Tập II - 11

Phận đẹp duyên may
Ngày xưa, tại một địa phương nọ bên nước Ấn Ðộ có một ngọn núi tên gọi Ẩm Sơn.  Trên núi cây cối um tùm, cỏ hoa tươi tốt, quanh năm ít có người qua lại, thực là một cảnh thích nghi cho những ai muốn lên đây tu hành. 
Về sau, ngọn núi tĩnh mịch này được nhiều vị tu hành để ý mỗi ngày một nhiều, nên dần dà thành ra chốn đạo tràng của các vị thánh Tăng, được hàng vạn người kính mộ và lên núi cầu phúc, cúng dường, thiết trai luôn luôn không ngớt.
Một hôm có một vị Trưởng giả đem người nhà lên núi chuẩn bị một bữa cơm chay rất tinh khiết để cúng dường chúng Tăng.  Mọi người lũ lượt lên núi, dự buổi tập phước này, trong số đó có một cô gái nghèo, tuổi 17, 18 nghĩ rằng: “Hôm nay nhà Phú ông cúng dường Chư Tăng trên núi, nếu ta lên theo chắc thế nào cũng được một bữa no nê, nhất là đã mấy hôm nay, ta chưa hề được bữa ăn nào gọi là lưng lững dạ”.  Nghĩ xong, với một vẻ mặt hớn hở, người con gái đó rảo bước chân đi.
Khi cô gái nghèo ấy lên đỉnh núi thấy cỗ chay của Trưởng giả bày ra đủ thứ mỹ vị thơm tho tinh khiết  thì trong bụng nghĩ: “Kiếp trước vị Trưởng giả nầy chắc là dầy công tu thân tích phước, nên ngày nay mới thành người giàu có, đó là quả báo đền bù. Ðến ngày nay Phú ông lại có Thiện tâm thiết trai cúng dường Chư Tăng, sửa tạo những công đức lớn, chắc rằng phước quả kiếp sau còn nhiều, có lẽ còn nhiều hơn cả đời hiện tại nầy nữa.
Ngẫm lại thân ta – cô gái nghèo nghĩ tiếp - thực là đáng thương! Chỉ vì kiếp trước không biết tu tạo phước quả, cho nên bây giờ mới chịu cảnh cùng khốn như thế này. Nếu giờ đây ta không lo tu phước thì kiếp sau chắc còn nghèo khó gấp mấy! Vậy, hiện tại trong lưng còn hai đồng tiền đồng mà ta đã dành dụm được, sao ta chẳng đem ra cúng dâng các vị Hòa Thượng có được không? Mặc dù hai đồng tiền này cũng có thể mua được hai chiếc bánh ăn tạm cho đỡ đói lòng, xét ra: Nếu ta đem cúng dâng các vị tu hành xuất gia thì ta không đến nỗi chết kia mà”.
Nghĩ rồi, cô gái nghèo lẳng lặng đợi các vị Tăng Ni dùng trai xong, liền móc trong bị ra hai đồng tiền đồng cung kính dâng lên Hòa Thượng.
Theo qui tắc đã định trên núi Nà, nếu có ai bố thí cúng dường thì chỉ có vị sư tri khách đứng lên thay mặt cho Chư Tăng hướng thí chủ mà chúc phước. Nhưng lần này cô gái nghèo lại được chính vị Hòa Thượng trụ trì thân hành ra trước mặt cô gái mà chúc phước rằng: “Tất cả bảo vật trên trái đất đều ở cả trong người đồng nữ này đã đem bố thí cho kẻ xuất gia, vật bố thí đây nguyên là việc tu phước. Vậy bần Tăng chúc cho thí chủ vĩnh viễn lìa khỏi nghèo khổ”.
Cô gái nghèo nghe xong, trong lòng không thể kể xiết nỗi niềm hân hoan. Rồi đại chúng ai ai cũng cấp thức ăn cho cô, thật là một sự vui về đạo pháp không còn gì sánh kịp.
Sau khi cô gái đã no nê liền đủng đỉnh ra khỏi cửa chùa tới dưới một gốc cây cổ thụ nằm nghỉ và chợp mắt đi lúc nào không biết. Lúc đó vầng Thái dương đã xế chiều, thế mà bóng cây vẫn y nguyên không thay đổi. Nhìn lên xem thấy trên đỉnh cây cao bỗng có đám mây năm sắc như chiếc tàn che cho cô gái. Ðó là một chuyện hiếm thấy từ trước đến nay.
Giữa lúc ấy, Ðức Quốc Vương nước đó vừa vặn đi qua, nhân vì Hoàng Hậu mới từ trần, nên trong lòng ngài u uất buồn rầu mới ruổi xe đi du sơn ngoạn thủy để cho tiêu sầu giải muộn, bỗng nhiên gặp thiếu nữ nghèo nằm ngủ dưới gốc cây mà trên đỉnh ngọn cây có đám mây ngũ sắc che cho như chiếc tàn vàng thì Quốc Vương lấy làm kinh ngạc, khác nào được thiên nữ hiện xuống dưới trần. Nhà vua tự tán thán: “Thiếu nữ nầy ở đâu mà dám nghỉ nơi đây? Sắc đẹp của nàng chẳng kém gì hằng nga!  Với cái thân hình yểu điệu, với vẻ mặt xinh tươi, nàng đã khiến cho nhiều người để ý”. Nói rồi, sai cung nữ ẵm nàng lên xe.
Cô gái trong cơn mộng chợt tỉnh, mở choàng mắt ra, thấy mấy người khiêng mình bỏ lên xe thì kinh hãi kêu lên:
- Ôi! Các người là ai?  Ðịnh mang tôi đi đâu?
- Xin cô đừng sợ, chúng tôi không phải là quân gian phi đâu, chúng tôi vâng mệnh Quốc Vương đón cô về cung đây!
Cô gái nghèo sau khi đã được đặt nơi sau xe Quốc Vương ngồi rồi, Quốc Vương liền dịu dàng hỏi:
- Năm nay cô nương bao nhiêu tuổi?
- 18 tuổi.
- Cô nương đẹp quá, rất đáng yêu, trẫm muốn đem cô nương về cung lập làm đệ nhất phu nhân. Vậy cô nương có bằng lòng không?
Cô gái nghèo liếc nhìn vị Quốc Vương thấy Ngài xin đẹp trẻ trung thì nở một nụ cười. Nhưng trong lòng vẫn nghi hoặc không tin, cô nghĩ: “Có lẽ nào ta lại được mạng vận quá tốt, đến nỗi đương từ một đứa con gái nghèo đi ăn xin mà bỗng trở nên một vị phu nhân số một”. Cô càng nghĩ càng ngây người ra, không nói được câu gì.
- Thế nào cô nương không vui lòng hay sao mà làm thinh không trả lời?
- Tâu Ðại Vương! Tôi hoài nghi rằng... Tôi đương ở cõi thực hay là cõi mộng đây?
Sau khi đã trở thành người đàn bà cao sang nhất nước, nào ăn ngon, nào mặc đẹp lại được mọi người kính nể nhưng trong lòng cô vẫn không đoạn tuyệt với ý nghĩ: “Sỡ dĩ ta có hạnh phúc ngày nay chỉ vì đã có nhân duyên bố thí hai đồng tiền!  Vậy thì vị sư phụ chúc phước cho ta hôm trước đã là một vị ân nhân tuyệt đối cao quý của ta”.
Nghĩ rồi, liền bẩm với Quốc Vương:
- Tâu Ðại Vương, tiện thiếp vốn là cô gái hèn mọn, ngày nay được đội ơn Ðại Vương yêu mến, lập làm đệ nhất phu nhân, lẽ tất nhiên phải cảm tạ hồng ân của Vua.  Nhưng nghĩ đến cái ân của vị xuất gia mà tiện thiếp đã bố thí hai đồng tiền đồng, tiện thiếp muốn được đem chút gì lại chùa bố thí cúng dường để tỏ lòng báo ân. Vậy chẳng hay ý Ðại Vương thế nào?
- Tốt lắm, tùy khanh định liệu, khanh muốn như thế nào trẫm cũng vui lòng cho phép.
Rồi đó, Quốc Vương và Hoàng Hậu sắm sửa thật nhiều cỗ chay long trọng và tinh khiết, chất đầy hàng mấy chục xe đem lại núi Ẩm Sơn bố thí.
Sau khi các vị Tăng chứng thọ trai rồi đến lúc ra chúc phúc cho thí chủ, thì không thấy vị Hòa Thượng trụ trì thân ra trúc phúc như lần trước mà chỉ là vị sư tri khách thay mặt người chúc phúc thí chủ mà thôi. Việc này khiến cho cả Quốc Vương lẫn Hoàng Hậu đều lấy làm kỳ quái mà nói rằng:
- Ngày trước, tôi đem bố thí hai đồng tiền đồng được vị sư phụ trụ trì ra chúc phước. Ngày nay, tôi bố thí biết bao nhiêu là phẩm vật trân quí, thế mà không thấy sư phụ ra chúc phước là tại làm sao?
Ðại chúng đều nhận xét như thế là ai ai cũng thắc mắc như nhau.
Vị sư phụ trụ trì thấy mọi người cùng xôn xao, liền vân tập quần chúng lại mở lời khai thị rằng: “Ngày trước, tuy Hoàng Hậu bố thí chỉ có hai đồng tiền đồng là vật nhỏ mọn, nhưng là cả một tấm tâm thành phát ra, đấy là điều chí cao và khả quí. Ngày nay Quốc Vương và Hoàng Hậu tuy bố thí rất nhiều, nhưng trong lòng có hàm chứa nhiều “ngã mạn” không giống như lần trước. Nên biết rằng Phật pháp không trọng “vật chất” mà trọng ở điều “phát tâm” sỡ dĩ vì đó mà lần này ta không thân ra chúc phúc. Vậy mọi người nên hiểu rõ Phật pháp độ kẻ nghèo cùng bố thí là như thế nào!”.
Quốc Vương và Hoàng Hậu nghe lời Hoà Thượng giảng giải thì trong lòng vừa thẹn vừa vui mừng. Bây giờ mới hiểu rõ nghĩa thực và giá trị của hai chữ bố thí.
PHẠM NGỌC KHUÊ
Nếu người được tiền của, tham tiếc không bố thí, nên biết rằng người ấy đang tạo hột giống bần cùng đời sau vậy.
Câu chuyện Phật nhận con
Khi Phật trở về nước Xá Vệ, vào trong Vương cung thì bà Cung phi Da Du Ðà La đến nép xuống mà lạy chào. Vua cha Tịnh Phạn bèn thuật lại cho Ngày rõ rằng: “Từ khi Thái tử bỏ cha, lìa vợ, dứt con mà đi tìm đạo, thì nàng ở trong cung rất niềm hiếu thuận, nết hạnh và giữ nghĩa cùng chồng, việc nhà trọn vẹn. Khi nghe tin Thái Tử tu khổ hạnh thì nàng ở trong cung cũng làm như vậy, bỏ những việc hầu hạ và sự cung phụng, lìa bỏ giường ngả, chiếu ngọc, lại cũng không trang điểm như trước nữa”.
Khi đó bà Da Du Ðà La bèn dắt con là La Hầu La ra cho cha thấy mặt. Lúc ấy trong hàng quyến thuộc của Phật thấy vậy, thì ai cũng nghĩ rằng: “Ngài đã bỏ cha mẹ vợ con, bỏ nước đi tu lâu rồi, mà bà cung phi của Ngài làm sao lại có thai sinh ra người con như vậy?” (Bà có thai 6 năm mới sinh La Hầu La).
Phật hiểu ý những người quen thuộc nghĩ như vậy bèn nói rằng:
- Nàng Da Du Ðà La vốn thiệt là người chân chính, thanh tịnh chẳng có nhiễm một chút chi mà phải ngại, làm cho tội nghiệp thân nàng, nếu chẳng tin, thì ta làm phép mới rõ chân giả.
Phật nói rồi, liền dùng phép thần thông làm cho mấy vị Tỳ Kheo theo hầu, ai nấy cũng đều biến thân hình ra như Phật, không khác chút nào cả. Bà Da Du Ðà La bèn lấy chiếc nhẫn ấn tín đương đeo nơi thân mình mà trao cho con là La Hầu La và bảo rằng:
- Con nhìn người nào là cha của con, thì con đem chiếc nhẫn này trao cho người ấy.
La Hầu La liền lấy chiếc nhẫn trao đúng cho Phật. Rồi Phật dùng thần thông làm cho các vị Tỳ Kheo kia hiện lại nguyên hình. Vua cha và những người trong hàng quyến thuộc thấy vậy rất vui mừng và khen rằng:
- La Hầu La thiệt là con của Phật.
Phật ở lại Vương cung ít lâu thì Vua và bá quan nghe pháp đều phát tâm tu hành, còn tất cả trong hàng cung phi mỹ nữ cũng đều thọ Pháp Tam qui, Ngũ giới, chăm tu phạm hạnh, càng ngày càng tấn tới, cho nên cảm được khí hậu điều hòa, mưa hòa gió thuận, lúa đậu được mùa, nhân dân no ấm, và các nước lân bang đều kính phục.
TÂM MINH
Trời tối, nhân gian mờ mịt quá!
Giờ này Thái Tử định đi đâu?
Chính đời mờ mịt nên ta phải,
Ði để tìm ra ánh nhiệm mầu!
Ngày mai, bao kẻ trong tan khóc,
Ly biệt, thưa Ngài, nỗi khổ đau!
Ta sẽ trở về khi thấy đạo,
Giải thoát nhân gian vạn thảm sầu!
Một chồng hai vợ
Thuở quá khứ, có chàng thanh niên rất mực hiếu thảo, mặc dù là con trong một gia đình và đã đúng tuổi trưởng thành, nhưng y vẫn không chịu lập gia đình, nhứt định sống độc thân để phụng dưỡng mẹ già, vì người cha đã mất sớm.
Thấy con lo trong lo ngoài vất vả, người mẹ khuyên chàng cưới vợ. Nhưng chàng cương quyết từ chối. Vì quá thương con người mẹ tự động hỏi vợ cho con. Cực chẳng đã, chàng đành phải làm vừa lòng mẹ.
Ðứa con dâu rất nết hạnh, lại thêm quán xuyến công việc gia đình và tỏ ra đảm đang cả việc nặng nhọc, nhưng rủi cho nàng không thể sanh con.
Ðã buồn cho số kiếp bất hạnh của mình, nàng lại càng khổ sở hơn, khi thấy chồng thường tỏ ra nghĩ ngợi xa xôi, nét mặt đăm chiêu tư lự.
Ðọc rõ tâm trạng chồng, nàng tự động cưới vợ lẽ cho chồng. Người vợ sau này chẳng bao lâu đã thọ thai. Bấy giờ người vợ lớn cảm thấy như mình bị bỏ rơi vì trông người chồng ra tuồng nưng nui vợ lẽ rất mực. Lòng ganh tỵ của người đàn bà đùng đùng nổi lên như trời giông biển động. Không tự chủ và kềm hãm được lòng ghen tức, người vợ lớn tự nghĩ, nếu không sớm chận đứng thì hậu quả cô đơn sẽ đến với đời mình trong một sớm một chiều. Thế là, một trương trình hiểm độc mọc lên trong óc nàng và nàng nhất định ra tay thực hiện dù phải trả với bất cứ giá nào.
Ðể cho vợ lẽ tin lòng, người vợ lớn tỏ ra săn sóc và dùng nhiều thì giờ trong việc giúp đỡ người vợ lẽ từ việc nhỏ đến lớn. Thỉnh thoảng nàng hỏi thăm sức khoẻ và ngày sinh nở của người vợ lẽ.
Tưởng vợ lớn thật lòng, người vợ nhỏ không dấu diếm chi cả. Ðược cơ hội người vợ lớn làm thuốc phá thai bỏ vào thức ăn. Thế là người vợ lẽ bị sảy thai. Tuy thế, người vợ lẽ vẫn còn tin tưởng người vợ lớn như thường.
Ðến lần thứ hai, người vợ lớn cũng dùng thủ đoạn phá thai người vợ lẽ như trước.
Hai lần bị hư thai, người vợ lẽ đã học được một bài học giá trị. Bắt đầu từ đấy, nàng biết ra sức đề phòng kín đáo.
Khi thấy cái thai của người vợ nhỏ ngày càng to, người vợ lớn mới tìm cách phá thai, nhưng vì cái thai đã già tháng, nên người vợ nhỏ phải chết cả mẹ lẫn con.
Trước khi nhắm mắt, nỗi đau khổ và căm thù đã dâng tràn lên khoé mắt. Cắn răng, rớt nước mắt người vợ nhỏ quyết trí rửa thù trong những kiếp lai sinh.
Người nào gây gió người đó phải gặp bão. Sau khi người vợ nhỏ chết đi, người chồng điều tra biết rõ sự thật, bèn đánh đập hành hạ người vợ lớn, không bao lâu người nầy cũng chết.
Luật luân hồi vay trả, trả vay. Sau khi chết người vợ nhỏ sanh làm con mèo cái, còn người vợ lớn sanh làm con gà mái ở chung một nhà. Mỗi lần gà mái có con là mỗi lần mèo ta bắt ăn thịt và lần sau cùng giết luôn cả gà mẹ.
Kiếp thứ ba, sau khi chết, gà sanh làm con beo cái, còn mèo thì sinh làm nai cái.  Mỗi khi nai sinh con thì beo ta tìm đến ăn thịt nai con, và cuối cùng giết luôn cả nai mẹ.
Kiếp thứ tư, sau khi chết nai cái sanh làm hung thần, còn beo sanh làm con gái của một gia đình giàu có.
Ðến tuổi trưởng thành cô gái về nhà chồng. Cứ mỗi lần cô nầy sinh nở là hung thần hóa làm người bạn đến thăm chơi để rồi thừa cơ chụp lấy hài nhi ăn thịt, lần thứ hai, tấn tuồng quái gở của hung thần và cảnh nát lòng của người mẹ cũng diễn ra như trước.
Người đàn bà đau khổ ấy đã gần như mất trí, khi biết mình thọ thai lần thứ ba.  Gần ngày sinh nở người chồng đề nghị đưa vợ về sinh nở bên quê ngoại. Nói về hung thần vì đến phiên hầu nước cho Ðức Vessa Vanna là vị chúa tể cai quản tất cả hung thần. 
Sau khi hết phiên, hung thần lập tức đến nhà tìm người thù truyền kiếp của nó. Khi biết người thù của mình đã về quê ngoại, nó liền bay vọt lên mây nương mình theo gió để tìm cho bằng được người thù không đội trời chung.
Nhắc lại người đàn bà nạn nhân của hung thần, sau khi cùng chồng về quê sinh nở và dưỡng sức một thời gian, bèn đem nhau lên đường trở lại quê chồng. Vợ chồng đi bộ gần đến Kỳ Viên Tịnh Xá, thấy có ao nước trong mát, bèn rủ nhau tắm rửa và nghỉ mệt.  Người vợ tắm trước lên ẫm con cho chồng tắm. Trong khi đang cho con bú, nàng bỗng nghe tiếng gió từ xa đưa đến như cuồng phong bão tố. Nhìn lên trời nàng thất kinh hồn vía, vì vừa nhận ra hung thần. Không kịp chờ chồng tắm xong nàng la thất thanh: “Nó đến kìa! Nó đến kìa!”. Rồi cắm đầu ôm con chạy thẳng vào Kỳ Viên Tịnh Xá, đem con để nằm dưới chân Ðức Phật và yêu cầu Ngài cứu mạng con mình.
Ngay lúc ấy, hung thần cũng vừa đến cửa Tịnh xá, nhưng Chư Thiên gác cửa không cho vào. Ðức Phật dạy Ngài A Nan Ðà ra gọi hung thần vào. Nhờ oai lực của Ðức Phật nên hung thần tỏ ra hiền lành dễ dạy.
Trước sự gặp mặt của hai nạn nhân, Ðức Phật từ tốn khuyên bảo: “Này hai người, tại sao hai người làm khổ nhau như thế. Nếu hai người không may mắn gặp được Như Lai thì mối thù truyền kiếp này đến bao giờ mới chấm dứt được và hai người sẽ như quạ với chim mèo, như rắn với chồn, cứ gặp nhau là tìm cách giết hại nhau, để rồi oán thù chồng chất thêm mãi”.
Tiếp theo Ðức Phật kể lại mối thù truyền kiếp giữa hai người, đồng thời nói bài kệ:
“Trên thế gian này,
bất cứ thời đại nào
nếu lấy oán báo oán
thì oán chập chồng
lấy ân báo oán
thì oán tiêu mất
đó là chân lý của bậc hiền xưa.”
Nhờ nghe bài kệ và lời khuyên của Ðức Phật mà mối thù truyền kiếp giữa hai người từ đây chấm dứt, oan khiên không còn vay trả…
H.G.
Luân hồi nhân quả không sai,
Không tu ắt phải đọa đày khổ thân
Lắt thịt để cứu bồ câu khỏi chết
Thuở đời quá khứ, tại Diêm Phù Ðề này có một vị Quốc Vương tên Tát Bá Ðạt, thống lãnh trọn một quốc độ lớn mà cai trị, tiếng nhân hiền đồn dậy bốn phương chỗ bố thí khắp trùm trăm họ. Ðến đỗi tất cả mọi người ai muốn thọ dụng món chi, cứ đi ngay vào đền mà trình bày, thì thảy đều tùy tiện theo chỗ khuyết điểm của cá nhân mà chu cấp, chứ Vua không lẫn tiếc chút nào, bởi vậy lúc bấy giờ những người cô bần đều nhờ dư phước mà đặng phần tự tại.
Khi ấy, thiên thần quan sát thấy vậy bèn vào tâu với Ðế Thích rằng: “Tại cõi Diêm Phù Ðề có vị Quốc Vương tên là Tát Bá Ðạt, ngôi cao phước lớn, đức hạnh hoàn toàn, ơn nhuần rộng khắp. Tôi sợ vị Quốc Vương ấy nhờ công đức đó, đến khi mạng chung chắc sanh về cõi trời mà làm chức lớn”.
Ðế Thích nghe tâu, thì có ý sợ ngày sau mất ngôi, nên kiếm cớ thử lòng Vua Tát Bá Ðạt.
Ðoạn rồi Ngài mới bảo Biên Vương rằng:
- Nay tại cõi Diêm Phù Ðề, có một vị Quốc Vương tên là Tát Bá Ðạt, chỗ phổ tế đượm nhuận lê thứ và lòng ví hoài vời vợi vô cùng, ta sợ nhờ phước quả to tát đó mà đoạt ngôi Thiên Vị của ta. Vậy nhà ngươi biến hóa làm một con bồ câu, bay xán xả đến bên mình Vua, rồi giả đò bị nạn mà yêu cầu khẩn thiết xin cứu mạng. Nếu Vua có lòngtừ bi thì thế nào cũng che chở cho nhà ngươi. Còn phần ta thì hóa làm con ó bay theo sau, cứ nằng nặc quyết một lòng đòi Vua trả bồ câu lại mà ăn thịt. Thoảng như ý Vua là bậc chân chánh, chịu lắt thịt của mình cân cho bằng thịt con bồ câu mà đổi, thì ta mới bằng lòng. Khi cân thịt đó thì ngươi dùng thần biến làm con bồ câu nặng trĩu, dẫu có lắt hết thịt người thì cũng không đủ. Hễ thịt hết thì phải đau nhức, phải hối hận, nếu y có hối hận, thì chỗ chí hướng không thành tựu. Chừng đó ta sẽ an hưởng nơi cõi trời này đời đời, không ai tranh dành nữa.
Ðế Thích bàn tính kế hoạch xong, bèn hóa ra một con ó, còn Biên Vương thì hóa con bồ câu mà bay đi.
Ðây nói về Vua Bá Ðạt đang đứng nơi chốn hoa viên với người tôi thị thần mà hóng mát, bỗng đâu con bồ câu bay xán xả rớt ngay bên chân, rồi ra bộ sợ sệt mà nói hớt hải rằng:
- Ðại Vương ơi! Xin thương đến mạng tôi đương lúc nguy biến này, vì con ó rượt bắt tôi mà ăn thịt. Xin Ngài mở lượng từ bi ra tay tế độ, ơn ấy nguyện ngậm vành về sau mà đền đáp.
Vua Tát Bá Ðạt thấy tình cảnh của loài phi điểu như vậy thì động mối từ tâm liền nói rằng:
- Không sao đâu! Không sao đâu! Có ta cứu ngươi được bảo toàn tính mạng.
Vua nói vừa dứt lời, kế con ó bay đến mà kêu nài rằng:
- Xin Ðại Vương thả con bồ câu ra, vì nó là miếng mồi của tôi ăn thịt.
Vua Tát Bá Ðạt nghe con ó năn nỉ hoài thì trả lời lại rằng:
- Số là con bồ câu đến đây yêu cầu ta cứu mạng mà ta đã hứa rồi, nên phải thủ tín, như nhà ngươi có nói vậy, thì ta đem thịt khác mà thường lại hơn gấp bội nữa.
Con ó liền đáp lại rằng:
- Tôi chỉ muốn ăn thịt con bồ câu đó mà thôi, chớ không chịu dùng thịt nào khác đâu!  Ðại Vương là bậc sang cả, nỡ nào đoạt món ăn của tôi cho đành.
Vua Tát Bá Ðạt nghe con ó nói một cách khẳng khái như vậy, thì lật đật an ủi:
- Bởi vì ta đã hứa cứu mạng con bồ câu, thì ta phải nhớ lời. Vậy bây giờ ngươi muốn dùng thịt chi cho ta biết, thì ta y theo cho vừa lòng ngươi chớ không có chút gì chấp nệ, miễn là để con bồ câu được toàn tánh mạng mà thôi.
Con ó nghe Vua đáp lại như vậy thì chi xiết nỗi vui mừng liền trả lời:
- Nếu Ðại Vương có lòng từ huệ muốn cứu giúp tất cả chúng sanh thì xin lắt thịt nơi mình của Ðại Vương đó đem ra cân cho bằng con bồ câu thì thôi, trước là cứu tôi khỏi sự đói khát, sau cứu con bồ câu kia đặng toàn tánh mạng. Như vậy cả hai đều tiện lợi cả.
Vua Tát Bá Ðạt nghe con ó kêu nài như vậy, thì trúng cái bản nguyện của mình bèn đáp:
- Hay lắm! Hay lắm! Ta không có lẫn tiếc khối huyết nhục này đâu.
Vua liền bảo thị thần đem gươm và cân ra hoa viên bè bắt con bồ câu để đứng trên giá cân này, rồi cầm gươm thẻo thịt của mình để lên giá cân kia, song thẻo bao nhiêu thịt thì cũng vẫn không cân bằng.
Vua thấy vậy lắt hết thịt cả mình mà cũng thấy thiếu mãi, đến nỗi mình mẩy lòi xương mà cứ tự nhiên không có gì nhút nhát.
Vua Tát Bá Ðạt bèn dạy bảo thị thần rằng:
- Mau giết ta đặng lấy cốt tủy cân cho đủ tịt con bồ câu kia, bởi vì ta thuận theo trong giới luật chân chính của Chư Phật, nguyện phổ tế sự nguy ách cho chúng sanh.
Chừng đó Ðế Thích và Biên Vuơng thấy sự xả thí của Vua chẳng có chút nào dời đổi, nên cảm phục lòng tử tế không ai sánh bằng, và hườn lại bổn thân rồi đến trước mặt Vua cúi đầu bạch rằng:
- Chẳng biết Ðại Vương muốn hy cầu sự chi mà chí hướng rất cao thượng, đến đỗi thân hình khổ não như thế mà không có chút nào thối chuyển xin nói cho anh em tôi biết.
Vua Tát Bá Ðạt đáp lại rằng:
- Tôi sở dĩ bố thí đầy bổn ý chẳng phải hy cầu những điều phước báu nơi cõi nhân thiên hay là các ngôi Hoàng Ðế phi hành! Vì tôi thấy chúng sanh cứ lặn hụp nơi ô trược chẳng nghĩ đến ngôi Tam Bảo và chẳng tưởng giáo lý của Phật, mãi buông lung làm các việc bạo ngược, thường bị gieo mình trong ngục hỏa trạch mà không thức tỉnh hồi đầu chút nào, nên tôi thương xót vô cùng, thề nguyện cầu được đến chỗ chứng ngộ mà cứu vớt chúng sanh đem lên cảnh an vui tịch tịnh. Bởi thế, nên dầu chỗ sở hành của tôi rủi có vong thân tánh mạng đi nữa thì cũng cương quyết cho đến cùng chớ  không bao giờ thối chuyển.
Ðế Thích và Biên Vương nghe nói cả kinh và tự hối rằng:
- Theo ngụ ý của chúng tôi tưởng Ðại Vương muốn đoạt ngôi thiên vị, cho nên mới lập kế mà nhiễu hại ra nông nỗi này. Bây giờ chúng tôi mới rõ bản nguyện cao cả của Ngài thì biết phương pháp gì mà sám hối cái tội ác nầy cho đặng!
Vua Tát Bá Ðạt nói:
- Các Ngài biết mình làm việc sai quấy, nay muốn sám hối tội lỗi, vậy thì làm sao cho mấy chỗ dấu cắt trong thân thể tôi lành lại như cũ.
Ðế Thích nghe nói vui mừng, tức thời khiếc các vị Thiên Y và Thần Y đồng đến điều trị cho Vua.
Linh nghiệm thay! Ban đầu thoa thuốc vào, thì thấy mấy chỗ vết thương đều phát động, phút chốc thoạt nhiên bình phục lại như cũ, thân thể hình dáng có vẻ càng tốt đẹp hơn xưa.
Lúc ấy, Ðế Thích và Biên Vương đồng cúi đầu từ tạ và đi giáp vòng ba lần rồi bái biệt trở về bổn vị.
Sau đó Vua Tát Bá Ðạt về triều thuật chuyện ly kỳ đó cho bá quan và phu nhân nghe, thì tất cả đều tán thán xưng tụng.
Từ đó sắp sau, Vua càng bố thí hơn trước đến bội phần, thành thử cả quốc độ gió thuận mưa hòa, ruộng nương thạnh mậu, thật là một thời kỳ nước trị dân an.
Nguyên vị Quốc Vương Tát Bá Ðạt lắt thịt cứu con bồ câu nói trên đây, chính là tiền thân của Phật Thích Ca vậy
Trích chuyện TIỀN THÂN PHẬT TỔ
Người bố thí nên nhớ người đến xin như khi đói suy nghĩ món ăn, khi thấy người đến xin, tâm sanh hoan hỷ như nhà bị cháy đem được của quý ra.
Liên Hoa tiểu thư
Khi Ðức Phật Thích Ca còn tại thế, ở một nước nhỏ Ấn Ðộ, có một phú ông rất lương thiện, thích chơi Hoa Sen. Chung quanh biệt thự của ông là ao sen vây quanh. Cứ mỗi năm về mùa hạ thì Hoa Sen đua nở. Những người phụ cận đều gọi nơi biệt thự của ông là “Liên Hoa công quán”. Nguyên Lai, nhà phú ông đó có một người con gái, dung mạo mỹ lệ, tánh tình ôn hòa, giống như hóa thân của Hoa Sen, nên người ta gọi cô là “Liên Hoa tiểu thư”. Phú ông rất thương con gái của mình nhưng có một việc mà phú ông không vừa ý, đó là âm thanh của con mình không thích nghi với vẻ đẹp và tánh ôn hòa.  Bởi vì tiếng nói của Tiểu Thư vang như sấm động, mỗi khi nói chuyện, làm cho người nghe phải long óc mà bịt tai lại. Ðã thế, Tiểu Thư lại thích ca hát.
Có một năm về tiết mùa hạ, Vua nước Ma Kiệt Ðà (Magadha) phái khiển một sứ thần tới, được phú ông tiếp đãi rất ân cần. Sứ thần nói:
- Quốc Vương có ý định tới đây xem hoa trong mùa hạ năm nay. Ông phải gấp rút chuẩn bị để cung nghinh xa giá!
Vì xa giá của Quốc Vương ngự lãm, không phải là một việc dễ dàng, nên phú ông không khỏi sợ hãi kinh ngạc. Sứ thần lại nói:
- Vậy phú ông chuẩn bị nghênh giá được chăng?
- Thưa được!  Ðó là một việc rất hân hạnh cho tôi.
Sau khi sứ thần ra về, phú ông cao hứng tự nói:”Mừng thay, đó thực là một vinh dự lớn cho nhà ta”.
Lúc đó, Liên Hoa tiểu thư từ hoa viên đi tới thấy phụ thân có vẻ hân hoan liền hỏi:
- Phụ thân có việc chi mà vui mừng?
- Tại sao âm thanh của con lại thô kệch đến thế?
Phú ông mắng con như vậy.
Liên Hoa tiểu thư vừa tủi vừa hổ thẹn, nhưng cũng biết tiếng nói của mình quá lớn, hạ giọng nói:
- Phụ thân! Con xin lỗi! Con đã quên mất.
Tuy Tiểu thư đã hạ thấp giọng nói, nhưng âm thanh vẫn còn vang lớn, phú ông phải bịt tai mình lại và nói:
- Không cần phải nói ra tiếng nữa. Im lặng đi!  Im lặng đi!
Tiểu Thư bực mình quá, bất giác oà lên khóc. Phú ông đứng dậy an ủi Tiểu Thư và nói:
- Thôi đi con! Cha đã lầm và đã quên mất âm thanh quá lớn của con, con đừng khóc nữa.
Tiểu thư lau nước mắt trở về phòng riêng, phú ông thở dài nói: 
- Ôi! Thực là điều không hay. Âm thanh của con mình giả sử làm Quốc Vương phải phẫn nộ thì đó là tội lớn của ta. Ðó là sự bất hạnh cho gia đình ta. 
Trải qua một ngày, hai ngày, rồi đến năm ngày, phú ông cứ ngày ngày lo buồn.  Tiểu thư thấy thế tự nghĩ:  “Ðó chẳng phải là nguyên nhân vì âm thanh của mình để cho phụ thân phải nhọc lòng lo nghĩ?”. Thế rồi hai cha con đều sinh buồn rầu.
Tiểu thư ngẫm nghĩ mãi, chợt nảy ra một biện pháp mắt sáng ngời hẳn lên rồi nói với cha: 
- Phụ thân! Con đã nghĩ được một phương pháp rất hay. 
- Phương pháp chi thế?
- Giản dị lắm! Tới khi hoa nở, nếu cha muốn con không phải nói chuyện tốt hơn hết là để con im lặng, cho đến lúc vua xem hoa xong trở ra về. 
Ðó cũng là một phương pháp hay, nhưng đó cũng không phải là lối thoát khổ của Tiểu Thư. Tiểu Thư lại nói:
- Phụ thân cho phép con đi. Con nhất định sẽ thực hành như thế. 
Sau khi nghe lời yêu cầu cần thiết đó, phú ông bất đắc dĩ phải ưng thuận cho. 
Qua xuân sang hạ, chung quanh biệt thự của phú ông được bao quanh bởi những đóa hoa sen hương thơm ngào ngạt vẻ đẹp lạ thường, nào Bạch Liên Hoa, nào Thanh Liên Hoa và Hồng Liên Hoa đua nhau phô diễn màu sắc. 
- Ðẹp thay hoa sen xanh, khả ái thay hoa sen trắng.
Tiểu Thư thốt ra những tiếng như vậy, chợt lại nghĩ chỉ 3, 4 ngày sau nữa, Quốc Vương sẽ xa giá tới!
- Ôi!  Thời gian trôi nhanh quá! Còn chi hơn ta cất giọng hát cuối cùng cho ngày hôm nay:
Hoa sen nở ngát đầy ao,
Từ trong bùn nọ mà nào gợn chi.
Hoa tươi lá biếc xanh rì,
Ba ba má má cùng đi xem nào!
Tiết trời xơ hạ gió hiu hiu thổi hương thơm tỏa ngát bốn bề. Từng đóa hoa sen đưa đi đưa lại theo chiều gió. “À!  Hình như chúng cũng lộ vẻ vui mừng cho lời ca tiếng hát của ta chăng?  Thôi ta không thể ca hát đựơc nữa vì Quốc Vương sắp tới nơi đây.  Hoa sen ơi! Mi cũng hiểu được ý ta chăng, nếu vậy hãy nhất tề nở đều để ta xem!”.
Hoa sen tuy là loài thực vật nhưng chúng cũng cảm động với ý niệm thành khẩn của Tiểu Thư mà nhất tề mãn khai làm cho cảnh đẹp mỹ lệ phi thường. Phú ông thấy thế vui mừng khôn xiết, liền gấp rút chuẩn bị để hoan nghênh Quốc Vương. Hôm đó Quốc Vương đem rất nhiều bộ hạ theo hầu. Nhà Vua ngồi trên xe ngựa trắng ngự giá tới. Phú ông rất hoan nghên và nói:
- Thưa Ðại Vương tôn quý! Thần dân được gội hồng ân, hân hạnh hôm nay được Thánh gia quan tâm. 
Tiểu Thư và tất cả nhà đều ra cửa xa mã của Vua tiến vào trong biệt thự. Phú ông ứng tiếp chu đáo phi thường. Ngày hôm đó, Quốc Vương rất cao hứng dạo gót quanh hoa viên rồi tới nghỉ mát ở Liên Hoa đình. Phú ông chuẩn bị các thứ đồ ăn cổ bàn lại dâng Quốc Vương. Tiểu Thư cũng tới ứng tiếp.
- Ồ!  Tiểu Thư, quả thực người con gái có dáng đẹp phi thường. 
Lúc đó trống ngực của Phú ông dồn dập quá độ không dấu nổi niềm vui. 
- Tiểu Thư đây chính là lịnh ái của Phú ông? 
- Thưa vâng!  Ðó chính là người con gái độc nhất của tôi năm nay vừa 15 tuổi. 
- Hừ! Thực có vẻ khả ái. Cô nương tên cô nương là gì? 
Tiểu Thư muốn trả lời ngay nhưng lại sợ làm súc não đến Quốc Vương, sẽ sảy ra việc không hay, nên Tiểu Thư im lặng không đáp. 
- Cô nương!  Không nên khắc khí cứ tự do nói đi. 
Tiểu Thư đang lúc e thẹn luốn cuốn, Phú ông vội vã trả lời thay:
- Kính tâu Ðại Vương! Vì âm thanh của con gái nhỏ tôi, bản lai vẫn lớn, nên không dám cất tiếng nói, sợ làm náo động Quốc Vương và các quan. Xin lượng trên khoan thứ.
- Không hề chi!  Ðã là bản lai như vậy thì có quan hệ gì. Vậy cô nương tên là gì?
Tiểu Thư tuy đã được nghe lời Vua phán, nhưng vẫn không dám cất tiếng. Phú ông nói tiếp.
- Xin lượng cả tha thứ, quả thực là vì âm thanh con gái tôi quá lớn…
- Biết rồi!  Không cần nói, chính ta cũng thích tiếng nói lớn…
Quốc Vương phát gắt, Tiểu Thư bất đắc dĩ phải tới trước mặt Vua nói:
- Tôi tên là Liên Hoa. 
Âm thanh của Tiểu Thư vang động quá lớn, gần như phá vỡ màng tai của người nghe. Quả là thứ âm thanh đáng sợ và vô nghĩa. 
Do thế Quốc Vương, sứ thần và các quan bỏ ra về. 
Phú ông là người nhát đảm, bất luận việc lớn hay việc nhỏ xảy ra đều làm cho ông buồn rần phiền não. Lần này, nhân vì Tiểu Thư xúc phạm đến oai nghi của Quốc Vương, nên luôn luôn sợ hãi không yên, thở dài rồi nói:
- Tội lỗi đều vì cơ duyên này, chắc đó là tiền nghiệp đã định. Con gái ta nhất định sẽ bị Quốc Vương quở phạt.
Phú ông cứ như thế nghĩ tưởng liên miên không lúc nào nguôi, nên phát bệnh nặng đã đón nhiều danh y tới chạy chữa. Nhưng đều vô hiệu. Trong đó có một ông thầy thuốc nói:
- Kỳ lạ quá!  Tôi không thể chữa khỏi bệnh này, phải đi tới thỉnh lời giáo huấn của Ðức Phật.
Không may lúc đó Ðức Phật đi giáo hóa chưa về, duy có Ngài Tân Ðầu Lư Tôn Giả còn ở lại tịnh xá. Vì lòng hiếu thảo nên Liên Hoa tiểu thư tới tận đỉnh núi thỉnh Tôn Giả và nói:
- Kính xin Tôn Giả thương tình cứu bệnh hoạn cho phụ thân của con…
Tôn Giả đương lúc ngồi thiền định, im lặng, Tiểu Thư lại thỉnh một lần nữa.
- Tôn Giả y nguyên không động, chợt có một cơn gió thổi mạnh làm rung động những chiếc lông mày trắng của Tôn Giả và liên tiếp hai, ba chiếc lá rơi xuống. Tôn Giả mới dõng dạc nói:
- Tiếng nói của con sao lớn thế! Căn cứ vào lời nói tha thiết mà ta thấu rõ được lòng hiếu thảo của con. Ðức Phật rất trọng người con có hiếu. Ðể đáp lại lời khẩn cầu của con và để giúp con làm tròn đầy đạo hiếu, nghĩa là con phải vâng theo lời giáo huấn của Ðức Phật, để tạo cho cuộc đời chân hạnh phúc ở hiện nay và ngày mai, con hiểu ý ta nói chăng?
Tiểu Thư cúi đầu chăm chú nghe, Tôn Giả lại nói tiếp:
- Ta bảo cho con hay. Cách đây về phương tây chừng ba trăm dặm, có một ngọn núi cao gọi là Long Sơn. Trên núi có một cái hồ, trong hồ có cung điện. Trong cung điện thường thường có một thứ nước trong suốt chảy ra, con nên tới đấy múc thứ nước đó về cho cha con uống, thì bệnh của cha con tự nhiên khỏi ngay, và âm thanh của con cũng trở nên êm dịu.
Tiểu Thư nghe xong vui mừng khôn xiết cúi đầu bái tạ và tiếp nói:
- Ða tạ!  Con hiểu ý Tôn Giả nói. Con xin đi ngay.
Tôn Giả nói:
- Ðừng lo ngại!  Uống thứ thuốc đó mà cha con sẽ được khỏi bệnh, đó là từ ở lòng hiếu thảo của con mà ứng nghiệm.
Tiểu Thư thưa tiếp:
- Nếu vậy sau khi cha con khỏi bệnh con sẽ lại tới đây xin thỉnh giáo Ðức Phật.
Tôn Giả gật đầu.
Tiểu Thư hạ sơn hướng về phương Tây mà đi đột nhiên mê mất đường. Trong khi đó, Tiểu Thư thấy một người tiên đầu tóc bạc phơ xuất hiện, Tiểu Thư vội tới hỏi thăm đường, người tiên chỉ đáp một câu: “Cách đây ba trăm dặm phương Tây”. Nói xong biến mất. Tiểu Thư nghĩ tại sao đến ba trăm dặm? Bất đắc dĩ lại tiếp tục cuộc hành trình, đi rẽ qua bờ sông, lại thấy người tiên xuất hiện ở dưới cây Bồ Ðề. Tiểu Thư lại hỏi. Người tiên lại đáp: “Cách đây ba trăm dặm về phương Tây”. Trả lời xong rồi lại biến mất. Tiểu Thư buồn rầu quá liền oà lên khóc:  “Thôi không còn hy vọng gì nữa, ta lại phải trở về chăng?”. Lúc đó chợt nhớ lời Tôn Giả dặn nên Tiểu Thư lại tiếp tục cuộc hành trình vừa đi vừa khóc.
Bỗng người tiên lại xuất hiện liền tới an ủi Tiều Thư:
- Cô nương! Người con hiếu thảo, đằng kia là ngọn núi Long Sơn, con hãy cỡi con hươu của ta mà đi.
Người tiên nói xong liền bỏ đi. Tiểu Thư vâng lời cưỡi hươu lên thẳng đỉnh núi, thì thấy quả thực trên núi có cái hồ rất đẹp, trong hồ có cái đảo nhỏ. Trời đã xế chiều, ánh trăng bắt đầu chiếu. Tiểu Thư đi thẳng vào trong hồ chợt gặp một Tiểu Ðồng ở cửa một cung điện đón tiếp và nói với Tiểu Thư:
- Thưa Tiểu Thư, Tiên ông đang đợi Tiểu Thư.
Tiểu Thư bước theo Tiểu Ðồng đi lên trên thềm đá của cung điện, trong cung quả có một cái suối, nước cuồn cuộn từ đất ra trong trắng như tuyết. Người Tiên mà Tiểu Thư đã gặp trước kia đang thảnh thơi mỉm cười, Tiểu Thư liền quỳ xuống nói:
-Xin Tiên ông cho con ít nước!
Người tiên đáp:
- Ðược lắm, cho con múc đem về cứu bệnh cho cha con.
Trong khi chờ đợi Tiểu Ðồng mang đồ đựng nước tới, Tiểu Thư liền tay vốc nước lên uống thử. Ồ!  Vị nước thơm ngọt quá! Bất giác Tiểu Thư cảm than như vậy, tiếng nói Tiểu Thư cũng biến thành êm dịu không thô kệch như trước. Tiểu Thư rất vui mừng vái tạ người tiên rồi múc nước mang về nhà cho cha. Khi về tới nhà, Tiểu Thư thấy bệnh tình của phụ thân rất trầm trọng, vội đem thứ nước ấy cho cha uống. Mầu nhiệm thay! Chỉ trong giây lát, bệnh của phú ông tự nhiên thuyên giảm.
Sau khi khỏi bệnh, Tiểu Thư đưa phụ thân đến tịnh xá của Tân Ðầu Lư Tôn Giả tạ lễ và qui y Ðức Phật. Nhờ sự chỉ giáo của Tôn Giả mà gia đình của Tiểu Thư hưởng được chân hạnh phúc.
Vị Quốc Vương xưa kia, nghe biết tin đó, cũng lại xa giá đến nhà phú ông xem hoa, nhận thấy tiếng nói của Tiểu Thư trở nên êm dịu khác thường. Vua khen: “Ðó thực là lòng hiếu thảo của người con mà cảm ứng đến thế”.
Vua liền đem của cải ban thưởng cho Tiểu Thư và bố cáo cho khắp trong nước để nhân dân đều biết. Từ nay trở về sau mọi người nên tin theo Phật Giáo, và Phật giáo sau nầy sẽ trở thành tôn giáo lớn trên thế giới.
CHÂN TỪ
Lấy món ăn vật mặc phụng dưỡng cha mẹ là hiếu thế gian, khuyến hóa cha mẹ tu học chánh pháp là hiếu  xuất thế gian.