Tên Hữu đi rồi thì bữa nào bà Hội đồng cũng xuống Cần Thơ mà thăm thằng Ðược, và chiều tối ra về thì bà theo căn dặn chủ nhà hàng phải coi sóc nó cho kỹ lưỡng nhứt là đừng cho nó đi chơi. Thằng Ðược tuy không rõ bà Hội đồng, song nó thấy thân nó được sung sướng thì nó lấy làm vui lắm, bởi vậy đêm nào nó cũng theo chọc thằng Bĩ, cứ nói rằng: - Mầy coi tao nói trúng hay không? Tao nói một ngày kia tao sung sướng lắm, có lẽ ngày sung sướng đó đã tới rồi đa mầy à. Hễ thằng Ðược vui thì thằng Bĩ lại buồn; thằng Ðược thấy vậy nổi giận theo rầy hoài: - Tao với mầy kết làm anh em với nhau, hễ tao vui thì mầy phải vui với tao chớ sao mầy lại làm mặt quỷ thần hoài vậy? - Mấy vui chừng nào tao càng buồn chừng nấy. - Sao vậy? - Nếu mầy giàu có thì tao có được làm anh em với mấy nữa đâu. - Mầy nói bậy hoài, Tao giàu thì cũng như mầy giàu, chớ sao lại không làm anh em với nhau nữa. - Hễ mầy giàu thì mầy chơi với con nhà giàu, đồ trôi sông lạc chợ, không mẹ không cha như tao vầy, mầy đương thèm ngó tới đa. - Bĩ mầy đừng nói xấu cho tao như vậy. Ví dầu ngày sau mà tao có được giàu sang đi nữa, có lẽ nào tao quên sự cực khổ của tao mười mấy năm nay cho được mậy. Tao thường có nói với mầy rằng thuở nay trong lòng tao thương có mấy người mà thôi, thứ nhứt là má nuôi tao, thứ nhì là thầy tao, thứ ba là con Liên, còn thứ tư là mầy. Thiệt tao cũng thương cha thương mẹ tao nữa, ngặt bây giờ tao chưa biết cha mẹ tao là ai. Nếu tao giàu thì tao lập thế đi tìm cha mẹ tao, mà trước hết tao rước mấy ngươi tao thương đó về nhà tao nuôi hết thảy, chớ phải tao như họ, giàu rồi quên bạn nghèo, sang rồi quên hèn đâu mà mầy nói vậy. Thằng Ðược nói tới đó rồi day qua ôm thằng Bĩ mà ngủ. Cách bốn bữa sau, lối mười một giờ trưa bà Hội đồng cũng xuống nhà hàng mà thăm như mấy bữa trước, song ngày ấy bà đi có một mình chớ không dắt con Liên với thằng Phong theo. Bà đem cho thằng Ðược thêm một cái quần và một cái áo lụa trắng mới may nữa. Lối hai giờ chiều bà ra về bà dặn thằng Ðược đừng có đi chơi, chừng nào có Tư Thanh, là người đàn bà đưa nó xuống nhà hàng hôm trước đó, đem xe rước nó thì nó sẽ đi theo mà lên nhà bà. Tối bữa đó tên Hữu dắt vợ là Ba Thời xuống tới. May lúc ấy Phan Ðức Lợi mắc đi qua nhà Thị Sảnh mà chơi. Ba Thời bước vô thấy mặt con Liên vùng hỏi rằng: “Ủa con em đây sao nó giống con đi với ông thầy mua thằng Ðược hồi trước quá vậy mình?”. Tên Hữu đáp rằng: “Ðừng nói bậy, cô em đây là con cháu của bà, nói bậy không nên đâu”. Con Liên ngó tên Hữu và Ba Thời cười chúm chím rồi bỏ chạy vô buồng. Bà Hội đồng bước ra thấy vợ chồng tên Hữu liền hỏi rằng: “Vợ của em đây phải hôn.” Hai vợ chồng tên Hữu xá bà rồi thưa phải. Bà mới hỏi rằng: “Hai em có đem đồ qua dặn đó xuống hay không?”. Tên Hữu thưa có rồi dỡ thúng lấy một gói đồ mà đưa cho bà. Bà Hội đồng ngồi trên ván mở gói đồ ra, tay run lập cập miệng vái thầm rằng: “Vái trời phật cho phải đồ của con tôi thì tôi...”. Bà vừa nói tới đó thì cái gói đã mở ra, bà thấy áo mũ vớ mền phải là đồ bà sắm cho thằng Nhã ngày trước nên bà mừng quýnh, bà nói lớn rằng: “Phải rồi, phải rồi, đồ của con tôi đây mà, đây cái áo đầm nầy tôi may, đường kim mũi chỉ làm sao tôi quên được, đôi vớ nầy nữa đây, còn cái mền nầy của chồng tôi mua dưới chợ Cần Thơ nữa đây; con ôi, con, mấy năm nay con xiêu lạc làm cho mẹ phiền não đêm ngày... Vậy mà tôi gặp con tôi, tôi không biết nó nữa chớ!”. Bà nói mà nước mắt chảy chàm ngoàm. Con Liên, thằng Phong và tôi tớ trong nhà không hiểu việc chi nên chạy ra đứng chung quanh mà ngó. Bà day lại ngó thấy thì bà cười; bà lấy vạt áo lau nước mắt rồi bà ôm hết gói đồ đi vô buồng, lại biểu một mình Ba Thời đi theo bà, còn tôi tớ thì xuống nhà sau coi dọn cơm cho vợ chồng tên Hữu ăn. Vô trong buồng, Ba Thời lại móc túi lấy sợi dây chuyền mà đưa cho bà coi nữa. Bà Hội đồng cầm coi cứ nói: “Phải rồi, phải của con rồi.” Bà mới biểu Ba Thời ngồi mà thuật hết đầu đuôi cho bà nghe coi xí được thằng Ðược hồi nào, tại đâu, nuôi dưỡng làm sao. Ba Thời nói tới đâu bà khóc tới đó, chừng Ba Thời nói dứt rồi bà mới nói rằng: “Thằng Ðược đó là con của qua. Ơn em nuôi dưỡng nó qua không dám quên đâu. Vậy thôi em ở đây, để mai qua rước nó về, sẽ hay”. Ba Thời nghe nói rước thằng Ðược thì chưng hửng, song bà nói vậy hay vậy chớ không dám hỏi. Khuya thức dậy bà dạy bạn làm một con heo, tảng sáng bà sai đi mời làng tổng và thân tộc tề tựu đủ mặt hết, bà lại cho mời Thị Sảnh với Phan Ðức Lợi nữa. Thị Sảnh không hiểu có việc chi nên dắt con là thằng Hà lơn tơn đi qua. Bước vô nhà thấy làng tổng bà con đông đầy dẫy, trong bụng lại tưởng bà Hội đồng muốn chia gia tài nên ngó Phan Ðức Lợi mà chúm chím cười. Bà Hội đồng biểu Tư Thanh thắng xe xuống Cần Thơ mà rước hai anh em thằng Ðược lên; lối chín giờ bà nghe biếng lục lạc khua bà biết xe về tới nên bước ra cửa mà ngó. Thằng Ðược mặc quần áo mới, xuống xe đi vô trong nhà, còn thằng Bĩ với Tư Thanh còn lụi hụi xách đồ đi sau. Những người ở nhà thấy thằng Ðược đi vô không biết là con của ai, nên người bước ra mà dòm, kẻ ngồi trong mà ngó. Con Liên với thằng Phong vừa thấy thì lật đật chạy ra nắm tay thằng Ðược, rồi cặp một đứa một bên mà dắt vô, thằng Ðược vừa bước vô cửa thì bà Hội đồng nắm tay nó dắt nó đi thẳng lại trước bộ ván giữa, chỗ Cai tổng ngồi, rồi ôm nó mà hun trơ hun trất, vừa khóc và nói rằng: “Mẹ đây con biết hay không con? Tội nghiệp con tôi quá, mới sanh ra vừa được năm tháng rưỡi rồi lìa cha, lìa mẹ từ đó cho tới bây giờ, thân cực khổ không biết bao nhiêu. Quân ác nghiệt nó làm cho mẹ con tôi lìa nhau, trời nào mà để nó.” Thằng Ðược chưng hửng mà lại mừng quýnh nên cũng ôm bà Hội đồng mà khóc, chớ không nói chi được hết. Cả nhà ai thấy vậy cũng lấy làm kỳ, mà nhứt là Thị sảnh với Ðức Lợi ngó nhau mặt mày biến sắc. Bà Hội đồng ôm con mà ngồi trên ghế rồi day qua biểu con Liên rằng: “Con vô buồng biểu con Ba ở Gò Công đó ôm đồ của con tao ra đây và nó cũng ra đây cho tao biểu”. Ba Thời trong buồng bước ra thấy thằng Ðược thì mừng rỡ hết sức nên lật đật đi riết lại, rồi mẹ con nắm tay nhau hỏi han lộn xộn. Tên Hữu cũng lại đứng gần đó, thằng Ðược ngó thấy liền chỉ mà hỏi: “Tía ở đây hay sao? Má lên đây bao giờ”. Nó day qua bên kia lại thấy Phan Ðức Lợi thì chưng hửng liền hỏi: “Ủa! Có thầy đây nữa mà!” Phan Ðức Lợi day mặt chỗ khác giả như không nghe. Thằng Ðược hỏi: “Tía tôi là ai đâu má?” Bà Hội đồng nói, "Tía con mất hơn mười năm nay rồi." Rồi đứng dậy nói lớn lên rằng: “Thưa với tổng làng và bà con trong tộc, thằng con đầu lòng của tôi là thằng Nhã, nó bị người ta bắt đem dấu mất mười lăm năm nay, bây giờ tôi mới tìm nó được mà rước về đây. Xưa nay tôi vẫn biết con tôi mất không phải là ăn trộm bắt, thiệt ra là có một vài người muốn đoạt gia tài sự sản của vợ chồng tôi, nên mới lập mưu mà cắt ruột tôi như vậy. May nhờ trời nhỏ phước cho tôi đẻ được thằng Phong nữa nên tôi bớt buồn, mà nay tôi lại tìm được thằng Nhã tôi rồi thì tôi cũng hết giận quân gian đó nữa. Ở đời tôi cứ giữ lòng lành, ai có quấy thì để cho trời định tội họ”. Nói tới đó rồi lại ôm con vừa hun vùa khóc nữa. Bà hun đã thèm rồi mới xây mặt, dỡ tay con mà nói rằng: “Ðây bà con coi thử coi gương mặt nầy phải gương mặt chồng tôi hay không? Còn bàn tay bàn chân nó giống tôi như khuôn đúc, vậy mà năm ngoái tôi gặp nó tôi có dè ở đâu”. Bà lại dỡ gói đồ ra, lấy từ món đưa lên mà nói: “May con Ba nó xí được nó nuôi mà nó để dành đồ nầy tôi nhìn mới được. Ðây, cái áo nầy tay tôi may cho con tôi mặc hồi nhỏ đây; còn sợi dây chuyền nầy tôi đặt cho anh thợ Cu ảnh làm, còn con dấu của ảnh in phía sau tấm mề-đay-dông (médaillon) rõ ràng quá”. Bà con làng tổng ai thấy việc như vậy cũng đều áp lại, kẻ thì mừng bà có phước lớn, người thì hỏi thăm thằng Nhã nhỏ lớn ở đâu, duy có Thị Sảnh với Ðức Lợi ngồi buồn xo, coi bộ hổ thẹn lắm. Bà Hội đồng dòm thấy mới đứng dậy, nắm tay con dắt lại đứng ngay trước mặt Thị Sảnh mà nói rằng: “Người nầy là má ghẻ con đó đa, con biết hôn?”. Thằng Nhã cúi đầu xá hai ba cái, rồi bà Hội đồng lại dắt lại chỗ Phan Ðức Lợi ngồi rồi nói: “Còn người nầy là chú ruột con đó đa”. Thằng Nhã hỏi: “Thưa chú, phải chú ở trên Sài Gòn, chỗ đường Cầu Quan đó hay không?” Phan Ðức Lợi gật đầu; bà Hội đồng liền nói rằng: “Hồi con mới năm tháng rưỡi má với tía con lên ở chơi tại đó rồi bị họ bắt đem dấu con đó đa, biết hôn”. Thằng Nhã mới hỏi: ''Chú biết cháu, mà sao hồi tháng giêng cháu đến cậy chú chỉ dùm cha mẹ cháu đặng cháu đi tìm, chú lại dắt đến nhà quân ăn trộm mà bắt cháu ở đó. ” Bà Hội đồng nghe hỏi lấy làm kỳ, nên bà hỏi phăng tới, thằng Nhã mới kể hết mọi việc bên Khánh Hội lại cho bà nghe, làm cho cả nhà ai cũng biết Phan Ðức Lợi gian trá muốn hại con bà Hội đồng mà đoạt của. Phan Ðức Lợi hổ thẹn quá chịu không được mới nói lớn rằng: “Tại chị nhỏ bày mưu rồi xúi tôi nên tôi mới làm như vậy chớ.” Thị Sảnh ngồi bên ván, óng tiếng cãi rân, rồi hai đàng rầy lộn với nhau, ai cũng muốn chữa mình, làm cho thiên hạ lại thêm biết rằng hai người a ý với nhau đặng hại con bà Hội đồng rồi chia gia tài với nhau mà ăn. Bà Hội đồng thấy vậy tức cười mà nói rằng: “Thôi, hai đàng chẳng nên đổ tội cho nhau làm chi. Bây giờ bà con làng tổng mới biết, chớ vợ chồng tôi biết đã lâu rồi, nhưng vì tôi muốn làm lành đặng để đức cho con ngày sau, nên tôi không muốn làm hại ai hết. Vậy tôi khuyên chú nó với dì nó đừng có cãi lẫy với nhau nữa; miễn là từ rày sắp về sau đừng có ở quấy như vậy nữa thì thôi”. Bà Hội đồng nói dứt lời liền kéo thằng Hà với thằng Phong lại đặng anh em nó gặp nhau, rồi bà lại kêu vợ chồng Ba Thời, con Liên và thằng Bĩ ra đứng trước bà nói rằng: - Vợ chồng chú Ba nó có công nuôi dưỡng con tôi, vậy giữa mặt làng tổng đây tôi xin tỏ lời cám ơn, và để rồi tôi sẽ giúp cho mà làm ăn đặng đền ơn dưỡng dục con tôi hồi nhỏ. Còn con Liên với thằng Bĩ là bạn cơ hàn của con qua, vậy từ rày con qua dược sung sướng rồi thì qua cũng làm cho hai cháu được sung sướng như nó vậy''. Cả nhà ai thấy bà Hội đồng có lòng quảng đại không chắp kẻ làm hại mình, mà lại biết thương người có công, thì cũng đều kính phục. Việc rồi bà liền dạy dọn cỗ mà đãi tổng làng và bà con thân tộc ăn uống vui chơi, mấy năm trước trong nhà quạnh quẽ bao nhiêu thì ngày nay cũng hỷ lạc bấy nhiêu. Ðến trưa thằng Nhã, thằng Bĩ với con Liên lấy đờn để trên ván rồi xúm lại đờn ca, còn thằng Hà với thằng Phong cũng leo lên ngồi chung với chúng nó mà nghe. Bà Hội đồng ngồi ngó mấy con thì cười hoài, mà giọt lụy tuôn rơi không dứt. Chừng thằng Ðược ca tới bài hành vân của nó đặt đặng đi tìm con Liên, thì con Liên mủi lòng bỏ đờn chạy vô buồng đứng mà khóc, ai nấy thấy vậy cũng đều động lòng. Ðến xế, làng tổng mới kiếu mà về. Phan Ðức Lợi cũng xách va-li trở về Sài Gòn, còn Thị Sảnh thì đã lén về hồi nào không ai biết được”. Bà Hội đồng Nhàn mất con đã gần mười lăm năm, tưởng đáy biển vàng chìm không trông vớt được, nào dè lòng lành trời chẳng phụ nên mẫu tử được đoàn viên. Bà chẳng xiết nỗi mừng, tự nguyện giữ một lòng làm lành mà để ân đức cho con, nên đã không oán trách Ðức Lợi với Thị Sảnh, mà lại biểu Thị Sảnh với thằng Hà qua ở chung một nhà với bà đặng cho anh em nó trìu mến nhau, rồi chừng khôn lớn biết nâng đỡ dìu dắt nhau cho trọn niềm huynh đệ. Thằng Nhã ngày nay ăn mặc sung sướng, lên xe xuống ngựa, chớ không phải là thằng Ðược xách đờn đi ca mà kiếm ăn như khi trước nữa, song nó không đổi tánh, chẳng hề quên mấy người yêu nó trong lúc nó bần hàn, bởi vậy vợ chồng Ba Thời thì cất nhà đẹp ở trong kinh Xà No mà coi ruộng cho bà Hội đồng, con Liên thì áo lụa quần hàng chơn giầy chơn dép cũng như con ruột trong nhà, duy có một mình thằng Bĩ không chịu ở yên nơi, cứ ôm đờn rảo khắp các tỉnh thành, thằng Nhã năn nỉ hết sức nó cũng không chịu ở. Chẳng những là thằng Nhã hậu đãi những người yêu nó trong lúc nó nghèo hèn mà thôi, mà hễ nó thấy con nhà nghèo thì nó động lòng thương nên hay xin mẹ cho bạc tiền hoặc cho quần áo. Người ở trong xóm ai thấy tánh tình nó như vậy cũng đều ngợi khen, duy một mình người viết truyện nầy đã không khen mà lại buồn, là vì thầm nghĩ thằng Nhã nầy nhờ có làm thằng Ðược trót mười lăm năm trời, nên ngày nay mới biết thương con nhà nghèo như vậy, còn biết bao nhiêu thằng Nhã khác không có làm thằng Ðược nên chưa nếm đủ nùi cay đắng trong đời, thì ai nghèo mặc ai, mình giàu mình hưởng. Nếu thằng Nhã là con của bà Hội đồng Nhàn mà không có làm thằng Ðược, thì ngày nay nó có biết thương con nhà nghèo hay không? Ai dám chắc? Sài Gòn, 1923 Hết