Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra!
( Ca dao )
Tiếng chuông điện thoại trên bàn làm việc của tôi kêu reng reng từng hồi giật giọng. Nhấc ống nghe lên,vừa kịp a lô một câu, thì tôi đã nghe thấy từ đầu dây bên kia giọng một ai đó nói trong hơi thở gấp gáp "Chào chị,… Tôi là…là… người nhà của chị Lan, làm ơn, …. báo hộ mẹ chị đã…. mất lúc 15 giờ 10 phút.... ". Tôi chỉ nghe được có thế. Chiếc tai nghe đã tuột khỏi tay tôi, mắt tôi nổ đom đóm như hàng vạn ánh lân tinh.Trước mắt tôi bỗng tối sầm lại, tai tôi ù đi. Nền nhà dưới chân tôi sụp xuống.Tôi bất tỉnh nhân sự không còn biết trời đất gì nữa.....
Trên chiếc xe máy đời 81 cũ kỹ, chồng tôi chở tôi và đưa con trai lên 3 tuổi mải miết lao đi trong màn mưa dày đặc xối xả, vượt qua quãng đường dài trên 120 km của trời đêm. Dọc đường, lòng tôi như muối xát, tôi khóc như mưa, nước mắt và nước mưa hoà lẫn một vị mặn chát chẳng còn phân biệt đâu là nuớc mưa đâu là nước mắt.
Khoảng hơn 22 giờ đêm.
Tôi về đến đầu ngõ. Đã thấy đèn nến sáng trưng cả năm gian nhà, nhiều người ra vào lặng lẽ xen lẫn trong những tiếng than khóc nức nở.Tôi bước xuống xe, không còn biết ai lạ ai quen, kể cả bố tôi. Tôi lao vào trong buồng, nơi mẹ tôi đang nằm. Trên chiếc giường gỗ, cánh màn trắng buông xuống, xung quanh được thắp sáng bởi những ngọn nến trắng. Tôi sững lại một giây, trân trân nhìn thân thể mẹ tôi đang nằm thẳng trên giường trong bộ quần áo trắng toát, hai tay bắt chước bụng,gương mặt hốc hác,đôi mắt nhắm nghiền. Rồi tôi oà lên nấc nghẹn, xô tới quỳ sụp xuống bên giường mẹ ôm lấy thân thể mẹ tôi đã lạnh cứng mà lay mà gọi, mà đau đớn.Những giọt nước mắt của tôi tuôn chảy chứa chan lăn trên cơ thể lạnh toát của mẹ.Lúc bấy giờ tôi không thể nhớ mình đã khóc như thế nào, đã gọi mẹ ra sao! Chỉ biết rằng đó là tiếng khóc như xé ruột, những tiếng gọi mẹ cuối cùng trong cuộc đời của một con người. Nó trái ngược với tiếng gọi mẹ thủơ mới chập chững biết đi.Nó là tiếng kêu vĩnh biệt trước cuộc chia ly vĩnh viễn, trước nhũng gì quý giá nhất thiêng liêng nhất của đời mình đã mãi mãi lìa xa.
Không biết tôi ngất đi bao lâu, khi tỉnh lại tôi thấy mình đang nằm trên giường ngoài nhà, trên mình tôi phủ một chiếc chăn mỏng, thím tôi đang ngồi bên cạnh trông chừng tôi. Tôi bật dậy, thím tôi vội ôm lấy tôi. Tôi gào lên gọi mẹ, cho đến khi lả người vào vai thím.
- Con...con... xin thím - Tôi nghẹn nghào, đứt quãng.- Thím cho con...con vào với mẹ con!
- ừ. Thím tôi đau đớn. Là người từng trải, đã ở bên kía cái dốc cuộc đời, thím tôi không nỡ chối từ cái uớc vọng chính đáng cuối cùng của tôi đối với mẹ. Rồi thím tôi bước xuống giường lọang choạng dìu tôi vào trong buồng chỗ mẹ tôi đang nằm. Đỡ tôi ngồi xuống đất cạnh giừờng mẹ tôi, thím tôi cứ mặc cho tôi khóc, giọng tôi đã khàn đục, cổ họng tôi tắc nghẹn. Tôi kêu lên thảm thiết. Nhưng không thành tiếng, chỉ còn nghe thấy tiếng xào xạc như một thứ kèn lá. Tôi bám lấy vai giường, cầm lấy bàn tay mẹ đã khô héo cứng đờ. Tôi gục mặt vào bàn tay mẹ để tìm sự âu yếm như từng được mẹ xoa đầu giống như hồi tôi còn tấm bé.
Lòng đau đớn vô hạn, tôi nhìn đăm đăm vào gương mặt thân thuộc của mẹ tôi.Mắt tôi nhoà đi.Bỗng chốc tôi như nhìn thấy hình ảnh mẹ như hồi còn con gái. Cái vẻ con gái của mẹ bâygiờ đã nhập vào tôi. Tôi biết, qua những người cùng thời với mẹ, thời con gái, mẹ tôi là một cô thôn nữ đẹp nhất nhì trong làng. Với chiều cao vừa phải, vóc dáng thon thả, mái tóc dài đen mượt, mềm như mây thơm mùi bồ kết.Thời con gái của mẹ bề ngoài cứ êm đềm trôi đi bên những cánh đồng lúa vàng rực, bên những bờ tre, những hàng cau xanh mướt, những hương bưởi hương chanh, trong cái yên ả của làng quê vùng ven biển Bắc bộ một năm có hai vụ lúa chiêm mùa, với tiếng trống chèo rộn rã, những đêm hội làng truyền thống từ lâu đời. Nhưng bên trong, chất chứa một tâm hồn trẻ trung tràn đầy những ước mơ, những khát vọng vươn tới tương lai. Bấy giờ, chiến tranh ở xa, ít bom rơi đạn nổ. Tuy không nằm trong vùng mưa bom bão đạn như tiền tuyến, nhưng cái làng quê trù phú nơi mẹ tôi sinh sống đã trở thành một hậu phương lớn.Mẹ đã từng nuôi giấu cán bộ kháng chiến, rồi cùng với những người dân trong làng đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Mẹ đã làm cánh mạng như thế đó.
Trong cái gừng cay muối mặn của tình làng nghĩa xóm đậm đà và hết sức mộc mạc ấy, mẹ tôi đã gặp bố tôi kết nên duyên cầm sắt. Bố tôi là người cộn g sả n tham gia phong trào kiến quốc ở quê nhà. Bố mẹ tôi sống thật hạnh phúc, trong bầu không khí thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đó là điều tôi cảm nhận được, bởi trong suốt những năm chung sống vợ chồng, thật hiếm khi tôi thấy bố mẹ tôi xung đột bất hoà. Sự hòa thuận của bố mẹ tôi đã cho tôi sự tin tưởng vững chắc vào một cuộc sống tốt đẹp xung quanh mình và những gì đang chờ đón tôi ở phía trước.
Rồi 6 anh em tôi lần lượt chào đời. Bốn trai hai gái cả thảy. Tôi là gái út của mẹ. Hồi sinh tôi sau cùng mẹ tôi bảo " giàu con út, khó con út ". Mẹ tôi cưng chiều tôi nhất vì phải cơm thừa canh cặn của các anh các chị ".Biết được mẹ chiều chuộng, tôi hay làm nũng mẹ tôi lắm, nhất là lúc còn thơ bé ở bên mẹ. Nhưng thời buổi khó khăn, đói kém xảy ra ơ nhiều nơi. Nhà đông miệng ăn, mẹ tôi phải lăn lưng ra để làm lụng đầu tắt mặt tối với ruộng với vườn, với chợ búa để nuôi chồng nuôi con, cùng chồng dựng nhà dựng cửa. TôI hãy còn nhớ như in một ngày của mẹ. Đó là một ngày làm việc được sắp đặt trước hết sức chặt chẽ. Từ lúc mờ đất mẹ tôi đã trở dậy, lo cơm lo nước cho sớm sủa, để còn ra đồng kẻo nắng. Đến lúc trời nắng như đổ lửa, mẹ tôi lại trở về lo giặt giũ,chợ búa chuẩn bị bữa trưa. Từ chiều cho đến lúc tối nhọ mặt người, mẹ tôi làm các công việc trong nhà, bèo cám lợn gà, ngoài vườn trồng rau, nhổ cỏ. Buổi tối dưới ánh đèn dầu đỏ quạch, mẹ tôi lúc thì khâu vá, lúc thì xay lúa, giã gạo, lúc thì sàng sảy tới khuya. Ngày hạ cũng như ngày đông, ngày dưng cũng như ngày mùa, ngày nắng, ngày mưa, trừ những ngày ốm không ra khỏi giường còn thì chẳng ngày nào tôi không thấy mẹ tôi tất tả ngược xuôi với việc nhà việc cửa việc đồng áng.Nhưng mặc dù bận rộn nhưng lúc nào mẹ tôi cũng chăm sóc từng ly từng tí đến anh em chúng tôi. Từ cái ăn, cái mặc, từ việc vui chơi đến việc học hành. Từ cái nóng cái lạnh lúc khỏe mạnh đến lúc đau ốm mỗi khi trái gió trở giời của các con. Sợ con mình đói, nhà có miếng ăn ngon mẹ cũng dành cho chúng tôi. Sợ con mình rét, nhà có manh áo lành mẹ cũng nhường cho chúng tôi mặc. Đêm hè thì mẹ đều tay quạt. Đêm đông thì năm lần bảy lượt, mẹ trở dậy đắp lại chăn cho chúng tôi. Rồi mẹ thường vỗ về cho chúng tôi ngủ. Sáu anh em tôi, lúc còn nhỏ tuổi đều được mẹ tôi ru ngủ bằng những câu ca dao da diết:
" ầu ơ, con ngủ cho ngoan,
Để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về....
Rồi:
Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ,
Năm canh chày thức đủ năm canh.
Bằng những câu Kiều của Nguyễn Du, bằng cái chân quê của Nguyễn Bính,. Hồi đó,tôi chưa hiểu gì hoặc mới chỉ hiểu lõm bõm về ý nghĩa của những câu thơ đó, nhưng từ sâu thẳm con tim mình, tôi mơ hồ linh cảm được cái trữ tình sâu nặng qua lối nói tha thiết, có vần điệu nhịp nhàng êm ái dễ đi vào lòng người của một thứ ngôn ngữ đặc biệt mà về sau khi lớn lên tôi mới biết rằng đó chính là những tinh hoa văn hoá vô cùng quý giá của người Việt đã phải hun đúc kết tinh từ ngàn đời.
Mẹ không những là người sinh ra tôi bằng xương bằng thịt, mà còn là tấm gương cho tôi về sư cần cù chịu khó. Mẹ dạy chúng tôi phải biết yêu lao động, phải biết quý trọng thành quả lao động của con người làm ra:
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!
Mẹ là người sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Cho tôi cái khả năng cảm nhận được cuộc sống xung quanh mình, để có cái tình với núi sông với vạn vật và với con người.
Trời đất vốn đã sắp đặt cho người phụ nữ nhiều thiên chức trong gia đình và xã hội. Đối với gia đình tựu trung lại trách nhiệm của mẹ là làm dâu, làm vợ, làm mẹ, làm kinh tế. Đối với xã hội phải là một công dân, phải là một người lao động.Tất cả những thứ đó dồn góp thành một gánh nặng trên vai người con gái suốt quãng đường dài đằng đẵng mấy mươi năm. Gỗ đá, sắt thép cũng còn phải mỏi, phải mòn huống hồ là con người.Cái nhan sắc mặn mà thời con gái của mẹ tôi cứ ngày một mai một và tỷ lệ nghịch với sự trưởng thành của những đứa con. Nhưng mẹ tôi lấy làm vui lắm và rất hãnh diện vì thấy những đứa con của mình khoẻ mạnh, ngoan ngoãn, xinh tươi như hoa như gấm giữa đời.
Niềm vui của mẹ tôi thật trọn vẹn nếu như không có chuyện đau lòng liên tiếp xảy đến với gia đình tôi chỉ trong vòng 4 năm. Đầu tiên là người anh cả hy sinh trong chiến dịch mùa xuân năm 1975 tiến vào Sài Gòn. Bốn năm sau, khi nỗi đau về người con cả chưa kịp vợi đi, thì người anh thứ hai lại ngã xuống trong chiến dịch biên giới chống giặc phương Bắc năm 1979. Thôi thì chồng chất những mất mát! Mẹ tôi suy sụp hẳn. Vì là người mang nặng đẻ đau.Có những nỗi đau chỉ có người làm mẹ mới biết. Suốt hàng chục năm sau ngày các anh tôi mất,mẹ tôi thương nhớ hai ngừời anh trai đến độ héo mòn. Mẹ tôi vẫn sống cùng với chồng và bốn con, nhưng không còn vui như trước nữa.Nỗi buồn của mất mát đã hằn sâu trong đôi mắt mẹ thêm nhiều những nếp nhăn. Mẹ trở nên trầm mặc hơn, trong đôi mắt sâu thăm thẳm ẩn chứa một nét buồn u uất.Trong cả phần đời còn lại, thảng hoặc vẫn hay có những giấc mơ hãi hùng chập chờn đến với mẹ. Giấc ngủ của mẹ không yên. Có nhiều đêm mẹ tỉnh giấc vì những giấc mơ chợt đến, rồi thức trắng cho đến sáng. Lại có hôm tôi chợt tỉnh giấc vì một cơn mê. Trong đêm khuya yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy cả tiếng đập cánh của những con muỗi, tôi liền bắt gặp mẹ tôi trở mình trằn trọc. Sợ con mình thức giấc, mẹ chỉ khe khẽ thở dài, rồi lẳng lặng kéo vạt áo lên lau nước mắt.

*

......
Ngoài trời đen thẳm mịt mùng. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Gió rít từng cơn ào ào qua mái nhà.Cơn áp thấp nhiệt đới đang đổ bộ vào đất liền.. ở vùng duyên hải, là nơi đầu sóng ngọn gió, mảnh đất thường xuyên phải đương đầu với những trận cuồng phong dữ dội hàng năm.Nhưng cơn bão táp của tự nhiên không thể nào sánh bằng cơn bão táp trong lòng tôi!Tôi tựa người vào thành giường mẹ nằm, lòng chua xót, tóc tai thân thể rã rượi, đôi mắt mọng nước, răng tôi cắn vào môi đến bật máu. Thế là hết, mẹ ơi! Cuộc đời con từ nay mất mẹ! Còn nỗi đâu nào hơn thế, mẹ ơi! 
Trời đang sáng dần. Thím tôi đã rời tôi nhưng vẫn để mắt canh chừng mọi hành động của tôi. Thím tôi sợ tôi liều thân. Mà tôi cũng muốn liều thân thật." Mẹ ơi! Con muốn cùng đi với mẹ cho có mẹ có con! "Bằng lời nói,có nhiều lúc tôi đã gào lên như thế! Nếu như thím tôi không ghé vào tai tôi mà nhủ rằng: "Bình tĩnh lại đi con!Con còn phải sống để nuôi con con chứ " thì tôi cũng không còn thiết sống nữa. Câu nói của thím tôi ít nhiều làm tôi do dự. Tôi khựng lại, chợt nhận ra rằng, lúc mẹ tôi còn sống, tất thảy đều chỉ vì các con đó sao! Nhưng nếu sống thì không đành.
"-Đau quá, ai đánh tôi đau thế này, trời ơi! "Tôi lại gào lên lạc giọng.Tim tôI như vỡ ra hàng trăm mảnh.
Mặc cho tôi gào thét khóc lóc kể lể, người ta vẫn cứ ai vào việc nấy. Từ sáng sớm, họ mạc, hàng xóm láng giềng đã kéo tới đông nghịt. Họ cắt cử nhau mỗi người một việc. Người ta dựng một cái rạp dã chiến bằng cách chôn mấy cái cột bằng luồng ngoài vườn, sau đó trải lên trên tấm bạt che suốt cả chiều dài của cái sân năm gian nhà tranh. Rồi họ thu dọn hết đồ đạc trong nhà thành một khoảng rộng, để đưa quan tài vào giữa nhà và đặt linh sàng. Người ta chuẩn bị một tang lễ theo đúng tập tục của làng quê. Có phúng viếng, truy điệu và an táng. Tôi nghe lõm bõm người ta bảo đến sáng mai sẽ cử hành lễ an táng đưa mẹ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng.Họ sẽ làm gì làm gì tôi không còn biết đến. Tôi chỉ biết là tôi sẽ không bao giờ còn có hy vọng nhìn thấy mẹ mình bằng xương bằng thịt đựơc nữa. Nỗi đau lớn làm tôi lú lẫn. Tôi kiệt sức sau hơn một đêm kêu gào thảm thiết, gục xuống nằm dài trên nền đất, cạnh quan tài mẹ tôi. Có ai đó đã mặc vào cho tôi bộ đồ bằng vải xô trắng và chụp cái khăn trắng dài lên đầu.
Tôi ngẫm nghĩ trong cay đắng. Nước mắt tôi đã cạn. Đôi mắt sưng húp. Tôi thở hắt ra. Cuộc sống lúc này đối với tôi thật vô nghĩa.Tôi thương mẹ tôi vô cùng. Tôi chợt nhận ra cái chân lý rất đỗi đơn sơ chẳng phải cao siêu gì mà tôi vẫn chưa hề hay biết đến. Đó chính là cái bất biến của gia đình trong cái vạn biến của xã hội. Có ai thương yêu và chăm lo cho mình như người sinh ra mình. Không ai hết! Nghĩ đến đó, lòng tôi lại trào lên mãnh liệt rằng tôi yêu mẹ biết bao! Mẹ không những là người sinh ra và nuôi dưỡng tôi, mà mẹ còn là thần tượng của đời tôi. Phải đến khi mất mẹ tôi mơi nhận thức được điều đó. Trong đời người, những lúc thường tình người ta không cảm nhận được hạnh phúc. Chỉ khi nào hạnh phúc mất đi ta mới biết rằng hạnh phúc đã từng hiển hiện ở quanh ta mà ta đã thờ ơ lạnh nhạt đến mức xem nhẹ. Giờ nuối tiếc thì đã muộn!
Tôi chưa làm được gì báo hiếu mẹ, để đền ơn sinh thành, dưỡng dục, thì mẹ đã vĩnh biệt cõi đời, ra đi ngậm cười chín suối. Tháng trước được tin mẹ ốm, tôi về thăm mẹ, mua cho mẹ được ít thuốc bổ, bây giờ nằm lăn lóc trên bàn. Góc này một bộ quần áo bằng vải lanh mới may nhưng mẹ chưa kịp mặc. Góc kia, cơi đựng trầu cùng với mấy miếng trầu đã têm của mẹ nằm chỏng chơ, rũ mấy cọng lá đã khô héo. Tôi đưa mắt nhìn bao quát những đồ dùng của mẹ vẫn dùng mọi ngày bây giờ vắng chủ.Tôi nấc lên, cổ họng nghẽn lại! Tôi lại tức tưởi khóc.
Ngày tôi vào Đại học, - cái việc mà đối với đời cũng là một chuyện bình thường không có gì đặc biệt nhưng đối với gia đình tôi thật là một sự kiện đáng ghi nhớ. Gia đình tôi rất vui, nhất là mẹ tôi. Mẹ tôi mừng rơi nước mắt. Mừng vì tôi đã làm rạng rỡ cho gia đình, bõ công cha mẹ bao ngày khó nhọc một nắng hai sương.Mẹ mừng vì tôi đã tiếp bước được ước mơ thầm lặng cả một đời con gái của mẹ mà mẹ chưa làm được. Mẹ mừng cho tôi sau này không phải nắng mưa như cuộc đời của mẹ. Nhưng mẹ có nỗi buồn sâu kín, không nói với ai, ấy là mẹ sẽ phải xa tôi nhiều hơn trước. Còn tôi thì vô tư, không hay biết gì cả, chỉ biết mải vui với chúng bạn ở cái tuổi mới lớn, chập chững hăm hở vào đời,ham tìm kiếm những thứ trong cái vạn biến đang ở phía trước.Trong những năm theo học Đại học, tôi về thăm mẹ được nhiều hơn. Nhưng từ khi đi làm và nhất là khi đã có gia đình riêng, phần vì bận rộn công việc muốn có một chỗ đứng trong nghề nghiệp, phần vì chồng vì con, tôi càng ngày càng ít về thăm nhà.Đã thế những dòng thư cho mẹ cũng thật hiếm hoi! Lối sống mới, hầu như chẳng ai còn viết thư bằng mực tay như ngày xa xưa của mẹ nữa! Người ta viết cho nhau bằng thư điện tử -một thứ xa lạ đối với thế hệ của mẹ.Cô con gái cưng của mẹ cũng không phải ngoại lệ! Tôi giận mình lắm! Ngày xưa tôi thấy mẹ tôi thuờng cất giữ cẩn thận những lá thư tư chiến trường của hai anh tôi, thỉnh thoảng giở ra đọc lại. Tuy giấy đã cũ, nhàu nát, mực nhoè nhoẹt, chữ được chữ mất, nhưng mẹ tôi bảo: Cứ xem thư là như thấy anh con đang ở trước mặt mẹ vây ". Thế mà tôi thì không! Tôi chẳng mấy khi thư từ gì cho mẹ. Còn những chuyến viếng thăm nhà,một năm vài bận, ở với mẹ vài ba ngày chưa vơi được nỗi nhớ con của mẹ thì tôi lại đi. Với những lo toan về đời sống thường nhật của riêng mình, lắm lúc con người ta thành ra vô tình mà không hay biết.
Làm con gái, mẹ chỉ bảo cho tôi nhiều thứ luân lý theo thiên chức riêng có của người phụ nữ trong đời sống xã hội. Là con gái, sao cho đẹp người đẹp nết “ Cái nết đánh chết cái đẹp “ Mẹ dạy tôi cần phải coi trọng cái nết.Từ cái phải ăn mặc kín đáo như thế nào, đến cái đi dáng đứng ra sao cho nhẹ nhàng thanh thoát. Từ việc xưng hô, với kẻ trên người dưới, sao cho phải phép đến từng cách thức làm các công việc trong nhà. Từ chuyện nấu nướng bếp núc sao cho chu đáo đến việc ra ngoài đời làm sao để giữ gìn tấm thân con gái của mình cho trong sạch ….. Bây giờ tôi mới hiểu, cái tri thức khoa học trong con người tôi thì nhờ có trường lớp mà thành, còn cái nhân cách của con ngưòi tôi phần lớn do sự giáo dục của gia đình mà tạo nên cả.
Khi lấy chồng, mẹ tôi dặn dò tôi thật kỹ lưỡng. Từ những chuyện của phụ nữ trong đời sống vợ chồng theo kinh nghiệm của người xưa để lại, đến cách làm dâu ăn ở với gia đình bên chồng. Dù tôi không phải "Lỡ bước sang ngang " nhưng ngày lên xe hoa, tôi thương mẹ vô cùng.Tôi khóc như trẻ con phải đòn oan! Mẹ đã lau nước mắt cho tôi. Ôm lấy tôi mẹ dỗ dành: " Nín đi con, làm con gái, cũng như mẹ, ai chẳng phải lấy chồng, có ở vậy mãi được đâu. Rồi đâu sẽ vào đấy cả thôi, con ạ " Tôi nín khóc. Tôi tin tưởng những điều mẹ tôi nói và tôi muốn làm yên lòng mẹ, như không muốn chất chồng thêm những ưu phiền lên những nỗi đau tinh thần của mẹ. Nhưng tôi thương mẹ lại nhớ tôi nhiều. Vắng con rồi, có nhiều đêm mẹ lại khóc một mình.
Từ khi cô gái út của mẹ đã yên bề gia thất, trong nhà chỉ còn lại bố mẹ tôi cùng với mấy đứa cháu con ông anh cả. Con cái lớn bé của mẹ đi xa cả, đứa trời Nam, đứa biển Bắc, đứa miền ngược đứa miền xuôi, vì mưu sinh cũng có mà vì duyên nợ cũng có, thậm chí dun dủi chỉ vì những lý do không đâu cũng thành ra trôi dạt quê người. Nên ở vào cái tuổi ngoài sáu mươi lăm, mẹ tôi chỉ còn có bố tôi thường xuyên ở bên cạnh như thuở còn son trẻ, mới ra ở riêng.
Cảnh già trong hiu quạnh, lòng thương nhớ các con các cháu dằng dặc không nguôi.
Ba năm sau ngày tôi lấy chồng, đứa con trai đầu lòng của tôi ra đời. Tôi sinh cháu ở quê. Ngày tôi sinh con, mẹ tôi vui sướng lắm. " Thằng bé mới bụ bẫm làm sao!" Mẹ tôi cười hể hả. Rồi mẹ tôi bồng bế cháu mà nựng mà ru không biết mệt. Thế rồi sau khi sinh con được tròn 3 tháng, vì phải đi làm sớm nên tôi đưa con ra Hà Nội. Mẹ tôi vì con vì cháu lại lặn lội ra Hà nội một chuyến mặc dù tuổi của mẹ đã ở vào tuổi bảy mươi.
Tôi cũng không thể ngờ được rằng đó chính là chuyến đi xa cuối cùng trong cuộc đời của mẹ – chuyến đi dối già.
“Tre già măng mọc. “ Mẹ tôi bảo và mẹ tôi lại chăm chút cho cháu vẫn cẩn thận như đối với tôi ngaỳ xưa. Tuy mắt đã mờ chân đã chậm, nhưng những bài hát ru của mẹ ngàn năm không cũ, vẫn tha thiết, vẫn sâu nặng lắm, vẫn rất hợp với thời đại, với lòng người nhất là đối với tôi.
Thật may mắn cho tôi được ở gần mẹ trong những ngày cuối cùng trong cuộc đời của mẹ, đó là những ngày mẹ tôi lên Hà Nội. Tôi như được sống lại cái khung trời tuổi thơ ở bên mẹ dù tôi đã lớn, đã bước đầu thành đạt, theo chí nguyện của mẹ không dừng lại ở bậc đại học. Nhưng trước mẹ tôi vẫn là cái con bé con như thuở nào hay làm nũng mẹ, hay vòi quà mỗi khi mẹ đi chợ về!Trong những ngày tháng đáng ghi nhớ ấy, mẹ tôi đã kể lại cho tôi nghe nhiêù chuyện mà tôi còn chưa biết về gia đình, về mẹ, về tôi, và về những người thân, về những suy nghĩ, nhưng trăn trở, những nụ cười và những giọt nước mắt, về hạnh phúc và những nỗi đau trong cuộc đời mà mẹ đã đi qua. Mẹ không nói, nhưng tôi thấu hiểu, mẹ muốn gửi gắm vào con vào cháu nhiêù ước muốn mà trong đời mẹ chưa làm được, hy vọng con cháu mai ngày bằng nghị lực và trí tuệ, chắp nối cho ước mơ của mẹ thành sự thực, vì một ngày mai tươi sáng hơn.......
Sinh thời mẹ đã làm tất cả những gì có thể cho xã hội, cho gia đình và con cháu.Tôi không biết phải viết làm sao, nói làm sao cho hết tấm lòng cao quý của mẹ. Càng lặn ngụp bao nhiêu trong tình yêu của mẹ, tôi lại càng như lạc trong biển cả không cùng. Chỉ biết rằng, mẹ là tất cả đối với cuộc đời tôi- quá khứ, hiện tại và tương lai.

*

Tôi choàng tỉnh vì có ai đó xốc mạnh tôi lên. Tôi mở mắt và ngay lập tức hình dung được quang cảnh xung quanh tôi. Người ta đang chuẩn bị đưa mẹ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Chỉ ít phút nữa thôi, tôi sẽ không bao giờ còn thấy gương mặt người mẹ thân yêu của mình.
– Không! Mẹ ơi! …. Mẹ ơi! Mẹ đừng đi. Con không cho… mẹ đi …… Mẹ đi thì con biết gọi ai… là mẹ!…… Mẹ ơi!………Hãy để mẹ tôi ở lại với tôi.!
Tôi oà lên thống thiết. Như có một sức mạnh đột khởi chưa từng có, tôi vùng ra thoát khỏi vòng tay bị giữ chặt, lao đến ôm chặt lấy quan tài của mẹ tôi mà người ta đang khiêng đi vì không muốn tuột mất những gì còn sót lại cuối cùng.
-Mẹ ơi! Hu…. hu....Sao …mẹ bỏ con …mà đi! Mẹ ơi...ời.....hu hu...

Xem Tiếp: ----