Bạn nhỏ, Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi còn gọi em là “bạn nhỏ”. Nhiều chuyện đã đến. Nhiều điều đã qua đi, thay đổi. Em không còn nhỏ dại nữa. Tôi không còn là người bạn của em nữa.Vào một khoảng thời gian nào đó, chúng ta đã gặp nhau, thương yêu, và rồi xa cách, tan vỡ.Lần cuối cùng, chúng ta đã gặp gỡ tại một nơi chốn bất ngờ, không hẹn trước. Một thị trấn xa lạ đối với em và cả với tôi. Dầu nơi đó có núi, có biển, nhưng không phải là quê nhà của em, không phải là chốn thiết thân của tôi. Tôi bị đẩy đưa đến thành phố đó. Em một lần tình cờ ghé lại, trên con đường dài còn rất nhiều trạm đến của em.Em phải hít thở biết bao nhiêu bụi đỏ và mệt nhọc trên những con đường núi gập ghềnh nắng cháy, mới tìm thấy tôi.Buổi chiều, tôi đón chờ và nhìn thấy khuôn mặt em rám đen bơ phờ vì nắng bụi. Tóc em đã dài, nhưng cháy khô và rối bù. Dưới hình ảnh phong trần của một lữ hành khách, em có một nét đáng yêu và đáng ghét riêng biệt. Tôi không biết phải giải thích rõ ràng như thế nào, nhưng tôi không còn cười vui hớn hở sung sướng mỗi khi gặp em. Sau một vài chuyện xảy ra trong cuộc sống riêng của tôi, hình như tôi không còn cười được nữa.Tôi chỉ có thể mỉm cười gượng gạo. Và em biết điều đó. Em nói: - Sao gặp em mà anh không có vẻ mừng một chút xíu nào. Sau đó, trong một quán nước nhỏ vách gỗ sơ sài, gần bên cửa sổ có treo một chiếc đồng hồ kiểu Đại Hàn có cây kim chạy ngược chiều, tôi nói:-“Anh đã hết thương em”Giọng nói của tôi lúc đó chắc có vẻ càu nhàu bực bội. Và tiếc rẻ, vì tôi tự nghĩ không điều gì đáng buồn chán bằng điều đó. Thế mà điều đó đã xãy đến. Tôi không còn thương em được nữa.Em cười có vẻ ái ngại tội nghiệp cho tôi. Em an ủi:-Em không tin thế đâu. Em không tin là anh hết thương em.Tôi vẫn càu nhàu, gầm gừ:-“Chà. Em tự tin dữ. Đừng kiêu hãnh quá như vậy. Thật tình mà nói em đừng giận, nhưng chắc chắc anh đã hết thương em rồi”.Em khúc khích cười như vừa nghe một lời nói dối vụng về nhất trên đời. Em lắc đầu, làm như em là gan ruột của tôi để nói chắc nịch:-Anh đã quên em, theo đúng thói quen thông thường của anh, nhưng anh phải còn thương em.-“Không …không đâu. Đừng ép buộc anh về những chuyện tình cảm như thế. Anh đã nói hết rồi, thực sự hết rồi”-Còn lâu à. Vắng mặt em, nên anh tưởng thế. Nhưng bây giờ gặp mặt em lại. Có em đây, anh đang thấy là đã thương em lại, phải không?- “Không … Không mà. Anh hết thích em rồi”Em không tin.-“Dĩ nhiên. Em có bao giờ tin anh điều gì đâu. Khi anh thương em, em không hề tin chuyện đó. Bây giờ anh đã ghét em thực tình, em cũng không tin điều này nữa. Chúng ta khởi đầu trong nghi ngờ, chúng ta tiếp diễn trong hoài nghi, rồi chúng ta kết thúc trong ngờ vực”.Em bật cười:-Anh vẫn còn ăn nói hay ho thật. Nhưng hoàn toàn vô nghĩa.-“Thôi. Mình không nói đến chuyện đó nữa. Tối nay, nên đi một vòng thành phố cho biết. Trước hết kiếm cái gì ăn đã, chắc là em đang đói bụng lắm phải không?”BỐI CẢNH:Quán ăn vắng khách. Ngoài đường trời đã tối. Chỉ thấy ánh sáng nóng bức từ chiếc xe bán hủ tiếu mì cũ kỹ với những hình vẽ màu mè đã tróc sơn. Ở đây có bán cơm không? Cơm phần hay cơm dĩa cũng được. Dạ không … Vậy có cái gì ăn? Dạ …. hủ tiếu, mì, đồ nhậu, mì xào dòn. Cho một dĩa mì xào dòn hai người ăn. Một “33”, một ly đá chanh.Buổi ăn xong xuôi qua loa, không được ngon miệng.Chiếc xe xích lô chậm chạp đi qua những con đường tối, ngắn ngủn và loay hoay trong thành phố vắng vẻ. Dừng lại trước rạp chớp bóng gần chợ. Tấm hình vẽ quảng cáo cho thấy là một phim cũ, đã xem lâu lắm rồi, phim hay: L’Été 42, có nhớ không: những bó hoa và nụ cười thiếu phụ diễm lệ, nhạc đệm bàng hoàng, chiếm giải Oscar về âm nhạc.Xe xích lô tiếp tục lăn bánh về phía đường biển. Vào ngồi quán lộ thiên dưới những lùm cây. Chợt trời đổ cơn mưa ngắn hạt mùa hè. Chạy vào trong quán. Chợt hết mưa.-“Mình đi ra bãi biển cho mát. Hết mưa rồi.”Cát ướt hết, làm sao ngồi xuống được. Tối quá, anh. Biển ở đây gì xấu quá.-“Ban đêm mà. Làm sao em thấy xấu hay đẹp”Cả một ngày nay em ngồi trên xe đò. Em mệt quá buồn ngủ nữa. Tôi kéo em lại gần. Bụi đường trên con quốc lộ suốt một ngày nay làm mất hẳn đi mùi thơm của tóc em.- Đừng hôn em.- “Ừ”Em như mệt thiếp đi vào ngực tôi. Chúng ta kề sát bên nhau, bàn tay lơ mơ nắm nhẹ nhau. Chúng ta không còn ôm nhau siết chặt như thuở đầu nữa. Chúng ta không còn thèm thuồng vội vã tìm môi nhau như lúc trước nữa.Em thấy không? Có một cái gì rời rã, lo lắng, bất an dầu cho khi chúng ta vẫn đang gần gũi cận kề nhau. Em thấy không, chúng ta không còn yêu thương nhau nữa. Một cuộc gặp gỡ, một buổi tối, một lời hỏi thăm, nối dài sao được một tình yêu đã đến hồi hủy diệt. Nhớ lại xem cái thời say sưa nhất. Em nói:- Bề gì, thì ta cũng đã quá thương nhau.Đó là lời nói hay nhất của em trong số những lời em nói tôi kể từ năm 1971 cho đến đầu năm 1973.ĐÀM THOẠI TRONG GIA ĐÌNH EM:- Mày thương hắn thật sao? Dạ. Mặt mày hắn ra sao, tao chưa thấy bao giờ. Sao hắn không đến đây ra mắt tao. Ảnh nhát lắm mà má. Đây, có hình của ảnh đầy nè, má coi tạm.…… Trời đất ơi. Cái thằng mặt mũi cau có rầu rĩ như vậy mà mày thương sao. Trông hắn khó thương quá. Thì ba coi cũng khó thương thấy mồ. Rồi má cũng thương ba quá xá mà. Đừng lẻo mép. Nhưng mà … hắn có thương mày không? Con cũng không chắc. Nhưng anh đã nói là có. Hắn nói sao? Thôi má, chuyện riêng của con mà. Mày phải nói cho tao nghe. Hắn nói gì với mày? Lập lại nghe mắc cỡ quá má à. Hừ … với hắn thì mày đâu có mắc cỡ. Còn nói với tao thì mày xấu hổ à. Thôi được rồi … Ảnh nói với con như vầy: “Anh yêu em” Trời đất, thằng đó chắc là kép cải lương quá. Rồi mày trả lời hắn ra sao? Con nói: “Em cũng …rứa”. Thiệt là …. thiệt là …tụi mày cá mè một lứa. Nhưng tụi bây đâu có thể cứ ong ỏng cái bài con cá “Anh yêu em, em yêu anh” suốt ngày mãi. Hắn phải tính chuyện lâu dài đứng đắn với mày chứ. Rồi hắn có muốn hỏi mày làm vợ không? Có chứ, má. Hắn nói sao? Má bắt con lập lại nguyên văn? Ừ. Nguyên văn. Nhưng má đừng kêu trời nữa. Ừ. Tao không kêu trời nữa. Tao sẽ nghiến răng để nghe. Tụi mày cũng đâu sợ trời đất gì nữa mà tao kêu cho mỏi miệng. Để con nhớ lại coi … À … ảnh nói với con như vầy: “Em lấy anh quách cho rồi. Đừng cho ông bà già em biết cái mẹ gì hết. Anh với em tự động lấy nhau cha đi cho nó xong, những chuyện khác tính sau”. Trời …không …. Lạy Phật! Thằng khốn kiếp. Rồi mày trả lời hắn sao? Con tát tai ảnh. Ờ …Nãy giờ mới nghe mày làm một chuyện được. Mà cái thằng đó sao nó ăn nói gì cộc cằn thô lỗ quá vậy. Ảnh là cựu quân nhân đó má. Một thời gian anh đã đi lính lung tung đủ thứ Sao hắn không chết trận cho rồi. Con đâu biết. Ảnh cứ vác ba lô đi lòng vòng khắp nơi cả. Đức Dục. Đông Hà, Pleime, Lệ Minh, Tam Quan, Bồng Sơn gì gì đó …mà chẳng bắn được một phát súng nào hết, cũng chẳng thấy ai bắn ảnh một phát, nên ảnh vẫn còn sống nhăn răng. Hừ … không sớm thì muộn cũng có ngày trời hại hắn giùm tao. Má đừng lo. Ảnh đã thề thốt với con nặng lắm. Ảnh thề nếu sau này mà ảnh phụ bạc con thì ảnh chết vì đao kiếm, thân bị bốn ngựa phanh thây ngoài chiến trường. Mày cũng tin đ ược à. Sao mày ngu quá vậy. Thời buổi này người ta đánh nhau bằng súng đạn, đi xe tăng, máy bay chứ làm gì còn đao kiếm với tứ mã phanh thây … Cái thằng đó xạo quá. Mà thôi … bây giờ mày tính sao? Tao ngó bộ mày chắc không thể lấy ai ngoài hắn được. Không đâu má. Con sẽ không lấy ảnh. Ai mà lấy ảnh làm chồng thì khổ lắm. Tính ảnh hay lang bang, lại nghèo túng. Mà con thì lúc nào cũng cần có tiền để ăn hàng vặt, may sắm áo quần, mua tiểu thuyết đọc, xem xi nê, sang băng nhạc … vân …vân … Con không dại gì mà lấy ảnh. Con sẽ lấy một ông nào cỡ bằng tuổi của ba. Trời đất! Má lại kêu trời nữa. Có gì lạ đâu. Đàn ông mà cỡ bằng tuổi ba là con thấy cũng …vừa. Một ông mới ly dị vợ hay vừa chết vợ càng tốt. Tao không hiểu nổi mày. Có gì khó hiểu đâu. Má không đọc tiểu thuyết của Francoise Sagan hoặc của Yasuko Harada nên má không biết là thế giới bây giờ mấy con nhỏ cỡ tuổi con có cái “mốt” là thường yêu mấy ông già. Thôi …tao mệt quá. Mày tính sao đó thì tính Nói vậy chứ má đừng lo. Con còn đang đi học mà. Lấy cho xong cái bằng Bác sĩ rồi mới tính chuyện lấy chồng. Cũng còn lâu lắm. Con có dặn ảnh đợi con …bảy tám năm nhưng ảnh sức mấy mà đợi. Chừng đó thì con đã lớn rồi, tụi con sẽ không còn thương nhau được nữa. Tụi con chỉ có thể thương nhau trong lúc, và bởi vì tụi con còn nhỏ. Lớn lên, ảnh sẽ chán nản mọi sự, và con sẽ say mê nhiều thứ khác.Có tiếng ngáp nhẹ, thở dài.Em cũng đã nói đúng như tôi nghĩ.Đã hết hồi kết cuộc, lạnh lẽo và buồn rầu. Kết thúc như thế nào thì cũng bình thường, chán ngắt và tẻ nhạt như thế. Chẳng bao giờ có một đoạn cuối tưng bừng đẹp đẽ hoặc lâm ly gay cấn, ngoại trừ trong tiểu thuyết và điện ảnh.Khi còn thương yêu, tôi đã biết tự trong đó đã chứa mầm sự hết. Dĩ nhiên, rồi phải kèm theo những lý do, những cái cớ nào đó, để khi nào cần có thể đem ra giải thích.Sau đây là một vài lý do: Trong một thời gian đầu tiên, tôi đã quen đọc thư em. Tôi đã quen nghe thấy những điều em nói, những lời em viết, những chữ em nhảy nhót tinh nghịch trong tôi. Tôi đã ghiền những thứ đó rồi. Và khi tôi đột ngột bị “cúp” phần “lương thực” quen thuộc như thế, tôi không chịu nổi, tôi giận em, tôi bực tức em, tôi bất mãn. Dần dà, tôi ghét em thực sự. Tôi đã quen nghĩ rằng chỉ có mỗi mình tôi là được đọc, được thấy những lá thư của em. Rồi khi bị nhìn thấy những thư từ của em cho một người nào khác, bất cứ vì lý do gì: xã giao, thông thường..v..v.. tôi cảm thấy khó chịu, thất vọng. Tôi cũng không chịu nổi. Tôi đã quen tưởng rằng chỉ mỗi một mình là được nhận những bông hoa nhỏ, cỏ lá …. Mà em đã hái vội đâu đó, thường gửi đến cho tôi. Nên khi tôi được biết em có thói quen phân phát hoa cho khá nhiều người, tôi không thể chịu nổi. Tôi đã coi thường những bông hoa và thư từ cũ, từ đó, tôi biết rằng mình không thể còn thương yêu nhau được nữa. Vì những điều đáng quý nhất, giờ đây đã trở nên tầm thường. Vì những điều lẽ ra phải đáng kính trọng nhất, giờ đây đã bị coi thường rẻ rúng. Tôi đã quen mơ tưởng rằng em luôn luôn theo đúng những gì tôi muốn. Nhưng dần dần, em đã hoàn toàn làm trái ngược hẳn ý thích của tôi.Tôi thích em quanh quẩn mãi trong xó nhà bếp củi, và em đã trở thành một nữ khách đầy dáng vẻ rong chơi du lịch lang thang khắp nơi khắp chốn.Tôi thích em đừng vẽ vời làm thơ làm thẩn, và em đã sôi nổi làm nên những bài thơ, kỳ cục thay, lại rất đặc sắc, tưởng có thể gom góp để xuất bản thành một cuốn “Ma Nữ Thi” được.Tôi thích em đừng tập tành viết văn vớ vẩn, và em đã viết, kỳ cục thay, viết được nhiều truyện rất hay, sớm thành công, khá nhiều người biết tiếng (những ngắn Trái Khổ Qua, Đồi Cát, Quốc Lộ, Con Đường Không Dài..v..v …đăng liên tiếp trên tạp chí). Tóm lại, cứ mỗi lần em làm ngược lại ý muốn của tôi, là một lần em chứng tỏ em có lý hơn, là một lần chứng tỏ cho tôi thấy tôi đã sai lầm nặng nề.Và cuối cùng, giờ đây, chúng ta đã hoàn toàn mất nhau rồi.Em với tôi. Chúng ta không thể cùng nhau nhìn về một hướng. Cũng không thể cùng đi về một hướng. Con đường tốt đẹp nhất là con đường trên đó chúng ta đi ngược chiều với nhau. Nếu tình cờ đôi lần trong đời, chúng ta chợt đụng đầu nhau như những chuyến tàu khác hướng vẫn thường chờ đợi sát bên nhau đôi phút ở sân ga để chờ người bẻ-ghi, tốt hơn chúng ta nên quay mặt làm lơ, giả vờ không thấy, giả vờ không biết nhau, để mỗi người tiếp tục con đường riêng biệt của mình. Không ai là không đóng kịch một lần trong đời, chúng ta hãy đóng kịch với nhau trong những lần gặp gỡ như thế, nếu có. Và tôi hy vọng sau vài lần đóng kịch như thế, tôi sẽ thực sự không còn biết em, tôi sẽ thực sự thấy em như một người hoàn toàn xa lạ. Tôi cũng nghĩ rằng không điều gì đẹp đẽ tốt lành cho bằng việc tôi tự thiêu hủy trong tôi cháy tiêu sạch những tất cả những rung động nào còn sót lại vì hình ảnh của em. Tôi tin chắc rằng tôi sẽ làm được điều đó.Những lá thư từ Đường Sơn Cúc đã ngưng. Nhà bưu trạm đã dời đến một nơi khác. Tem thư đã tăng giá. Sức lực, tình cảm, tâm trí …cũng không còn nhiều để nắn nót viết nên những điều đam mê cũ.Love Story Made in V.N. của HNT va MN đã hết.Tất cả, nếu còn lại chút nào, thì chỉ còn lại trong mấy cuốn sách đang rao bán trên thị trường chữ nghĩa.Cuối năm nay, tôi có dịp đi bằng đường bộ trên Quốc lộ 1 từ Trung vào Nam. Khi xe đò qua thành phố Phan, lần đầu tiên trong những chuyến đi của tôi, tôi chợt chú ý đến thị xã này. Qua một cây cầu, một con sông bập bềnh, những nhà cửa nhấp nhô trong bầu không khí ran đầy mùi cá mặn, tôi thấy một đám học trò áo trắng trên đường. Một lần, vì em, tôi thấy thích thêm một thành phố. Và xe đò chạy suốt không dừng lại cho hành khách ăn trưa ở đây, xe tiếp tục chạy băng băng trên đường, bỏ lại bên đường tất cả. Thêm một lần nữa, mùa xuân đang đến.Tôi cũng không còn ca ngợi nổi mùa xuân.Như những câu chuyện tình có bố cục cổ điển, tôi lại vừa được tin em sắp …lấy chồng. Hai câu thơ mùi mẫn của TTKh hiện ra trong đầu tôi (không nhớ đúng nguyên tác, chắc sai vài chữ):Nếu biết rằng em sắp lấy chồngTrời ơi người ấy có buồn không?Buồn là cái chắc. Nhưng không nhiều, vì đây là một chuyện không có gì lấy làm bất ngờ. Tôi đã sửa soạn đón nghe tin này từ lâu. Và cũng đã sửa soạn quà mừng đám cưới (Một cuốn sách có nhan đề có lẽ khá thích hợp trong những vụ này: HÔN LỄ, chỉ giá 6000đ, nhưng có kèm thêm chữ ký và lời đề tặng của tác giả).Có lẽ chúng ta cũng nên kết thúc bằng cái trò lẩm cẩm này: mong em cho biết địa chỉ của em, tôi sẽ gửi trả em những thư từ, kỷ vật, ảnh hình xưa cũ hoàn lại cho em, dĩ nhiên cũng có mất mát một đôi chút vì những lần tôi đổi chỗ ở di chuyển từ nơi này đến nơi khác.Cuối thư, xin thành thật chúc mừng em.Cũng bởi vì thành thật, nên tôi chỉ có thể chúc mừng chứ không chia mừng cùng em được. HOÀNG NGỌC TUẤN.1/1975