Ở Sài Gòn, lối 4 giờ chiều, là giờ người ta đương ở trong các sở, các xưởng hoặc nhà buôn mà làm việc, bởi vậy trên con đường Garcerie ít có xe chạy, còn người đi bộ thì cũng rải rác, chớ không náo nhiệt như buổi sớm mai hoặc lúc gần tối. Cô Cúc ngồi trên xe kéo, mắt ngó nhà hai bên đường, trong lòng cô thơ thới, sắc mặt cô hân hoan, vì cô không lo sợ việc chi hết, mà cô lại chắc ý nay mai sẽ có công việc làm rồi giúp đỡ mẹ được. Cô mở bóp lấy tấm danh thiếp của ông Dương mà coi lại. Ông ở nhà số 333. Qua khỏi số 301 rồi thì cô chú ý coi chừng. Gần tới số 333 cô mới chỉ cho xa phu ngừng. Bước xuống xe, cô thấy thiệt quả một tòa nhà lầu, tuy không rộng lớn, song có vẻ đẹp đẽ, xung quanh có cây che tàn mát mẽ, trước sân có bồn bông, ngoài có hàng rào sắt kín đáo. Lúc trả tiền xe, cô thấy có một người đàn ông đương ngồi dưới cột đèn khí phía bên đường chong mắt ngó cô, song cô không lưu ý, cứ ôm bóp đi vô cửa rào. Ông Trần Thái Dương mặc bộ đồ pyjama bằng hàng trắng có sọc xanh, chơn mang giầy hàm ếch, đầu chảy láng nhuốt, ông đương xem bông trong sân. Ngó thấy cô Cúc thì ông xâm xâm đi ra mở cửa rào. Ông cúi đầu chào và mời cô vô. Ông khép cửa rào lại và nói: - Thằng bếp đi đâu mất từ hồi trưa, cho đến bây giờ mà chưa về. Còn thằng bồi thì tôi mới sai nó đi mua đồ. Ở đất Sài Gòn khó lắm, phải khép cửa luôn luôn mới được, bởi vì kẻ gian nó hay trà trộn lẻn vô lấy đồ ban ngày. Cô Cúc cười và đáp: - Ông kỹ lưỡng quá! Có ông ở nhà thì ai dám vô đây lấy đồ mà ông sợ. - Tôi ở trên lầu, chớ ít khi ở từng dưới. Bữa hổm cô về cô có thuật chuyện gặp tôi cho bà phán nghe hay không? - Thưa, có. - Bà phán có nói bà biết tôi hay không? - Thưa, má em nói không nhớ, bởi vì ba em hồi trước làm việc, nên quen biết nhiều người, má em không thể biết hết cho được. - Hôm trước tôi cũng có nói chắc bà phán không biết tôi, bởi vì tôi quen với ông phán nhiều, song tôi không có dịp gặp bà phán. Bước lên thềm nhà cô Cúc thấy cửa giữa mở có một cánh mà thôi. Ông Dương mời cô vô trước, ông thủng thẳng theo sau. Cô Cúc dòm thấy trong nhà bàn ghế thứ nào cũng đẹp, thiệt quả là nhà sang trọng, nên cô đứng bợ ngợ, đợi chủ nhà mời ngồi. Ông Dương bây giờ mới lách mình tránh cô mà đi trước và nói: - Mời cô đi thẳng lên lầu nói chuyện mới tiện, ở dưới nầy không có trà nước chi hết. Cô Cúc dụ dự. Ông Dương thấy vậy bèn nói tiếp: - Phòng làm việc của tôi ở trên lầu. Khi nào có khách đông thì tôi tiếp dưới nầy. Cô Cúc đi theo ông lại thang mà lên lầu. Trên lầu có phòng tiếp khách, có phòng làm việc, có phòng ngủ, mỗi chỗ dọn phân biệt hẳn hoi. Ông Dương dắt cô Cúc đi thẳng lại chỗ tiếp khách, rồi chỉ một cái ghế mà mời cô ngồi. Ông cũng ngồi gần cô, và lấy hộp thuốc thơm mở ra mời cô hút. Cô Cúc cười và nói: - Em không dám. Thuở nay em không biết hút thuốc. - Thuốc Ăng-lê nhẹ mà lại thơm nên dễ hút lắm, không say đâu mà sợ. - Cảm ơn ông. Thiệt em không biết hút. - Cô phải tập cho biết với người ta chớ. Đời nay đàn bà con gái phải hút thuốc Ăng-lê cho thơm miệng. Cô hút thử một điếu coi. Ông lấy mà đưa cho cô một điếu thuốc. Không thể từ chối nữa được, nên cô phải đưa tay mà lấy. Ông liền quẹt một cây quẹt mà đưa lửa cho cô đốt. Cô đốt thuốc rồi hút, phà khói bay tưng bừng làm cho cô phải chau mày nheo mắt. Ông ngó cô và cười và nói: - Tay cô cầm điếu thuốc mà hút coi đẹp quá. Cô mắc cỡ nên cúi mặt ngó xuống gạch, không trả lời, muốn quăng điếu thuốc mà sợ mích lòng, nên cực chẳng đã phải cầm trong tay, song không hút nữa. Ông cứ ngó cô mà cười. Cô lấy làm khó chịu nên hỏi: - Thưa ông, không biết bà đi đâu vắng? - Đàn bà của tôi ở dưới Rạch Giá. Vì có ruộng đất nhiều nên phải ở dưới ruộng đặng coi chừng cho tá điền họ làm, lâu lâu lên chơi năm mười bữa rồi cũng trở về dưới. Thằng con trai lớn của tôi với một đứa con gái kế đó cũng ở dưới đó với mẹ nó. Tôi ở trên nầy với thằng nhỏ đặng cho nó đi học; mà hồi trưa nầy nó xin phép tôi rồi lấy xe hơi đi chơi ngoài Long Hải, ba bốn bữa nữa nó mới về. Tôi ở nhà có một mình buồn quá. Thấy cử chỉ của ông thì trong lòng cô đã lo ngại, mà chừng cô biết trong nhà không có một người nào, bồi bếp đi hết, vợ con cũng không có ở nhà, thì cô càng thêm lo, bởi vậy cô không muốn ngồi lâu nữa, cô liền hỏi: - Thưa ông, ông gởi thơ nói đã kiếm được công việc cho em làm rồi, và ông biểu em lên nhà đặng ông cắt nghĩa cho em nghe. Không biết ông kiếm được gì dùm cho em đó, xin ông nói cho em hiểu. - Thủng thẳng, ngồi chơi một chút rồi tôi sẽ nói cho cô nghe. Để tôi lấy nước cho cô uống. Ông đi lại cái bàn để gần cửa sổ mà rót nước trà. Cô nói: - Em xin ông đừng rót nước, em không khát. - Cô không uống nước trà, thôi thì uống rượu với tôi chơi. - Thưa, không. Em không biết uống rượu. Em xin ông nói cho em biết coi ông kiếm được việc gì cho em làm, đặng em có về, sợ má em trông. - Mới đi một chút mà trông giống gì? Ông bưng lại hai chén nước trà nóng để trước mặt cô và nói: - Cô không biết uống rượu, thì phải uống một chén trà rồi tôi mới chịu nói. - Thưa, em không khát. - Uống trà có cần gì phải đợi khát nước mới uống. Cô đến nhà tôi mà không chịu uống nước thì tôi phiền cô lắm. Công tôi rót nước mà cô chê không uống, thì hổ thẹn cho tôi quá. - Thưa, có lẽ nào em dám chê. Tại không khát nên em không uống chớ. - Cô không uống nước thì tôi không chịu nói. - Xin ông nói dùm đặng em về. - Về làm gì mà cứ đòi về hoài như vậy? Nãy giờ cô ngồi chơi tôi vui quá, cô không thấy hay sao? Cô về tôi buồn lắm, bởi vậy tôi muốn cô ở đây hoài, ở đặng làm cho tôi vui, cô hiểu hay không? - Ông nói sao vậy? - Tôi nói thiệt đa. - Nếu ông nói thiệt thì càng quấy nhiều hơn nữa. Em không muốn nghe ông nói những câu bất chánh như vậy. - Nói như vậy sao cô gọi là bất chánh. - Tuổi em đáng con cháu của ông, nên em xin ông đừng có nói quấy. - So sánh tuổi làm chi. Ở đời phải tưởng tình, chớ không nên kể tuổi. Cô Cúc ôm bóp đứng dậy và nói: - Em thấy ông lớn tuổi, lại có tướng dạng sang trọng, em tưởng ông là người đứng đắn, nên em mới đến đây. Em không dè sự sang trọng của ông đó, ông tô điểm bề ngoài mà thôi, tô điểm đặng gạt người, còn trong tâm hồn thì không phải như vậy. Em gớm quá, em không muốn nói chuyện với ông nữa. Vậy em xin chào ông. Ông Dương cũng đứng dậy, đưa tay cản cô Cúc và nói: - Tôi nói chơi mà cô giận tôi sao? Tôi thấy cô là gái kim thời, lại có học thức, tôi muốn thử bụng cô, nên tôi mới ghẹo cô chớ. Cô biết giận như vậy thì đúng lắm. Tôi khen cô. Thôi cô ngồi lại đặng tôi nói công việc của tôi tính cho cô nghe, ngồi xuống. - Em ngồi đã lâu rồi, xin ông tránh đường cho em đi. - Để tôi nói cho mà nghe rồi sẽ về chớ. - Ông muốn nói việc chi thì nói đi, không cần phải ngồi. - Tôi cần dùng một người làm thơ ký để biên sổ và viết thơ cho tôi. Mỗi ngày lại nhà tôi làm việc chừng một giờ đồng hồ mà thôi. Cô bằng lòng làm thơ ký cho tôi hay không? Như cô chịu thì mỗi tháng tôi phát lương cho cô một trăm đồng bạc. - Xin ông kiếm người khác mà mướn. Em không thể làm nghề ấy được. - Vậy chớ cô muốn làm việc gì? Thôi để tôi lập một tờ nhựt báo rồi tôi giao cho cô làm chủ nhiệm và chủ bút, cô chịu hay không? Lương mỗi tháng một trăm, hoặc cô muốn nhiều hơn nữa cũng được. Cô nghĩ thế nào? - Em không dám. Em xin ông kiếm người khác. - Tôi muốn giúp cô, chớ người khác thì tôi cần gì phải lo cho họ. - Em không cần ông giúp nữa. Cám ơn ông. Cô Cúc dợm tránh ông Dương mà xuống thang lầu. Ông lật đật đưa tay mà cản và nói: - Em, qua thương em lắm. Em chịu làm bé qua đi, em muốn mấy ngàn qua cũng chịu hết. Em ưng qua đi. Cô Cúc giận đỏ mặt, nhưng mà trí cô vẫn còn tỉnh táo như thường, cô ngó ngay ông Dương miệng chúm chím cười, mà đáp: - Ông đừng có nói bậy. Ông lầm rồi. Tuy nhà tôi nghèo, song tôi trọng nhơn phẩm hơn bạc tiền. Hạng người như ông, dầu có bạc triệu cũng không mua tôi được đâu; đừng có tính lấy tiền bạc mà khuyến dụ.... Ông Dương thình lình bước tới, một tay thì chụp nắm tay cô Cúc, còn một tay thì ôm cổ toan kề mặt mà hôn. Cô Cúc giận quá, quyết trừng trị cái thái độ tiểu nhơn thô lỗ khả ố nầy, không biết sợ, không thèm kiên nể nữa, cô gom hết nhơn lực, rồi một tay thì đập cái bóp vào mặt ông Dương nghe bốp bốp, còn một tay thì cô tống ông ra khỏi mình cô. Vì đập và xô mạnh quá, nên sút tay văng cái bóp ra xa, còn ông Dương thì ngã nghiêng trên cái bàn, rồi ngã làm cho hai chén nước trà đều rơi xuống gạch, nước đổ chén bể, mà ông cũng té luôn theo bàn với hai cái chén. Ông Dương ở vào cái cảnh như vậy, mà miệng vẫn chủm chỉm cười, hai tay chờn vờn toan đứng dậy. Ông nói: - Gái đời nay dữ quá!... Để tôi cắt nghĩa cho mà nghe.... Lúc bấy giờ cô Cúc tối tăm cả mày mặt, không còn thấy vật chi, mà cũng không còn biết suy nghĩ nữa, cô chỉ lo thoát khỏi cái bẫy của người ta gài để làm ô danh xủ tiết cô mà thôi. Cô lật đật chạy lại thang lầu rồi bươn bả xuống từng dưới, không kịp lượm cái bóp. Nghe tiếng ông Dương kêu với, cô càng lật đật chạy mau hơn nữa; chạy lại cửa mà ra sân, rồi tuốt ra cửa rào mở cửa mà ra đường. Ngoài đường vắng hoe, cô đứng ngó hai đầu không thấy một cái xe kéo nào hết, chỉ thấy người đàn ông hồi nãy vẫn ngồi chồm hổm dựa cột đèn điện, chong mắt ngó cô mà thôi. Tay còn run, mặt còn tái, trí còn tức giận, lòng còn hồi hộp cô xâm xâm đi xuống hướng nhà thờ, tính lại ngã tư đường rồi kiếm xe kéo mà đi. Mặt trời đã sụp xuống mái nhà, gió Tây thổi đưa nhánh cây lúc lắc, làm cho không khí nhẹ nhàng mát mẻ. Cô Cúc đi được một khúc đường rồi mà tâm hồn của cô vẫn chưa bình tĩnh. Tới ngã tư thấy một chiếc xe kéo đang vởn vơ kiếm mối, cô bèn kêu lại rồi bước lên xe. Bây giờ đi đâu? Trước khi đi thì mẹ đã có cản, nếu chạy về nhà mà thuật chuyện khốn nạn ấy lại cho mẹ nghe, thì chắc không khỏi bị mẹ rầy. Mà trong lòng bực tức lắm, không thể nín được, phải nói cho hả hơi giận, nếu không nói với mẹ thì nói với ai?... Cô giáo Kim... Cô Cúc nhớ tới cô Kim thì muốn đi thẳng vô Cầu Kho, nên biểu xa phu chạy ngay xuống Chợ Mới. Đồng hồ chợ chỉ năm giờ. Nam thanh nữ tú đi dập dìu ngoài đường. Cô Cúc muốn soi mặt đặng coi sự vùng vẫy mà bào chữa thân danh hồi nãy, có lợt phấn phai son hay không, chừng ấy cô mới nhớ lại cái bóp cô dùng mà đánh ông Dương đã văng xa rồi, cô lật đật chạy xuống lầu không kịp lượm. Cô mím miệng cười và nghĩ trong trí: - Cái bóp giá đáng ít đồng bạc, không quý báo gì mà tiếc... Mình cho thằng cha già dê đó một bài học, có lẽ nó sẽ nhớ cho tới ngày chết... Thứ đàn ông đó phải trừng trị như vậy cho nó biết tâm chí của gái tân thời, cho nó hết tưởng, hễ nó có nhiều tiền, thì dầu ai nó cũng mua trinh mua tiết được hết thảy. Vô tới Cầu Kho, cô Cúc ghé lại căn phố chỗ cô Kim ở. Người nhà nói cô Kim đi dạy học rồi, cô thay đổi y phục mà đi ra ngoài Sài Gòn. Cô Cúc thất vọng. Cô đứng suy nghĩ một chút rồi cô lên xe kéo mà ngồi rồi nói với anh xa phu: - Anh đi xuống đường mé sông rồi trở ra Sài Gòn. Đi thủng thẳng cho tôi hứng gió, chẳng cần phải chạy.