Nhớ nhà văn Nguyễn Minh Châu
Anh nhìn mình trong gương. Người thợ hớt tóc đứng sau lưng anh cũng nhìn anh trong gương, vẻ hài lòng. Ông ta vừa tạo ra một tác phẩm nghệ thuật trên đầu anh. Ông ta chờ anh mỉm cười, biểu lộ niềm vui. Anh cảm thấy e thẹn. Trẻ quá! Hồi vợ anh còn sống, mỗi lần anh hớt tóc xong, về nhà, thế nào cô cũng đăm đăm nhìn vào mặt anh một hồi rồi mắng yêu: “Đồ con nít!”.
A, cái đầu to to, mái tóc dợn sóng, khuôn mặt xương xương giống mẹ khổ ba đời, miệng có ria, cằm có râu, hai cái tai khá dài và thẳng thớm, mũi cao, mắt sáng, nước da có hơi đen một chút nhưng đó là màu da của triết gia phiếm thần Spinoza, của Gandhi... A, cái đầu thông minh, một tác phẩm của tạo hóa.
Cái đầu ấy đã từng gối lên biết bao cuốn sách chứa đầy những ý tưởng cao siêu thâm trầm về thẩm mỹ, đạo đức, triết học, nghệ thuật, cuộc sống, tình yêu...
Chợt anh cựa quậy trên ghế, tự dưng cảm thấy bức bối khó chịu. Ông thợ hớt tóc tinh ý, vội tháo tấm khăn choàng màu trắng ra khỏi người anh. Anh vẫn tiếp tục cựa quậy trên ghế, thoáng thấy mặt mình đang biến dạng trong gương. Ông thợ hớt tóc vội đỡ lấy đầu anh, dùng chiếc khăn nhỏ phủi phủi những sợi tóc con bám đầy trên gáy, trên cổ anh. Và anh ngồi im. Nhìn trừng trừng vào mặt mình trong gương. Đối diện với chính mình. Từ dưới thắt lưng anh một cơn sôi trào đang dâng lên, chực thoát ra thành tiếng hét. Anh lại cựa quậy, lần này dữ dội, khiến cái ghế hớt tóc xoay tròn. Ông thợ hớt tóc tưởng anh muốn xem toàn diện mái đầu của mình nên lom khom bước vòng theo anh. Anh muốn hét lên. Nhưng anh dồn nén tất cả sức mạnh thành lời thì thào:
- Này bác ơi! Bác cạo trọc đầu giùm tôi đi!
- Cái gì? Anh nói sao? Cạo trọc đầu anh hả?
- Vâng!
- Sao vậy? Anh không hài lòng chỗ nào, thì tôi sửa cho.
- Tôi hoàn toàn vừa lòng, bác ạ. Không chê chỗ nào cả. Nhưng bác hãy cứ cạo trọc đầu tôi đi!
- Nhưng anh có thể nói cho tôi biết vì sao anh có ý định cạo trọc đầu không?
Anh lại ngồi im, gần như bất động. Chiếc ghế thôi không xoay tròn nữa. Anh nhắm mắt lại, cố giữ bình thản từng tiếng:
- Chỉ vì thế này thôi, bác ơi. Cái đầu này của tôi đã từng, xin lỗi bác, gối lên cứt nhiều đêm mà ngủ.
- Anh nói thật hả? Mới đây hả?
- Thật. Nhưng lâu rồi.
Bác thợ hớt tóc đột nhiên nhìn thẳng vào mặt anh bằng ánh mắt lạ lùng pha chút sợ sệt:
- Xin lỗi, anh có sao không? Là tôi muốn hỏi anh có khoẻ không?
- Bác yên tâm. Để tôi kể tóm tắt sự thể cho bác nghe nhé. Tôi ở tù. Và trong thời gian đó, nhiều lần những người cai tù yêu cầu chúng tôi lượm phân bò khô ngoài đồng ngoài rẫy để thúc bón cho mấy vườn rau quả tăng gia tự túc trồng chung quanh trại tù. Họ ra chỉ tiêu cho mỗi tù nhân mỗi ngày phải nộp đủ từ hai lạng, đến nửa ký, một ký phân khô. Không được sai chạy. Nếu không đủ chỉ tiêu, sẽ bị ngồi cùm. Bác biết ngồi cùm là thế nào không? À, bác biết hả. Thế nên ai nấy đều lo giữ kỹ số phân mà mình lượm được sau một ngày căng mắt tập trung ngoài trời, cực nhọc như người đi tìm vàng, và nghiêm trọng chẳng khác gì các nhân viên điều tra xem xét hiện trường một vụ rơi máy bay, và lâu ngày mắt chúng tôi có thể phân biệt được những màu sắc tinh tế khác nhau trên mặt đất. Và bác biết không, tình trạng ăn cắp phân xảy ra hằng đêm giữa những người tù. Rồi ai cũng lo giữ khư khư thành quả lao động của mình. Trong cái khó ló cái khôn. Tôi nảy ra sáng kiến gói phân lại trong bao rồi gối cái đầu thông minh của tôi lên cái bao phân lộm cộm đó mà ngủ, để sáng mai nộp chỉ tiêu cho tên cai tù. Từ đó đêm đêm tôi mới được ngủ ngon giấc, và ít có mộng mị gì. Vậy đó, có những tháng ngày trong đời, tôi đã gối đầu lên phân mà ngủ, ngủ rất ngon.
- Thật không thể tưởng tượng nổi. Cứ như là chuyện bịa.
- Làm sao mà bịa, mà hư cấu, mà tưởng tượng được một chuyện như vậy hả bác? Dù tôi cũng đã từng viết văn đấy, bác ạ.
- Không còn gì tàn nhẫn hơn.
- Bác nói đúng, hoàn cảnh đã đẩy mình đến chỗ tàn nhẫn với mình như vậy đó.
- Tôi không nói anh... Tôi nói bọn chúng.
- Cũng không thể chỉ đích xác bọn nào là tác giả thực sự của hoàn cảnh vô nhân đạo đó.
- Vậy không ai chịu trách nhiệm hết sao?
- Những kẻ đồng lõa thì đầy ra đó, nhưng thủ phạm chính (anh chợt nhận ra mình cao giọng riết róng; nhận ra mình đã thay chữ “tác giả” bằng chữ “thủ phạm”) thì đúng là không chỉ đích danh được.
- Vì sao vậy?
- Tôi cũng không biết. Mỗi lần đi hớt tóc, hoặc mỗi sáng soi gương, tôi lại cảm thấy nhục nhã ê chề. Bác làm ơn cạo lẹ giùm đi bác.
Ông thợ cạo tần ngần ngẩn ngơ như sắp đánh mất một vật gì quí báu. Ông cầm cái tông đơ lên.
- Bác đừng buồn tôi nhé.
Ông đặt cái tông đơ ở gáy anh, nhắp nhắp. Tóc rơi lả tả.
- Xin lỗi bác nhé.
Không nói không rằng, ông thợ cạo đột nhiên tập trung vào công việc. Và ông chăm chút từng li từng tí, không để sót một cọng tóc nào trên đường đi của cái tông đơ. Ông thoáng nghĩ đến gương mặt các bậc chân tu. Rồi ứa nước mắt.
Một tác phẩm khác sắp hoàn thành. Ông nghĩ. Và nghiêng người nhìn cái đầu của người khách lúc ấy đang trừng trừng nhìn mình trong gương.
 

Xem Tiếp: ----