Ngày tôi bảo, tôi muốn lấy chồng, mẹ nói cha mẹ sắp li dị. Tôi hốt hoảng nhìn lên gương mặt mẹ, thấy những nếp nhăn líu ríu xô nhau tứ phía, khoé mắt mẹ như mảnh vườn bị cày xới, những ánh mắt tươi vui trốc gốc, phô ra đám rễ nhợt nhạt, tàn tạ. Tôi bước lùi vào bóng tối, hét lên: “Không! Con không chấp nhận điều đó!”. Người con gái sắp lấy chồng trong tôi vẫn chưa là một người đàn bà trưởng thành. Giá tôi vòng tay ôm mẹ, hôn mẹ, xoa dịu nỗi đau của mẹ, mọi việc sẽ khác.
Nhưng tôi chỉ mải đi tìm cho câu hỏi một câu trả lời.
*
Mẹ bảo: Đàn ông khốn nạn lắm, hèn nữa!” Tôi không tin! Cha chỉ là một trong vô số đàn ông hiện hữu trên đời, như chiếc lá giữa muôn ngàn chiếc lá. Tôi sang nhà cô Thạnh hàng xóm, nghe cô bảo: “Đàn ông như quần áo, chỉ hợp với từng người. Với người này, nó tôn sắc đẹp, với người kia, nó là sự kệch cỡm”. Tôi nhìn đống quần áo nhàu nhĩ vương vãi trên nền nhà, ngơ ngẩn.
Mẹ bảo, giá có một ít tiền, có lẽ mẹ đã bỏ đi. Hai bảy năm trời sống với cha, tôi biết, mẹ không giữ riêng cho mình một đồng lẻ. Đang đi làm, cha bắt về nghỉ mất sức, mẹ ngơ ngác lủi thủi ra vào giữa căn nhà rộng, ngày ba bữa cơm, tất bật chợ búa, giặt giũ. Dồn ba tháng lương hưu mới may được cho tôi bộ quần áo diện với bạn bè. Mẹ ít ra ngoài, có thì chỉ ra đến chợ, từ chợ về nhà, quãng đường ngắn không kịp thở dài. Những bộ quần áo của mẹ nép sâu vào góc tủ, nhường chỗ cho mớ quần áo tầm thường chỉ hợp với phông chợ búa.
Thảng hoặc, thấy tôi ái ngại, mẹ cười buồn: Mẹ quen rồi. Bóng mẹ quẫy trên đất. Tôi bảo: Mẹ ơi, mẹ đừng nói thế! Chả ai quen được nỗi khổ bao giờ. Mẹ bảo: có chứ con! Chịu được là quen được! Con người ta chịu đựng giỏi lắm! Tôi nhìn lên tóc mẹ, những sợi tóc không chịu theo nếp cũ, đổ quặt sang một bên. Ngay cả chúng bao nhiêu năm còn chưa quen được nếp…
*
Cha trầm giọng:
- Cha có muốn li dị với mẹ con đâu? Ý mẹ con muốn thế! Lá đơn mẹ viết, cha vẫn không ký, vẫn còn để trên bàn.
Lá đơn để ngỏ, lời lẽ ngắn gọn, lạnh lùng. Ôi người mẹ yêu dấu của tôi, bình thường người dịu dàng, yếu đuổi, thế mà giọng điệu lá đơn cứng cỏi tàn nhẫn không ngờ. Lý do đơn giản: không thể tiếp tục sống chung được nữa! Không một lời phàn nàn hay giải thích.
Tôi quay ngoắt lại:
- Thực ra cha cũng không muốn sống với mẹ con nữa, phải không?
Cha tôi thoắt bối rối:
- Sao con lại nói thế?
- Vì nếu cha còn yêu mẹ, cha đã xé lá đơn đi rồi!
Cha tôi lắc đầu:
- Con gái! Con nghĩ đơn giản quá! Hãy ngồi xuống đây! Đành phải nói cho con sự thực đau lòng vậy, dù cha không muốn… Mẹ con quan hệ với người đàn ông khác đã mấy tháng nay. Mà cha thì không chịu được nhục. Cha là đàn ông!
Tôi nghe giọng mình khàn đục:
- Không! Cha lầm rồi! Đã lâu mẹ chưa bao giờ đi đâu, không hề gặp ai…
- Thì cha cũng đâu có ngờ! Nhưng nếu con không tin… Trưa nay, ăn cơm xong, con đừng ngủ trưa nữa, con sẽ biết.
Tôi run rẩy. Họng khô đắng. Dạ dày đau thốc. Một cảm giác nhờ nhợ luồn lên họng. Tôi muốn bỏ cơm nhưng sợ mẹ nghi ngờ.
Xong bữa cơm, tôi giả vờ lên phòng như thường lệ. Cha tôi từ lâu không về ăn cơm, chỉ bốn mẹ con quây quần quanh cái bàn nhỏ. Tôi lắng nghe, tiếng nước chảy, bát đĩa chạm lách cách, tiếng hai đứa em tôi chào mẹ đi học. Rồi im lặng.
Tôi nghe tiếng mở tủ, tiếng loạt soạt của quần áo ở phòng bên và tiếng chân rón rén đi ra. Tim tôi đập dữ dội, mặt nóng bừng, tôi ngạt thở, không nhấc nổi chân. Khi tôi lẩy bẩy xuống được cầu thang thì cổng ngoài đã khoá.
Tôi muốn gào lên chửi rủa, đập phá. Mẹ của tôi. Người phụ nữ thủy chung đã trở thành kẻ xấu xa, đốn mạt. Một người đàn bà năm mươi tuổi, ba đưa con, đứa con lớn đã đến tuổi lấy chồng, mà còn lén lút vụng trộm. Tôi thấy nhục quá, nhục cho cả cha tôi.
Tối cha về, tôi kể lại, người lắc đầu:
- Con đã tin lời cha chưa? Cha cũng chỉ mới nghe cô Thạnh nói.
Cô Thạnh? Vậy ra cô Thạnh là người phát hiện. Thật đẹp mặt! Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông. Chính mẹ đã đầy chúng tôi vào vũng bùn nhơ nhớp.
*
Buổi trưa, mẹ dọn cơm lên, âu yếm nói với tôi:
- Con gọi hai em xuống ăn cơm, cho các em còn đi học.
Tôi quay phắt đi, mắt tối lại, cho các em đi học hay để mẹ có thêm thời gian cho nhân tình của mẹ? Trưa nay tôi quyết đi theo bắt quả tang. Tôi sẽ làm ầm ĩ lên. Việc gì tôi phải giữ gìn? Mẹ đã không biết nghĩ.
Nhưng tôi không khám phá thêm được gì, ngoài việc mẹ có thêm nhiều tiền hơn. Mẹ lấy tiền ở đâu ra, khi lương cha giờ đây chỉ đủ trang trải cho những nhu cầu bình thường nhất? Đôi khi, lén nhìn vào lỗ khoá, tôi thấy mẹ đem tiền ra đếm, lẩm nhẩm vào mủm mỉm cười. Tôi càng căm ghét mẹ vì những lúc ấy trông mẹ tươi tắn và rạng rỡ quá! Hừ! Cái tuổi hồi xuân làm đổ đốn một người đàn bà.
Cứ buổi trưa, tôi lại theo mẹ một quãng, nhưng cứ đến góc ngoặt của chợ mẹ lại biến mất, tôi mất dấu. Trăm lần như một. Nỗi căm ghét trong tôi ứ tràn thêm và nỗi đau dai dẳng nằm sâu trong lòng, cồm cộm như một viên sỏi thận.
Tôi chăm chút cho cha hơn mỗi khi cha ở nhà. Tôi thương cho người đàn ông đau khổ và bất hạnh trong cha. Mẹ là kẻ trí trá. Mẹ bảo với tôi đàn ông khốn nạn và hèn hạ, rồi lấy cớ đó ruồng rẫy cha để thậm thụt với một kẻ cũng là đàn ông.
Mẹ buồn hẳn khi thấy tôi không còn quấn quít mẹ như xưa nữa. Tôi nói cộc lốc, trả lời mẹ nhát gừng, nhưng rồi mẹ quá bận bịu với người đàn ông ấy, tôi cay đắng nghĩ, để mà chú ý đến tôi.
Một hôm mẹ bảo mẹ sẽ cho tôi một số vốn khi đi lấy chồng. Ngạt thở vì uất, tôi lao sầm sầm lên cầu thang, sập mạnh cửa phòng. Tôi cần gì xây dựng một gia đình bằng đống đổ nát của một gia đình đang thối rữa và băng hoại từng ngày bởi một người mẹ như thế?
*
Tôi lao vào nhà cô Thạnh không cần gõ cửa. Tôi sẽ nhờ cô dẫn đến nơi ấy. Tự trọng mà làm gì? Sĩ diện mà làm gì? Cô Thạnh đã biết. Mẹ sẽ để rơi mặt nạ của mẹ. Tôi chấp nhận tất cả, còn hơn cứ để nỗi đau mãi âm ỉ thế này.
Cửa bật mở. Cô Thạnh đang ngồi trên đùi cha tôi. Mặt hai người xám ngoét. Một cơn gió lạnh thốc tới. Tôi nôn tung toé xuống sàn. Khi loạng choạng đi ra, tôi nghe hàng xóm thì thào: Lâu rồi! Cả hai năm trời ấy chứ!
Tôi ngửa mặt đi trên đường. Trên những lầu cao người ta phơi quần áo. Chợt nhớ lời cô Thạnh, đàn ông chỉ là quần áo. Cha ơi! Với cô ấy, cha là loại quần áo gì hở cha?
Buổi trưa, ăn cơm xong, tôi ra đường trước mẹ. Suốt bữa cơm cha không dám nhìn tôi, rất lâu rồi cha mới ăn trưa ở nhà. Chẳng ai ngạc nhiên. Tôi thấy mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình giờ đây sao mà lỏng lẻo quá.
Tôi chờ mẹ ở góc ngoặt. Chẳng còn gì để mất, tôi sẽ ngả ván bài trước mặt hai người. Tôi và các em tôi cần cuộc sống trong sạch, chứ không phải bầu trời ô nhiễm cha mẹ đang đầu độc chúng tôi.
Mẹ kia, tất tả lắm, hay là sợ sệt? Rồi chẳng cần phải giấu diếm lâu nữa đâu, mẹ ạ!
Mẹ ngoặt vào góc chợ, vào một ngõ nhỏ. Ra thế! Hèn nào tôi không biết. Mẹ bấm chuông, rồi nhìn quanh. Có một người đàn ông ra mở cửa. Mẹ vào nhà. Cửa đóng lại ngay.
Tôi cuống quýt, làm sao bắt quả tang được họ bây giờ? Nếu tôi gõ cửa họ sẽ đề phòng và thế là xong, mọi cố gắng đâm uổng phí! Tôi sốt ruột. Chỉ sốt ruột! Nỗi đau đã chai lì.
Mười lăm phút sau, có một bà già ra mở cửa, chắc là người giúp việc chuẩn bị đi chợ. Tôi lao đến, đẩy giạt bà già sang một bên, xông thẳng vào cánh cửa vọng ra tiếng cười của mẹ.
Cửa tung ra. Trên sàn nhà vương vãi quần áo.
Tôi ngước lên. Mẹ đang ngồi bình thản giữa bốn, năm người phụ nữ khác, khâu cúc cho những bộ quần áo người ta đã may xong.