Cô hát có hồn đó nhưng giọng còn yếu quá. Lần đầu tiên đến xin học, thầy bảo ca thử cho thầy nghe rồi thầy nhận xét vậy đó mà Hương vừa mừng vừa lo, sợ thầy không nhận dạy mình, mà được thầy khen như vậy thì vui quá đi mất. Ai trong đời đã từng đam mê một cái gì hay ai đó thì mới hiểu Hương nhiều hơn. Ca hát hay âm nhạc nói chung là niềm đam mê suốt cuộc đời Hương. Lúc buồn cô bật nhạc lên, nuốt từng lời, ngâm nga theo làn điệu bài hát rồi ngồi khóc một mình, cảm thương với lời bài ca đã mang lại. Lúc vui cô cũng nghe nhạc, nhạc điệu dồn dập,vui tươi làm cô thấy mình trẻ lại, những câu hát nhí nhảnh, dễ thương như ngày xưa của cô. Lúc muốn quên, cô vừa bật nhạc vừa nhảy quay cuồng....Vậy đó, cô sống với âm nhạc, cô yêu nó, âm nhạc với cô như là hơi thở, thiếu nó cô như không sống được, Cô cần nó, mặc dù đã có lần cô định rời bỏ nó, nhưng rồi những ngày tháng ấy đối với cô như là chết rồi vậy, cô như mất hết sinh khí, chẳng buồn nói chuyện với ai. Đó là thứ kỳ diệu nhất trên đời của cô. Người ta hay nói tình yêu la điều kỳ diệu nhất chứ không phải âm nhạc, nhưng với cô, tình yêu như là một giấc mơ, một điều ước quá xa vời..... Có lần tỉnh dậy, Hương tự hỏi mình là ai, tại sao mình lại là mình mà không phải là một người khác, để rồi hối tiếc, khổ đau, nhưng chính vì cô là cô chứ không phải ai khác nên cô phải có giọng hát của riêng cô, trầm ấm và quyến rũ. Sống sợ hãi, kinh khiếp trước những cơn say của cha là tuổi thơ của cô. Không năm nào cô có một đêm giao thừa bình yên, tiếng chén dĩa ly bể, tiếng tủ bị xô ngã, tiếng la hét đau đớn của mẹ đã là hành trang cho cô vào đời. Khuôn mặt đầy máu và thân mình chân tay bầm tím của mẹ luôn ám ảnh cô, cô tự hứa sẽ không bao giờ làm đau ai hay cái gì. Lúc đó còn nhỏ quá và nghèo khổ nữa, cô chỉ biết khóc thôi, sợ hãi nép mình vào một góc khuất.... Có lẽ vì vậy mà giọng hát của cô đượm buồn, cô hát những bài hát trữ tình, sâu lắng hay hơn những bài hát sôi động, vui tươi. Cô hát những bài thầy sáng tác như cô hát với chính mình. Đúng như vậy, hình như thầy hiểu thấu tâm can của cô, có những bài thầy sáng tác dành riêng cho cô, "đôi mắt em mang một nỗi buồn, nhưng nụ cười của em rất tươi, hãy cười nhiều lên đi em, rồi em sẽ thấy cuộc đời đẹp sao trong ánh mắt ngây thơ và bước chân tung tăng đến trường của trẻ, trong ngàn ánh sao tiễn bước chân em về trong đêm, hay trong những giọt mưa làm ướt đôi vai gầy...." Hương yêu sự lãng mạn, mơ mộng trong những bài hát của thầy, từng lời lạc quan giúp Hương sống vui vẻ hơn. Hồi học cấp hai, Hương chỉ thích chơi với con trai, vì tụi con trai chơi tốt với cô, không nhiều chuyện, không tụm năm túm ba nói chuyện tào lao. Cô chơi thân với hai đứa, tên Huy thì mơ ước làm bác sĩ, mà phải là bác sĩ giải phẫu cơ, còn tên Hoàng thì giống công tử bột, con nhà giàu, áo quần bảnh bao, nhưng lúc ấy chúng tôi rất hồn nhiên, không phan biệt giàu nghèo gì đâu. Tên Huy thì biết đàn guitar, còn tên Hoàng thì thổi sáo, Hương cứ lẽo đẽo theo hai tên ấy mà không hiểu vì sao....Có lẽ vì âm nhạc đã là máu thịt trong cô rồi. Lên cấp ba, Hương ngồi kế bên một cô bạn tóc tém, giống con trai, trong lớp đứa nào cũng nói Nga có vấn đề nhưng Hương thấy Nga rất tốt, mượn thước, compas gì cũng vui vẻ cho mượn, đặc biệt Nga đàn guitar rất hay, Nga viết lại ra giấy và hát tặng Hương bài "Ngăn cách". Đó là bài hát đầu tiên đem lại cảm xúc dâng trào trong Hương và cô đã biết mình yêu nhạc đến thế nào. Bây giờ Nga đã là giảng viên đại học, đã từng là thủ khoa của trường đại học, nhưng Nga sẽ không bao giờ biết rằng Nga đã tặng cho Hương bài hát quý giá đến chừng nào, và tờ giấy tập học sinh ngày ấy, ghi lời bài hát năm nào vẫn được cất giữ cẩn thận. Mỗi khi hát bài Ngăn cách Hương lại nhớ đến Nga. Chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, lúc đó Hương đang học Sư Phạm. Hương thấy chị Oanh lớp phó, dạo đó buồn và hay khóc, nghe nói người yêu của chị đã hy sinh ở mặt trận bên Campuchia rồi. Một lần, ở hành lang thư viên giờ nghỉ trưa vắng vẻ, Hương thấy chị Oanh đứng nhìn xa xăm - Để em hát chị nghe một bài cho chị vui nghe. Hương đã chọn bài "Chờ em trong cơn mưa" mà Hương đã nghe trong cái dĩa 30 vòng từ cái máy hát dĩa cũ rích ở nhà. "Chờ em trong cơn mưa, khác chi người lập dị, vì anh là chiến sĩ, nắng mưa cũng chuyện bình thường. Chờ em trước cổng trường, trú chân dưới giàn hoa giấy, để anh còn nhìn thấy, màu trắng của áo em,....Hãy nép vào ngực anh, tựa ngày xưa hẹn hò...." Hương hát với cả tấm lòng của mình dành cho chị Oanh, và lời hát như hiện thực diễn ra trước mắt, một buổi chiều mưa, một giàn hoa giấy.... để rồi từ bài hát này mà hoa giấy là loài hoa thứ hai mà Hương thích nhất sau cẩm chướng. Bài hát hết đã lâu, chị Oanh cầm tay Hương nói - Em hát truyền cảm quá, cám ơn em. Mà nè, em đi học thanh nhạc đi. Đó là lời khen đầu tiên mà Hương nhận được trong quãng đời ca hát của mình, sau này nhận được bao nhiêu tiếng vỗ tay, những lời khen ngợi mà Hương vẫn không quên được lời khen ấy. Đối với Hương, hình như mỗi bài hát đều gắn liền với một kỷ niệm, với một con người, mà khi cất tiếng hát bài nào đó là Hương nhớ về một người, cũng như từng con đường góc phố đi qua, Hương như đều thấy mình và anh ấy, dừng lại ở đâu, làm gì....Người ta nói Hương đa sầu, đa cảm và lãng mạn quá, mà có lẽ như vậy thật. Anh chở Hương đi trên chiếc xe babeta cũ mèm của anh, hát cho Hương nghe bài Chân Tình, vậy mà....Bây giờ, nghe bài hát ấy là tim Hương nhói đau. Anh đã bỏ Hương thật rồi, nghe chi bài ấy nữa.... Hương quyết tâm theo nghề hát với bất cứ giá nào và cô đã đánh đổi quá nhiều vì nó. Ngày đó cô cần một cái máy cassette và những cuộn băng nhạc, cần có tiền để theo đuổi những khóa học nhạc, cô đã bán mình cho những người đàn ông ham muốn cô, họ nói cô hấp dẫn, cô sexy trong khi cô ăn mặc khá kín đáo, cô cũng không biết tại sao nữa.... Rồi Hương gặp thầy, có lẽ đó là điều may mắn và hạnh phúc nhất trong đời của Hương, thầy lắng nghe tất cả, hiểu tất cả, không một lời trách móc, không một cái nhìn miệt khinh......... - Thầy muốn thấy ở em một nghị lực vươn lên. Rồi thầy dạy cho Hương hát, dạy cho Hương đàn, và đưa Hương đến phòng trà, giới thiệu với chủ phòng trà cho Hương hát ở đó. Và nhiều phòng trà khác nữa, Hương bắt đầu có được một ít tiền, mua được một căn nhà nhỏ, đưa mẹ về ở cùng, một thời gian sau mẹ mất, Hương lai một mình, nhưng bây giờ Hương đã nổi danh, Hương đã làm được tất cả vì thầy. Hương có yêu thầy không? Không. Nhưng đó là tình cảm đặc biệt, thầy luôn là thần tượng của Hương, có lẽ đối với thầy, Hương không những yêu mà còn kính trọng, pha lẫn biết ơn và cả cảm giác gần gũi nữa. Nên một chữ Yêu thôi chưa đủ mặc dù chưa một lần đi quá giới hạn...Bây giờ, thỉnh thoảng thầy trò cùng đi uống nước, nghe nhạc, xem phim, nói chuyện với nhau mà thường thì thầy nghe Hương nói. Cũng có khi đến nhà thầy chơi, hai đứa con thầy được dịp méc với cô Hương chuyện này chuyện nọ. vui lắm, đứa con trai cao ốm giống thầy, đứa con gái giống mẹ, đẹp kiêu sa. Vợ thầy hiền và giỏi giang, nói chung là một phụ nữ hoàn hảo. Con gái Hương cũng lớn rồi, nó đang học cái nghề không có liên quan chút nào với nghề hát, lập trình máy tính. Nó viết cho Hương một chương trình soạn nhạc, cho riêng mẹ nó thôi, mặc dù nó biết nó được Hương đem về nuôi từ năm nó lên bốn. Nó cũng thích dân ca và cải luơng như Hương, có lẽ nó cảm nhận được cái hay, cái sâu sắc, êm đềm trong ca nhạc dân tộc, không như lớp trẻ cùng lứa tuổi, chỉ thích rock rap pop thoi. Hương vẫn đi hát, khán giả vẫn thích nghe cô hát, và cô sẽ hát đến lúc không còn hát được nữa.... Gò Vấp, 18-5-2005 Ngọc Liên