Tôi đến Côn Sơn vào một sáng mưa. Trên bầu trời mây giăng ảm đạm, gió thổi hun hút, nghe lạnh và buồn quá. Nhưng rồi nỗi buồn ấy cũng như khói, như sương mỏng mảnh nhanh chóng tan biến đi. Trong lòng tôi giờ đương rộn ràng đây, rạo rực đây. Cả đôi chân dường như cũng không biết mỏi, dù đã phải đạp xe hơn ba mươi cây số từ thị xã Hải Dương đến, nhất là phải vượt qua những con dốc chập chùng ở thị trấn Sao Đỏ. Có cái gì đó như thiêng liêng lắm, thiêng liêng cả trong từng nắm đất dưới bước chân tôi đi, bởi vì tôi đang đặt chân lên những nẻo đường của Ức Trai… Côn Sơn đón tôi trong dáng vẻ của một thiếu nữ rụt rè, lấp ló sau bức rèm mưa, với một thoáng lấp ló xanh của cây, của cỏ và hơi thở thơm tho, dịu mát của rừng, của núi. Côn Sơn nhìn từ xa sao yên lành và thanh sạch quá, yên lành và thanh sạch như tấm lòng của Ức Trai vậy. Tôi đi trên đất Côn Sơn, mà người cứ như bềnh bồng, như chìm đắm trong dòng suy nghĩ miên man về Ức Trai. Có lẽ Côn Sơn và Ức Trai- Nguyễn Trãi đã hoà quyện vào nhau làm một. Tôi gởi nhờ xe ở một nhà bên đường. Tiếng con gái miền Bắc thảng thốt: “Ôi giời ơi, trời mưa bão thế này anh lên đấy làm gì?”. Tôi vuốt lại mái tóc đẫm nước, xoa xoa hai tay cười run rẩy: “Tôi từ trong Nam ra đây, hai ngàn cây số chứ ít ỏi gì! Mưa gió lẻ tẻ như vầy đâu ăn nhằm”. Tôi trùm áo mưa kín đầu, lại lầm lũi bước xuyên qua màn mưa trắng xoá. Tiếng con gái miền Bắc nói với theo: “Này, anh cứ đi theo con đường này chừng hai kilomét nữa là đến rồi đấy!”. Tôi đi, đầu như chúi về phía trước. Con đường vắng lặng đến không ngờ, tưởng chừng như có thể nhắm mắt lại mà đi cũng được. Xa xa, trên một mỏm dốc cao, nghĩa trang liệt sĩ với Đài Tổ quốc ghi công nằm nhập nhoà trong màn nước, tĩnh lặng và trầm mặc nhìn xuống hồ Côn Sơn rộng mênh mông. Và thông, những cây thông to lớn lực lưỡng bắt đầu xuất hiện với màu lá xanh trang nhã chạy tít tắp. Tôi đi dưới bạt ngàn thông, men theo con đường lát đá uốn cong mềm mại như vòng eo thiếu nữ… Tôi đến chùa Côn Sơn dưới chân núi thì mưa cũng vừa dứt. Dường như thiên nhiên không nỡ xử bạc với kẻ có lòng thành. Ngôi chùa trông giản dị và rêu phong cổ kính. Tôi dựa lưng vào một gốc sứ to, nhắm mắt lại, lặng im cho tâm hồn phút chốc bay lên thanh thới, mặc cho nước mưa còn đọng trong những kẽ lá rơi thánh thót trên mặt, đến khi tỉnh dậy mới biết mình đương tựa vào cây sứ cổ thụ sáu trăm tuổi. Đối xứng phía bên kia sân chùa cũng có một cây sứ như thế. Sáu trăm năm quả là một quãng thời gian rất dài. Gốc sứ rất to, đường gỗ gồ lên trổ những hình thù cổ quái. Cả hai cây gần như nghiêng hẳn xuống mặt đất, người ta phải xây hai bệ gạch đỡ lấy thân cây nặng nhọc. Ngọn sứ loe hoe lá. Cả hai cây như hai người già rụng tóc gần hết, đứng không vững phải vin gậy. Tôi đưa tay sờ từng khối u gỗ còn đẫm nước mưa, khi không lòng lại dậy lên một niềm xót xa kỳ lạ. Chẳng biết rồi bao lâu nữa hai cây sứ này sẽ chết đi, chết một cách thinh lặng trên hai bệ xây bằng gạch nung, đem theo cả những thăng trầm, những biến động của lịch sử, của cuộc đời trong sáu trăm năm qua… Tôi vào chánh điện thắp một nén hương, rồi vòng ra phía sau khuôn viên chùa để leo lên núi. Đường lên núi là những bậc thang lát bằng đá tảng rất bằng phẳng và dễ đi. Đến lưng chừng núi thì đã nghe tiếng suối chảy rì rầm. Khi vẹt đám cỏ rậm ra, suối Côn Sơn hiện lên trước mắt tôi đẹp và dũng mãnh hơn bao giờ hết. Anh thợ chụp hình dạo nói như gào lên để át tiếng suối đổ ầm ầm: “Ở đây vắng vẻ lắm! Suối như thế này thì… tắm truồng mới thích”. Tôi đưa tay vốc một vốc nước, nước trong lành và mát quá khiến tôi cũng… suýt có ý định làm cái điều hấp dẫn ấy thật. Anh thợ chụp hình nói: “Côn Sơn chỉ đông du khách vào mùa lễ hội. Giờ này chẳng có lễ, lại vào mùa bão nên vắng vẻ và buồn lắm!”. Tôi cho rằng như thế lại hay, bởi Côn Sơn mà một khi đã ồn ào, náo nhiệt cảnh người đua chen thì nó không còn là Côn Sơn của Nguyễn Trãi nữa rồi. Tôi theo anh thợ chụp hình bước lên chừng mươi bậc thang nữa thì bắt gặp một tảng đá rất đẹp. Tảng đá to, dài và rất phẳng. Đó là thạch bàn nơi mà ngày xưa Nguyễn Trãi tiên sinh thường nằm làm thơ hoặc suy nghĩ chuyện nước, chuyện đời. Tôi sung sướng nằm dài trên thạch bàn, trên đầu, dưới chân lồng lộng bóng thông xanh mát, và bên cạnh là suối chảy rì rầm. Tôi chợt ngâm nga thành tiếng bài thơ “Côn Sơn ca”: Côn Sơn suối chảy rì rầm Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai Côn Sơn có đá rêu phơi Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm… Tôi không có tâm hồn của một thi nhân, không có đủ sự lãng mạn của Ức Trai tiên sinh để nghe được tiếng suối hay như tiếng đàn cầm. Nhưng chao ôi, có lãng mạn lắm không khi tôi cứ muốn nằm mãi trên thạch bàn mà tìm chút hơi ấm còn lại của tiền nhân? Trong tôi bỗng dậy lên một niềm tin mãnh liệt, rằng tôi đương nằm đúng ngay vị trí của Nguyễn Trãi tiên sinh, chính xác đến từng tư thế gác tay, duỗi chân. Mà quả thật, chẳng thể nào diễn tả được nỗi sung sướng kỳ lạ đến ngất ngây đó. Tôi ngày thường vốn đã hay mơ tưởng, bây giờ nằm đây lại mặc sức mà viễn mơ… Tôi cứ nằm mãi như thế, cho đến khi có một toán con gái thắt bím, vừa đi vừa ríu rít những tràng tiếng Bắc như chim hót ngang qua. Tôi mắc cỡ ngồi nhổm dậy. Hình như có đứa nhìn tôi cười rúc rich. Rồi tôi nghe loáng thoáng gì đấy, sau mới lờ mờ đoán ra hội này đương rủ nhau lên “bàn cờ tiên” trên đỉnh núi đây. Tôi bèn lót tót theo sau. Ngang qua nền nhà Nguyễn Trãi xưa kia (bây giờ cũng chả còn dấu vết gì, chỉ thấy một bình hương lạnh lẽ nằm chơ vơ), tôi nhảy ba bước một lên những bậc thang, bỏ lại phía dưới đám con gái nhặng xị. Núi Côn Sơn cao hai trăm mét. Tôi trèo lên đến đỉnh, nghe gió thổi ù ù, lạnh tê tái. Ở giữa đỉnh núi người ta có xây một mái đình, bên trong đặt tấm văn bia rất to. Trên văn bia có khắc chữ mô tả rất chi tiết về Côn Sơn. Tôi đọc xong mới biết, thì ra trên đỉnh Côn Sơn có một khu đất phẳng, tục gọi là “bàn cờ tiên” thế thôi. Tôi bật cười, vì nãy giờ cứ săm soi tìm mãi đâu là vị trí tướng- sĩ - tượng. Một bà cụ đầu chít khăn mỏ quạ, áo nâu quần lĩnh và răng đen bóng đúng kiểu miền Bắc, bảo tôi: “Mua hương thắp đi cháu!”. Tôi nhìn quanh quất, thấy có khá nhiều hang quà bánh linh tinh, lặt vặt khác, toàn là của những bà cụ già cả. Chả biết các cụ mỗi ngày lên xuống như thế nào, bán buôn được gì trên đỉnh núi đìu hiu và lạnh lẽo này, nhất là người bán còn đông hơn kẻ mua. Tôi chọn một bó hương, khó khăn lắm mới thắp lên được, vừa cắm vào bát được ít giây thì tắt ngấm, vì gió thổi mạnh quá, mới vỡ lẽ ra vì sao trong bát hương đầy những hương còn nguyên. Bà cụ ấy bảo tôi: “Có lòng thành với người xưa là tốt, cháu ạ!”. Tôi leo lên một mỏm dốc, nhìn mông lung. Phía Đông, hồ Côn Sơn nằm lặng lẽ, lấp lánh ánh bạc. Phía Tây, chừng năm cây số nữa là Kiếp Bạc – nơi Trần Hưng Đạo đóng đại bản doanh. Những ô ruộng bé xíu. Con sông đỏ quạch chảy lừ đừ. Sương từ đâu cứ đùn mãi ra, mờ mịt cả một rặng núi phía xa kia… “Rừng Côn Sơn thông Mã Vĩ bạt ngàn, có cây tuổi vài thế kỷ. Ngoài thông là trúc, nứa, sim, mua, mẫu đơn, xưa còn có mai… mỗi năm khi mùa xuân đến, Côn Sơn rực rỡ một rừng hoa tươi thắm…” Gió rú ù ù. Tôi ngồi co ro, thu mình lại, lơ mơ nghĩ đến những câu miêu tả rừng Côn Sơn trên tấm văn bia, rồi lơ mơ nghĩ: “Không biết rồi mùa xuân nào mình sẽ được trở lại nơi này?”. Chợt hít một hơi thật sâu, nghe thơm mát hương hoa, cứ như là thật, mà nhìn quanh vẫn xanh ngút một màu thông, chẳng có gì khác. Buồn quá. Cả tiếng trò chuyện của các bà hàng bánh, hàng nước, hàng hương… cũngn cứ xao xác, xao xác thế nào, rồi lại bị gió đánh tan đi. Tôi chợt đứng bật dậy, muốn hét lên một tiếng thật to, nhưng nghĩ lại thôi. Vì sợ đánh mất cái vẻ tĩnh mịch không biết có tự bao giờ của Côn Sơn… Sài Gòn, 28 tháng 9 năm 1997