William Saroyan (1908-1981), nhà văn Mỹ gốc Armenia. Cha mất sớm, ông phải bỏ học, làm nhiều nghề để kiếm sống, đồng thời tự học và thử sức bằng ngòi bút. Nổi tiếng từ tác phẩm Chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay (The Daring Young Man on the Flying Trapeze, 1934). Ông viết khỏe, sáng tác nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch. Tác phẩm của ông nổi bật vì tinh thần lạc quan của những con người bình thường theo đuổi “giấc mơ Mỹ” trong những năm khó khăn của thời kỳ Khủng hoảng kinh tế 1929-1932.
Các tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông là Tên tôi là Aram (My Name is Aram, 1940) và Hài kịch nhân gian (The Human Comedy, 1943), cả hai đều kể chuyện những đứa trẻ lớn lên ở vùng Thung lũng San Joaquin, California. Trong các vở kịch của ông, nổi tiếng nhất là Trái tim tôi ở tận vùng cao (My Heart"s in the Highlands, 1939) và Thời gian của cuộc đời anh (The Time of Your Life, 1939). Vở kịch sau được giải Pulitzer, nhưng Saroyan từ chối nhận vì cho rằng các nhà kinh doanh không có tư cách để bình giá nghệ thuật.
Ông liên tục viết và xuất bản trên năm mươi cuốn sách cho đến khi qua đời vì bệnh ung thư. Tác phẩm cuối cùng của ông, Cáo phó (Obituaries, 1979) kết thúc bằng câu: “Tôi đã cố hết sức mình, và hãy để tôi giục giã bạn cũng cố hết sức mình. Chẳng phải đó là điều tối thiểu chúng ta có thể làm cho nhau sao?”
Về dịch giả Huy Tưởng, là nhà thơ, dịch giả. Sinh 1942 tại Kon Tum. Hiện sống tại Tp. Hồ Chí Minh. Là tác giả của hơn 10 tập thơ; tập gần đây nhất là Người nuôi lửa tịch mịch (1999); và một số tác phẩm dịch về thơ ca, văn chương, triết học. Trước 1975, cùng một số thân hữu chủ trương Nxb nổi tiếng Kinh Thi. Bản dịch này rút trong tập truyện ngắn của W. Saroyan do Nxb Kinh Thi xuất bản năm 1973.
Trong truyện này, dịch giả giữ nguyên phong cách chính tả riêng của tác giả: viết hoa sau dấu phẩy để bắt đầu mỗi lời thoại. Đầu mỗi truyện đều có một "Lời mào đầu" của chính tác giả, được in nghiêng trong bài để bạn đọc tiện theo dõi.
 
Người có trái tim trên miền cao nguyên
Khởi viết vào khoảng tháng tám, năm 1935, sau chuyến đi Âu Châu lần đầu tiên, tôi cho đây là một trong những truyện ngắn hay nhất của văn chương Mỹ. Truyện phóng khoáng, nhẹ nhàng, linh hoạt, độc lập, mới mẻ, dị thường mà chân thật, ngộ nghĩnh mà lịch duyệt. Nếu phải làm cái gì như một Thánh Kinh của đời sống thế kỷ hai mươi - qui tụ những tuyệt phẩm của tất cả các nhà văn thế giới hiện đại - thì truyện này hẳn xứng đáng có một chỗ trong tuyển tập đó. Đặc biệt, tôi tiến dẫn truyện này cho những nhà văn chưa xuất bản hoặc đã xuất bản quá nhiều, vì tôi tin, nó sẽ cho nhà văn chưa hề xuất bản thấy rằng phải bắt đầu ra sao, và nhà văn xuất bản quá nhiều rằng chính loại văn giản dị nhất sẽ là những gì tuyệt hảo và chân chính nhất. Ba mươi ba năm sau khi truyện được viết ra, tôi thấy lẽ ra tôi không nên viết nó, mặc dầu nếu có một người nào đó viết thì tôi hài lòng hơn. Truyện đáng được viết, nó sẽ tồn tại và sống đời riêng biệt.
Năm 1914, khi ấy tôi chưa đầy sáu tuổi, có một ông già đi dọc xuống đại lộ San Benito, thổi một khúc độc tấu bằng kèn và dừng lại trước cửa nhà chúng tôi. Tôi chạy ngay ra ngoài sân, đứng chờ trên bờ giếng, đợi xem ông thổi lại lần nữa, nhưng không. Tôi nói, Cháu thích nghe bác thổi một bản nữa quá, và ông già nói. Này cậu bé, cậu có thể rót một ly nước cho một ông già mà trái tim không ở đây, nhưng ở tận miền cao nguyên, được chứ?
Tôi nói, Cao nguyên nào?
Ông già nói, Cao nguyên Scotch, rõ chưa?
Tôi nói, Thế trái tim bác đang làm gì nơi miền cao nguyên Scotch?
Ông già nói, Trái tim ta đang đau khổ ở đó. Cháu rót cho ta một ly nước lạnh được không?
Tôi hỏi, Chứ má của bác ở đâu?
Ông già nói, Bà cụ của ta ở Tulsa, Oklahoma, nhưng trái tim bà thì không ở đó.
Tôi hỏi, Thế tim bà cụ ở đâu?
Ông già nói, Ở miền cao nguyên Scotch luôn. Này cậu bé, ta khát quá!
Tôi nói, Làm sao mà các người trong gia đình bác lại cứ để trái tim nơi miền cao nguyên hoài vậy?
Ông già nói, Chúng tôi vậy đấy. Hôm nay ở đây rồi mai lại biến.
Tôi thắc mắc hỏi, Hôm nay ở đây rồi mai lại biến. Bác nói vậy nghĩa là sao?
Ông già nói, Rày đây mai đó. Sống giây phút này rồi tan biến ngay ở giây phút sau, thế thôi.
Tôi hỏi tiếp, Thế má-của-má bác ở đâu?
Ông già nói, Ở trên Vermont, một tỉnh nhỏ gọi là White River, nhưng trái tim của cụ thì không ở nơi đó.
Tôi nói, Thế trái tim già nua khô héo của cụ cũng ở nơi miền cao nguyên chứ?
Ông già nói, Ngay nơi miền cao nguyên. Này con, ta chết khát mất.
Bố tôi bước ra ngoài hiên và gầm lên như một con sư tử vừa bừng thức dậy khỏi những giấc mơ dữ dội.
Johnny, ông gầm rống lên, Tránh xa cái lão già dịch đó. Múc cho lão một vại nước trước khi lão sụp chết. Tư cách của mày để đâu rồi hả?
Tôi nói, Thế đôi khi người ta không thể thử khám phá ra một cái gì nơi một kẻ tứ chiếng giang hồ sao, bố?
Bố tôi nói, Lấy ngay cho ông cụ chút nước. Mẹ kiếp, đừng có đứng ngay đơ ra như thằng phỗng. Lấy nước cho ông ta uống kẻo ông ta té xỉu xuống bây giờ.
Tôi nói, Bố lấy đi. Bố chả làm gì cả.
Không làm gì à? Bố tôi nói, Sao, mẹ kiếp mày thằng Johnny, mày thừa biết là tao đang soạn một bài thơ trong óc chứ?
Tôi nói, Sao bố lại nghĩ là con phải biết chứ? Bố chỉ đứng ì trên hiên nhà, tay áo xắn lên. Sao bố lại cho là con đã biết?
Bố tôi nói, À, thì mày phải biết, thế thôi.
Chào bác, ông già nói với bố tôi, Thằng con bác vừa cho tôi biết khí hậu ở đây mới trong lành thơm thảo làm sao!
(Chúa ơi, tôi kêu hoảng lên trong đầu. Tôi chẳng hề nói gì với ông già về thời tiết cả. Chứ ổng nghe cái chuyện đó ở đâu ra vậy cà?)
Chào bác, bố tôi nói. Mời bác vào nghỉ một lát. Chúng tôi rất hân hạnh được mời bác cùng dùng chút cơm trưa.
Ông già nói, Thưa ngài, tôi sắp chết đói. Tôi xin vào ngay.
Tôi hỏi ông già: Bác có chơi được bản “Chỉ uống mừng ta bằng đôi mắt em” không? Cháu thích nghe bác thổi bài đó. Cháu khoái bài đó quá chừng. Có thể nói là cháu mê bài đó nhất thế gian.
Ông già nói, Này con, khi nào con bằng tuổi ta, con sẽ biết rằng bài ca chưa phải là cái gì quan trọng lắm đâu, chính cơm gạo mới là nhất hạng.
Tôi nói, Dù sao cháu cũng thích nghe bác thổi bài đó lắm.
Ông già bước lên hiên nhà bắt tay bố tôi.
Ông già nói, Tôi tên là Jasper MacGregor. Tôi là diễn viên.
Bố tôi nói, Rất sung sướng được quen biết bác. Johnny, lấy cho ông MacGregor một vại nước.
Tôi đi vòng đến giếng, múc một ít nước lạnh vào cái vại và đem đến cho ông già. Ông tu một hơi dài hết sạch. Bắt đầu tươi tỉnh để thong thả nhìn quanh phong cảnh, nhìn trời, nhìn đại lộ San Benito dưới ráng chiều sắp tắt.
Ông nói, Tính ra là tôi xa nhà có đến năm ngàn dặm. Bác có nghĩ rằng chúng ta nên ăn một chút bánh mì và phó-mát để tôi có thể cầm cự tạm sống được không?
Bố tôi nói, Johnny, chạy ngay ra tiệm lấy một ổ bánh Pháp và một cân phó-mát.
Tôi nói, Bố đưa tiền đây.
Bố tôi nói, Bảo ông Kosak cho mình nợ đi vậy. Bố chẳng còn một xu dính túi.
Tôi nói, Ông ta không cho mình nợ đâu. Ông Kosak chán cho mình nợ lắm rồi. Ông ta phiền mình lắm. Ông ấy bảo mình không chịu làm việc và cũng chẳng bao giờ chịu trả nợ. Nhà mình còn nợ ông ấy bốn mươi xu.
Bố tôi nói, Đi ngay xuống tiệm và nói sao cho ra lẽ với ông ấy. Mày biết đó là việc của mày mà.
Tôi nói, Ông Kosak chẳng chịu nghe lý lẽ gì đâu. Ổng nói ổng chả cần biết quái gì cả, ổng chỉ muốn bốn mươi xu thôi.
Bố tôi nói, Xuống tiệm ngay đi và cố làm sao để ông ấy đưa cho mày một ổ bánh và một cân phó-mát. Mày làm được chuyện đó mà, Johnny.
Ông già nói theo, Đi xuống tiệm và bảo ông Kosak đưa cho mày ổ bánh cùng phó-mát, đi con.
Bố tôi nói, Đi đi Johnny. Mày chưa từng bao giờ rời khỏi tiệm mà không có được thực phẩm, để coi, chỉ mười phút nữa là mày sẽ trở về đây với đầy đủ thức ăn cho một ông vua.
Tôi nói, Con không biết đâu. Ông Kosak bảo mình muốn chơi trò đuổi bắt với ông ấy. Ông ta muốn biết bố đang làm những thứ việc gì.
Bố tôi nói, Ờ, cứ đến bảo với ông ấy, bố chả dấu giếm làm gì, Bố là nhà thơ. Bảo với ông Kosak là bố tôi làm thơ tối ngày.
Tôi nói, Thì cũng tạm được, nhưng con không tin là ông ta sẽ cảm kích gì lắm đâu. Ông ấy nói bố không bao giờ chịu đi tìm việc như những người thất nghiệp khác. Ông ấy nói bố lười và không tốt.
Bố tôi nói, Cứ đi xuống tiệm và bảo với lão ấy là lão điên rồi Johnny ạ. Mày đi xuống tiệm và nói thẳng với thằng chả rằng bố mày là một trong những thi sĩ vô danh vĩ đại nhất hiện còn tại thế.
Tôi nói, Có thể ông ấy sẽ không thèm để ý, nhưng con sẽ đi. Con sẽ cố hết sức. Mình chẳng còn gì trong nhà cả sao, bố?
Bố tôi nói, Chỉ có bắp rang. Mình ăn toàn bắp rang đã bốn bữa liên tiếp rồi Johnny ạ. Mày phải mua bánh và phó-mát nếu như mày muốn bố làm xong bài thơ tầm cỡ này.
Tôi nói, con sẽ cố hết sức.
Ông MacGregor nói, Đừng có lâu quá, nghe con. Ta xa nhà đến năm ngàn dặm.
Tôi nói, Cháu sẽ chạy một mạch.
Bố tôi nói, Nếu dọc đường mày có kiếm được chút tiền còm nào, nhớ là chia đôi đấy nhé con.
Tôi nói, Được thôi.
Lấy hết sức, chạy một hơi đến tiệm ông Kosak, nhưng tôi chẳng kiếm được tí tiền nào dọc đường, không lấy một xu.
Tôi vào tiệm, và ông Kosak mở tròn mắt ra ngó.
Tôi nói, Ông Kosak ơi, nếu như ông ở Trung Hoa và chẳng có lấy một người thân thuộc, tiền nong cũng nhẵn láng, hẳn ông sẽ mong một người đạo Thiên Chúa nào đó cho ông một cân gạo, phải không nào?
Ông Kosak nói, Ái chà chà, nói thiệt đi con, chứ mày muốn cái thớ gì nào?
Tôi nói, Cháu chỉ muốn nói chuyện một chút thôi mà. Ông hẳn mong một người giống Arya giúp đỡ chút đỉnh qua cơn thắt ngặt, phải không ông Kosak?
Ông Kosak nói, Mày có bao nhiêu tiền?
Tôi nói, Không phải là vấn đề tiền nong ông Kosak ạ. Cháu đang nói chuyện ở Trung Hoa và cần sự giúp đỡ của người da trắng.
Ông Kosak nói, Tao cóc biết quái quỷ gì hết.
Tôi nói, Ở Trung Hoa làm sao mà ông có thể nghĩ ngợi vậy được?
Ông Kosak nói, Tao đã nói là tao không biết. Tao làm cái cóc khô gì ở Trung Hoa cơ chứ?
Tôi nói, Ồ, giả sử như ông đi du lịch bên đó, và chẳng may bị đói, thân cô thế cô nơi đất khách. Hẳn là ông không mong một người lương thiện nào đó đuổi ông đi mà không tặng kèm theo cho ông một cân gạo, phải không nào?
Ông Kosak nói, Tao không mong vậy, nhưng mình có ở Trung Hoa đâu Johnny, cả bố mầy cũng vậy. Tao không bán chịu thực phẩm cho mày nữa đâu vì tao thừa biết mày sẽ không có tiền để trả.
Tôi nói, Ông Kosak ạ, ông hiểu lầm cháu mất: Cháu có nói gì về thực phẩm đâu. Cháu chỉ nói về những người ngoại đạo chung quanh ông ở Trung Hoa, và ông thì đói lả, sắp đi đoong.
Ông Kosak nói, Đây không phải là Trung Hoa. Ở cái xứ này thì phải ra khỏi nhà mà kiếm ăn, ai cũng làm việc.
Tôi nói, Ông Kosak, giả sử như ông cần một ổ bánh Pháp và một cân phó-mát để ông còn sống được trên đời, ông có ngần ngại phải xin một nhà truyền giáo những thứ đó không?
Ông Kosak nói, Ngần ngại lắm chứ. Tao hẳn sẽ ngượng tím mặt đi mất, đâu có dám.
Tôi nói, Mặc dù ông biết là ông sẽ trả lại cho họ hai ổ bánh Pháp và hai cân phó-mát, đúng không?
Ông Kosak nói, Đúng, mặc dù vậy.
Tôi nói, Đừng như vậy ông Kosak ạ. Đó là nói theo kiểu tiêu cực và ông cũng biết vậy. Thế là ông chỉ còn có cái chết, ông sẽ qua đời ở Trung Hoa xa hun hút đó mất, ông Kosak ơi.
Ông Kosak nói, có chết tao cũng cóc cần, mày và bố mày phải trả tiền bánh và phó-mát. Sao bố mày không đi kiếm lấy một việc làm?
Tôi nói, Ông Kosak, thế ông có được mạnh khỏe không?
Ông Kosak nói, Mạnh, Johnny ạ. Thế mày thì sao?
Tôi nói, Nhất rồi ông Kosak ạ. Còn mấy đứa nhỏ ra sao rồi?
- Mạnh khỏe cả. Ông Kosak nói, Thằng bé Stepan bắt đầu chập chững đi rồi đấy.
Tôi nói, Ghê quá nhỉ, còn Angela thì sao?
- Angela đang bắt đầu tập hát. - Ông Kosak nói, Còn bà của mày sao rồi?
- Bà cháu thấy khỏe lắm. Tôi nói, Bà cũng bắt đầu hát. Bà cho rằng thà làm một tài tử nhạc kịch còn hơn là làm một hoàng hậu. Thế bác gái Marta, vợ yêu của bác, cũng mạnh giỏi cả chứ?
- Ồ, mạnh lắm. Ông Kosak nói.
Tôi nói, Cháu không sao nói cho hết niềm vui sướng của mình khi được biết trong nhà bác ai nấy đều mạnh khỏe cả. Cháu tin, một ngày kia Stepan sẽ trở thành một nhân vật có tầm cỡ.
Ông Kosak nói, Tao cũng mong như vậy. Tao sẽ cho nó học một mạch hết ban trung học và lo cho nó hết thảy mọi dịp may mà đời tao không có được. Tao không muốn nó mở tiệm tạp hóa chút nào.
Tôi nói, Cháu tin nơi Stepan lắm.
Ông Kosak nói, Mày muốn những gì hở Johnny? Thế mày có bao nhiêu tiền?
Tôi nói, Ông Kosak ạ, ông thừa biết là cháu đến đây đâu có để mua gì đâu. Ông quá rõ là cháu thích thỉnh thoảng nói vài chuyện triết lý êm ả với ông. Ông cho cháu một ổ bánh Pháp và một cân phó-mát.
Ông Kosak nói, Mày phải trả tiền mặt đó Johnny ạ.
Tôi nói, Thế còn Esther, cô con gái xinh đẹp của ông có mạnh không?
Ông Kosak nói, Esther mạnh lắm Johnny ạ, nhưng mày phải trả bằng hiện kim thôi. Mày và bố mày là những công dân ẹ nhất nuớc.
Tôi nói, Esther mạnh là cháu mãn nguyện rồi. Nhà nghệ sĩ Jasper Mac Gregor đang ở chơi nhà cháu, ông ta là một diễn viên vĩ đại.
Ông Kosak nói, Tao chưa từng nghe danh tánh ông ấy.
- Và một chai bia cho ông MacGregor, Tôi nói.
Ông Kosak nói, Tao không thể cho thêm mày một chai bia nữa đâu.
Tôi nói, Chắc chắn là ông cho được.
Ông nói, Không thể. Tao chỉ cho mày lấy một ổ bánh cũ và một cân phó-mát, chỉ vậy thôi. Thế khi bố mày làm việc thì ông ấy làm những gì?
Tôi nói, Bố cháu làm thơ ông Kosak ạ. Đó là công việc duy nhất của bố cháu. Bố cháu là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất thế giới.
Ông Kosak nói, Thế khi nào lão ấy kiếm ra tiền?
Tôi nói, Bố cháu chả bao giờ kiếm được tiền. Chúng ta không thể cùng lúc vừa có cái này lại cũng vừa có cái kia được.
Ông Kosak nói, Tao chẳng ưa thích gì cái việc đó. Johnny, sao bố mày không làm việc như những người khác?
Tôi nói, Bố cháu làm việc chăm hơn bất cứ ai. Bố cháu làm việc gấp đôi người thường.
Ông Kosak nói, Thế là mày nợ thêm tao mười lăm xu nữa đấy, Johnny nhé. Lần này tao cho mày lấy ít đồ, nhưng đủ rồi đấy nhé con, đừng hòng.
Tôi nói với lại: Bảo Esther là cháu quí nó lắm.
Được rồi, ông Kosak nói.
Tôi nói, Cháu về ông Kosak ơi.
Ông Kosak nói, Ờ, thôi về đi Johnny.
Tôi chạy về nhà với ổ bánh Pháp và cân phó-mát.
Bố tôi và ông MacGregor đứng tràn ra ngoài đường đợi xem tôi có trở về với thức ăn không. Họ chạy nửa dẫy phố về phía tôi, và khi thấy đã có thức ăn, họ an tâm và nhàn nhã quay về, bà tôi cũng đang đợi. Bà chạy vào nhà và dọn bàn ra.
Bố tôi nói, Tao biết mày sẽ được việc mà.
Tôi cũng tin vậy, ông MacGregor phụ họa.
Tôi nói, Ông ấy nói mình phải trả năm mươi xu. Ổng sẽ không bán chịu nữa đâu.
Bố tôi nói, Đó là một ý kiến. Thế mày nói những gì vậy Johnny?
Tôi nói, Trước hết về một cái đói sắp chết ở tận xứ sở Trung Hoa, sau đó con hỏi thăm cả gia đình.
Bố tôi hỏi, Thế mọi người mạnh cả chứ?
Tôi nói, Mạnh cả.
Vậy là tất cả chúng tôi quây quần trong nhà, ăn ngon lành ổ bánh và cân phó-mát, mỗi người uống hai hay ba lít nước, và sau khi không còn gì cả, ông MacGregor lại nhìn quanh nhà bếp xem có còn gì ăn được không.
Ông hỏi, Cái hộp sắt xanh trên kia. Có gì trong đó vậy Johnny?
Tôi nói, Bi.
Ông hỏi tiếp, Cái chạn kia nữa. Có gì lót lòng được không?
Tôi nói, Dế.
Ông nói, Còn cái chum lớn bên góc đó. Có cái gì ngon lành trong đó không?
Tôi nói, Cháu nuôi một con rắn.
Ông MacGregor nói, Được quá! cho ta một miếng rắn luộc đi, thế là xịn rồi còn gì.
Tôi nói, Ối! Làm sao mà bác ăn rắn đó được.
Ông MacGregor nói, Johnny, Tại sao lại không chứ? Tại sao không mới được? Ta nghe nói dân Bornéo và các xứ khác xực tuốt tuột cả rắn lẫn cào cào. Chứ cháu
không có đây đến cả chục con cào cào mập ú đấy sao, Johnny?
Tôi nói, Có mỗi bốn con thôi mà.
Ông MacGregor nói, Được rồi, đem ra đây coi Johnny. Khi nào no nê khỏe khoắn, ta sẽ chơi thật tuyệt để tặng cho cháu bản “Chỉ uống mừng ta bằng đôi mắt em”. Ta đói khiếp lắm, cháu Johnny ạ.
Tôi nói, Cháu cũng vậy, nhưng bác không được giết con rắn đó đâu nhé.
Bố tôi ngồi nơi bàn, tay ôm đầu mơ mộng. Bà tôi lệt bệt đi ngang, nghễnh ngãng hát lí nhí một điệu nhạc quen, có lúc rống tướng lên bằng một thứ tiếng Ý lơ lớ, Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì ai,…
Bố tôi nói, Chơi chút nhạc được chứ? Thằng nhỏ chắc chịu lắm.
Tôi nói, Cháu mê tơi ông MacGregor ạ.
Ông MacGregor nói, Được thôi mà, Johnny.
Rồi ông đứng lên và bắt đầu thổi kèn, ông thổi to hơn bất cứ một nhạc công nào, khiến cho những người chung quanh xa hàng dặm cũng nghe được và cảm thấy hứng khởi một cách lạ thường. Có tất cả mười tám người hàng xóm tụ tập trước nhà chúng tôi, và vỗ tay hoan hô dậy một góc trời khi MacGregor thổi xong một khúc độc tấu.
Bố tôi dẫn ông MacGregor ra trước hiên, và nói, Xin chào các bà con, tôi muốn bà con được tận mắt trông thấy Jasper MacGregor, một diễn viên kịch Shakespeare vĩ đại nhất thời nay.
Mấy người láng giềng chân chất và lương thiện chả nói gì cả, chỉ ông MacGregor nói, Tôi nhớ như in lần đầu xuất hiện ở Luân-Đôn vào năm 1867, vậy mà như thể mới hôm qua đây, đúng là bóng câu qua cửa sổ. Và ông tiếp tục ba hoa về nghiệp dĩ của mình, thao thao bất tuyệt.
Bác thợ mộc Rufe Apley rụt rè nói, Thổi thêm cho vài bản nữa được không, ông MacGregor?
Ông MacGregor nói, Nhà chú còn quả trứng nào không?
Rufe nói, Có chứ. Có cả một chục cơ.
Ông MacGregor nói, Thế chú về lấy một quả thôi, có gì bất tiện không nhỉ? Khi chú trở lại, ta sẽ thổi một bản làm tim chú muốn nhẩy lên vì hân hoan lẫn buồn đau.
Rufy hăng hái nói, Tôi đi lấy ngay.
Ông MacGregor hỏi Tom Baker xem nhà anh ta còn chút xúc xích nào không, Tom nói còn, và ông MacGregor hỏi Tom có thấy tiện về nhà lấy một chút xúc xích đem qua đây không, và khi anh trở lại ta sẽ thổi một bài ca mà chắc chắn sẽ khiến thay đổi cả lịch sử đời anh, Tom ạ. Và Tom về nhà lấy xúc xích. Ông MacGregor tiếp tục hỏi từng người trong bọn họ, xem nhà ai còn những gì ăn ngon không, mọi người đều nói có, và cùng về nhà lấy những gì nho nhỏ mà ngon miệng, để chỉ đợi nghe bản nhạc mà theo như ông MacGregor nói là sẽ tuyệt vời hết ý.
Và khi tất cả những bạn láng giềng tốt bụng trở lại nhà chúng tôi với những gì nho nhỏ mà ngon miệng đó, ông MacGregor bắt đầu nâng kèn lên môi, trau chuốt thổi bài “Trái tim tôi ở tận miền cao, nào có nơi đây” đã khiến cho những người láng giềng hiền hòa đa cảm đó khóc, khóc lặng lẽ trên đường về nhà.
Ông MacGregor đem tất cả các đồ ăn ngon vào nhà bếp, và chúng tôi lại ăn uống vui vẻ, phè phỡn: một quả trứng, một xúc xích, một tá hành, hai loại phó-mát, bơ, bánh, cà chua, dưa hấu, trà và nhiều món khoái khẩu khác.
Chúng tôi chè chén no nê, bụng căng phình, và ông MacGregor nói với cha tôi, Thưa ngài kính mến, nếu ngài không cảm thấy bất tiện, bỉ nhân xin được tá túc lại nhà ngài trong vài hôm tới đây.
Cha tôi cung kính đáp lời, Thưa ngài, xin ngài cứ tự nhiên lưu lại tệ xá, nhà là nhà chung của chúng ta mà.
Và ông MacGregor ở lại nhà chúng tôi mười bảy ngày đêm tất cả.
Vào buổi chiều thứ mười tám, một người từ Viện Dưỡng Lão đến nhà chúng tôi, và nói, Tôi muốn tìm cụ Jasper MacGregor, một diễn viên.
Bố tôi hỏi, Ông muốn gì nào?
Người thanh niên nói, Tôi là người của Viện Dưỡng Lão, và muốn đưa ông MacGregor trở lại Viện, trong hai tuần nữa chúng tôi sẽ tổ chức cuộc trình diễn thường niên, và chúng tôi cần một diễn viên.
Thế là, ông Mac Gregor ngồi bật dậy và biến mất với người thanh niên kia.
Chiều hôm sau, cơn đói hoành hành trở lại.
Và bố tôi nói, Johnny, xuống tiệm ông Kosak kiếm chác chút gì lót lòng coi. Bố biết mày thừa sức xoay xở. Lấy bất cứ thứ gì cũng được.
Tôi nói, Ông Kosak muốn năm mươi lăm xu. Ông ấy chẳng cho không nữa đâu.
Bố tôi nói, Đi đi Johnny. Mày biết mày có tài làm cho nhà quý phái ấy cho mình chút gì lót bụng mà.
Thế là, tôi đến tiệm ông Kosak và bàn tiếp các vấn đề Trung Hoa còn bỏ dở, và tôi phải vất vả lắm mới rời tiệm với một hộp kê và nửa lon si-rô, dù sao thì tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ.
Bố tôi nói, Johnny ơi, đồ ăn kiểu này sẽ nguy hiểm cho bà cụ lắm.
Nhưng sáng hôm sau chúng tôi nghe bà tôi ca hát, giọng đẹp như một con kim tước.
Và bố tôi làu bàu trong miệng, Làm thế quái nào mà viết cho được bài thơ vĩ đại về kê với kiếc cơ chứ?
Huy Tưởng dịch từ nguyên tác tiếng Anh
 

Xem Tiếp: ----