Dăm ba cơn mưa muộn. Dăm ba vạt nắng sót. Thế là buổi chiều đi lẩn vào đêm. Một đêm như bao đêm. Chút hơi nước hắt lên mái nhà như hơi thở còn tiếng tiếc của một ngày bình thường và dịu dàng ở phố nhỏ này.
Tôi đã trở về. Thành phố đêm trùng vây là những cửa sổ. Những cửa sổ giăng mắc trên không trung chật chội bê-tông. Một dãy phố dài uốn cong, liêu xiêu là những cột đèn ngỡ một đời mất ngủ. Bác xe ôm mệt mỏi rít hơi thuốc cuối rồi dụi mẩu đót ngắn vào cột điện rêu bẩn, ra giá.
"Hãy chở tôi đến cửa sổ thứ chín ở hẻm thứ năm, ngõ mười lăm, khu phố mười chín!". Tôi nói.
Chiếc xe ôm quanh quẩn mãi trong những hẻm phố lùng nhùng dây điện và đèn vàng để rồi dừng lại đổ khách.
Rồi tiếng máy chạy vù khuất sau những khối mảng bê-tông bợt màu.
Tôi ngồi quán cóc đầu ngõ để ngước mắt nhìn lên cửa sổ sáng đèn ấy. Tôi nhớ đến những cánh cửa sổ đã đọc đâu đó trong một tác phẩm của một nhà văn phương Tây. Tôi cũng nhớ mình đã trôi qua không gian khung cửa sổ ấy từ hôm qua hay kiếp nào đó không rõ nữa.
Thời thanh niên mơ mộng và ngông cuồng.
- Bia!
- Làm gì lâu nay không vác đít đến đây cha nội? '
- Tôi đi xa.
- Tui nghe đồn ông chết rồi?
- Ừ...
- Bia hổm rày lên giá! Xăng dầu lên giá, mọi thứ đều lên! Kể cả gái!
- Không lo! Cứ mang ra. Tôi có tiền!
- Nhìn cha nội xanh mà sang...
- Ừ!
Cửa sổ trên cao. Hai cánh cửa xanh mở hờ hững. Màu đèn vàng khắc lên bức tường tối. Hai cánh cửa gỗ xanh được mắc bởi một thứ móc chắc bên dưới để gió không đập chúng vào nhau. Mà chẳng bao giờ gió. Gió không đến đây. Vì đó là ngôi nhà thụt vào so với những ngôi nhà khác trong dãy phố. Nó bị kẹp chặt giữa hai khối bê tông cao, đồ sộ và sang trọng. Nếu dãy phố này là một bản giao hưởng xô bồ thì cánh cửa sổ kia là một thanh âm trong trẻo và lạc lõng chìm tan giữa muôn thứ âm thanh chát chúa khác. Nó là thứ thanh âm mê man lạc lõng giữa trùng vây đô thị.
- Mới lấy chồng, bị đánh ghen, tạt a-xít, biết chưa?
- Chưa. Có sao không?
- Không sao. Ngữ ấy, sống dai lắm.
- Giờ sao rồi?
- Không sao. Nhưng cái mặt chần dần, chẳng làm gì được ngoài ăn xin.
- Thế còn đến vũ trường không?
- Mặt mũi nào đến đó! Chốn son phấn phồn hoa...
- Uống đi!
- Ừ...
Cửa sổ thầm lặng hắt hiu màu đèn vàng vọt. Lúc nào cũng tỏa lên không gian trên cao một gam ấm và cũ. Nhiều lúc, không thể hiểu nổi giữa những khoảng tường rêu lặng và lạnh lùng của đô thị mới, còn ai có thể chấp nhận cái sắc màu buồn và lặng lẽ ấy. Tôi cũng như lũ đàn ông đã đi qua. Nhiều người đã ngồi trên chiếc ghế của tôi để nhìn lên khung cửa đêm. Và chờ đợi một điều gì đó từ ô cửa kia. Nó không quá ấn tượng, chỉ đủ để khắc lên mình một nỗi nhớ da diết. Thời gian phủ quanh khung cửa kia là những vết rêu nham nhở. Có khi trong mùi dạ hương của vũ nữ, có thể cảm nhận những sự đổ vỡ, bợt màu của thời gian.
- Vẫn đi về đấy chứ?
- Vẫn! Có khi vào uống bia.
- Một mình?
- Vẫn chân dài váy ngắn?
- Không!
- Thường mấy giờ về?
- Sớm! Vừa về xong.
- Sao không thấy bóng?
- Đó! Thỉnh thoảng có hắt bóng... Bóng nhạt!
Những chuyến xa chở mùi mưa trôi qua con đường cong như cánh cung sắp bật những mũi tên bắn vào con quái vật khổng lồ đang kiệt cùng mệt mỏi lê chân mang tên đô thị. Đèn vàng giăng từ đầu ngõ. Vẫn thứ màu vàng vọt trên chùm dây điện rối vắt thòng từ những thân cột mục ruỗng hẩm hiu. Chiếc ghế. Quán bia. Những người đàn ông đã theo con đường cánh cung này về đây và ngồi ở góc quán này. Ngước lên khung cửa. Trong đầu óc của nhiều gã đã nghĩ đến chuyện một ngày, từ trên khung cửa ấy nhìn về con đường. Từ trên khung cửa ấy, nhìn về thành phố. Không quá cao cũng không quá thấp. Đủ để thấy ấm áp, đủ để thấy mình đã cất lên khỏi mặt đất để nhìn về nó. Và được tắm mình trong màu đèn vàng cô quạnh kia.
Góc quán nhỏ. Thời gian khắc khoải. Và những bóng người hắt hiu trôi dưới kia nào nghĩa lý gì.
- Làm ăn thế nào?
- Tạm!
- Xanh mà sang đó chứ!
- Ừ!
- Vẫn còn người qua ngồi đây uống bia đấy chứ?
- Thỉnh thoảng. Nhưng biết tạt a-xít, biết tàn đời, nhiều người đi biệt, không quay lại đây nữa. Cái ăn đời là ở sắc vóc. Mất là coi như tiêu tùng!
- Hồi xuân chắc vẫn đẹp?
- Ừ. Hồi xuân. Nhưng bó tay rồi. Không còn hình dong. Nở nang thì cũng vậy. Sắc vóc đã biến mất. Biến mất rồi ông ơi! Đừng tơ tưởng!
- Người có lúc...!
- Ừ
Tự sự của tên chủ quán bia:
Tôi đã ngồi ngắm cửa sổ ấy ba mươi năm. Say rượu với nàng. Khóc. Hát. Và cuồng nhiệt trong ánh đèn ấy. Tôi cũng ngồi ngắm lũ đàn ông thay nhau về trên cửa sổ ấy. Có kẻ đã bước vào nó bằng vẻ rón rén, lén lút, có kẻ đường bệ và điềm nhiên, cũng có kẻ dặt dè lần đầu làm chuyện mê muội chùng liếm. Cửa sổ ấy, lạ lắm, chẳng bao giờ đóng. Chẳng bao giờ có người từ đó nhìn xuống. Chỉ thấy bóng hắt qua màu đèn, hắt lên trời những mảng đen trong màu đèn vàng. Sau này có bức tường khách sạn, những chiếc bóng lướt qua. Hắt lên tường. Nền trời xám. Mưa cũng như nắng. Xám. Và lạnh. Màu đèn vàng và màu đêm đen.
Hai bên khách sạn xây lên. Tưởng ngôi nhà cũ kia cũng bị thanh toán. Nhưng không. Nó vẫn rớt lại. Y nguyên cửa sổ. Y nguyên dáng dải tường xám rêu. Rớt lại như một sự lạc lõng và trêu ngươi. Từ đấy, những chiếc bóng bên trong hắt lên tường khách sạn, đã có một background cho những chiếc bóng hằng đêm nương vào đó mà ra hình hài.
- Đó, nhiều đêm có thể thấy những chiếc bóng thay đồ... Ngực tròn căng, mông nở, cơ thể thanh mảnh.
- Nhưng làm sao biết được?
- Hãy nhìn lên vách khách sạn. Vách tối kia...
- Ừ...
- Có đêm còn nhảy múa những nhịp điệu rộn ràng...
- Uống đi!
- Phù phiếm thật!
- Ừ!
Nhật ký của lữ khách
Khung cửa sổ. Rốt cuộc cũng chẳng để làm gì. Chẳng ai nhớ. Nhưng nó vẫn tồn tại trong không gian ấy. Một khung cửa sổ luôn mở. Mưa lùa vào, nắng soi thấu. Và thời gian âm u trôi ngoài kia bằng những tiết điệu từng bản nhạc vàng xưa buồn bã.
Tôi đã theo chiếc bóng ấy về đây từ thuở thanh xuân. Tôi đã ngồi ở quán bia này chờ đợi từng đêm say. Chiếc ghế tôi ngồi cũng là chiếc ghế nhiều gã đàn ông tìm đến. Tất cả đều đi tìm một sự sẻ chia phù phiếm nào đó. Rồi cũng chẳng để làm gì. Quá lắm, cái vẻ đẹp kiều diễm phấn son ấy cũng đã xưa cũ như vài cơn say nông nổi của thằng đàn ông thích chinh phục và khi đứng trên đỉnh điểm của mình, hắn thấy hoàn toàn trống rỗng và vô nghĩa lý. Cũng chẳng để làm gì.
Tôi cũng đã tắm trong ánh đèn ấy. Với âm nhạc dập dìu. Với vòng tay mơn trớn và cuồng nhiệt. Với những tiếng rên rỉ khoái lạc giữa cơn bồng bột thanh xuân. Tôi đã no say điên đảo trong vẻ đẹp của một thời còn sót lại. Nhịp chân cuống quýt. Làn môi huê tình. Và hơi thở luống muộn. Rồi tất cả cuống quít, dập dìu, dập dìu và lan ra toàn thân một cuộc xung đột xác thịt dã man. Tôi và chị như hai con thú cuồng mê. Để rồi tất cả lả đi. Màu đèn vàng lả đi. Khung cửa sổ ngoài kia gió giật. Có cơn bão xa kéo về. Thời gian là tiếng gió vi vút qua đêm khuya. Một đêm khuya hữu hạn cõi người. Và tôi đã nằm trong vòng tay ấy mơ về những bước nhảy uyển chuyển bồng bềnh vòng xoay của Valse, những bước xoay tỏa hương của Rumba và những bước giật của Tango... Tất cả, tất cả bồng bềnh vào giấc ngủ mê mệt của chàng thanh niên bồng bột bỡ ngỡ và một góa phụ quen son phấn vũ trường.
Tất cả, tôi đã trải qua. Phía trong khung cửa sổ ấy. Khi khung cửa vẫn mở mà không sao có thể nhìn xuống góc phố. Âm nhạc thoát lên từ một bờ vực nào đó của thời gian. Tango ngất ngả lơi lả hay nhịp xoay của Valse bồng bềnh xoay, êm đềm gợi tình. Những bước chùng chân mềm mại. Lụa. Tôi nằm phủ mình trên lụa và âm nhạc cứ thế tan ra trong từng hơi thở, trong từng cơn rên la của khoái lạc. Tôi lặn sâu. Tôi lao mình lặn sâu vào vẻ đẹp của một miền thời gian đã khuất.
- Khỏe lắm!
- Vâng, còn khỏe lắm!
- Hồi xuân?
- Nhưng cũng qua rồi!
- Ít ai còn nhớ tìm về. Trừ mày!
- Cũng chẳng để làm gì.
- Ừ!
Tôi bán bia quán cóc. Tôi là người mê say vẻ đẹp bên trong khung cửa sổ kia. Trong những đêm khuya. Sau những cơn bã bời son phấn và men rượu. Chẳng còn ai. Tôi là người bế bồng người vũ nữ ấy trên tay và lần lên khung gác cũ ấy. Đèn vàng phố lọt vào một khung vuông. Khung vuông trên nền sàn bằng ván mục. Lụa. Tôi đặt nàng vào bố cục một bức tranh. Lụa mềm. Tôi ngần ngại mở bờ môi, mở khoé mắt mở hơi thở và mở tất cả những huyệt đạo giác quan mê say. Lụa nằm dưới khung đèn vàng loãng trăng. Mắt tròn xoe nhìn lên cửa sổ. Ánh sáng ấm và loãng làm tôi mụ mị. Tôi phải biến tan đi.
- Ngủ rồi hả?
- Ừ, từng ngủ.
- Yêu chứ?
- Yêu! Vớ vẩn ấy mà. Cho qua ngày đoạn tháng...
- Nào chỉ riêng mình!
- Ừ!
- Bia đắng quá!
- Bia đắng. Địt mẹ, bia đắng!
- Ngày trước tui biết ông cũng mê...
- Mê chứ. Mê màu vàng bên trong khung cửa sổ. Dân kiến trúc tụi tôi thích những khối mảng không gian như thế. Mềm và ấm. Đô thị đang mất dần đi những vẻ đẹp đơn giản ấy bằng những khối bê tông lý tính và trơn tru không lưu đọng điều gì cả.
- Dân bán bia thì thích nhìn những vũ điệu của bóng. Nó như người say. Nó gợi sự may mắn. Bán bia là bán sự say cho thiên hạ. Ấy, triết lý đơn giản vậy thôi.
Bóng tràn qua cửa sổ. Đèn vàng hắt lên nền phông của bức vách khách sạn một vũ điệu rã rời...
- Cũng hay!
- Chẳng ai còn đến nữa. Khốn nạn thật!
- Quán bia cũng ế chứ gì...
- Ừ!
Đêm cuối tôi ở lại phố có vài kỷ niệm buồn. Người đàn ông uống bia đã chuốc cho tôi say. Hay cũng có thể tôi có nhu cầu say và quên đi tất cả. Rồi mai lại ra đi. Hình như trong cơn say, ánh đèn và những dải bóng mờ nhạt kia đã dẫn chân tôi và gã lần lên căn gác gỗ ấy. Cảnh tượng chúng tôi thấy được là trong ánh đèn vàng hắt ngược từ dưới chân lên khung cửa sổ, một vũ nữ đang dìu chiếc ghế gỗ trong một vũ điệu valse êm đềm,vòng xoay mềm mại, lả lướt, ở những vòng xoay cuối cùng là những vòng tay lả trên mỗi nhịp bước dừng. Lướt đi, lả ngất, bước đi, lả ngất, bước đi, lả ngất, xoay xoáy, lả lơi, xoay xoay, lả lơi... Những vòng xoay mềm mại trở nên như những dòng xoáy vào không gian vắng lặng. Chỉ có ánh đèn vẫn hắt lên màu buồn bã. Đôi chân thon vẫn trôi đi, trôi đi mịt mù. Vòng tay vẫn cuống quít bám vào thành ghế, bám vào một thực thể thời gian đang vùn vụt qua. Lạnh và vô cảm.
Qua khe cửa, tôi nhìn thấy người đàn bà trét cả một mảng phấn vào mặt. Khuôn mặt không còn đường nét gì. Trắng bợt bạt như một bóng ma. Hay một mặt nạ trong vở kịch Nô của Nhật Bản.
Chúng tôi đã trở về. Hôm sau. Tôi chia tay chủ quán bia và rời phố trong cơn say mịt mù.
Phố cũng đang vào mùa mưa.
 

Xem Tiếp: ----