Không thể một ngày một bữa mà liệt kê hết những khác biệt giữa thế hệ của má và tôi. Cũng như khi hai má con ì ạch trèo lên chiếc xe để chuẩn bị cho chuyến đi xa, tôi chợt nhận ra ngay trong những chuyến đi như thế này, lúc chiếc xe cũ mèm xùng xèng từ từ lăn những vòng bánh đầu tiên, cảm nhận trong lòng mình với má cũng khác. Tôi thấy mình bùi ngùi như chiếc lá bị bứt lìa cành (mỗi lần bước chân ra khỏi nhà tôi luôn có cảm giác kỳ cục đó). Má tôi lại khác, mỗi chuyến đi như thế này, má nôn nao như được về nhà-của-mình, về một cành cội nào đó mà dòng họ má đã bị bứt lìa ra từ lâu lắm. Bởi chuyến đi này, má về Hà Tiên. Không có gì đặc biệt đâu, cái thị xã nằm cheo leo bên biên giới. Biển Hà Tiên không xanh lắm, núi Hà Tiên không cao. Không có gì đặc biệt, để kỳ vọng, để chờ đợi, nhưng đó là nơi ông tổ họ của má tôi nằm xuống, gởi nắm xương lưu lạc trên những ngọn núi xanh rì. Má tôi họ Mạc. Người ta nói rằng chi tộc họ Mạc ở Cà Mau là chi tộc đông nhất của họ Mạc Hà Tiên. Những năm tháng chiến tranh loạn lạc như cơn lốc bốc một số người Hà Tiên ném đến tận cùng Đất Mũi. Vậy nên, năm nào cũng vậy, cùng với bà con trong họ, má tôi hành hương về Hà Tiên cúng giỗ Ông – Khai trấn quốc công Mạc Cửu. Buổi chiều má còn xắn quần lội ruộng dặm lúa, quăng phân, chạng vạng má biểu tôi tỏ con mắt cạo phèn móng chân giùm má để tí nữa má lên xe làm một chuyến xa nhà. Đoàn người đến Hà Tiên là một đoàn lữ hành nghèo, giản dị nhưng vui một cách kỳ lạ. Trên chiếc xe đò cũ kỹ cọc cạch, đông đảo nhất là con nít, không có đủ tiền mua vé, người lớn trải chiếu ngồi bệt dưới sàn xe nhường ghế cho trẻ con ngồi. Chen trong tiếng kêu lầm rầm của những cái cửa kính xe long lên khi qua đoạn đường xấu, là tiếng vụ mùa rôm rã qua những lời thăm hỏi, là tiếng trẻ con ríu rít háo hức mơ về nơi sắp đến, Hà Tiên. Dòng họ ngoại tôi giáo dục truyền thống vào hàng siêu việt, dạy từ hồi bé con con từ hồi lít chít như thế này. Những đứa trẻ sinh ra trong dòng họ Mạc, vừa tí tuổi đầu trong lòng đã có Hà Tiên. Hà Tiên xa mà tưởng như gần xịu gần xịt, bởi trong lời cha ông mình dạy, Hà Tiên là nhà. Trong lúc người ta cuống cuồng đi tìm cách giữ gìn bản sắc văn hóa thì cái bản sắc văn hóa uống nước nhớ nguồn lại được bà con giữ một cách hồn nhiên. Vô tình vì những giềng mối sâu tận đáy lòng, thâm tình ràng ruột mà hai miền đất Cà Mau – Hà Tiên gần nhau như trong gang tấc, như mặt đối mặt, như tay này nắm được tay. Bà con bên má tôi đều là nông dân, vì là nông dân nên phần lớn đều nghèo. Để trong lòng khỏi thấy bứt rứt, có tội với tổ tiên vì lỡ chuyến, bà con chuẩn bị từ lâu lắm. Từ đầu mùa lúa năm trước, má tôi đã ngăn phía dưới đít bồ để dành mươi giạ để tháng năm này làm lộ phí đường xa. Hệt như má tôi, dì Ba, dì Bảy mót máy từng lọn rau bỏ vô heo đất để dành từ sau Tết, có cậu Năm, cậu Tám chạy đò dọc cũng dành dụm khoản riêng nào đó cho chuyến về nguồn. Ý thức đây là dịp đặc biệt, người họ Mạc ở Cà Mau chuẩn bị về dự giỗ Ông rất trân trọng, chu đáo. Với một tấm lòng thành kính, thiêng liêng, má tôi vẫn tin rằng, có về quỳ xuống cúng bái mộ tổ tiên, sẽ bớt đi bệnh tật, đám con cháu khỏe mạnh, lúa trúng đầy bồ, làm ăn khá giả. “Những người ăn ở mất gốc sống tới hết đời cũng ngóc đầu dậy không nổi đâu con à”, má vẫn thường dạy tôi. Má hay kể, từ loạn lạc người họ Mạc có chạy đi đâu, về đất nào cũng nhớ về đất Hà Tiên. Đường về, với mỗi thời, mỗi người mỗi khác. Ngày xưa ông cố má một mình chèo chiếc ghe bầu, ngày chèo, đêm chui vào nóp ngủ. Chiến tranh, ông ngoại tôi trên đường đi công tác cũng tạt qua, sụp xuống, cúi lạy người đã khuất. Trước đây, đoàn đi bằng tàu đò từ Cà Mau qua Rạch Sỏi rồi mới lên xe đò đến Hà Tiên. Rồi có lần đi bằng ghe biển. Nhàu nhừ vì say xe, say sóng mà vẫn vui, vui một cách tự nguyện, “Ngày xưa có cực khổ mấy ông bà mình cũng ráng về thắp nhang cho ông bà ở trển, bây giờ hòa bình, xe cộ đầy đường, sướng nhiều rồi hỏng ráng đi sao được, con?”. Tôi yêu Hà Tiên từ má, từ những cậu những dì trong họ, từ những chuyến đi như thế này. Những con người chân chất, bình dị. Ra biển không cần áo tắm cứ để nhảy ùm nguyên bộ bà ba. Những món đồi mồi ốc biển chạm trổ công phu bày đầy ở các quầy hàng lưu niệm chỉ là phù phiếm (một món bằng hai ba giạ lúa chớ có ít đâu). Những người mê cải lương nhưng tẩy chay vở “Áo cưới trước cổng chùa” (còn làm đơn gởi đài truyền hình để phản đối) nói vở đã bêu xấu tổ tông mình, vì đã cho rằng Mạc Thiên Tích đoạt vợ người. Tôi thích những ông cậu, bà thím đã già vẫn mong về Hà Tiên rồi mai chết, cho yên lòng. Tôi thích đám con nít, luôn làm vẻ mặt nghiêm trọng khi cầm nén nhang trong tay, trước những ngôi mộ trầm mặc bên sườn núi. Tôi thích những đêm ngủ lại ở Hà Tiên. Có lần ngủ chùa Tam Bảo, gần trăm người chui vô chỉ cái mùng vải dài vằng vặc. Sáng ra cả đoàn thức dậy, mặt phờ phờ vì thiếu ngủ, phần tại đông, phần một năm trời mới gặp lại bà con, phải thăm hỏi chuyện làm ăn ra làm sao, hỏi giáp một vòng cũng vừa trời sáng. Sau này, không ở chùa, nhà trọ trong thị xã lùm lùm mọc lên, cả đoàn cũng vào nhà trọ, cũng trải chiếu bệt xuống sàn ngủ chung nhau. Không phân biệt ai giàu ai nghèo, ai đói ai no, ai từng xấu và ai tốt, ai ở xa ai ở gần, chỉ biết hết thảy đều là họ hàng bà con, là hậu duệ của người khai phá trấn Hà Tiên, là con cháu của xứ sở nhiều huyền thoại. Bị bứt lìa trăm mối mưu sinh, đó là khoảng thời gian níu người ta xích lại.