Khi con còn nhỏ, tôi đã hai lần để con đi lạc, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nhưng đã trải qua những giây phút đau khổ, tuyệt vọng và hối hận giầy vò tự trách mình, trời đất quanh tôi bấy giờ như sụp đổ, tay chân bủn rủn, không đứng vững được nữa...
Những lúc ấy tôi đã nhớ ngay đến tờ thông báo tìm trẻ mất tích, có in tấm ảnh của một bé gái ngưòi tây phương xinh xắn độ nào, vẫn dán trên vách tường trong khu phố Dốc Spain Zaka, một khu phố của nhiều bạn trẻ -và cả các bà mẹ trẻ- ở gần ga Shibuya, Tokyo. Nhớ những lần dắt con đứng đợi ở cổng xe lửa, có mấy ông già đứng gần đó xoa đầu thằng bé khen "kháu quá ", mà tưởng chừng như chính họ đã bắt con mình dẫn đi mất. Con mới ba tuổi ngây thơ không biết sợ người lạ, lại thích xem xe điện và nhìn đường tàu, người ta dẫn vào ga thì chắc là đi theo liền, rồi lên xe điện đi mất, thì biết đâu mà tìm..
Lòng tôi đau như thắt với niềm ân hận: trẻ con hay hiếu động, sao mình không nắm chặt tay con..Sao mình không bắt chước mấy bà mẹ trẻ đã buộc một sợi dây nối mẹ với con, mà mình vẫn cười chế riễu là như dây xích chó mèo...
 °
Từ đó về sau, cảm giác hãi hùng sợ mất con ấy vẫn còn ám ảnh rất lâu, và đã khiến có lúc tôi trở thành như ích kỷ, trong đám đông chỉ nhìn thấy con mình..Mỗi khi dẫn con đi nghe nhạc, xem kịch, màn vừa hạ, con vui bạn hối hả chạy ra cửa,  tôi lo lắng vừa đi vừa nhìn theo. Lối đi nhỏ hẹp giữa hai hàng ghế mỗi lúc một đông người ùn ra, phải chờ kẻ trước ngưòi sau, nên khi bóng con bắt đầu mất hút sau cửa rạp, thì cảm giác hãi hùng những lần suýt lạc mất con khiến tôi như không còn biết có ai quanh mình, hốt hoảng chạy theo, đến nỗi tôi đã vô tình xô lấn gạt ngã cả các cháu bé truớc mặt, gạt mọi người ra để cố chen về phía trước, lo đuổi theo con. Lấn tới trước rồi, mới chợt định thần quay lại, xấu hổ xin lỗi. Tôi chợt nhận ra mình yêu con quá đỗi, tưởng chừng như không thể sống nổi nếu mất con. Lần nào tôi cũng tự dằn vặt mình sao đã sơ xuất không nắm tay con cho chặt. Lỡ con đi lạc, đời con rồi sẽ lưu lạc về đâu, sẽ thành trẻ không nhà lang thang đầu đường xó chợ, hay là nạn nhân của bao nhiêu tệ hại trong xã hội.
Lòng người mẹ nào chắc cũng vậy. Làm sao có thể chịu đựng nổi nỗi đau khổ vì mất con, và đau khổ vì nghĩ rằng con đang bất hạnh!
 °
Hình ảnh người mẹ có con bị án tử hình trên các tin tức mấy hôm nay quá đỗi thương tâm, khiến lòng tôi lại như đang có một cơn bão cực mạnh thổi qua, vì chỉ biết bó tay bất lực nhìn một người cũng LÀM MẸ như mình đang đau nỗi đau mất con.
Con của bà tên Nguyễn Tường Vân, phạm tội buôn bán ma tuý, đã chuyển 396 gr bạch phiến từ Campuchia về Úc và đã bi bắt khi ghé lại Singapore ba năm trước đây, khi cậu 22 tuổi. Theo luật pháp của Singapore, cậu đã bị án tử hình, và đã bị hành quyết vào sáng sớm ngày 2 tháng 12 vừa qua, mặc dù chính phủ Úc cũng như nhiều nhân vật như Nữ hoàng Anh, Đức Giáo hoàng, và hơn 60.000 lá đơn, đã xin ân xá cho cậu. Những chi tiết về người tử tù này không khỏi khiến mọi người phải mủi lòng, vì người thanh niên đã phạm tội chỉ vì muốn trả nợ cho anh, và trước khi chết cậu chỉ mong đừng ai trách móc người anh.
Luật pháp thì phải nghiêm minh, nhưng liệu có cần đến án tử hình không, và hơn nữa cách thi hành bản án này quá gấp rút, nếu so với cách thi hành án tử hình tại một số nước như Nhật hay Mỹ, khiến ta cảm thấy có điều gì bất nhẫn.
Sáng ngày 3 tháng 12 cũng vừa mới có tin về một vụ hành quyết ở bang South Carolina của Mỹ, mà người ta đã phải đợi 11 năm sau khi tuyên án mới đem ra thi hành. Ở Nhật cũng vậy, mỗi khi có tin hành quyết tội nhân, ta thường phải đọc lại bản tin mới nhớ ra đó là vụ án nào, đã xảy ra khi nào, vì thường thường cũng ít nhất vào khoảng 10 năm trước hay hơn nữa. Lại có những bản án tử hình cuối cùng đã được đổi thành án chung thân.
Tội nhân, con trai của bà mẹ này, còn trẻ và mới phạm tội lần đầu, có thể cho chàng trai này một cơ hội để chuộc lỗi không? Và như vậy còn có nghĩa là cho người mẹ một ân huệ, cho bà có cơ hội để dậy dỗ con từ nay trở đi sẽ không bao giờ tái phạm nữa.
Con chết đi lúc còn trẻ dại, để người mẹ ở lại với nỗi đau đớn khôn nguôi vì bị mất con, và hơn nữa, là mối ân hận tự dằn vặt mình suốt đời, vì đã không ngăn trước được những lỡ lầm của con, để con phải từ giã cõi đời khi tuổi còn xanh?
°
Hình ảnh bà mẹ Việt Nam đau khổ này còn khơi lại những dư âm của một cơn bão tương tự đã thổi vào lòng tôi một nỗi thương tâm cùng với niềm phẫn uất, trước hình ảnh đau lòng của một người mẹ Nhật Bản đáng thương, cũng bị mất con cách đây đúng một năm.
Đó là bà mẹ của một thanh niên Nhật đã bị một nhóm vũ trang tại I rắc bắt làm con tin để đòi Nhật Bản rút quân ( lực lượng phòng vệ ) khỏi xứ này, rồi sau đó cậu đã bị giết chết ( bị trảm thủ ) vì chính phủ Nhật bản không chấp nhận những đòi hỏi của phe bắt cóc.
Lúc đó chính phủ Nhật đã khuyến cáo dân chúng Nhật đừng tới I rắc, vì đã có các vụ bắt và giết con tin tương tự xảy ra cho công dân các nước tây phương hay các nước châu Á đồng minh với Mỹ. Vì vậy ở Nhật, tuy cũng có các phe đối lập phản đối việc Nhật Bản gửi quân tới I rắc, nhưng dư luận nói chung, dĩ nhiên là bất bình trước hành động quá khích của những ngưòi bắt con tin, nhưng cũng phê phán người thanh niên này, là đã làm một việc ngu xuẩn: sao lại dại dột lơ ngơ dẫn xác đến một nơi nguy hiểm như vậy! Chính phủ Nhật Bản thì không chịu chấp thuận điều kiện rút quân do phía quân vũ trang I rắc đưa ra.
Trong cuộn băng video của phe bắt cóc gửi tới đài truyền hình Al Jazeera, trước hết cậu thanh niên Nhật đã cúi đầu xin lỗi vì đã làm phiền mọi ngưòi ( tức chính phủ và dân chúng Nhật ), sau đó cậu mới ngỏ ý mong được trở về Nhật. Cậu chỉ dám nói một cách gián tiếp là mong được trở về, mà không dám nói rõ là mong được chính phủ giải cứu. Đây là cách nói e dè đặc biệt của người Nhật, cốt để tránh làm cho người nghe khỏi cảm thấy như bị quàng lên một bổn phận nào đó.
Mẹ của người thanh niên và cả gia đình cậu ở Nhật hầu như không dám hy vọng, vì đã hiểu rõ lập trường của chính phủ của họ. Gia đình này hết lời xin lỗi về việc con họ đã gây ra những chuyện phiền phức cho chính phủ và đất nước. Họ chờ đợi trong tuyệt vọng, rồi khi nghe tin con đã bị giết, họ lặng lẽ cúi đầu chấp nhận một cách an phận, không quên cảm ơn chính phủ đã đứng ra điều đình với nhóm vũ trang, và nhắc lại lời xin lỗi.
Hình ảnh người mẹ âm thầm đau khổ chỉ cúi đầu xin lỗi khi nghe tin con chết sao mà tức tuởi, quá đỗi thương tâm.
Những cuộc chiến và bạo động vẫn đang xảy ra ở những xứ sở nghèo nàn, lẩn quẩn mãi trong vòng đói nghèo và dốt nát và còn đầy dẫy những bất công. Trong giới trẻ Nhật Bản, không thiếu những thanh niên thiếu nữ có quan tâm đến cuộc sống của người dân ở các nước Á Phi, đã không quản gian nan vất vả hay nguy hiển đến tình mạng, đang tình nguyện đến họat động từ thiện tại các nước đó.
Tội nghiệp cho người mẹ Nhật biết bao, vì sự việc xảy ra quá dồn dập trước tối hậu thư của những kẻ quá khích, và lúc đó ở Nhật dĩ nhiên không có phong trào vận động hay một chữ ký ủng hộ nào, không có một ngọn nến tiễn đưa nào cho con của bà.
Sinh mệnh nào cũng đáng quý, dù là của một kẻ đã phạm tội, một kẻ có hành động sơ suất bị cho là "ngu xuẩn ".  Nhưng vì hành động điên cuồng bạo lực của con người, vì quyền lợi và uy tín của quốc gia, nó đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu.
Và người mẹ nào mất con cũng đáng thương
Cảm thấy bất nhẫn, cầm lòng không đậu, khi đó tôi đã viết những dòng sau đây, mà
tôi nghĩ đó mới thực sự là suy nghĩ của người mẹ vừa mất con ấy. 
 
Viết thay cho một bà mẹ Nhật vừa mất con
Con hãy ngao du khắp đất trời
Cưỡi mây đạp gió vượt biển khơi
Lên tầng trời rộng muôn tinh tú
Nơi đó không hàng rào kẽm gai
Con hãy vào thăm những nghị trường
Xem thùng bỏ phiếu có dối gian
Nắm lấy bàn tay còn e ngại
Hãy giơ lên lá phiếu công bằng
Con nhớ đầu thai lại kiếp nào
Đông Tây Âu Á khắp năm châu
Không còn thù hận không biên giới
Hết lầm than, hết đói, dốt, nghèo
Quỳnh Chi (2/11/2004)
°
Có lẽ không giấy bút nào kể cho hết những nỗi đau mất con của những người mẹ trong bao cảnh đời, vì những tệ nạn xã hội xuất phát từ đói nghèo dốt nát, vì những bất công xã hội, vì
những cuộc chiến tranh giành lợi quyền, vì bạo động bạo quyền vẫn còn diễn ra khắp nơi, đã mất con trong cảnh loạn lạc, trên những nẻo đường tị nạn.
Ở Nhật có một bài hát rất nổi tiếng suốt mấy thập niên qua, nói lên nỗi lòng của người mẹ vẫn ngày ngày ra chờ con trên bờ biển Nhật bản, cho dù thế chiến thứ hai đã chấm dứt từ lâu, nhưng con của bà bị gửi đến các chiến trường ở lục địa Trung quốc  hay trên Thái Bình Dương vẫn chưa trở về.. Bài đó như sau. Xin được gửi tới người mẹ vừa mất con và tất cả những người mẹ đã mất con.
 Mẹ vẫn đợi con (Ganpeki no Haha )
Ngày ngày mẹ vẫn đợi con
Trên bờ vách đá vời trông chân trời
Biết rằng vô vọng mà thôi
Mà đôi mắt vẫn trông vời.. " Biết đâu.."
Mong nghe lại, những ngày nào
" Mẹ ơi ", tiếng gọi ngọt ngào yêu thương
Mênh mông ngàn dậm trùng dương
Tình con với mẹ sao đành cách xa
Mười năm cầu nguyện thiết tha
Trời cao có thấu cho ta lòng thành
Đợi con năm tháng mỏi mòn
Gió mây phiêu dạt trầm luân một đời
Quỳnh Chi (5/12/2005)
 

Xem Tiếp: ----