Tặng Phan Thế Phương (Hà Nội)
1. Tôi vừa bước sang tuổi mười chín. Điều đó cũng có nghĩa là tôi không còn nhỏ nữa rồi. Ngày tròn mười tám, tôi ngồi lặng im một mình trên căn gác nhỏ, xung quanh tràn ngập bóng tối tĩnh lặng, dịu dàng và một nỗi cô đơn nhè nhẹ len lén vào tim. Tôi nhìn tuổi mười tám của mình chầm chậm, chầm chậm trôi qua, và biết nó sẽ chẳng bao giờ quay trở lại nữa, như đánh một dấu chấm hết cho những ngày tháng ngây ngô mà tươi đẹp.
Ngày tròn mười tám, tôi không đốt cho mình một ngọn nến nào, mặc dù ngày thường rất thích đốt nến. Vì tôi có cảm giác rằng, dường như chỉ có bóng tối mới tạo được sự tĩhh tại cần thiết để tôi nhìn mình được rõ nhất. Tôi nay mười chín tuổi rồi, tự nhìn lại mình cũng không phải là vô ích lắm!
2. Mười chín tuổi, tôi đậu vào đại học, trở thành sinh viên trường Đại học Kinh tế. Cái mục tiêu đầu đời, về cơ bản là đã đạt được, dẫu rằng nó cũng bình thường. Không biết tự bao giờ, tôi lấy làm tâm đắc với một đoạn văn của Nguyễn Lê My Hoàn “Tôi gây sức ép với chính mình. Tôi chạy đua với chính mình. Tôi có rất nhiều mục tiêu và tôi sẽ thanh toán chúng, từng cái một”. Mà cũng chỉ là thích, là ngưỡng mộ vậy thôi. Không biết tôi đã đề ra bao nhiêu mục tiêu, và bao nhiêu mục tiêu đã bị tôi bỏ dở hoặc quên lãng?!
3. Mười chín tuổi, tôi tự thấy mình còn trẻ lắm, mà không hiểu vì sao lại sống như một ông già, sống hồ nghi quá. Cuộc sống hồ nghi thật là đáng sợ. Tôi đi đâu, đến đâu, nhìn ai cũng thấy giả, nhìn gì cũng thấy giả, từng nụ cười, từng cử chỉ, dường như chỉ là xã giao. Dường như trong cuộc sống tất bật này, mối quan hệ của mỗi con người càng được mở rộng nên họ mệt mỏi, chỉ dừng lại ở mức xã giao thôi, không đi sâu vào tình cảm làm gì, cứ lướt qua nhau, lướt qua nhau, như thế. Mà cũng có lẽ đúng. Một nhà văn trẻ đã từng nói: “Con người sống tình cảm quá thì khổ lắm”. Mà có ai muốn mình khổ bao giờ?
Tôi đọc nhiều truyện ngắn của các cây bút nữ trẻ hiện nay, thấy không khí trong truyện ảm đạm quá. Nhân vật thì sống phập phờ, mệt mỏi, ném cho nhau những cái nhìn chán chường, quẩn quanh với những quán cà phê cũ rích. Và họ còn hoảng sợ nữa, hoài nghi nữa. Trời ơi, họ viết những điều ấy đó là sự thực hay chỉ là cái mode truyện ngắn tân thời mà thôi? Nếu quả đúng là sự thật, thì tôi không cô đơn vì cũng có người như mình. Nhưng như thế quả đáng sợ thật!
Tôi nhớ mãi năm học lớp mười. Ngày ấy, tôi đi dự thi thuyết trình trên Nhà văn hoá Thanh niên về đề tài “Cảm thụ văn học” và lọt được vào vòng chung kết. Sáng hôm ấy tôi đi xem danh sách, thấy tên mình được xếp lên thuyết trình sau ba người. Tôi ngồi hàng ghế đầu, đã chuẩn bị sẵn sàng chờ đến phiên mình. Cũng khá lâu. Thế nhưng, khi tôi chuẩn bị bước lên bục thì một chị - cũng trẻ lắm – chạy xộc vào. Chị ta nói với ban tổ chức rằng chiều nay chị rất bận, không thể thuyết trình đúng theo trình tự đã sắp xếp. Chị ta đòi thuyết trình ngay bây giờ, nếu không sẽ bỏ. Giọng chị nhỏ nhẹ, nhưng xem ra cương quyết lắm. Và có lẽ ở vòng ngoài chị thuyết trình tốt nên người tổ chức không muốn bỏ lỡ, bèn quay sang thương lượng với tôi. Tôi cũng vui lòng chấp nhận, vì chiều tôi cũng rảnh, không sao. Và trời ơi, chuyện gì đã xảy ra? Chị ta đĩnh đạc bước lên bục, bắt đầu hoa tay múa chân, giọng rất truyền cảm, văng ra tung toé nào những vị tha, hy sinh, nào những yêu thương, cao thượng… trong tác phẩm chị ta trình bày. Cử tọa thì hoan nghênh, còn tôi, thấy người lạnh dần, vì sợ hãi, sợ hãi một cái gì đó rất mơ hồ. Rồi tôi đuối hẳn. Có lẽ vì sự mệt mỏi do chờ đợi từ tận sáng. Mà cũng có lẽ do khuôn mặt chị ta nữa, khuôn mặt ấy rất thản nhiên, không cần biết tôi là ai, đã thấm mệt vì chờ đợi như thế nào, xem như chuyện tôi nhường cho chị ta là điều tất yếu, là phải như thế, không khác được. Rồi chiều hôm ấy, tôi cũng đến thuyết trình, nhưng đã thấy chán nản lắm rồi, suy sụp lắm rồi. Và tôi rớt. Tôi không buồn vì chuyện mình rớt, chỉ thấy một niềm tin to lớn nào đấy ở trong lòng từ bao năm nay bị sụp đổ, tan tành thành từng mảnh nhỏ.
4. Mười chín tuổi, đôi khi tôi không cho phép mình sống hoài nghi mãi như thế. Cuộc sống có mặt trái, nhưng vẫn có cái đẹp, dù nhiều khi rất giản dị. Cái đẹp ấy nhiều lúc làm tôi thấy yêu thương những gì quanh mình quá. Tôi viết tùy bút “Bạn” đăng trên Mực Tím, có nhắc chuyện Tùng- thằng bạn hồi cấp một với tôi – đi giật dây chuyền bằng xe phân khối lớn đã bị bắt. Bạn bè cũ tôi đọc được, có kể cho Tùng nghe. Vài tháng sau, Tùng được tha. Nó phóng xe đến gặp tôi, đương lúc tôi đang trông hàng cho mẹ (mẹ tôi bán bánh ngọt đầu ngõ), nó nói, giọng còn hổn hển: “Bây giờ mình đàng hoàng rồi T. ơi!”. Tùng chỉ nói một câu như thế, rồi cười thật hiền, cái nụ cười y hệt bảy tám năm trước, và phóng xe đi. Bẵng nửa tháng sau, nó lại tạt qua: “Mình đi học lại rồi, bổ túc lớp 10” và cũng như lần trước, vội vã phóng xe đi. Suốt ngày hôm ấy, một niềm vui nho nhỏ cứ lâng lâng, len lén trong người tôi. Tùng bạn tôi – cái thằng mình mẩy xâm đầy rồng rắn ấy lại là người làm cho tôi thấy được cuộc sống này có ý nghĩa biết bao, đáng yêu biết bao…
5. Đêm nay, tôi bước qua tuổi mười tám sang tuổi mười chín. Xung quanh tôi vẫn là bóng tối dịu dàng trên căn gác nhỏ quen thuộc. Sinh nhật của tôi không nến, không bạn bè. Nhưng tôi không cô đơn, vì như thơ Quốc Sinh:
“Chẳng thiết tha với người quen nữa
Chút rộn ràng riêng cũng đủ rồi
Mỗi người mỗi rộn ràng bé nhỏ
Gặp nhau để vướng víu nhau thôi...”
Mười chín tuổi, chưa hẳn là đã lớn nhưng cũng không còn nhỏ nữa. Mà cuộc sống thì vẫn thế, phức tạp và bề bộn, khổ đau có, ngọt ngào có, giả dối có, chân thật có. Tôi không biết trong những ngày sắp tới mình phải sống ra sao cho đúng nghĩa. Nhưng đã biết bận tâm như thế thì cũng là tốt rồi, phải không?
Tôi với tay bật chiếc cassette. Trong bóng tối, giọng hát của 4 Non Blondes ngân lên đầy khắc khoải, bài «What’s up?» tôi rất thích «When I wake up in the morning and I step outside, I take a deep breath, I get real high. And I scream, from the top of my lungs: What’s going on?”.
Sài Gòn, đêm 30 tháng 10 năm 1997

Xem Tiếp: ----