Thằng Chinh “mổ” tụt hẳn quần xuống tận đầu gối, rồi lẹ tay vén gọn cả túm của nó sang bên, để lộ một vòng tròn bằng cúc áo tím tái chai cứng chi chít những vết kim đâm ở bẹn. Đấy là thứ quái gở bọn nghiện tự tạo chỉ để trích ma túy vào cho lẹ, chúng gọi là “mà”. Ánh đèn đường đỏ quạch. Tiếng hú của tàu hỏa từ ga vọng về báo hiệu đã là nửa đêm. Thằng Phong “cóc” bỗng thấy đầu óc quay cuồng, đang thất thểu bước liền ngồi thụp xuống chân cột đèn. Lại khốn khổ khốn nạn rồi, có lổm ngổm hàng ngàn hàng vạn con ròi bò trong từng khớp xương, chúng ra sức hút tủy, hút máu. Có lẽ chẳng còn bao nhiêu máu trong người nó nữa, máu đã quánh cả lại như hắc ín. Phong “cóc” choáng, ngã ngửa, đập đầu vào cây trụ sắt tròn chôn cạnh cột đèn… Mở mắt, nó thấy có đám mây đen tan thoáng chốc trước mắt và dòng máu hắc ín cũng đã được pha loãng, lại râm ran chảy khắp cơ thể. Có bộ mặt của thần chết đang nhăn nhở nhìn vào nó, nhe mấy cái răng bàn cuốc vàng khè mà cười cợt. - Nửa bi của tao đấy - Thằng Chinh “mổ” nói - Anh em lúc hoạn nạn có nhau. Tao không đến kịp thì mày ngoẻo rồi. Phong “cóc” nhỏm dậy, thấy một phía ven tay nó còn bết máu tươi, cái bơm tiêm nhựa vứt chỏng chơ bên cạnh, đầu nhọn của kim thì có một giọt hắc ín bé xíu đóng chắc lại. Thằng Chinh khét tiếng mổ nhanh như chảo chớp ở khu chợ, đó chính là thằng khốn đã dắt nó “vào đời” và cũng là thằng vừa dang tay cứu nó trong cơn đói thuốc. Thằng khốn lôi trong túi quần ra ổ bánh mì, bẻ nửa dúi vào tay nó, rồi hất hàm bảo: - Nốc xong biến! - Mày đi đâu lại qua đây? - Phong “cóc” hỏi. - Tuần tra một lượt chứ đi đâu - Chính "mổ" nhồm nhoàm nhai bánh, đoạn lẹ tay thọc mạnh vào bụng Phong “cóc”, kéo quần nó tụt hẳn xuống. - Chưa có “mà” à? - Nó hỏi. - Chưa - Phong “cóc” trệu trạo nhai - Mày vừa làm vỡ ven tao rồi. - Không thì mày đi tong, người chẳng tiếc, tiếc cái ven. Thần dược, thấy chưa, vào là tỉnh như sáo, lâng lâng lên tiên. - “Mà” của mày đâu cho tao xem một tí? - Phong cóc hỏi. Thằng Chinh “mổ” tụt hẳn quần xuống tận đầu gối, rồi lẹ tay vén gọn cả túm của nợ của nó sang bên, để lộ một vòng tròn bằng cúc áo tím tái chai cứng chi chít những vết kim đâm ở bẹn. Đấy là thứ quái gở bọn nghiện tự tạo chỉ để trích ma túy vào cho lẹ, chúng gọi là “mà”. Thằng nghiện tập tọe vào nghề thấy vậy tỏ ra thán phục thằng nghiện có thâm niên, hỏi tiếp: - Cả hai bên à? - Một bên còn dùng chán. Đi giữa phố khi lên cơn, tao chỉ cần dừng nửa giây, cắm phập kim vào, người đi bên cạnh chưa kịp hiểu điều gì đã rút ra êm ru, chứ đâu phải lấy ven vỡ lên vỡ xuống phiền toái như mày. Hai thằng đầu đường xó chợ thản nhiên trao đổi kinh nghiệm, cái kinh nghiệm khủng khiếp của bọn quỷ hút máu người trong mười tám tầng địa ngục nay được truyền lên dương thế cho bọn ranh con áp dụng. Lúc đó có một bà mẹ đang bước thấp bước cao, nhớn nhác cố nhìn vào những chỗ khuất nẻo tối tăm để tìm đứa con lạc loài. Sương đêm ướt đầm mái đầu bạc, vai áo mà bà không hay. Giờ thì bà đã nhìn thấy hai bóng cô hồn dựa lưng vào nhau dưới chân cột đèn. Bà tiến sát. Hai thằng đang mải nuốt những cục mì cuối cùng. Bà chợt nhận ra thằng con đã dứt ruột đẻ ra, mấy tháng nay nó xa rời vòng tay bà và hiến mình cho quỷ. - Phong à - Bà nghẹn lời - Về nhà con ơi! Chinh “mổ” uể oải đứng dậy. Giờ này các sạp hàng đã khóa cả, trong ngõ ngách lượn lờ toàn những con ma có hạng như nó cả. Có tấm biển mới toe đang phản chiếu ánh sáng đèn, chợt đập vào mắt nó, nó nhăn trán cố nhớ điều gì, đoạn quay sang hỏi bà mẹ Phong “cóc” cũng vừa cùng con đứng lên: - Vị này là bạn thân của ông bô nhà ta phải không ạ? - Vừa nói, tay nó chỉ vào tấm biển gắn trước cửa một ngôi biệt thự. Bà mẹ ngỡ ngàng nhìn lên, tấm biển chắc là vừa gắn, sơn còn ướt. Phải, đúng tên ông ấy rồi. Có lần bà đã nghe chồng nói phong thanh nhà bạn ông ở khu phố này. Đó là một nhà khoa học nổi tiếng trong nước và quốc tế. Ai dè, lần đặt chân đầu tiên đến khu phố mới này bà lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu. Bà hỏi lại: - Sao cháu biết là bạn của bác trai? - Thằng Phong đi với cháu lần nào chẳng khoe ông bô toàn giao du với các sếp. Nó còn bảo, ông bô cũng là nhà khoa học có cỡ… Chinh “mổ” huýt một điệu sáo, nhún nhảy bước xuống lòng đường, còn quay đầu lại, nói với bà mẹ: - Khuya rồi bà bô đưa em về đi. Cai tại gia còn bằng mấy đi trại. Ông Tân lấy hành lý ra khỏi mặt băng tải đang quay, nhảo mắt khắp lượt và đã nhác thấy vợ con ra đón. Chiếc xe chở hành lý nhẹ bẫng lăn lạo xạo trên sàn nhà ga, trong cái vali gọn nhẹ kia có tấm bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự mới toanh ông vừa được tấn phong ở trời âu, tổng kết bao công lao đóng góp của ông suốt hơn ba mươi năm qua… Câu chuyện suốt mấy chục cây số từ sân bay về nhà không mấy sôi nổi, vị tiến sĩ danh dự mới được thụ phong thì linh cảm ngay một điều chẳng lành nào đó đã đến với cái tổ ấm gia đình ông. Sau khi tắm rửa, cơm nước xong, vợ chồng cô cả cũng đã về, Phong bảo là lên gác học bài, chỉ còn bà, ông hỏi: - Nhà có chuyện gì à? Bà nói mà không dám nhìn thẳng vào mắt ông: - Thằng Phong dính nghiện rồi. - Hả? - Ông tưởng mình nghe nhầm - Bà bảo ai? - Thằng Phong nhà mình. Ông ngả hẳn người ra salông, trân trân nhìn lên trần nhà, nơi có những con thạch sùng ngoe ngẩy đuôi, đang giương mắt mừng ông chủ mới vinh quy trở về. Mấy phút nặng nề trôi qua. Ông bật dậy hỏi tiếp: - Từ bao giờ? - Nửa năm nay rồi. - Sao tôi thấy nó vẫn bình thường? - Tôi đã bắt gặp nó đi với bọn bụi đời ngoài chợ. Ông bỗng gầm lên: - Gọi nó xuống đây! - Bây giờ không phải lúc, tôi muốn bàn kỹ… - Gọi nó xuống! - Ông lại gằn giọng, bảo với người giúp việc đang lúi húi trong bếp. Lát sau người giúp việc đi xuống nói: - Thưa ông không thấy cậu. Bà mặt tái nhợt: - Thôi, nó lại bỏ đi rồi! Ông gieo mình xuống ghế, mắt nhắm nghiền sau cặp kính cận và nằm ngả trong tư thế đó khá lâu. Bà thì gục mặt xuống bàn khóc rưng rức. Ông bỗng thấy xót xa, tội nghiệp cho bà quá. Bao nhiêu năm nay bà cam chịu, hết lòng vì chồng vì con, còn ông tự cột chặt mình vào công việc, hết hội nghị này đến hội nghị khác, rồi các chuyến công du trong nước, ngoài nước, công danh, sự nghiệp, giờ cũng tạm coi là trọn vẹn. Chẳng nhẽ tất cả đều là lỗi của bà, ông không có lỗi gì? Lát sau bà ngửng lên từ tốn nói với ông: - Giờ phải đi tìm nó về. Thuyết phục nó cai tại nhà. Quả là không còn cách nào khác. Đến gần chợ, bà đã được một người quen nói là, cách đây ít phút còn thấy thằng Phong với một lũ dặt dẹo lảng vảng trong công viên. Ông bà xịch đến và nhận ra ngay cậu ấm, quần đùi áo cộc tay nhầu nhĩ đang ngồi tán gẫu với mấy đứa. Ông gằn giọng: - Phong ra đây! Thằng Chinh “mổ” cũng ngồi sát đấy, liền quay sang thằng dặt dẹo bên cạnh bảo: - Hôm nay tao mới gặp ông bô thằng Phong “cóc”. Nom phong độ lắm. Đúng là bố hổ đẻ con… chó. Bà đến bên thằng Chinh “mổ”, vẻ mặt giận giữ nói với nó: - Sao cháu đã khuyên em cai còn rủ nhau ra đây đàn đúm? - Nó đến rủ cháu thì có. Bà bô thử hỏi lại xem có đúng vậy không? Nó bảo nhà giàu, bố làm to, đủ tiền bao hết. Nó đang mắc bệnh sĩ nặng đấy bà bô ạ. Cuộc họp gia đình bắt đầu ngay khi thằng Phong vừa tắm táp xong. Ông Tân nhìn thẳng vào mắt nó, nghiêm giọng hỏi: - Mày có biết đấy là con đường tù tội, con đường chết không? - Con biết - Phong trả lời một cách lơ đãng. - Biết sao còn lao vào? Nó cố tình tránh ánh mắt mọi người. Cô con cả liền nói xen vào: - Thôi bố ạ, đằng nào thì chuyện đã xảy ra rồi, bây giờ phải nhanh chóng tìm cách khắc phục hậu quả - Nói rồi cô quay sang cậu em nhẹ nhàng nói: - Chị hỏi thật, cậu bị dính lâu chưa? Phong “cóc” bỗng rưng rưng nước mắt, rồi nó nói trong cơn nấc không kìm được: - Mấy lần em đã quyết bỏ mà không bỏ được chị ạ. - Tại em không cương quyết. Em mới dính, ngồi nhà không giao du với bọn nghiện, chị tin là cai được. Nói xong, cô cả quay sang bố: - Em cũng đã biết lỗi rồi. Nó còn biết khóc là có thể sửa được đấy bố ạ. Tốt nhất khóa trái buồng lại, cai tại nhà. Bố có ông bạn là giáo sư dược đang nghiên cứu bài thuốc cai nghiện, xin một liều cho nó. Con nghe mấy anh công an trong đội chống tệ nạn nói, chỉ cần nhốt nửa tháng không dùng lại hêrôin là coi như cắt cơn, tiếp đến phải có biện pháp cho cách ly môi trường ma túy càng sớm càng tốt. Chuyện này giữ kín trong nhà. Cai xong tống nó đi học nước ngoài. Một tuần sau. Thằng Phong bị nhốt trong buồng và nó chỉ bị vật vã mấy ngày đầu, có lẽ thứ thuốc cai mà vị giáo sư bạn bố nó đang nghiên cứu đã phát huy tác dụng, cơn thèm thuốc có vẻ giảm dần. Mấy ngày nay giáo sư Tân đến cơ quan, vẻ ngoài tươi cười nhận những lời chúc mừng, tán tụng của mọi người, mà trong lòng héo gan héo ruột. Niềm hy vọng về đứa con nối dõi tông đường đã sụp đổ. Nhưng đây lại là nỗi đau âm thầm không thể san sẻ cùng ai. Chuông điện thoại réo. Ông Tân không tin vào tai mình nữa, đầu dây bên kia, bà báo là thằng Phong đã lừa người giúp việc mở cửa, nó đã lại bỏ nhà đi bụi rồi. Bà đã lần theo hàng giờ đồng hồ mà chưa tìm ra nó, bà đang ở một trạm điện thoại gọi về cầu cứu ông. Ông đánh xe ra khỏi gara như người mộng du, trong đầu chỉ nhớ mang máng nơi bà hẹn đến. Mấy ngày vừa qua, do bị sốc về chuyện gia đình, đáng lẽ ông không nên đi làm bằng xe riêng đến công sở như lời gàn của cô con gái, mà tạm thuê một người lái đưa đón đi về một thời gian cho nguôi ngoai đầu óc. Song như vậy thì cách rách quá, ông tự nhủ chỉ cần hết sức cẩn trọng trên đường là được. Ra khỏi khu phố đông người được một đoạn, đến chỗ vắng có thể đi nhanh thì điện thoại di động báo có cuộc gọi. Ông vừa cầm vô lăng, nghe điện. Không phải tiếng bà, tiếng một người đàn ông tự giới thiệu là cảnh sát, báo tin con trai ông vừa cùng mấy đứa nghiện tổ chức vụ cướp giật giây chuyền của một bà gần cầu Y. Hiện thằng Phong đang bị nhốt ở Công an phường... Ông bỗng thấy hoa cà hoa cải trước mắt. Và có một chấn động khủng khiếp, đất trời đảo lộn. Nhà bà những ngày tang tóc. Bà không thấy ai, không nghe và cũng không nói với ai, giờ đây bà gục bên nấm mộ phủ đầy vòng hoa của chồng. Bà muốn theo ông về thế giới bên kia ngay khi vừa nhìn thấy thi thể ông dập nát, đầy máu. Bà muốn nằm lại đây mãi mãi. Đây chính là cái giường của ông bà, cái nhà của ông bà khi đã trút sạch được mọi nỗi phiền muộn, khổ sở vì con cái trên trần thế. Nhưng bà chưa thể ra đi. Bên bà vẫn có những người thân, con cháu xốc bà đứng dậy... Một năm sau vụ tai nạn ôtô thảm khốc đến với giáo sư Tân, thằng con ông cũng mãn hạn tù án cướp giật ở cầu Y. Hôm nay là ngày Phong làm thủ tục ra trại. Chỉ có chị nó đến đón. - Cậu định làm gì tiếp đây? - Người chị nhìn đứa em tội lỗi với ánh mắt sắc lạnh. - Em đi làm thợ. Nghề gì cũng được miễn là có tiền nuôi mẹ và nuôi mình. - Về mẹ, cậu không phải lo - Chị nhìn thẳng vào mắt nó hỏi tiếp - Liệu cậu có ngựa quen đường cũ? Phong “cóc” bỗng giàn giụa nước mắt, nghẹn ngào, mãi sau mới nói được: “Có lúc em đã định lấy cái chết để chuộc lại lỗi lầm. Nhưng nghĩ lại, có xuống suối vàng gặp bố lúc này bố cũng không thể tha tội cho thằng con bất hiếu. Chỉ có cách chuộc lại lỗi lầm sau khi đi cải tạo về thì may ra mới làm cho linh hồn bố được siêu thoát. Có thể bây giờ chị chưa tin lời em đâu, một năm cải tạo em không còn dính dáng gì đến ma túy. à còn chuyện này nữa. Hôm sắp ra trại, em gặp lại cái anh cảnh sát hình sự đã gọi điện cho bố, anh ta bảo anh ta rất ân hận vì đã gọi điện báo cho bố, nhưng em thì bảo lỗi tất cả tại em, do lúc bị bắt em nảy ra ý nghĩ muốn viện tiếng tăm của bố để gỡ tội, nên đã báo số di động cho anh ấy gọi...”. - Thôi nói lại làm gì chuyện ấy cho đau lòng - Chị Phong cắt ngang - Bây giờ đến nghĩa trang thành phố viếng bố. Từ xa đã thấy có một người đang lom khom khấn khứa trước mộ Giáo sư Tân. Hai chị em đi nhanh đến. Phong khựng lại: Người đó chính là thằng Chinh “mổ”. - Sao mày đến đây? - Phong hỏi. - Tao vẫn thỉnh thoảng ra thắp hương cho cụ. Mày hết hạn rồi hả? Một cảm giác uất nghẹn chợt bùng dậy, không kìm được, Phong sấn tới túm áo ngực Chinh “mổ”, giáng nắm đấm vào mặt nó. Nó loạng choạng ngửa ra sau, rồi đứng vững được. Nhưng nó không tỏ ra muốn trả đũa, chỉ lặng lẽ chùi vệt máu đang rỉ ra mép. Cô chị vội chạy đến đứng giữa hai đứa và nói với Phong: - Cậu muốn đi tù nữa hả? - Chính nó đã đưa em vào con đường nghiện, để ra nông nỗi này. - Cậu cũng có lỗi chứ - Cô chị nói - Nếu cậu ngay từ đầu đã kiên quyết không nghe theo thì ai bắt được nào. Thằng Chinh “mổ” tiến lại gần hai chị em và nói với giọng điềm tĩnh lạ, mà chơi với nó bao lâu Phong “cóc” chưa bao giờ được nghe thấy: - Nhân tiện có cả chị ở đây em nói thật, từ ngày ông già nhà chị bị tai nạn, em luôn cảm thấy mình cũng có lỗi trong cái chết của ông. Chính cái chết của ông đã thức tỉnh lương tâm em, cho em vượt qua những cơn nghiện. Đã một năm nay em cai hẳn rồi, không thằng dặt dẹo nào có thể rủ rê em được. Phong, còn mày? Phong nhìn thẳng vào mắt Chinh, đây cũng là lần đầu tiên nó tin được lời nói của thằng vốn nói dối như Cuội từng cùng hội cùng thuyền với nó. Ba chị em cùng thắp hương khấn khứa trước vong linh người cha nhiều vinh quang cùng cay đắng. Và muôn ngàn lần cầu mong ông rộng lòng tha thứ cho những đứa con nông nổi dại dột trên dương thế, để nó có đủ sự kiên tâm làm lại cuộc đời.