Ngôi nhà mà tôi trọ học nằm khuất sâu trong một ngõ hẻm của xóm lao động nghèo. Vào mùa khô, con đường dài, hẹp te, ngoằn ngoèo, quanh co của con hẻm này lởm chởm những đá, gạch vụn, đôi chỗ có xây xi măng bị trốc lở. Khi chiều về, lũ trẻ chơi trò rượt nhau dọc con hẻm, đàn ông cởi trần, hút thuốc, hoặc ngồi trước cửa nhà, hoặc tụm nhau tán gẫu dưới những cột điện, đàn bà quét tước, phơi phóng trước khoảnh sân bé như cái lỗ mũi. Mùa mưa, con đường trở thành một dòng sông nhỏ, lều bều những rác, trẻ con chỉ còn biết ngồi trong nhà thả ra ngoài đường những thứ có thể thả: cái ca mũ bị thủng, đôi dép con nít bị đứt quai, tờ giấy báo… Người lớn đi làm về lếch thếch dắt xe chết máy, chiếc trước chiếc sau, chỉ thấy những chiếc áo mưa sùm sụp lầm lũi, trông như mấy con quạ xơ xác…
Tôi sống một mình trên căn gác cây, căn gác có cái cửa sổ nhìn xuống đường. Ngày này qua ngày khác, mùa mưa cũng như mùa khô, chỗ tôi ngồi học bài cũng là vọng gác, là cái trạm để tôi quan sát. Từ cái đài là cái cửa sổ của mình tôi có ba kênh “truyền hình trực tiếp”. Kênh Bên Trái là nhà của Bảnh Bao. Kênh Trước Mặt là nhà của một đại gia đình mà từ bà lão già cho đến thằng con trai út đều làm nghề thu lượm đồ phế thải. Kênh Bên Phải là nhà của một thằng bé con dễ thương, hình như ba nó là công nhân, mẹ nó là thợ uốn tóc và làm móng tay, tất cả đồ nghề của chị ta đều được xếp gọn ghẽ trong một cái giỏ nhựa và chị ta lang thang khắp xóm nhỏ này để kiếm sống.
Nhân vật chính của tôi là Bảnh Bao. Không hiểu sao một người như hắn lại chịu đút đầu vào trọ ở trong con hẻm như thế này. Hắn chạy chiếc Attila màu mận chín, bao giờ cũng ra đường trong tư thế nai nịt chặt chẽ, tôi không bao giờ nhìn được vào mắt hắn vì hắn luôn đeo cái kính đen to đùng trên mặt. Căn nhà hắn trọ thuộc vào loại tươm tất trong xóm, tuy nhỏ và cánh cổng gỗ đã xập xệ nhưng nền cao không bao giờ bị nước xâm lăng vào nhà và cánh cửa kính được phủ bởi một lượt rèm mỏng buông chùng màu xanh nhạt. Hình như hắn không tự giặt giũ mà hay gom đồ ra tiệm giặt ủi ở đầu hẻm. Phải công nhận là hắn đẹp trai, tướng tá phong độ lại biết cách ăn mặc, đôi khi tôi nhìn những chiếc áo sơ mi màu hắn mặc, nhìn tấm lưng vững chãi của hắn mà thấy nao nao trong lòng: giá mà là người yêu của hắn, giá mà được hắn chở sau chiếc xe màu mận chín, vòng tay qua eo hắn, áp mặt vào cái lưng nam nhi vững chãi ấy. Hẳn hắn phải là một người trẻ rất có trách nhiệm với công việc. Hắn đi làm từ sớm, tối mịt mới về. Tôi ước gì có thể nhìn được vào mắt hắn, đó hẳn phải là một đôi mắt đẹp và buồn, với những tia nhìn ấm áp… Một lần vào buổi tối, tôi đi học Anh văn về cọc cạch đạp xe vào hẻm thì bị hắn đụng phải “Xin lỗi nghe em!” hắn nói rồi phóng vượt lên trước, hình như hắn say và đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe giọng hắn, và từ hôm đó tôi lại càng cảm thấy thích hắn. Trong mắt tôi hắn thật mạnh mẽ, đáng yêu và pha một chút bí ẩn. Có một lần vào một buổi tối đã khuya, trời mưa, tôi đã mệt nhoài với những tài liệu của mình nhưng Bảnh Bao chưa về, ngoài trời tối và chỉ có ánh sáng từ chiếc đèn học của tôi tạo thành một quầng sáng nhỏ. Cuối cùng Bảnh Bao cũng về, chiếc xe hắn chạy tóe nước qua hai bên đường nghe loẹt xoẹt trong tiếng mưa rào rào. Hắn không về một mình, sau yên xe hắn lù lù một dáng người, hắn hấp tấp đẩy cổng cho xe vào, người sau xe hắn là một cô gái, cô ta đứng run lập cập vì lạnh khi hắn đang mở khóa cái cửa kính, và khi cửa đã mở được nhanh như chớp tôi thấy hắn kéo cô gái vào trong, ánh đèn đường nhòe nhoẹt vì mưa cũng đủ cho tôi thấy hai người đang xoắn lấy nhau, hắn cật lực lột bỏ những gì ướt mèm trên người cô gái. Tại sao hắn không đóng cửa lại? Lúc đó trong đầu tôi chỉ vang vang lên câu hỏi ngờ nghệch đó, trong tiếng mưa ngày càng lớn sầm sập, bỗng dưng tôi cảm thấy buồn, lạnh lẽo và cô đơn, hình như tôi đã ngủ gục trên bàn học mặc cho tập vở ướt mèm…
Sáng hôm ấy Bảnh Bao đi rất sớm, cái đồng hồ báo thức của tôi đã giúp tôi còn kịp nhìn thấy hắn tươm tất trong chiếc áo màu xanh biển, cặp kính đen quen thuộc, sau lưng là cô gái mặc quần Jeans xanh, áo sơ mi hồng dễ thương và mệt mỏi. Cô ta ngồi rất ngay ngắn trên yên xe, và không vòng tay qua ôm eo hắn… Chiếc xe chạy mất hút dần theo con đường ngoằn ngoèo. Khi tầm mắt tôi không còn có thể thấy cái gáy trắng trẻo và mái tóc dài vẹt qua hai bên vai của cô gái nữa, tôi không bao giờ còn gặp lại cô ta…
Bảnh Bao cứ đi về như thế, có khi hắn đi mấy ngày liền, có lẽ là đi công tác, tôi khao khát được biết ánh mắt hắn biết bao, tôi đã có trong đầu trọn vẹn bức chân dung về hắn, ngọai trừ đôi mắt. Chắc đó phải là đôi mắt đa tình, dù sao tôi cũng đã từng thấy hắn yêu một người con gái như thế nào mà. Đôi khi trong giấc mơ, tôi thấy Bảnh Bao, không đeo kính, chở tôi ra khỏi con hẻm nhỏ, vào trung tâm thành phố, hình như là vào một ngày lễ nên thành phố đông vui khác lạ, hắn dừng lại mua cho tôi một cái bong bóng to thật to màu mận chín, khi hắn quay lại trao cái bong bóng cho tôi, tôi nhìn vào mắt hắn, một đôi mắt tuyệt đẹp, to và đen lay láy, có những chùm sao nhỏ nhảy nhót vui tươi trong ấy…
Kênh Trước Mặt thường có những cảnh đánh nhau ngoạn mục, vợ chồng thằng con trai lớn của bà lão luôn khuấy động cái hẻm nhỏ này với những pha mắng mỏ và ném đồ đạc… Kênh Bên Phải hiền hơn, thường thì vào những buổi chiều, khi chờ ba của thằng bé đã đi làm về, mẹ nó thường lui cui nấu nướng và mùi thơm của thức ăn lan tỏa trong gió, thằng bé ngồi trên cái ghế sắt đặt trước cửa và chơi với chiếc ô tô cũ kĩ của nó. Những khi Bảnh Bao không có nhà tôi thường chuyển hướng qua Kênh Bên Phải. Có một lần khi chiếc ô tô của thằng bé đang chạy, từ trên gác, tôi ném một viên cuội trúng chiếc ô tô, thằng bé thấy tôi và nó cười toe toét, nó có vẻ thích tôi và cầm chiếc ô tô dứ dứ ý muốn tôi tham gia tiếp tục cái trò ném cuội đó. Hai má nó phúng phính thật dễ thương…
Rồi bỗng nhiên có một sự kiện vụn vặt xảy ra. Đó là vào một buổi sáng chủ nhật. Một người đàn ông bán táo đang chậm rãi đẩy chiếc xe đạp với cái rỗ to đùng phía sau: “ Táo đê… táo đê… vừa rẻ vừa ngon, vừa giòn vừa ngọt…”. Cả ba “Kênh truyền hình" của tôi đều hoạt động. Thằng bé Kênh Phải miệng bi bô: “Mẹ… táo…táo…!”, vợ thằng con trai bà lão Kênh Trước Mặt đang phơi quần áo, chị ta dợm nhìn những quả táo căng bóng và có vẻ định mua. Vừa lúc đó Bảnh Bao về tới, hắn ngoái nhìn rổ táo và gọi người đàn ông:
- Bao nhiêu một cân?
- Cho em xin mười nghìn thôi, táo ngon lắm anh ạ?
- Bớt đi táo nhỏ thế này, có phải là táo Mỹ đâu mà đắt thế?
- Một cân em chỉ lời năm trăm đồng thôi anh ạ, hay là em lấy vốn thôi, một cân chín nghìn rưỡi…
- Không, tám nghìn nhé tôi mua hai cân.
- Thôi chắc giá chín nghìn, anh lấy giùm em…
- Ừ thì cân đi…
Người đàn ông trao cho hắn bọc táo, chợt hắn nói:
- Đợi chút, tôi muốn cân lại…
Hắn nhìn ngược, nhìn xuôi để tìm chỗ mượn cân, hắn hướng về nhà tôi, đó là căn nhà bán tạp hóa trong xóm và bà chủ nhà đang đi vắng, tôi trông chừng tiệm giùm bà ta một chút… Hắn bước đến. Hắn tháo cái kính đen ra cho vào túi áo. Tôi chú mục vào hắn. Hình như tôi nghe thấy hắn hỏi: “Cho anh mượn cái cân cô bé!”. Hình như tôi đã đưa cho hắn cái cân. Hình như sau khi cân xong hắn nói: “Rõ ràng là thiếu hai lạng nhé!”. Hình như hắn thảy một nắm tiền lẻ vào rổ táo rồi đẩy xe vào trong nhà. Hình như chị vợ thằng con lớn bà lão không mua táo, chị rủa bâng quơ: “Cái lũ này!…” chẳng biết rủa ai. Hình như thằng bé Kênh Phải đang bi bô: “Cân kìa…cân kìa…!”. Hình như người đàn ông bán táo cúi gằm mặt, lầm lũi đẩy xe từ từ lui ra khỏi con hẻm, mấy lỗ thủng sau lưng áo anh ta trông thật thảm hại. Và hình như… Vâng… hình như tôi đã được nhìn vào đôi mắt của Bảnh Bao. Đó là đôi mắt nhỏ, ti hí, dưới mỗi con mắt là túi thịt hum húp… Đôi mắt đó lạnh lùng và không đẹp như tôi nghĩ…

Xem Tiếp: ----