Vậy mà đã mười lăm năm rồi. Nhanh thật. Vác-sa-va thay đổi nhiều quá. Khi xe chạy qua trung tâm thành phố, Quang nhìn mãi mới trông thấy ngọn tháp của tòa Cung văn hoá. Trông nó lọt thỏm giữa những tòa nhà chọc trời mới xây xung quanh. Thế mà một thời, Cung văn hoá trông uy nghi, bề thế nhất Vác-sa-va, dù đứng cách xa dăm bảy cây số vẫn trông thấy ngọn tháp cao vút trời của nó.
Thuê xong khách sạn, vẫn thấy còn sớm, Quang gọi tắc xi, cùng con Vots đến công viên Oa-zien-ki, nơi ghi những kỷ niệm sâu sắc nhất trong những ngày sắp rời xa Ba Lan. Oa-zen-ki vẫn như xưa càng làm anh bồi hồi, xao xuyến. Ngay cả cái ghế dài cạnh gốc cây sồi rất đỗi quen thuộc thuở nào vẫn còn đây, có khác chăng là người ta quét lại nước sơn màu nâu, bóng và nuột hơn. Con Vots già nua chậm chạp trườn dưới ghế rồi dí cái mũi như miết vào lớp cỏ đã úa vàng, miệng rít lên “Ư... ử... ư… ử...”. Nó đang xúc động.
- Xuỵt! Im nào Vots.
Quang vỗ nhẹ lên lưng con chó, nhắc khẽ vì thấy nhiều người đang dồn về khu vực anh đang ngồi. Anh để ý, thấy những hàng ghế xung quanh cũng đã kín người. À... Chủ nhật. Hôm nay là Chủ nhật. Một sự tình cờ thật thú vị. Vậy là nếp sinh hoạt văn hoá rất sang trọng của dân Vác-sa-va vẫn không thay đổi. Không biết tự bao giờ, cứ sau mùa đông băng giá, vào giữa Xuân, khi trời ấm lại, từ 12 đến 1 giờ trưa ngày Chủ nhật hàng tuần, tại khu vườn hoa thẳng cổng chính công viên này, người ta lại tổ chức biểu diễn nhạc Sô-panh. Khán giả là tất cả những ai yêu âm nhạc, du khách mến mộ Sô-panh. Người biểu diễn là những nghệ sỹ tài danh, từng đạt giải cao trong các cuộc thi biểu diễn nhạc Sô-Panh quốc tế. Thuở ấy, Chủ nhật, Quang và Thảo vẫn hay dạo ở công viên này và bao giờ hai người cũng đến sớm, chiếm chiếc ghế cạnh gốc cây sồi già này, vừa khá kín đáo, vừa là vị trí thuởng thức buổi hoà nhạc tốt nhất. Có một lần, cũng rất tình cờ, anh và Thảo được thuởng thức một chương trình do nghệ sỹ Việt Nam Đặng Thái Sơn biểu diễn. Hôm đó, hai người xúc động trào nước mắt, lòng hạnh phúc và kiêu hãnh vô cùng khi thấy tiếng vỗ tay hoan hô cuồng nhiệt kéo dài như không muốn dứt của khán giả dành cho người nghệ sỹ tài ba đến từ Tổ quốc mình.
Con Vots lại dúi dúi đầu vào lòng anh, miệng vẫn kêu ư... ử... Thôi nào, Vots thân yêu. Tao cũng đang xúc động lắm đây. Nhưng bây giờ, chúng ta phải giữ trật tự để thuởng thức những bản nhạc, hay nói đúng hơn là không khí âm nhạc tuyệt vời mà đã bao năm mới được gặp lại. Mầy không thấy đó sao, xung quanh ta bây giờ đã chật kín. Hàng nghìn người đang hướng về người nghệ sỹ và chiếc đàn dương cầm đặt dưới chân bức tượng Sô-panh và cây bạch dương được cách điệu như bàn tay cua nghệ sỹ muốn vươn xa theo tiếng nhạc...
Tiếng xì xào lặng đần. Công viên trong một khoảng khắc chỉ còn tiếng lao xao của gió và lá. Quang thấy nhiều gia đình, có cả trẻ con nằm trên xe đẩy hoặc lững chững chơi quanh bố mẹ. Không hiểu khả năng thuởng thức âm nhạc của những đứa bé đó như thế nào nhưng rõ ràng chúng ý thức được không khí tôn nghiêm nơi đây, không hề có một tiếng khóc hay một tiếng ồn nào. Đến cả những con chó, nhiều loại, nhiều màu, chúng cũng chỉ phủ phục bên cạnh chủ. Chợt Quang thấy một chú Phoóc, có lẽ không chịu nổi cảnh gò bó, nhẹ nhàng bò chui qua mấy hàng ghế rồi nhảy phóc ra khu vực bên ngoài.
Sau lời giới thiệu của người tổ chức, người nghệ sỹ dương cầm mặc trang phục cổ điển với chiếc nơ đen trên cổ và áo khác đuôi tôm cúi chào khán giả và ngồi vào đàn. Buổi hoà nhạc bắt đầu. Công viên Oa-zien-ki bỗng trở nên mờ ảo, chập chờn trong tiếng đàn. Nhìn người nghệ sỹ gập người, chao lượn trên mặt đàn, Quang có cảm giác như không phải người nghệ sỹ điều khiển cây đàn mà chính tiếng đàn đang điều khiển ông. Và không chỉ riêng ông ta mà điều khiển hàng trăm, hàng nghìn khán giả cũng lắc lư theo tiếng đàn... Có lúc, mọi người bỗng lặng im khi tiếng đàn vút lên cao... lên rất cao rồi bỗng oà ra... vỡ tung...
Bản nhạc thứ nhất kết thúc. Người nghệ sỹ vẫn ngồi lặng trước cây đàn tựa như tâm hồn vẫn đang bị cuốn theo bản nhạc. Cả không gian cũng lặng đi chốc lát rồi tiếng vỗ tay bỗng rộ lên, to dần, to dần và vang lên mãi... Quang cũng đứng dậy theo mọi người, vỗ tay cho đến khi bản nhạc thứ hai bắt đầu. Vẫn là một khúc nhạc buồn của Sô-panh sáng tác trong những năm phiêu bạt, xa quê, nhưng anh không nhớ được tựa đề của nó. Hình như bản Từ biệt nỗi buồn thì phải. Tiếng đàn dương cầm rung lên, dội mãi vào lòng Quang nỗi buồn da diết. Và có lúc, tiếng đàn cứ trôi bồng bềnh... bồng bènh rồi lắng lại, làm cho Quang rơi vào một trạng thái chơi vơi rất khó tả. Hình như là sự cô đơn... Phải rồi! Đó là sự cô đơn... Sự cô đơn đến tận cùng giữa đất khách quê người...
Có lẽ cuộc đời đầy bi kịch của nhạc sỹ thiên tài đã tạo cho ông sáng tác ra những bản nhạc buồn, chứa đựng nỗi niềm của người con xa xứ. Ông ra đi khỏi khu làng nhỏ ngoại ô Vác-sa-va khi mới bước vào tuổi thanh niên, nhưng đâu ngờ không bao giờ còn được trở lại với quê hương yêu dấu của mình. Mười tám năm lưu lạc xứ người là quãng thời gian quê ông phải chìm trong cảnh loạn lạc, binh đao, không cho ông trở lại. Nổi buồn xa quê, nhớ quê ông đã gửi vào những bản nhạc bất hủ, gửi về quê hương. Và sau này, theo lời nhắc gửi của ông trước khi qua đời trên đất Pháp, bà con quê hương ông đã đón trái tim ông về và đặt vĩnh viễn trong Nhà thờ “Cây thánh giá” giữa thành cổ Vác-sa-va... Chợt liên tưởng đến hoàn cảnh của mình, Quang bỗng thấy anh cũng có những cái trùng lặp với Sô-panh. Anh cũng rời xa quê cùng vào tuổi của ông ta, và cũng đã mười tám năm chưa được trở về quê nhà. Vậy mà mình... Quang bỗng thấy chạnh lòng... Nhưng rồi ngay lập tức anh đuổi được ý nghĩ đó ra khỏi đầu và bật cười, tự giễu mình: “Rõ vớ vẩn, mày đã là gì mà lại dám đi so sánh với một vĩ nhân...”
Lại một bản nhạc khác, vẫn là giai điệu buồn muôn thủơ của Sô-panh làm Quang bỗng thấy bồi hồi, day dứt. Tiếng đàn như riết sâu mãi vào những kỷ niệm vui buồn thủơ xa xưa ấy... Bất giác, anh thở dài, ước gì có Thảo cùng thuởng thức với anh.
Cũng trên chiếc ghế này đây, hơn mười lăm năm trước, Thảo đã dứt anh, dứt mối tình đầu để dấn thân vào cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Hai người gặp nhau và đến với nhau thật hồn nhiên, tươi trẻ, cũng từ những buổi dạo công viên Oa- zien -ki này đây. Hồi đó, trông Thảo mảnh mai, “thân liễu đào tơ” lắm. Quang không thể tưởng tượng nổi, sau này chính Thảo lại là người chịu bươn chải, dám chấp nhận những thử thách nguy hiểm. Còn anh, khi Ba Lan thay đổi thể chế chính trị, cuộc sống đang yên lành bỗng đảo tung lên làm cho anh hoang mang, hụt hẫng. Lúc bấy giờ, hầu hết lưu học sinh người Việt Nam thích ứng rất nhanh, vừa học vừa xoay sang buôn bán, không những đủ tiền ăn học mà nhiều người giàu sụ lên. Riêng Quang, anh như con bò ngơ ngác trong những biến đổi đến chóng mặt của xã hội Ba Lan lúc bấy giờ. Ngoài trang sách, những thí nghiệm, công thức, anh gần như không thể làm được gì hơn. Thảo cũng gắng hết sức để Quang hoà vào cuộc sống với mọi người nhưng cũng phải bất lực. Hai người lâm vào cảnh khốn khó giữa xứ người. Rồi một hôm, Thảo bàn với Quang, theo chúng bạn trốn sang Đức, vào trại tỵ nạn một thời gian rồi sẽ tiếp tục chuyện học tập sau. Quang không thể chịu nổi khi nghĩ mình bỗng dưng thành người sống bất hợp pháp. Thuyết phục không được, Thảo đành bỏ anh, theo một nhóm bạn, vượt biên sang Đức tỵ nạn.
Thảo đi rồi, Quang mới thực sự cảm nhận được cô đối với anh cần thiết biết chừng nào. Mất nửa năm, Quang lao đao, học hành cũng chẳng nên, mà cuộc sống ngày một bế tắc. Đúng lúc đang tập tành theo chúng bạn đi buôn, thì Quang nhận được thư của Thảo. Thì ra, Thảo yêu anh hơn anh tưởng. Cô đã làm mọi cách để bố trí cho anh sang với cô theo một đường dây đưa người sang Đức. Quang vừa mừng, vừa run, nhưng anh không còn sự lựa chọn nào khác.
Trước ngày xa Ba Lan, Quang lại một mình ra công viên Oa-zien-khi. Đó là một ngày định mệnh của đời anh. Hôm đó cũng có hoà nhạc Sô-panh, nhưng anh như kẻ mất hồn, đầu óc chỉ luẩn quẩn với chuyến vượt biên sắp tới. Buổi hoà nhạc tan lúc nào, anh cũng không để ý, cho đến lúc công viên đã trở nên vắng vẻ, Quang mới lững thững rời khỏi ghế, chuẩn bị về.
  Chợt một giọng yếu ớt từ chiếc ghế bên cạnh: “Cậu thanh niên... tôi... tôi...”. Đó là một bà cụ già đang run rẩy ôm con chó khá to, lông màu vàng như tơ. Ngỡ bà cụ gọi ai đó, anh nhìn quanh, không thấy ai ở gần, bèn đến với bà. “Bà gọi... cháu ạ?” Bà cụ gật đầu, phủi chiếc lá vàng trên ghế, mời anh ngồi. Có chuyện gì đây? Quang dò xét rồi ngồi xuống bên cạnh. Anh để ý thấy con chó, hai mắt đen láy đang nhìn anh đau đáu, miệng khẽ rên hư hử... Bà cụ chưa già lắm, nhưng trông thật tiều tuỵ. Vừa vuốt vào đầu, vào cổ con chó, bà vừa thì thào. Cậu ơi... tôi sắp... chết rồi.
- Sao ạ? Bà bị bệnh gì? Quang hỏi lại.
- “Tôi…” - bà cụ dừng một lát, lấy khăn tay nhỏ chậm chậm vào đôi mắt sâu, màu lam đùng đục đang dàn dụa nước mắt. “Dạ… Xin bà bình tĩnh ạ”. Quang linh cảm một điều gì đó rất hệ trọng mà bà cụ sắp nói với mình. Con chó vàng bỗng dúi dúi đầu vào lòng bà, miệng cũng ư ử, hai mắt nó cũng như chủ, ươn ướt, hết nhìn vào mặt Quang như dò xét, lại nhìn vào bà cụ, vẻ cầu cứu.
-“Tôi sắp chết rồi”. Bà cụ nhắc lại, nhưng lần này không còn thều thào, run rẩy như lúc nãy. “Và… con Vots này sẽ phải mồ côi, sẽ thành chó hoang… Cứ nghĩ đến điều đó, tôi không nhắm mắt nổi”. “Thế ư? Bà có thể nhờ người thân”. Bà cụ gượng cười, một kiểu cười chua xót, mỉa mai - Tôi không còn ai thân thích. “Hai con tôi ư? - Bà nén lại để lấy hơi rồi nghẹn ngào - một thằng sợ liên luỵ cộng sản nên đã từ tôi, đang tranh cử ở vùng phía Bắc. Một thằng khác đang ở Mỹ, đã mấy năm rồi không có tin tức gì…”. Rồi bà lại nấc lên. “Thưa…Bà hãy bình tĩnh…”. Quang an ủi. Vâng. Bà cụ lại chấm nước mắt, rồi vuốt vuốt lên lưng con chó - “Cậu ơi…Có lẽ tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa, nên muốn nhờ cậu hãy thương tôi, thương con Vots này, thay tôi nuôi nó…”.
Quá bất ngờ, Quang không kịp phản ứng. Bà cụ lại tiếp, giọng ra chiều tin tưởng - “Cậu mà nuôi nó, tôi mừng lắm. Nó tốt lắm… tốt nhất trên đời này… Rồi cậu sẽ được Chúa phù hộ, sẽ gặp nhiều may mắn. Đã mấy tuần nay, hôm nào tôi cũng ra đây, tìm người thay tôi nuôi Vots… Bây giờ tôi gặp cậu… tôi yên tâm lắm…”. Rồi bà cụ còn nói gì đó, tiếng chỉ còn thì thào rồi bỗng gục đầu vào thành ghế, lịm đi. Con chó rít lên ư ử, hai chân trước cào cào vào tay bà chủ. Quang hoảng quá, dáo dác tìm một ai đó đến giúp thì bà cụ tỉnh lại - “Khô…ô…ng sao đâu. Thôi cậu hãy đưa con Vots này đi. À… - Bà cụ run rẩy lục trong túi áo khoác cũ kỹ và nhàu nát, đưa cho Quang bọc giấy ni lông xanh - Đây là giấy tờ của Vots… Cậu giữ lấy…”. Bà lại lập cập lấy dây xích nhỏ, cài một đầu vào vòng tròng trên cổ con chó, rồi đưa sợi xích cho Quang. Đến lúc này thì con chó mới thực sự hiểu được tình cảnh của mình, nhảy lên dụi đầu vào lòng bà cụ, miệng tru lên những tiếng vừa man rợ, vừa buồn thảm, làm Quang rủn cả người. Bà già run run tay ôm lấy đầu con chó, ấp vào lòng mình và thì thào gì đó với nó một chốc rồi đứng dậy, cố ra vẻ kiên quyết, chống gậy trệu trạo bước đi, không ngoái lại. Dẫu nhìn từ phía sau, Quang vẫn biết bà cụ đang vô cùng đau khổ, hai vai rung lên. Hình như bà cụ đang khóc… Con chó kéo căng sợi xích, lôi Quang theo bà cụ ra đến bến xe buýt trước cổng công viên. Nhưng Quang biết, nó thực sự hiểu hoàn cảnh của mình, dẫu buồn vì vĩnh biệt chủ cũ, nhưng nó vẫn theo sự điều khiển của Quang.
Đêm hôm đó, con Vots hầu như không ngủ được. Quang cũng không ngủ được. Phần vì phải chuẩn bị cho chuyến đi, phần cùng mấy đứa bạn bàn tính xử lý ra sao với con chó này. Lúc bấy giờ, Vots thực sự là của “nợ”, là sự vướng víu cho cuộc hành trình bất đắc dĩ của Quang. Hay là cứ thả nó ra làm bạn với lũ chó hoang đang đang chạy lông nhông khắp đường phố Vác-sa-va lúc bấy giờ (?). Không nỡ nào. Cứ nghĩ đến hình ảnh bà cụ Quang lại phải xua ngay ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Đã thế, trời vừa sáng, con Vots lại cứ đòi ra khỏi nhà. Quang đưa nó ra ngoài trời và lại đành phải theo nó ra công viên Oa-zien-ki. Công viên buổi sáng vắng ngắt. Nó lại lôi anh ra bến xe buýt, nơi chiều hôm trước bà cụ đợi xe về nhà. Rồi như một cái máy, Quang theo con chó lên một chiếc xe buýt, chạy được mấy bến anh lại theo nó xuống và vào một khu nhà tập thể cũ kỹ, tồi tàn. Dẫn anh đến trước một căn hộ, con chó mừng lắm, chồm người lên cửa, sủa mấy tiếng khàn đục. Quang biết đó là căn hộ quen thuộc của chủ cũ, nhưng cửa khoá ngoài. Một người hàng xóm cho biết, đêm qua, bà cụ đã phải vào bệnh viện cấp cứu, chắc là khó qua khỏi…
Hôm sau, Quang cùng một người bạn và Vots bắt đầu chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm, vượt biên sang Đức theo đường dây mà Thảo đã chuẩn bị. Có lẽ cuộc đời Quang chưa bao giờ cảm thấy nhục nhã và căng thẳng như thế. Nhất là lúc chuẩn bị qua biên giới, Quang và người bạn phải chui vào cốp xe con để tránh sự kiểm soát của công an biên phòng. Người lái xe - cũng là thành viên trong đương dây đưa người sang Đức, nhìn con Vots, nói với Quang:
- Đành phải chia tay với con chó quý của anh ở đây thôi - Tình huống bất ngờ, Quang chỉ còn biết khẩn khoản xin cho Vots đi cùng. Người lái xe vẫn kiên quyết - Nếu cậu không chịu đành ở lại cùng chó vậy
- Nhưng... nhưng tại sao chó lại không đi được. Người còn...
Quang chưa hết lời, người lái xe bật cười:
- Người còn biết chui vào cốp xe, chứ cho con chó của anh vào cốp, lúc biên phòng họ chặn xe, nó gây ra tiếng động thì sao?
Người lái xe nói rồi nhún vai, vẻ kiên quyết, ra hiệu cho người bạn đi cùng anh chui vào cốp xe. Trong giây phút tuyệt vọng đó, Quang chợt nhớ tới hồ sơ của con Vots, vội đưa cho người lái xe. Anh ta xem kỹ, vẻ hài lòng rồi ra hiệu cho Vots nhảy vào trong xe, ngồi chễm chệ hàng ghế đầu với anh ta. Còn anh phải chui vào cốp, nằm ép vào sát người bạn đường. Trong tư thế co quắp, hai người nằm như nêm trong cốp, không được trở ngườì suốt mấy giờ liền. Nhất là những lúc xe phải dừng lại cho công an biên phòng, thần kinh anh căng ra như dây đàn. Thật khủng khiếp. Nhưng lạy Chúa lòng thành, mọi cái rồi cũng qua. Họ cũng đến nơi cần phải đến. Thảo đón Quang, chưa kịp mừng đã phải kinh ngạc và nổi cáu khi thấy anh đưa thêm một con chó cùng tỵ nạn. Thật ra, Thảo cũng rất yêu vật nuôi, nhất là chó. Khốn nỗi là ở Đức, trại tỵ nạn không chấp nhận cho đem chó vào. Thật đúng là bỏ thì thương, vương thì tội.
- Anh… anh kiên quyết không bỏ con chó này thật à?
Sau một hồi thuyết phục không được, Thảo không còn giữ được bính tĩnh, hỏi Quang:
- Vậy thì anh chọn đi. Em hay là con chó của anh?
Thảo nói như muốn khóc.
- Anh cần có em nhưng không nỡ… Hay là em thử thuyết phục ông quản trại một lần nữa xem.
Quang khẩn khoản.
- Trời ơi...người ta cho mình tỵ nạn là tốt lắm rồi, chứ sao lại cho cả chó nữa...
Thảo đã tỏ ra bất lực, bật khóc. Thôi, đành phải từ giã chú mày thôi Vots ơi... Tớ có tội với bà chủ của mày, có tội với mày... Quang quỳ xuống, ôm cổ con Vots, thì thào. Hãy tha lỗi cho tớ nhé. Nào tớ có muốn thế này đâu... Bây giờ thì con Vots hiểu cái gì sắp xẩy ra với nó rồi. Từ lúc Quang đang làm thủ tục nhập trại, Vots thấy người quản trại cứ nhìn nó bằng con mắt đầy vẻ ái ngại, làm nó sợ. Rồi cậu chủ và người bạn gái của cậu ta nói gì đó rất căng thẳng, hẳn là liên quan đến sự có mặt của nó, đã làm Vots lo thon thót.
“Cậu định bỏ con chó thật hả?” - Một giọng hỏi chắc nịch bằng tiếng Anh bỗng vang lên. Vâng! Người quản trại trả lời thay cho Quang. Cậu ta muốn nhập trại tỵ nạn nhưng lại không muốn bỏ rơi con chó. Kể cũng tội...
Đó là ông ông giám đốc trại tỵ nạn. Ông ta xuống kiểm tra số tỵ nạn mới nhập trại, tình cờ chứng kiến chuyện của Quang với Thảo và con Vots từ nãy giờ.
Ông ngồi xuống cạnh Quang, hai mắt đăm đắm vào con chó. Một lát sau, ông ta lẩm bẩm, tuyệt... thật là tuyệt...
- Con chó này cậu nuôi lâu chưa?
Ông ta hỏi Quang. Quang đưa hồ sơ của con Vots và kể vắn tắt bằng tiếng Anh cho vị giám đốc nghe việc mình gặp bà chủ cũ và phải nhận nuôi nó như thế nào. Vị giám đốc nghe rất chăm chú rồi đọc kỹ hồ sơ của con Vots. Ông ta suy nghĩ một lát rồi dứt khoát:
- Tôi rất thông cảm với cậu và “mê” con chó này lắm. Nhưng tôi không thể. Nguyên tắc là nguyên tắc. Nhưng thôi, tôi sẽ có cách giúp cô cậu và con chó đáng yêu này.
Hôm đó, ông giám đốc đưa Vots về nhà ông ta. Quang cùng đến. Và anh thực sự yên tâm khi thấy ông chủ trại có cả một đàn chó với rất nhiều chủng loại, giống nòi, mà con nào cũng quấn quýt, tỏ ra yêu quý ông lắm. Duy chỉ có một con đã già lắm, lông rụng gần hết, đang nằm thở khó nhọc trên một tấm nệm. Ông vuốt ve nó, nói với Quang, đây là con chó ở với ông lâu nhất, bây giờ nó đã quá già, chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa. Ông bảo rằng, Quang và Thảo cứ ở trong trại tỵ nạn của ông một thời gian, ông sẽ liên hệ với người bạn là giám đốc một trại tỵ nạn ở Ca-na-da, rồi cho cả ba sang đấy. Ở đấy, người tỵ nạn được đem cả chó vào trại.
Ông giám đốc trại tỵ nạn tốt bụng không để Quang và Thảo phải chờ lâu, mấy tháng sau, họ đã cùng con Vots được ông ta bảo lãnh, gửi sang Ca-na-da như đã hứa. Rồi từ đó, cuộc đời của Quang, Thảo bắt đầu một giai điệu đẹp. Và con Vosts luôn cạnh họ, như một nhân vật thân thiết nhất trong gia đình... Càng ngày, Quang càng phải công nhận Vots không những là một con vật trung thành, khôn ngoan mà nó còn luôn đưa đến cho gia đình anh rất nhiều may mắn. Đúng như lời bà chủ cũ khi giao Vots cho anh...
Và bây giờ, Quang đã là một nhà vật lý như mơ ước, công trình anh đang nghiên cứu sẽ còn chắp cánh cho anh bay xa trên con đường khoa học. Còn Thảo, không trở thành người nghệ sỹ mà thành một bà chủ Nhà hàng Châu Á nổi tiếng ở
Ốt-ta-oa rồi. Nhưng hình như càng thành đạt, càng làm được nhiều tiền thì thời gian với họ càng trở nên quý báu, hiếm hoi thì phải. Chẳng vậy mà sắp xếp, lựa mãi Quang mới có chuyến về thăm quê này. Thảo đang “mùa làm ăn” và phải lo cho hai thằng con học hành, sẽ về sau. Vả lại, chuyến này, Quang muốn ghé lại Vác-sa-va, thăm bạn bè thuở hàn vi và cũng muốn có dịp cho con Vots được trở lại Ba Lan một lần cuối. Anh hiểu, nó đã già lắm, chắc cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa...
Buổi hoà nhạc Sô-panh đã tan. Quang và Vots theo dòng người ra cổng chính. Mới hơn một giờ trưa. Quang đang chưa biết nên trở về khách sạn hay liên lạc với đám bạn thì con Vots bỗng tỏ ra nhanh nhẹn, hăm hở chạy đến bến xe buýt. Chẳng lẽ nó vẫn nhớ chuyến xe ngày xưa với bà chủ cũ của nó ư? Quang không tin, nhưng anh vẫn chiều theo ý nó. Vác-sa-va có nhiều xe buýt mới, trông sang trọng, lịch sự hơn thuở xưa, nhưng màu sơn, số xe, các tuyến xe vẫn không hề thay đổi. Tuy nhiên, con Vots đã không nhận ra được số xe ngày nào nó và người chủ cũ vẫn hay đi từ nhà ra Oa-zien-ki. Nó đã tỏ ra sốt ruột, chuyến xe nào ghé vào bến nó cũng hít hà, đánh mùi rồi thẫn thờ ngồi nhìn Quang. Thật tội nghiệp. Vots thân yêu, tài đánh hơi nhớ đường hẳn không giúp mày tìm được đường về nhà chủ cũ rồi. Bao nhiêu năm rồi còn gì, những chiếc xe thuở ấy, bây giờ hẳn không còn cái nào còn lưu hành nữa. Giá hồi ấy, khi theo Vots về thăm bà cụ lần cuối cùng, anh để ý số xe, số bến, bây giờ có thể lần ra. Sau gần một giờ tại bến xe, con Vots đã hoàn toàn bất lực. Quang dẫn Vots đến bến xe tắc xi bên cạnh. Nhưng nó không chịu, cứ ép vào người Quang, mắt nhìn anh vẻ cầu khẩn. Rồi chẳng đợi Quang đồng ý, nó cứ đi bộ dọc theo con đường lớn, hướng về đại lộ Sô-biêc-xki. Vots! Quang lắc đầu. Làm sao có thể tìm vu vơ được nhà bà chủ của mày. Mà bà ấy chắc là đã chết lâu rồi. Không hiểu con Vots có hiểu được ý nghĩ của Quang không, nhưng nó vẫn lon ton chạy trước. Chốc chốc đứng lại hít hà đánh hơi và chờ anh. Thôi, đành chiều mày vậy. Gần hết cuộc đời mày mới được trở lại thăm quê, và chắc gì đã có chuyến tiếp theo. Nghĩ vậy, Quang cứ lẳng lặng bước theo con chó. Và Quang thực sự kinh ngạc khi chính con Vots đã đưa anh lần theo con đường gần hai cây số rồi rẽ vào một khu tập thể mới cải tạo lại, khá khang trang, đẹp mắt. Không có lẽ, đây là nơi ở cũ của con Vots với bà chủ của nó sao. Quang cố nhớ lại nhưng đành chịu. Thôi được, tao tin mày, tin ở tài đánh hơi của mày, tin ở tình cảm son sắc mà loài người cũng hiếm có ai được như mày. Ừ..mà biết đâu, thủơ ấy, có thể có những lần bà cụ cùng mày đi bộ từ nhà ra công viien Oa-zien-ki? Mà chỉ cần một lần như thế, thì những con chó khôn ngoan như mày sẽ tìm lại được.
Cho đến khi con Vots dẫn Quang vào chân cầu thang một nhà cao tầng, đứng trước một căn hộ, dù mới sửa sang nhưng vẫn không lấp hết dấu vết cũ, anh mới thực sự tin đó là căn hộ của bà cụ nuôi Vots năm xưa. Cả anh và Vots cùng hồi hộp sau mấy lần bấm chuông. Đón tiếp anh là một người trung niên, tự giới thiệu là người con trai của bà chủ cũ của Vots. Qua đôi ba câu chuyện xã giao, gượng gạo, anh được biết, ông ta đã quá mệt mỏi với những cuộc chạy đua chính trị. Sau lần thất bại nặng nề của đảng mình, ông ta cùng gia đình chuyền từ Gdan’sk về đây. Dẫu vậy, con Vots vẫn được chủ nhà cho phép vào thăm các phòng trong căn hộ. Mãi nói chuyện với chủ nhà, Quang không để ý đến Vots, nhưng lúc ra về, nó bần thần, xúc động lắm. Theo yêu cầu của anh, chủ nhà đưa cho anh sơ đồ tìm ngôi mộ của bà cụ.
Quang gọi tắc xi, cùng Vots xuống nghĩa trang Xmen-tar Voi-xki. Đây là nghĩa trang đẹp nhất Vác-sa-va, nơi an nghỉ của hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia Ba Lan, các tướng lĩnh, hàng vạn chiến sỹ vô danh đã chết trong các cuộc chiến tranh trước đây. Nghĩa trang có từ nhiều thế kỷ trước. Ở đây không phân biệt giàu nghèo, sang hèn mà các ngôi mộ được chôn cất theo các lô đất của từng dòng họ, đại gia tộc từ trước. Có lẽ vì thế mà bà cụ được an nghỉ ở đây.
Hồi đang học tại Vác-sa-va, Quang cũng đã đến nghĩa trang này vài lần, chủ yếu là vào ngày Mồng một tháng Mười một, ngày “Thần Thánh” (°), giống như ngày “xá tội vong nhân”- Rằm tháng Bảy ở Việt Nam, để viếng mộ mấy người Việt Nam xấu số chôn cất ở đây. Hồi ấy so với bây giờ, nghĩa trang gần như không thay đổi. Đã tầm chiều, màu vàng mùa thu trong nghĩa trang đang xuộm lại, thấp thoáng những ngọn nến ẩn hiện trong các dãy mộ, trông mờ ảo, lung linh, đẹp như một công viên. Xen trong những hàng cây, bên những con đường rộng, thẳng là những hàng mộ xây đa dạng, nhiều kiểu cách nhưng nhất nhất đều theo quy hoạch, chẳng rõ từ đời nào, trông thật đẹp và hiền lành. Đi trong nghĩa trang nhưng hoàn toàn không có cảm giác lạnh lẽo, sợ hãi mà có cái gì đó thật trầm tĩnh và buồn. Không ít mộ người ta xây thêm ghế nhỏ bên cạnh, không phải để cho người chết mà để cho những người đang sống ngồi tâm sự với người dưới mộ. Quang thấy đây đó, những bóng người đang ngồi như chết lặng bên những ngoâi mộ. Nhiều nhất là những bà cụ già, chắc là đang tâm tình với cụ ông...
Mộ bà cụ nằm ngoài rìa dãy mộ của những người cùng dòng họ. Mộ mới chỉ được kè đá xung quanh, chưa được xây cất công phu như những mộ xung quanh nên trông thật lẻ loi. Tấm hình trong kính, gắn dưới cây thánh giá cũng đã úa vàng. Nhìn ảnh, Quang không hình dung nổi đó là người chủ cũ của con Vots. Có thể vì khuôn mặt trong ảnh trẻ và trông béo tốt hơn khi anh gặp. Anh không hiểu qua tấm ảnh hay hơi của người dưới mộ lẩn quất đâu đây mà con Vots nhận ra người chủ cũ. Nó không rít lên như mỗi khi xúc động, chỉ đi vòng quanh ngôi mộ để ngửi, để nhìn đăm đắm từng hòn đá, từ bát nến lâu ngày bám bịu bặm, bẩn thỉu. Quang dọn dẹp, quét mớ là úa vàng từng lớp dày trên mộ và thắp nến. Anh thầm khấn với người dưới mộ, rằng anh đã cưu mang con Vots như ý nguyện của bà. Anh cũng cảm ơn bà đã ban cho anh một con vật vừa tình nghĩa vừa mang nhiều vận may cho đời anh. Kìa... Vots, hãy tâm tình với người chủ của mày đi... Vots ngước nhìn Quang với cái nhìn khác thường, hình như ẩn chứa sự biết ơn và thành kính - Quang cảm thấy như vậy, rồi nó run rẩy bò lên nằm áp người trên ngôi mộ, đầu gác sát vào tấm ảnh dưới cây thánh giá. Chẳng hiểu nó nghĩ gì, tâm tình gì với người dưới mộ mà mắt lim dim, nằm im rất lâu như thế...
Vẫn biết rằng chó là loài vật vô cùng khôn ngoan và trung thành, tận tuỵ với chủ nuôi, nhưng Quang không ngờ Vots lại nặng tình, nặng nghĩa với người chủ cũ như vậy. Thế ra, mười lăm năm qua, nó luôn bên anh với bao thăng trầm, lúc cơ hàn, nhục nhã, lúc vui sướng, vinh quang nhưng con Vots chưa bao giờ quên người chủ cũ. Không hiểu có phải con chó nào cũng như vậy hay chỉ có con Vots này thôi nhỉ? Chắc cũng giống như người, đâu phải ai cũng như ai... Chẳng hiểu sao, Quang bỗng thấy nao nao buồn. Một đợt gió lạnh ào tới làm anh rùng mình. Cả nghĩa trang xào xạo tiếng lá khô. Một chiếc lá bay bay trong gió, chao qua, chao lại trước mặt anh rồi nhẹ nhàng rơi xuống cạnh con Vots. Đó là chiếc lá phong, mỏng tang, thẫm đỏ như pha máu, có năm cánh giống như một bàn tay người, đang cố xoè ra, bám vào nấm mộ. Một chiếc lá khác cũng đậu nhẹ nhàng lên vai anh. Lại mấy chiếc là nữa... Anh ngước lên, rất nhiều chiếc lá như thế đang quay, múa trên không trung trước khi rơi xuống đất. Bây giờ anh mới để ý, đầu hàng mộ là một cây phong cổ thụ đang trong mùa thay lá...
Nến đã cháy gần hết, Quang vỗ nhẹ vào lưng Vots. Con chó sực tỉnh, uể oải đứng dậy, bước theo Quang ra khỏi nghĩa trang. Trời đang chuyển tối, bỗng trở nên huyền ảo trong ánh điện vàng vọt từ các vòm lá trên cao và những ngọn nến chợp chờn hắt lên từ những ngôi mộ. Cả hai cùng im lặng bước. Xung quanh họ vẫn xào xạc những chiếc lá bay bay...
Vác-sa-va, ngày 5.11.2004
T.C.T
(°) Ngày Thần Thánh - Cũng như nhiều nước khác ở Châu Âu, người Ba Lan ngoài tên gọi theo khai sinh còn được đặt tên thánh. Quan niệm của họ, khi chết, con người lại trở về với với tên thánh của mình (T.G)

Xem Tiếp: ----