Có tiếng gõ cửa. Rồi, một cái gì đó ném vào nhà, nghe soạt. Bà Nội giật mình, bỏ vội mớ rau đang băm dở, chạy ra. - Ôi giời ơi, thư cái Ngân! Thư cái Ngân gửi về này! Bà mừng rỡ reo lên rồi lau hai tay vào vạt áo, cầm lá thư chạy về nhà. …Con báo tin để mẹ biết con sắp đến ngày về nước. Mẹ đã chuẩn bị các thứ đón con chưa? Mẹ đã làm những việc con dặn chưa? Mẹ đã bán… để mua… Mẹ đã đổi… để lấy… Bà đọc to rồi nhỏ dần. Bà đọc đi đọc lại, xem đằng trước, xem đằng sau. Phong bì có in hình cái máy baymàu xanh đang bay giữa một cụm mây trắng. Tờ giấy mỏng mịn, thơm mùi nước hoa nhưng lại chỉ có dăm chữ. Bà Nội bần thần: "Sao tờ giấy to đẹp thế này lại chỉ có dăm chữ? Ơ, chắc là nó bận. Bao nhiêu là việc phải làm. Với lại ở bên Tây khác hẳn bên ta. Ở bên Tây họ không nói nhiều. Người ta bảo thế". Ý nghĩ ấy làm bà thấy con gái có lí trong việc lá thư chỉ có dăm chữ. Bà đưa mắt nhìn cái Mifa màu xanh ngọc quấn giẻ để trên giường. Đêm đêm bà vẫn nằm ngủ cạnh cái xe. Cái tủ lạnh Xaratốp của Liên Xô mới cứng để dưới chân giường bọc vải và chằng buộc chặt chẽ, bà còn cẩn thận phủ lên trên hai chiếc chiếu để che giấu những kẻ tò mò để mắt tới. "Còn cái Cúp mình đã nhờ người hỏi, có màu đỏ ớt như nó dặn, nhưng lại không vay được tiền. Nó lại sắp về, làm thế nào nhỉ?". Bà lẩm nhẩm, tính toán và thờ thẫn, ngồi lặng. Đó là một người đàn bà có khuôn mặt phẳng lặng, chai lì. Rất ít khi thấy bà ta cười và có nụ cười cũng tắt rất nhanh, mặc dù mỗi khi cười trông bà trẻ ra hàng chục tuổi. Người ta nói với bà như thế và bà cũng tự biết như thế. Bà cũng biết và ai cũng thấy, mỗi khi cười đôi mắt bà đen lay láy chứ không lờ đờ đùng đục với những cái nhìn chậm chạp, hờ hững. Lại nữa, mỗi khi cười, lúm đồng tiền hằn xuống hai bên má, mà bình thường khi bà im lặng, nó giống một nếp nhăn và nếu bà ngồi ngược sáng nó giống một vết bẩn. Đó là một khuôn mặt khó đoán tuổi. Những lúc bà vui vẻ, tươi cười, mặc những bộ quần áo thải ra của con gái, người ta tưởng bà chỉ bốn mươi tuổi, đến nỗi nhiều cô gái lớn lại gọi bà bằng chị. Như lúc này đây, bà đang mặc chiếc áo màu hoa hồng, cổ áo có một cái nơ, viền đăng ten trắng ở ngực, một chiếc quần thun nhung màu kem sữa tuy đã sờn cũ nhưng vẫn nhìn thấy những kẻ sọc và ánh bạc của nó. Bà không có ý thức về việc ăn mặc ấy. Chỉ biết rằng đó là quần áo cũ của con gái bà gửi về cho, thì bà mặc. Lúc đầu, không quen, bà chỉ mặc lúc không có ai, sau rồi chỉ mặc khi trong nhà, rồi ra đến cửa, đến chợ. - Nó cứ bảo tôi chữa đi hãy mặc hoặc không thì bán cho đồng nát. Gớm, rõ phí của! Vải tốt, công may đắt! Ôi dào, tôi già rồi! Ăn mặc thế nào xong thôi. – Bà phân trần như thế. Người gật gù, thông cảm. Cũng chẳng ai nỡ nói thẳng rằng bà mặc như thế nom lố lắm, buồn cười lắm. Không phải chỉ có quần áo mà tất cả những thứ khác. Bà không quen mua bán, đổi chác. Cái gì đối với bà cũng như có tâm hồn, tình cảm. Như cái nồi gang sứt tai treo ở dưới bếp, phải nhà khác chắc đã vứt đi từ lâu rồi, còn bà vẫn giữ và cố gắng dùng vào những việc gì đó có thể – mặc dù trông xấu xí và đun tốn dầu. Và, nếu như có ai trông thấy, vui chuyện hỏi: "Cái nồi gang này bà mua từ hồi nào?". Bà cười trả lời ngay: "Gần ba mươi năm rồi đấy! Mà nào có mua, quà mừng đám cưới của tôi với bố cái Ngân. Cả cái ấm nhôm kia nữa, bộ chén hạt mít tôi để trên nóc tủ kia kìa... Ôi dào, một đám cưới mà bao nhiêu quà mừng. Nhưng chiến tranh sơ tán, đồ đạc cái thì mất mát, đổ vỡ, cái thì túng thiếu phải bán đi. Cứ nghĩ, còn người còn của, người sinh ra của chứ của đâu sinh ra người...". Rồi bà thở dài. Không ai nói gì thêm, cũng chẳng ai muốn khơi gợi những chuyện buồn của đời bà. Ông ra đi và không về. Khi ấy, cái Ngân mới lẫm chẫm biết đi. Bà sống một mình, luôn một mình. Mặc dù ai cũng biết bà cũng như mọi người đàn bà khác là có chồng và có con. Con sống có, con chết có. Đám cưới của bà và chồng rất đông vui và còn để lại nhiều dấu vết trong gian nhà nhỏ bé này, ngoài những ấm chén, nồi gang nhỏ bé xấu xí ra, là cái giường rẻ quạt bằng một thứ gỗ tạp rẻ tiền màu gụ, là cái ri đô bằng vải hoa tuy đã nhiều miếng vá nhưng ai nhìn vào cũng thấy trước kia màu vải hoa rất rực rỡ. Bà cũng phải kể một cách rõ ràng chính xác rằng, riêng cái giường đó, không phải có từ ngay sau ngày cưới, mãi đến khi đẻ cái Ngân được gần bốn tháng vợ chồng bà mới sắm được, cũng như cái Ngân đã đầy tuổi thì vợ chồng bà mới được phân cho căn phòng tập thể này, còn trước đó toàn đi ở nhờ. Buồn cười, hôm dọn nhà xuống đây, ngày đó, chưa vẩy thêm gian trong đâu, chung quanh ít người ở chứ đâu đông đúc như bây giờ. Đêm đầu tiên, hai vợ chồng ngủ quên, đến giờ đi làm mới tỉnh dậy, sợ quá, quáng quàng ù té chạy, may mà cơ quan thông cảm, nghe kể chuyện mọi người chỉ cười. Có người đáo để lại trêu, cứ bảo là hai anh chị có nhà mới tha hồ tự do hú hí nên ngủ quên đấy thôi. Thật quá đáng, chẳng thông cảm cho hoàn cảnh vợ chồng trẻ nghèo, cái đồng hồ chẳng có, cái đài thì không. Không đồ đạc, rộng thênh thang chứ đâu chật chội như bây giờ... Đúng là nhà bà chật chội, mặc dù chỉ ở có một mình và phía sau đã cơi ra một căn buồng nhỏ. - Không biết tôi có gàn dở như cái Ngân nói hay không, mà làm sao cái gì đã vào nhà tôi rồi thì không ra được, hoặc khó ra lắm, như cái bàn con này chẳng hạn. – Bà nói và chỉ tay về phía góc nhà kê một cái bàn gỗ mộc nhỏ, có chỗ đựng mực và một ngăn kéo con. Trên mặt bàn loang lổ mực tím, loại bàn trẻ con ngồi học, nhỏ bé và cũ kĩ đến nỗi tưởng như chỉ cần đẩy mạnh là nó có thể đổ gãy. – Con cái Ngân, hồi ở nhà, mấy lần tôi không kịp giữ, thì nó đem chẻ ra làm củi đun rồi. Bây giờ ở xa, thế mà có lần viết thư về, nó còn nhớ ra cái bàn và hỏi tôi đã đun chưa. Chúng nó bây giờ sống hiện đại, cần cái gì là làm cái ấy không ngại sợ ai không bằng lòng hoặc hiểu lầm mà giữ ý như ta đâu. Nó đã không cần, không thích thì cứ gọi là vứt tất, là cắt đứt, chúng gọi là xong phắt. - Cô ấy bây giờ ở tận đâu, bác nhỉ? - Ơ… – Bà ngớ người ra. Không phải đây là lần đầu tiên có người hỏi về con gái mà đã không biết bao nhiêu lần, bao nhiêu người hỏi như vậy mà có mỗi một cái địa chỉ bà không nói được cho rõ. Bà liền đứng đấy với tay lên bàn thờ bằng gỗ, chỗ cao nhất trong nhà, lấy xuống một cái phong bì có in cái máy bay đưa ra cho khách. - Cái thư mới nhất của cháu mới gửi về hồi tết đấy! - A, thế là cô ấy đang ở Bungari. - Đúng rồi, Bungari! Chỗ cháu ở vải rẻ và đẹp lắm! Bà reo lên tỏ vẻ hiếu biết. - Thế cô ấy có hay gửi vải về cho bà may quần áo không? - Có chứ. Sao lại không? Năm nào cháu nó cũng gửi hàng về ít nhất một hai lần, mà nó đi đến nay nay đã tròn ba năm rồi. – Bà lẩm nhẩm, giơ vạt áo ra khoe. - Đây, cái áo này nó mới gửi về cho tôi đây. - Ơ, đẹp quá nhỉ. Bông hoa này chắc thêu máy đây, chứ tay nào mà thêu được thế này. – Họ khen và ngắm hai vạt áo tuy đã cũ sờn và tất nhiên chẳng hợp với tuổi bà. Họ biết đấy là áo Ngân mặc cũ gửi về cho mẹ. - Ở bên Tây, cứ ai làm việc được là người ta quý, người ta giữ lại, nên nhẽ ra cháu nó về từ năm ngoái mà đến tận năm nay vẫn chưa thấy. – Bà ca cầm một cách hãnh diện. - Cô ấy về thì bà sung sướng lắm rồi. - Vâng, hẳn là như thế! – Bà đáp và cười, trong lòng rung lên cảm giác khó tả, chỉ riêng bà biết. Bà là người khi vui cũng hay chuyện trò cởi mở, nhưng cũng là người kín đáo, những chuyện riêng tư, dù ai có biết, có khơi gợi bà cũng không nói. Đó là nỗi lo lắng phập phồng trước ngày con gái về nước. Những cái thư nó viết cho bà vui vẻ bao nhiêu thì gặp những nguời bên đó về, bà lại lo buồn bấy nhiêu, mặc dù bà biết rằng, những điều họ nói với mình đã chọn lọc, tước bớt, có cân nhắc mặc dù bà tha thiết mong biết sự thật, mặc dù bà không hề biểu lộ ra bất cứ một phản ứng nào trước những sự việc mà thực sự làm bà giật mình: "Cô ấy ăn chơi, cô ấy rượu chè, cô ấy nhảy nhót, cô ấy quan hệ lung tung, cô ấy yêu cả người nước trong lẫn nước ngoài, cô ấy đã có lần đi bệnh viện hàng tháng vì một bệnh gì đó khó nói". Tất cả những điều ấy, mỗi người cho bà biết một tí và bà gộp lại, bà thở một cái rõ dài, giống như cả ngày bà mới thở một lần và chắp mắt: "Chỉ mong sao nó đừng lấy người nước ngoài. Đành rằng như thế nó sướng thân nhưng còn quê hương, đất lề, quê thói, mồ mả ông cha. Sống về mồ mả chứ ai sống về cả bát cơm?". Là người mẹ, có con gái, ai cũng mong cho con có chồng, có người cưới hỏi để chung quanh nhìn vào đừng có chê cười là nhà vô phúc. Bà nghĩ như thế và viết thư nhắc con những điều đó. Thư nào cũng nhắc như một điệp khúc làm Ngân khó chịu phải viết thư về mở đầu bằng câu: "Mẹ ơi, nếu thư sau mẹ còn nói đến những chuyện chồng con thì hoặc là mẹ đừng viết, hoặc là con sẽ không về nước nữa đâu”. Ấy vậy, mà bà vẫn viết nhưng viết bằng cách khác. Bà kể rằng bà đã đi dự nhiều đám cưới, kể cả những đám cưới của những người không thân lắm mà trước kia bà không đi, để xem xét người ta dựng vợ, gả chồng cho con như thế nào mà rút kinh nghiệm lo cho con gái sau này. Để cho sau này họ hàng bè bạn không ai chê cười và con cũng không phải tủi hổ với nhà chồng, với bè bạn và vong linh bố ở dưới suối vàng cũng không phải buồn phiền. Bà lẩm bẩm nói một mình mà tưởng như nói chuyện với con. Đó là thói quen của bà. Từ lâu, bà đã quen nói chuyện một mình như thế. Tất nhiên, chẳng phải là bà nói chuyện với chính mình mà bà nói với một người nào đó do bà tưởng tượng ra. Thường là với người chồng đã chết từ gần hai mươi năm nay. Bà thường thắp ba nén hương, múc lưng bát nước và đĩa hoa tươi, rồi đứng trước bàn thờ, trước cái khung kính có ảnh chồng và cái bằng Tổ quốc ghi công mà lẩm nhẩm khấn vái, cũng có khi bà khóc thút thít. Rồi bà chăm chú nhìn những cây hương từ khi nó bắt đầu cháy cho đến khi nó chỉ còn là những vòng tròn bụi trắng lả tả bay xuống. - Ông ấy chết trẻ, thiêng lắm, hương cháy hết, tàn hết như thế là ông ấy về đấy. Ông ấy sẽ bảo được con cái Ngân. Bà thấy yên tâm sau khi cúng vái, rằng con gái bà sẽ thay đổi, sẽ thương bà mà nghĩ lại, mà sống khác đi. Nhìn chung quanh những nhà có con gái, bà thấy, nếu so với những đứa hư nhất như trộm cắp tù tội hoặc chửa hoang thì con gái bà chưa đến nỗi nào, nhưng so với những đứa con gái ngoan thì nó còn thiếu nhiều thứ lắm. Bà đã cố công tần tảo nuôi nó ăn học, nhưng nó chỉ học đến hết lớp bảy thì gãy. Bà khuyên con nên học nghề, không có chữ thì có cái nghề rồi đi làm cũng sống được. Nhưng học nghề gì? Đầu tiên Ngân đòi học đánh máy chữ. Ngân vừa nói ra, bà đã chiều, cho con tiền đi học ngay. Nhưng chỉ được ít lâu, Ngân lại thôi với lí do nghề đó đau tim. "Cứ đánh máy một lúc con lại thấy ngực nhoi nhói". Ngân đòi học thêu may. "Con gái làm nghề đó hợp và kiếm ra tiền, sau này xin vào làm ở một hàng may đo nào đó. Bố là liệt sĩ, con chắc được ưu tiên vừa đi làm vừa may thêu ở nhà hái ra tiền, mẹ không cần đi làm chỉ trông nom cho con thôi cũng sung sướng rồi". Ngân nói nghe có lí lắm. Tiền học đắt lại phải mua vải để con tập cắt thử tay nghề, bà cũng cố lo. Họe được ít lâu, cắt được mấy bộ quần áo hỏng hết phải đưa ra cửa hàng nhờ sửa. Ngân chán, bỏ luôn. Một hôm, Ngân chạy về, reo lên: - Con có tin vui thông báo cho mẹ, mẹ chuẩn bị mừng con đi. - Có tin gì đấy, con? – Bà hấp háy mắt. – Chắc là bây giờ con cắt được quần áo đẹp rồi có phải không? - Bà bô dở hơi, còn khuya con mới chịu ngồi đó cắt quần áo hầu thiên hạ! Con như thế này mà phải làm cái nghề đó à? – Ngân nói và kiễng người đứng bằng năm đầu ngón chân, xoay tròn một cái. – Rồi mẹ xem, ít lâu nữa, con gái mẹ sẽ xuất hiện trên sân khấu như thế nào. Hôm ấy mẹ sẽ ngồi ở dưới mà nghe người ta vỗ tay ca ngợi con nhé! - Tức là, như thế nghĩa là con làm gì? – Bà ấp úng hỏi và cảm thấy chóng mặt. Con gái bà đang quay và cái nhà, cái ghế bà đang ngồi cũng đang quay, bà phải vịn tay vào cạnh ghế để khỏi ngã. - Làm gì mà chẳng được miễn là sung sướng. – Ngân nói và chạy ào ra cửa khi vừa nghe tiếng gọi ới lên. Rồi bà cũng phải quen với công việc mới của con. Khi ấy bà cũng đã thanh toán hết số tiền vay mua vải cho con học may. Đó là công việc không bình thường. Đó là công việc của nghệ sĩ, con bà giải thích như thế và bà cũng cố hiểu như thế. Đó là việc múa hát..Và một khi đã là công việc không bình thường và thuộc về đời nghệ sĩ thì cuộc sống không như trước nữa. Bà cố hiểu và cố không thắc mắc với sự đi sớm về khuya và cả những đứa bạn kì lạ của con. Chúng đến, chúng đi ào ào như gió, chúng cười nói và ăn mặc, hút sách chẳng giống ai. Từ đầu tóc đến quần áo, cái gì cũng lạ. Lạ đến nỗi, mỗi khi chúng đến là bà cứ ngây ra nhìn từ cái cúc áo bằng gỗ to tướng như quả quýt đến cái quần ống thật to dài quét đất, lại đến cái ống nhỏ bó khuýp lấy chân, áo thì vằn vện rằn ri hoặc xẻ ngang, xẻ dọc, khuy đồng sáng loáng cả đầu gối lẫn cánh tay, những cái túi to tướng đựng vừa cả con gà, tóc xù, và những bộ mặt son phấn như trát. Có đứa bà đã gặp, đã biết từ trước mà khi chúng mặc, chúng son phấn lên bà không nhận ra, không hiểu chúng là con cái nhà ai. - Bọn bạn con, chúng nó bảo, mỗi lần chúng đến nhà mẹ cứ nhìn nhiều quá làm chúng nó sợ, có đứa bảo mẹ cứ như người ở trên rừng mới về! – Có lần, Ngân đã nói như thế và bà nghĩ cũng thấy phải. Chẳng có người lịch sự nào khách vào nhà lại nhìn kĩ như thế. Nhưng khốn nỗi có một cái buồng nhỏ, chúng nó trông lạ lùng như thế, làm sao mà không nhìn cho được? Thế là, những lần sau, khi bạn của con đến, bà lẩn vào cái chái trong, chỗ bà cơi ra để đồ dùng vặt vãnh và nuôi con lợn, con gà. Nhưng nào chúng có đến một lúc rồi đi mà bảo bà tránh được? Chúng đến rất lâu, có khi còn ăn uống và ở lại, bà không thể ngồi giấu mặt mãi trong bếp, thế là bà đành rải manh chiếu và nằm xuống đất, muốn ngủ một giấc cho qua cũng chẳng ngủ được, phần vì công việc lúc nào cũng ngổn ngang, phần vì những tiếng cười nói ồn ào từ nhà ngoài vọng vào. Nhưng rồi tất nhiên, cuộc vui dù kéo dài mấy cũng phải đến lúc kết thúc. Lúc ấy, hoặc là đêm đã khuya, hoặc là ngày đã muộn, cũng có khi chúng ra về, cũng có khi chúng lăn ra ngủ la liệt trên giường, dưới đất. - Mẹ ơi, còn nhiều thức ăn lắm, ngon lắm, mẹ ăn đi. – Con gái bà lay người đánh thức bà dậy và thì thầm. Lúc đầu bà tự ái lắm, bà có chết đói cũng không ăn thừa, nhưng rồi bà lại nghĩ, nó là con gái bà chứ có phải người ngoài đâu. Ngày xưa, Ngân còn bé bà thường ăn thừa cơm thừa bột của con một cách ngon lành kia mà. - Này, con ơi, tiền ở đâu ra mà ăn uống ghê thế này, hả con? – Bà lo ngại hỏi. – Đồng tiền liền ruột, không ai dại mất tiền không bao giờ. Con không có tiền. Vậy bọn kia bỏ tiền ra để được gì cơ chứ? - Tiền ở đâu mà chẳng được! Mẹ lạ thế nhỉ, cái gì mẹ cũng quan tâm là làm sao? – Mắt Ngân vếch lên, hàng lông mày tỉa nhỏ như sợi chỉ, cau lại. – Con lớn rồi, mẹ phải hiểu con chẳng dại gì. Bọn chúng nó là một lũ ngu si, con dắt mũi tất! - Nhà mình nghèo nhưng là nhà tử tế, bố con là bộ đội, là liệt sĩ. Dù chỉ là một người lao động, nhưng mẹ lao động để sống chứ không bóc lột, ăn bám ai! – Bà cố nói vớt vát một câu rồi im lặng. Bà ăn những thứ Ngân đưa cho, rõ ràng những thứ ngon, mà chẳng thấy ngon, vì mải nghĩ không biết nó ở đâu ra? - Con đã đi làm rồi đấy, hả con? – Một lần, bà rón rén hỏi khi thấy con gái đi biền biệt từ sáng đến khuya mới về. - Vâng, con đi làm rồi. – Cái Ngân đáp rồi vội vã trang điểm. Nhìn con bôi son phấn, bà buồn vì thấy nó xấu hơn so với lúc trước khi trang điểm nhưng không dám nói. Bởi có một lần bà bảo: "Con này, giá con đánh phơn phớt thôi thì xinh hơn, chứ mặt đầy son phấn thế này nhìn hãi lắm", làm Ngân nổi giận, cãi nhau với mẹ một trận tơi bời. Từ đó, thấy con son phấn bà không nói nữa. - Thế con làm ở đâu nói để mẹ biết? - Mẹ lạ thật, cái gì cũng muốn biết, cũng tò mò, thắc mắc. Người hiện đại bây giờ không ai sống thế. Nào, nào mẹ xem, con có bao giờ thắc mắc là mẹ làm những gì, mẹ bạn bè với những ai và có ông nào đang bắn mẹ... - Con này, nói gì lạ thế? Ông nào bắn tao? Ngân cười khanh khách trước vẻ ngơ ngác của mẹ. Rồi cứ thế, hai mẹ con sống bên nhau trái ngược như đen với trắng, như nước với lửa. Người mẹ càng thu mình lại thì con càng phô trương, người mẹ e dè sợ hãi tất cả, giữ gìn tất cả thì con bất chấp tất. Nó lăn xả vào cuộc sống và chẳng cần quan tâm tới bất cứ điều gì, ngoài những cái nó cần và những điều nó muốn. Một hôm, nó dẫn về nhà một chàng trai bé nhỏ và rậm rạp râu tóc. Khói thuốc lá um lên một lúc trước khi cậu ta xuất hiện. Và khi cậu ta bước vào nhà rồi thì tiếng xe máy vẫn còn nổ một lúc lâu ở ngoài cửa. - Xin trân trọng giới thiệu với mẹ, đây là bạn của con, anh Công, Lê Quang Công. – Ngân vỗ vai người thanh niên và ghé vào mẹ vừa cười vừa nói. "Nó dẫn bao nhiêu bạn đến nhà này, chẳng giới thiệu ai một lời, sao thằng này nó lại giới thiệu trịnh trọng thế?”. Bà nghĩ. - Bồ của con đấy! – Ngân như cũng hiểu những thắc mắc của mẹ nên nói tiếp rồi quay sang chàng trai. – Đây là bà già như em đã giới thiệu với anh, hai người làm quen với nhau đi! – Ngân giơ tay nghiêng người như đang ở trên sân khấu. Còn Công thì đặt tay lên ngực và cúi đầu, mỉm cười như một diễn viên chào khán giả. Bà chưa kịp nói sao thì ngoài cửa mấy chiếc xe máy nữa sình sịch tới và từng cặp, từng cặp lao vào nhà. Bà tối mắt lại vì sợ trước sự sang trọng và giàu có của những bộ quần áo tuy lố lăng nhưng bà biết là đắt tiền, của những chiếc xe máy mà bà biết giá của nó còn đắt hơn cả ngôi nhà mà bà đã ki cóp suốt cả đời mới có. Và những đứa con trai, con gái tuy bằng tuổi con bà nhưng nó lại có sự khôn ngoan hiểu biết cũng như những môi má son tô, phấn trát loè loẹt bà nom mà phát sợ, nhưng lại đẹp mắt so với chúng, kể cả mùi thơm của các thứ nước hoa cứ gắt lên làm bà nhức đầu lại làm chúng hãnh diện. Bà vội vã kéo ghế mời chúng ngồi rồi vừa lau bàn vừa bưng bộ ấm chén ra sau rửa. Nhưng chúng lại không uống nước chè tươi xanh ngon bà ủ trong ấm như bà nghĩ. Chúng uống những hộp bia chúng mang theo, và ăn những thức ăn mua sẵn. Chúng vồn vã, ồn ào, nên khi bà bưng khay chén vào nhà phải vội lùi ra. Và để tự do cho chúng bà phải đi thái mớ rau lợn, rồi vò chậu quần áo chưa định giặt... Cho đến lúc tiếng xe máy lại nổ giòn và Ngân chạy vào trong nhà với bộ mặt đỏ gay như mặt trời. - Con đi chơi với chúng nó một lúc, mẹ nhé! Bà chưa kịp hỏi con đi đâu thì tất cả lại biến nhanh chóng như khi chúng đến. Bà bàng hoàng ngẩn ngơ nhìn theo cho đến khi những luồng khói xanh lét của xe máy tan biến. Chúng là con cái nhà ai, làm gì, ở đâu, quan hệ với nhau như thế nào bà không biết và theo như Ngân thì bà không nên biết. Cũng như bao nhiêu điều về bà chúng đâu có cần biết. Người hiện đại là phải như thế. Khổ sở thay, bà không phải là người hiện đại. Bà lại rất mong con gái biết về mình. Những lo nghĩ của bà, những mong ước của bà, nếu như nó hiểu được thì nó sẽ sống khác. Nó sẽ thương bà. Bà nghĩ thế. Những đĩa thịt ăn dở, những khoanh giò cắt to, những xâu thịt nướng, nộm tương ớt đỏ lừ và những hộp bia uống chưa hết, những đầu mẩu thuốc lá đắt tiền. Tất cả ở đâu ra? Những người như bà kiếm được đồng tiền thật khó nên bà tiêu nó cũng khó. Còn những đứa này, chúng nó ăn tiêu hoang phí như thế chắc hẳn chúng nó phải kiếm tiền dễ dàng. Kiếm bằng cách nào? Đầu óc bà trôi dạt những ý nghĩ cho đến khi người hàng xóm bước vào. - Bà ơi, ban nãy có cái cậu nào vào nhà bà có phải tên là Công không? – Bà hàng xóm hỏi ngay không để ý đến vẻ lúng túng của bà Nội. - Ơ, mà làm sao, Công nào? - Công làm nghề hát, đóng kịch, đóng tuồng gì đó, nhà ở phố Ga, gần nhà con dâu tôi, vợ thằng Ngữ. Tôi lên đó chơi gặp cậu ta mấy lần. Ban nãy nhìn nhang nhác, không biết có phải. Bà nhớ lại. Cái tên Công. Đúng là bà có nghe con gái nhắc đến. À, thôi chết, đúng rồi, đó là thằng mà nó giới thiệu là bồ, cái thằng mặt tinh râu là râu. Cái thằng quái bà đang muốn biết nó là ai. - Ban nãy chúng nó đến đông lắm tôi chẳng biết tên đứa nào. Con cái Ngân nhà tôi cũng chỉ chơi với mấy đứa con gái, còn mấy thằng con trai là đi cùng, để tôi hỏi xem có đứa nào tên Công không. À, mà cái thằng tên Công đó là đứa thế nào, hả bà? – Bà hỏi và thấy cần phải giữ gìn cho con gái. - Nó là đứa không tốt. Nó có vợ con rồi nhưng chơi bời, rượu chè, lăng nhăng lắm. Con gái nó năm nay mới ba tuổi cứ thấy bố đưa gái về nhà uống rượu lại chạy sang lấy cốc giấu đi về đưa mẹ. Con vợ nó thì hiền ơi là hiền, khuyên bảo chồng không được chỉ khóc. Cái bát trên tay bà Nội rơi xuống, vỡ tan. - Bà làm sao thế? – Người hàng xóm hỏi. - Già rồi gân cốt yếu, tay cầm cái gì cũng chỉ chực rơi vỡ, từ tết đến giờ tôi đánh vỡ cái bát này nữa là sáu cái rồi! – Bà chống chế và gượng gạo cười. Nhưng rồi, cho đến khi con gái về thì bà không giữ nổi bình tĩnh nữa, bà hỏi ngay: - Có phải nhà thằng Công ở phố Ga không? - Vâng, làm sao? Sao mẹ biết nhà nó? – Ngân vếch mắt nhìn mẹ. - Rừng có vách, ngạch có tai, người ta còn biết cả vợ con của nó nữa cơ. Cô phải cẩn thận đấy, không có rồi khổ đời con gái! - Mẹ không phải lo cho con! Mẹ bảo đứa nào hót với mẹ là liệu hồn đấy không có nhừ xương! Còn vợ con nó à? Vợ con nó không là cái đinh! – Ngân nói và huýt sáo, tỏ vẻ bất cần. Rồi nó quên ngay tất cả những chuyện đó trong khi người mẹ thì ngày càng lo âu, rầu rĩ. Và mỗi khi Công xuất hiện là bà lại mất ăn mất ngủ. Bà cũng không biết phải làm thế nào. Can ngăn Ngân thì vô ích rồi, tìm đến cơ quan thằng kia thì cũng chẳng ăn thua vì mình có con gái mình không dạy được chỉ tố người ta chê cười. Hơn nữa, đến vợ nó còn phải chịu nữa là mình, mẹ một đứa con gái mất nết đi mê chồng người! Bà ngấm ngầm khóc một mình rồi một mình cầu nguyện sự trợ giúp linh thiêng của chồng. Nhưng tất cả đều vô ích. Ngân vẫn quan hệ ngày càng thắm thiết và công khai với Công. Công đến đây thường ngày và hai đứa dạo bộ trước mặt bà con hàng xóm. Như trêu tức, mỗi khi đi bộ hai đứa tay khoác tay nhau. Những lúc ấy bà nhắm mắt lại coi như không biết. Một hôm, chẳng biết hẹn hò thế nào mà Công lại đến nhà khi Ngân đi vắng. Bà vừa đi làm về, sau xe hai thùng nước gạo, với cái chổi và bó rau to tướng đèo từ cơ quan về, vừa đỗ xuống thì cái xe máy của Công cũng vừa xịch tới. Nỗi mệt mỏi sau suốt ngày lao động quét dọn, về đến nhà lại gặp ngay kẻ mình không ưa làm bùng lên trong người bà một sức mạnh, sự nổi giận mà bình thường bà không có. Bà quẳng cái xe đánh ình một cái ở vỉa hè, đi vào nhà, mở toang hai cánh cửa rồi nói: - Mời anh vào đây, tôi có chuyện cần nói với anh. Mấy lần định đến nhà anh nhưng bận quá chưa đến được… Anh chàng diễn viên nghiệp dư ớ người ngạc nhiên, nhưng rồi vẫn cố giữ vẻ tươi cười lịch sự tắt xe máy bước vào nhà. - Bác đi làm về chắc đang mệt, để cháu đem xe bác vào nhà đã. – Công nghiêng người, lễ phép nói. - Cảm ơn. Tôi về được đến đây thì tôi mang được nó vào nhà, anh để sức về nhà giúp đỡ vợ con anh. Họ cần anh hơn tôi, họ cần anh hơn cái nhà này. – Bà nói và ngạc nhiên không hiểu tại sao mình lại có thể nói được những câu khá như thế. - Bác nói gì thế ạ? Bác nói gì cháu không hiểu. – Công tỏ vẻ ngơ ngác và sững sờ. – Cháu đến đây để gặp Ngân, cháu đến đây là vì Ngân... - Ngân là con gái tôi, anh biết đấy, tôi chỉ có một mình nó. Tôi goá chồng từ lúc hai mươi tuổi. Tôi ở vậy để nuôi dạy nó không phải là để gả cho một người đã có vợ có con như anh! - Ơ, bác ơi, bình tĩnh đã bác. Cháu với Ngân đã lấy nhau ngay đâu. Chắc gì chúng cháu đã đi đến hôn nhân mà bác lo gả bán? – Công nhếch mép cười. – Bác nóng vội quá đấy! - Thế anh đến đây làm gì? - Tình yêu mà bác, chắc bác cũng đã có một thời tuổi trẻ, bác hiểu chứ? Tình yêu mà... Ngày nào cũng phải gặp, phải nhìn thấy mặt nhau một tí cho đỡ nhớ thương... Vậy thôi. - Thế còn vợ con anh, hàng ngày anh vẫn nhìn thấy, anh không thương hay sao? - Tình thương chỉ có trên cơ sở của tình yêu và ngược lai có tình yêu mới có tình thương. Còn cháu sống với cô ta không có hạnh phúc. Sắp tới, cháu sẽ gửi đơn li dị để được tự do.... - Dù anh có tự do, có bỏ được vợ anh rồi tôi cũng không bằng lòng cho anh lấy con gái tôi! – Bà gằn giọng. - Cháu sợ bác đi hơi quá chức năng nhiệm vụ của bác đấy, bác ạ! – Công nói và bật lửa, hút thuốc, tỏ vẻ khiêu khích. – Ngân đã mười tám tuổi, Ngân có đủ quyền sống theo tình cảm và ý thích của mình. Ở nước ngoài, đến tuổi 16 là cha mẹ làm lễ trưởng thành cho con rồi cho ra ở riêng, cho tự do... - Đất lề quê thói, ở đâu tôi không biết nhưng ở đây một khi tôi còn là mẹ nó, tôi không bằng lòng thì không ai được làm những điều quá đáng! Nếu anh không nghe, tôi sẽ đến nhà anh nói chuyện với cha mẹ, vợ con anh. - Xin mời! Bác cứ việc! Rất hài lòng! – Công cười, giơ tay đặt lên ngực và nghiêng người, cúi đầu. Bà thấy máu trong người sôi lên, chân tay ngứa ran như kiến đốt. Bà lấy chân đạp vào cái thùng nước gạo, ném mớ rau vào góc nhà rồi đùng đùng xuống bếp cầm cái que đánh con lợn mấy roi. - Anh cút khỏi nhà tôi đi! – Không nén được bà đi ra và nói. - Bác không có quyền đuổi người, tôi đứng trên chỗ đất của Ngân, phần của Ngân, bố Ngân để lại. - Anh không được nhắc đến chồng tôi! Ông ấy mà còn sống ông vặn cổ anh đằng trước ra đằng sau. - Thế thì càng mềm! – Công cười và huýt sáo ngồi bắt chéo chân trên ghế, vẻ khiêu khích. Bà cảm thấy trong này có một con sâu khổng lồ ngoằn ngoèo đang bò trên ghế. Bà cúi mặt tránh không nhìn nữa. Cho đến lúc Ngân về, hai đứa ríu rít trò chuyện và kéo nhau đi. Khuya về, Ngân lật màn đánh thức mẹ dậy cà khịa: - Có phải mẹ đuổi thằng Công không? Nói cho mẹ biết, nếu mẹ còn muốn tôi ở cái nhà này thì mẹ phải chấp nhận nó. - Nó có vợ rồi, con muốn khổ ư? - Kệ nó, đó là việc của nó. - Nó không phải là người tốt. – Bà lí nhí đáp. - Hiếm có, khó tìm đấy! Mẹ mà đuổi nó thì tôi đi với nó đấy. Không thiếu chỗ đâu, cái nhà này chưa to đâu! Không thể chịu được, quá đáng! – Ngân càng nói càng quát to. Rồi Ngân bỏ đi liền hai ngày, không biết đi đâu. Bà lo lắng cuống cuồng. Nước mắt bà lúc nào cũng rân rấn bên khoé mắt khi nghĩ đến con gái không biết giờ này nó đang ở đâu và những gì xảy ra cho nó. "Thôi, con về đi, con muốn đi với đứa nào cũng được, miễn rằng, ít ra mẹ còn được thấy con ở trong nhà..." Đến ngày thứ ba thì bà đành nghĩ như vậy. Ngân trở về với vẻ mệt mỏi cùng những gói tôm và mực khô mang từ Đồ Sơn về. Ngôi nhà nhỏ lại ồn ào, ầm ĩ. Chúng nướng mực và uống rượu. Bà đã tập được thói quen là cúi mặt xuống đất mỗi khi những đứa bạn của con đến nhà hoặc im lặng, lẩn vào gian trong làm một việc gì đấy. Có hôm, chúng về khuya, mắc màn nằm ngủ ở dưới đất, bà lấy hai tay bịt tai. Ngân thấy đã thắng được mẹ, càng làm già, chơi bời thả sức. Bà rầu rĩ, giống như người ốm. Buổi sáng, bà đến cơ quan từ rất sớm, và chiều về rất muộn. Mọi người ngạc nhiên thấy bà làm việc rất chăm chỉ, nhưng lơ đễnh. Bà lau đi lau lại mãi một chỗ, hoặc giả gài khẩu trang lên mang tai rồi lấy khăn che miệng. Thỉnh thoảng, lại lẩm bẩm nói chuyện một mình và vô cớ chảy nước mắt. Những dòng nước mắt đó ít người thấy nhưng ông thủ trưởng cơ quan lại biết. Một buổi sáng, ông đến cơ quan rất sớm và giơ tay giữ lấy cái chổi bà đang quét: - Bác lên phòng tôi uống nước, tôi có chè ngon. - Cám ơn thủ trưởng, tôi không biết uống chè! – Bà đáp. - Tôi có việc muốn nhờ bác giúp... Bà quét nhanh chóng xong rồi rửa tay cẩn thận trước khi bước vào phòng làm việc của thủ trưởng. - Tôi biết bác có chuyện buồn nhưng bác không muốn nói. Trước hoàn cảnh khó khăn của bác, chúng tôi rất băn khoăn, muốn giúp đỡ bác. Chúng tôi cũng hiểu rằng mọi vui buồn của bác là ở chỗ cô Ngân, con gái bác. Chúng tôi rất thông cảm và muốn giúp đỡ bác... - Dạ, cám ơn thủ trưởng đã nghĩ đến tôi, mẹ goá con côi, nhưng không có chuyện gì đâu ạ. Chẳng qua ít lâu nay trong người tôi không được khoẻ, chắc có ảnh hưởng đến công tác, tôi xin cố gắng khắc phục ạ. - Không phải như vậy, bác làm việc rất tốt. Công việc bác đảm nhiêm rất chu đáo, cơ quan trong ngoài sạch sẽ ai cũng khen. Chỉ có điều, vâng, biết bác không được vui, chúng tôi có tìm hiểu hoàn cảnh và khu phố cũng phản ánh cho biết một số điều dị nghị về cô Ngân, con gái bác... - Họ nói gì về cháu thế ạ? – Bà hoảng hồn, ngước đôi mắt đỏ hoe nhìn ông thủ trưởng. - Cũng chẳng có gì quan trọng và chưa đến nỗi nào. Nhưng trong hoàn cảnh xã hội có nhiều tiêu cực, chúng ta cũng phải có trách nhiệm với các cháu hơn. Tôi có suy nghĩ nhiều về chuyện của bác. Tôi nghĩ cách tốt nhất là cho cháu Ngân cách li ra khỏi môi trường hiện tại một thời gian, để cháu có dịp bình tĩnh nhìn lại mình. Sắp tới, cơ quan có một tiêu chuẩn đi lao động ở nước ngoài. Chúng tôi đã bàn và nhất trí ưu tiên cho cháu. Cháu đi xa thì bác cũng buồn, nhưng về kinh tế cũng đỡ khó khăn và nhất là những quan hệ bạn bè phức tạp củacháu ở trong nước cũng có thể giải quyết được. Bác suy nghĩ và cho biết ý kiến sớm để còn chuẩn bị. Nước mắt bà giàn ra vì xúc động. Tất nhiên bà buồn vì phải xa con và sống một mình trong một thời gian dài, nhưng được thoát khỏi sự ám ảnh của thằng Công là bà thấy sung sướng. Khi nghe tin bà cho Ngân đi lao động ở nước ngoài, Công phóng thẳng xe đến nhà và phản đối bằng cách dọa đánh ông thủ trưởng và phá nhà bà già. Ngân tỏ ra thích thú trước tình yêu say mê cuồng nhiệt của người tình. "Mày đã thấy chưa, cái thằng hung đồ đó! Mày làm thế nào thì làm đừng để nó chạy đến cơ quan tao, đeo mo vào mặt đấy!" Ngân chạy đi thuyết phục và khóc lóc với Công một lúc về rũ rượi bảo mẹ: " Có khi con không đi nữa lại hay hơn, mẹ ạ. Đi thì được ít đồ đạc vải vóc nhưng buồn lắm. Thằng Công bảo nếu con đi ở nhà nó sẽ uống rượu và có dịp là nó vượt biên, nó chán sống. Mẹ thử hỏi ông thủ trưởng của mẹ xem, có cỏn suất nào cho nó đi cùng với con. Mất bao nhiêu xong ngay". - Mất bao nhiêu cũng xong ngay à? – Bà Nội thảng thốt. - Tất nhiên! Bao nhiêu mà chẳng được, lấy bằng tiền cũng được, mà bằng cây cũng được – Ngân khẳng định. - Bố mày là liệt sĩ, còn tao đi làm hơn hai mươi năm nay, năm nào cũng là lao động tiên tiến, ba năm nay là chiến sĩ thi đua cơ quan xét ưu tiên nên mày mới được đi như thế. Tao cũng chẳng hiểu nếu tính ra thì giá mỗi suất là bao nhiêu! – Bà Nội nói và thấy một cục giận từ đâu dâng lên ứ nghẹn lấy cổ rồi chạy lên mắt. Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy xuống. - Làm sao mà lúc nào mẹ cũng có thể khóc được? Hay là mẹ đau mắt? Mẹ không muốn cho nó đi thì thôi con cũng chẳng đi nữa. Cần quái gì, ở đâu mà có tiền cũng sung sướng hết! – Ngân gằn giọng rồi bỏ đi. Bà tưởng nó giận dỗi thì nói thế, không ngờ Ngân không đi thật. Bà lo cuống cuồng vội chạy đến thủ trưởng. Nghe xong câu chuyện, ông cười: - Bà thật thà quá! Với cái đứa trái tính, trái nết như thế thì làm cái gì cũng phải có cách, phải khéo một tí. Bây giờ, bác về bảo nó như thế này... Nếu nó không tin bảo nó đến gặp tôi. - Ngân ạ, tao đã hỏi bác thủ trưởng rồi, bác ấy bảo sẵn sàng đồng ý cho thằng Công đi nhưng ba tháng sau mới có suất, còn quà cáp chẳng tốn kém gì đâu vì là chỗ thân tình mà... Vậy con cứ đi trước, nó đi sau. Ba tháng cũng nhanh thôi! – Bà Nội phải tập mãi mới nói dối được một câu như thế. Nhưng dù bà đã cố nói thật tự nhiên nhưng không phải là Ngân đã tin ngay. Nó ngước đôi mắt tròn xoe nhìn mẹ: - Có chắc không? - Bác thủ trưởng bảo nếu cần con lên bác ấy phổ biến cho mà nghe. – Bà Nội nói và cảm thấy run ở trong lòng. Tất nhiên là, Ngân dẫn cả Công đến thủ trưởng cơ quan mẹ rồi mới quyết định lên đường. °
*
Bốn năm qua, Ngân đã trở về. Bà Nội đã trải qua những năm tháng thật dài và cô đơn. Những trận ốm vật vã một mình. Được cái cơ quan và bạn bè, họ hàng nhiệt tình giúp đỡ nên cuộc sống của bà vẫn bình thường và ổn định. Việc từ nước ngoài trở về của một cô gái – dù là một cô gái hư hỏng – nhưng cũng là một sự kiện xôn cả khu nhà tập thể. Bà Nội cảm thấy bối rối trước sự chú ý của mọi người. Gặp lại con gái, thấy con mạnh khoẻ và xinh đẹp hơn ngày ở nhà bà vui mừng khôn xiết. Nhưng niềm vui cũng như những thứ Ngân mang về bốc hơi nhanh chóng. Ngân bán hết thứ này đến thứ khác để trang trải nợ nần và tiêu pha hàng ngày. Ngân tiêu rất hoang và bạn bè cũng rất đông. Tối nay sau bữa cơm kéo dài, ồn ào và nồng mùi rượu, tất cả kéo nhau đi để lại một mâm lớn đầy bát đĩa bẩn và những thứ ăn dở. Bà Nội đứng im một lúc nhìn mâm bát như để tính toán xem dọn cái gì trước, cái gì sau rồi xắn tay áo lên. Đúng lúc khoắng xà phòng rửa cái nồi nấu thịt bò váng mỡ thì bên ngoài có tiếng nổ. Điện loé lên rồi phụt tắt. Cả khu nhà tối om. Bà kêu lên bực bội và sờ sẫm mãi mới tìm được bao diêm châm vào cái đèn nhỏ. Bên hàng xóm có tiếng nhốn nháo. - Cháy dây mát rồi! Trong vùng sáng tù mù bà lại tiếp tục đánh vật với những cái bát và nồi đầy mỡ. Khi mọi việc đã xong xuôi, bà mệt nhoài và ngả lưng trên cái ghế tựa thì các nhà hàng xóm điện loé sáng. Tiếng nhạc, tiếng đàn hát lại vang lên. Bà định sang nhờ hàng xóm chữa giúp điện như khi Ngân chưa về. Nhưng nghĩ sao lại thôi. Từ ngày con gái về bạn bè nó lui tới đông đúc và ầm ĩ, chung quanh đã khó chịu lắm rồi. Lại bỗng chốc, đồ đạc ùn ùn khuân về, dù bà chẳng sung sướng gì hơn, nhưng dù sao với hàng xóm nhà bà cũng đổi khác. Nhất là trong đám bạn lui tới có nhiều thanh niên, bà khôngthể nhờ hàng xóm giúp những việc như thế được. Tất nhiên, một khi bà nhờ người ta vẫn giúp thôi nhưng người ta sẽ cười vào mũi bà và Ngân lại càng bị ehê trách. Bà không muốn người ta ghét con gái mình quá. Thế là bà đành ngồi trong bóng tối khi các nhà hàng xóm điện đóm sáng trưng. - Tắt điện đi để khỏi phải đóng tiền điện đấy hả bà Nội ơi. Chợt có tiếng nói và liền theo một người bước vào nhà. Một người đàn ông. Bà Nội ngồi bật dậy. Bà nhận ra ông Bảng, người thu tiền điện vui tính, mỗi tháng một lần xuất hiện vào buổi tối và đi tới đâu cũng đem tới đó tiếng cười vui vẻ. - Bác nói thế thì oan cho mẹ con tôi quá, không có điện tối mù cả mắt, cháu lại đi vắng. - Bà vặn to đèn lên, cái kìm đâu, bút thử điện đâu, đưa đây, tôi xem nào... – ông Bảng nói, quẳng cái túi và quyển hoá đơn ra bàn xắn tay áo đỡ dây và đấu nối. Ông sai bà làm cái nọ, lấy cái kia, có lúc ông gắt gỏng. Và rồi điện lại sáng lên trong gian nhà nhỏ. Trong ánh sáng hơi gắt vừa bùng lên, ông Bảng trố mắt nhìn bà với cái nhìn ngạc nhiên và có chút hài hước. Bỗng nhiên, trong ánh mắt của ông, bà hơi co người lại và hai chân thu vào gầm ghế. Nhưng rồi ông chỉ cười và xì xụp uống chén nước bà vừa pha. Ông nhìn quanh, đầu gật gù như đang nghĩ ngợi điều gì. - Bà ạ, như thế này thì không tiện nhưng, nếu bà hiểu là tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của bà, cho nên, tôi định nói với bà câu chuyện. Mấy lần tôi đã định nói nhưng chẳng có lúc nào. - Bác cứ nói – Bà Nội cảm thấy chắc lại những câu góp ý quen thuộc về cách sống và các mối quan hệ của Ngân từ ngày về nước. Bà đã nghe bao lần nên thành quen, kể cả những câu thanh minh cho con gái, bà nói chung quen. - Bà đi tất xù đấy à? Bà có biết tất này đi với giày gì không? Giày Adidat nhé, thằng con trai tôi nó vẫn đi như thế đấy! – Ông nói và nhìn xuống đôi chân bà đã cố giấu vào dưới gậm giường. Bà giật mình, và nghe máu nóng chảy giần giật trên mặt. – Cả cái áo cổ xếch này nữa, tuổi bà không ai mặc, bà mặc làm gì? Nói thật với bà, tôi cũng biết may mặc, vải vóc bây giờ đắt và khó sắm nhưng dù sao mình vẫn phải có những cái của mình. Tôi bốn đứa con, cũng có đứa ở bên tây, nhưng nó giúp đỡ gì thì giúp còn tôi vẫn lao động và sống bằng cái của mình... Có như thế thì mới sung sướng được, bà ạ. Lâu nay bà đau khổ nhiều vì cô Ngân, bà không nói nhưng tôi biết, chẳng qua là tại bà. Lâu nay bà đã tự đánh mất mình. - Tại tôi? – Bà Nội ngơ ngác. - Chứ không ư? Tại sao bà là mẹ mà lại tự nguyện biến thành cái bóng của con gái bà? - Cái bóng là thế nào? – Bà Nội lẩm bẩm và ngồi sững. - Thôi được, bà cứ nghĩ thêm đi. – Ông Bảng nói và đứng lên, nhìn quanh nhà – Bà có giận tôi cũng chịu, chẳng phải mình tôi nhận xét như thế mà nhiều người khác. Bà có gì trong cái nhà đầy đồ đạc này. Bà không có gì kể cả một bộ quần áo tốt, mà bà sống được bao lâu nữa cơ chứ? "Một nhà giàu, gả con gái cho Bảng, cho nhà, cho vàng. Lễ tơ hồng, bố mẹ vợ bắt Bảng lễ sống, Bảng không chịu, bỏ về. Đám cưới tan". Bà nhớ lại một chuyện đã xa tít về người thu tiền điện mà bà nghe người ta kể. Rồi bà nhìn xuống dưới chân: Một đôi tất đen cao cổ, có ba vạch đỏ và cái áo màu da bò bằng nhung cộc tay có cái cổ trễ xuống, cái túi giả hình bông hoa với những cái khuy bằng đá lóng lánh bà đang mặc. Bà thấy ngượng, mặt nóng lên. Bà chưa biết nói sao thì ông Bảng đã đi nhanh sang nhà khác. °*
Sau cuộc chơi xa, cùng với nỗi mệt mỏi chán chường, Ngân trở về nhà. Trời đã tối một lúc. Mặc dù không nhìn đồng hồ nhưng cô cũng biết vào giờ này mẹ cô đã đi làm về từ lâu, nhà cửa đã được quét dọn sạch sẽ, gọn gàng và cơm canh nấu chín. Và có thể bà còn đang đứng chờ cô ở trước cửa, mặc dù khi đi cô không hẹn giờ về và có hẹn cũng chẳng bao giờ đúng. Nhưng bà vẫn chờ và chỉ ăn khi nào đã quá đói. Ngân giật mình, dừng lại trước căn phòng cửa khoá. Trong nhà, tối om. Như vậy là mẹ đi từ trước khi có điện, nếu mới đi thì bà thường để ngọn đèn giữa cho sáng nhà. Đi đâu nhỉ? "Mẹ đúng giờ như một chiếc đồng hồ tốt". Có lần, Ngân đã nói với mẹ như thế. Bà chỉ cười một cách hiền lành: "Thì tao còn biết đi đâu. Hết giờ làm ai về nhà nấy, mình có việc gì cần thì đến chứ không mất thì giờ của người ta". Chắc!à mẹ có gì cần đi hoặc vì một việc đột xuất ở cơ quan, hay mẹ ốm phải vào bệnh viện? Ừ, mấy lâu nay trông mẹ hình như ít ngủ, người bơ phờ. Ngân nghĩ và tìm chìa khoá, mở cửa. Căn nhà tối om và giá lạnh. Tìm mãi mới thấy được cái nút điện. Đèn bật sáng. Ngân đưa mắt nhìn quanh. Vào bếp rồi lại đi ra nhà ngoài. Dấu vết của bữa cơm đã ăn, không để phần lại. Chứng tỏ mẹ đã về nấu cơm ăn rồi mới đi. Mẹ không một chữ để lại. Mọi khi, dù chỉ sang hàng xóm, mẹ cũng viết mấy chữ. Ngân đi quanh nhà. Chợt, cô dừng lại: một gói ni lông to để trên giường. Cô mở ra. Mắt tròn lên: Quần áo của mình gửi về mấy năm nay? Sao gói lại thế này? Để đem đi đâu? Những quần áo này thường mẹ vẫn mặc, mẹ định làm gì thế? Cho ai? Đem bán đồng nát? Nếu không, tại sao gói lại? Ngân cau mặt, tìm khoá, mở tủ. Á! Ngân kêu lên: một cái áo mới may màu vỏ đỗ treo trên móc. Ngân gỡ cái áo xuống xem xét. Lâu lắm rồi, Ngân mới thấy một cái áo của mẹ – lại là một cái áo mới may. Thế mới kì chứ. Vải pho, cổ rồi. Bây giờ không ai mặc pho, lại may hai túi vuông có nắp, có khuy bọc, cổ cánh nhạn! Cổ lắm! Nhưng lại hợp với mẹ... Ngân ném cái áo ra giường rồi thọc hai tay vào túi quần, đi quanh nhà. - Xì, vứt! Không là cái đinh gì! Mẹ may sao không bảo mình, phí công! – Ngân bực bội, cầm cái áo treo giả vào chỗ cũ. Hừ, bà già! Dở hơi! Chập mạch! – Ngân đi lại quanh nhà và phát hiện thêm một chi tiết mới: một đôi guốc gót bằng cao ba phân quai ni lông để ở dưới gậm giường... Một đôi guốc của người già! Mình bao nhiêu giày dép cũ bỏ không đi, mẹ mua guốc làm gì? Đôi lông mày Ngân cau lại. Một cái áo của bà già, một đôi guốc của bà già, tất cả đều mới, đều tự tay mẹ mua sắm và tất nhiên là hợp với mẹ. Có gì lạ? Là bình thường! Ừ, các bà già cũng phải được may áo mới và đi guốc chứ! Ngân vẫn tiếp tục đi lại trong nhà, tự đặt câu hỏi rồi lại tự trả lời. Con người hiện đại sống phóng túng, lâu nay chẳng cần cái gì. Chẳng quan tâm tới ai. Bỗng nhiên Ngân cảm thấy một nỗi sợ hãi. Lần đầu tiên, Ngân thấy gian nhà trống vắng đến ghê người – ngôi nhà và nỗi trống vắng mà mẹ cô đã phải sống bao nhiêu năm trời. - Mẹ ơi! Mẹ đi đâu? – Cô kêu lên và vùng chạy ra ngoài. Cô đi qua trước cửa nhà quen mà mẹ cô hay đến chơi, lặng lẽ nhìn vào và sợ hãi khi không thấy mẹ. Cô đi tìm mẹ. Cô cảm thấy, có một cái gì đó đã đến với mẹ cô và cũng có một cái gì đó của cô đang bị mất đi. Tình cảm? Một thói quen hưởng thụ? Tính ích kỉ trước hy sinh của người khác. - Mẹ ơi. – Cô gọi sẽ, thì thầm và vẫn tiếp tục đi qua những ngôi nhà quen thuộc. Cô cũng không hiểu cô đi tìm mẹ để làm gì, chỉ biết rằng chưa bao giờ cô tha thiết được gặp mẹ đến thế. Tháng ba, cuối xuân nhưng cái lạnh của mùa đông vẫn còn rớt lại dùng dằng mãi vào những ngày xuân muộn. Trong các ngôi nhà, dưới ánh đèn sáng ấm, lần đầu tiên cô chú ý đến những người khác, chú ý đến những cuộc sống gia đình bình thường đang diễn ra trước mặt. Những con người, trong các ngôi nhà như các bộ phận trong một cộng đồng nhỏ bé, gắn với nhau và vì nhau. Có nhà đang quây quần quanh mâm cơm, có nhà đang ngồi xem ti vi, có người đang chơi đùa với trẻ con. Cô ngạc nhiên, lạ lùng vì đây là lần đầu tiên cô chú ý đến sinh hoạt của các gia đình vào buổi tối. Mọi khi hoặc cô đi chơi, hoặc bè bạn kéo đến hay ít nhất cũng có mẹ quẩn quanh với những công việc trong nhà, những công việc không tên và không bao giờ hết. - Mẹ ơi! Mẹ về đi! – Cô thì thầm gọi mẹ và ngạc nhiên thấy một dòng nước mắt nóng bò trên má. Cô về nhà và ra phía sau. Cô cúi xuống rửa mặt và ngẩng lên nhìn trời. Một khoảng trời hẹp bị cắt giữa hai ngôi nhà cao tầng hiện ra như một miếng bìa màu xanh đen. Một dấu chấm tròn to như quả bóng nổi lên ở phía xa – cái két nước của khu tập thể – một khoảng trời phía sau nhà. Khoảng trời mà chắc mẹ cô vẫn thường ngước nhìn lên những khi mẹ ở nhà một mình. - Mẹ ơi! – Cô gọi và vùng chạy ra ngoài. Trên đầu cô, một khoảng trời đen thẫm, lung linh những vì sao.Hà Nội, tháng 3 năm 1986.