theo bùn lầy cho tới khi gặp được con đường khi trước. Chúng tớ chỉ đi lạc mất vài dặm và hai tiếng sau đã ở Oclahôma. Vật đầu tiên chúng tớ dõi mắt thấy trong thành phố là tấm biển lớn của một tiệm ăn, thế là chúng tớ phóng ngay tới. Tớ ngồi vào bàn với Mâymi, giữa chúng tớ là dao, dĩa, đĩa ăn, còn trên gương mặt nàng không phải là sự khinh bỉ, mà là nụ cười, một nụ cười đói và đáng yêu.
Tiệm ăn mới bày biện rất khá. Tớ trích đọc cho người phục vụ rất nhiều dòng trong tờ thực đơn, khiến anh ta ngó ra ngoài xe ngựa của tớ, băn khoăn không rõ còn bao nhiêu người nữa sẽ chui ra từ xe vào đây.
Chúng tớ ngồi như vậy và người ta bắt đầu bưng các món ra. Đó quả là một bữa tiệc cho mười hai quan khách, vả lại chúng tớ cảm thấy mình cũng đúng là bằng mười hai quan khách. Tớ nhìn qua bàn sang Mâymi và nở nụ cười vì sực nhớ ra một điều. Mâymi nhìn bàn ăn như một cậu bé nhìn chiếc đồng hồ có khoá vặn đầu tiên của mình. Sau đó nàng nhìn thẳng vào mặt tớ, và hai giọt lệ to ứa lên trong mắt nàng. Người phục vụ đi xuống bếp lấy thêm món ăn bổ sung.
- Anh Giep ơi, - Mâymi dịu dàng cất tiếng, - em thực là một con ngốc. Em đã nhìn mọi thứ không đúng. Trước kia em chưa bao giờ phải chịu cảnh này. Đàn ông ngày nào cũng phải chịu cảnh đói, phải không anh? Họ to khoẻ là thế, họ làm công việc nặng nhọc là thế, cho nên họ ăn không phải để trêu tức những cô ả phục vụ ngốc nghếch, phải không anh? Đã có lần anh nói… nghĩa là… anh đã hỏi em… anh muốn… Vậy thì, anh Giep ơi, nếu anh còn muốn… thì em sẽ rất sung sướng… em muốn có anh luôn ngồi đối diện với em bên bàn. Giờ thì hãy cho em ăn thêm một chút gì nữa, mau lên, anh nhé.
°

*

- Như tớ đã bảo các cậu, - Giep Pitơx kết thúc câu chuyện, - đàn bà thỉnh thoảng cần phải thay đổi quan điểm của họ. Một cảnh mãi cũng làm họ phát chán - nếu vẫn cảnh cái bàn ăn, cái bồn rửa mặt hoặc cái máy khâu. Hãy cho họ sự đa dạng một chút: một chút du lịch, một chút nghỉ ngơi, một chút hờn dỗi nũng nịu xen với những bi kịch nội trợ, một chút vuốt ve âu yếm sau cảnh om sòm trong gia đình, một chút xao xuyến và lẵng nhẵng nói dai, và xin cam đoan với các cậu là hai bên cùng có lợi.
Chú thích:
(1) 1 bộ (foot) = 30,48 cm
(2) 1 acrơ (acre) = 0,4 hecta
(3) Nhắc đến sự tích trong Kinh Thánh, khi Eva nghe lời xui của con rắn, cùng chồng ăn trái cây thiện ác và bị Chúa trời trừng phạt khiến con cháu về sau chịu nhiều đau khổ.

Xem Tiếp: ----