Chương 4
Chốn giang hồ vừa khóc vừa luyện chưởng
Nơi chùa chiền nhận thức nhận chân như

Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi là người của Toàn Chân, của Võ Đang nhưng y cũng là người trong cấm quân. Bọn cao thủ trong cấm quân được triều đình nuông chiều, lâu ngày thành kiêu binh, lúc nào cũng vỗ ngực công thần. Bọn này tâng bốc nhau, tự đặt ra các danh hiệu, giải thưởng để phong tặng cho nhau rất kỳ cục. Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi rất bực bội bọn này nhưng do thân cô, thế cô y không làm gì được, nhiều khi bực quá y chỉ còn cách phàn nàn với dăm ba người bạn thân có liêm sỉ là bọn Minh Tâm đại hiệp và Mã Khởi đại hiệp. Hai người này đều là những người giỏi ở trên giang hồ. Minh Tâm hai tay cử hai búa, còn Mã Khởi sử dụng đại đao cực kỳ điêu luyện.
Minh Tâm nổi tiếng là người hiền lành, tử tế, sâu sắc. Thấy tình hình Võ Đang Toàn Chân xuống dốc, lại thấy bọn cấm quân kiêu binh giễu võ giương oai không ra một thể thống gì, Minh Tâm đóng cửa luyện chưởng, vừa luyện vừa khóc tu tu. Tiếng khóc của y to quá, vang cả trời đất:
Khóc cho công bất thành, danh bất toại,
Một mình ngồi khóc giữa lúc luyện công.
Hai hàng nước mắt ròng ròng,
Vì sao nên nỗi khổ tâm thế này?
Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi và Mã Khởi đến thăm Minh Tâm thấy y đang ngồi dụng công thái quá, người xám xịt lại hết sức sợ hãi. Mã Khởi hỏi:
“Vì sao sư đệ dụng công thái quá như thế?”
Minh Tâm nói:
“Đệ cảm thấy võ công của bản thân đã không tiến triển gì được thêm nữa. Mặc dầu hai tay hai búa nhưng không hiểu tại sao khi đánh xuống đệ không thể nào đánh nổi được một con bò. Chưởng lực yếu tới mức kinh hãi.”
Mã Khởi bảo:
“Bệnh của đệ cũng giống hệt như bệnh của ta. Ta cử đại đao như Quan Vân Trường mà đến cái cây cũng không chặt đứt. Đã từ lâu nay ta vẫn giấu diếm điều này mà không dám nói với ai.”
Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi nói:
“Đã nhiều năm nay, bọn võ hiệp ở trong cấm quân đều như thế cả. Không có lẽ đổ tại binh khí?”
Minh Tâm nói:
“Không phải thế! Đệ đã suy nghĩ mãi, tất cả có lẽ đều phải xuất phát từ trong tư tưởng quyền thuật. Đệ từng nghe người xưa nói rằng: “Quyền đả cước thích (tay chân đấm đá) chỉ là thuật nhỏ, chỉ có nhất lý là thông thiên địa”. Lý của “nhất lý thông thiên địa” nằm trong đức hạnh, chứ không phải ở trong sức mạnh bên ngoài. Bên ngoài càng uy dũng, linh hoạt, mẫn tiệp bao nhiêu thì tâm bên trong càng phải yên định, thần trí sáng suốt, không một chút vọng niệm bấy nhiêu. Có lẽ chúng ta đã sai từ trong tư tưởng quyền thuật hay sao?”
Mã Khởi nói:
“Đến bây giờ mà chúng ta còn bàn chuyện sai đúng thì khó nghe quá. Đã đến bậc thượng thừa cả rồi mà vẫn còn băn khoăn vớ vẩn như thế hay sao? Không bàn chuyện sai đúng gì nữa.”
Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi nói:
“Ngoài 50 tuổi không bàn chuyện sai đúng thì đương nhiên rồi, nhưng ở bọn môn sinh trẻ tuổi trong các võ đường thì phải dứt khoát để cho chúng biết phân biệt thế nào là đúng là sai mới được. Cả một nền giáo dục võ thuật đã sai từ gốc khi lấy những sự hão huyền ra làm mục tiêu phấn đấu. Hơn nữa, các chưởng môn sinh lại không đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, không đứng ra làm gương cho họ, tinh thần nghĩa hiệp xuống rất thấp, vậy hỏi tại sao mà nền võ thuật nước nhà tiến bộ lên được?”
Mã Khởi nói:
“Ta rất lấy làm cảm kích nghĩa khí của các huynh đệ. Nhưng hiện nay, bọn phàm phu tục tử quá nhiều ở trong môn phái của chúng ta, tinh thần của Võ Đang cực kỳ dung tục, suy đồi. Có câu rằng: “Hãy tự cứu lấy mình rồi trời mới cứu”. Tốt nhất là ai lo thân người ấy. Ngay ta đây, mặc dầu là sư phó của môn phái Võ Đang nhưng ta có làm gì được đâu?”
Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi nói:
“Sư huynh hãy làm theo cách của sư huynh, còn ta sẽ làm theo cách của ta. Nhất định phải tìm cách cải tổ Võ Đang cho bằng được.”
Nói rồi y bỏ đi lên Tây Nguyên luyện công, bọn Mã Khởi với Minh Tâm can ngăn thế nào cũng không được.
Sau khi Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi và Mã Khởi đi rồi, Minh Tâm lại ngồi luyện công. Nước mắt của y có lẫn máu chảy. Tiếng khóc của y thật là ai oán:
Đầu tiên ấm ức trong lòng
Một là bầm ruột
Hai là nát gan.
Vái trời, vái đất thở than
Ròng ròng nước mắt hai hàng,
Vì sao nên nỗi dở dang thế này?
Trăm đắng ngàn cay
Giang hồ trăm đắng ngàn cay
Luyện công đâu phải loay hoay diễn hề
Này lời ai điếu ủ ê,
Này lời ai điếu dầm dề chứa chan!
Tập sang hàng
Kìa ai đang tập sang hàng?
Trăm năm rồi cũng bẽ bàng hư danh.
Tập với chả tành
Sử thi tập với chả tành.
Vớ vẩn loanh quanh,
Thôi thì vớ vẩn loanh quanh.
Ngọn với chả ngành,
Bao nhiêu nỗ lực không thành.
Vẽ vời minh hoạ tranh giành với ai?
Chặng đường dài,
Công phu một chặng đường dài.
Hoá ra hão cả
Ai điếu cho ai?
Hỏi rằng ai điếu cho ai?
Nhăng nhăng nhít nhít
Tài chi mà tài?
Cõi trần ai
Khéo mà sống phí sống hoài.
Thà rằng:
“Rượu chè, cờ bạc, gái trai
Là thuốc trường thọ ông giời cho ta
Chính trị là thứ tránh xa
Bàn nhiều tổn thọ hoặc là đánh nhau!” [1].
Vỡ cả đầu!
Kìa ai kia vỡ cả đầu
Lý lẽ ở đâu?
Hỏi rằng thiên lý ở đâu?
Đạt thông thiên địa còn lâu mới thành.
Tấm lòng thành
Ghi công một tấm lòng thành, thế thôi!
Minh Tâm đại hiệp ra sức luyện công. Một thời gian sau, y lâm bệnh nặng, trong người nảy sinh u chướng. Biết mình sắp chết, Minh Tâm bỏ nhà ra đi, loay hoay thế nào y lạc vào một ngôi chùa vắng vẻ. Đến đây y gặp một hoà thượng. Hoà thượng ấy là người như thế nào?
Đấy mới thực là:
Đầu trọc lông lốc,
Ăn đậu ăn rau.
Thường thì mềm nhũn,
Cử chỉ rầu rầu.
Khi nào lâm sự,
Mới ngỏng cao đầu.
Âm dương hoà hợp,
Như có phép màu.
Cứng như sắt nguội,
Kinh kệ làu làu.
Thông thiên đạt địa
Lễ nghĩa trước sau,
Nói cười ấm ớ
Chốc lại xoa đầu.
Từ bi hỷ xả,
Mệt đến phờ râu.
Trong nhà phương trượng,
Thiếp ngủ còn lâu.
Đúng là hoà thượng,
Nam mô nhiệm màu!
Hoà thượng hỏi:
“Thí chủ là ai, đến đây làm gì?”
Minh Tâm nói:
“Bạch cụ, ta là Minh Tâm đại hiệp, người của môn phái Võ Đang Toàn Chân, từng là một giáo đầu cấm quân. Do dụng công lao lực, trong người nảy sinh u chướng, biết là sắp phải đón một cái chết đau đớn đến gần. Ta đến đây, cốt để xin một nơi chốn dung thân, chỉ làm sao mong chết cho nhẹ nhàng.”
Hoà thượng nói:
“Nghe ngươi nói, vậy ngươi xuất thân không phải là hạng phàm phu tục tử mà cũng xuất thân từ trong danh môn đại phái. Ngươi luyện công từ nhỏ, vậy chắc là ngươi hiểu lý đạt tình. Đã là đại hiệp, ngươi hẳn là người không phải tầm thường. Vậy ta hỏi ngươi, việc lớn của đời người ta là gì vậy?”
Minh Tâm nói:
“Sống!”
Lát sau ngẫm nghĩ lại nói thêm:
“Phải sống.”
Loay hoay một lát sau lại nói thêm nữa:
“Phải sống cho sung sướng, hạnh phúc.”
Hoà thượng hỏi:
“Làm gì để được như vậy?”
Minh Tâm nói:
“Giống như nông phu chăm chỉ gieo hạt giống tốt xuống ruộng đất tốt thì được kết quả, được báo đáp phúc tuệ, được hưởng phúc điền. Vạn pháp quy tâm.”
Hoà thượng lắc đầu:
“Thiện tai! Thiện tai! Tâm với chẳng tâm! Đời người ta sống chết mới là việc lớn. Các ngươi suốt ngày cầu mong được sống sung sướng cũng như hạnh phúc mà chẳng bao giờ cầu để ra khỏi biển khổ sinh tử lao lung. Tự tính còn mê như thế, thật tiếc lắm thay! Ngươi mang u chướng chính vì các dục vọng ở trong lòng ngươi không giải toả được. Đại hiệp cái gì, cả đời đánh nhau với toàn những thứ ngoài mình! Chết đến nơi rồi mới biết hãi sợ, có phải không?”
Minh Tâm không dám nói gì, cứ gục mặt xuống lạy như tế sao.
Hoà thượng bảo Minh Tâm:
“Ngươi hãy đi một vài đường quyền để cho ta xem ngươi đang ở trong cảnh giới nào, có như thế ngõ hầu ta mới giúp cho ngươi được.”
Minh Tâm vâng lời, đi một vài đường quyền.
Rõ ràng y không phải là một tay tầm thường:
Ở cửa sông, cửa rừng ra
Lang thang khách ở quê ra.
Dấu chân khắp nẻo sơn hà
Tâm thành, lòng dạ thật thà.
Mải mê vọng niệm,
Con đường còn xa.
Đời vô nghĩa lý
Có hay chăng là?
Hoà thượng xem Minh Tâm đi quyền, chép miệng:
“Công phu luyện chưởng của ngươi thật đáng khâm phục, khâm phục! Có điều, cái chết của ngươi là ở mỗi đường gươm, mỗi nhát kiếm đều như muốn răn đe, giáo huấn người ta. Người luyện chưởng cũng phải là kẻ tu hành, cũng phải là kẻ rong chơi nữa. Ngươi chỉ đuổi theo hư danh, vọng niệm, toàn đuổi theo thứ ở ngoài mình đến nỗi phát sinh lao lực... Bệnh nặng lắm rồi, chữa làm sao được?”
Minh Tâm hiểu ra, thờ thẫn cả người, không biết nói gì.
Minh Tâm ở trong chùa với hoà thượng, hàng ngày làm lụng những công việc vặt vãnh như trồng rau, nhổ cỏ, thấy lòng mình thư thái hơn. Một hôm, Minh Tâm bảo hoà thượng:
“Đệ tử sống ở trong chùa, làm một kẻ vô danh, khi thì đi nhổ cỏ, khi thì đi tưới phân, nhớ lại những ngày xách hai búa vất vả đi lại ở trên giang hồ, lòng lúc nào cũng hớn hở đắc thắng cho là mình ghê gớm lắm, thấy ngày xưa mình thật tầm thường, thảm hại.”
Hoà thượng cả cười:
“Như thế là ngươi đã giác ngộ được đôi chút về lẽ vô thường rồi đó.”
Minh Tâm bảo:
“Đệ tử hiểu rồi, không còn thấy sợ hãi cái chết nữa. Đệ tử xin ra khỏi chùa để về với vợ con ở nhà như một người thường. Sinh tử là lẽ tự nhiên, số mệnh đệ tử có hạn, chỉ tiếc là khi hiểu ra thì muộn quá!”
Minh Tâm từ biệt hoà thượng về nhà, vứt đôi búa lại, chắc hẳn thấy mình không còn cơ hội sử dụng nó nữa. Ít lâu sau y chết, để lại rất nhiều tiếc thương cho võ lâm ở trên giang hồ.
Thật là:
Cả đời luyện chưởng, nghiệp thành hay chưa thành, nào ai biết?
Thời gian trôi đi, hữu danh hoặc vô danh, có người hay?
Muốn xem các anh hùng ở trong Võ Đang lập những kỳ tích, kỳ công gì xem tiếp chương 5.