Mưa. Mấy ngày nay trời cứ dầm dề mưa mãi, hệt như lão già khó tính hay nhấm nhẳng. Và thật chẳng giống bản tính mưa Sài Gòn chợt đến chợt đi một tí nào cả. Bên nhà thằng Móp, tiếng trứng vỡ lốp bốp cũng đã bặt từ lâu, nhường chỗ cho một sự trống vắng đang dần dần xâm chiếm. Thấy hơi buồn buồn... Người ta bảo Móp bằng tuổi tôi. Tôi không tin vì trông hắn chẳng giống thằng con trai đương mười bảy một tí nào cả. Mà giả như có ai bảo tôi thử đoán tuổi hắn chắc tôi cũng chịu, không đoán được. Vì hắn, đôi khi ngờ nghệch như thằng bé lên năm, đôi khi lại già đời như ông cụ tám mươi. Những nét ngây ngô măng sữa nằm lẫn trên một khuôn mặt già sọm, ngay cả cái cười, lúc thì hồn hậu vô tư, lúc thì nhăn nhúm khổ nhọc, không nhất định. Nhà Móp làm bánh bông lan, sát bên nhà tôi. Ngày nào cũng thấy hắn ngồi đập trứng, rồi đánh lên. Hắn làm có vẻ chăm chỉ và cẩn trọng. Nghe đâu trước kia, giao cho việc gì hắn đều làm hỏng, làm vỡ cả. Vì hai cánh tay dài ngoằn lỏng khỏng vụng về hay vì cái đầu to quá khổ nhưng bên trong toàn đá cục và đất sét, như người ta thường nói? Có lần chán ngán quá, ba hắn bảo đến nước này thì chỉ có mà đưa hắn lên bàn thờ để thờ thôi. Nhưng chuyện đó thì làm sao mà xảy ra được, vì sau lưng hắn còn cả một lũ em nheo nhóc chỉ biết la gào và ngoác mồm đòi ăn. Rồi thì sau cùng Móp cũng tìm được việc làm thích hợp cho mình, và còn tỏ ra thích thú nữa. Hắn ngồi đập trứng suốt ngày, đến nỗi lưng khọm hẳn đi, đầu như chúc hẳn vào cái thau đựng đầy những lòng đỏ lòng trắng sền sệt trước mặt. Nhà hắn không lúc nào ngớt tiếng trứng vỡ lốp bốp, cứ một lần “bốp” lại nghe hắn đếm “một”, hai lần “bốp” nghe hắn đếm “hai”, những tiếng đếm tẻ nhạt và vô vị, cứ mòn mỏi từ ngày này qua ngày khác, riết rồi tưởng như vọng lên từ vô thức. Không biết ai đã nảy ra cái ý nghĩ kỳ quái, bảo: “Thằng Móp nghiện mùi trứng sống, nghiện nặng rồi. Như là người ta nghiện thuốc phiện ấy...”. Tôi nghe thấy chướng tai quá, nhưng đôi khi nhìn hắn cứ mãi chúc đầu vào thau trứng, tôi chợt gai người. Chẳng lẽ đó lại là sự thật? Trời đã thôi mưa. Và đêm qua, cái đêm mưa cuối cùng ấy nhà bà Hạnh bị mất trộm. Cũng không đáng gì, chỉ là mấy bộ đồ của Thoa con gái bà Hạnh. Chắc là kẻ trộm lợi dụng lúc trời đương mưa và cái mái nhà bà Hạnh đương sửa dở dang. Mọi người ai nấy đều lấy làm bực mình lắm. Vì cái xóm này, ai mà chả biết, cực nhọc là thế, cộc cằn thô lỗ là thế, nhưng chưa mất trộm bao giờ. Người ta làm quần quật suốt ngày, tối mặt tối mũi, không còn hơi sức nào mà để ý, dòm ngó nhà người khác. Và giả như lúc này không phải đương mùa bánh ế thì cái xóm này, cái xóm chuyên sống bằng nghề làm bánh, tận một hai giờ sáng đèn đuốc vẫn còn sáng trưng, bánh vẫn đều đều ra lò toả mùi thơm phức, đố kẻ nào dám giở trò. Thế mà chỉ mới vài mươi bữa nhàn cư đã có người vi bất thiện rồi. Người ta bực mình, ấy là vì không muốn xảy ra sự nghi kỵ lẫn nhau, thế thôi. Và rồi thì mấy hôm sau, người ta tóm cổ được Móp. Không cãi chày cãi cối chi cả. Không biện minh biện bạch chi cả. Họ bẻ quặt hai tay hắn ra sau lưng, tát cho mấy tát nên thân. Móp không phản kháng, không vùng vẫy, chỉ co rúm người lại, đôi mắt ánh lên vẻ van lơn. Chao ôi là thằng Móp, cái thằng lù khù lờ khờ, tay chân lỏng khỏng vụng về như thế, làm thế nào vượt qua hàng chục mái ngói trơn nhẫy trong đêm mưa chỉ để lấy vài ba bộ đồ con gái? Và hắn đã làm gì để bị bắt thế kia? Phải rồi, đêm ấy, cái đêm Móp bị lôi tuột từ trên mái nhà xuống, bầu trời nhiều sao lắm. Sao đầy trời từng chiếc lấp lánh. Sau nhiều ngày mưa dầm, nền trời như được gột sạch hơn, và sao dường như cũng sáng hơn, tinh khiết hơn. Trời ơi, người ta đã bắt gặp Móp đang làm gì giữa bát ngát sao ấy? Hắn nằm bắt chân chữ ngũ thong dong, hai tay ôm ấp món đồ trộm được ở nhà Thoa, và... ngắm sao. Ngắm sao... ngắm sao... ngắm sao. Ừ thì ngắm sao, có gì đâu. Sao ở trên trời, không của riêng ai. Lẽ tự nhiên có sao là để người ta nhìn ngắm. Nhưng trời ạ, với Móp lại khác. “Thằng Móp ngắm sao” – cái đặc ngữ quái đản không tả nổi. Và người ta cười, cái cười rùng rợn như xói vào tận trong óc, mỗi khi kể lại câu chuyện thằng Móp đã từng ngắm sao. Thoa cho ngay món đồ mà người ta đem trả lại, cho bọn con Cúc, con Lý trạc tuổi nhà nghèo ở cuối xóm. Cô bé mười sáu xinh đẹp này còn thiết gì những bộ quần áo đã từng nằm gọn trong vòng tay gớm ghiếc của thằng Móp? Mẹ cô thừa tiền, sẽ mua cho cô những bộ khác đắt hơn, thời trang hơn. Thật chẳng lấy gì làm tự hào hay e lệ khi được thằng con trai như Móp thầm để ý! Rồi mùa bánh ế cũng qua đi. Người lớn lại lao vào công việc túi bụi đương chờ họ, dường như quên hẳn những chuyện vừa xảy ra. Nhưng bọn trẻ, cái bọn ăn không ngồi rồi vô cùng rảnh rang ấy thì chẳng thể nào bỏ qua cái xì-căng-đan cỡ bự ấy được. Nhỏ như thằng Bim, mới năm sáu tuổi mà đã ranh ma, ngọng ngoéo cả lưỡi vẫn bày đặt rướn cổ: “Ằng... Móp iết... iêu. Ằng.. Móp... iết iêu!” mỗi khi đi qua nhà Móp, và cười khanh khách đầy khoái trá. Còn Móp, sau lần đó, hắn ngồi đập trứng suốt ngày, từ sáng đến sẩm tối. Nhà hắn không lúc nào ngớt tiếng trứng vỡ lốp bốp, và tiếng đếm “một...hai...” gần như vô cảm của hắn. Không biết công việc có làm vơi đi nỗi đau trong lòng hắn không? Mà cũng không biết trong lòng hắn có nỗi đau nào không? Ngay cả tuổi của hắn tôi còn không đoán được huống hồ những gì đang diễn ra trong con người hắn. Chỉ thấy đầu của hắn gần như chúc hẳn vào thau trứng. Hay là hắn nghiện mùi trứng sống thật? Chao ôi, cái con người suốt tháng suốt năm chỉ biết chúi mặt vào những gì tanh tưởi ấy cũng đã một lần dám ngẩng đầu nhìn ngắm sao trời. Nhưng liệu một khi người ta dìm đầu hắn xuống lại thì hắn có dám ngẩng lên lần nữa hay không? Bởi vì một lẽ đương nhiên, những vì sao thì muôn đời ở trên cao… Sài Gòn, 7 tháng 7 năm 1996