Ở nơi đó cái gì cũng một: Một căn nhà nhỏ xinh xắn, một cái vò nước đất nung rêu ẩm, một người phụ nữ đơn lẻ như cánh cò lạc loài giữa đồng không mông quạnh. Căn nhà nhỏ nhắn như cột nấm mọc lên sau cơn mưa rào cửa quay về đằng đông sáng sáng, chiều chiều đóng im ỉm. Buổi trưa và buổi tối chút không khí của sự sống hiện hữu. Ðó là lúc người đàn bà trở về tổ ấm, làn khói lam mỏng mảnh bay lên tha thẩn, tiếng gọi gà rưng rức buồn rơi tõm vào không gian quánh đặc, cô liêu. Trong nỗi cô đơn của con người, người phụ nữ cô đơn là sự bất hạnh lớn nhất. Lấy chồng, sanh con, tảo tần một nắng hai sương. Nỗi khổ ấy chợt tan biến khi người mẹ nhìn nụ cười thánh thiện, đáng yêu của con thơ, nghe giọng nói bí bô, nhìn những đứa con mà mình rứt ruột sanh ra từng bước trưởng thành trên con đường bừng sáng. Rồi một ngày người phụ nữ tóc nhuốm sương, chân chồn gối mỏi có người bạn đời rũ rĩ sớm hôm. Hạnh phúc thật giản đơn. Nhưng nếu hạnh phúc giản đơn ấy người phụ nữ không có được thì bất hạnh đến vô cùng! Người đàn bà trên đây là một trong số người bất hạnh. Tháng tháng, ngày ngày chị sống lặng lẽ như chiếc bóng. Cửa sổ duy nhất của căn nhà chị như đôi vòng tay rộng mở vào những đêm trăng. Chị yêu trăng bằng sự đam mê cuồng nhiệt và có cả một cái gì đó khắc khoải. Khi mảnh trăng nhô lên khỏi mặt đường vắt ngang trước cửa nhà chị. Ánh trăng lao thẳng vào nhà tỏa ra mầu sáng vàng óng, dịu dàng, tươi mát ve vãn da thịt của cái tuổi bốn mươi còn mây mẩy. Ðêm nào chị cũng mong người ấy đến gõ cửa. Một đêm, nhiều đêm, một năm rồi nhiều năm trôi qua chị vẫn đau đáu nuôi hy vọng người ấy đến với chị dẫu chỉ một lần. Vậy mà chỉ có gió, trăng, thạch sùng chặc lưỡi tê tái, mọt gậm cây gồn gột thê lương. Có những lúc chị mong có tiếng động, có bước chân ai đó chạm lên thềm nhà để chị có thêm niềm tin chờ đợi. Nhiều đêm chị ôm gối trằn trọc, chị thèm khát hơi ấm của người đàn ông như con thơ khát sữa, cây khô khát nước. Người ta khen chị sống thanh cao, đức hạnh. Kết cục là chẳng có người đàn ông nào can đảm đến với chị. Chị ở vào cái tuổi nửa chừng xuân như rượu ngon treo trên gác bếp, bánh xèo để nguội ngày đông. Thời con gái chị nổi tiếng là người có mái tóc dài, dày, đen nhất làng, gương mặt thanh tú với cái nhìn đăm đắm làm xiêu hồn phách tán bao chàng trai mới lớn. Giờ mỗi lần chải tóc, chị thở dài não nuột, không dám soi gương. Những sợi tóc cứ bạc bẽo ra đi như dòng suối vô tình tuôn chảy không một lần trở lại. Ngày hai bữa, bên mâm cơm bao giờ cũng duy nhất một đôi đũa, một cái chén, một con mèo đôi mắt mở to buồn thăm thẳm và một người đàn bà ngồi cầm đũa lặng lẽ. Lứa bạn của chị đã làm ông làm bà từ lâu. Có lẽ trong ký ức của họ, chị đã mờ xa vạn dặm. Chị cũng có một mối tình đẹp và lãng mạn như truyền thuyết tình yêu. Chị tôn thờ người con trai làng bên mặc cho tuổi xuân của chị hối hả ra đi. Thi thoảng chị nghe con người ấy nói giọng trầm ấm trên diễn đàn, trên đài phát thanh và cả trong giấc mơ nồng nàn của chị. Người ấy thật vô tình! Mà dường như tất cả đàn ông trên thế gian này đều vô tình như nhau. Chỉ có trăng là chung thủy. Nó hết vơi rồi lại đầy, nhả tơ vàng xuống nhân gian, dệt đẹp những mối tình nơi miền thôn dã. Chị lại đợi trăng. Mùa trăng tháng bảy mưa ngâu buồn thấm đất. Ngưu Lang còn có ngày gặp người tình - Chức Nữ. Còn chị chưa biết bao giờ gặp lại người xưa. 2. Chị không thể nào quên đêm trăng sau cùng bên dòng sông Ba thơ mộng. Tiếng chó sủa ăng ẳng, dồn dập từ phía làng hoa Bình Ngọc cứ thưa dần, thưa dần rồi mất hút như heo bị thọc huyết. Chị hiểu bọn lính đi gài mìn các ngả đường đã xong. Chúng rút về thị xã tìm chỗ bù khú, đàn đúm. Ðêm nay trên căn cứ sẽ không có người về. Còn cán bộ nằm hầm bí mật thì đã có người báo lại tỉ mỉ những chỗ lính gài mìn sau lúc trời sẫm tối. Chị thư thả bước ra bờ sông. Hôm nay chị mặc bộ đồ bà ba mầu đen, tóc buông dài, bước đi tha thướt, nhưng lòng cứ rộn lên bao nỗi vui - buồn đan xen. Anh hẹn gặp chị lần cuối trước khi lên chiến khu miền Ðông. Chị chợt nghĩ: nếu ngày kia anh không trở về thì chị sẽ ra sao? Già đi vì mỏi mòn chờ đợi, hay ngã xuống trước mũi súng của quân thù? Giá như anh còn sát cánh cùng chị trên con đường tranh đấu giành độc lập, chị sẽ tiếp thêm sức mạnh. Tiếng huýt sáo quen thuộc cắt ngang dòng suy tư của chị. Anh nhô lên sau bãi cỏ lau khuất nửa thân người, huơ tay ngoắt một cái. Chị sà vào lòng anh như gà con tìm đôi cánh mẹ: "Anh đợi em có lâu hông?". Anh cười khúc khắc, dang rộng vòng tay: "Chừng hai giờ chớ mấy". Chị cười rinh rích, cấu vào sườn anh: "Ba xạo này! Tào Tháo này! Chừa chưa?". Anh ngã người trên cỏ làm chị ngã chúi theo. Mặt sông đêm bình yên thao thiết chảy. Ánh trăng ngời ngời như muôn vàn đôi mắt ngọc chiếu rọi xuống lấp lóa. Một tiếng cá quẫy như viên sỏi rơi khuấy động mặt nước thành vòng tròn rồi loãng nhanh, yên ắng. Chị sửa lại mái tóc, xít lại gần anh, thút thít: "Anh không thèm hiểu em, chứ đừng nói là em không hiểu anh. Anh ơi! Kiếp này em thuộc về anh rồi! Nếu không được chung sống với anh, em nguyện suốt đời sẽ ở vậy. Hãy tin em như em đã tin anh, anh nhé!". Họ nhìn nhau đắm đuối. Ðôi môi họ tìm nhau ngọt mềm như trái chín đầu mùa thấm đẫm phù sa sông Ba. Chị lấy chiếc khăn mầu xanh giấu trong ngực áo choàng lên vai anh, âu yếm: "Anh giữ chiếc khăn này bên mình cho đỡ nhớ em. Trong đó có mùi da thịt con gái...". 3. Chiều xuống. Nắng tháng bảy dìu dịu như dải lụa mầu cánh kiến trải nhẹ trên đường phố. Chị mặc chiếc áo dài mầu trắng tinh khôi. Chiếc áo ôm trọn thân hình cao ráo, múp míp của người con gái vừa kín đáo, vừa khêu gợi làm ngơ ngẩn khách đi đường. Trên tay chị là chiếc xắc tay mầu đen nhỏ nhắn. Chị bước vào Câu lạc bộ sĩ quan ngụy với bước đi tự tin, nụ cười gợi tình, ánh mắt lúng liếng. Gã cảnh sát dã chiến quần áo rằn ri, đeo khẩu P38 lễ xễ bên hông, giơ tay ngang mày chào chị, ánh mắt hắn dán trên người chị no nê từ vòng ngực căng mẩy xuống vòng eo thon thả: "Cảm phiền chị cho xem thiệp mời!". Chị cười xinh như nụ hồng trong sương mai, đưa tay kéo sặc-mô-tuya chiếc xắc để lộ ra một cuộn băng vệ sinh: "Thiệp mời của em đây! Thiếu úy có cần lục soát không, em mở hết ra cho coi?". Gã cảnh sát nhìn chòng chọc vào tấm thiệp mời, lắc đầu quầy quậy: "Thôi khỏi! Người nhà của ông trưởng ty... Thông cảm nhé!". Chị thở phào nhẹ nhõm. Chân bước đi, mắt dáo dác nhìn quanh như tìm người quen. Hội trường CLB sĩ quan đẹp thanh thoát, cao sang như một vũ trường hiện đại. Khắp căn phòng trải nhẹ một mầu tím nhạt pha trộn ánh hồng thoắt ẩn thoắt hiện từ chiếc đèn pha ở một góc sân khấu. Xung quanh những chiếc bàn tròn phủ lụa mầu thiên thanh gần kín tướng tá và giai nhân. Những bộ quân phục mầu cỏ úa, rằn ri, láng coóng đan xen với áo dài, váy ngắn. Giọng ca của Khánh Ly vang lên bài "Như cánh vạc bay" ngọt ngào và sâu lắng như dòng suối chắt lọc sự tinh túy của đất và nước. Chị còn đang dõi mắt giả vờ tìm kiếm người quen, bỗng có một gã sĩ quan rời bàn tiến lại, cười ga lăng: "Em tìm bạn trai phải không? Ngồi với tụi anh chút xíu đi cô bé. Em ngồi đây dễ quan sát". Chị ra vẻ chần chừ, cười ngượng ngập: "Cảm ơn anh! Em ngồi chốc lát đừng phiền nhé!". Người đàn bà tóc búi cao, mặt hoa da phấn, khắp người rủng rỉnh vàng, nhoẻn cười: "Ngồi xuống đây với chị rồi gặp bạn chứ lo gì!". Chị cố giấu niềm vui, đưa đẩy: "Cảm ơn chị! Anh ấy hẹn lèo quá! Làm em xớ rớ ngượng muốn chết!". Gã sĩ quan giỏi ga lăng lúc nãy tiếp tục trổ tài, nâng ly sâm-banh, cười liêu trai: "Uống với tụi anh mừng buổi sơ giao. Ước gì được làm bạn với một người xinh đẹp như em!". Chị đặt chiếc xắc xuống gầm bàn, đưa tay nâng chiếc ly sóng sánh rượu: "Em xin mời các anh chị!". Tiếng lốp cốp vang lên vui tai. Lúc cả bàn đi lại xộn xạo, cười nói ầm ào, không còn ai chú ý, chị liền đứng dậy nhẹ nhàng đi ra cửa chính. Gã cảnh sát dã chiến cười khòng khọc: "Người đẹp về sớm thế?". Chị bước nhanh ra đường. Một chiếc Hon-đa trề tới đón chị rồ máy phóng đi. Tích tắc, một tiếng nổ long trời lở đất từ Câu lạc bộ sĩ quan. Chị mừng khấp khởi như tung cánh bay vào khoảng không. Bỗng có tiếng súng nổ từ phía sau, tiếng xe Jeep hú còi lanh lảnh. Chị cấu vào sườn người đồng đội vào vai người lái xe thồ: "Bọn chúng đang đuổi theo! Chú dừng lại cho chị xuống đây! Rồi trẽ qua hướng khác nhanh lên!". Chị chạy vào con hẻm lẹt nhẹt nước thải túa ra từ hai dãy nhà tôn ven sông. Sau lưng có những bước chân đuổi theo thậm thịch: "Dừng lại! Không tao bắn!". Chị cắm đầu chạy về hướng sông. Một tràng tiểu liên vang lên chát chúa. Chị ngã chúi về phía trước. Một bên bả vai chị nhói đau như có ai xé ra từng mảnh. Gã cảnh sát dã chiến trừng mắt nhìn chị kèm theo tiếng cười gằn: "Chiếc xắc tay của mày đâu? Mày mang thuốc nổ đánh sập Câu lạc bộ sĩ quan chết hàng đống tướng tá...". Chúng hằm hè lôi chị sềnh sệch ra xe, đưa thẳng về bệnh viện quân đội. Chị như cá nằm trên thớt. Chúng điều trị vết thương cho chị và hỏi cung ngay trên giường bệnh viện. Thằng đại úy an ninh quân đội tóc quăn, mắt xếch, dáng người dong dỏng cao như chiếc cần vọt tát nước, song giọng nói nhào nhão như cơm vừa chín tới: "Có phải tháng trước chị mang chất nổ đánh sập khách sạn Thiên Lý, giết hại hơn ba chục sĩ quan Quân lực Cộng hòa?". Chị nén đau, ném cái nhìn khinh bỉ về phía gã đại úy: "Các ông đừng gán cho tôi cái tội vô lý đùng đùng như thế!". Gã sĩ quan an ninh Quân đội cười lạt: "Chị có cần đối chất không? Tôi sẽ đưa người hôm ấy gác cửa khách sạn Thiên Lý đến đây. Anh ta sẽ kể cho chị nghe hôm ấy chị ăn mặc thế nào, xách cái xắc mầu gì, ai đưa chị đến khách sạn". Chị biết sự việc đã bại lộ, nhưng quân thù chưa có chứng cứ gì cụ thể nên cứ đấu lý đến cùng: "Các ông bảo tôi dùng chất nổ đánh vào khách sạn, Câu lạc bộ sĩ quan, giờ chất nổ ấy đâu? Tôi là con gái chân yếu tay mềm làm sao có thể gây ra chuyện động trời như vậy được?". Gã an ninh Quân đội mắt long lên sòng sọc, dứ dứ nắm đấm trước mặt chị, rồi quày quả bước đi: "Con ranh cộng sản kia lý sự hả? Hãy đợi đấy!". Ngày chị xuất viện cũng là ngày bọn đồ tể tra tấn chị rất dã man. Chúng trói chị vào cây cột nhà cho hai gã sát thủ ở trần trùng trục, cơ bắp cuồn cuộn thay nhau đấm đá, rồi dí mạch điện vào hai đầu vú chúm hoa cau, trắng hồng của chị. Chị nghe toàn thân như muôn ngàn con rắn cắn từng mao mạch, mồ hôi vã ra như tắm. Tra điện chán rồi chúng đóng đinh vào mười đầu ngón tay chị. Chị chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Ðánh đập, khảo tra chán chê vẫn không khai thác được điều gì ở chị, quân thù đày chị ra Côn Ðảo. Năm 1973 chị được trao trả tù binh, thoát ly lên căn cứ cho đến ngày quê hương sạch bóng quân thù. 4. Mấy hôm nay chị thấy trong người có sự thay đổi khác thường. Khỏe và mệt lẫn lộn như diễn viên xiếc đánh tráo những viên bi mầu đen - trắng. Lúc khỏe, chị nghe toàn thân nhẹ nhõm, phiêu bồng. Khi mệt ập đến vồ vập khó thở như có bàn tay chặn ngang phế quản. Tầng giữa của khỏe và mệt là sự rệu rã thể xác, chơi vơi tinh thần. Những trận đòn thù hiểm ác năm xưa tạm ẩn giấu nanh vuốt tử thần khi chị còn căng đầy nhựa sống. Giờ chị đã về già, chúng thừa cơ ào dậy quật ngã chị. Ba mươi năm đằng đẵng trôi qua, chị vẫn mong chờ bước chân của người ấy, vậy mà không hiểu sao những ngày cuối đời chị đã mất hết niềm tin. Nếu không nhờ các chị ở Phòng Lao động - thương binh xã hội huyện (nơi chị công tác sau ngày giải phóng) thay nhau đến chăm sóc thì có lẽ bây giờ chị đã yên nghỉ dưới miền đất lạnh. Chị nằm nghiêng, mắt hướng ra phía cửa sổ. Nơi chị có hàng vạn lần nhìn chòng chọc mong chờ một hình bóng yêu thương. Nhiều lần chị tự hỏi: Ðêm nào mình cũng nhìn qua những thanh cửa sổ tròn vo kia, biết nó có mòn đi chăng? Trăng thì hết khuyết lại tròn, còn đôi mắt mình cứ mỏi mòn, héo hắt. Một đôi mắt đen tròn, mơ mộng thời con gái, một đôi mắt đăm đắm, rạo rực miền yêu với tấm thân nuột nà của cái tuổi bốn mươi, phập phồng, căng mọng... cứ trôi, trôi đi vật vã, tàn nhẫn. Người đàn ông ấy đi qua đời chị ngắn ngủi và hẫng hụt như giấc mơ ban trưa thời thiếu nữ, nhưng là giấc mơ đầu tiên khắc sâu vào ký ức đẹp lấp lánh. Sau này chị cũng có những chàng trai lẽo đẽo đeo bám. Với chị, không ai có thể thay thế người ấy. Nhớ người bạn gái cùng thời hoạt động trong vùng địch hậu có lần "tuyên ngôn" trước tổ công tác biệt động thành: "Con Ngà mà yêu ai là yêu chết một đời. Con gái mắt nhung sanh ra để lụy vì tình". Khi ấy chị dướn tới cù vào nách cô bạn, dõng dạc: "Nếu không có cái thằng đao phủ chiến tranh thì còn lâu con Ngà này mới khổ lụy". Ngoài kia dòng đời cứ mặc nhiên tuôn chảy. Thời gian đâu cần biết đến sự vui buồn, sướng khổ của con người. Tiếng xe máy rú còi vụt qua ồn ã, tiếng trẻ thơ nheo nhéo đến trường khơi dậy trong chị sự nuối tiếc. Giá như ngày ấy chị liều với anh có khi hoàn cảnh khác đi. Chị sẽ có một đứa con, chị được làm mẹ. Một người mẹ bình thường như bao người mẹ khác trên đời. Không! Ngày ấy chị không thể sống cho riêng mình! Từ lâu chị rất sợ tiếng mọt gậm cây. Nó gõ gồn gột, kèn kẹt. Tiếng gõ nghe rõ mồn một thứ thanh âm thăm thẳm buồn. Có lần chị lấy bông Tây nhét kín hai lỗ tai để không còn nghe tiếng tra tấn của loài côn trùng rắc gieo oan nghiệt. Cũng trong chị lại có một con người khác lên tiếng: "Lỡ người ấy đến gõ cửa, mình không nghe thì sao?". Thế là ngày ngày, tháng tháng tiếng mọt cứ gõ đều như tiếng đồng hồ treo tường lạc lõng. Nó gậm nhấm sự cô đơn, trống trải của chị đến cạn kiệt. Nhìn ánh nắng ửng đỏ đậu trên ô cửa sổ, chị đoán lúc này sáu giờ hơn. Gượng dậy, bước xuống giường, chị loay hoay lấy gạo bắc miếng cháo đỡ lòng. Tiếng xe máy nổ lịt khịt ngoài sân, chị ngỡ chị em cơ quan cũ đến thăm, liền vịn tường lần khần bước ra cửa. "Trời ơi! Anh Ngũ!" - Chị thốt lên uất nghẹn, tấm thân lảo đảo, Người đàn ông tóc bạc như cước thả gói quà xuống, xông lại đỡ chị, hốt hoảng: "Có sao không bà? Tôi đưa bà lại giường nằm nghỉ cho khỏe", chị tựa lưng vào vách tường thở dốc: "Sao bây giờ ông mới đến? Ông có biết là suốt ba mươi năm qua lúc nào tôi cũng mong chờ ông?". Người đàn ông đặt gói quà lên giường, hai tay run run mở gói lấy ra chiếc khăn vải mầu xanh lá cây đã cũ: "Ngà ơi! Tôi vẫn còn giữ chiếc khăn mà bà tặng tôi trong đêm trăng bên dòng sông Ba của bốn mươi năm về trước. Tôi luôn giữ kỷ vật bên mình ngay cả lúc vào sanh ra tử, làm sao tôi có thể quên bà được chứ? Bà đừng trách tôi tội nghiệp!". Chị mân mê chiếc khăn, nước mắt cứ ứa ra: "Nghĩa là tôi trách oan cho ông rồi, đừng giận tôi nghe!". Người đàn ông ôm đầu rên rỉ: "Ngày ấy chắc Ngà cũng hay tin tôi bị thương đưa ra Bắc điều trị? Tôi lấy nhà tôi bây giờ là đáp lại cái nghĩa cô ấy đã cứu chữa, săn sóc tôi lành bệnh. Tôi đã không giữ trọn lời thề với Ngà, còn mặt mũi nào dám đến?". Chị lau nước mắt, giọng buồn xa xăm: "Mà ông cũng tệ thật! Tôi đâu ép ông lấy tôi, nhưng ít ra chúng ta cũng còn tình bạn. Gặp tôi, ông cứ lánh mặt, tôi không chịu được. Trong đời tôi chỉ yêu duy nhất một người. Bảy mươi tuổi, tôi vẫn còn là con gái... Ngày xưa tôi bền lòng chặt dạ giữ cho ông, lời hứa ấy vẫn không thay đổi". Ông cụ sụp xuống bên giường, trên hai hố mắt sâu hoắm của ông rỉ ra hai giọt nước: "Ngà ơi! Tôi đã gây ra tội với bà. Xin bà hãy tha thứ cho tôi! Tôi cứ nghĩ đã không nên vợ thành chồng với bà, đến với nhau chỉ làm tổn thương cho bà, rồi gây tai tiếng thị phi. Tôi đã không mang lại hạnh phúc cho bà lẽ nào còn gây ra những điều oan trái? Giá như sau ngày giải phóng bà lấy chồng". Chị cười héo hắt: "Ai thèm lấy gái già chi hả ông? Với lại trông cái dáng vẻ đạo mạo của bà trưởng phòng Lao động - TBXH huyện có ma nào dám léng phéng? Nói chơi vậy chứ cả đời này tôi chỉ yêu có mỗi mình ông. Ðược ông đến thăm là tôi mãn nguyện, vui lòng nhắm mắt". Mấy ngày sau, chị ra đi thanh thản như giấc ngủ yên bình! Thi thoảng người ta bắt gặp ở căn nhà xinh xắn của chị có một cụ già tóc trắng như cước thường ra vào, quét dọn, hương khói. Ðôi khi ông còn dắt theo bầy cháu mang những bó hoa tươi thắm đặt trên bàn thờ người đã khuất. Ðêm đêm cửa sổ nhà chị vẫn mở toang đợi trăng - mầu trăng trinh nguyên và vĩnh cửu.