Phi Giao hoàng hậu trở về hữu cung, ngẩn người ngồi nghĩ, nghĩ thầm: “Cứ như lời Phương Khâm và các cung phi nói, thì Mã Thuận thật là một đứa gian ác. Hắn giao thông với Đồ Man Hưng Phục, mượn uy quyền của ta mà chuyên cầm quốc chính, việc sinh sát dữ đoạt, phần nhiều bởi tay chúng mà ra. Ta khác nào như một đứa trẻ con bị chúng lừa dối. Bao nhiêu tội ác, chúng đều đổ cả cho ta. Bây giờ ta khó nghĩ quá! Ta muốn vào Nam nội thú tội với Thái hậu nhưng lại sợ lưỡi gươm năm trước, ai kẻ đỡ cho.” Phi Giao Hoàng hậu nghĩ vậy, truyền đòi các nội giám và các cung nữ vào để tra hỏi. Bây giờ cửa cung mở rộng, hai bên có hai đội nữ binh đứng sắp hàng, gươm tuốt sáng quắc. Phi Giao Hoàng hậu liền phán hỏi: - Mã Thuận từ xưa đến nay làm những điều gì trái phép, các ngươi phải nói cho thật, nếu kẻ nào ấp úng che đậy, ta sẽ bầm nhừ người ra. Mọi người nghe nói, nét mặt tái mét, ai nấy nhìn nhau, đều run sợ cầm cập mà không biết nói thế nào. Nói ra thì e Mã Thuận, mà không nói thì tính mệnh cũng khó toàn. Phi Giao hoàng hậu quát to lên mà rằng: - Hỏi sao không nói! Bấy giờ có tên nội giám Thẩm Nhân, vốn người can đảm, mới liều mình quì xuống mà tâu rằng: - Muôn tâu hoàng hậu! Hoàng hậu bậc thánh minh, hà tất phải hỏi cho lắm. Mã Thuận nguyên vẫn giao thông với Đồ Man Hưng Phục, mà uỷ quyền cậy thế, để võng lợi thủ tài. Chúng làm nhiều điều càn rỡ lạ thường, nhưng các quan văn võ triều thần thấy chúng được tin dùng, cho nên không dám nói. Nay hoàng hậu hỏi đến, kẻ hạ thần liều chết tâu bày. Chẳng những thế mà thôi, chúng còn có ý dòm dỏ ngôi trời, sinh lòng phản nghịch nữa. Phi Giao hoàng hậu không nghe nói thì thôi, khi đã nghe nói thì bội phần căm tức, như ngây như dại, cứ ngồi ngẩn người ra. Phi Giao Hoàng hậu nghĩ quẩn lo quanh, chỉ phàn nàn về nỗi bấy lâu đã quá tin mà nghe lời Mã Thuận. Bỗng thấy cung nữ quì dâng tờ biểu, mở xem lại càng kinh hồn. Nguyên tờ biểu ấy của An Quốc tướng quân tâu về việc nghe tin thượng hoàng sắp về, vậy phải rút quân cấm binh ra để phòng giữ kinh thành và sửa soạn lễ nghênh tiếp. Trong khi quyền biến, không kịp tâu trước, xin hoàng hậu xá tội cho. Phi Giao hoàng hậu xem xong, thở dài mà than rằng: - Thế này thì quả nhiên là chúng sinh lòng phản nghịch rồi! Giả sử Thượng hoàng có về triều thật nữa, cũng không cần phải rút cấm binh ra để phòng giữ kinh thành. Đồ Man An Quốc không đợi chiếu chỉ mà dám rút quân cấm binh, còn coi ai ra gì nữa. Mã Thuận chính là đứa đồng đảng với hắn, chuyến này chưa biết chúng xoay ra thế nào. Đã đành rằng ta ta lầm mà quá tin, nhưng chúng cũng tỏ ra bội bạc. Âu là sáng sớm mai ta ra ngự triều, rồi sẽ tùy cơ ứng biến. Đêm hôm ấy, Phi Giao Hoàng hậu ruột tằm bối rối, ngủ không yên giấc, cứ tựa gối mà thở ngắn than dài. Các cung nữ đứng hầu hai bên, lặng nghe trống điểm canh năm, Phi Giao Hoàng hậu trở dậy, lượt không muốn chải, gương chẳng buồn soi, cũng không ngự ăn lót dạ như trước. Bỗng thấy tên nội giám hoảng hốt quì tâu: - Muôn tâu Hoàng hậu! Nguy cấp đến nơi rồi! Ngoài cửa Ngọ Môn quan quân đứng sắp hàng, đều nói để nghênh tiếp Thượng hoàng về triều, lại có một toán quân vào nam nội rước Thái hậu. Nói chưa dứt lời thì có mấy tên nội giám nữa chạy đến vừa khóc vừa tâu rằng: - Muôn tâu Hoàng hậu! An Quốc tướng quân đem quân vây kín triều đường, tuyên ngôn vào thỉnh Thái hậu để lập giám quốc. Quan thượng thư họ Tần không chịu theo thì An Quốc tướng quân đã truyền chém. Mã Thuận lại sắp đem quân tới đây xin Hoàng hậu định liệu. Phi Giao Hoàng hậu thở dài mà rằng: - Ta lầm mà dùng phải đứa gian, bây giờ hối lại làm sao cho kịp! Nói xong, liền gọi tên cung nữ Nguyệt Anh đến mà khẽ bảo rằng: - Nguyệt Anh con ơi! Con hầu hạ ta gần mười năm nay, từ trước chí sau chưa hề có điều gì trái ý, ta chắc con là người có lòng trung thành với ta. Nay ta chỉ nhờ con một việc; con đem cái ấn ngọc tỷ này đệ trình Thiên tử. Tên cung nữ Nguyệt Anh giắt cài ấn ngọc tỷ rồi gạt nước mắt đi ra. Phi Giao Hoàng hậu lại gọi Thẩm Nhân mà bảo rằng: - Thẩm Nhân con ơi! Hôm nay Mã Thuận vào đây, tất hắn làm càn, con nên cùng đội nữ binh gia sức chống lại, hễ giết được Mã Thuận thì ta không dám quên công, Thẩm Nhân con ơi! nếu con không chịu giết Mã Thuận thì con đâm ta một nhát để ta chết đi cho rồi! Khi Thái hậu lâm triều, con sẽ vì ta mà trần tấu rằng bây lâu cái tội tàn dân hại nước, ta xin nhận cả, bất tất liên lụy đến ai. Phi Giao Hoàng hậu nói xong hai hàng nước mắt ròng ròng chảy xuống. Thẩm Nhân lạy dập đầu rồi khóc mà tâu rằng: - Muôn tâu hoàng hậu! Xin hoàng hậu vững lòng, trời nào nỡ phụ người ngay! Mấy lời hoàng hậu dặn bảo, kẻ hạ thần xin vâng mệnh. Nay mai thượng hoàng về triều, kẻ hạ thần chắc rằng hoàng hậu cũng không hề chi vậy. Phi Giao hoàng hậu gạt nước mắt mà bảo rằng: - Thượng Hoàng chưa về đâu! Đấy là gian mưu của chúng phao ngôn để làm mê hoặc nhân tâm đó. Việc Thái hậu ra lâm triều thì hoặc có lẽ. Lòng ta dẫu minh bạch, nhưng nay cũng khó mà giải bày. Nói xong, liền nghiêm nét mặt ngồi đợi Mã Thuận. Bỗng nghe tiếng người xôn xao kéo đến, Mã Thuận đi đầu, tay cầm thanh bảo kiếm, sau lưng lại có mấy trăm nội giám đi theo, mỗi người cũng đều cầm một thanh gươm tuốt trần. Mã Thuận vừa bước lên trên thềm thì đội nữ binh quát mắng rằng: - Có Hoàng hậu ngồi trên, sao nhà ngươi không làm lễ triều kiến, lại dám ngang nhiên như vậy! Mã Thuận nói: - Ngày nay Thượng hoàng sắp về triều, kẻ hạ thần phụng chỉ Thái hậu đến truyền cho lệnh bà phải tự vận. Lệnh bà tự vận đi thì sau này khỏi phục, kẻo đường đường một ngôi Hoàng hậu, lại phải đem ra tra hỏi tội lỗi trước sân rồng. Vả Thượng hoàng về triều quyết không thể nào tha thứ cho lệnh bà được, vậy nên Thái hậu mở lòng nhân đức, sai kẻ hạ thần đem thanh bảo kiếm này vào dâng lệnh bà. Phi Giao hoàng hậu cười nhạt mà phán rằng: - Ta có tội thật, nhưng tội ấy chẳng hay tự ai xui giục cho nên! Mã Thuận! Mày dám mạo lời thái hậu, đến hại ta đó chăng, vị tất đã hại nổi! Nếu quả Thái hậu lâm triều, muốn biếm truất ta thì tất đã có giáng chỉ. Khi nào một ngôi Hoàng hậu cầm quyền trong nước bấy nhiêu năm trời, mà bây giờ lại chịu chết một cách mập mờ thế này! Mã Thuận nói: - Thái hậu khẩu truyền cho kẻ hạ thần như vậy, vì sợ khi giáng chỉ biếm truất mà lệnh bà dám kháng cự thì lại thêm tội “Diệt tộc” đó thôi! Phi Giao Hoàng hậu nghe đến câu ấy, nổi giận mà rằng: - Mã Thuận! Mày dám nói hỗn với ta phải không! Mày nguyên là một đứa tôi tớ hèn hạ, ta cất nhắc cho mày được chưởng quản sáu cung, lại hàng ngày ban thưởng các đồ châu báu. Không ngờ mày tham lam không chán, ăn bớt tiền công, buôn tước bán quan, một năm bao nhiêu là của hối lộ. Mày giao thông với Đồ Man Hưng Phục, dám manh lòng phản nghịch, mượn tiếng nghênh tiếp thượng hoàng để biếm truất ta. Ta bảo thật cho mày biết; hễ khi thượng hoàng về đây thì tội ác của mày cũng khó lòng mà tránh thoát! Mã Thuận nói: - Kẻ hạ thần phụng chỉ Thái hậu tới đây, có lẽ lại về không hay sao! Lệnh bà đừng tiếc đời nữa, mới yên được lòng dân. Chẳng lẽ phạm tội ác tày trời mà còn được nghiễm nhiên ngồi làm Hoàng hậu! Lệnh bà dẫu có ơn riêng với kẻ hạ thần thật, nhưng kẻ hạ thần đành phụ lệnh bà còn hơn phụ nước. Xin lệnh bà mau mau tự vận, chớ khiến cho bọn tôi tớ lại phải động tay. Phi Giao Hoàng hậu nổi giận, đập bàn mà quát mắng rằng: - Đứa gian nô Mã Thuận kia! Mày tưởng bây giờ ta không giết được mày đó chăng! Nữ binh đâu! Đâm chết Mã Thuận cho ta! Bọn nữ binh nghe lệnh, đều tuốt gươm ra. Mã Thuận vội vàng giơ kiếm đỡ và gọi bọn nội giám kéo lên. Hai bên xung đột nhau, bọn nữ binh thắng, Mã Thuận thấy cơ nguy cấp, toan lẻn ra cửa cung, không ngờ Thẩm Nhân lại cắp ngọn giáo đứng chắn ở đấy. Mã Thuận luống cuống quay trở vào thì giẫm phải đống tử thi, đầm đìa những máu. Phi Giao Hoàng hậu lại quát to lên rằng: - Chúng bay chớ để cho đứa gian nô Mã Thuận nó trốn thoát! Nữ binh nghe lệnh, tức thì xúm lại, Thẩm Nhân ở ngoài tiến vào, cầm ngọn giáo đâm thẳng vào đùi Mã Thuận. Mã Thuận ngã lăn quay ra đấy. Nữ binh toan giơ gươm chém thì Thẩm Nhân gạt tay mà bảo rằng: - Chớ nên giết hắn! Để sau này còn phải lấy cung! Bấy giờ Thẩm Nhân liền nắm lấy Mã Thuận mà trói chặt lại. Bọn nội giám đi theo Mã Thuận, còn sót người nào đều táng đởm kinh hồn. Thẩm Nhân quì xuống tâu Phi Giao Hoàng hậu: - Muôn tâu Hoàng hậu! Nay Hoàng hậu đã bắt được đứa đầu đảng, còn bọn tùy tòng, xin rộng ơn mà xá tội cho. Vì chúng sợ uy Mã Thuận bất đắc dĩ phải theo, chức thực không dám có lòng phản nghịch. Phi Giao Hoàng hậu ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: - Đáng lẽ ta giết tất cả, nhưng ta nể lời nhà ngươi mà tha chết cho, bắt chúng phải khiêng bỏ các tử thi đi. Còn Mã Thuận hãy đem giam vào một chỗ, phái người canh giữ cho cẩn thận. Phi Giao Hoàng hậu ghi công bọn nữ binh vào sổ, vừa toan sai người đi dò la tin tức vua Anh Tôn thì bỗng thấy Nguyệt Anh hoảng hốt chạy đến, nét mặt tái mét. Phi Giao Hoàng hậu vội hỏi: - Báo tin gì thế? Hay là Thánh thượng cũng bị nạn đó chăng! Con Nguyệt Anh miệng thở hồng hộc, hồi lâu định thần mới quì xuống mà tâu rằng: - Muôn tâu Hoàng hậu! Con giắt cái ấn ngọc tỷ sang đến vườn Thượng uyển thì trông thấy thiên binh vạn mã đã vây kín trong ngoài. Trời ơi! Con chẳng còn hồn vía nào nữa, lại phải chạy về đây để trình hoàng hậu. Tâu xong, lại cầm cái ấn ngọc tỷ, để lên trên long án. Phi Giao Toàng hậu nghe nói, nét mặt rầu rĩ mà phán rằng: - Ngày nay tất là An Quốc tướng quân sinh lòng phản nghịch. Định biếm truất thiên tử và ta đây. Mã Thuận tới cung ta, ta còn bắt sống được, chứ thiên tử địch sao cho nổi với quân cấm binh. Bấy giờ ta muốn đem binh sang cứu, lại sợ Thái hậu đã lâm triều rồi chăng. Mà sai người đi dò la thì không được tin đích thực. Chi bằng ta đem cái ấn ngọc tỷ này vào nam cung mà nộp Thái hậu. Phi Giao Hoàng hậu nghĩ quanh nghĩ quẩn, cầm cái ấn ngọc tỷ mà ngắm nghía, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng. Phi Giao Hoàng hậu vừa khóc vừa nói: - Ngọc tỷ ơi! Nhà ngươi làm bạn cùng ta trong tám năm nay, khiến cho uy quyền ta lừng lẫy khắp thiên hạ. Ta dẫu không dám khoe đức chính, nhưng cũng chưa đến nỗi hoang tàn, không ngờ ngày nay đất lở trời nghiêng, gặp sự nguy biến này, âu là ta lại đem nhà ngươi mà nộp trả Thái hậu. Phi Giao Hoàng hậu lấy tay gạt nước mắt, rồi lại ngắm nghía cái ngọc tỷ, quyến luyến mãi không nỡ rời tay. Nguyệt Anh lại quì gần trước mặt mà tâu rằng: - Muôn tâu Hoàng hậu! Xin Hoàng hậu mau mau trao cái ngọc tỷ cho tiện tỳ này, kẻo lại nghe có tiếng người xôn xao, hình như sắp đến. Phi Giao Hoàng hậu bất đắc dĩ phải trao cái ngọc tỷ cho Nguyệt Anh. Nguyệt Anh chỉ sợ An Quốc tướng quân trông thấy, vội vàng rón rén lẻn trốn. Nghĩ thầm: “Vạn nhất Phi Giao Hoàng hậu bị nạn thì cái ngọc tỷ này biết trao cho ai, âu là ta hãy đến nam cung xem sự thể ra làm sao.” Nguyệt Anh nghĩ vậy, dời gót đi ngay. Khi tới nam nội trông thấy bọn các quan văn võ triều thần, có quan Nguyễn tướng công đi đầu, đều đứng sắp hàng ở ngoài cửa cung. Nguyệt Anh nghĩ thầm: “Đây tất là các quan văn võ triều thần vào rước thái hậu ra ngự triều, nhưng không có ngọc tỷ thì lấy chi mà tuyên bá quốc chính. Ngày nay hai Quốc cữu đã mở cửa cung vào rước Thái hậu thì đại sự tất thành.” Bấy giờ mười vạn cấm binh đại nội ở chốn giáo trường, Triệu Phượng cùng Triệu Lân ở trên trướng đài xuống, bắn mấy phát đại pháo, rồi cùng các quan triều thần đi vào nam nội. Khi đến cửa ngoài, hai quốc cữu gõ cửa gọi, có tên lão nội giám chạy ra mở cửa. Tên lão nội giám liền ngẩn mặt nhìn mà rằng: - Trời ơi! Đã mấy năm nay tôi không được trông thấy hai Quốc cữu, chẳng hay hôm nay hai Quốc cữu vào đây có việc chi? Triệu Phượng nói: - Hôm nay ta có một việc rất khẩn yếu, cần phải mật bẩm với thân mẫu ta. Triệu Phượng vừa nói vừa đi thẳng vào. Triệu Lân cũng vào. Sau lưng lại có một bọn gia tướng đi theo. Tên nội giám quát to lên mà rằng: - Các người theo hầu phải đứng cả lại. Đây là nơi cấm địa, chớ có vào liều. Mọi người cứ lũ lượt kéo vào. Vào đến cửa trong, hai Quốc cữu ngẩng lên trông, bỗng ứa nước mắt khóc. Số là ở phía trên cửa mạng nhện giăng đầy, mà giữa cửa lại có một cái khóa đồng lớn, đã rỉ hoen. Còn phía chung quanh dưới chân tường đá thì cỏ mọc rậm rạp, dơ bẩn lạ thường. Hai Quốc cữu trông thấy, ruột đau như cắt. Các gia tướng theo sau, cũng đều thở ngắn than dài mà bảo nhau rằng: - Thái hậu cùng Mạnh vương phi trong mấy năm nay sao xiết nỗi âu sầu buồn bã. Triệu Phượng càng nghĩ càng căm tức trong lòng mà phàn nàn rằng: - Phi Giao không phải là giống người! Dẫu kẻ tội tù bị giam trong ngục, cũng còn phải cho người nhà vào thăm nom và đưa nước, huống chi Thái hậu và vương phi mà nỡ nào lại nghiêm cấm thư thế này! Nói xong, liền rút gươm ra chém cái khóa đồng, nhưng nào có chuyển. Triệu Lân nhìn cái khóa rồi nói với Triệu Phượng rằng: - Thân huynh ơi! Thân huynh chớ chém mà quằn lưỡm gươm. Cái khóa này lâu ngày rỉ quyện, đã ăn liền với cánh cửa, xin thân huynh dùng búa mà bổ mới được. Nói xong, truyền gia tướng lấy búa. Triệu Lân tay cầm cái búa ra sức bổ mạnh, bấy giờ cái khóa mới gãy. Gia tướng mở toang cửa tung ra, các nội giám ở trong đều run sợ cầm cập. Hai quốc cữu rảo bước vào thì thấy cung điện vẫn được trang hoàng sạch sẽ, ngoài sân không hề có cỏ mọc rêu phong. Các cung nữ đang quét dọn, trông không ra cảnh tượng một nơi bị nghiêm cấm lâu ngày vậy. Hai quốc cữu hỏi: - Mạnh vương phi ngồi đâu? Các ngươi vào bẩm giúp ta. Bọn nội giám đều chú ý nhìn, mới nhận ra quốc cữu, liền hỏi: - Trời ơi! Thế ra hai vị quốc cữu đây! Trong mấy năm nay, bây giờ chúng tôi mới lại được trông thấy. Chẳng hay hai Quốc cữu làm thế nào hôm nay lại vào tới đây được? Triệu Lân nói: - Các ngươi cứ vào bẩm, thân mẫu ta đã biết rõ cả rồi! Các nội giám mừng rỡ, khoa tay múa chân, chạy vào phi báo. Hai Quốc cữu chắp tay đứng ở dưới thềm để đợi Mạnh vương phi. Bỗng thấy Mạnh Vương phi ở trong bước ra, hai Quốc cữu vội vàng chạy đến, vừa khóc vừa sụp lạy. Mạnh Vương phi cũng khóc mà bảo rằng: - Các con ơi! Ngày nay mẹ con ta gặp gỡ, rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao! Hôm trước chim quạ đưa thư của các con vào đây, Thái hậu vẫn bảo là vị tất đã thành sự. Ngày nay quả nhiên các con làm được nên việc, Thái hậu cùng ta đều mừng rỡ xiết bao! Việc trong mấy năm, chẳng hỏi chi vội bây giờ con hãy kể qua những việc trong mấy hôm nay. Hai Quốc cữu gạt nước mắt, rồi đứng dậy thuật chuyện đầu đuôi cho Mạnh vương phi nghe. Mạnh vương phi thở dài mà bảo rằng: - Các con ơi! Thân phụ các con thuở xưa cũng là một bậc kỳ tài, mà thành ra lại không bằng các con vậy. Khi nào Thượng hoàng về triều, nên chém vợ chồng ta mà xá tội cho các con. Mạnh vương phi nói đến đấy, lại càng đau ruột héo gan. Có tên cung nữ chạy đến nói với Mạnh vương phi rằng: - Dám bẩm vương phi! Thái hậu truyền mời Vương phi và hai Quốc cữu vào để hỏi chuyện. Mạnh vương phi cùng hai quận chúa vào, trông thấy thái hậu đứng ở trên bảo điện, có ý mong đợi. Mạnh vương phi rón rén bước lên. Thái hậu hỏi: - Mạnh Lệ Quân em ơi! Hai điệt nhi đâu? Sao em không đưa vào đây để cho hỏi chuyện. Mạnh vương phi tâu rằng: - Muôn tâu thái hậu! Hai tiện nhi có theo vào, nhưng vì là người có tội. Vả lại nam tử, cho nên chưa dám tự tiện bước lên thềm, còn phải đợi lệnh Thái hậu. Thái hậu thở dài mà rằng: - Em nghĩ lầm! Phàm trong nhà Hoàng Phủ bây giờ, ai không phải là người có tội, mà người có tội to nhất tức là ta đây. Mạnh vương phi vâng mệnh gọi hai quốc cữu lên. Hai quốc cữu bước lên trên thềm, cúi đầu sụp lại. Thái hậu trông thấy nửa thương nửa mừng mà phán rằng: - Xót thương cho hai điệt nhi,ngày nay đều đã trưởng thành, mà lại gặp lúc nước nhà nhiều nỗi gian truân, đến nỗi cha mẹ cách xa, vợ con không có. Ta nghĩ đến lúc nào trong lòng ta lại thêm áy náy. Triệu Phượng và Triệu Lân quì xuống tâu rằng: - Muôn tâu thái hậu! Thần đẳng tội ác thâm vọng, ơn vua lộc nước bấy lâu chỉ đành ngồi ăn hại, không nghĩ được một kế gì. May sao có con chim quạ mang bức thư của thân mẫu thần đẳng đến, bấy giờ thần đẳng mới y kế thi hành. Một là nhờ hồng phúc của Thái hậu, hai là đứa gian tặc kia đã đến ngày tận số, cho nên mới được chóng thành công. Triệu Phượng và Triệu Lân lại thuật rõ đầu đuôi sự tình để thái hậu nghe. Thái hậu mừng mà phán rằng: - Nếu vậy hay! Ta lấy làm mừng lắm, không phải mừng về nỗi ngày nay ta được lâm triều, mà cũng không phải mừng về nỗi ta đã biếm truất được con Phi Giao đâu, chỉ mừng rằng nhà Hoàng Phủ ta giữ toàn được hai chữ “Trung, hiếu”. Đến khi Thượng hoàng về triều thì công này có thể chuộc được tội kia vậy. Còn việc lâm triều ngày nay, ta lấy làm khó nghĩ quá. Đã đành rằng con Phi Giao tội nên biếm truất, nhưng muốn biếm thiên tử, tất phải đợi khi Thượng hoàng về. Nay lập giám quốc, tôi còn Hoàng tử nhỏ kia, ta biết xử trí ra làm sao? Ta nay dâũ chưa phải là người góa chồng, nhưng chiếc thân vò võ ở chốn nam cung này, có con tưởng cũng như không. Ngaỳ nay ta lâm triều, cầm quyền trong nước thì còn trị tội con Phi Giao làm sao cho được. Vả ta cũng là một người có tội, nếu ta lâm triều, e các quan văn võ triều thần không chịu phục lòng. Chi bằng ta hãy cho con Phi Giao được đổi lỗi xưa mà hết sức phò tá thiên tử. Thái hậu nói chưa dứt lời thì Mạnh Lệ Quân vương phi liền quì ở bên cạnh mà tâu rằng: - Muôn tâu thái hậu! Sao thái hậu nói câu ấy. Ngày nay vợ chồng thần thiếp dẫu trong thấy con Phi Giao, cũng không khi nào nhận nó làm con nữa. Bấy lâu chỉ vì Thái hậu còn đang bị bệnh, vậy nên thần thiếp phải gia sức điều trị cho được bình phục như thường. Hôm trước con chim quạ gởi thư, thần thiếp đã tâu rõ với Thái hậu, cũng là một kế bất đắc dĩ phải thi hành. Bây giờ muốn cho nước nhà được an toàn, phải biếm truất Thiên tử và Hoàng hậu. Cha con Đồ Man Hưng Phục xưa nay vốn có lòng phản nghịch, nếu không dùng kế ấy thì đại sự khó thành. Muôn tâu thái hậu! Xin thái hậu chớ nghĩ tình riêng, tội ác con Phi Giao thật không thể nào mà tha thứ được. Mạnh Lệ Quân vương phi nói xong, lại phục xuống đất mà khóc. Triệu Phượng và Triệu Lân cũng khóc. Thái hậu nói: - Đã đành rằng thế, nhưng để ta còn xét xem sự tình trong triều ra làm sao. Bỗng thấy nội giám quì xuống tâu rằng: - Muôn tâu thái hậu! Các quan văn võ triều thần xin mời Thái hậu lâm triều. Phi Giao Hoàng hậu ngày nay khí thế lại rất dữ dội, hiện đã giết chết Mã Thuận, còn một bọn nội giám đi theo Mã Thuận đều thịt nát như rây, Phi Giao Hoàng hậu lại nói: -“Dẫu thượng hoàng về đây, cũng khó biếm truất nổi ta. Thái hậu lâm triều, ta đây đã có nữ binh, không việc gì phải lo sợ.” Thái hậu nghe nói hầm hầm nổi giận, truyền cung nữ lấy nhung phục ra mặc, rồi đập bàn quát mắng mà rằng: - Ngày nay, thế nào ta cũng phải giết chết con Phi Giao. Bấy giờ Thái hậu cởi long bào ra, mặc đồ nhung phục vào, mũ ngọc sáng loè, giáp vàng đỏ ối, lại thêm đôi mắt phượng lóng lánh, trông rõ là một vị nữ tướng quân vậy. Thái hậu gọi nội giám Lăng Mậu đến mà bảo: - Nhà ngươi truyền cho các quan lui ra, rồi ta sẽ lâm triều. Các quan văn võ nghe lệnh, sụp lạy lui ra. Thái hậu lên xe ngọc liễn. Trước sau đều có cấm binh đi hộ vệ, Mạnh Lệ Quân vương phi và hai Quốc cữu đi kèm hai bên. Đi được mấy bước thì bỗng có tên cung nữ Nguyệt Anh đón quì mà tâu rằng: - Muôn tâu Thái hậu! Xin Thái hậu dừng xe cho tiện tỳ này được tâu bày. Quân hộ vệ quát to lên mà mắng rằng: - Nhà ngươi ở cung nào mà dám cả gan ngăn trở loan giá, không sợ phạm tội hay sao! Nếu có sự gì oan uổng, sao không kêu với quan nội sử? Nguyệt Anh khóc mà tâu rằng: - Muôn tâu thái hậu! Tiện tỳ không có sự gì oan uổng cả. Số là hữu cung Hoàng hậu sai tiện tỳ mang ngọc tỷ đến dâng Thái hậu đây. Thái hậu nghe nói truyền dừng xe lại, rồi gọi Nguyệt Anh đến gần trước xe mà hỏi rằng: - Hữu cung hoàng hậu sai nhà ngươi đến đây phải không? Nào ngọc tỷ đâu? Nguyệt Anh lạy dập đầu mà tâu rằng: - Muôn tâu thái hậu! Tiện tỳ này trước phụng mệnh hữu cung Hoàng hậu đem ấn ngọc tỷ vào dâng Thiên tử, không ngờ khi tiện tỳ đến vườn thượng uyển đã thấy có quân cấm binh vây kín, lại phải quay về nộp trả hữu cung hoàng hậu. Nay hữu cung hoàng hậu lại sai tiện ty đem dâng thái hậu vậy. Nguyệt Anh đem những lời Phi Giao Hoàng hậu dặn bảo tâu hết cho Thái hậu nghe và dâng cái hộp vàng ngoài bọc gấm rồng, trong có đựng ấn ngọc tỷ. Thái hậu mở xem, trông thấy cái ấn ngọc tỷ vẫn trong suốt không vết, liền động lòng thương xót, bỗng ứa hai hàng nước mắt xuống mà khóc rằng: - Ngọc tỷ ơi! Từ bấy đến nay, bây giờ ta mới trông thấy mặt người! Bao giờ Thượng hoàng về tới đây, để mà nộp trả Thượng hoàng! Nói xong, truyền con Nguyệt Anh đi theo để khi lui triều sẽ hỏi tường tất cả mọi sự. Thái hậu đem lời Nguyệt Anh thuật cho Mạnh Lệ Quân vương phi nghe và bảo rằng: - Con Phi Giao biết như thế thì ta nên xử trí thế nào? Giống hổ lang dẫu dữ, cũng không ăn thịt con, chẳng lẽ ngày nay ta lại ác hơn giống hổ lang hay sao! Mạnh Lệ Quân em ơi! Em hãy nghĩ đi nghĩ lại cho thật kỹ, kẻo đến sau này hối lại không kịp! Mạnh Lệ Quân tâu rằng: - Muôn tâu Thái hậu! Việc này quyết không bao giờ hối lại, xin Thái hậu quả đoán mới xong. Khi nào tội ác như con Phi Giao mà lại khoan tha được. Nếu thái hậu còn nghi ngờ thì thần thiếp đã có thảo sẵn một tờ chiếu thư tuyên bá tội ác của con Phi Giao, xin dâng để Thái hậu xem. Mạnh Lệ Quân liền thò vào trong tay áo lấy ra một tờ chiếu thư, hai tay cầm dâng thái hậu. Tờ chiếu như sau này: “Trộm nghe thiên tử là ngôi kiền tượng, quí hồ cương minh; hoàng hậu giữ đức khôn nghi, tất phải nhu thuận. Hữu hoàng hậu kia! Nhan sắc thì yêu diểm như hoa, tính nết lại nóng nảy hơn lửa. Miệng hùm nọc rắn, dạ thú lòng lang. Canh giường há chịu nhường ai, tranh đoạt đích hậu; buông rèm chiếm quyền tự chủ, ngu hoặc quân vưong. Hại kẻ trung lương, trong ngục trăm người oan khổ; cự lời can gián, trước thềm một lão thiệt thòi. Chẳng những chỉ thế mà thôi, lại còn nhiều tội hơn nữa: Cấm cố thiên tử, ngược đãi cung phi. Làm hại của kho để nuôi đứa nịnh. Nghe lời sàm báng, đem cấm binh vào nam cung; mượn tiếng thuốc thang để giam thân mẫu ở nội điện. Người đã đến thế ta biết nói sao. May nhờ tổ tông thiêng liêng, lại được triều thần giúp đỡ. Nay ta chủ trương việc nước, hãy tạm lâm triều; hỏi ai chiếm cứ ngôi trời, nên cùng thanh tội. Chỉ vì thiên tử không võ đoán, đến nỗi hữu hậu dám lộng quyền. Theo lệ Thái Giáp(1) thuở xưa, đều đem biếm truất; đợi khi Thượng hoàng về nước, rồi sẽ xử phân. Mã Thuận kia! Lập kế bày mưu, cậy quyền ỷ thế. Dối vua hại nước, lưỡi gian xiết kể bạo tàn; buôn tước bán quan, túi tham bấy lâu vơ vét. Dẫu tha tử tội, cũng phải u tù. Các quan văn võ triều thần, vì sự cưỡng bách mà trót giao kết với Mã Thuận, ngày nay đều được ân xá. Còn nhà Hoàng Phủ kia! Đáng lẽ cũng không khỏi tội, nhưng Hoàng Phủ Thiếu Hoa cùng đứa con nhỏ mới lên mười tuổi, đã biết đem nhau đi tìm Thượng hoàng thì tấm lòng trung thành ấy xưa nay ít có, không gọi là đảng phản nghịch được. Khi nào Thượng hoàng về, bấy giờ sẽ lấy công chuộc tội. Gặp lúc nước loạn, nên gặp vua hiền. Nay Hán vương và Triệu vương đều xa vắng cả. Trong bọn Tôn thất có người con thứ hai của Đồ Man Hưng Phục là Đồ Man An Quốc kia, hãy cho tạm cầm quyền chính, đợi đến khi Thượng hoàng về, nhưng phàm quân quố đại sự, phải tâu trước cho bản cung biết. Các quan văn võ triều thần, không thượng hoàng về, sẽ bàn đến ân điển, thế nào cũng có xá thuế cho thiên hạ trong ba năm. Than ôi! Trời đã không tựa, vận nước lắm sự gian nan; sinh chẳng gặp thời, việc nhà nhiều điều bói rối. Thần dân trong nước, cũng nên lượng khổ tâm cho bản cung vậy. Khâm thử!” Thái hậu xem xong thở dài mà phán rằng: - Mạnh Lệ Quân em ơi! Cứ như lời em nói thì con Phi Giao chết đã đáng tội! Khi tới triều đường, hai quốc cữu lên trước, các nội giám cắp gươm đứng giàn hai bên. Thái hậu lên ngồi trên bảo tọa. Cái ngọc tỷ bày ở trước long án. Mạnh Lệ Quân vương phi bấy giờ cũng đeo một thanh bảo kiếm đứng cạnh. Bên tả có Nguyễn Long Quang tướng công, bên hữu có Đồ Man An Quốc tướng quân, còn các quan văn võ triều thần đều phủ phục ở dưới sân rồng mà tâu rằng: - Muôn tâu thái hậu! Thần đẳng bấy lâu ăn hại lộc nước, thật là tử tội đã cam. Ngày nay nghe tin Thượng hoàng sắp về, dân gian phao ngôn, chưa biết rằng thực hay hư, vậy thần đẳng phải rước Thái hậu ra ngự triều để chủ trương việc phế lập. Các quan triều thần tâu xong thì Nguyễn tướng công cũng khóc mà tâu rằng: - Muôn tâu Thái hậu! Thiên tử chỉ vì nhân nhu thái quá, mà đến nỗi gây ra sự biến này. Ngày nay cũng chưa nên lập tân quân vội, hãy xin tạm lập giám quốc để quyền giữ việc nước. Thái hậu là bậc thánh minh, dám xin quyết đoán thi hành. Thái hậu nghe lời tâu, gật đầu mà phán rằng: - Nguyễn tướng công ơi! Lời tướng công nói chính hợp ý ta. Nhưng còn bảo rằng thiên tử nhân nhu thái quá, chứ không điều gì thất đức thỉ quả là tướng công có ý a hộ cho thiên tử mà thôi. Ai lại đường đường làm ngôi thiên tử, chủ trương thiên hạ, cứ bó tay ngồi ở trong cung như một đứa trẻ con. Như thế thì dẫu ta đây là mẹ, cũng không dung được, còn trách chi con Phi Giao! Một ông vua chỉ say đắm vui chơi, bao nhiêu chính quyền đều nghe mệnh ở tay hữu cung, sao gọi là vô tội được. Nguyễn tướng công ơi! Năm trước thượng hoàng nhân ngày nguyên tiêu bỏ đi, không hiểu là vì cớ gì khiến cho ta luống những nghĩ suy mà thành bệnh, tuổi già sức yếu, không ngờ còn có ngày nay! Nay tướng công và các quan triều thần đã hết lòng vì nước, thỉnh ta ra đây để tạm lập giám quốc, vậy ta cũng ưng thuận, nhưng chính sự trong nước, còn phần nhiều trông cậy ở các quan triều thần. Bây giờ các quan lặng nghe mấy lời trong chiếu thư sắp tuyên đọc ra đây, sẽ biết khổ tâm của ta vậy. (1)Thái Giáp: là cháu vua Thành Thang, vừa lên ngôi đã phạm nhiều lầm lỗi, ông Y Doãn phải biếm truất, cho ra trông coi mộ tổ để hối lỗi. Sau vua sửa đổi, lại được đón về (chú của NXB)