Ông Soay đứng lại hít hà cái hương cỏ miên, mặt nhìn vào trong vườn. Ánh trăng mười sáu như giát trang kim lên khu vườn hoang. Ở đó có hai người đang phủ lên nhau, lộn qua bên này lại lăn sang bên kia. Ông Trưởng Công an thôn Lại Văn Soay năm ấy 65 tuổi, cảm thấy mình đã già bèn viết đơn xuống xã xin thôi việc. Trưởng Công an xã xem xong đơn, đặt xuống bàn, hỏi ông: - Bác xem có ai có thể thay chân bác được? - Cậu Hai Mỡn. Trưởng Công an xã đeo kính vào nhìn bác lần nữa rồi hỏi lại vì tưởng mình nghe lầm. - Thằng Hai Mỡn í a? - Chứ sao! Cậu ấy làm được. Trưởng Công an xã rút cái điếu cày dưới gầm bàn, vỗ tay vào ống làm bắn ra cái nỏ tàn, thủng thẳng: - Sao thế bác. Làm công an thôn phải là người có uy tín chớ. - Thì vẫn. Cứ làm rồi có uy tín, cũng như anh ấy chả trưởng thành từ công an thôn mà lên à. Mà mấy năm trước ai móc anh ra từ cái lò gạch của lão Chín Xẻng. Chả tôi thì ai? Trưởng Công an xã im, vì nể. Dù sao ông Lại Văn Soay cũng là người cất nhắc anh ta từ một thợ xếp gạch lò lên trưởng công an thôn, rồi cứ thế lên trưởng công an xã. - Dư mà, bác phải về họp thôn để họ bầu cho có dân chủ. - Ừ thì bầu. Ông Lại Văn Soay ra về. ° Cái việc ông bầu Hai Mởn làm trưởng công an thôn thay ông là có lý lắm đấy. Cả cái làng Mọc này còn nhớ hôm kị thần không? Đó là ngày giỗ của ông Thành Hoàng làng chứ không phải là ngày tầm thường đâu nhá. Cả làng Mọc vào hội, vui ơi là vui. Ấy thế mà xảy ra “sự cố”. Hôm ấy Hai Mỡn vừa ở tù về, đang đứng xem hội thì nghe có tiếng kêu: - Cướp! Cướp! Nó giật mất xe máy của tôi rồi bà con dân làng ơi! Giọng con gái thất thanh vọng tới từ phía cuối làng. Mọi người ngơ ngác chưa hiểu ất giáp ra sao thì Hai Mỡn đã vọt đứng lên, chạy biến ra phía đường cái. Từ phía cuối làng một kẻ phóng xe máy như bay lại. Nó lao qua đám trẻ con đang chơi trên đường, làm chúng chạy tóe ra chu chéo như gà con gặp quạ. - Bắt lấy nó, bắt lấy nó! Mọi người kêu to nhưng chểnh mảng như hàng tổng đánh cướp chẳng ai chịu lao ra. Kẻ cướp đưa một tay lên vẫy vẫy ra chiều thách thức rồi điềm nhiên phóng qua. Và ngay lúc ấy sau bụi cúc tần, Hai Mỡn như một mũi tên bay chíu ra đường. - Mày chết với ông! Hai Mỡn rít lên, ném bọc quần áo vào đầu tên cướp. Tên cướp né đầu tránh, tay trái của hắn loạng choạng rồi ngã nhào xuống đường. Hắn vùng dậy và nhanh như cắt rút con dao nhọn giắt trên người ra. Lưỡi dao thép bắt nắng phát tia chết trông rợn cả mắt. Mọi người chạy té. Tên cướp lao vào Hai Mỡn mặt đằng đằng sát khí. Lưỡi dao của hắn bổ thẳng từ phía trên xuống cùng với một cú đá song phi. Hai Mỡn né người hất cằm sang bên phải tránh kịp cái bàn chân đi giày khủng bố của tên cướp vèo qua như một quả tạ. Thuận đà Hai Mỡn thúc cái cùi chỏ vào mạng sườn tên cướp, còn tay kia gạt cái lưỡi dao đang bay xuống đầu. Con dao găm trắng lạnh lao xuống đất. Tên cướp biết gặp phải địch thủ không vừa, rụt chân lấy thế rồi co cẳng chạy. Nhưng Hai Mỡn đã chặn đường. Điên khùng, y lao vào Hai Mỡn. Hai người quần nhau lăn qua lăn lại trên mặt đường đá. Lúc thì Hai Mỡn ở phía trên, lúc thì lại bị đối phương đè xuống dưới. Hai cánh tay họ cùng vươn về phía con dao găm. Tay tên cướp dài hơn nên đã vươn tới gần chuôi dao và khi nó vừa chạm tay vào cán thì có bàn chân con gái đá mạnh con dao ra xa. Mọi người bây giờ mới xô đến trói ghì tên cướp lại. Kẻ cướp xe máy được đưa nhanh vào trụ sở văn phòng. Hai Mỡn ngồi bệt xuống đất thở dốc. Người con gái sau khi dẫn tên cướp vào trụ sở văn phòng đã quay lại. Lấy tay sờ nắn những vết lỗ chỗ trên lưng Hai Mỡn hỏi trống không: - Đau không? Hai Mỡn không quay lại nhưng vẫn nhận ra tiếng nói ấy là của ai, hỏi nhát gừng: - Đằng ấy đấy à. Sao hồi ấy đằng ấy bỏ tớ? - Vớ vẩn, người đâu mà tợn như giặc ấy. Ghen ơi là ghen ai mà lấy được. Không lấy mà bây giờ vẫn chẳng lấy chồng thì biết rồi đấy. - Ờ… ờ… vớ vẩn thật. Hai Mỡn nói một câu ngu ngơ rồi đứng lên sấn lại nắm tay cô gái: - Tối, tôi đến nha. - Chẳng cần. - Thế thì gặp ở đâu? - Chẳng gặp. - Ra vườn Nghè nhé. - Khỉ gió, chỗ ấy muỗi ơi là muỗi. - Muỗi nhưng mà cỏ thơm lắm. - Nằm với ai mà biết cỏ thơm. - Với ma. Ba năm chứ mười ba năm cũng chẳng quên đâu - Hai Mỡn nhăn xỉ ra cười. Cái buổi họp thôn hôm ấy ông Lại Văn Soay nói rã họng mà cũng chẳng có ai đồng ý cho Hai Mỡn làm công an thôn. - Bà con cứ tin tôi đi. Tôi tiến cử là không có sai đâu. Đấy bà con xem cái nhà anh trưởng công an xã bây giờ tôi chả cất nhắc thì ai vào đấy mà bây giờ nên người rồi. Hai Mỡn là người tốt. Một ông vặn lại: - Thế cậu ấy tốt cái gì nào? - Nói ra được thì đã thành một nhẽ. Một ông thủng thẳng: - Thì hãy hỏi cậu ta xem có muốn làm công an không đã. Ta bầu mà cậu ấy không làm thì sao đây, lại mất công họp lần nữa à? Ông Lại Văn Soay nghĩ: gì thì gì cũng phải hỏi xem ý tứ cậu ấy thế nào cái đã. Thôn tan họp để ông Soay đi gặp Hai Mỡn. Trong thời gian chưa tìm được người thế chân thì ông vẫn cứ là trưởng công an thôn. Ông xách cái đèn chai ra về. Lúc qua vườn Nghè ông ngửi thấy mùi cỏ miên bốc lên hăng hắc. Cái thứ cỏ đến lạ chỉ mọc ở vườn Nghè, mà khi nó bốc lên mùi thơm ngan ngát, vị hăng hăng này là y như có nam nữ đang “phủ” nhau. Thân cỏ không tròn mà tam giác, xòe năm cánh lá trên ngọn, mảnh như năm sợi tóc, ở giữa là một nhúm hoa nhỏ hình khuy áo trắng ngần. Huơ tay một cái là lá cỏ dính vào bàn tay. Đưa lên ngửi thấy mùi hương tóc mới gội của người con gái mới vừa đi qua. Ông Soay đứng lại hít hà cái hương cỏ miên, mặt nhìn vào trong vườn. Ánh trăng mười sáu như giát trang kim lên khu vườn hoang. Ở đó có hai người đang phủ lên nhau, lộn qua bên này lại lăn sang bên kia. Sau đó mấy phút họ lại buông nhau ra, nằm vật xuống vườn. Ông nghe thấy tiếng người con gái: - Chết rồi hả? - Chết. Rồi im lặng. Tiếng người con trai cất lên: - Mình cưới nhau đi. - Anh phải tốt thầy mẹ mới ưng. - Anh tốt rồi. Này nhé, ở trong trại anh phấn đấu tốt nên được đặc xá trước một phần ba thời gian. Còn từ ngày về đến nay, em và cả làng biết rồi còn gì. - Thế bây giờ định làm gì để sống? - Dễ ợt, nhưng anh muốn làm công an. - Nỡm ạ, anh mà làm công an. - Chứ sao, anh muốn được làm như bác Soay. - “Khỉ gió, cái thằng Hai Mỡn” - Ông Soay thổi tắt ngọn đèn kẻo chúng nó thẹn, rồi hắng giọng: - Hai Mỡn đấy phải không? Hai con người đang nằm đờ như chết, bỗng nhổm dậy quơ đống quần áo chạy thục mạng ra cánh đồng. Ông Soay chạy theo ú ớ: - Hai Mỡn, Hai Mỡn! Tôi có việc cho anh đây. Ông Soay càng gọi, đôi trẻ càng bỏ xa. Từ phía trước một tờ giấy trắng bay lại phía ông. Thì ra lúc chạy tờ giấy văng ra từ túi áo Hai Mỡn. Ông Soay lại đốt đèn soi. Đó là tờ quyết định đặc xá của tòa án mà người được đặc xá chính là Hai Mỡn. Ông nhét tờ giấy vào túi áo tủm tỉm: - Thế mà cũng đòi làm đàn ông, đã “có gan ăn cắp thì có gan chịu đòn” chớ. Nhát ơi là nhát. ° Thế là chân trưởng công an thôn còn khuyết. Ông Lại Văn Soay cứ phải căng ra mà làm. Làng Mọc của ông bước vào thời kỳ đổi mới, việc đến là nhiều. Một hôm ông đang rối cái đầu vì không biết thu xếp công việc ra sao thì Tý Bệu hồng hộc đi vào nhà, vừa đi vừa bô bô: - Ông Soay có nhà không đấy? Ông Lại Văn Soay chạy ra thì Tý Bệu không nói không rằng mà nắm lấy tay ông Soay lôi đi xềnh xệch. - Ông phải phân xử cho tôi cái việc này. Hôm qua đàn gà choai nhà tôi mất, sáng này thằng con trai tôi phát hiện ra gà nhà tôi đang ở trong lồng nhà thằng Quắm. Tôi mời ông đến mục sở thị. Đích thị nó ăn cắp gà nhà tôi. Hai người đến nhà Quắm thì đã thấy vợ Tý Bệu đang ngồi chống tay vào sườn, tay xỉa xói về phía vợ chồng nhà Quắm: - Khôn hồn thì thả gà bà ra. Gà nhà bà là gà công gà phượng. Nó ở nhà mày nó là gà ma gà quỷ. Nó hóa xà hóa hổ cẩu xực vợ chồng mày. Bà thì báo công an người ta cho mày đi tù rũ xương, hiểu không! Vợ chồng Quắm đứng dạng chân trên sân cười hềnh hệch: - Chửi nữa đi, chửi nữa đi, chửi lắm nghe nhiều. Trông thấy ông công an, vợ chồng nhà Quắm hơi lúng túng. Nhưng lại gân cổ cãi là vừa mua ở chợ về. Giằng co đôi bên chẳng ai chịu ai. - Thôi! - Ông Soay chém tay vào không khí - Các người phải nể mặt tôi chứ! - Có bác công an đây, bác phân xử đi, đó là gà nhà tôi! Vợ Tý Bệu phân bua. Vợ chồng nhà Quắm cũng nói: - Có bác công an đây, bác phân xử đi, đó là gà nhà tôi! - Thôi! - Ông Soay quát lần nữa, cảm thấy mình rất lúng túng trong việc phân xử. Hai Mỡn vừa từ ủy ban xã về, đi ngang qua, chạy vào: - Cháu xuống xã làm nốt cái hộ khẩu về nhà đã nhiều tháng mà nay mới song thủ tục. Hì… hì… có gì đấy bác? Hai bên cướp lời nhau phân bua. Lúc bấy giờ Hai Mỡn mới kéo ông Lại Văn Soay ra chỗ khác ghé tai thì thầm. Nghe xong mặt ông phởn ra: - Thế chứ! Ông quay lại sân lấy nilông phủ kín cái bu gà rồi dõng dạc tuyên bố: - Tôi đã có cách để biết gà này là của ai. Bây giờ tôi cho mỗi người một tờ giấy đứng ra mỗi góc kê khai cho tôi số lượng: bao nhiêu gà trống, bao nhiêu gà mái, gà nâu, bao nhiêu gà đen, bao nhiêu gà hoa mơ. Vợ chồng nhà Quắm vùng vằng phản đối. Ông Soay nghiêm mặt: - Anh định lơ mơ với chính quyền hả? Có viết không thì bảo? Vợ chồng nhà Quắm đành tuân theo. Lúc so hai tờ giấy nhà Quắm thấy vênh nhau tất cả. Còn vợ chồng Tý Bệu hai tờ đều khít số lượng và chủng loại gà trong bu. Ông Lại Văn Soay mở nilông kiểm tra thấy đúng, bèn dõng dạc tuyên bố: - Gà này là của Tý Bệu, vợ chồng nhà Quắm gian dối rồi. Ông thả đàn gà ra ngõ. Lũ gà vươn cổ vỗ cánh rồi lao thẳng về ở nhà Tý Bệu. Ông trưởng công an thôn chỉ mặt vợ chồng Quắm: - Chiều nay xuống xã làm việc! Ông thủng thẳng cùng Hai Mỡn đi về, đến chỗ vắng ông giật áo Hai Mỡn hỏi: - Làm thế nào mà cậu nghĩ ra cái trò ấy? - Ơ thế bác không nhớ cháu đã từng là “đại ca” của lũ trộm vặt ở vùng này à… Một lần bọn nó trộm gà, bị bắt, Công an đã từng làm thế nên cháu học được mánh đấy. - Hì... hì… rõ thật là cái cậu này. Cuối cùng thì mọi người cũng phải ngồi lại họp bầu công an thôn. Bây giờ ai cũng thấy Hai Mỡn xứng đáng làm việc đó rồi. Hơn một năm được đặc xá, Hai Mỡn không chỉ chí thú làm ăn mà còn giúp ông Soay giải quyết được bao nhiêu việc liên quan tới “tình hình trật tự của thôn”. Ông Soay mừng vì có người thay chân mình. Ông đi ra khỏi phòng họp, dọc con đường sắt. Con tàu vừa chạy qua xuôi về phía Nam vẫn làm rung đường ray dưới chân ông. Có cái gì mà nhốn nháo thế kia nhỉ? Biết là sự chẳng lành, ông bước nhanh tới. Một thằng bé chừng mười tuổi, mặt cắt không còn hột máu đang nép đầu vào mẹ nó. Đám người xuôi vào một chỗ trên đường ray. Con tàu đã đỗ lại trên đó một quãng. Người nhà tàu cầm lá cờ đỏ đuôi nheo hớt hải chạy lại: - Trời ơi! Anh ấy chết rồi. Chỉ tại thằng bé con. Tôi còn kịp nhìn thấy anh ấy lao lên đẩy nó ra khỏi đường tàu. Ông Lại Văn Soay nhìn thấy cái hộp vá xe đạp chỗ ngã ba, một cái bơm tay dựng nghiêng vào thân cây. Cái bơm này là của ông. Sáng qua, Hai Mỡn đã đến mượn: “Con kiếm tiền để lấy vợ đấy bố ạ… Hì... hì…”. Ông đập tay vào lưng Hai Mỡn cùng cười: - Tốt, tốt! Thế thì tốt! Từ trong làng một cô gái chạy ra, người xiêu đổ, miệng gào thảm thiết: - Anh Hai Mỡn, anh Hai Mỡn ơi!... Cô cúi xuống và mớ tóc dài đen của cô phủ lên người đàn ông. Người ta đặt Hai Mỡn lên trên đám cỏ trong vườn Nghè. Mảnh vườn này cách đây chưa lâu đám cỏ miên bị chà nát, xẹp xuống in hình hai người vẫn bốc lên mùi thơm ngan ngát. Toàn dân thôn tiễn đưa Hai Mỡn. Ai cũng bảo anh là công an thôn. Người ta đặt anh ở gò đất cao, dưới gốc cây gạo đang nở hoa tháng ba. Đích thân ông Soay cầm tấm bảng do chính tay ông viết: “Hai Mỡn là công an thôn” đi đầu. Khi nấm mộ đắp xong, ông chôn nó ở giữa, rồi rút từ túi áo ra tờ giấy đặc xá châm lửa đốt. Tờ giấy như một chứng chỉ hoàn lương gửi xuống cho Hai Mỡn. Lúc ra về qua vườn Nghè, ông nhìn thấy người con gái đang ngồi lặng trong vườn. Những hạt sương rớt của mùa xuân phủ nhẹ lên ngọn cỏ miên như nạm cườm trên cỏ. Ông Lại Văn Soay nhớ lại đêm trăng mười sáu hôm nào ở vườn này khẽ hỏi: - Thế cái đêm ấy thì thế nào rồi? - Dạ… cháu, cháu đã…