Hồ Tây - một cái hồ tự nhiên lớn nhất đất kinh kỳ Hà Nội, vốn lắm huyền thoại cổ, thật hư như làn sương mỏng trắng đục lúc ẩn lúc hiện ở mặt nước. Ngày trước, hồ Tây còn rộng và hoang sơ hơn bây giờ nhiều. Sóng nước hồ Tây đêm ngày ì oạp vỗ vào bờ đất, nhiều chỗ bị lở sạt. Lau lách, năn lác mọc um tùm, rau muống dại kết thành bè thành mảng xanh sẫm, nở hoa tím trắng. Mòng két, vịt trời, le le làm tổ kêu rộn rã cả trời chiều và tiếng cuốc kêu trưa hè nghe khắc khoải đến xót lòng.
Chim Sâm cầm bay về đậu trên cành cây, ngọn tre, mặt hồ. Giống chim bay lượn, nhưng lại mò mẫm được dưới thì Sâm cầm là một trong các loài đẹp nhất. Lông đầu và Sâm cầm màu đen, thỉnh thoảng có con đầu cổ đen nhưng nhức, lông lưng và bụng lại màu xám. Hai chân màu lục ánh chì, có bốn ngón. Quý nhất là chim Sâm cầm lông đầu đỏ. Cả đàn hàng ngàn con lông đầu đen mới có một con lông đầu đỏ. Ngày xưa, tiến vua không phải năm nào cũng có Sâm cầm lông đầu đỏ. Quý người nên Sâm cầm bơi lội nhởn nhơ quanh thuyền nghiêng ngó nhìn họ đánh dậm, mò ốc hoặc vùng vẫy ngay trước mũi thuyền đánh cá, có con táo tợn còn nhảy lên thuyền mổ trộm cá tôm. Dân thuyền chài đánh cá chỉ lấy tay xua đuổi uầy… uầy cho nó bay đi, nhưng một lúc lại có con khác trèo lên vênh mỏ nhìn. Người hiền lành như chim và chim cũng lành hiền như người.
Hắn còn nhớ, khi người ta bắt đầu đóng cọc đổ đất xuống hồ cạp đất, cơi nới nhà cửa thì hồ động. Động hồ diễn ra cùng lúc với động phố, động làng. Hà Nội bước vào thời mở cửa - thời của kinh tế thị trường, khi nhà nhà nhoai ra mặt đường thì cũng là lúc người ta bổ ra mặt hồ. Chu vi hồ càng co lại, mặt hồ hẹp đi thì nhà cao tầng của tư nhân mọc lên càng nhiều cùng với đủ loại kiến trúc hình khối, vòm, cong… Lác đác có các khối nhà cao hàng chục tầng đội tầng xanh nhô lên. Lối ngõ vào nhà hắn ra hồ, nhà cao tầng chen nhau đội mây khiến cái ngõ thành ống cống, ngửa mặt mãi chẳng thấy trời xanh đâu. Và nhiều nhà mở cửa hàng đặc sản: chuyên ốc nhồi, ba ba, cá quả… Khách hàng khắp nơi lũ lượt kéo đến, ngõ phố ồn ào, náo động từ sáng sớm đến lúc nửa đêm.
Mùa đông năm ấy, Sâm cầm về nhiều. Chúng vẫn vùng vẫy bơi lặn kiếm thức ăn và nô đùa với người dân trên mặt hồ như mùa di trú năm trước. Nhưng chúng không hề biết có một tai họa đang rình rập bên cạnh. Người mang tai họa đến đầu tiên cho đàn Sâm cầm là lão chủ quán tai chuột bên cạnh nhà hắn. Phải nói là lão ta đã nghĩ ra một việc mà từ trước đến nay chưa ai làm là chiêu khách bằng món đặc sản sâm cầm. Khách hàng ùn ùn kéo tới, ai cũng khen ăn sâm cầm ngon. Mà ngon thật. Thịt sâm cầm mềm, màu đỏ tươi, có thể quay, rán nhưng kẹp vào cặp chả nướng than hoa là thơm phức, ngon và bổ hơn cả…
Hàng ngày, cha hắn chăm đọc sách nhiều hơn. Hình như ông muốn chạy trốn cái ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống hiện đại vào các trang sách cổ. Ông đem thư tịch cổ ra đọc lại đoạn người xưa nói về chim Sâm cầm.
… Thời xưa, ở một làng nhỏ bên xứ Cao Ly tự nhiên sinh ra một thứ bệnh lạ kỳ dân làng chết hàng loạt, không thứ thuốc nào chữa được. Có một lão thợ săn bệnh sắp chết mới nhớ ra có lần đi săn ở dãy núi Trường Bạch Sơn, nhìn thấy loài chim lạ đang bới gốc một loại cây thân cỏ mảnh mai rồi mổ ăn hết rễ. Ông đến gần, chúng vỗ cánh loạn xạ, bay vút đi mất. Ông đến gần, chúng vỗ cánh loạn xạ, bay vút đi mất. Ông bảo cô con gái duy nhất đi lấy loại cây ấy về với hy vọng ăn vào may ra khỏi. Nghe lời cha, cô gái leo lên núi Trường Bạch Sơn, nơi cha cô đã thấy loài chim lạ. Cô bắt gặp nhiều dấu chân chim, nhiều hố con con hơi sâu và nhiều cây bị ăn mất rễ đã héo quắt. Cô đào bới các cây ở bên cạnh và nhặt được một gùi đầy củ màu trắng ngà, mập mạp, có nhiều củ giống hình người. Cô mang về rửa, cắt lát cho cha ăn. Cha cô khỏi bệnh và khỏe mạnh như trước. Cô đem số củ còn lại chia cho tất cả mọi người trong làng. Họ ăn và tất cả cũng đều khỏi bệnh. Sau người ta mới biết giống thuốc quý ấy là củ nhân sâm. Loài chim lạ, mình chắc, khỏe vì chuyên ăn nhân sâm. Người ta gọi là chim Sâm cầm…
Cha hắn phàn nàn về sự đánh bắt chim vô tội vạ. Người ta bắt chúng bằng súng săn, súng cao su, lưới chụp… Cha hắn bảo: “Cha nhìn thấy cảnh đánh bắt Sâm cầm, cha đau lòng lắm”. Hắn chả thấy đau lòng và hắn đang tham gia vào đội quân săn bắt loại chim quý ấy. Hắn là một tay súng thiện xạ.
Hắn nhớ, hôm ấy chủ nhật không phải đến công sở, hắn chở thuyền đưa vợ đi chơi ở mặt hồ. Sáng, sương tan sớm. Nắng hửng hơn mọi ngày, hắn biểu diễn tài nghệ bắn sâm cầm. Vợ hắn ghìm chèo cho thuyền đứng im. Hắn giương súng săn ngắm: “Anh sẽ bắn vào đầu con vừa bay lên". Hắn vừa nói, vừa rê súng. Đoàng! Một chút khói xanh bay ra ở chỗ nạp đạn. Con chim sâm cầm rơi chõm xuống nước, nổi lập lờ. Hắn giành lấy tay chèo bơi thuyền tới. Con chim trúng đầu, máu loang hòa với nước thành một đám hồng hồng. Vợ hắn nôn thốc nôn tháo mật xanh mật vàng, mặt tái xanh. Hắn không biết lúc đó vợ hắn có thai hơn một tháng. Vợ cáu kỉnh và giận dỗi đòi về. Hắn phải thuận theo. Cuộc đi săn lẫn đi chơi hôm đó kết thúc ở nửa chừng. Hai vợ chồng neo thuyền về nhà, cha hắn đang hốt hoảng đi tìm thằng Công. Cha hắn thường gọi thằng Công là thằng Cò. Thằng Cò bị thọt chân từ bé. Bọn trẻ con cứ gọi là Cò thọt. Đã bảy tuổi rồi mà thằng Cò thọt vẫn không nói được. Bước đi thập thễnh. Nhiều lúc nhìn con tật nguyền, hắn buồn rơi nước mắt. Cha hắn thương thằng Cò vô cùng, có cái gì ăn được cũng đắp điếm dặp diệm cho nó. Thằng Cò vẫn hay làm cho cả nhà nhiều phen khiếp sợ vì nó cứ hay thập thễnh lỉnh đi chơi xa. Hai vợ chồng hắn chạy men theo ven bờ tìm, bắt gặp đứa con tật nguyền đang cùng mấy thằng bé đuôỉ theo còn cò lửa ở đám năn lác tốt lút đầu. Vợ hắn nhìn thương con đến quắt lòng.
Nhà hàng lão tai chuột càng đông khách, lão càng phải mua nhiều chim sâm cầm. Kinh tế khá lên, mức sống của người dân cũng lên theo, thêm nhiều người giàu. Người giàu thường hay sợ chết. Người giàu tuổi còn trẻ chết thì tiếc lắm, chết để vợ đẹp cho ai, tiền bạc của nả cho ai và chơi bời chưa được là bao. Người giàu càng nhiều tuổi chết lại càng tiếc hơn, tiếc vì thời gian hưởng thụ ngắn quá. Khi xã hội công nghiệp đã in dấu ấn lên đời sống dân Hà Nội thì số người giàu này càng giàu hơn; họ như một lớp người mới - một loại người mới vậy. Cho nên bồi bổ và kéo dài tuổi thọ là mục tiêu hàng đầu của các ông chủ mới phất. Sau khi hưởng thụ đủ cao lương mĩ vị, thuốc quý trên đời, họ lại tìm đến Sâm cầm. Chim Sâm cầm quý nhất ở đôi chân, đôi chân máu lục ánh chì. Chân Sâm cầm cắt rời ra rửa sạch, sấy khô rồi ngâm rượu đủ một trăm ngày hoặc càng lâu hơn càng tốt. Rượu ngâm tắc kè, bìm bịp cũng thua xa. Chính vì thế khách đến nhà hàng lão tai chuột không chỉ ẩm thực thịt sâm cầm mà còn uống rượu ngâm chân Sâm cầm, thậm chí có người còn đặt mua hàng chục đôi chân Sâm cầm mang về nhà tự ngâm rượu lấy. Ăn uống kiểu này chả mấy mà chim Sâm cầm tiệt nọc. Người săn bắt Sâm cầm cùng nhiều mà người ăn cũng lắm, càng ngày Sâm cầm hồ Tây càng thưa dần. Sâm cầm càng hiếm lại càng đắt và dĩ nhiên săn bắt cũng khó hơn.
Những cuộc săn bắn Sâm cầm đối với hắn không còn là thư giãn, là thú vui nữa mà là kiếm tiền. Một con Sâm cầm lúc khan hiếm bằng bốn, năm con lúc sẵn. Hắn lao vào cuộc săn bắn bất tận chỉ mong nhiều chim quý bán cho lão chủ quán tai chuột.
Cho đến một buổi chiều đông. Hắn lại xách súng săn đi lên thuyền. Vợ đi làm, cha hắn đi họp tổ hưu. Không có ai coi thằng Cò thọt, hắn đành phải đưa con đi theo. Chiều đông trầm buồn. Không có ánh mặt trời, sương vẫn giăng mù ở giữa mặt hồ. Tiếng người đánh dậm, mò ốc khao khao trong gió. Hắn để con ngồi ở lòng thuyền và chèo. Các loại chim nước vắng quá! Thỉnh thoảng mới có một vài con le le, vịt trời chỏng ngóc đít mò tép. Thằng Cò lần đầu được ngồi thuyền với bố thích quá, chốc chốc lại đứng nhỏm dậy thập thễnh, loay hoay trong lòng thuyền. Nó chỉ tay vào đám vịt trời thích chí kêu: khẹc… khẹc. Con thuyền nhỏ chòng chành, chòng chành. Hắn vỗ đầu con: "Ngồi xuống. Ngồi xuống con". Chèo thêm một đoạn nữa, hắn nhìn thấy mấy con Sâm cầm đang ngụp lặn. Mừng quá! Cứ tưởng chúng bay đi hết. Hắn lại càng mừng khi thấy một con chim Sâm cầm đầu đỏ. Hắn chèo thật nhẹ nhàng đến gần. Bắn con đầu đỏ trước và chỉ bắn bị thương bán cho lão Đồng mới được giá cao. Thấy động, đàn Sâm cầm vụt lên, hắn rê súng theo. Đoàng … Đoàng… Con đầu đỏ trúng đạn rơi xuống nước. Hắn chèo thuyền đến vớt, nhưng đến gần thò tay xuống bắt thì con đầu đỏ lại bơi xa, Hắn đã bắn gãy cánh nó, nhưng đôi chân còn nguyên. Cuộc rượt đuổi giữa hắn và con chim đầu đỏ rất ngoạn mục. Hắn quyết tâm bắt sống đến cùng. Con đầu đỏ vốn thường ăn nhân sâm nên rất khỏe, chỉ một chút xíu máu đã cầm. Nếu như con đầu đỏ không vướng cái cánh bị gãy sã thì đừng hòng đuổi theo. Hắn chèo nhanh gấp gáp dùng thuyền quần nhau với chim quý nên cũng thấm mệt. Thằng Cò có vẻ rất thích, không nói được, nó khéc… khéc kêu. Cuộc rượt đuổi vẫn tiếp tục. Thuyền đến gần, hắn thò tay chộp thì con đầu đỏ lại lặn xuống hoặc bơi xa. Cáu tiết hắn nhảy xuồm xuống nước vồ. Con đầu đỏ bơi loằng ngoằng trên mặt nước. Hắn chồm người vồ, con đầu đỏ ngụp xuống, nhìn rõ chân nó đang đạp nước, nhưng nó ngụp không được lâu lại ngoi lên vì một cánh tay gẫy. Cứ thế, hắn bơi đuổi theo ra gần giữa mặt hồ. Sương bay mù mịt. Cả người và con chim quý chìm trong sương.
Cuối cùng hắn cũng tóm được con sâm cầm đầu đỏ. Hắn ngoái lại nhìn thuyền, con hắn đang ở đó. Sương mù đã dày đặc. Hắn mất phương hướng hoàn toàn. Hắn không còn biết chiếc thuyền ở chỗ nào. Bị sương mù bao vây, đầu óc hắn mụ mẫm và tối tăm lại. Mặc, hắn ước lượng chỗ thuyền đỗ lúc nãy, hắn bơi đến. Càng bơi hắn càng mù mịt. Hắn bị lạc vào trận đồ bát quái sương giăng…
Gần tối, hắn dạt được vào bờ thì người mê man bất tỉnh luôn. Người ta thấy một tay hắn đã nắm chặt đôi chân con chim Sâm cầm đầu đỏ. Hai mắt con chim quý ứa máu tươi.
Sáng hôm sau, khi hắn tỉnh dậy, người ta cũng nhận ra cái thuyền của hắn dạt vào bờ. Thuyền đầy nước, bị mất bai chèo, không thấy thằng Cò, cũng chẳng thấy khẩu súng săn đâu…
Mùa đông năm sau. Mùa đông năm sau nữa. Chim Sâm cầm không về. Vịt trời, le le, mòng két bay đi đâu đó hết. Quán lão tai chuột đóng cửa im ỉm. Mặt hồ vắng, chỉ thấy gió hoang đuổi nhau trên mặt nước. Vợ hắn lặng câm như đi ra đi vào như cái bóng. Cứ chiều chiều, người ta lại thấy hắn đứng lặng nhìn ra mặt hồ…

*

Cái mùa đông chết tiệt ấy qua rồi. Lại mùa đông mới nữa đến.
Buổi chiều ráng đỏ ối. Nhìn xuống hồ, ốc nhiều lắm, có đám chà rào chi chít ốc bám. Rong, tảo nổi lên lờ đờ. Tép tôm búng nước. Mặt hồ Tây lặng phắc. Dân ven hồ nghiệm ra cứ trước lúc trời trở rét hồ lặng phắc và các sinh vật phù du nổi lên là chim Sâm cầm về.
Một tuần sau, thì chim Sâm cầm bay về di trú đông. Đầu tiên là những chấm đen xám trên bầu trời trắng đục. Các chấm đen xám to dần, to dần và bay láo nháo trên mặt hồ. Chúng chưa chịu đáp xuống mặt nước. Vợ hắn đi đón con trai ở nhà trẻ về, đứng ngẩn ngơ nhìn đàn Sâm cầm bay nhẩn nha, chao cánh. Bỗng một con vụt xuống mặt hồ, nước hồ chao sóng, nó lắc lắc cái đầu vẩy nước và ngoe nguẩy đuôi bơi. Hình như nó biểu hiện sự sung sướng và báo hiệu sự an toàn cho cả đàn. Thế là tới tấp đáp xuống mặt hồ. Chúng vùng vẫy, ngụp lặn sùng sục. Một lúc thì chúng tản ra, thưa dần.
Dân ven hồ Tây bảo nhau: Đã lâu lắm rồi, mùa đông năm nay chim Sâm cầm lại về./.
Sương Nguyệt Minh

Xem Tiếp: ----