Ngày mai nông trường sẽ họp kỷ luật em. Tôi là người quyết định kỷ luật. Lúc chiều em đi ngang qua tôi, không một lời nói, không một nụ cười, không một cái nhìn đằm thắm, không một ánh mắt hờn giận, không một khoé môi mỉa mai. Em vô cảm. Gương mặt ấy của em làm tôi hoảng sợ. Hai hôm trước mẹ em lên. Qua khe cửa tôi thấy em quỳ xuống, quỳ mãi trước mặt mẹ. Bà tát em, bà xỉ vả em, bà dúi em vào góc nhà. Em không khóc. Chỉ có bà khóc. Bà khóc rồi ôm lấy em, vùi em vào ngực mình. Lúc này tôi mới nhìn thấy em khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên má, bết vào mái tóc dày mịn của em. Mái tóc mà bao đêm khuya tôi vùi mặt vào, mát rượi. Tôi nhìn bầu trời qua mái tóc em, những kẻ sao lung linh, những niềm vui lấp lánh. Em để mặc tôi chảy trôi với những đam mê cuồng dại trên cơ thể ngọt ngào của em. Ngày mai tôi sẽ kỷ luật em. Tôi sẽ tra hỏi: "Cái bào thai trong bụng cô là ai?". Tôi sẽ gằn giọng "là của ai?" như tôi từng lục vấn bao nhiêu người con gái khác ở nông trường này. Lúc ấy em sẽ làm gì, sẽ nói gì? Em sẽ bị bủa vây trước 160 con mắt. Trong đó có những người từng trải qua - họ sẽ cảm thông với em - số ấy quá ít ỏi so với những người ganh ghét em. Họ sẽ xé nát em, băm vằm em bằng con mắt của họ. Lúc ấy em ra sao? Có giữ gương mặt vô cảm như đi ngang qua tôi không? Ba năm trước, lúc em vừa mới lên, đêm nào tôi cũng thấy em ngồi lặng lẽ một mình trên mỏm đá, xoã tóc ngắm trăng. Hương tóc em bay toả vào không gian, quyện chặt vào tâm hồn tôi, da thịt tôi. Con gái nông trường phần lớn đều là thanh niên xung phong về, một đời họ trinh tiết, trinh tiết cả khi mái tóc điểm hoa râm. Tóc họ gần như rụng hết, trơ cả mảng da đầu. Chỉ có em mái tóc ken dày, mượt như lụa, mùa hè mát như nước khe, mùa đông ấm như lửa củi. Tôi không biết em đã giữ mái tóc ấy như thế nào trong những ngày tháng bom dày đạn xéo ấy. Em vừa lên nông trường người ta tụm năm tụm ba, moi móc lý lịch của em. Người ta vừa thương, vừa thích chí khi biết em bị phụ bạc. Chàng trai em yêu không đủ sức khoẻ để đi bộ đội nhưng đủ sức khoẻ để ở nhà làm một người chồng. Người ta đã cướp chồng của em khi em đang nằm trong rừng lửa. Em vừa thương vừa giận con người đó: - Cô tưởng ở hậu phương bọn tôi sống sướng hơn cô ở chiến trường sao? Cô đối mặt với súng đạn, với cái chết từ bên ngoài. Bọn tôi ở nhà đối mặt với cái chết gặm nhấm từ bên trong. Cô tưởng… Em lặng lẽ bỏ đi. Người đàn bà kia bỏ lửng câu nói, ngơ ngác nhìn theo cái dáng xiêu vẹo của em. Em lên nông trường. Đàn bà ở đây lấy nỗi đau của em để xoa dịu nỗi đau của họ. Họ chưa được nếm trải tình yêu. Họ thấy em từng được yêu họ ghét, thấy em bị phụ tình họ vui. Em đã tìm được tôi để sẻ chia, dựa dẫm. Đêm đêm trên cỏ ướt hương chè thoảng bay, em vùi mặt vào cánh tay tôi thắc mắc: - Các anh chị nông trường mình định sống cô độc đến suốt đời sao anh? Rồi như chợt nghĩ lại mình, em khóc. Nước mắt chảy xuống vai tôi lạnh buốt. Tôi ghì chặt lấy em, cố bao bọc chở che cho em trong vòng tay của mình. Nhưng trái tim em rộng lớn, tôi chẳng thể nào che chở nổi. - Em có lỗi với vợ anh. Một mình ở quê chắc chị ấy buồn lắm! Hay anh chuyển về quê công tác cho gần gia đình. Tôi im lặng, chẳng tìm được câu trả lời cho em. Đi bộ đội về, mẹ đã chọn cho tôi một cô vợ đảm đang, tôi không thể từ chối. Một tay vất vả nuôi con, tôi mang ơn cô ấy. Tôi lên nông trường hy vọng tìm kiếm tình yêu trong công việc, đúng hơn, kiếm được danh vọng trong sự nghiệp. Tôi không có tình yêu, tôi nghĩ mình phải có được một cái gì khác. Nhưng khi gặp em tôi hiểu tôi đã có tình yêu, tôi đã tìm được nửa kia của tâm hồn mình. Em không như những người đàn bà khác, em không xui tôi bỏ vợ. Em âm thầm nhận đau khổ về mình. Mà thú thật em có xui tôi cũng không bỏ được. Tôi còn mẹ già, tôi còn hai con thơ. Vợ tôi nuôi mẹ cho tôi, nuôi con cho tôi. Vợ tôi một mình gánh hết hai thế hệ. Tôi còn công danh sự nghiệp. Cái ghế giám đốc đang chờ tới tay. Vả lại những người đàn bà khác ở nông trường họ còn sống buồn tủi hơn em. Ngày họ làm quần quật, đêm họ co ro ôm gối, hết nhìn 10 ngón chân cáu bẩn, ngả màu, xỉn lại, rồi lại đưa chiếc lược sừng ra chải đi chải lại mái tóc thưa. Đến khuya họ chui vào màn nằm vật vã. Họ cũng thèm được như đội 3. Mười hai chị bỗng dưng có 12 đứa con, mỗi đứa ra đời vào một thời điểm khác nhau, nhưng đều giống nhau như đúc khuôn. Họ lần lượt bị kỷ luật, bêu rếu. Họ sống câm lặng, bao bọc nhau bằng đồng lương ít ỏi của mình. Mà những ai bêu rếu đội 3 - chính họ. Những người đàn bà nông trường không có hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ. Những người đàn bà bất hạnh, ngày đêm chỉ biết mài sắc lưỡi dao cay độc của mình. Đối diện với dãy nhà lụp xụp của đội 3 là dãy nhà ở của gia đình. Có mười lăm hộ thì có tám hộ là gia đình thương binh. Chồng hoặc cụt tay, hoặc cụt chân. Nhưng những bà vợ thì giữ rịt lấy chồng, xoè mình ra như nhím để giữ chồng. Mỗi lần em đi ngang qua khu nhà ấy em cũng sợ, em không dám liếc mắt vào. Em mỏng manh như giọt nước. Ngày mai tôi sợ em sẽ bị tan biến, sẽ chìm vào đất. Ngày em hớn hở khoe mình có thai tôi vã mồ hôi, rụng rời cả tay chân. Tôi lo sợ cho cả tôi, cả em. Ngày mai… Còn mấy canh giờ nữa thôi, lúc này em đang làm gì? Tháng trước tôi đã cắt phép cho em, khuyên em đi giải quyết. Em hốt hoảng nhìn tôi, ngỡ ngàng như nhìn thấy một người khác, như vừa khám phá ra tôi là kẻ độc ác, tôi là kẻ nhẫn tâm, tôi không phải là người em từng ôm ấp yêu thương. Tôi chạy theo em, van nài em chuyển công tác. Đã hết thời hạn ở nông trường, em có quyền chuyển về xuôi. Nhưng giống như những người đàn bà khác ở nông trường em lắc đầu từ chối, Em xem tôi như là người dưng từ dạo đó. Ngày mai… Còn hai canh giờ nữa trời sẽ sáng. Hội đồng sẽ kỷ luật em. Tôi sẽ ngồi trên ghế cao, dõng dạc tra khảo, dõng dạc tuyên án em. Tôi muốn biết gương mặt em lúc ấy sẽ thế nào? Tôi cố hình dung ra em. Đầu tôi ong lên. Thần kinh tôi như sợi dây đàn căng, chỉ cần ai gẩy nhẹ nó sẽ đứt, cây đàn cũng nứt toác ra. - Cái thai trong bụng cô là của ai? Tôi dằn giọng. Em im lặng. Tôi cố kiên nhẫn: - Cô khai ra, cô sẽ được giảm án kỷ luật, đứa con của cô cũng sẽ được nông trường bao bọc một phần. Em im lặng. Tôi quát lên: - Tôi đang hỏi cô. Cô điếc hay câm sao? Nghe cả tiếng con ruồi bay vù vù từ mép bàn vào góc tường trái. Tôi đứng bật dậy, đấm nắm tay xuống bàn, gào lên giận dữ: - Cô muốn chết hay sao mà không khai ra? Tôi sẽ thay mặt nông trường kỷ luật cô về quê. Tôi trực tiếp lấy ý kiến tập thể. Ai đồng ý kỷ luật đồng chí Lan về quê thì giơ tay lên. Một phút, hai phút, ba phút… Lác đác vài cánh tay giơ lên. Vẫn im lặng. Một con ong vo ve bay về tổ ngay trên trần nhà Lan đứng. Con ong vòng đi vòng lại mấy vòng rồi chui tọt vào trong tổ, mất dạng. Tôi rướn cổ hỏi lại: - Ai đồng ý để cô Lan chịu kỷ luật về quê thì giơ tay lên. Không một cánh tay nào giơ thêm cả, mấy cánh tay giơ lên trước đó trở lên lạc lõng, ngọng nghịu, họ rụt rè bỏ xuống. Một phút, hai phút, ba phút… Một người trong đội 3 bước ra, hai người, ba người, bốn người, năm người, sáu người, bảy người… Họ thành dòng lặng lẽ ra về. Tôi chết lặng. Ngước mắt nhìn về phía Lan, mặt em đầm đìa nước mắt. Tôi muốn lao xuống ôm ghì lấy em. Nhưng tôi nhấc chân không nổi. Tôi ngã nhào, mặt đập xuống bàn lim, máu nhoe nhoét. Tôi kêu rống lên như bị chọc tiết. Tỉnh dậy, tôi sờ tay vào mặt mình. Chẳng có máu, chỉ có mồ hôi đang vã ra như tắm. Đã năm giờ sáng nhưng trời vẫn tối sầm. Trời đang chuẩn bị một cơn giông. Tôi lục tìm được câu chuyện này dưới đáy ba lô của bệnh nhân số 13. Tôi đọc, ngắm nhìn khuôn mặt hốc hác của anh ta mà khóc. Suốt đêm ấy tôi không ngủ, đôi mắt dại dại của anh ta bây giờ, đôi mắt trong trẻo của cô Lan trong truyện ám ảnh tôi. Sáng ra tôi xin nghỉ phép về quê. Một đêm không ngủ tôi như kẻ mất hồn. Vợ tôi ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi đưa câu chuyện của bệnh nhân số 13 cho vợ tôi đọc. Vợ tôi khóc… Vợ tôi cũng từ nông trường về. Vợ tôi bảo: - Anh nên đưa đăng báo đi. Biết đâu… Vợ tôi bỏ lửng câu nói, mắt nhìn xa xăm. Quen với những trăn trở của chồng về bệnh nhân, tôi biết vợ tôi đang cầu mong một điều kỳ diệu sẽ đến với bệnh nhân số 13./.