Nguyên do của việc ghét làm quan chức Cuộc đời tôi không có gì thay đổi khác người, tức là thuở nhỏ thì chịu nhiều khổ nhọc, còn những năm về già lại được hưởng cuộc sống an nhàn. Đó không phải là điều hiếm có trên đời. Tôi đã nếm trải mọi khổ cực cũng như sung sướng của một con người bình thường, cho đến nay chưa có điều gì phải quá xấu hổ cũng như chưa có điều gì quá hối hận và được sống những năm tháng thanh thản. Trước hết phải nói tôi là một người hạnh phúc. Thế nhưng, thiên hạ thì vô vàn. Từ xa mà nhìn những sự sướng khổ của tôi, có lẽ mỗi người sẽ đánh giá khác nhau và cũng có người không khỏi hoài nghi. Đặc biệt, họ cho rằng, việc tôi không phải là một kẻ ngu dốt cho lắm, ngược lại có nhiều hiểu biết về chính trị, mà kết cục lại không ra làm quan chức cho chính phủ là một điều lạ đời. Trong xã hội Nhật Bản, mười người thì cả mười, trăm người thì cả trăm, tất cả đều mưu cầu việc tiến thân, thăng quan tiến chức và trở thành công chức. Vậy mà chỉ có một mình ông Fukuzawa là không thích. Thật là khó hiểu! Họ không chỉ xì xào bình luận mà có người còn trực tiếp hỏi tôi. Họ cho rằng, tôi không phải là một người Nhật bình thường. Ngay cả một người nước ngoài mà tôi quen cũng thắc mắc về việc tiến thoái này. Một người Mỹ còn nhiều lần đến bảo tôi sao không ra chính phủ mà làm việc. Chiếm một vị trí tốt trong chính phủ và làm những việc mình cho là đúng, vừa có danh, vừa có lợi. Như thế chẳng hay sao? Tôi chỉ cười chứ không đối đáp gì. Ngay sau cuộc duy tân, nhóm những người lập nên chính phủ mới bàn luận và cho tôi là một người theo Phái Tá Mạc, giữ tấm lòng trung tiết với Mạc phủ trước đây, nên không ra làm quan phục vụ chính quyền mới, chỉ vui với chính trị của Mạc phủ mà ghét chính phủ của Thiên hoàng. Trong lịch sử cách mạng từ xưa đến nay, có những người được gọi là “Di thần” của triều đình cũ và Fukuzawa có vẻ như bắt chước những “Di thần” đó, siêu phàm phiêu du ở ngoài cõi đời thực, nhưng thực ra trong tâm thì ôm mối bất bình vô hạn, nên không thể nghĩ ra điều gì tốt đẹp cho chính phủ mới được. Chính phủ mới không thể chủ quan với những kẻ như thế. Tôi có biết người ta tưởng tượng thế này, thế kia về mình, nhưng “ngài di thần” được mang ra bàn luận ấy từ xưa đã cạn lòng yêu mến với với chế độ đẳng cấp và chủ trương bế quan tỏa cảng của thể chế cũ. Trong cuộc duy tân, khi các trung thần nghĩa sĩ của Mạc phủ xôn xao bàn luận về lòng trung nghĩa, bày tỏ nhiệt huyết đối với phong trào Tá Mạc đến mức bỏ trốn đi theo, thì “ngài di thần” đã không bàn luận gì, thậm chí, nếu biết có người bỏ trốn còn khuyên họ không nên làm những việc vô bổ, bảo họ rằng, chắc chắn sẽ thất bại, nên thôi đi thì hơn. Vì vậy, kết luận cho tôi là di thần của thể chế cũ là không ăn khớp. Nói là di thần của chính phủ cũ thì trong cuộc duy tân các trung thần nghĩa sĩ của Mạc phủ đúng với chức danh này nhất. Tuy nhiên, chỉ trong chính phủ cũ họ mới là người trung nghĩa thứ nhất mà thôi. Không biết từ lúc nào, họ đã thoắt biến đổi, nhanh chóng chuyển thành người trung nghĩa thứ hai, nên không thể gọi họ là di thần được. Mà thôi, chuyện trung thần thì tạm gác, ta sẽ cùng trở lại vấn đề tiến thoái của tôi. Như đã nói từ trước, vì ghét chế độ đẳng cấp và chủ trương bế quan tỏa cảng từ đáy lòng, nên trong cuộc duy tân tôi không hề có ý theo Phái Tá Mạc. Thế nhưng, nếu quan sát hành động của những người theo Phái Cần vương thì so với Mạc phủ họ còn chủ trương tỏa quốc và Nhưỡng di hơn nhiều. Còn tôi không có ý trợ sức cho những phe phái như vậy. Tôi quyết định sẽ đứng trung lập, độc lập một mình thì chính phủ mới lại đưa ra một mệnh lệnh đáng được đánh giá cao là mở cửa đất nước. Nhưng chỉ mang tiếng là chủ trương mở nước, chứ thực ra đâu đâu cũng đóng kín. Tôi không thể tin tưởng được điều gì. Nhìn xung quanh Đông Tây Nam Bắc không có lấy một người để hàn huyên, nên đành âm thầm làm những việc mình có thể. Trong khi tôi chủ trương mở cửa đất nước và tiếp thu văn minh phương Tây, thì tư tưởng mở cửa đất nước của chính phủ dần trở thành hiện thực, chứ không phải là không có cải biến gì. Chính sự tiến bộ nhanh chóng của xã hội làm tôi vui mừng và phấn khởi. Đó thực là điều kỳ diệu. Ước vọng lớn lao của tôi cũng đã được thực hiện, nên tôi không còn ta thán về những điều bất bình nữa. Coi những kẻ không có phẩm hạnh thuộc loại người khác Điều thứ nhất, tôi đã nói ở trên. Điều thứ hai tuy khó nói, nhưng nhìn vào lối sống của toàn thể những công chức, tôi thấy phẩm cách vốn có của họ không phải là cao quý gì. Sinh thời, họ ăn sang, mặc đẹp, ở trong những dinh thự lớn, tiêu xài xa hoa, mọi việc đều suy nghĩ thấu đáo, đối nhân xử thế hay, làm chính trị đều không phải là tồi, nhưng chuyện gì họ cũng bắt chước tính vô tư của người Trung Quốc, không giữ gìn bản thân mình. Chỉ cần một chút là đã uống rượu, bỡn cợt với phụ nữ và có vẻ như coi nhục dục là thú vui tối thượng của con người. Cả ở trong và ngoài nhà đều có nuôi vợ bé, phạm tội đa thê mà không biết xấu hổ. Không những không có ý định giấu giếm những việc xấu như vậy, mà còn làm ra vẻ mặt vênh vang. Phải nói rằng, một mặt, họ vừa tiến hành công cuộc cải cách theo văn minh phương Tây, mặt khác, lại học theo những thói quen xấu của Nhật Bản ngày xưa. Bởi vậy, gác lại chuyện khác, chỉ cần nhìn về việc này thôi đã có thể thấy họ rơi xuống hạng người thấp hèn. Thế nhưng, tôi cũng chỉ coi đó là một thói đời, từ xa nhìn lại cũng không có gì là thù ghét hay có ý định cấm đoán. Đôi khi, tôi có qua lại chỗ họ, nói chuyện về những việc cần hay cười đùa vui vẻ, nhưng nếu bảo gia nhập vào hàng ngũ của họ, ăn chung với họ một nồi cơm hay lại gần họ thì tôi cảm giác như có gì bẩn thỉu, ô uế và thấy khó chịu. Đó cũng là do tôi có thói quen quá sạch sẽ và thích sự thanh khiết, nói chung là không độ lượng, nhưng vì là tính cách bẩm sinh, nên không làm thế nào khác được. Ghét thói bội bạc của những người được gọi là trung thần, nghĩa sĩ Điều thứ ba là cuối thời Mạc phủ, khi hai phái Tá Mạc, Cần vương chia rõ ở hai vùng Đông và Tây, tôi, vì ghét chế độ đẳng cấp phong kiến từ thời xưa, nên ghét cả chủ trương tỏa quốc Nhưỡng di. Tôi vốn không tâm phục khẩu phục Mạc phủ và quả quyết cho rằng, chính phủ đó thà lật nhào còn hơn. Nói như thế, nhưng khi nhìn vào tình hình của Phái Cần vương, thấy lý luận về tỏa quốc Nhưỡng di của họ còn mạnh mẽ hơn cả Mạc phủ. Vì vậy, ngay từ đầu, tôi đã không thể dành tâm trí cho những bè đảng như thế. Trong khi tôi chỉ im lặng và đứng ngoài quan sát thì xảy ra cuộc bạo động theo hướng duy tân và Tướng quân Tokugawa trốn đi nay lại trở về. Tức thì những người của Mạc phủ, tất nhiên là bè đảng Tá Mạc từ các miền lại trở nên huyên náo, đưa ra hàng trăm thứ lý luận để tranh cãi. Họ không chỉ cho rằng, di nghiệp ba trăm năm của Tōshōshinkun (Đông-Chiếu-Thần-Quân) [1] không thể bị ném đi một sớm một chiều. Với tư cách là một thần tử thì không được quên ơn nghĩa đối với chủ tướng trong suốt ba trăm năm. Lực lượng của Satsuma và Chōshū chỉ là những võ sĩ hàng phục trong trận Sekigahara, còn tám vạn bộ hạ kỵ binh hùng dũng của Mikawa (Tam-Hà) [2] có danh dự, chứ sao lại phải gập gối trước những võ sĩ đã từng hàng phục đó? Với khí thế hừng hực, có người còn định đón đánh quân phản tặc Satsuma và Chōshū ở Hokkaidō, lại cũng có người đào tẩu bằng quân hạm. Còn những sách sĩ, luận khách thì vào yết kiến Tướng quân và thúc giục tuyên chiến. Can gián xong, họ lại gào rống lên làm tình hình càng rối tung. Đó là Hội cùng tiến của những trung thần, nghĩa sĩ, nhưng họ cũng không thực hiện được lý tưởng trung nghĩa đó, mà cuối cùng Mạc phủ bị giải tán, có những người lên quân hạm đến ở vùng Hakodate, có người lại chỉ huy bộ binh chiến đấu ở vùng Đông Bắc. Ngoài ra, còn có những người giận đùng đùng mà đi về vùng Shizuoka. Trong số đó, những người mang lòng trung nghĩa sâu sắc, gọi Tōkyō là “tặc địa", những thứ được làm ở Tōkyō như bánh kẹo cũng không ăn, đêm nằm ngủ không hướng đầu về phía Tōkyō, nói đến chuyện Tōkyō thì ô uế miệng, mà nghe chuyện Tōkyō thì ô uế tai. Họ là những Bá Di, Thúc Tề hiện đại, còn Shizuoka là Thủ Dương Sơn, quả là ghê gớm! Nhưng chỉ một hai năm sau đó, không hiểu có phải các ngài Bá Di, Thúc Tề đó cảm thấy được hết sự thiếu thốn warabi [3] ở Thủ Dương Sơn hay không mà họ lục tục kéo xuống chân núi, không chỉ thò đầu xuống vùng “tặc địa” mà còn lộ nguyên hình ra đầu quân cho chính phủ mới. Cả những kẻ đã đào tẩu trong hải quân, cả những Bá Di, Thúc Tề, tất thảy đều tụ tập lại quanh chính phủ, xin yết kiến những vị quan chức, mà trước đây họ cho là những kẻ phản nghịch. Họ không nói là lần đầu tiên được diện kiến mà bảo mình cũng là những thần dân của Nhật Bản, đã từng biết nhau từ trước kia. Là quân tử không nhắc lại những điều đã qua, tiền ngôn, tiền hành chỉ là chuyện đùa, hai bên sẽ cùng sẻ chia làm sao để chính trị yên ổn, không còn phong ba bão táp mới là điều thực lấy làm mừng. Điều đó không cần phê phán nữa, nhưng tôi cũng có một chút lý luận riêng. Đại thể cuộc chiến loạn theo phương châm Vương chính duy tân là bắt nguồn từ những sự đồng dị về chủ trương chính trị. Chẳng hạn, những nhà Cần vương thì chủ trương tỏa quốc, Nhưỡng di, còn những nhà Tá Mạc thì lại đề xướng chính sách cải tiến, mở nước. Cuối cùng, Mạc phủ bại trận, nhưng sau đó những nhà Cần vương phản tỉnh lại và chuyển sang chủ trương mở cửa đất nước, đúng như túc luận của những nhà Tá Mạc, nên những phương châm sau này nghe có vẻ lọt tai, nhưng trong cuộc chiến loạn lúc đó, không có chút biểu hiện của sự khai tỏa nào hết. Sự tiến thoái của các nhà Tá Mạc nhất cử nhất động, đều xuất phát từ ý thức danh phận, quân thần. Họ nói là chiến đấu vì thiên hạ của Tướng quân Tokugawa trong suốt ba trăm năm, nhưng khi thiên hạ đó không còn nữa thì tiêu điểm tranh đấu cũng mất mà họ vẫn thản nhiên như thường được thì cũng lạ. Nếu là những tiểu nhân không hiểu gì về lý luận còn được, nhưng đây họ lại là những người đã khởi phát các tranh luận, đề xướng tinh thần trung nghĩa, học theo Bá Di, Thúc Tề mà chính họ lại là những kẻ bỏ trốn và làm náo loạn thiên hạ, thì tôi không hiểu họ ra sao. Thắng thua là vận của thời cuộc. Có thua cũng không phải là điều xấu hổ. Lý luận không đúng cũng không sao. Nếu thất bại, đành bỏ cuộc, vì tin rằng vận mình không còn, trở thành ông sư trong chùa, ẩn mình nơi rừng núi qua ngày thì còn được. Nhưng đây, họ không trở thành nhà sư đã đành, mà còn nhao nhao tranh nhau quyền cao chức trọng và mừng rỡ với điều đó thì không hợp ý tôi chút nào. Không thể kỳ vọng gì ở các trung thần, nghĩa sĩ được. Lý luận về danh phận của quân thần, chủ phụ cũng là thứ bị phản bội. Tôi quyết định đứng một mình còn dễ chịu hơn là vào hàng ngũ của những kẻ bạc bẽo như vậy. Ngay từ đầu tôi đã giữ điều tâm niệm đó, về chính trị tất cả đều mặc cho người khác làm và giữ mình ở mức chỉ nỗ lực vì bản thân mình mà thôi. Bản thân tôi thực ra không có liên quan gì, chỉ là những sự quan tâm không cần thiết, nhưng tôi biết rất rõ tình hình, nên nhìn đường đi nước bước của các trung thần, nghĩa sĩ thì thấy thương hại. Nhìn họ thành những kẻ hết dũng khí, nhút nhát mà không thể không nghĩ cho được. Đó có lẽ là do tính dễ bất bình với sự đời và cũng chính là nguyên nhân tự nhiên làm cho tham vọng công danh của tôi nguội lạnh. Định làm mẫu về tinh thần độc lập Điều thứ tư, xin được tạm gác lại những lý luận lằng nhằng như Cần vương hay Tá Mạc. Khi nền tảng cơ bản của chính phủ duy tân được định hình, không chỉ võ sĩ trên khắp nước Nhật, mà cả con của Hyakushō (Bách-tính) [4] và em của Chōnin, đại thể tất cả những người biết chút chữ nghĩa, đều muốn trở thành viên chức chính phủ. Chẳng hạn không làm viên chức được thì họ vẫn có nhiệt ý được gần chính phủ và nhận tiền gì đó. Tình cảnh này không khác gì đàn ruồi bâu vào một vật đang bốc mùi. Nhân dân trên cả nước đều nghĩ, nếu không dựa vào chính phủ thì không lập được thân, mà không hề có ý nghĩ tự thân độc lập. Thỉnh thoảng có những học sinh tu nghiệp ở nước ngoài về và nhiều người rất nghiêm chỉnh đến chỗ tôi, lòng đầy nhiệt huyết bảo rằng, không bao giờ có ý nghĩ sẽ làm quan chức suốt đời cho chính phủ. Vì từ đầu, tôi đã không kỳ vọng gì điều đó, nên cũng chỉ nghe cho qua chuyện. Nhưng lâu lâu không thấy “tiên sinh giương tinh thần độc lập“ ấy đâu, hỏi ra mới biết đã chễm chệ thành một thư ký cho bộ nào đó. Theo kiểu kẻ nào gặp vận may thì thành quan to ở địa phương, nên tôi không ngăn gì chuyện đó. Sự tiến thoái của mỗi người là tự do, tự tại của họ, nhưng việc tất cả mọi người trên đất nước này đều hướng đến mục đích duy nhất là chính phủ và nghĩ chắc chắn rằng, không còn cách lập thân nào khác chính là hủ phong còn rớt lại của nền giáo dục Nho giáo. Như thế có nghĩa là, chí “túc tích thanh vân" [5] đã trở thành một thứ mê muội truyền từ tổ tiên. Bây giờ, để thức tỉnh khỏi sự mê muội này và nói về ý nghĩa căn bản của sự độc lập, văn minh thì dù trong thiên hạ chỉ có một mình tôi cũng muốn chỉ ra hình mẫu thực đó. Hơn nữa, có lẽ cũng có những người mà tự bản thân họ cũng đang theo phương châm đó. Sự độc lập của một quốc gia là bắt nguồn từ chính tinh thần độc lập của mỗi người dân. Cả nước đều giữ căn tính lệ thuộc vào cổ phong thì không thể giữ được nước. Tôi không chần chừ xem có làm được hay không mà quyết tâm chính mình sẽ thử làm mẫu. Tôi chuẩn bị tinh thần không để ý đến mọi sự xung quanh, chỉ tâm niệm một điều là tự thân độc lập, nên không có ý ỷ lại vào chính phủ hay nhờ vả các viên chức. Nếu nghèo, không tiêu tiền nữa. Nếu có tiền thì tự chi tiêu theo ý mình. Khi giao thiệp với người khác sẽ cố gắng chân thành ở mức có thể. Đến thế mà họ vẫn bảo không thích thì thôi đừng kết giao với tôi nữa cũng được. Nếu mời khách, tôi sẽ chuẩn bị và đón tiếp theo gia phong của gia đình mình. Nhưng họ không thích gia phong đó và không đến, cũng không sao. Tôi cố gắng hết sức làm tròn điều mình có thể, còn thế nào là việc của phía bên kia. Khen ngợi hay chê trách, vui mừng hay nổi giận, họ cứ tự mà làm. Tôi có được khen cũng không mừng nhiều, mà bị chê cũng không giận lắm. Nếu thấy không hợp, thì tránh xa không kết giao nữa. Tôi quyết định một nguyên tắc là không để ý đến cả con người và sự vật, xả thân để đi qua cuộc đời, nên dù thế nào cũng không thể làm quan chức cho chính phủ được. Cách sống đó mà làm gương cho thiên hạ liệu có phải là điều xấu không, tôi cũng không quan tâm. Nếu là tốt thì quý, mà xấu thì đó chỉ là chuyện của lúc ấy. Tôi không hề định gánh trách nhiệm từ đó trở về sau. Coi thường và không nhiệt tâm với chính trị Vì đặt các đề mục từ một đến bốn như đã sắp xếp ở trên để kể, thì có vẻ như việc tôi không ra làm cho chính phủ là do khởi đầu tôi đã định rõ một lý luận và bó hẹp mình trong đó, nhưng thực ra không phải tẻ nhạt đến như vậy và cũng không phải là cao siêu đến như vậy. Chỉ có điều bây giờ tôi viết ra để mọi người hiểu, nên phải sắp xếp câu chuyện theo tuần tự. Vì vậy, tôi mới nhớ lại những người đã bàn luận, những việc đã làm, những vật đã chạm đến từ thuở xưa đến nay và thử tập trung những điều quẩn quanh trong ký ức như khi đó đã có chuyện kia, khi này lại có chuyện này thì thành được câu chuyện như tôi đã viết. Tựu trung lại sự coi thường và không có nhiệt tâm với chính trị là nguyên nhân khiến tôi không thể lại gần chính giới. Chẳng hạn, trong tính cách và thể chất của con người, có người gọi là Geko (Hạ-hộ) và cũng có người gọi là Jōgo (Thượng-hộ) [6]. Geko thì không vào hàng rượu, còn Jōgo thì không lại gần hàng bánh nếp. Cũng như thế, nếu chính phủ là hàng rượu thì có lẽ tôi là Geko của chính phủ. Là người bắt bệnh chứ không chữa bệnh cho chính trị Mặc dù nói như vậy, nhưng không phải là tôi không biết gì về chính trị. Tôi có đàm luận bằng lời nói và cũng viết cả trên giấy. Tuy nhiên, tôi chỉ đàm luận và viết lách, chứ không bao giờ nghĩ mình sẽ đứng ra làm chuyện đó. Điều này cũng giống như tôi là bác sĩ khám, chỉ bắt bệnh mà không nghĩ đến việc chữa bệnh. Hơn nữa, sự thực là tôi cũng không có tay nghề để trị bệnh. Thế nhưng, dù không biết gì về cách trị bệnh, việc bắt bệnh đôi khi cũng có ích. Bởi vậy, người đời cũng xem những cuốn sách bắt bệnh cho chính trị của tôi. Qua đó mà đoán tôi là bác sĩ có thể trị bệnh hay cầu cho mình thêm nhiều bệnh nhân là hoàn toàn sai lầm. Làm cho nước Nhật trở nên giàu mạnh là bản nguyện của tôi Thử nghĩ lại, thấy trong cuộc tao động năm Minh Trị thứ 14, Fukuzawa đã bị cho là có liên quan đến chính trị. Mặc dù sau đó cũng bị nhiều người để mắt tới, nghi ngờ điều này điều nọ và tôi vẫn cam đoan mình nhớ là không có sự liên quan trực tiếp nào. Nhưng gián tiếp thì những nguyên nhân đó không phải không từ bản thân tôi mà ra. Việc thiết lập quốc hội, tiến hành cải cách theo hướng tiến bộ sẽ có lợi cho đất nước thì được, nhưng nếu trên thực tế điều đó không có lợi và dù kiếp này tôi có được tha tội, thì có lẽ sau khi chết đi sẽ gặp điều chẳng lành dưới phủ của Diêm Vương. Không chỉ một việc trên báo Hōchi shimbun, mà về chính trị thì mọi hành động, lời nói của tôi đều theo cách như thế, không có gì lợi hại đến bản thân tôi, nghĩa là tôi chỉ làm với suy nghĩ của một bác sĩ chuyên khám bệnh, chứ không có ý định chiếm một vị trí trong chính phủ, nắm chính quyền và trị thiên hạ. Tuy nhiên, dù thế nào tôi cũng muốn đưa toàn thể quốc dân vào cổng của tòa nhà khai hóa văn minh, biến nước Nhật trở thành một cường quốc có binh lực mạnh mẽ và kinh tế phồn vinh. Đó chính là bản nguyện lớn nhất của tôi và chỉ một mình âm thầm thực hiện. Nói là tôi giao thiệp với những người trong chính giới, nhưng gặp gỡ ai đối với tôi cũng không quan trọng gì. Tôi không hề nhờ vả ai việc riêng và cũng không bàn bạc. Giàu hay nghèo, sướng hay khổ, một mình suy nghĩ và sống bình thản, nên những quan chức của chính phủ, những người có ý nghĩ khác, khi nhìn hay nghe kể về nếp sống của tôi, sẽ cho là kỳ quặc. Âu đó cũng không phải là điều vô lý. Thế nhưng, sự thực thì đối với chính phủ tôi không có thù hận gì. Tôi cũng không nghĩ ai trong các vị quan chức là người xấu. Nếu vẫn còn ở trong chế độ đẳng cấp thời phong kiến, không biết còn u tối thế nào. Hôm nay được sống bình an những ngày dài của tuổi thọ chính là thứ được rất lớn trong luật pháp của chính phủ Minh Trị, mà tôi rất lấy làm mừng. Phạm Thu Giang dịchChú thích[1]Ở đây là để chỉ Tướng quân Tokugawa Ieyasu. [2]Tên một tiểu quốc xưa ở miền Trung Nhật Bản, nay thuộc tỉnh Aichi. Mikawa chính là nơi xuất thân của Tướng quân Tokugawa Ieyasu, người lập nên Mạc phủ Edo, nên ở đây "Mikawa" là để chỉ Tướng quân Tokugawa Ieyasu cũng như dòng họ đó.[3]Một loại thực vật thuộc họ dương xỉ, thường mọc trên núi và có thể ăn được.[4]Vốn có nghĩa là chỉ trăm họ, tức nhiều người thuộc những họ tộc khác nhau, nhưng từ thời trung thế, từ này được dung để chỉ thường dân nói chung và sang thời Edo người ta vẫn sử dụng luôn với nghĩa này, đặc biệt là để chỉ nông dân.[5]"Túc tích thanh vân" là để nói đến ý chí muốn ra làm quan vinh hiển. Đây là một ý trong bài thơ Chiếu kính kiến bạch phát của Trương Cửu Linh rằng: "Túc tích thanh vân chí. Tha đà bạch phát niên. Thùy tri minh kính lý. Hình ảnh tự tương lân". Bài thơ đại ý: Chí túc tích thanh vân, hoài bão công danh đeo đẳng từ thuở xưa chưa thành mà tóc đã nhuốm màu bạc. Sau tấm gương soi, nơi không ai biết một mình nhìn hình ảnh của mình mà tiếc thay.[6]Geko là chỉ người không uống được rượu hoặc không thích rượu, còn Jōgo thì ngược lại, chỉ người có thể uống được nhiều rượu hoặc ham uống rượu.