Có lẽ không gì buồn chán bằng một cuộc sống không định hướng! Không gì thất vọng bằng một cuộc đời không lý tưởng, không lẽ sống! Sống mà không biết tại sao mình sống! Sống mà không biết mình sẽ đi về đâu là điều làm cho con người chán chường, khổ đau và thất vọng nhất. Mọi người, bạn cũng như tôi, cần phải có một niềm tin vào một lý tưởng hay một lẽ sống nào đó để mà sống.
Theo một câu chuyện cổ ở nước Anh, liên tục trong 500 năm liền. Cứ mỗi đêm Giáng Sinh dân chúng tại một thành phố nọ đều tụ họp lại ở một thánh đường, không phải để mừng ngày sinh của Chúa mà để chờ đợi Chúa trở lại. Từ 500 năm qua, cứ mỗi đêm Giáng Sinh, mọi người đều đến ngôi thánh đường đổ nát ấy để cầu nguyện theo ý hướng ấy. Nhưng ngày trở lại của Chúa Giêsu vẫn chưa xảy đến. Khi được hỏi: Bạn có thực sự tin rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại trong đêm Giáng Sinh tại thành phố của bạn không? Một trong những nhân vật chính trong câu chuyện trả lời như sau:
- Không, tôi không bao giờ tin như thế.
- Vậy tại sao bạn lại đến đây mỗi đêm Giáng Sinh?
Nhân vật này mỉm cười trả lời:
- Giả như Chúa thực sự trở lại trong đêm đó và tôi là người duy nhất vắng mặt thì sao?
Nhân vật chính trong câu chuyện trên đây quả thật không có một niềm tin siêu nhiên nhưng ít ra người này còn có một niềm tin nào đó để đến ngôi thánh đường trong đêm Giáng sinh cầu nguyện với mọi người.
Gần đây một vị mục sư, tại một nhà thờ Anh Quốc đã phải công khai xin lỗi các trẻ em vì ông ta đã quả quyết là không hề có ông già Noel. Ông nói với các em rằng: Người tặng quà cho các em trong đêm Giáng Sinh không phải là ông già Noel mà chính là cha mẹ các em. Các em đã khóc sướt mướt, khiến cho cha mẹ các em đã phải lên tiếng phản đối và cuối cùng vị mục sư này đã công khai đính chính.
Qua hai câu chuyện trên, chúng ta thấy, dù ông già Noel chỉ là truyền thuyết nhưng cần thiết cho tâm hồn trong trắng của trẻ em cũng như niềm tin cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cần có niềm tin để tiếp tục sống. Chúng ta cần có niềm tin để vượt qua những nghịch cảnh và thử thách trong cuộc sống.
Nhưng niềm tin là gì?
Có hai quan niệm cơ bản trái ngược nhau về thực chất của niềm tin.
Quan niệm thứ nhất cho rằng, niềm tin có trước ý thức, mở đầu cho ý thức và sau đó các ý thức hệ, tín ngưỡng, tôn giáo... được hình thành từ niềm tin. Quan niệm thứ hai thì ngược lại, cho rằng niềm tin là sản phẩm của ý thức. Việc quan niệm nào đúng sai là một chủ đề rất bao quát và rộng lớn ngoài khuôn khổ của bài viết. Nhưng có một điều chắc chắn là bất kỳ quan điểm nào đúng thì hình như ai cũng "đồng ý" là niềm tin có một giá trị độc lập của nó. Niềm tin giúp con người vượt qua những giới hạn của ý thức để hình thành những khả năng khó ngờ và siêu phàm của con người.
Niềm tin đến từ đâu hay cái gì tạo ra niềm tin? Cảm xúc là nguồn cảm hứng để khơi gợi, xây dựng niềm tin và những cảm xúc - đặc biệt cảm xúc tạo niềm tin - là một phần thiết yếu của đa số tôn giáo. Cảm xúc cũng là cái duy trì niềm tin, lý do này rất quan trọng vì muốn được niềm tin thì tình trạng cảm xúc tạo niềm tin đó phải được giữ vững. Niềm tin đến với chúng ta từ nhiều cơ duyên. Niềm tin có thể phát sinh từ sự trực nhận của ngũ giác quan như mắt thấy, tai nghe, lưỡi nếm, mũi ngửi, tay sờ. Có niềm tin đến với chúng ta do nhận thức và suy luận như khi thấy có khói thì lý trí suy luận và tin là nơi đó phải có lửa, như khi nghe tường thuật tin tức về một án mạng chúng ta có thể suy luận đây là một tai nạn hay là sự cố ý sát nhân. Có niềm tin đến do bối cảnh của truyền thống văn hóa, nền tảng giáo dục và đạo đức nhưng vì khác biệt văn hóa, người Tây phương tin rằng nụ hôn cho nhau lúc gặp mặt là biểu hiện của sự thương mến và quý trọng nhưng người Á đông thì không tin như vậy; như vì nền tảng giáo dục thì sinh ra ở trong gia đình theo tôn giáo nào thì thường con cái sẽ theo đạo đó. Có niềm tin đến với chúng ta từ sự thực nghiệm, cảm nhận, kinh nghiệm của cuộc sống, như lúc còn trẻ tuổi khi nghe nói là lúc già cơ thể bị lão hóa sẽ không còn linh hoạt nữa, hay khi nghe những người lớn tuổi than thở về sự suy giảm của sức khỏe, mệt mỏi, chúng ta không thật sự hiểu và tin cho đến khi bản thân chúng ta trải qua giai đoạn này thì sẽ hiểu và tin; như những lời dạy của Phật, của Chúa, của các bậc thánh nhân hiền triết thì phải qua sự thực nghiệm chúng ta mới thực sự hiểu và tin.
Niềm tin, nói chung có thể chia thành hai loại chính: Loại thứ nhất là loại ngăn trở trí tuệ. Loại này dựa vào kích động, thậm chí ép buộc. Cấm hẳn việc nghi ngờ chủ thuyết hay giáo điều. Chỉ được phép phục tùng. Niềm tin theo loại này không có chỗ cho trí tuệ phát triển. Phải có niềm tin, phải phục tùng, trung thành triệt để và bất chấp lý trí. Loại niềm tin thứ hai là con đường dẫn tới trí tuệ. Loại này kích thích tính tò mò, khích lệ khởi sự việc học tập. Trên thế giới này có quá nhiều điều cần phải biết. Không có niềm tin, chúng ta không biết phải bắt đầu từ điểm nào, đường hướng nào phải theo để học tập, nhưng khi một người có niềm tin, đề tài hay giáo lý sẽ cho điểm khởi thủy. Niềm tin thức tỉnh sự chú ý và khích lệ chúng ta tiến tới đề mục đã quan tâm. Tin tưởng vào con người, đặc biệt, sẽ dẫn đến việc tiếp xúc và học hỏi nơi người khác.
Như chúng ta đều đồng ý, là làm người ai mà không có niềm tin và ước vọng, tin nơi chính mình, tin nơi người khác, ước vọng cuộc đời mình sẽ như thế này hoặc như thế nọ. Một người mà đánh mất niềm tin và ước vọng thì sẽ không còn thấy được ý nghĩa của cuộc đời nữa. Đánh mất niềm tin và ước vọng thì người ta gọi là tuyệt vọng, không còn một chút hy vọng gì cả đối với cuộc đời này. Trong đời sống thường nhật, khi làm bất cứ điều gì chúng ta cũng có niềm tin và ước vọng là sẽ thành tựu và khi thất bại thì chúng ta thường hay có thái độ tuyệt vọng, chán nản, mất niềm tin vào chính mình. Trong số những niềm tin và ước vọng của con người, có một niềm tin và ước vọng rất lớn, rất mãnh liệt, đó là niềm tin và ước vọng vào cuộc sống, vào sự hiện hữu giá trị của mình trên thế gian. Chính niềm tin và ước vọng vào cuộc sống này đã và sẽ dẫn dắt chúng ta đi suốt cả đời người. Vì vậy nếu chúng ta thiết lập niềm tin và ước vọng không chính đáng thì cuộc đời của chúng ta cũng sẽ theo định hướng sai lầm đó. Thế nhưng, xác định được niềm tin đúng theo nhận thức thường nghiệm của thế gian lại là một vấn đề không đơn giản. Một thí dụ cụ thể, là ở vào thập kỷ này hầu hết chúng ta đều tin vào sự chính xác của kiến thức khoa học hiện đại, nhưng khoa học hiện đại thì không như là những gì chúng ta tin tưởng, cái đúng hôm nay có thể bị chứng minh là sai hay thiếu sót ngày mai, không có gì để đảm bảo kiến thức khoa học là chân lý tuyệt đối. Một số các lý thuyết khoa học một thời đã được cho là chân lý khoa học, đã làm nền tảng cho kiến thức khoa học, với thời gian đều tự nó không đủ bảo đảm sự giá trị xác đáng vĩnh viễn. Như hiện nay, thuyết tương đối (General Theory of Relativity) của Albert Einstein, các nhà khoa học đã xem như là không đủ để giải thích toàn vẹn và rõ ràng các hiện tượng vũ trụ và Stephen Hawking, một nhà vật lý học người Anh, đã phải phối hợp thuyết "cơ học lượng tử" (Mecanique quantique) để đề xuất ra một hướng mới cho vũ trụ học. Và với tiến bộ của khoa học, ngay lý thuyết cơ bản về nguyên tử (Atom) cũng đã được giải thích khác nhau. Hiện nay, với khái niệm về "hạt điện tử" (quark) thì ranh giới của cơ cấu vật chất định hình gần như bị xóa mất và tiến dần vào cảnh giới vô hình, vô tướng.
Một nhận xét đáng được nêu ra, là với sự phát triển của khoa học, con người được trang bị những kiến thức khoa học hiện đại, hình như con người đã không còn dựa vào niềm tin tôn giáo như lúc xưa. Nhưng niềm tin tôn giáo cái mà chúng ta gọi là tín ngưỡng và tôn giáo nhân gian thì vẫn còn rất gần và thật với con người. Niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng, vẫn tồn tại như đã có từ bao nhiêu thế hệ. Niềm tin khoa học thì dường như thay đổi với thời gian. Trong lịch sử nhân loại, cũng đã có những người trở thành cuồng tín với một chủ thuyết nào đó, mà một thời thao tác trên thế giới này, rồi cuối cùng lại phát hiện ra rằng đó chỉ là một thứ lý thuyết không tưởng, huyễn hoặc gấp ngàn lần hơn niềm tin, tín ngưỡng và tôn giáo nhân gian. Thí dụ cụ thể là sự sụp đổ và phá sản về niềm tin vào chủ thuyết duy vật, đúng hơn là chủ thuyết cộng sản (Communism) trên thế giới trong hai thập kỷ vừa qua. Gần đây, những nhà khoa học cho biết, trong tương lai, họ có thể biết một người đang nghĩ gì, đơn giản chỉ cần dùng một cái máy, hay phân tích các chất tiết ra từ bộ não. Những việc như vậy có cơ sở khoa học thực tế và có thể thành công, nhưng sự thật của các vấn đề ấy sẽ cho thấy, có giống như Sir Arthur Eddington khám phá "Cái bóng của thế giới các ký hiệu"? Không phải thực sự là chân lý mà chỉ là cái bóng của chân lý?
Và mới vài hôm gần đây, theo tin từ BBC và Livescience, một nhóm các nhà khoa học Thụy Sĩ đã phát hiện ra một loại hormone trong người, tên là oxytocxin, có công dụng làm cho con người tin cậy lẫn nhau. Như vậy thì tương lai con người có thể tìm thêm được "niềm tin chứa đựng trong lọ thuốc" (?). Nhóm nghiên cứu nàyđã dùng chất oxytocxin để thí nghiệm về quan hệ giữa việc tin nhau và trao tiền cho nhau. Tiến sĩ Michael Korsfel là kinh tế gia, tại Viện Nghiên Cứu Mô Hình Kinh Tế đặt tại Zurich, Thụy Sĩ và là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết:”Chúng tôi phát hiện công dụng của hormone niềm tin trong một cuộc thí nghiệm, khi chúng tôi yêu cầu những người tham gia giao tiếp với những người khác bằng cách cho tiền. Tức là một người có thể trao tiền cho người khác. Hành động này đo lường mức độ họ tin cậy lẫn nhau vì một người muốn trao tiền thì phải có lòng tin vào những người khác. Những người ngửi hít oxytocin biểu lộ trạng thái dễ dàng tin tưởng vào người khác, theo khía cạnh là họ sẵn sàng trao tiền cho họ”. Để xác định kết quả này có do lòng tin tạo nên, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm thay thế người được ủy thác bằng máy tính. Những nhà đầu tư - cho dù đã được ngửi oxytocin - vẫn không dễ dàng mạo hiểm số tiền của mình cho máy móc. Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả chứng tỏ oxytocin tăng cường niềm tin giữa con người, hơn là đẩy lùi nỗi lo sợ rủi ro của người ta. Antonio Damasio, một nhà nghiên cứu tại Đại học Iowa, nhận định: "Kết quả đã mở ra những khả năng cho việc tìm hiểu các điều kiện mà ở đó lòng tin được tăng lên hoặc suy giảm, như trong trường hợp tự kỷ".
Oxytocin là loại hóa chất do não bộ tạo ra một cách tự nhiên, được thôi thúc bởi một loạt các chất kích thích, trong đó bao gồm chuyện cho con bú và làm tình với nhau. Theo các khoa học gia thì trong tương lai hormone này có thể giúp chữa các loại bệnh về bất ổn tinh thần.
Chân lý hay là cái bóng của chân lý, thì trong thực tế nền văn minh khoa học hiện đại được xây dựng dựa trên những nguyên tắc nghiêm túc, khách quan, thực nghiệm và lý trí. Xa hơn nữa, chúng ta không có ai có thể phủ nhận được các thành quả hữu ích mà khoa học đã mang lại cho loài người, trong đủ mọi lĩnh vực của đời sống và rất là nhiều không thể kể xiết. Một thí dụ cụ thể trước mắt là bản thân tôi, nếu không ở vào thời đại điện toán, thì có lẽ tôi không có dịp để nghe, đọc những cuộc diễn thuyết, phỏng vấn, các bài viết, tài liệu v.v... để học hỏi thêm từ mọi người, ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ mọi nẻo đường đời, để mở mang kiến thức, có nguồn cảm xúc tạo cảm hứng để tôi xây dựng niềm tin, tin ở chính mình hơn chút và tin ở người khác để học hỏi một cách hiệu quả và dễ dàng như thế này. Nói một cách khác, là cơ duyên để niềm tin đến với tôi tăng lên rất nhiều với sự giúp sức của những thành quả khoa học. Lý do đơn giản thôi vì nếu không có mạng lưới internet thì có lẽ rất nhiều bài viết liên quan đến niềm tin, tôi sẽ không bao giờ có dịp để xem và tôi sẽ không có dịp hiểu thêm chút về niềm tin để có đủ tự tin mà viết bài này.
Để kết luận bài viết, tôi xin gởi đến các bạn một câu chuyện về niềm tin: “Nhà bác học thời danh của Pháp là Louis Pasteur không những nổi tiếng vì những khám phá trong lãnh vực y khoa mà còn được nhắc nhở hơn vì niềm tin sâu sắc của ông. Vì niềm tin ấy người ta thường kể giai thoại như sau:
Trên một chuyến xe lửa xuyên tỉnh, một sinh viên trẻ tuổi ngồi gần bên cụ già, chỉ vài phút đồng hồ sau khi đoàn tàu chuyển bánh cụ già liền rút trong túi ra một cỗ tràng hạt và từ từ chìm đắm trong sự cầu nguyện, người sinh viên theo dõi cử chỉ của cụ già và xem chừng như không còn đủ kiên nhẫn nữa cho nên mới lên tiếng nói:
- Thưa ông, nếu tôi không lầm thì ông còn tin ở chuyện nhảm nhí ấy?
Cụ già điềm tĩnh trả lời:
- Đúng thế, tôi vẫn còn tin, còn cậu, cậu không còn tin sao?
Người sinh viên cười một cách ngạo mạn và quả quyết:
- Lúc nhỏ tôi tin, nhưng bây giờ làm sao tôi tin những chuyện nhảm nhí ấy nữa, khoa học quả thực đã mở mắt cho tôi, ông cứ tin tôi đi, hãy quăng cái tràng chuỗi ấy đi và học hỏi những khám phá mới của khoa học, ông sẽ thấy rằng tất cả những gì ông tin từ trước đến giờ đều là mê tín dị đoan.
Cụ già điềm tĩnh hỏi người sinh viên:
- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, cậu có cách nào giúp tôi hiểu được những điều đó không?
Người sinh viên hăng hái đề nghị:
- Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi đến cho ông một quyển sách, ông sẽ tha hồ đi vào thế giới của khoa học.
Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người thanh niên, người thanh niên lặng lẽ dời chỗ sang toa khác khi đọc xong danh thiếp bởi vì tấm danh thiếp ấy cậu đã được đọc như sau: Louis Pasteur, Viện nghiên cứu khoa học Paris”.
Chúc các Bạn thiết lập được niềm tin và ước vọng vào cuộc sống xác đáng cho bạn.
Lý Lạc Long
(TTL/TCT/MAI/14/07/2005)

Xem Tiếp: ----