Bệnh viện Grall, một tối Chúa Nhật buồn.... Lam Hồng yêu của mẹ, Nằm bệnh viện đã ba tuần rồi, nhưng sao đêm nay mẹ cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết con ạ! Mẹ muốn gọi điện thoại cho Lam, để được nghe Lam nói chuyện với mẹ, nhưng mẹ biết, sau khi nói chuyện với con xong, giọng nói của con trong điện thoại, những lời nói ngây thơ của con, làm mẹ buồn trên quãng đường trở về giường bệnh, và suốt đêm hôm đó... Con ạ! nếu không có Lam và Hồng thì mẹ không có gì đắn đo, khổ tâm, như hiện tại. Mẹ muốn ra đi, làm cánh chim trời, tung bay bốn phương, để thoả ước những gì mà mẹ mong mỏi, nhưng bây giờ, mẹ không còn được quyền nghĩ cho mẹ thôi, vì mẹ thương con, Lam của mẹ, Hồng của mẹ, các con là lẻ sống, là lý do sống của mẹ, mẹ không có quyền chết, mẹ không có quyền đi tìm hạnh phúc riêng cho mẹ. Nhiều khi, mẹ nghĩ, con người sinh ra, nếu được may mắn, thì sung sướng mà hưởng, còn nếu bất hạnh, như mẹ chẳng hạn, thì cũng phải tự ngoi lên trong cái đau khổ, kéo lê kiếp sống, chứ bạn bè, cha mẹ, anh chị em, tất cả, tất cả sẽ không có nghĩa lý gì, không thể chia sẻ, không thể làm tan biến được chút nào, nổi đau đớn trong tâm hồn của cái kẻ sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu, như mẹ... Lam ơi! đêm qua, trong điện thoại, con nói với mẹ là mười ngày nữa con đi học, mẹ mong con chóng hiểu biết, để những đêm buồn như đêm nay, mẹ sẽ viết cho con những gì mẹ nghĩ. Đời mẹ bây giờ như kẻ lạc đường, đang đứng trước muôn ngàn lối rẽ, về đâu? Mẹ không biết phải về đâu! Mẹ bây giờ đã mất cả niềm tin ở cuộc đời nầy rồi con ạ! Nhìn đâu, mẹ cũng chỉ thấy toàn phản bội, giả dối, lừa bịp, phũ phàng... " Lòng con người như dòng sông muôn ngã, Không làm sao biết được nước sông trôi ". Bây giờ, mẹ không còn mơ đến một mối tình êm đẹp nào nữa. Đã hết rồi những gì mà mẹ xây trong tâm tưởng, giờ đây, chỉ còn chăng, một trái tim rạn nứt, một nét mặt ưu tư, và, chỉ còn chăng, là những buổi chiều lầm lũi bước trên hè phố, để tìm lại những gì tươi đẹp đã qua.... Bây giờ mẹ chỉ sống bằng ảo tưởng, bằng mộng thôi! Vì dòng đời có bao giờ trôi theo ước nguyện của mình đâu con! Những ngày nằm trên giường bệnh viện, mẹ đã suy nghĩ nhiều cho những ngày sắp tới của mẹ, của các con, Lam của mẹ, Hồng của mẹ. Mẹ buồn lắm con ạ! Vì mẹ chưa tìm ra được một lối thoát nào êm đẹp cả! Những buổi chiều, mưa giăng xóa mờ cả khoảng không gian trước mặt, mẹ ngồi nhỏm dậy, khoác chiếc áo lạnh, bước vội ra hành lang bệnh viện, để nhìn mưa bay, để nghe buồn len lỏi đi lần vào tâm hồn mẹ. Mẹ nhớ hai con của mẹ.... Những buổi tối buồn ray rứt, mẹ thường đi âm thầm dưới hai hàng me, dọc theo những con đường trong bệnh viện, để cảm cho trọn vẹn cái nổi khổ của một người đàn bà bạc phước, và cũng để ôn lại cái quá khứ thương đau của những năm tháng vừa qua.... Năm năm về trước, một buổi tối mùng hai Tết, mẹ gặp một người, trong một buổi cơm khách. Người đó không có gì để lại giấc ngủ đầu tiên của mẹ, sau lần gặp gỡ ban đầu. Nhưng sau một thời gian hò hẹn, những lời nói đầy khả ái: " anh không có thì giờ cho đàn bà, anh chỉ thích nghe nhạc, đọc sách, thích làm việc ích nước, lợi dân... " Người đó lại kể rằng, họ có ngỏ ý với cha mẹ của họ để xin cưới mẹ, nhưng cha mẹ của họ không bằng lòng, vì gia đình mẹ nghèo, không môn đăng hậu đối với gia đình họ, phần thì, sau một thời gian dài du học, họ đã tốt nghiệp các bằng kỷ sư bách khoa, kỷ sư cầu đường ở Pháp, và tiến sỉ kinh toán học, tại đại học Harward của Mỷ. Vừa về nước, gia đình đã làm lể chạm ngỏ cho họ với một người con gái nhà giàu nào đó rồi.... Họ đề nghị với mẹ rằng: - Đối với anh, nơi em đã có 80% được rồi, chỉ còn 20% nữa thôi, nhưng chính 20% nầy mới quan trọng, vì nó quyết định cho việc anh chấp nhận cưới em, đó là vấn đề xác thịt, có hợp với nhau mới lấy nhau được! - Nếu hợp, chúng ta tự do kết hôn, mình tổ chức một tiệc trà đơn giản, để mời bạn bè thân thuộc tới dự, chia vui với mình, chừng nào có con rồi, mà gia đình anh vẫn không chịu nhìn nhận cuộc hôn nhân của chúng ta, thì nhân chuyến đi công tác sang Pháp, anh sẽ ở lại tìm việc làm, rồi rước mẹ con em qua với anh... " Gia đình mẹ rất nghèo, từ lâu, mẹ thường nhận được sự giúp đỡ của một vị giáo sư đại học đứng tuổi, mà mẹ coi như người cha thứ hai, vợ của ông cũng là cô giáo của mẹ. Ông hứa sẽ cho mẹ đi du học, sau khi đỗ Tú tài. Mùa thi đến.... mẹ không đỗ! Hỏng thi, mất học bổng, buồn quá, ông ngoại con lại đánh đập, chưởi mắng, xua đuổi, càng buồn. Đã thế, lúc ấy, mẹ lại bị nhiều luồng dư luận tàn nhẫn đỗ lên đầu: người ta đồn rằng mẹ rất " bay bướm "..... Thật ra, theo lời khen của mọi người, thì thời đó, mẹ là một trong những cô nữ sinh đẹp của một trường nữ trung học lớn nhất nước. Có lẽ vì vậy mà bọn con gái ganh tị, bọn con trai theo đuổi không được nên nói xấu. Nhưng, điều quan trọng khiến mẹ quyết định tự do kết hôn với người ấy, là lời tiên tri của ông thầy bói, do vị giáo sư, cha nuôi của mẹ giới thiệu, ông nói rằng, mẹ có duyên nợ với một người đàn ông lớn hơn mẹ ba mươi sáu tuổi, ý ông ta muốn ám chỉ, người đàn ông đó là ông cha nuôi của mẹ, những lời nói ấy ám ảnh nặng nề, sâu đậm, trong đầu mẹ, mẹ cảm thấy đau buồn, thất vọng, sợ hảI vô cùng, nếu định mệnh khắc khe như vậy.... Tất cả.... đã đưa mẹ đến quyết định, như để chạy trốn một định mệnh! Mẹ quyết định tự do kết hôn với người ấy. Mẹ có thai ngay tháng đầu tiên khi lấy quyết định đó. Mẹ âm thầm đặt in một số thiệp báo hỷ để gửi bạn bè, hàng xóm, nhân ngày giổ ông nội của mẹ, vì ngày đó có đông đủ bà con trong đại gia đình, mẹ mời thêm vài người bạn thân học cùng lớp, và mời cả người ấy đến dự, coi như để ra mắt gia đình của mẹ. Nhưng rồi, hôm đó, tiệc đã tàn, chờ mãi tới mười giờ đêm, vẫn không thấy người ấy đến như đã hứa. Sáng hôm sau mẹ đến sở làm tìm họ, người ấy bảo rằng, gia đình họ hay tin, do một cô bạn cùng trường của mẹ nói ra, kèm theo với nhiều lời kể lể của cô ta có tính cách phỉ báng mẹ, phát xuất từ lòng ganh tị của cô ta, sau khi cô nầy nhận được thiệp báo hỷ mẹ trao, nên gia đình họ phản đối, ngăn cản, bắt buộc người ấy phải chấm dứt với mẹ, nếu họ không muốn gia đình từ bỏ. - Vì vậy, không thể tiếp tục!! Người ấy nói với mẹ như thế, còn thêm rằng: - Anh cũng đang tự hỏi rằng, em có phải là con nhà đàng hoàng không, vì con gái nhà lành không ai cho trai ngủ trước khi cưới! Thật không ngờ! Thì ra, những lời đề nghị, hứa hẹn trước đây, chỉ là một cách phỉnh dụ, lừa dối? Nhưng vài hôm sau, người ấy lại đi tìm mẹ. Mẹ bắt đầu ngán cơm, ói mửa, nên ông bà ngoại biết được, mẹ hơi ngạc nhiên là, ông không đánh đập mẹ như những lần phạm lỗi nhẹ trước đây, mà chỉ nằm vắt tay trên trán, im lặng, buồn.... Ngày sinh nhật thứ hai mươi hai của mẹ, ông ngoại con bắt buộc mẹ phải mang bụng chửa hoang, cuốn gói đi khỏi nhà " cho khuất mắt " ông và hàng xóm! Mẹ viết vội mấy hàng chữ, nhờ cậu em mang đến nhà người ấy, nói rằng, hôm nay sinh nhật của mẹ, mẹ muốn người ấy mang xe tới đón mẹ đi một vòng dạo mát. 9 giờ tối người ấy tới đậu xe ở đầu ngõ chờ mẹ như thường lệ. Từ ngày mới quen cho đến giờ, dù mẹ mời, người ấy cũng không bao giờ chịu vào nhà để chào hỏi ông bà ngoại con, không biết, vì người ấy ngượng ngùng, hay vì gia đình mình nghèo nên coi thường, không cần giữ lề lối, phải trái gì cả. Mẹ đi ra ngoài cổng gặp người ấy, và nói: - Ba em vừa đuổi em đi chiều nay, ông ấy đã biết em có thai rồi, vậy anh vào nhà chào ba má em, rồi xách vali quần áo của em giùm, để ba má em biết là em đi theo anh, như vậy, ba má em sẽ yên lòng, sau đó, anh chở em đến nhà Phương, ở đường Nguyễn Thiện Thuật, rồi anh về, em không dám làm phiền anh nhiều hơn nữa ". Người ấy tỏ vẻ bực mình, đáp: - Tôi không phải là taxi, bà muốn đi thì kêu taxi mà đi! Sụp buồn! Nghẹn ngào! Như có ngàn mây xám đang trôi dạt giữa buồng tim, mẹ nghe một sự đỗ vỡ ghê gớm ở trong lòng, trước mặt mẹ, cả một không gian đen tối, một tương lai buồn như nghĩa địa về chiều.... Những người con gái khác có hơn gì mẹ, sao họ đi lấy chồng có xe hoa rượu cưới, có bạn bè làng xóm, có họ hàng tiển đưa, chờ đón, còn mẹ, ra đi, theo một người đàn ông mà mình ngỡ là diễm phúc trời cho, lại buồn như một đám ma ăn mày, không kèn, không trống, không người đi đưa, bẽ bàng hơn nữa, chính người con trai đó, người "mộng" của mẹ đó, lại thốt ra câu: - Tôi không phải là taxi, bà muốn đi thì gọi taxi mà đi! Người ấy lại nói tiếp: - Tại sao bà nói bửa nay sinh nhật bà, đến đón bà đi dạo, bây giờ tôi đến, bà lại nói là ba bà đuổi bà đi, bà biểu tôi chở bà và va li quần áo cuả bà đi, tại sao bà gạt tôi? Mẹ đáp: - Em xin lỗi anh, em không dám nói thật, sợ anh không đến, em muốn anh đến để đón em đi cho ba má em trông thấy, ít nhất, ba má em cũng được yên lòng. Người ấy im lặng, không chịu vào nhà chào ông bà ngoại con, dù đó là lần đầu, và cũng là lần cuối, dù chỉ một lần thôi! Mẹ nói tiếp: - Thôi anh lái xe tới trước cửa nhà em, vì va li nặng quá, lại còn sách vỡ của em nữa, em mang ra đầu ngõ không nỗi. Người ấy vẫn bất động, mẹ năn nỉ tiếp: - Anh lái xe đến trứơc cửa nhà em, em để va li và sách vỡ vào, rồi anh chở em ra khỏi ngõ, vừa khuất ngõ, em xuống ngay, em sẽ gọi taxi đi tiếp đến nhà Phương. Người ấy vẫn im lặng, với gương mặt giận dữ, biết là không thể thuyết phục được, mẹ quay vào nhà, nhờ chị của mẹ và cậu em mang giùm va li và sách vỡ ra xe, tất cả mọi người, ông bà ngoại, cậu dì của các con, mẹ, và người ấy, đều im lặng, tầt cả như đang diển một màn phim câm! Một va li đựng vài bộ quần áo cũ, mấy cuốn tự điển Việt, Pháp, Anh, một bào thai trong bụng, mẹ ra đi, bỏ lại gia đình, bỏ lại phía sau lưng cha mẹ, chị em, để đi con đường trước mặt, vô định.... với hai bàn tay trắng! Trong vẻ mặt bất mản, người ấy mở máy xe, vừa chạy qua khỏi ngõ, mẹ yêu cầu người ấy để mẹ xuống, để mẹ lấy taxi đến nhà Phương, như đã hứa lúc nảy, người ấy lặng lẽ lái xe chạy tiếp, không trả lời một tiếng nào. Đến nhà Phương, mẹ mang đồ đạc vào nhà, xin Phương cho ở tạm vài hôm, rồi tính tiếp. Phương vừa mới lấy chồng được một tháng, tình yêu còn nồng cháy, nhà lại chỉ có một gian, mẹ mượn Phương chiếc chiếu nhỏ, trải dưới chân giường của hai vợ chồng Phương để nằm ngủ. Hai hôm sau, người ấy trở lại tìm mẹ, biểu mẹ kiếm nhà để thuê, và đưa mẹ một ít tiền, đủ để trả tiền thuê nhà, và mua sắm vài vật dụng cần thiết trong nhà. Đúng một tuần, Phương không chịu nổi sự có mặt của mẹ ở chân giường Phương, nên Phương ngỏ ý muốn mẹ dọn đi. Cũng may, mẹ vừa thuê được một căn nhà. Tối hôm nhận chìa khoá nhà thuê, mẹ đến nhà người ấy tìm họ, để nhờ chở mớ đồ đạc đã mang theo, và vật dụng cần thiết mới mua thêm. Đứng trước cổng nhà, vừa bấm chuông, một người đàn bà ngoài năm mươi tuổi đi ra, mẹ cuối đầu chào, và lễ phép hỏi: - Cháu muốn tìm Thế! Bà trả lời bằng một giọng gay gắt: - Mầy kiếm con tao có chuyện gì? Cha mẹ mầy nghèo, cho mầy làm đĩ, bửa nay tới tháng, mầy tới đây để đòi tiền hả? Mẹ lễ phép đáp: - Thưa bà, cha mẹ con nghèo thật, nhưng cha mẹ con cũng ráng làm lụng vất vả, để nuôi con ăn học nên người, vì một phút lỡ lầm, ngu dại, con bị Thế dụ dỗ, nên con làm hư hỏng đời con thôi, chứ con chưa hề làm đĩ bao giờ, nếu quá nghèo, thì thà cạp đất ăn, chứ không thèm làm đĩ đâu, thưa bà! Bà nói to tiếng: - Mầy đi không, đồ đĩ! Mầy còn đứng xớ rớ ở đây, tao kêu đầy tớ của tao đem chổi chà quét cầu tiêu ra quét mầy bây giờ! Mẹ đáp: - Bà cứ gọi đầy tớ của bà ra quét con đi! Nhưng rồi, mẹ chào bà, lặng lẽ quay về. Mênh mong là buồn! Đêm đó, người ấy đi vắng, sáng hôm sau, mẹ đến tìm người ấy ở sở làm, để cho hay là đã thuê được nhà rồi, đồng thời, nhờ chở đồ đạc về nhà mới giùm. Bằng một giọng gắt gỏng, người ấy đáp: - Bà kêu xích lô chở đi! Mẹ lại lặng lẽ ra về, nhờ xích lô dọn giùm vali, sách vỡ, mền mùng, chiếu gối, về nhà vừa mướn. Mệt mỏi, cả tinh thần lẫn thể xác, mẹ bị đau suốt một tuần lễ. Thời gian cứ trôi.... Mẹ vẫn sống âm thầm với bóng tối. Mỗi chiều, khi mặt trời khuất bóng, là bắt đầu những giờ phút chờ đợi mỏi mòn của mẹ. Từng tiếng động nhẹ ngoài ngõ, từng ánh sáng đèn xe ửng qua song cửa nhà, là mỗi lần tim mẹ đập vội vàng, mẹ chợt sung sướng, nghĩ rằng, người ta đến thăm, và, khi tiếng động, khi ánh sáng vô tình kia vụt tắt, lại thêm một lần, mẹ thất vọng, rồi, tiếp tục, tiếp tục, chờ.... chờ cho đến khi nào đồng hồ hàng xóm buông mười hai tiếng thì.... nước mắt mẹ bỗng tuôn dầm: đêm nay người ta không đến thăm! Nhưng đêm dài như vậy trôi qua biết bao lần, người ta vẫn vô tình! Vài hôm, khi nào rảnh, người ta mới ghé thăm mẹ giây lát. Hạnh phúc của mẹ chỉ như tia sáng của một vì sao rơi cuối trời. Chừng đó, mẹ mới mơ hồ nghĩ rằng, mình phải dứt khoát, vì mẹ linh cảm, mình sẽ khổ. Thế rồi, đứa con đầu lòng ra đời. Vừa sanh xong được một tháng, mẹ mang va li bỏ trốn, với đứa con còn đỏ sửa, người ấy lại đi tìm, năn nỉ, hứa hẹn: - Anh thương em nhiều ghê lắm, làm sao anh bỏ mẹ con em được, chuyện đã lỡ rồi, em ráng chờ, đến khi nào ba má anh bằng lòng, mình sẽ chung sống với nhau, còn nếu như ba má anh vẫn khăng khăng không chịu nhìn nhận mẹ con em, thì anh sẽ đi Pháp tìm việc làm, rồi rước mẹ con em sang; em bỏ đi như vậy tức là em đã làm khổ cả ba người..... Với bề ngoài giản dị, tư cách đàng hoàng, mẫu mực, mẹ thì như kẻ đắm tầu: " Thử liều nhắm mắt đưa chân, Để xem con tạo xoay vần tới đâu." Mẹ lại bắt đầu có thai, khi đứa con đầu lòng mới được hai, ba tháng tuổi. Một hôm, theo lời đề nghị của người ấy, mẹ bồng con đến gặp mẹ của họ, để xin được nhìn nhận. Mẹ vừa mới mở lời xin lỗi bà, nói chưa hết ý thì bà vội chặn lời: - Con tôi đi năm non bảy nước mà không mắc, về đây lại mắc cái lỗ chân trâu! Bà tiếp: - Con tôi là con nhà danh giá, đâu có thể rước cái thứ ở cầu tiêu như cô về đây được! Mẹ bật khóc nức nở, mang cái bụng chửa, tay bế đứa con còn thơ dại, quay lưng đi. Vừa ra đến cổng nhà, người bếp già chạy vội theo, bảo mẹ quay trở lại, vì bà ấy đã đổi ý rồi. Chưa kịp mừng về sự tiếp nhận của mẹ người ấy, thì bà cho hay là, từ lâu nay, người ấy vẫn liên lạc thường xuyên với một phụ nữ khác, hiện tại, nhiều đêm, người ấy thường đưa cô đó lén về nhà họ để.... Mẹ như người bị vỡ mộng! Đau khổ ngút ngàn! Biết làm sao bây giờ? Sanh xong đứa con thứ hai, người ấy mang mẹ và hai con về sống chung với mẹ họ. Ngày tháng trôi qua, mẹ vẫn nghi ngờ, theo dỏi, tìm hiểu sự thật.... Ba tháng, sau lần thi trượt Tú Tài toàn phần, mẹ đã thi đỗ ở khóa hai, rồi tiếp tục ghi danh ở đại học văn khoa và luật, mỗi năm, vừa sanh con, vừa học, rất vất vả, có những đêm, chân đưa võng cho con ngủ, tay cầm sách học, đến gần sáng mới đi ngủ, vừa chợp mắt, con đã thức dậy đòi sửa, vì vậy, mẹ càng ngày càng gầy ốm.... nhưng mẹ phải cố gắng, vì mẹ linh cãm rằng, đời mình, rồi sẽ hiu quạnh như một sân ga vắng bóng con tầu... Mỗi ngày như mọi ngày, phải đến trường học, rồi vội vả trở về, đi chợ, phụ với bà bếp lo cơm nước cho cả nhà, quần quật ngày nầy qua ngày khác, vậy mà mẹ của người ấy không hiểu cho, còn nói xấu mẹ với người ấy: - Mỗi ngày, mầy vừa ra cửa đi làm, là nó xách xe đi mất, chừng mầy sắp về, nó mới mò về! Bà còn nói với người bếp: - Tao làm cho con nầy văng tao mới nghe! Bà thường hay dấu chén muỗng, rồi phao du cho mẹ làm mất, hoặc có ngày, người bếp vắng mặt, bà khóa cửa rào, không cho mẹ vào để kịp lo cơm nước cho gia đình. " Bởi số? Chạy sao cho khỏi số! Lụy người, nên nổi phải chìu người " Rồi một ngày gần cuối năm, mẹ được biết một cách chính xác là người ta đã có con riêng.... Buồn quá con nhỉ?! Mẹ đang mang tác phẩm thứ ba, giây phút bất thần đó mẹ không còn đủ sáng suốt, mẹ đi phá bỏ cái bào thai đang mang, oằn oại vì hậu quả của một cơn điên rồ, giờ giao thừa đến, tiếng pháo nổ đánh thức mẹ dậy, sau hai ngày nằm mê man trên giường bệnh. Những ngày đầu năm buồn lê thê ở bệnh viện, " những mình nào biết có xuân là gì! " " Tôi có chờ đâu, có đợi đâu, Ai đem xuân đến gợi thêm sầu Với tôi, tất cả như vô nghĩa Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau " Rồi một tuần, sau ngày ra bệnh viện, mẹ được biết, " họ " đang bắt đầu với một phụ nữ khác, mẹ đành mang hai con ra đi. Họ lại đi tìm, và nói với mẹ rằng: - Anh "đi" là để tự tìm hiểu lòng anh, nhưng sau khi "đi" rồi, anh mới cảm thấy là anh thương em nhiều nhất. Em ráng chờ anh dứt khoác với người đàn bà đó... Nhưng, ngày người ta lên một địa vị cao sang, người phụ nữ có diễm phúc về tư dinh để sống với họ, không phải là mẹ, mà là người yêu mới của họ.... Thế là, " tình không biên giới! Anh ở cao sang, còn em, phải đa mang số kiếp phong trần ", sống lần lựa theo ngày tháng đầy cô đơn, nhục nhả, với hai đứa con còn thơ dại... Lam Hồng yêu của mẹ, chắc Lam và Hồng đã biết người ta đó là ai rồi, phải không các con?! Con ạ, có đáng buồn cho duyên số của mẹ không, hở con? Mẹ nghĩ rằng, danh dự của người phụ nữ là đời sống tình cảm, vì vậy, dù bị ray rứt, dày vò, mẹ vẫn cố gắng chờ đợi, mẹ không muốn có nhiều chồng, với một lũ con hoang. Thuở còn con gái, mẹ hằng mang một hoài bão về sự nghiệp, nhưng, vì lỡ " yêu một phút mà để sầu trọn kiếp ". Một buổi chiều, vừa nhớ thương, vừa bực tức, mẹ đánh liều, mò đến tư thất cha con, người lính gác cửa không cho mẹ vào, còn nói: - Bà lớn ở nhà nầy khó tính lắm, ai vào bà phải đồng ý mới được, nhưng ông nhà dặn chúng tôi đừng cho cái cô đi xe Honda đỏ vào! Mẹ cố năn nỉ, nhưng họ vẫn không vô thưa, bực mình quá, mẹ tông cửa, chạy vào đến hàng ba nhà, cha con ra, đuổi mẹ về, và nói: - Giữa tôi với bà hết rồi! bà đừng hy vọng nữa.... Cha con lập đi lập lại nhiều lần câu nói đó. Mẹ nín lặng, mắt mở to hơn, đầu óc cứ trống trơn.... " Văn chương, chữ nghĩa, chỉ là những dòng chữ chết, nó không thể nói lên hết được những gì lòng người muốn nói " Thời gian... chờ đợi.... để rồi.... " như dã tràng xe cát lấp biển đông! " Tình vài năm, chỉ còn lại hai con thơ.... Yêu đến mấy, để mang buồn nguyên kiếp! Bây giờ, trước mặt mẹ, cả một quãng đường dài, cả một quãng đường rộng thênh thang, vắng vẽ, cô đơn, mà mẹ là kẻ độc hành..., không! còn có cả hai tâm hồn thơ dại, vô tội, các con của mẹ, mà đứa lớn thì bị tê liệt một chân, sau cơn nóng sốt bình thường, vì trước đó, sắp đến kỳ thi, bận học quá nên mẹ chưa kịp mang đi chích ngừa, còn đứa nhỏ, sau khi chích ngừa tê liệt, lại bị bệnh kinh phong, không biết rồi tương lai của nó sẽ ra sao! Các con yêu của mẹ, bằng ấy nổi khổ, làm sao mẹ có đủ can đãm dấn bước nốt đoạn đường còn lại, con nhỉ? Đến đây, có lẽ các con tưởng rằng, đã chấm dứt những gì cay đắng trong dĩ vãng của mẹ rồi? Không đâu con ạ! Một buổi tối, cha con quay về nhà cũ, nơi mẹ con mình, và bà nội của các con đang ở, với vẽ mặt hằn học, với lối nói cộc cằn, như tát nước vào tai mẹ: - Tôi cho bà một trăm ngàn đồng, bà muốn làm gì thì làm, nhưng với điều kiện là bà phải viết tờ cam đoan để yên cho tôi sống với ai tuỳ ý! Rồi suốt một tuần lễ, chiều nào cha con cũng trở về, lặp lại nhiều lần câu nói thúc giục mẹ làm tờ cam kết đó. Ban đầu, mẹ cứ ngỡ là cha con nghe ai nói thêm bớt điều gì, khiến cha con giận, nhưng đến buổi tối cuối cùng, khoảng mười giờ hơn, cha con lại gọi điện thoại về. Thoạt nghe tiếng chuông reo, mẹ đang ngồi với một niềm chua xót dày vò trong lòng, mặc dù trong thâm tâm mẹ, mẹ vẫn còn một chút hy vọng, là cha con chỉ nói suông trong lúc bực mình thôi, cho nên, khi nghe cha con gọi giây nói về, mẹ hơi mừng, tưởng là cha con đã hối hận về ý nghĩ tàn nhẩn đó nên.... nhưng giọng nói của cha con trong điện thoại cất lên thật êm ái: - Châu đó à? Anh thấy không thể tiếp tục được nữa, Châu làm giấy để hai đứa nhỏ lại rồi đi. Không phải anh muốn vậy, nhưng... Tim mẹ như ngừng đập, mẹ có cảm giác như vậy. Trong khoảnh khắc đó, mẹ muốn lăn đùng ra chết một cách bất đắc kỳ tử! Không có một thứ văn chương chữ nghĩa nào có thể diển tả lên được cái nổi đau đớn dày xéo trong tâm tư của mẹ lúc ấy con ạ! Buồn làm sao là buồn! Tại sao cha con có thể tàn nhẫn đến như vậy?! Mẹ ném điện thoại, ngã vật ra, khóc thảm thiết, như người ta vừa hay tin người yêu của mình chết! Hết rồi! Cả một toà lâu đài lại xây nhằm trên bải cát! Mấy năm dài đăng đẳng, bao nhiêu đau khổ tủi nhục, mẹ vẫn cố gắng, cố gắng, để mong có một ngày đẹp trời nào đó, người ta, cha của con, người yêu của mẹ, hiểu được tình của mẹ, tâm hồn của mẹ, mà cho mẹ cái diễm phúc được mang tên... bà Lê Thế! Chao ơi! Chỉ bốn lời nói đó mà mẹ đã phải đỗ ở đấy quá nhiều đau khổ và nước mắt.... Mà thôi, nói làm gì..... " Dò sông, dò biển, dễ dò Nào ai lấy thước mà đo lòng người! " Mẹ bổng nín lặng, và đi lấy giấy mực ra để viết tờ cam đoan: Tờ cam đoan Tôi ký tên dưới đây là NGUYỄN Thị Hàn Châu, 26 tuổi, sinh viên ban cao học kinh tế và triết học, thẻ căn cước số 321.427 cấp tại quận V Sài-gòn ngày 14/11/1964, hiện ngụ tại số 02 đường Hải Hưng, quận 3, Sài-gòn, Có nhận của ông Lê Thế tấm chi phiếu một trăm ngàn đồng, mang số LT/4750, về khoảng tiền mua bán câu chuyện tình giữa tôi và ông Lê Thế đã xãy ra 5 năm qua. Sau khi câu chuyện tình nầy được mua bán sòng phẳng, tôi cam đoan để yên cho ông Lê Thế mặc lòng ăn ở, giao du thân mật với bất cứ người đàn bà nào khác tuỳ ý, tôi không được khuấy phá hay làm khó dễ. Ngoài ra, tôi còn phải giao hai đứa con chung của tôi với ông Lê Thế, mang tên: - Lê Như Lam, 4 tuổi - Lê Như Hồng, 3 tuổi để ông Lê Thế nuôi dưỡng. Việc giao hai đứa con nầy chỉ xãy ra sau khi ông Lê Thế cấp một vé máy bay khứ hồi, cho tôi xuất ngoại. Mọi việc, nếu sau nầy xãy ra không đúng với những lời cam kết của tôi trên đây, thì ông Lê Thế có toàn quyền nhờ pháp luật can thiệp, tôi xin chịu mọi hậu quả. Tôi làm tờ cam đoan nầy theo lời yêu cầu của ông Lê Thế Sài-gòn, ngày 17/06/1968 Ký tên NGUYỄN Thị Hàn Châu Mưa tầm tả, mẹ chạy Honda đến trước tư dinh của cha con, người mà mẹ yêu và đã đặt trọn cã hy vọng, tương lai, và tâm hồn của mẹ ở đấy. Người lính gác hé cửa ra nhìn, thấy mẹ, vội khép kín cửa lại, và nói với ra: - Xin bà thông cảm, ông dặn chúng tôi là không cho bà vào, mong bà... Mẹ im lặng, trao qua khe cửa phong thư trong đó có đựng tờ cam đoan cho người lính, rồi quay xe đi. Mưa vẫn tầm tả đỗ.... Mẹ cứ cho xe chạy thật mau, hết tốc lực, từ con đường nầy sang con đường khác, với những suy tư âm thầm, pha lẫn những ký ức hổn loạn: - Thế ơi! mưa lạnh quá! - Thế ơi! sao anh dã man với em đến như vậy? - Trời ơi! con có làm gì nên tội?! - Thôi là hết! Xin vĩnh biệt tình yêu nầy! - " Người ta không nói tạm biệt với tình yêu bao giờ, mà vĩnh biệt! Xin vĩnh biệt tình yêu nầy! Kể từ đêm nay, mái tóc anh sẽ mãi mãi không còn đặt trên bờ vai em... Tờ lịch hôm nay sẽ là tờ lịch cuối cùng của tình yêu em dành cho anh. Ngày mai, khi trời sáng, khi ngày dựng lên, những dấu chân anh, và cả dấu chân em nữa, sẽ mãi mãi đặt lên những con đường khác nhau.... - Người ta thường cầu xin, khi tình yêu đang đi vào tuyệt vọng, đang đi vào trong giây phút khổ đau tận cùng, người ta thường cầu xin cho tất cả cũng sụp đỗ hết trong một đêm, mọi hiện hữu, xin được xoá bỏ hết, tình yêu đã tan vỡ thì xin hết thẩy cũng biến thành hư không, kể cả những kỹ niệm, những vòng tay ôm, những nụ hôn, những quấn quít cuả hai thể xác, những giấc mơ, những mộng tưởng, những buồn vui, những tiếng cười, những giọt lệ một đời.... Đó là những xâu chuổi kỹ niệm óng ánh, mà đôi khi, người ta muốn lưu giữ trong đáy cùng trí nhớ, như một rừng hoa thơm ngát, trong một góc vườn kín khuất của tâm hồn, nhưng, trong một phút đau khổ ngút ngàn, người ta lại muốn chôn vùi tất cả.... " - Anh là gì? Mà sao... hôm anh đến, muôn vì sao đua mọc, mặt trời lên ươm nắng giữa đêm thâu! Anh là gì? Mà sao... buổi anh đi, ngàn mây xanh bổng xám, em nghe hồn rơi xuống vực thương đau! - Xa anh rồi... lạnh môi, cười tê giá! Bão táp về tàn phá trái tim khô.....Em hỏi lòng, không biết đến bao giờ? Mới tìm lại chút yên bình thuở trước... - " Không làm sao định nghĩa được tình yêu, đó là hạnh phúc, là những ước mơ, là những thương nhớ triền miên, là mật ngọt, là mộng ước, là tiếng cười, là xót xa, cay đắng, là tức tưởi, nghẹn ngào, là khổ đau dằn vặt..... Nhưng rồi, người ta vẫn sống, vẫn yêu, dù qua bao lần đắng cay, tan vỡ.... Như bầu trời, dù qua nhiều cơn giông tố, vẫn xanh..... " Trở về nhà thì đã quá giới nghiêm, mẹ cứ đứng thẩn thờ, không biết phải làm gì, bỗng nghe tiếng kèn xe cha con ngoài ngõ, cha con về! Mẹ sung sướng! Tội nghiệp cho lòng dạ đàn bà! Nhất là thứ đàn bà nhẹ dạ, dễ tin, và hay sống lưng chừng trong tháp ngà lý tưởng, như mẹ! Đêm đó, không ai nói với ai nửa lời, dù vậy, mẹ vẫn cố gắng đóng trọn cái vai trò của mẹ. Mẹ lại tưởng rằng cha con đã thay đổi. Nhưng, chiều hôm sau, cha con mang về trao cho mẹ tấm chi phiếu 100.000 đồng! Mẹ không còn khóc được nữa. Ngồi im thật lâu, mẹ mới mở miệng, với một giọng rất là êm ái, êm ái như cái giọng nói của cha con tối nào: - Cho đến bây giờ em mới hiểu đàn ông là như thế nào thì, đã hết rồi! Lớn lên, em mang cái tư tưởng bi quan, hiểu mọi người qua tâm hồn mình, cái tâm hồn quân tử tàu, lúc nào cũng ráng hướng mình đến những ý tưởng cao thượng. Em cứ tưởng, ai cũng vậy, đàn ông hay đàn bà, khi yêu ai rồi thì chỉ biết có mỗi mình người mình yêu thôi, và một lúc, không thể yêu hay lấy nhiều người, vì em nghĩ, có yêu thương tha thiết mới ăn ngủ với nhau được. Anh đâu biết, em là một phụ nữ rất đa cãm. Ngày xưa, em nghĩ, em sẽ không yêu thương như thường tình con người. Trời sinh em ra với một tâm hồn khác lạ hơn mọi phụ nữ chung quanh, em không thích đóng cái vai trò của một người đàn bà đầu tắt mặt tối, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong xó bếp, lo cho chồng cho con, mà em muốn làm một cái gì.... cho những kẻ bất hạnh, những đứa trẻ mồ côi, những kẻ khốn cùng, đang bị bỏ quên ở một góc trời nào đó, trong cái xã hội loài người văn minh, tiến bộ, giàu sang nầy, để họ có thể sống một cách xứng đáng là một con người, và là một con người hữu ích cho xã hội mai sau! Gặp anh, những gì anh đã nói làm em sung sướng, tưởng rằng mình đã gặp được một thần tượng lý tưởng rồi, cho nên, em đã đến với anh với tất cả, tất cả những tình cãm chân thành, tha thiết, mà em có. Chính vì quá yêu, mà mỗi khi hay tin anh đi với một phụ nữ khác, em đã điên cuồng, có những hành vi làm anh phiền, như bỏ nhà nhiều lần, mang con về với mẹ mình, rồi đi lang thang ngoài phố, tránh gặp anh khi anh đi tìm.... Nhưng những hành vi đó chỉ xảy ra ngay cái giây phút quá thất vọng thôi, còn thì, em vẫn luôn luôn xử sự một cách quân tử. Chắc anh còn nhớ hôm ở Cấp? Sau một năm hơn, em cố gắng đối xử đẹp với Hoa, khuyên cô ấy, và nhờ mẹ cô ta khuyên nhủ, nhưng, cho đến ngày em bắt gặp hai người cùng nằm ngủ với nhau trên một cái giường đặt ở ngoài sân nhà người quen của anh, em quá tức nên mắng cô ấy mấy câu, cô ta ngồi khóc, em lại ngồi dỗ cô ta nín, rồi xin lỗi đã làm phiền hai người, và ra về. Thử hỏi, trên thực tế, có người đàn bà nào hành động đẹp hơn nữa không? Chắc anh còn nhớ đêm anh đưa em và con đến tư thất của anh? lần đầu tiên, từ ngày anh lên địa vị cao sang, sau hơn một năm, anh mới ban cho mẹ con em cái ân huệ được đến nhà anh ăn cơm chiều ở đó. Nhưng vừa đặt chân vào phòng khách, em đã bắt gặp ngay tấm tranh chân dung của Hoa treo trên tường giữa nhà, rồi, khi vào phòng ngủ của anh, thư anh viết gửi cho Hoa, khi Hoa đang đi du lịch bên Mỷ, bằng những lời lẽ nồng nàn, khiến cho em tối mặt, trong một phút quá đau khổ, em úp mặt xuống giường khóc nức nở, anh đã nói gì chắc anh chưa quên?: - Bà đừng khóc nữa, bà càng khóc làm tôi càng ân hận đã lấy bà! - Giữa tôi với bà đã hết rồi! Bà đừng hy vọng nữa! Nếu bà còn chút tự trọng thì tự lo lấy thân! - Tôi có danh dự của tôi, bà có ra gì không mà đòi hỏi? Em đã im lặng nhìn anh sửng sốt, và nói: - Vâng! Em chỉ là cô sinh viên nghèo! Nhưng, thiết nghĩ, nếu anh đi ngủ với đĩ, chắc anh cũng có thể âu yếm ngọt ngào được, huống hồ chi em, người đàn bà đã mang cả cuộc đời đầy triển vọng giao phó cho anh, chỉ được anh đáp lại toàn bằng phũ phàng chua chát! Nếu anh không thể nói lên được một lời an ủi em trong lúc đau khổ như vầy, thì ít nhất, anh cũng đừng nói ra những câu dã man như vậy! - Hoa có gì hơn em? Nó lớn hơn em mấy tuổi, nhan sắc thua em, học vấn ít hơn em, nó chỉ là cô thư ký thông dịch viên, làm việc ở một cơ quan của Mỷ thôi! - à! có lẽ vì nó nói ngoại ngử giỏi hơn em, nên anh hảnh diện khi đi bên cạnh nó? Anh nhìn em, rồi đưa tay kéo em đứng lên, bảo về đi, tài xế sẽ đưa về! Mặc dù đã nửa đêm rồi. Em năn nỉ anh cho phép em được ở lại với anh, để em được khóc với anh đêm nay, rồi không bao giờ em khóc với anh nữa, nhưng anh vẫn nhất quyết đuổi em về. Em đành bồng con, đứa dắt, đứa mang, thất thểu lên xe cho tài xế của anh đưa về! Phải chăng? việc anh mang mẹ con em đến nhà anh đêm đó là một âm mưu anh dàn cảnh thay lời, để cho em hoàn toàn không còn ảo tưởng nữa? Mà thôi, bây giờ em đã thật sự không còn chút ảo tưởng nào nữa. Từ đây, dù em phải sống qua từng giây phút bị đau khổ dày vò một cách nặng nề, em vẫn cố gắng hết sức để yên cho anh hưởng hạnh phúc của anh.... Mọi kỹ niệm em sẽ giữ mãi cho đến giờ nhắm mắt! Chắc rồi, một ngày nào đó, em cũng sẽ phải làm lại cuộc đời dang dở của em.... Hiện tại, em không có một đồng trong người, nhưng em cũng không bán cuộc đời em với bất cứ giá nào... Rồi mẹ xé bỏ tờ chi phiếu trước mặt cha con.... Tháng ngày trôi qua một cách nặng nề, mẹ đã sống trong sự hoảng hốt, mất tin tưởng hoàn toàn ở cuộc đời, mẹ sợ bóng tối vô cùng.... Biết bao đêm dài thức trắng, nằm giữa hai đứa con thơ dại, một tay mân mê phần chân tê liệt của đứa con lớn, một tay vuốt những sợi tóc non mềm của đứa con nhỏ, nước mắt của mẹ cứ tuôn đầm đìa. Hằng đêm, mẹ niệm cả trăm lần những lời van xin các đấng thiêng liêng hãy ban cho mẹ một giấc ngủ yên lành! Thực tế đã tái tê, cố tìm quên trong giấc ngủ, nhưng đến khi vào cơn mơ, chỉ thấy toàn kinh hoàng, chua xót, thôi, thà thức giấc để chấp nhận những sự thật phũ phàng! Con yêu của mẹ, người ta có thể chạy trốn nợ, người ta có thể chạy trốn tù đày sau một lần phạm trọng tội.... nhưng, có lẽ? người ta không thể chạy trốn được định mệnh của mình con ạ! Sức người có hạn, cuối cùng, mẹ phải vào bệnh viện. Hết cả rồi phải không con? Bây giờ, mẹ không còn ảo tưởng nữa, mẹ đã hiểu định mệnh của mình rồi..... Năm năm dài trôi qua một cách nặng nề, đầy đau thương. Mùa xuân thứ nhất mẹ gặp cha con khi đời mẹ còn tràn đầy hy vọng. Mùa xuân thứ hai, mang thai đứa con đầu đời, nằm cô đơn trong một căn nhà vắng vẻ, xa gia đình, xa tất cả những người thân yêu, cha con thì viện cớ là sợ bà nội con phiền nên không đến với mẹ được. Mẹ chỉ biết nằm xoa bụng thở dài, mơ đến ngày con ra chào đời, và mẹ con mình sẽ được sum hợp với cha con trong một mái nhà êm ấm.... Rồi, mùa xuân thứ ba lại đến trong buồn tủi, Lam thì còn thơ dại, Hồng thì còn nằm trong bụng mẹ, theo những dòng nước mắt tuôn dài, mẹ vẫn còn mơ ước.... Đến mùa xuân thứ tư, tiếng pháo giao thừa đánh thức mẹ dậy sau hai ngày đêm nằm mê man trên giường bệnh viện, oằn oại vì một phút nông nổi, hờn giận cha con, mẹ xin phá thai ở một bà lang băm nào đó, do cô bạn Phương của mẹ hướng dẫn. Mùa xuân thứ năm, mùa xuân cuối cùng! cha con đã sống hẳn với người yêu mới, chiều cuối năm, cha con trở về thăm bà nội con, sắp giao thừa, cha con quay về với người yêu, mẹ xin cha con ở lại với các con đêm nầy, để có được một mùa xuân đoàn tụ, rồi mẹ con mình sẽ vĩnh viển chia ly với cha con, nhưng cha con nhất quyết không chịu, mẹ cản lại, và cha con đã đánh mẹ ba cái tát tai để làm quà xuân cho mẹ, mừng giao thừa! Những ngày đầu năm mẹ đã chui trốn ở nhà một cô bạn với gương mặt sưng bầm! Mẹ bây giờ không còn mơ ước đến một mùa xuân nào nữa con ạ! Vì mẹ đã cãm thấy cái thân phận của một con cá chìa vôi mà tạo hóa đã dành cho mẹ rồi! Sáu năm trường mới có một lần thi, thế mà, con cá chìa vôi bạc phúc nầy vẫn không nhảy qua được bức tường ngăn cách để thành rồng! " Đường về nơi ấy không ngàn lý Mà chẳng làm sao được vẹn nguyền! " Lam Hồng yêu của mẹ, " Con tim nức nở, tê dại, bơ vơ, cuối cùng, mẹ lại phải trở về với bóng đêm, với những mộng tưởng hão huyền. Những ngày mới lớn, cái buồn như một món ăn, buồn như một giải trí, buồn như một bài thơ, buồn như một bông hoa.... Bây giờ, buồn như một cuộc đời, như một định mệnh... Có những lúc mẹ muốn dứt bỏ đi mọi suy tư, mọi ray rứt, mọi phi lý của cuộc sống, để chỉ làm những hành động có nghĩa, rồi thôi, rồi tìm lại sự thanh bình cho tâm hồn, để chỉ nói những lời nhẹ như thơ, êm như gió thoảng, vì nó từ rung động thật của tâm hồn. Mẹ muốn sống thực con người, con người nguyên thủy, từ bỏ đi con người giả tạo mà cuộc đời đã dựng ra cho ta phải sống.... " Có những đêm không ngủ được, thật buồn, như người nghiện nhớ điếu cần sa, mẹ cũng cãm thấy thèm một chút hơi ấm, một vòng tay ôm, cho lòng mình dịu lại, để có thể đi vào giấc ngủ một cách bình thường, và có thật nhiều giấc mơ đẹp.....nhưng, nghĩ đến ngày phải tiếp nhận một thất vọng khác, mẹ sợ mà không dám bắt đầu. " Chim bị tên một lần thì sợ cành cong! " Đời đã buồn nhiều rồi, mẹ không còn tha thiết với bất cứ mối tình nào nữa, không phải vì mẹ còn " hoài vọng ", mà vốn dĩ trời sinh mẹ ra với một tâm hồn khao khát tự do và những chân trời cao rộng, lúc nào mẹ cũng mang cái tâm trạng của một cánh chim trời, muốn vùng vẫy.... Rồi, " sau những ngày bay nhảy, sẽ đậu xuống một nơi chốn cố định, và đám mây sẽ thôi bay đi, ngọn gió thôi thổi tới, dòng sông chảy ra đại dương, đời mình, mong muốn trở lại một dòng sông bé nhỏ của đồng nội mênh mông...." Ước mơ của mẹ bây giờ không phải là một giấc mộng vàng son hoa gấm, mà làm sao, làm sao có thể quên được cái quá khứ đau thương, đầy nước mắt của mẹ, với những kỷ niệm buồn ray rứt.... Lạy Thượng đế, xin người hãy ban cho con thêm nhiều nghị lực hơn, để con có đủ can đảm đi nốt quãng đường còn lại..... Tháng giêng năm 2006 Thương Hà