Nguyễn Lê Kỷ Niệm.
Nguyễn họ bố, Lê họ mẹ. Kỷ Niệm là tên chú bé ấy.
Đó là một chú bé gầy gò, xanh xao, nhút nhát, lúc nào cũng sợ sệt. Không ai biết chú sợ cái gì và vì sao sợ. Nếu có ai tò mò hỏi chú chỉ lắc đầu, nét mặt ngơ ngác như chính chú cũng không biết. Ở hoàn cảnh mình chú chẳng có gì phải sợ. Chú là con nhà giàu mà bây giờ người ta gọi là mạnh. Rất mạnh. Chú lại có nhiều anh chị. Chú là út, thứ bảy. Người chép miệng: "Thời buổi này 7 con, nhiều quá!". Người lại nói: " Con anh, con tôi sao bằng con chúng ta". Kỷ Niệm là con của chúng ta - ông Bình, bà An. Hai người đều to béo, mạnh mẽ đang ở tuổi 50. Hàng ngày, ông Bình ngồi chiếc Dream màu mận chín, bà An đi Cúp 50 màu ốc bươu lung linh ánh bạc phóng vun vút trên các đường phố. Họ đều là cán bộ nhà nước nhưng đồng lương và những gì họ thu nhận được từ công tác không đủ để uống nước và mua xăng chạy xe hàng ngày.
Họ ở trong một biệt thự bên hồ không xa trung tâm là bao nhưng rất yên tĩnh. Đó là một ngôi nhà ba tầng có vườn cây ăn quả và hoa lá bao bọc xung quanh - Nhà có 9 buồng to nhỏ các loại nhưng lại chỉ có bốn người ở: ông Bình, bà An, Kỷ Niệm và bà giúp việc tên là Vú Em.
Sáu anh chị của Kỷ Niệm đều ở chỗ khác, trong các khu tập thể. Mỗi lần, có việc đến thăm chú đều phải nhanh chóng chuồn ngay vì nhà nào cũng đông đúc, chật chội, ồn ào với bao nhiêu cảnh sống bê bối khác nhau.
- Bố mẹ ơi, sao bố mẹ không cho các anh chị ấy đến ở với bố mẹ, nhà rộng như thế này?
- Nhà này chỉ có con được ở thôi. Con là con của bố mẹ.
- Các anh chị ấy cũng là con của bố mẹ chứ? - Niệm cãi lại. Ngày ấy chú còn bé.
- Lớn lên con sẽ hiểu. - Bố mẹ đều nói thế. Có nhiều điều bí hiểm đang còn ở phía trước. Đó là việc sáu người anh chị của chú. Ba người là con của mẹ chú với một người đàn ông đã già, gầy yếu mà mỗi lần gặp chú chào là bác. Ba anh chị là con của bố chú với một người đàn bà còn trẻ và lam lũ mình chú gọi là cô. Ông bác và bà cô này ở với con trai, con gái của họ. Mỗi lần gặp chú, họ chẳng mấy vui vẻ nếu không muốn nói là khó chịu mà chú không hiểu được vì sao. Vì thế nên chú thường phải rút lui rất nhanh về ngôi nhà mênh mông hoang vắng chỉ có bà Vú Em quanh quẩn như cái bóng. Bà Vú Em nghễnh ngãng nên rất ít lời. Bà được bố mẹ chú rất thích. Mọi chuyện trong nhà dù có to tiếng bà cũng không nghe, không biết. Từ sáng sớm đến đêm khuya bà cặm cụi làm hết việc này đến việc nọ không lúc ngừng tay. Bố mẹ đi suốt, chỉ ghé về nhà một lúc buổi trưa, ăn uống, cười nói ồn ào rồi trèo lên giường ngủ. Một lát sau lại vội vã ra đi cho đến tối mịt hoặc đêm khuya.
Ngày một buổi đến lớp vui vẻ với bè bạn trở về chú cô đơn trong ngôi nhà rộng lớn. Im lặng như tờ. Thỉnh thoảng, chú lại giật mình. Tiếng chuông điện thoại reo vang. Những giọng nói, tên gọi lạ lẫm, việc dặn lại rắc rối, khó hiểu. Chú nghe, căng óc ghi vào tờ giấy theo lời mẹ.
Trong nhà còn có hai sinh vật nữa: con Natô và con Vàng.
Natô là con chó lai, lông xám xù, cao lớn lừng lững như con bê nhỏ, mắt sáng quắc suốt ngày đi lại quanh quẩn trong nhà, thỉnh thoảng lại sủa ầm ĩ khi một chiếc lá rơi hay có ai chạm vào cánh cổng. Mỗi sáng, Natô được ăn một bát phở đập trứng gà rồi tráng miệng một cốc sữa. Mỗi lần nhìn mẹ ném từng khoanh giò cho con chó nhá, người Niệm lại cồn lên một cái gì như sự đau khổ.
- Bạn con, nhiều đứa nhịn đói đi học! - Niệm nói, giọng xa bẵng. Nó cảm thấy muốn khóc khi mẹ nó quắc mắt: - Đứa nào ngu thì đứa ấy chết. Nuôi chó tây mà không cho ăn đủ chất nó sẽ ngu đi. Này xem nó khôn như thế nào. Mẹ giơ tay. Con chó đặt chân trước vào tay mẹ. - Có khách! - Mẹ lại nói. Con chó nhìn ra cổng, mũi khịt khịt, sẵn sàng chồm lên.
Mẹ thích thú mở hộp kẹo sữa, bóc ném cho chó. Con chó há miệng đớp rồi nghiêng đầu, nhai ngon lành. Nó ăn đến chiếc thứ ba thì nhè ra. Mẹ cầm viên kẹo ném ra sân rồi đứng lên. Niệm kéo áo mẹ. Con chó đang đứng ở thềm quay ngoắt lại, gừ gừ tiến đến gần Niệm, nhe răng.
- Tao có đánh bà của mày đâu! - Niệm vội vã bỏ áo mẹ ra.
Bà An sung sướng:
- Chó thế mới là chó chứ!
- Trông cứ như con lợn, bụng to phồng, bốn chân bé tí! - Niệm lầu bầu.
- Tại bố mày không chịu dắt nó chạy! - Mẹ phàn nàn - Con này mà được tập luyện thì nhất.
Niệm đi xuống nhà dưới. Con vàng nằm trong đống giẻ lau khô ở hành lang và đang đùa với cái chổi rơm. Niệm bế nó lên lòng. Đó là một con chó bé nhỏ. Hôm bố đem về nó chỉ to hơn bắp ngô một tí. Bố để nó trong túi áo măng tô, tươi cười gọi Niệm:
- Đố con biết bố mang về cho con cái gì đấy?
Niệm chạy lại và hét toáng lên vì sung sướng khi trông thấy con chó. Mẹ cũng chạy tới và cũng hét toáng lên:
- Đem vứt con chó ghẻ ấy đi không bẩn nhà tôi!
- Nó có ghẻ đâu, lông nó mượt như nhung! - Bố khẽ khọt và cầu cứu Niệm. - Có phải thế không con trai của bố?
- Đúng! Lông nó mượt lắm! - Niệm đáp.
- Nó còn bé thế này, nuôi đến bao giờ mới lớn để làm thịt? - Tiếng mẹ gằn gằn.
- Chẳng mấy chốc đâu! - Bố nói và vuốt ve con chó. Con chó như một cuộn bông nằm ép trong lòng bố, dụi cái mõm nhỏ xíu đen đen vào áo bố. Bố đặt nó vào tay Niệm: - Tặng con! Niệm run lên vì sung sướng, ôm chặt con chó vào lòng.
Mẹ chì chiết:
- Tôi cũng lạ cho ông, chó Tây, chó Nhật có giá trị bảo ông thích đã đành, đằng này đi thích chó quê, mắt toét.
- Mắt nó đen láy thế này sao bảo toét? - Bố nâng mặt con chó lên. - Mắt bà dễ đẹp bằng mắt nó đấy?
- Ông ví von thế à? - Mẹ quát rồi kêu lên. - Thôi chết rồi, tôi hiểu rồi, con bồ nó cho ông con chó này chứ gì?
- Tôi mua ở chợ, chứ bồ bịch nào cho?
- Xem nhà ai cần nuôi, bán rẻ cho người ta. Nhà mình chẳng nên nuôi loại chó này. Bao giờ mới ăn thịt được cơ chứ?
“Hết bán lại thịt, sao mẹ ác thế?” Niệm ôm con chó vào lòng, nước mắt chảy xuống.
- Này, bà cứ nói mãi, con khóc rồi đây này. Mua về cho con nó chơi cho vui, chứ có mua cho bà đâu! - Bố gắt.
- Chơi với chó tây chứ ai chơi với chó ta! Natô, lại đây chơi với anh! - Giọng mẹ véo von và thơm lừng mùi nước hoa.
- Ứ ừ… Con chơi với con chó tí này cơ! - Niệm vẫn ôm chặt con chó. - Con không thích con Natô.
- Ông thấy tác hại của việc ông đem con chó bẩn thỉu này về chưa. Con trai của chúng ta cứ chơi với con chó này sẽ hỏng tư duy của nó.
- Hỏng tư duy! - Bố gật gù, cười nửa miệng.
Tiếng chuông điện thoại reo vang cắt đứt cuộc cãi vã. Bố nghe điện thoại xong, hối hả đổ xăng vào xe máy, mẹ ngồi trước bàn phấn và thay áo. Không ai chú ý đến con chó, trừ Kỷ Niệm. Nó đặt con chó ngồi lên đầu rồi xem xét, ngắm nghía. Nó sung sướng nhận ra đấy là một con chó đẹp và quý. Mặt nó tròn xinh, mõm ngắn, đôi tai không giỏng lên mà lại cụp xuống trông như hai chiếc mộc nhĩ, đôi mắt to đen mơ màng, buồn buồn. Trên trán có hai chấm trắng, trông như bốn mắt, đuôi xù như bông lau phơ phất. Càng ngắm càng thích, chú ôm con chó và cúi xuống hôn lên cái đầu tròn của nó. Con chó giơ cái chân có đốm đen lên âu yếm chạm vào má Niệm.
- Kìa! Nó tát thằng bé kìa! Con bỏ nó ra không nó làm đau con bây giờ! - Mẹ nhìn vào gương, vừa vuốt hàng mi cứng đờ vừa quát. - Bẩn thỉu! - người mẹ hét - Bọ nó sang người mày đấy!
Chú bé cuống lên, đẩy con chó ra. Người mẹ chạy tới, cầm con chó ném ra cửa. Con chó kêu khe khẽ rồi lết đôi chân đau vào trong góc tối gậm cầu thang, nằm ẹp.
- Đi tắm rồi thay quần áo đưa bà giặt cho! - Mẹ nói.
Niệm cởi áo ném vào chậu nước.
- Vù đi! Muộn rồi! - Bố giục mẹ.
- Bà đem con chó nhốt xuống bếp. - Mẹ dặn bà Vú Em trước khi xe nổ máy. Niệm thở phào khi cổng sắt đóng lại.
°
*
Đêm ấy mưa vào hạ. Sấm đầu mùa rầm rĩ. Bà Vú Em lẩm bẩm:
- Sấm giờ này năm nay no đây!
Điên mất. Những ngọn đèn dầu bị gió lùa vào khe cửa phập phùng. Mùi dầu hăng cay. Kỷ Niệm thu mình trong góc phòng, hai tay bịt chặt tai. Sấm nổ dây chuyền trong tai chú, lúc bùng to, lúc dịu đi, âm âm nhức nhối hai thái dương. Chú nằm nép vào một góc giường. Hơi mưa lạnh lùa vào khe cửa. Chú rùng mình, kéo chăn trùm lên người.
Có tiếng cào nhẹ vào cánh cửa. Giống như gió, giống như mưa. Lúc đầu, Niệm không chú ý. Rồi tiếng động rõ hơn, kéo dài hơn. Chú vùng dậy, chạy ra cửa.
- A! - Chú kêu lên.
Một tia chớp loằng ngoằng loé sáng. Cánh cửa hé mở. Niệm nhìn thấy con chó vàng nhỏ xíu đang lắc người rũ nước từ những đám lông ngắn bù xù màu rơm chín. Chú ôm chặt con chó vào lòng. Trong đêm tối mờ thoáng ánh chớp xa lấp loé đôi mắt đen tròn như hạt nhãn của con chó vàng ngước nhìn chú bé.
Thoáng ngấn nước.
- Làm sao em khóc? Ai đánh em? - Niệm hỏi và vuốt ve cái trán nhỏ có hai đốm trắng - Ai đánh em?
Con chó nhìn Niệm đăm đăm, lặng thinh, đôi mắt như muốn nói điều gì. Nó nép vào người Niệm, khẽ run.
- Em rét à? Đúng rồi. Mưa ướt thế này em phải rét chứ? - Chú lấy khăn lau đám lông ướt cửa con chó rồi kéo nó lại gần đèn. Ngọn bấc bị gió đánh bập bùng chỉ toả ra một tí hơi ấm chẳng đủ sưởi cho con chó đang run bần bật. "Làm thế nào bây giờ nhỉ?" Kỷ Niệm luống cuống. Từ bé, chú chưa bao giờ chăm sóc ai, chưa tự làm một việc gì. Chú nhớ lại khi chú bị ướt và rét. Tức là tắm vào mùa đông. Phòng đóng kín và có lò sưởi. Tắm xong, người ta ủ chú vào trong cái khăn bông to, ôm vào phòng rồi mặc quần áo. Chú lần tìm cái khăn bông trùm lên con chó rồi ôm nó vào lòng. Con chó nằm im thin thít, rên khe khẽ. Vì sung sướng hay vì đói rét? Chú chẳng có kinh nghiệm gì về việc này. "Có gì cho mày ăn được nhỉ?". Phải rồi, sau khi tắm xong người ta thường cho chú ăn bánh hoặc uống sữa. Chú để con chó nằm trong chăn, lần mò ra bếp mở tủ lạnh lấy hộp sữa đổ vào cốc để gần miệng con chó. Con chó chun người lại, mũi đánh hơi inh ỏi "Mày không biết uống sữa à?" chú thất vọng cầm hộp sữa để lại tủ lạnh. Một củ khoai luộc lăn lóc trên bàn bếp. Chú cầm củ khoai bẻ nhỏ để vào miệng con chó - Nó hít hít rồi ngoạm lấy từng miếng, nhai nhóp nhép.
- Kỷ Niệm ngủ chưa đấy, con? - Tiếng mẹ dóng dả. - Mở cửa cho mẹ vào chơi với con một tí nào.
- Con ngủ rồi, mẹ ạ - Niệm nói to, giọng run lên.
- Sao con chốt cửa làm gì? - Tiếng mẹ cằn nhằn, tay mẹ đập vào cánh cửa.
- Gió lạnh, mẹ ạ. Mẹ ngủ đi! - Niệm đáp, trống ngực đập thình thịch.
“Nếu mẹ cứ đòi vào thì làm thế nào? Giấu con chó ở đâu?" Niệm sợ hãi, lấy chăn trùm con chó đề phòng nó có kêu mẹ cũng không nghe tiếng. Con chó như cũng hiểu tai họa đang nấp rình bên cạnh, nó nép mình im như thóc trong đống chăn gối. May sao tiếng guốc bên ngoài đã xa dần.
°
*
Vàng đã lớn. Ngực nở, bụng thon. Bộ giò thanh mảnh. Những cụm lông vàng óng mềm mại nuột nà như tơ. Cái tai, cái mõm xinh xinh. Đôi mắt ngời ngợi sáng. Tuổi dậy thì đã đến.
Kỷ Niệm thích đi dạo bên hồ, mỗi buổi sáng.
- Con phải chạy, hít thở không khí trong trẻo buổi sáng mới khoẻ được. - Bố bảo.
- Nhà mình rộng mát thế này, không khí cũng trong lành sao còn phải ra đường? - Mẹ nói.
- Trong nhà không khí trong lành nhưng bên hồ trong lành hơn - Bố khăng khăng.
Bố thường thắng trong những cuộc tranh luận về vấn đề gì đó. Còn mẹ lại được cuộc về những chuyện tính toán mua sắm.
Niệm dẫn chó ra hồ.
Chú bé không ngờ cô nàng chó của chú lại được thế giới loài chó đón rước nồng nhiệt đến thế. Các cô chó cái thể hiện rõ bản sắc giới tính: gầm gừ tiến đến, mắt ngầu ngầu, răng nhe như sắp đớp vào bộ giò thon thả của vàng một miếng rồi nhai ngấu nghiến. Có ả còn xông thẳng đến, ghé sát cái mõm dài vào mặt vàng, mép vênh lên, hực một tiếng đe dọa.
Vàng đủng đỉnh bước đi không mảy may sợ hãi. Thong thả và lơ đễnh vàng đưa đôi mắt đen ngời sáng nhìn đây đó. Mỗi bước chân, ánh mắt của cô nàng hút theo bao nhiêu chàng chó. Các chàng cung cục chạy theo vàng, mũi khịt khịt đánh hơi loạn xạ. Có chàng còn nồng nhiệt lia một chân đá nhẹ hông vàng một cách tình tứ. Có chàng lượn sát mũi vàng rồi đột ngột thè lưỡi liếm lên bộ lông đài và vàng ươm rung lên như sóng. Đôi mắt đen của vàng khẽ chớp chớp rồi nghiêng người, tránh qua.
Kỷ Niệm thấy bằng lòng. Thế mới phải là giống cái. Chứ lại hính lên vừa nhìn thấy đực là chạy nhắng, dứt đứt dây, gọi không về nữa như con chó nhà thằng Khoa. Tệ hại hơn nữa là chó nhà thằng Cường suốt ngày gầm rít đòi ra đường. Ra đường là dính nhằng ngay vào con đực. Nay con này, mai con khác…
Kỷ Niệm thấy vui vui. Niệm huýt sáo bài hát mà nó yêu thích:
Đêm, khuya ta ra thăm đồng, đêm tối không trăng không sao. Ta ra thăm đồng, đêm tối không trăng không sao… Con vàng rung rung đôi tai mộc nhĩ nghe ngóng như hiểu như không. Đôi chân tung vó nhè nhẹ. Chú bé và chó chạy một vòng quanh hồ.
Bữa sáng ấy, Kỷ Niệm ăn thật ngon miệng vèo cái đã hết bát phở có đập trứng gà. Vàng cũng vậy, đĩa cơm rang thừa của con Natô ả chép miệng mấy cái đã sạch trơn, mà vẫn còn như thòm thèm. Niệm biết nó còn đói. Khi pha sữa cho Natô chú pha loãng một chút. Quả nhiên, Natô chỉ ngửi qua rồi bỏ đi và vàng lại được thừa hưởng.
- Chó ta không quý bằng chó tây, hàng nội không giá trị bằng hàng ngoại. - Mẹ nói.
- Thế còn bà nội với bà ngoại, ai hơn? - Niệm hỏi.
- Chuyện ấy thuộc lĩnh vực khác! - Mẹ gắt, mặt cau lại.
°
*
Một buổi sáng, khi Niệm và vàng đang đứng trên bãi cỏ ven hồ thì có tiếng xe máy rú lên. Một chiếc Win to dài, màu đỏ sẫm từ phía xa lao tới.
Trên xe hai thanh niên chở nhau. Niệm nhìn thoáng thấy những râu tóc dài cợp, khuôn mặt lạ lạ, quen quen, như đã thấy ở đâu đó, lại như chưa nhìn thấy bao giờ. Người cầm lái đeo kính đen, mắt xếch, người ngồi sau đội mũ che gần kín mắt. Xe lao như gió. Con vàng bỗng cất tiếng sủa vang rồi chạy lồng lộn, cuống quýt.
- Người qua đường việc gì đến mày mà sủa? - Niệm mắng con chó rồi tránh vào bãi cỏ.
Nhưng… kìa!
Người đôi mũ ngồi sau xe bỗng vung tay. Một sợi dây tung ra. Thoáng cái, một thòng lọng quàng vào con vàng, thít lại quanh cổ. Con chó rú lên những tiếng khủng khiếp, điên cuồng giằng sợi dây.
- Ơ kìa! Ai? Cứu!
Niệm kêu lên, cổ tắc nghẹn. Nó đứng sững, hai tay giơ ra phía trước, mồm há hốc khi con vàng bị kéo đi, chạy dồn theo cái dây mà người trên xe đang thu ngắn.
- Ai cứu tôi với! Cướp! Cướp!
Nó vùng chạy, đuổi theo. Cái Win với tốc độ của gió thoáng cái đã mất hút. Con vàng bị kéo lê trên đất như một túm giẻ. Cái dây rút ngắn dần. Niệm còn nhìn được hình ảnh cuối cùng trước khi cái xe mất hút: chiếc bao tải trùm lên con chó, ôm gọn trong lòng người ngồi sau.
Niệm gào thét, chạy luẩn quẩn tới lui chỗ ngã ba đường. Cổ khản đặc. Nó bắt đầu khóc.
Có nhiều đôi mắt nhìn nó, từ các cánh cửa mở, ở bên đường, giống như nó đang diễn một trò gì lạ mắt.
- Con chó vàng của cháu bị chúng nó bắt đi rồi. - Nó nói. Tiếng nói xen lẫn tiếng khóc. Một số người xúm lại.
Nó thấy nét mặt của người ta chăm chú. Có tiếng thở dài, chép miệng. Lại có cả tiếng cười. Trời ơi, sao người ta lại có thể cười được khi có kẻ giữa ban ngày cướp đi con chó của nó. Như vậy là nó mất con chó thật rồi sao? Hay người ta đùa? Trời ơi, ước gì đó chỉ là một trò đùa.
Nó đứng châng hẩng giữa trời. Chung quanh nó một đám trẻ con xúm xít, bàn tán xôn xao. Nó mê mụ nghe tiếng người mà không hiểu nghĩa. Bỗng, mẹ từ đâu chạy đến, nắm tay nó:
- Mất thì thôi, mẹ mua cho con chó khác đẹp hơn, việc gì phải khóc!
- Không phải thế! - Niệm đưa tay giụi mắt. Nó muốn nói gì mà không diễn đạt được bằng lời.
- Mất bữa thịt chứ gì? - Mẹ trề môi - Chục nghìn ăn nhoè…
Niệm cúi xuống đất. Đâu đó như vẫn còn in dấu chân nhỏ bé của vàng.
- Con không hiểu tại sao nhiều người nhìn thấy bọn chúng cướp chó của con lại lờ đi? - Niệm lí nhí nói khi nhìn thấy bố đến.
- Họ là những người vô trách nhiệm! Dửng dưng trước tội ác cũng là tội ác! - Bố dẫm mạnh chân xuống đất. - Đồ dã man! Lúc ấy mà bố biết bố lấy xe máy đuối theo thì chúng nó chết!
- Chả bõ công. Mấy cân thịt được bữa chén chứ quái gì! - Mẹ vẫn giọng điệu của mẹ.
Niệm không nói gì. Nó lầm lũi trở về nhà, lên giường nằm đắp chăn tận cổ. Mọi người mở quạt máy nhưng nó thấy rét.
"Vàng ơi, bây giờ mày ở đâu?".
Nước mắt chú bé rỉ tràn hai bên má.
- Không việc gì phải buồn, rồi mẹ sẽ mua cho con chó khác! - Mẹ nói và ngồi trước tủ gương với các loại son phấn.
- Bố sẽ nhờ công an điều tra. Bố sẽ tìm ra thủ phạm. Bố sẽ cho nó rũ tù! - Bố nói an ủi Niệm và nháy mắt với mẹ. Rồi, cả hai lại lên xe, ra đi như mọi ngày.
Mọi ngày, khi bố mẹ đi vắng chú chơi với con vàng. Chú nói chuyện với nó, có khi chơi tung bóng. Nó vụng về nhưng hiểu cả. Nó biết lấy chân gạt bóng lại cho chú. Và đuổi chuột. Cũng có khi nó nằm xuống cho chú cưỡi lên lưng lê đi quanh phòng. Và nó là khán giả ngồi xem chú hát. "Vàng ơi, bây giờ mày ở đâu? Bọn chúng đã làm gì mày rồi?”.
Niệm lau nước mắt, vùng dậy, len lén bước ra ngoài sân sau khi đóng chặt cửa phòng lại.
°
*
Niệm đi ra chợ. Chợ gần, chợ xa. Chú dừng lại trước những hàng thịt chó. Chỗ này có con luộc chín vàng còn để nguyên, chỗ kia có những đùi, những chân đã chặt để cạnh cái đầu chó nhe răng trắng ởn.
Như cười. Cái đuôi cong tít như đang mừng vui ve vẩy. Lá húng xanh. Riềng vàng. Mắm tôm đặc sánh…
- Mua đi! Mua đi! Cầy tơ. Sống ở đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không? - Người bán hàng nói và liếm môi. Bộ quần áo nhôm nhem màu cua đất cành cạch, lì lì. Cả cái mũi và hàm răng. Nhòn nhọn, nhom nhem, cáu bẩn.
- Vào làm đĩa thịt chó, chú em! Thịt mềm ngọt hết sảy đấy!
Niệm quay đi. Rồi đứng thần nhìn một người đàn ông húp sùm sụp bát tiết canh chó đỏ au.
- Tiết canh vừa lành vừa bổ, ăn một muốn ăn hai, đê! - Tiếng anh bán hàng dẻo quẹo.
Niệm quay đi. Em đi mãi.
Sáng. Trưa. Chiều. Rồi tối.
Ở đâu cũng có hàng thịt chó. Ở đâu cũng có người đèo chó trong sọt, dắt chó trên đường. Bóng dáng chó lấp ló trong các nhà. Tiếng chó sủa đâu đó. Quen thuộc. Lạ lủng. Con nào cũng giống con vàng.
Lại không phải con vàng.
Đôi mắt tìm kiếm vô vọng của Niệm đăm đăm sầm tối và đục bụi.
°
*
Tìm trẻ lạc.
“Con trai Nguyễn Lê Kỷ Niệm 12 tuổi… bỏ nhà đi ngày... Khi đi mặc quần nhung, áo nhung, đội mũ, đi dép da, người gầy cao. Ai thầy cháu ở đâu báo cho cha mẹ cháu là... ở tại số nhà... hoặc đồn công an gần nhất. Gia đình xin chịu mọi phí tổn và hậu tạ. Kỷ Niệm ở đâu về ngay. Bố mẹ rất mong nhớ con". Người ta nghe và đọc trên màn ảnh tivi dòng tin ấy và cả bức ảnh nhỏ của Niệm vào một buổi tối. Rồi mẩu tin ấy được nhắc lại suốt mấy ngày sau. Rồi thôi. Cũng chẳng ai biết Niệm đã về nhà chưa. Và cũng chẳng ai quan tâm. Mọi thứ đều bị quên đi trong bận rộn hàng ngày.
Rồi bỗng một hôm cũng trên màn ảnh tivi người ta lại đọc và nghe.
Nhắn tin. Nguyễn Lê Kỷ Niệm, con ở đâu. Về nhà ngay. Vàng đã về rồi. Bố mẹ Bình An chờ con. Hà Nội tháng 6 năm 1991.