Xong ca dạy kèm, Việt lững thững đạp xe về tới nhà cũng đã tám giờ tối. Trong nhà, má với thím Tư – bà bạn hàng ngoài chợ - đang bàn bạc chuyện gì đó. Thấy Việt về hai người đột nhiên thôi không nói nữa. Việt cũng chẳng để ý lắm, vì chắc là chuyện đàn bà, chuyện bán buôn lời lỗ, trăm thứ tủn mủn vụn vặt ai hơi đâu mà nghe. Vả lại, Việt còn đang mệt bã người ra vì vừa mới “đánh vật” xong với thằng học trò đã ngu lại làm biếng. Cho nên khi thím Tư te tái xách giỏ đứng dậy đi ra cửa nói với Việt: “Thím về nghe con!”, Việt cũng chỉ gượng cười: “Dạ, thím Tư về!” rồi uể oải quơ lấy cái khăn đi tắm. Đóng cửa nhà tắm lại, Việt còn nghe cái giọng rổn rảng phường chợ của thím vọng vô: “Vậy hen chị ba, đồ lễ nhớ chuẩn bị sẵn sang, tối mai đúng sáu giờ em ghé rồi hai chị em mình đi!”. Tiếng má “ờ… ờ…” rồi không còn nghe thấy gì nữa. Việt xối nước ào ào. Má dọn cơm ra hai má con ngồi ăn. Vì đang đói nên Việt lùa cơm ào ào. Má ăn chậm rãi, vẻ nghĩ ngợi. Rồi má dè dặt hỏi Việt: “Hình như tối mai con đi học?” Việt: “Dạ phải. Hai tư sáu học Anh văn. Ba năm bảy đi dạy”. “Tối mai má đi Cổ Thạch, đi khoảng năm mười ngày…” Việt giật mình: “Ủa, đi làm gì mà lâu dữ vậy má?”. Má úp mở: “Ừ… ờ… thì đi với mấy chị bạn… có công chuyện”. Má không muốn nói thì Việt cũng không hỏi nữa. Có điều Việt thấy nghi lắm. Má đi một băng với mấy bà ngoài chợ thì chắc là… Hôm sau Việt đi học về thì má đã đi rồi. Cửa ngoài khoá im ỉm, Việt lấy chìa tra ổ để vô nhà. Bình thường nhà cũng chỉ có hai mẹ con, có đông đúc nhộn nhịp gì cho cam, vậy mà hôm nay vắng má tự nhiên thấy nó lạnh tanh, trống trải dễ sợ. Việt ngồi ăn cơm một mình, nghĩ ngợi coi má đi đâu đây. Đang nhẩn nha nhai cơm, Việt bất giác nhìn bâng quơ lên bàn thờ, chợt thấy kê dưới đáy chuông lấp ló một tấm thiếp vàng vàng đỏ đỏ, cái màu đỏ bắt lấy ánh đèn thờ nom càng loè loẹt. Việt lấy làm lạ, vội đi lại bàn thờ rút tấm thiếp ra. Chưa đọc hết nội dung Việt đã tức giận quăng xuống đất. Rõ ràng là một mớ nhảm nhí lộn xộn: tấm thiếp mời đi dự kỳ tu tập lánh nạn đại diệt chúng sinh. Vậy là mối nghi ngờ của Việt quả không sai chút nào. Mấy cái bà bạn đồng bóng của má Việt biết quá mà. Thả phịch người xuống ghế, Việt nhìn tấm thiếp nằm chỏng chơ mà thở dài chán nản. Rồi khi sự bực tức đã qua, giờ trong lòng Việt chỉ còn lại một mối lo quặn thắt. Biết má đi đâu? Lỡ má bị lừa thì sao? Hay tệ hơn, lỡ gặp phải tụi khùng rủ cả đám đạo hữu cùng tự tử để được lên thiên đàng như bên Tây thì sao? Má ơi là má, sao má khờ quá vậy? “Sao má khờ quá vậy?” – cái câu này Việt đã tự kêu thầm hơn một lần. Đôi khi Việt hay nghĩ ngợi bâng quơ: hồi đó, lúc má đẻ Việt ra Việt hãy còn là một hình hài bé xiu đỏ hỏn. Rồi má ấp iu, má nuôi Việt lớn, má dạy Việt điều này điều kia. Còn ai thương Việt hơn má? Còn ai hiểu Việt bằng má? Vậy mà theo thời gian, khi Việt lớn lên, khi cái thế giới suy tưởng của Việt ngày càng một phong phú, rộng mở mà tầm hiểu biết của má vẫn cứ tủn mủn chật hẹp thì làm sao má còn hiểu Việt được nữa – dù rằng hai má con vẫn ở bên nhau, dù rằng má vẫn dành trọn tình yêu thương của mình cho Việt như thuở nào. Nhiều lúc Việt cảm thấy bất lực khi muốn chia sẻ với má một ý tưởng, một tâm sự nào đó, bởi vì hoặc là má không hiểu, hoặc là má cảm thấy sợ hãi trước những khái niệm, những thuật ngữ xa lạ và táo bạo đó. Má sinh ra ở Sài Gòn, má là người Sài Gòn chính tông. Nói ra điều này chắc ít người tin, vì má quê còn hơn mấy bà nhà quê nữa kìa. Cả cuộc đời của má chỉ bó gọn từ nhà ra chợ, từ chợ về nhà - rất chật, rất hẹp trong cái biển cuộc sống mênh mông này. Sạp hàng rau cải chiếm hầu như mọi tâm trí của má. Đến cả trong giấc mơ của má cũng xanh rớt màu rau cải. Giả thử có ai đó cắc cớ thẩy má ra giữa trung tâm Sài Gòn chắc má cũng không biết lần đường nào mà về. Mỗi lần nghĩ tới điều đó, Việt thấy thương má quá, và tự nhủ lòng phải học hành tới nơi tới chốn để sau này có thể lo cho má một cuộc sống sung sướng, an nhàn, có điều kiện đi đó đi đây mà mở rộng tầm hiểu biết. Ấy vậy mà mỗi lần thấy Việt thức đêm thức hôm mài mình bên trang sách má cứ lo lắng, má sợ Việt học quá… hoá điên. Việt cười: “Con học vậy là chỉ mới học một chứ người ta còn học gấp năm gấp mười lần mình mà vẫn có sao đâu má. Bây giờ học hành giống như chạy đua vậy, đứa nào chậm đứa đó thua”. Má buông một câu: “Ui, giàu thời cũng thác xác thời cũng vong. Thông minh tài trí anh hùng, ngu si dại dột cũng xong một đời”. Đó, cái “triết lý” của má lạ đời vậy đó. Má đi bảy ngày thì về yên bình. Việt mừng rơn trong bụng, nhưng vẫn thấy tức tức nên đón má bằng cái bản mặt lạnh tanh. Má mua về đủ thứ lỉnh kỉnh, nào là gạo, đường, mắm muối, dầu hôi… Việt hỏi mát mẻ: “Má đi học lánh nạn đại diệt chúng sinh về đó hả má?” Má tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ai nói cho con hay vậy?”. Việt không trả lời câu hỏi của má mà tiếp: “Vậy chứ họ giảng cho má những gì, má kể nghe thử?” “Người ta giảng nhiều lắm, nhưng nói gọn thì có vầy: nạn đại diệt sẽ tới không biết lúc nào nó có thể tới bằng chiến tranh, bằng bệnh tật, thiên tai lũ lụt hay cháy nổ... Ai biết phòng xa, tích trữ thì tai qua nạn khỏi”. “Nói vậy rồi má tin?” “ Tin chớ sao không? Người ta chứng minh rành rành ra đây nè. Đâu phải khi không mà hai chiếc máy bay đâm đầu vô cái cao ốc bên Mỹ! Đâu phải khi không mà chiến tranh rộ lên liên miên! Hai cái thằng Ixraen với Palestin hồi trước có cua răng với nhau nhưng cũng ráng tìm phương kế thương lượng hoà bình, sao bây giờ tự nhiên đập nhau dữ dội? Rồi nào là bệnh than bệnh thiếc. Thử hỏi tất cả mấy cái thứ hỗn loạn này không do bề trên xui khiến thì còn do ai nữa?”. Việt cười nhăn nhó: “Má nói rành rẽ y như chuyên gia thời sự vậy hen”. Má chợt lúng túng: “Ừ.. ờ, thiệt tình là hồi đó má cũng không để ý lắm, nhưng mà đi chuyến này được thầy giảng giải tận tâm nên cũng sáng mắt ra”. Việt: “Hừ, thì ra má bị họ nhồi sọ!”. Má biết Việt rất ghét mấy thứ đồng bóng kiểu đại để như vậy nên thường thì má thậm thụt, giấu diếm chứ không “tranh luận” quyết liệt như lần này. Nhớ hồi cách đây hơn hai năm, một bữa Việt đi học về chợt thấy má hì hụi một mình trút gạo vô đầy khạp, châm dầu hôi đầy mấy cây đèn. Nghe tiếng Việt về, má lật đật đút cất mấy thứ đó. Nhưng mà Việt biết, má sợ tận thế, sợ cái vụ Y2K gì đó làm cả thế giới tối thui tối mò như lời người ta đồn rầm ngoài chợ nên mua gạo, mua dầu, mua đèn cầy để trữ. Rồi năm hai ngàn cũng qua mà có thấy tận thế, có thấy Y2K gì đâu. Cứ tưởng sau lần đó má sẽ thôi không tin vào ba cái vụ đồng bóng nữa, nào ngờ đâu lậm vẫn hoàn lậm. Việt đau đớn nghĩ rằng chắc tại má chữ nghĩa ít ỏi nên dễ nghe xàm, dễ tin bậy; nhất là khi bọn lừa mị bây giờ còn biết dùng cả thời sự nóng hổi để thuyết phục người ta (?!) Việt hỏi: “Nói gọn là người ta khuyên má làm gì để tránh nạn?”. Thấy Việt có vẻ quan tâm, má càng hào hứng nói: “Thầy dạy chú rồi biểu về đọc mỗi ngày. Ngoài ra, thầy còn nói nên trữ những thứ thiết yếu như gạo, dầu, mắm muối phòng khi bất trắc”. Nỗi bực dọc chợt trào lên nghẹn cổ, Việt quát: “Tức là họ xúi má mua những thứ đó của họ phải không?”. Má chống chế: “Ai xúi ép gì đâu. Thầy nói đạo hữu ai tự nguyện mua thì mua. Mà mua đây là mua tượng trưng để lấy cái phước quả, còn thì về nhà muốn trữ bao nhiêu thì trữ”. “Mua tượ...ng tr... ư...ng!” - Việt kéo dài giọng mà nỗi khinh miệt cứ phì cả ra ngoài mặt – “chỉ mới tượng trưng mà đã bao nhiêu đó, rồi chưa kể là có nhiều người như má thì chắc là đủ nuôi mập mấy ông thầy kia! Mà con hỏi má, đã tu hành mà còn buôn mắm muối, vậy mấy ông thầy của má thuộc loại thầy gì?” “Mày đừng báng bổ. Thầy không tu ở chùa, thầy thờ đủ loại thần linh. Ai tạo phước cho thế gian là thầy thờ...” Nỗi chán nản, khinh thường của Việt đã lên đến tột độ. Hốt nhiên, Việt thốt ra cái điều mà trước đây Việt chỉ dám nghĩ chứ không bao giờ dám nói: “sao mà má tăm tối quá vậy?”. Lời vừa thốt ra khỏi miệng Việt đã rất ân hận, nhưng biết làm sao... Má bỗng khóc ra thành tiếng rất lớn. Việt lúng túng: “Con nói vậy thật là mất dạy, nhưng mà...” - rồi lúng túng không biết nói gì hơn Việt bèn cập rập khoác áo vô dông thẳng ra đường. Việt sợ thấy má khóc. Lang thang cả tối ngoài phố cho nỗi ân hận dày vò, gần mười một giờ đêm Việt mới dám mò về. Rón rén bước vào nhà, Việt thấy má đã buông mùng ngủ, mặt quay vô vách. Lúc đó Việt mới thở phào. Vậy mà sáng hôm sau, khi Việt thức dậy thì má đã bỏ đi. Má đã bỏ đi. Việt biết điều này khi thím Tư ngoài chợ gọi điện vô hỏi sao hôm nay má không ra bán. Má đi đâu đây? Má chỉ có một người chị theo chồng về ở Sóc Trăng, và chắc là má chỉ có nước xuống dưới đó. Nghĩ vậy nên Việt chờ tới chiều gọi liên tỉnh xuống nhà dì Hai. “Có, má con vừa mới xuống đây. Hai mẹ con mày làm sao vậy Việt?”. Việt thấy ngán ngẩm khi nghĩ đến việc phải giải thích dông dài cho bà dì hiểu, bèn nói: “Má con càng lớn tuổi càng giống con nít, hay hờn hay lẫy dì Hai à...” Rồi kỳ thi ập tới làm Việt không còn hơi để thở. Việt gọi điện cho dì Hai, nói cứ để má thong thả chơi ở dưới đó, chừng nào thi xong Việt xuống đón má về. Lúc đó chắc má sẽ không còn giận hờn gì nữa. Vậy mà chỉ ngày hôm sau đã thấy má tay xách nách mang đủ thứ lỉnh kỉnh về nhà. Má nghe Việt thi, sợ Việt cực không có gì tẩm bổ nên vội về lo cho Việt. Làm mẹ mà, giận hờn cách chi thì cũng thương con trên hết. Nhìn mấy thứ má đem về, biết là quà dì Hai cho nhưng Việt vẫn cố giỡn: “Má mua về.... trữ để lánh nạn hả má?”, nói xong lại sợ má giận nên cười xuê xoa: “Giỡn mà... con nói giỡn thôi nghe má!”. Việt đem đồ vô nhà. Má than dạo này yếu ghê, xách có mấy cái giỏ đồ mà đã mỏi nhừ cả hai cánh tay. Chà, má “nhõng nhẽo” với Việt đó. Việt biết vậy nên đi lấy dầu nóng bóp tay cho má – và chợt nhận ra đôi bàn tay của má không biết từ lúc nào mà nổi quá trời đồi mồi, gân xanh chạy đường ngang đường dọc. Trời, phải có những lúc như vậy Việt mới thấy thương má biết bao nhiêu. Dẫu má có tối tăm, dẫu má ít chữ nghĩa thì má vẫn là má của Việt. Má đã cho Việt một hình hài, má nuôi Việt ăn học để hiểu biết với người ta. Má khổ cả đời vì Việt thì sao Việt có thể nhìn má bằng cái nhìn như vậy được? Giờ thì Việt biết, muốn khuyên nhủ má, muốn làm cho má sáng ra thì phải từ từ, phải có thời gian, phải chia sẻ với má nhiều hơn nữa... Nghĩ vậy Việt mới thủ thỉ: “Má à, con thấy tính má hay lo thì cũng tốt thôi. Nhưng mà con nói má nghe...”, rồi Việt cải biên lại câu cửa miệng của má: “Giàu thời cũng thác xác thời cũng vong. Bàng quang như... củ khoai sùng, đa đoan nặng nghĩ cũng xong một đời”. Phải hôn má? Sài Gòn, tháng 3 năm 2002