Có một điều gì giống như sự giật mình khi tôi nhìn thấy chị. Chợt nhớ lại lần gặp trước. Khoảng cách giữa hai lần gặp chừng nửa năm, hơn kém một chút, không đáng kể. Vậy mà, chị, so với lần gặp trước như khác hẳn. - Sao gầy thế, chị Nhạn? - Gầy lắm à? – Chị hỏi và cười rất tươi, vẻ mừng rỡ. - Gầy lắm. Dễ phải sút đến mười cân. Sao thế? Chị ốm à? - Ốm đau gì đâu. Ngược lại, rất khỏe. Sút bảy cân thôi. - Bảy cân, con số đáng kể đấy chứ? - Ừ… Đáng kể. Nhưng nhìn người thế nào? - Trẻ hơn. Nói thật, trước hơi mập. - Đúng. Mọi người cũng nhận xét như vậy. Họ bảo mình gầy như thế này nom dễ chịu hơn nhiều. – Chị nói và cười đôi môi thắm một thứ son Mỹ màu cam chín nhìn thật tươi. - Chị vẫn gặp Thơ đấy à? - Chẳng có việc gì phải gặp. – Chị nói và mỉm cười bí hiểm. - Thế còn ông xã? Ở ngoài hay ở trong kia? - Thôi rồi... - Sao lại thế? – Tôi giật mình. - Ra toà rồi. Xong, mua vé máy bay ra luôn đây… - Mọi thứ giản dị nhanh chóng thế thôi à? - Ừ. – Chị lại cười. – Bây giờ mình là con người của tự do. - Chắc là chị đi theo tiếng gọi của Thơ. - Thơ với Thẩn! – Mình cũng thôi anh ta rồi. - Thôi cả Thơ? Vô lí! – Tôi kêu lên. - Thật đấy! Bây giờ mình với anh ta chỉ còn vướng mấy thứ đồ đạc chưa đòi lại, thế thôi. - Sao lại đến nông nỗi ấy? Hai người yêu nhau bảy, tám năm trời. Chỉ mong được tự do là đến với nhau? - Trước đây mình cũng nghĩ như thế nên khi ông xã biết, chả là mình đánh rơi ảnh chụp chung với Thơ hôm tết năm ngoái, hắn bắt được làm ầm lên, đe dọa gửi đơn tố cáo lên cơ quan Thơ và cấm không cho mình ra Hà Nội. Mà Thơ thì lại viết thư vào nói là ốm, mong mình ra. Tội nghiệp, thế là mình làm căng và đòi li dị. Ông xã không chịu, định làm dữ. May nhờ có một con bé quen hay đến tiệm mình mua bột ngọt về bán miến lươn, sống cô đơn, chồng vượt biên, chắc ngoẻo trên biển rồi nên đã hai năm nay không có tin tức. Cô ta buồn lắm. Mỗi lần đến nhà mình nhìn gia cảnh ấm cúng cô ta lại khóc. Cô ta rất khen ông xã và nhiều lần kêu lên: “Em chỉ muốn có một người chồng chí thú như anh nhà chị”. Có lần cô ta còn khen ông xã mình đẹp trai. Thế là, mình gặp cô ta và nhờ đến nhà giúp đỡ trông nom hộ cửa hàng. Rồi mình đi tối ngày. Có cô ta, ông chồng mình cũng không cấm riết mình đi nữa và tất nhiên, lửa gần rơm… Mình chờ và khi lửa vừa bén thì xuất hiện. Mình đòi ly dị. Mọi việc đều giải quyết êm thấm. Xong, mình bay luôn ra đây. - Chỉ thương con bé con. – Tôi thở dài. - Nó cũng lớn rồi. Sau này có điều kiện mình sẽ đón nó ra ngoài này ở với mình. Nhưng bây giờ thì chưa được. - Chị vẫn chưa nói chuyện về Thơ. - Ờ… – Chị ngẫm nghĩ, như muốn sắp xếp một cái gì đó trong đầu. Tôi thấy hiện ra trước mắt một người đàn ông cao lớn, nét mặt lúc nào cũng rầu rầu (không hiểu đó là cái buồn cố hữu hay anh ta cố tỏ ra như thế cho hợp với hoàn cảnh), ăn mặc xuềnh xoàng, có khi còn lôi thôi, với cái xe đạp cao lênh khênh, trơ trụi, và cái tủi vải căng phồng. - Sách đấy! Suốt ngày lúc nào cũng chỉ đọc sách cho nên mới khổ. Lần nào đi chơi với nhau cũng đọc thơ. Thuộc rất nhiều thơ tình. – Chị Nhạn giới thiệu với tôi. - Anh ấy là nhà văn hay nhà thơ? - Văn thơ gì đâu! Làm kinh tế mà lại thích văn nghệ nên mới rách. Lần nào gặp, mình cũng phải cho ăn một cái gì. Thương lắm cơ, cậu ạ. Có lần hai đứa đi qua chợ, cứ dừng lại nhìn những quả chuối, thế là mình mua luôn cho một nải, ăn bằng no, bằng chán thì thôi. Mỗi lần gặp tôi chị lại say mê kể về người tình của chị. Thơ, không phải là tên mà là một biệt hiệu chị đặt cho người mà chị rất mực yêu thương, gắn bó suốt bao nhiêu năm trời. Một người có vợ, có con, nhưng không có hạnh phúc – theo lời anh ta nói vợ thì bần tiện xấu xa, con thì hư hỏng bất hiếu – ấy là theo lời chị thuật lại. Hai người đã có với nhau nhiều kỉ niệm. Họ đã đưa nhau lên rừng, xuống biển. Nhắc đến những năm tháng phải đằng đẵng xa nhau, nhiều khi chị đã khóc. Nhìn những dòng nước mắt chảy trên gò má đã có nhiều nếp nhăn, tôi cũng mủi lòng, thương cả hai người. Chị Nhạn, bạn hàng xóm lâu năm của tôi. Chị đã có hai đời chồng. Người chồng thứ nhất chị lấy lúc còn quá trẻ, tìm hiểu chẳng kĩ càng. “Ở cái tuổi 18 đâu đã biết chọn lựa!”. Chị vẫn thường kêu ca. Tính khí người chồng không hợp, không biết chí thú, mà phóng túng, nghênh ngang, có con rồi chẳng biết lo toan, một mình chị quá mệt mỏi vì gánh nặng gia đình. Giữa lúc đang chán chường, chị gặp một người biết chiều chuộng xây đắp gia đình và chị không ngần ngại khi li dị người chồng thứ nhất – mặc dù lúc đó đứa con mới lên năm. Hôm chị đèo quần áo đi ra để “làm lại cuộc đời” thì đứa con lăn ra ôm lấy chân chị mà khóc. “Mẹ ơi, mẹ đi đâu? Mẹ cho con đi với!”. Chị gạt nước mắt gỡ tay con, bước đi. Không phải chị không thương con nhưng chị thương thân mình và cái thai đang đạp trong bụng thúc chị phải nhanh chóng đi về phía người cha của nó. Người chồng thứ hai quả thật đáp ứng một số nhu cầu của chị. Họ dắt nhau vào Sài Gòn. Họ có nhà, có mọi thứ đồ dùng tiện nghi của một gia đình giàu có: xe máy, tủ lạnh, ti vi màu, và một cửa hàng nhỏ. Đứa con gái ra đời được hết mực chiều chuộng. Nhưng một thời gian sau, khi đã đạt được những yêu cầu trước mắt, chị lại thấy trong chị xuất hiện những thiếu hụt và một khoảng trống, mỗi khi người chồng lăn ra ngủ say như chết sau những công việc hoặc thời gian đi vắng xa, hoặc những lúc anh tỉ mỉ với hàng trăm thứ việc gia đình mà chị vốn không coi trọng. Một buổi chiều, sau cơn mưa rào thoáng nhanh, đường phố Sài Gòn tươi mới, mát rượi. Cảm thấy như ngột thở trong cái cửa hàng nhỏ bé, chật ních hàng hóa, chị đóng cửa, đi ra đường và lao vào hàng trái cây, mua từng gói, từng bịch như một cô gái lần đầu tiên đến thành phố, để rồi hối hả đến trú dưới một mái hiên vì cơn mưa lại xối xuống. Một người đàn ông ôm trên tay một chồng sách mới mua ở một vỉa hè gần đó cũng chạy tới trú mưa, chăm chú nhìn chị rồi reo lên: - Nhạn đấy phải không? Trời ơi, thật là quả đất tròn! Em ở đâu hiện ra thế này? Chị rất xúc động khi gặp lại anh, người quen cũ từ những năm chị còn đang ở với người chồng thứ nhất trong một khu phố cũ kĩ, nghèo nàn. Hồi đó, chị vẫn sang nhà anh mượn sách về đọc những lúc buồn và hai người thường nói chuyện với nhau rất lâu về những cuốn sách đó. Anh có vợ con nhưng anh ta cũng chẳng yêu thích – trong cái gia đình nhỏ của anh luôn vang lên những tiếng nói chua gắt của người vợ – một người bán hàng bách hóa quen gắt gỏng khách hàng. Chị biết thế, mặc dù mỗi khi gặp. nhau, họ rất ít nhắc đến người thứ ba. - Thế nào, dạo này anh sống ra sao? – Chị hỏi và cảm thấy gương mặt anh chợt buồn – Vẫn ở ngoài kia hay đã vào trong này rồi? Anh đưa cho chị chồng sách mới mua: - Vẫn ở ngoài ấy thôi, thỉnh thoảng vào đây ít hôm thay đổi không khí. Chẳng phải ai muốn di chuyển là dọn được ngay như em! Đời anh bây giờ chỉ có sách là vui. Anh mới mua được mấy quyển của Remarque, em thích thì cầm về đọc… Gặp lại anh – sự tình cờ chị lại thấy như có sắp xếp của số phận. Anh lịch lãm, anh có tâm hồn, anh không giống hai người chồng của chị. Những bài thơ anh đọc cho chị nghe trong lúc trú mưa đã làm chị nhìn mọi thứ như khác đi. Đó là những bài thơ tình hay nhất của thế giới – nhờ anh mà chị đã biết. Rồi những cuốn truyện xa lạ của phương tây như những hạt mưa đá gõ vào cánh cửa đóng kín tâm hồn của chị, lấp đầy những khoảng trống. Chị cảm thấy như đã tìm được anh, như anh đến từ trong nỗi mong chờ, khát khao của chị. Rồi cơn lũ tình yêu đã cuốn chị và anh vào dòng xoáy của nó. Trước khi chia tay anh, chị đã đóng gói cả một cái máy Akai cùng mấy chục băng nhạc hay, để anh mang theo ra Hà Nội nghe cho đỡ nhớ thương trong những ngày xa cách. Rồi với lí do phải mở rộng buôn bán hai miền mới có lãi nhiều, hàng tháng chị bay ra Hà Nội ít nhất một lần. Còn anh, một năm cũng tạo cớ vào miền Nam công tác độ hai ba đợt. Có biết bao nhiêu kẽ hở để họ gặp nhau và tình yêu của họ ngày càng thắm thiết. - Mình không muốn sống như thế này. Yêu nhau phải xa nhau là khổ, lại phải chung sống với người mình không yêu lại càng khổ hơn. Nhiều lúc chị chán đời lắm… – Chị đã bao lần nói với tôi như thế. Chị kể có đêm chị từ Sài Gòn ra Hà Nội, vì lí do gì đó không gặp được Thơ, chị thường lang thang vật vờ quanh khu nhà anh ở, nhìn ánh sáng từ ô cửa sổ nhà anh toả ra, bóng anh di động trong nhà, cho đến lúc cánh cửa sổ đóng lại chị mới thẫn thờ ra về, để rồi hôm sau chị thức dậy từ sáng sớm, đứng đón ở một đoạn nào đó trên đường anh đi làm, đi ăn sáng với anh hoặc đưa cho anh một cái gì đó chị mới yên tâm ra về lao vào công việc buôn bán, lỗ lãi. Nghe những lời kể say sưa về tình yêu, lại nhìn những nếp nhăn lác đác trên vầng trán và màu da sàm sạm của chị, nhiều lúe tôi thiết nghĩ: như vậy thì thời hạn của tình yêu và tuổi tác con người ở đâu. Thông thường, ở vào cái tuổi ngoài bốn mươi, nhất là với phụ nữ gần như mọi tình cảm vui buồn đều tập trung vào gia đình con cái, những lo âu về trách nhiệm và bổn phận. Sự sôi nổi, say sưa dành cho tình yêu chỉ ở trong quá khứ. Hình như hiểu những ý nghĩ của tôi, chị chợt nhìn sững tôi và thở dài: - Kể ra bây giờ sắp lên ông lên bà rồi mà nói chuyện yêu đương cũng không hợp, nhưng tại tuổi trẻ mình nhầm lẫn nhiều quá. Có chồng, có con mà có được yêu mấy đâu! - Cháu lớn của chị năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? - Hai hai tuổi tròn rồi. Công nhân rồi. Còn thằng em nó thì mới nhập ngũ năm ngoái, giờ ở tận Lào Cai. Nhiều lúc nghi đến chúng nó mình cũng buồn. Vợ chồng ly dị, con cái khổ. Cả hai đứa chẳng đứa nào vào được đại học. - Chúng nó không hư là may lắm rồi. Nhiều nhà vợ chồng song toàn mà con đi tù thì sao? – Tôi an ủi chị. Tôi biết mỗi lần nói đến con chị lại day dứt, buồn phiền. Dù chỉ là một lúc. Tình yêu và Thơ bao giờ cũng là câu chuyện bất tận. Và khi chuyện đã hết, chị lại quáng quàng vội vã chia tay tôi. Cho đến một ngày nào đó, gặp lại nhau, câu chuyện lại được tiếp tục. - Sao, chị nói xem, tại sao chị lại bỏ cả chồng, cả Thơ? – Tôi hỏi, sau bao tháng ngày mới gặp lại chị. - Á à… Chuyện dài lắm. Kể ra bây giờ sợ không kịp. Sắp tối rồi. Hay là thế này nhé. Tối nay, cậu đến nhà mình. Ta đi chơi, nói chuyện. – Chị nói rồi vội vã bước đi. °
*
- Do thuận tình và có sự hối thúc của cả hai bên giữa tôi và K, việc ly hôn được giải quyết rất nhanh gọn. Ra khỏi toà án, tôi vội trở về nhà. Con Oanh cang phơi lò cò ở trước cửa, nhìn thấy tôi toét miệng cười, đưa cho tôi chùm chìa khóa rồi nói: “Má ở nhà thổi cơm, con qua mấy đứa bạn chút xíu”. Tôi vội nói: “Con ở nhà, má có việc phải ra Hà Nội gấp”. - Má đi ngay bây giờ? Có việc gì mà phải gấp dữ vậy? – Đôi mắt con bé nhìn tôi sửng sốt. - Thì công việc làm ăn mà con. Má đi ít hôm rồi má lại về. – Tôi nói. - Ba đâu không chở má đi? - Ba bận về sau. Má đi xe hàng cũng được. Tôi nói và vào nhà thu dọn gấp gấp. Tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại phải vội vã cuống quýt đến thế. Một ít quần áo, tư trang, tiền và ít hàng. Tôi đi cùng Oanh ra đầu phố, gọi xe gắn máy, ôm hôn con gái mấy cái và chỉ một lúc sau tôi đã có mặt ở sân bay. Thật may mắn, chuyến bay chiều đó có một người mắc bận đột xuất trả lại vé. Thế là, vào lúc sắp tan tầm giờ chiều thì tôi đã lừng thững xách cái va li nhỏ bước đi trên đường phố Hà Nội. Tôi đến đứng đầu phố, dưới gốc cây sấu chỗ hàng ngày Thơ vẫn đi làm qua. Và chỉ một lúc sau, tôi gặp Thơ. Nhìn thấy anh, người tôi run lên mừng rỡ, sung sướng. “Anh ơi, em đã hoàn toàn tự do. Em có thể đi với anh bất cứ lúc nào và làm bất cứ việc gì cho anh”. Tôi nghĩ những điều sẽ nói với anh. Trống ngực đập thình thịch, tôi đứng ra mép đường khi cái xe của Thơ vừa lao tới. - Ơ! – Thơ kêu lên, sững lại. – Anh không nhầm, Nhạn đấy ư? Em ra bao giờ? – Thơ vội vã nhảy xuống xe, vui vẻ, cười nói. - Em vừa xuống sân bay là đến đây ngay. – Tôi nói và nhìn anh. – Hình như anh có gầy hơn trước. - Em ra được bao lâu? - Em ra ở luôn, ở hẳn ngoài này với anh. Em có một ít tiền và vàng, ta mua một căn nhà nhỏ, và như thế, anh đến với em lúc nào cũng được. – Tôi nói sau khi hai đứa vào một quán giải khát ở một phố hẻo lánh nhìn ra hồ. - Rồi sao nữa? – Thơ hỏi và nhìn tôi chăm chú. - Rồi em tìm một việc gì đó và hàng ngày anh đến với em. Cuối năm, hoặc sang năm anh xin về hưu và chúng ta sẽ sống công khai với nhau. Bây giờ, còn sợ cơ quan, chứ về hưu rồi chẳng ai có quyền cấm đoán được. - Em quyết định như vậy từ bao giờ thế? – Thơ hỏi. - Từ lâu rồi chúng ta đã bàn như thế, anh không nhớ sao? - Từ bàn bạc đến thực hiện là cả một quá trình. Nhẽ ra trước một việc lớn như thế em phải hỏi ý kiến anh đã. Bây giờ em đặt anh trước một sự đã rồi. Mọi thứ đâu có dễ dàng, đơn giản như em nghĩ. – Thơ nói và thở dài sườn sượt, nét mặt ủ ê, buồn chán, khác hẳn với dự kiến của tôi. - Có phải anh sợ em đổ trách nhiệm cho anh không? Vì yêu anh nên em mới quả quyết như vậy. Nhưng không sao. Anh cứ yên tâm mà sống cuộc đời của anh. – Tôi nói và đứng lên. - Bình tĩnh đã nào. Có phải anh sợ trách nhiệm đâu. Trước sau, anh vẫn nghĩ cuộc đời anh, hạnh phúc của anh là của em. Em ra đây anh rất vui. Nhưng… - Nhưng sao? - Nhưng anh nghĩ, nó chưa đúng lúc. Mụ vợ thô bỉ của anh thì không bao giờ chịu bỏ anh rồi, trừ phi mụ ấy ốm đau hoặc bị tai nạn mà chết. Anh đề nghị li dị, chẳng bao giờ mụ ấy bằng lòng. Mụ ấy la lên chuyện của em với anh thì rất rầy rà. - Chẳng có cái gì được mà không mất. Em bỏ tất cả để đến với anh thì anh cũng phải mất cái gì chứ? - Giời ơi! Mất đầu anh cũng chẳng tiếc nhưng già rồi, sắp có dâu có rể mà để xảy ra chuyện gì anh ngượng lắm. - Anh xin về hưu đi. - Xin thì họ cho ngay. Nhưng mấy chục năm công tác dứt ra về chưa đúng lúc, thiệt thòi lắm. Cuối năm nay, họ dự kiến cho anh đi nước ngoài một chuyến. Em nghĩ xem, xin về rồi thì làm sao được đi nữa. Cơ quan lại đang xin vốn để xây dựng nhà ở. Anh cũng phải có tiêu chuẩn chứ. Về rồi ai mà cho nhà nữa. Lại còn lương. Sang năm mới đến hạn. Anh đang lo nhập thêm hộ khẩu hai ông bà già vào hộ tịch để tiêu chuẩn nhà khá một chút. - Trời ơi! Anh lo tính mọi thứ, chẳng mất, chẳng thiệt tí gì. Còn em, em bỏ hết. Nhà cao cửa rộng, chồng em mới mua cho em một cái xe 102 em cũng bỏ hết để ra đây với anh. Em sẵn sàng vì anh mà nằm đất, mà đi bộ. – Tôi kêu lên, rên rỉ. Nước mắt tôi chảy ra. Trời bắt đầu tối. Vẻ bồn chồn sốt ruột trên nét mặt Thơ. - Anh phải về. Em xuất hiện đột ngột quá anh không kịp chuẩn bị. Em hiểu cho anh. - Chuẩn bị gì? – Tôi quắc mắt. - Chuẩn bị đi với em như thế này. Chẳng nên thất thường quá để họ nghi ngờ. Họ nghi rồi mình khó hoạt động. - Nếu tôi biết như thế này không bao giờ tôi ra đây. - Anh nghĩ là, nếu như em muốn, ngày mai em lại vào Sài Gòn vẫn cứ được. Cứ coi như là do giận dỗi mà em bỏ đi. Còn chuyện chúng ta sẽ giải quyết sau. - Thôi được, nếu anh sợ trách nhiệm, tôi sẽ lấy chồng ở ngay chính thành phố này – Tức giận quá tôi nói thế chứ thực ra lòng tôi đang rối bời đâu nghĩ đến ai. Vừa nghe tôi nói vậy, nét mặt Thơ tươi hẳn lên. Giọng Thơ không giấu được vẻ mừng rỡ. - Đúng rồi? Em cứ lấy chồng quách đi cho đỡ mang tiếng. Còn tình cảm của anh đối với em vẫn như xưa. Chúng mình vẫn cứ gặp nhau khi có điều kiện. - Tức là tôi nên lấy một người khác và tiếp tục lừa dối họ để đi với anh, anh muốn như thế chứ gì? - Như thế là ổn hơn. Anh không muốn làm phiền em vì hoàn cảnh của anh. Mà em cũng đỡ khổ vì sống một mình. Tôi tát Thơ. Rồi quay đi. Tôi vừa khóc vừa chạy sau khi nhìn lại một lần cuối khuôn mặt tái dại của Thơ trắng ra như sáp. Lúc tôi lên được cái xe xích lô và giục họ chạy gấp, tôi biết Thơ hối hả đạp xe theo và tiếng Thơ gọi ở phía sau. Chị Nhạn kể đến đó ngừng lại, nhìn tôi, cười. Trong bóng tối, khuôn mặt chị rạng rỡ và trẻ trung. Chị biết trang điểm: chiếc áo xoa màu đồng đỏ thêu những cánh mai vàng, quần xanh thẫm may rất sát nom chị mảnh mai, óng ả, mái tóc từng búp dài thảy xuống giữa lưng. Khuôn mặt trang điểm thật khéo, đôi mắt đã được mĩ viện làm cho to và sâu, giờ được đánh thẫm ở đuôi mắt càng làm nó trở nên huyền bí. - Lâu nay chị sống một mình ư? – Tôi chợt hỏi. - Chẳng ai sống được một mình. Bạn bè quan trọng lắm: họ tốt với mình, mình tốt với họ, gặp nhau, vui chơi, xong ai về nhà nấy. Dễ chịu. - Thế còn công việc? Lâu nay chị làm gì? Chị có vào Sài Gòn lần nào nữa không? - Có một lần, buồn quá sau chuyện ấy. Mình nghĩ hay là trở lại với K và con bé, sống nốt quãng đời còn lại dù thế nào cũng yên ổn. - Đúng thế! – Tôi hưởng ứng. - Nhưng tình cảm như bát nước đổ đi không đong lại được. K đã lấy vợ. Họ sống vui vẻ, hạnh phúc. Họ tiếp mình lạnh nhạt, miễn cưỡng. Còn con bé thì chỉ khóc. Khóc suốt. Ra Hà Nội, mình lại tiếp tục công việc nhì nhằng, khi đan lát, mua cái nọ, bán cái kia, mua chỗ này, bán chỗ khác kiếm lãi bằng chênh lệch giá. Con bé lớn đã đi làm, về đan thêm, phụ với mình, nên cũng đỡ. – Chị nói và ngoảnh nhìn ra phía sau. - Chị chờ ai thế? - À một người bạn. Một người rất tốt. Lần đầu tiên trong đời mình mới gặp một người tốt. - Trước đây chị đã từng ca ngợi Thơ, còn hơn thế nữa, để rồi thất vọng. – Tôi lẩm bẩm. - Trước kia, mình lầm. Nhưng bây giờ, lạ thật… Ông ta quan tâm săn sóc mình từng li từng tí và rất ghen nhé. – Nét mặt chị lộ vẻ hãnh diện – Có lần gặp mình vờ kêu đau bụng thế là chạy ngay đi mua thuốc. Đi đâu với nhau, giải khát hay ăn uống gì không bao giờ để mình trả tiền, khác hẳn Thơ. - Chị gặp người đó ở đâu? - À… Cũng do bạn bè giới thiệu. – Chị nói và lại nhìn quanh. – Lịch sự lắm. Sáu mươi tuổi rồi nhưng sôi nổi chẳng kém thanh niên đâu. - Chị nói về phương diện gì? - À, nói chung về cuộc sống. Đó là một cách sống hay. Kiếm ra tiền nhưng rất coi thường tiền. Sáng, một tô phở lớn, một tách cà phê đặc biệt, một điếu thuốc lá ba số. Tối, đi bách bộ quanh Bờ Hồ, ăn chén chè, uống cốc nước cam… Luôn tìm cách nhét tiền vào túi mình. - Chị có nghĩ đến việc đi bước nữa, khi gặp người vừa ý như thế? - Có nghĩ chứ. Nhưng hoàn cảnh éo le lắm. Cái số mình thế. Sau lần ấy lão Thơ trở mặt, mình có đi xem số họ bảo số mình chỉ làm thê làm thiếp… Đang nói, chợt chị dừng lại. Một xe đạp áp sát vỉa hè. Chị Nhạn rời tay tôi, chạy tới. Người đàn ông đã già, mặc quần áo trắng. Đến sát chị Nhạn, ông ta nói nhỏ điều gì đó rồi lại lên xe phóng đi. - Ông ấy đây à? - Không, bạn khác. – Chị Nhạn nói và thở dài. – Ông này trước làm toà án. Về hưu rồi. - Còn ông kia thì làm gì? - Trước làm cán bộ quản lí nhà đất, về hưu sớm mở cửa hiệu sửa chữa đồng hồ. Sửa chữa bên ngoài, buôn bán bên trong. – Chị nói và đi chậm lại. Cả khuôn mặt chị hướng tới trước. Một vỉa hè sáng đèn và có những người đứng xúm xít. Hai xích lô chở những cặp trống và đàn dừng lại, dưới vùng sáng. - Hôm nay có nhạc sống! – Chị kêu khẽ, nét mặt hớn hở, vui hẳn lên. Đôi mắt chị lướt qua các gương mặt đứng túm tụm chờ trên vỉa hè. Họ còn trẻ, đi từng đôi, đứng từng tốp. Quần áo đủ màu sắc. Lác đác một vài người đứng tuổi. Chị đưa mắt, tìm kiếm. Rồi chợt đập mạnh vào tay tôi: - Kia kìa, áo ca rô! Một người đàn ông thấp đậm mặt áo kẻ ô màu thẫm, quần nâu từ một góc phố đi lại. Dáng đi chậm và hơi nặng nề của một người đã có tuổi. - Ơ hình như… Không phải ông ta đi một mình? – Tôi kêu lên ngạc nhiên, khi thấy đi cùng với ông ta là một người đàn bà cũng đậm đà, to ngang không kém. Bà ta mặc áo màu nhạt, quần đen, búi tóc. - Vợ ông ta đấy! Một mụ mẹ chồng! Một cái đuôi. – Chị Nhạn nói và đi nhanh lên trước. °*
Tất cả như đổi khác, dưới ánh đèn màu quay gắn ở trần nhà, toả ra một thứ ánh sáng đủ màu. Những khuôn mặt bỗng trở nên mờ ảo, chập chờn trong ánh đèn, khói thuốc. Thoáng cái, tôi đã thấy hai cốc cà phê đá trên tay chị Nhạn. - Uống đi không có khát đấy. – Chị nói và uống một hơi cạn. – Tay ấy vừa hỏi mình: “Đi với ai đấy?“ Mình bảo: “Đi với ai chẳng được!”. Chưa chi đã ghen! – Chị nói và cười. Nom chị thật duyên dáng. Xình, chát, chát, xình… Tiếng trống đã đập lên. Rồi tiếng đàn hoà theo. Một điệu van nhịp nhàng. Chị Nhạn đưa tôi cái cốc còn mấy cục đá. Một người đàn ông gầy nhom có hàng ria đen đang nghiêng người trước mặt chị: - Rất hân hạnh! Tôi đưa mắt nhìn nhanh về phía chiếc áo ca rô, vừa lúc ông ta giơ tay mời “cái đuôi”. Từng đôi ùa ra sàn nhảy. Thoáng cái, chị Nhạn đã ở phía trước. Tay phải người đàn ông gầy để ở eo chị, tay trái ông ta nắm tay chị. Còn chị, một tay đặt lên vai ông ta, một tay chị nhịp nhàng lúc nâng lên, lúc hạ xuống. Chân hai người như đan vào nhau, nhún nhảy theo điệu nhạc. Chị đã đi đến trước mặt tôi. Khuôn mặt chị mê đắm trong một thứ ánh sáng nhiều màu. Những búp tóc đen rũ ra, rối tung làm khuôn mặt chị trở nên huyền ảo. Mắt chị nhìn vào cõi xa xăm. Còn ông ta thì nhìn chằm chằm vào mặt chị, ghé sát vào chị, thì thầm điều gì đó và cười. Chợt chị ngả người ra phía sau như sắp ngã. Bàn tay người đàn ông nhẹ nhàng đỡ lấy, kéo người chị lại sát gần. Đôi mắt chị lúc này sao lẳng lơ, dai dẳng. Tiếng nhạc dồn dập. Người đàn ông giơ cao tay lên và chị xoay tròn. Tà áo xoè ra, đỏ rực dưới ánh đèn. Tiếng nhạc tắt. Tất cả lặng đi trong một phút. Người ta rời nhau. Chị đến bên tôi, khuôn mặt đẫm mồ hôi: - Thế nào? - Chị nhảy đẹp quá. - Đã ra gì… Mới tập mà. - Chị Nhạn, hân hạnh được làm quen với chị. – Một anh chàng nhem nhuốc vì râu tóc và bộ quần áo nhàu nhò đi cùng hai người nữa đến trước mặt chị, nghiêng người chào. - Xin được chị nhận lời cho một bài. – Một ông thấp lùn ria bàn chải, đi giày đen, gạt mấy người kia đến trước mặt chị. Chị Nhạn cười, mặt sung sướng, rạng rỡ. Chị nhìn người này rồi người kia và nhìn tôi, mắt ánh lên niềm kiêu hãnh. Chợt ông mặc áo ca rô – ông chủ hiệu sửa chữa đồng hồ xuất hiện. Không nói một lời, không cúi người kiểu cách, ông giơ tay nắm tay chị Nhạn. Vừa đúng lúc nhạc nổi lên. Một điệu nhạc mạnh. Tiếng trống đập mạnh. Đèn ngoài hành lang tắt hết. Chỉ còn một ánh sáng quay cuồng của ngọn đèn màu quay ở trên trần toả ra. - A! Disco! – Tiếng một thanh niên reo lên. Những cái đầu gật lên, gật xuống, những nhịp chân nhảy nhanh – tay vung, tay đấm, đầu nghiêng ngả. Tiếng đập chân xuống sàn thình thịch. Những cái đầu lắc lư. Những thân hình chuyển động, xoay tròn như đang trong cơn lốc. - Hôm nay em đẹp quá! Nhạn ơi! Tiếng ai thoáng trong gió. Trên sàn nhảy xuất hiện đủ kiểu người. Những đôi trai gái trẻ đi những bước đều dìu dặt, nhìn thật đẹp. Ngược lại, có những cặp thật trái ngược, nhìn họ không nhịn được cười: một người đàn bà cao lớn, lưng to như một tấm phản nhảy với một ông thấp lùn nhỏ thó. Bàn tay bà túm cổ áo ông kéo lên giống như một con nhái nhỏ ôm túm cọc măng. Lại cũng có ông béo mập, tròn xoe như một cối xay nhảy với một bà gầy tong teo như một cây tre gai. Nhạc ngừng, tất cả tản ra. Chị Nhạn chạy tới, mồ hôi đầm đìa trên mặt. Chị nghiêng ngươi cho mồ hôi chảy xuống rồi lấy khăn khẽ chấm quanh mắt. - Cậu thấy thế nào? – Chị hỏi và chìa tay về phía người mặc áo ca rô. - Trẻ hơn tuổi. Khỏe mạnh, mặt mũi trông được. Đẹp đôi đấy. Một người đàn ông tóc đã bạc cầm cốc nước đá đi đến trước mặt chị Nhạn: - Hân hạnh mời người đẹp chiếu cố. Hai người chạm cốc với nhau. Trước khi bước ra sàn nhảy với người đàn ông tóc bạc, chị đến gần tôi. Hình như chị cảm thấy tất cả sự băn khoăn của tôi. - Chị bảo ông ấy hay ghen lắm cơ mà? Tôi hỏi. - Mặc kệ chứ. Một khi ông ta còn chưa cắt được “cái đuôi” thì ông ta phải chịu thôi. – Chị nói và nháy mắt. – Cần nhất là làm sao giữ được trẻ đẹp mãi. Trên đời này chẳng thiếu gì thằng sẵn sàng chết! Trước đây vì chỉ nghĩ đến một người, vì một người nên mới khổ. Bây giờ bung ra quen biết nhiều nên vui lắm! Tối nay nhảy ở đây, tối mai sang Hàng Buồm, thứ ba đến Hồ Xuân Hương… Về mệt, ngủ ngay. Chẳng phải nghĩ ngợi, buồn phiền… - Thế mà lại gầy đi… - Gầy là do nhảy, giống như thể dục nhịp điệu. Gầy bây giờ là mốt. – Chị nói và giơ tay chào tôi, chạy ra sàn nhảy. Những tiếng trống đập mạnh và sàn nhảy rung lên. Những thân hình nghiêng ngả. ánh sáng như cũng rung lên trong điệu rock quay cuồng. Tôi cảm thấy sàn nhà, những bức tường, bàn ghế như cùng quay lên trong tiếng trống mạnh đập liên hồi. Tai ù, người choáng váng, tôi đứng lên, lách đám đông chen chúc trong hành lang, lao ra ngoài. Sau khi đã hít thở, uống no bầu không khí trong sạch, mát rượi của đêm mùa thu trên đường phố Hà Nội và sung sướng với cảm giác được giải thoát, tôi về nhà chị lấy xe đạp. Tôi vừa giơ tay gõ lên cánh cửa gỗ đã nghe tiếng hỏi: - Ai đấy? Cửa mở. Một cô gái chừng hai mươi tuổi hiện ra với ngọn đèn dầu nhỏ ở trên tay. Tôi nhận ra Nga, con gái chị Nhạn. Lúc tối khi tôi đến nó chưa đi làm về. Trong vùng ánh sáng vàng khuôn mặt cô gái hiền dịu và đượm buồn. Mái tóc dài để xoã xuống vai, đôi mắt to không nhìn tôi mà nhìn ra phía sau tôi với một thoáng ngạc nhiên. Tôi vội nói: - Mẹ cháu dở việc, lát nữa về. Ngôi nhà nhỏ, vài thứ đồ đạc đơn sơ và chỉ có mình Nga với ngọn đèn dầu và những cuộn len. - Dạo này hay mất điện quá, cô ạ. – Nga nói và pha nước mời tôi, rồi lại tiếp tục cầm cuộn len, đan tiếp. - Cháu đan áo cho ai thế? - Cháu đan áo cho khách, cô ạ. Họ giục quá mà điện thì mất suốt, ban ngày cháu phải đi làm không đan được. - Sao cháu không nhờ mẹ cháu đan đỡ? Mẹ cháu đan rất giỏi. - Mẹ cháu dạo này không đan như trước nữa, cô ạ. Mẹ cháu bận nhiều việc cứ đi suốt, về nhà thì mệt mỏi, buồn ngủ… – Nga nói và thở dài. - Cháu có hay đi cùng với mẹ đến chỗ vui không? - Không, cô ạ. Cháu không có thì giờ. Với lại, cháu cũng không thích. Bây giờ mục đích của cháu là đi làm, về nhà cứ tranh thủ một tuần đan được một cái áo len mới đủ ăn. Cô tính, lương cháu chỉ đủ đong gạo, đi chợ được một tuần. Những hôm khác lấy vào đâu? Chưa kể còn những khoản chi tiêu khác nữa. Nhất là việc tự nhiên mẹ cháu gầy hẳn đi cũng là điều làm chúng cháu rất lo ngại. - Mẹ cháu hoạt động nhiều nên gầy đi thôi chứ không sao đâu. Mà cháu nói chúng cháu là những ai đấy? - Là cháu, em cháu, thằng Thành, cô quên rồi à? Với anh Huynh, bạn cháu nữa. Anh Huynh với cháu đang để dành tiền mua thuốc cho mẹ cháu. Cô nghĩ xem, nếu bây giờ chẳng may mẹ cháu ốm nặng thì sao? Hôm nọ, thằng Thành em cháu ở biên giới về Hà Nội bổ sung quân, mua về cho mẹ cháu bao nhiêu hà thủ ô, nhưng tóc mẹ cháu chưa bạc nên không cần, cô ạ. Tôi chăm chú nhìn và nghe Nga nói. Trong một phút, tôi chợt thấy lòng rưng rưng không cầm được nước mắt. Tôi đã biết nhiều gia đình tan nát, đau khổ vì những đứa con hư. Nhưng những nhà có con ngoan, con tốt mà bố mẹ lại hư hỏng thì thật ít thấy. Phải chăng, chúng, những đứa con ngoan không bao giờ đi than phiền với bố mẹ – những người đã sinh. ra chúng và nuôi chúng lớn lên? Cũng có thế tiếng nói của chúng không có trọng lượng. Vả lại, mấy ai tin những đứa con nói xấu bố mẹ? Điều đáng buồn cho con người là có thể chọn được bạn bè, người yêu nhưng không ai chọn được bố mẹ. Và chị, xét cho cùng ra cũng không thể nói là hư hỏng. Chị rõ ràng, sòng phẳng, dám sống và dám chịu trách nhiệm về mình. Khi đã yêu, chị biết hi sỉnh cho tình yêu. Đó là những tính tốt. Nhưng, sai lầm này bắt nguồn từ đâu? Và vì sao? - Cô nghĩ gì thế – Nga hỏi và tiếp tục đan. - Cô đang nghĩ đến cháu và bạn Huynh của cháu. Bao giờ cho cô ăn kẹo đấy? - Còn khó khăn lắm, cô ạ. Mà cũng chưa biết có thành không? Đang vui vẻ nhắc đến chuyện riêng. Nga lại thở dài, nét buồn lại hiện lên trên khuôn mặt. - Chắc cháu muốn nói là chưa có tiền tổ chức chứ gì? - Không. – Nga lắc đầu. - Thế tại sao? Cháu cứ hỏi xem cô có giúp được cháu gì không? – Tôi gặng hỏi và nhìn vào đôi mắt hơi đỏ lên của Nga. - Tại hoàn cảnh cháu, cô ạ – Nga ngập ngừng nhìn quanh như sợ hãi điều gì. - Nếu chuyện riêng cô không thể biết được thì thôi vậy cháu ạ. - Cô đừng nói lại với mẹ cháu nhé. Cháu không muốn mẹ cháu biết. Mẹ cháu lại buồn, chả ích gì. Chuyện đã rồi. - Cháu cứ yên tâm. Cô sẽ không nói lại. - Gia đình anh Huynh từ khi biết mẹ cháu lại bỏ chồng ra đây, thì cấm không cho anh Huynh yêu cháu. - Thế ý Huynh sao? - Huynh rất thương cháu nhưng cũng sợ bố mẹ. Chúng cháu phải rút vào bí mật một thời gian. Trước kia, tối nào anh ấy cũng đến nhà cháu, dạy cháu học, làm giúp cháu những việc nặng. Nhưng bây giờ, buổi tối anh ấy không được đi đâu. Chúng cháu chỉ gặp nhau một lúc sau giờ làm việc. - Cô có thể giúp cháu điều gì được không? Cháu cứ nói cô sẽ cố gắng. Nghe tôi nói vậy Nga lặng im, nghĩ ngợi rồi từ từ lắc đầu. Trong một lúc, tôi chợt thấy hiện ra căn phòng chật chội, ngột ngạt, những bước chân và tiếng nhạc đập mạnh. Hình ảnh chị Nhạn quay cuồng và gương mặt đẫm mồ hôi vừa kiêu hãnh, thoả mãn lại vừa như đang tìm kiếm một điều gì. Tự nhiên tôi muốn gặp chị ngay – không phải để nghe chị kể chuyện, như bao nhiêu lần gặp gỡ trước đây. Mà nói cho chị nghe về Nga, về Thành, về Huynh. Những đứa con của chị, những buồn khổ, mất mát vì chị mà chúng phải gánh chịu. Với chị, một người đàn bà đã hơn bốn mươi tuổi chẳng có hạnh phúc nào hơn những gì chị đã có. Chị chẳng cần phải tìm ở đâu niềm vui khi mà ở bên cạnh chị có những đứa con trong sáng, đáng yêu như thế. - Cháu đừng buồn. Mọi thứ rồi sẽ đâu vào đấy cả thôi. – Tôi nói và đứng lên. - Cô ngồi chơi đợi mẹ cháu về đã. – Nga níu tôi lại. - Thôi. Cô có việc phải về. Hôm khác cô lại đến. – Tôi nói và nắm tay Nga, lắc mạnh. Tôi không cho nó biết ý định đi tìm chị Nhạn.Hà Nội, 30.9.1986