Dịch giả : Thích Nữ Minh Tâm
Chương 15
NHỮNG CUỘC THÁCH ĐỐ

Từ một người ẩn cư trong hang động cô liêu, Tenzin đã phóng mình ra khỏi qũy đạo của mình để đi vào thế giới trần tục đầy u ám, phiền muộn.
Từ một người sống yên tĩnh, Tenzin đã phải nói suốt hàng giờ không ngưng nghỉ.
Từ một cuộc sống giản dị đơn thuần, Tenzin đã nhẩy vào cuộc chơi của cuối thế kỷ thứ 20 này; và thế giới mà cô tham dự trở lại đó thật khác xa hoàn toàn cái thế giới mà cô đã bỏ ra đi để tới Ấn độ năm 1963.
Tenzin đã chứng kiến những khủng hoảng, bất an, căng thẳng của một nền văn minh xã hội vật chất dồn dập lên con người; đã thấy tình trạng thất nghiệp leo thang, và đời sống bấp bênh, không biết ngày mai của những kẻ vô gia cư, vô nghề nghiệp.
Cô cũng đã đọc báo viết về mức độ tội ác bạo lực gia tăng và vấn đề sử dụng buôn bán ma túy càng ngày càng lan rộng trong xã hội. Cô cũng đã tận mắt trông thấy các bạn cô chạy đua tốc độ đến bở hơi tai theo nhịp sống vật chất cuồng loạn này.
Đi đến đâu, cô cũng nghe các cấp chính quyền rao gọi thay đổi chính sách phục vụ cộng đồng cho nền kinh tế duy lý, và bây giờ lại đến những nhu cầu xa hoa mới như sự yên tĩnh, không gian, thời gian, và sinh thái môi trường, và cô cũng nhận thức rõ sự cần thiết cấp bách cho những giá trị tâm linh trong một xã hội thăng tiến vật chất kinh khủng này. Tenzin nói:
 - " Nơi đây, người ta nung nấu vì ham muốn. Khác với ở Lahoul, người dân sung mãn về tinh thần hơn dù đời sống tiện nghi văn minh vật chất quả thật thua kém; và ở đây, ngoài vật chất ra, người ta cũng khao khát tìm tòi một cái gì đó sâu xa và có ý nghĩa hơn trong đời sống của họ. Khi người ta dừng lại những đam mê bản năng, thì người ta lại theo đuổi những nhu cầu khác. Vì thế,con người luôn luôn thất vọng, chán nản, và bức rức. Họ cảm thấy đời sống và mọi thứ sao phi lý, vô nghĩa quá. Họ đã có những gì họ muốn, nhưng rồi sao? Xã hội cứ thôi thúc bắt ép con người ta chiếm hữu hết cái này đến cái khác, nhưng rồi cuối cùng con người sẽ về đâu?
Tôi đã thấy sự cô đơn đang ngự trị khắp nơi, và con người chán nản không muốn hoạt động gì nữa khi cô đơn. Đó là trạng thái tâm lý hững hờ, lãnh đạm, lệch lạc."
Nhưng đặc biệt hơn những câu chuyện của Tenzin là vào giữa những năm 90, nhánh cây Phật giáo và nền triết lý thâm sâu, mật hiển đã sanh sôi nẩy mầm trên mảnh đất màu mỡ Tây Phương và người dân Âu Mỹ đã bắt đầu tìm hiểu một tôn giáo phương Đông với cái nhìn đúng đắn hơn, trưởng thành hơn, và khách quan hơn - và rồi từ đó, dân chúng gồm đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi ở Âu Châu, Hoa Kỳ, Gia nã Đại, Úc Châu và Tân Tây Lan đều hết sức ngưỡng mộ thán phục nền triết học uyên bác vĩ đại của Phật giáo và hết lòng cung kính các vị Lạt Ma đức hạnh đã truyền bá đạo Phật sang Âu Mỹ.
Kết quả rỡ ràng của sự hoằng pháp thành công này là các trung tâm thiền đường Phật giáo, nhất là Phật giáo Tây tạng, đã mọc lên như nấm trên khắp thế giới.
Những thời kỳ thịnh vượng của Phật giáo tại Âu Mỹ nay đã suy rồi. Nhưng tín đồ buổi đầu tiên đó, sau 30 năm nghiên cứu thực hành giáo lý, đã bắt đầu tìm hiểu tính chất nhân bản và thực tiễn hơn của nền tôn giáo đang trồng rễ trên đất nước họ. Những nhược điểm và sự không nhất quán trong nội bộ đồng loạt bị phơi bày ra, và có thể nói, khi Đông Phương bị ràng buộc bởi hàng rào tập tục luân lý xã hội thì Tây Phương, được tự do ngôn luận hơn, không có những đắn đo, ngại ngùng, hay e dè nào cả, sẵn sàng nói huỵch tẹt ra mọi việc.
Tenzin Palmo đã trở về lại cái thê giới trần tục này ngay trong giai đoạn rộn ràng đó; và những cuộc tranh luận, bàn cãi, thách đố nhau công khai, hay những mâu thuẫn trường phái đố kỵ lẫn nhau đã vô tình giúp cho cô tự tìm ra con đường của chính mình.
Những lũng đoạn trong Tăng đoàn Phật giáo ở Âu Mỹ bắt nguồn từ những tật xấu lợi dưỡng cá nhân của các vị Tăng sĩ. Theo Phật giáo Tây Tạng, vai trò và cương vị của vị đạo sư rất quan trọng. Các tín đồ kính ngưỡng vị đạo sư của mình như một vị Phật. "Đạo sư (guru) là Phật, Đạo sư là Pháp, Đạo sư là Tăng."
Từ sự suy tôn đó, người ta thần thánh hóa vị đạo sư và cho tất cả những gì vị đạo sư đó nói đều đúng, đều thật, và họ đã vô tình tôn vinh bản ngã ông đạo sư để rồi đưa đến những hậu quả thảm hại, ê chề.
Ông đạo sư cũng vẫn còn bằng xương bằng thịt, đã chứng quả Thánh gì đâu, nên những sự cúng dường tôn sùng quá mức đã làm nảy sinh tâm tham đắm mê muội.
Ví dụ như trường hợp của Chogyam Trungpa, người thầy hướng dẫn tâm linh và cũng là người bạn đầu tiên của Tenzin Palmo, đã để lại bao nhiêu là tai tiếng bê bối sau khi ông ta qua đời năm 1987.
Trungpa không những đắm chìm trong men rượu mà còn liên hệ tình dục với các nữ tín đồ hay đệ tử của ông ta. Nhiều người đã than phiền và tố cáo hành vi sai trái xúc phạm danh tiết phụ nữ của Trungpa; họ còn cho biết là cuộc đời họ thực sự đã bị phá hủy bởi ông này.
Kinh khủng hơn nữa là người đệ tử kế thừa của Trungpa, Thomas Rich, pháp danh là Osel Tendzin, sanh tại Mỹ, không những đã nhiễm căn bệnh nguy hiểm AIDS mà ông ta đã hết sức dấu kín, mà còn lây luôn cho một nữ đệ tử trong số hàng loạt các nữ tín đồ dấu tên của ông ta.
Đó là một vài trường hợp điển hình trong số rất nhiều vụ tai tiếng bê bối của các vị đạo sư ở Âu Mỹ.
Các nữ tín đồ thật vô cùng ngây thơ khi bị các ông thầy lừa bịp nói là các cô đã được tuyển chọn để làm vợ các ông trong sự liên hệ "thần bí" theo phái Mật tông Tây Tạng; vì thế, các cô rất ư là hãnh diện và sung sướng là mình đã trúng tuyển đặc biệt.
Niềm tin mù quáng vào ông thầy đã khiến các cô bị lừa bịp thảm thương và đồng thời cũng gây tiếng xấu ảnh hưởng đến Tăng đoàn Phật giáo.
Tenzin Palmo nhận xét rằng người phụ nữ Tây Phương còn kém kinh nghiệm và không hiểu biết phải làm thế nào để tìm cho được một vị minh sư, và ngay cả đến ý nghĩa thế nào là một vị đạo sư chân chính, đúng đắn, họ cũng không rõ nữa.
Sự khao khát học hỏi giáo lý và nương tựa vào một vị lãnh đạo tinh thần đã khiến các phụ nữ Tây Phương dễ bị mắc lừa và trở thành con mồi ngon cho sự lợi dụng thỏa mãn tình dục.
 - "Nhiều người Tây Phương đã hiểu sai về thiên chức vị đạo sư. Họ cho rằng vị đạo sư là người dìu dắt họ từng bước một trên con đường tìm cầu chân lý, như đứa con cần sự dắt dìu của người mẹ. Nhưng thực ra không phải vậy.
Vị đạo sư là người có bổn phận giúp đỡ mọi người nhận thức rõ ràng hơn, trưởng thành hơn, tỉnh thức hơn.
Chức năng của vị đạo sư là giới thiệu cho chúng ta con đường trở về với bản nguyên, và sợi dây liên kết giữa thầy trò là một sự cam kết tôn trọng lẫn nhau.
Về phần người học trò thì phải có trí tuệ suy xét những gì thầy mình làm có đúng chánh pháp hay không, nghe lời Thầy dạy, và thực hành theo những gì Thầy hướng dẫn.
Về phần người thầy cũng phải dạy dỗ hướng dẫn học trò mình đạt được chân lý, dù phải trải qua vô lượng kiếp.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng có lời khuyên chân thực rằng "Qúy vị phải tìm hiểu dò xét về người thầy mình ít nhất là 10 năm. Quý vị phải nghe, phải quan sát, phải nhìn cho thật kỹ, cho đến khi qúy vị nhận xét ông thầy đó chắc chắn là trong sạch. Ngay trong lúc tìm hiểu đó, qúy vị cư xử với vị thầy đó như một người bình thường và nhận những lời dạy của ông ta như là "một thông báo, một lời giới thiệu."
Một người thầy chân chính, đúng đắn không bao giờ đi tìm cầu học trò hay tín đồ gì cả. Chính đức hạnh và đời sống thanh cao của vị thầy sẽ hướng dẫn các tín đồ tìm đến vị thầy xin nương tựa."
Đối với tất cả những phán xét, phê bình hay chê trách những vị đạo sư, Tenzin vẫn luôn luôn kính trọng Sư Phụ của cô là ngài Khamtrul Rinpoche:
- "Tôi có thể nói Khamtrul Rinpoche là người tôi tuyệt đối tin tưởng. Tôi không bao giờ nghi ngờ Thầy tôi dù là một phút giây. Ngài đã chỉ dạy tôi thật chính xác, tuyệt hảo. Tôi không hề thấy có điều gì tôi cần thắc mắc. Sư Phụ tôi lúc nào cũng sắc sảo, trí tuệ, và vô ngã."
Đối với nhiều tín đồ Phật giáo Âu Mỹ, hình tượng "Đạo Sư" đã bị tổn thương nặng nề. Đó không phải chỉ vì những vụ bê bối tai tiếng mà chính vì thời điểm của họ đã tận.
Theo sự nhận xét của người Âu Mỹ cuối thế kỷ 20 nầy, hình tượng vị đạo sư chẳng qua chỉ là sản phẩm của một hệ thống giai cấp trưởng lão trên cơ bản cấu trúc và tôn ti cấp bực; và với sự phát triển của giới lãnh đạo nữ, ngày tàn của hệ thống quyền hành trưởng lão đó sắp sửa kết thúc.
Andrew Harvey, cựu học giả đại học Oxford và cũng là một thi sĩ, đã mất nhiều năm đi tìm chân lý với sự hướng dẫn của nhiều đạo sư khác tôn giáo trên khắp thế giới, kể cả vài vị Lạt Ma nổi tiếng đương thời, Linh Mục Bede Griffiths (người xây một đền thờ ở Ấn), và một nữ đạo sư Ấn Độ Mẹ Meera, đã nói lên kinh nghiệm học hỏi của ông ta trong một cuộc phỏng vấn ở đài phát thanh:
- "Tôi rất sung sướng được học hỏi với các vị thầy của tôi, nhưng đồng thời tôi cũng nhận thức rằng, nếu sự liên hệ giữa thầy trò xảy ra trong tình trạng lệch lạc, kém tinh thần thì chúng ta dễ mất đi niềm tin và phương hướng. Nếu chúng ta không được hướng dẫn đúng đắn thì chúng ta khó có thể tiếp cận đối phó với thế giới bên ngoài được, và sự lệch lạc đó cũng làm băng hoại ông thầy đi. Chúng ta đang đi tìm một kiến thức mới, một mô hình mới của sự liên kết giữa thầy trò phải như thế nào.
Tôi nghĩ rằng trong vòng 10 hay 15 năm tới, sẽ có nhiều thay đổi. Chúng ta sẽ không còn giữ đường lối xưa cũ của các vị thầy phương Đông nữa. Nó không còn phù hợp với thực tế hiện trạng bây giờ. Chúng ta cần một sức một sức mạnh tinh thần thực sự giúp chúng ta phấn chấn lên và đẩy chúng ta đi tới phía trước
Những gì mà giới trí thức tân tiến ngày nay cần để thay thế cương vị "người thầy" là người bạn tâm linh. Hình tượng người "bạn tâm linh" đó không cần phải rêu rao là đã chứng đắc, cũng chẳng cần phải được tôn sùng tuyệt đối và phải được vâng lời dạy bảo hoàn toàn; mà người bạn đó chỉ cần đồng hành, cùng đi chung một con đường với người đang đi tìm chân lý. Đó là một giải pháp dân chủ phù hợp với văn hóa phương Tây.
Tenzin Palmo đồng ý với quan điểm đó. Cô đã gặt hái được nhiều kinh nghiệm vô giá qua sự liên hệ giữa cô và vị đạo sư của cô; nhưng đã nói, Tenzin quả là một người may mắn và phi thường nhất trên đoạn đường tìm chân lý. Tenzin nói:
- "Thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ người Tây Phưong nên thực tập giáo lý Phật giáo và nương tựa nơi những vị thầy đạo hạnh hơn là những vị đạo sư.
Hai danh từ "Thầy" và "Đạo Sư" không cùng một ý nghĩa như nhau đâu. Một vị Đạo sư có sợi dây liên hệ rất mật thiết và đặc biệt quan trọng với người đệ tử, và chúng ta chỉ có một đạo sư mà thôi - nhưng chúng ta có thể có nhiều thầy; như ngài Atisha (vị sáng lập Phật giáo Tây Tạng vào thế kỷ thứ 10), ngài có tới 50 vị thầy.
Hầu hết các vị thầy đều có đầy đủ khả năng để hướng dẫn chúng ta và ngay tự chúng ta, chúng ta cũng có thể tự mình đi tới đích một cách hoàn hảo.
Chúng ta có trí tuệ, có sức mạnh tâm linh. Nếu chúng ta gặp một thiện hữu trí thức giúp đỡ chúng ta, quá tốt; nếu không, chúng ta vẫn có thể tự chứng qua sự thực hành giáo pháp. Điều quan trọng hơn hết là chúng ta phải hiểu biết rõ ràng sâu sắc về Phật, Pháp, và Tăng."