Buổi sáng hôm đó, cũng như mọi buổi sáng, Sonya tỉnh giấc sau một cơn ác mộng, tim vẫn còn đập thình thịch. Cô lại nghe thấy những âm thanh đó, rất rõ ràng - tiếng quát tháo của bọn lính và tiếng dộng cửa ầm ầm. Cô lao ra khỏi giường, hai tay ôm chặt đầu. Cô hoàn toàn không muốn và cũng không thể để cho những hình ảnh của quá khứ quay trở lại. Phải mất một lúc, Sonya mới thực sự bình tĩnh trở lại để chuẩn bị đi làm như thường lệ. Cách đây một năm, Sonya đã trốn khỏi nước Đức quốc xã. Gia đình cô đã từng hoạt động trong phong trào kháng chiến ở thành phố nơi họ sinh sống và đã phải trả giá cho điều đó. Vào cái đêm chồng cô bị bắt, bọn lính bảo rằng chỉ để điều tra. Nhưng khi chúng giải anh ấy đi thì họ nhận ra rằng đó chính là lần chia tay vĩnh viễn. Cậu em rể của cô cũng biến mất theo cách đó; còn em gái cô và hai đứa cháu - một gái, một trai - thì bị bắt đi lao động nô dịch tại một nhà máy sản xuất vũ khí. Cuối cùng, bọn lính đến bắt con trai của Sonya khi cậu đang học ở trường. Thậm chí, hai mẹ con còn không có một cơ hội để nói lời tạm biệt. Không lâu sau đó, nhờ có sự can thiệp của Mỹ, cô đã trốn khỏi nước Đức và được tái định cư ở New York, được sắp xếp cư trú tại một căn hộ và tìm được một công việc may vá tại một cửa hàng bách hóa lớn. Cô đã có một cuộc sống mới, nhưng cũng không hẳn là một cuộc sống. Để tồn tại, Sonya không chỉ đóng lại cánh cửa quá khứ mà còn đóng chặt cả tâm hồn mình. Cô sống tách biệt với tất cả mọi người như thể mình đã hóa đá. Mà sự thực thì chính Sonya cũng nghĩ mình là đá. Chỉ đến khi đêm xuống, những quá khứ đau đớn lại hiện về trong giấc ngủ của Sonya. Ở chỗ làm, Sonya luôn an phận và làm tốt tất cả công việc được giao. Chưa bao giờ cô nói chuyện với người ngồi bên cạnh và họ cũng biết rằng tốt hơn hết là đừng bắt chuyện với cô. Vào những buổi ăn trưa cũng vậy, lúc nào cô cũng chỉ ngồi một mình. Một hôm, khi đang ngồi trong quán ăn nhanh, Sonya nghe thấy một giọng nói với mình. Cô ngẩng lên: “Bà Stein! Xin, xin mời ngồi!”. Cô ra hiệu cho một người phụ nữ to béo đội một chiếc mũ hoa hòe ngồi xuống. Bà Stein là người của Ủy ban hỗ trợ người tị nạn, tổ chức đã tìm nhà và tìm việc cho Sonya trước đây. Bà Stein bắt đầu nói: “Chúng tôi có hai đứa trẻ từ Đức sang. Chúng đã trải qua khá nhiều biến cố. Đứa con gái 10 tuổi, con trai 7 tuổi. Chúng cần một ngôi nhà, không chỉ là một chỗ để ở mà là một gia đình thật sự. Tôi nghĩ có lẽ chị cũng cần có một ai đó”. Mười tuổi và bảy tuổi – hai đứa cháu cô bây giờ chắc cũng bằng ngần ấy. Nhưng chắc chắn cô sẽ không nhận bọn trẻ này vì chúng là những bằng chứng sống gợi nhắc lại quá khứ đau buồn. Sonya lắc đầu: “Tôi không thể”. “Ít nhất thì chị cũng suy nghĩ về chuyện này chứ Sonya. Ngày mai tôi sẽ trở lại, lúc đó chị hãy trả lời tôi”. Sonya nói một cách kiên quyết: “Không cần đâu, tôi sẽ không nhận chúng”. Lúc đó cô cảm thấy ánh mắt của bà Stein nhìn mình – ánh mắt rất đôn hậu, nhưng ánh mắt đó nhìn thấu tâm can cô. Sonya không nhìn lên cho đến khi người phụ nữ ấy bỏ đi. Buổi chiều hôm đó, Sonya làm việc cật lực và rời chỗ làm sớm hơn mọi ngày. Cô vội vã trở về nhà, tắt hết đèn rồi leo lên giường. Cô thường làm thế vào những ngày cô cảm thấy tồi tệ: một mình trong bóng tối, cố gắng khóa chặt cánh cửa quá khứ. Nhưng hôm nay cô không làm được điều đó và cô biết rõ lý do vì sao. Chuyện hai đứa trẻ đã gợi lên tất cả những ký ức ngày xưa và cô không thể dừng chúng lại. Nỗi đau tinh thần bỗng chốc biến thành nỗi đau thể xác. Nước mắt là cách duy nhất giúp cô lúc này. Lần đầu tiên kể từ khi rời khỏi Đức, Sonya đã khóc. Trong tiếng nấc nghẹn thổn thức, Sonya bước loạng choạng về phía phòng chứa đồ rồi lấy ra một cái cặp nhỏ mà cô đã mang theo khi sang đây. Trong đó có 3 tấm ảnh được bọc kỹ trong một tấm vải dày: đó là ảnh của chồng cô, con trai cô và em gái cô. Sonya nhẹ nhàng lấy chúng ra và đặt lên bàn trang điểm. Cô cảm thấy đau nhói khi nhìn chúng, nhưng chúng cũng an ủi cô rất nhiều. Rồi cô bỗng nhớ lại thời gian đã qua, những lúc hạnh phúc cũng như đau khổ. Chính lúc này, Sonya biết rằng mình phải đưa tay ra, không chỉ cho bản thân mình mà cho cả những người trong ảnh kia nữa. Cô phải tiếp tục sống cho tất cả mọi người. Sonya quỳ xuống bên cạnh giường. Đã từ lâu lắm rồi cô không cầu nguyện nên thật khó thốt nên lời, cô thì thầm: “Con muốn được sống trở lại, con không biết bằng cách nào nhưng con xin người hãy giúp con. Amen”. Lời cầu nguyện tuy rời rạc nhưng có lẽ Chúa cũng thấu hiểu. Lần đầu tiên kể từ sau khi chồng Sonya bị bắt, cô đã có một giấc ngủ ngon và tỉnh dậy trong sự thanh thản. Bây giờ, cô biết mình phải làm gì, cô sẽ nhận bọn trẻ. Đây là bước khởi đầu để trở lại cuộc sống. Buổi trưa, Sonya đứng ngoài cửa tiệm ăn nhanh lo lắng chờ bà Stein. Ngay khi thấy bà ấy, cô nói ngay: “Bọn trẻ vẫn cần một chỗ ở chứ?”. “Vâng, nhưng…”.“Vậy thì tôi sẽ nhận chúng! Sẽ hơi chật chội một chút vì căn hộ của tôi quá nhỏ, nhưng chúng tôi sẽ xoay sở được. Tôi muốn nhận bọn trẻ!”.Bà Stein nở một nụ cười thật tươi. Bà cầm lấy tay Sonya và nói: “Tuyệt lắm! Tối nay tôi sẽ mang chúng đến”. Ngay sau khi xong việc trở về nhà, Sonya bắt tay vào làm món bánh nướng truyền thống của Đức mà đã lâu rồi cô không làm. Cô sẽ mang đến cho bạn trẻ thức ăn ngon và cả tình yêu thương nữa. Bọn chúng có lẽ sẽ e ngại, điều đó là đương nhiên thôi. Có lẽ chúng cũng giống như cô trước đây – hoàn toàn khép kín. Nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý gì, cô sẽ cố gắng hết sức mình. “Sonya!” – có tiếng gọi cửa của bà Stein. Sonya vội vàng ra mở cửa. Con bé đứng bên cạnh bà Stein còn thằng bé thì đứng phía bên kia. Trái tim của Sonya chợt xao động khi nhìn thấy khuôn mặt buồn bã của bọn trẻ. Sao lại không buồn được chứ? Chúng chẳng còn gì, kể cả người thân. Nhưng ở bọn trẻ còn có một cái gì khác nữa – một điều gì đó rất quen thuộc, quen thuộc một cách lạ thường. Cô nói: “Xin mời vào!”. Mỗi đứa trẻ mang theo một cái túi nhỏ và mặc một bộ quần áo tươm tất tuy không vừa vặn lắm. Sonya nghĩ, đây đúng là dáng điệu của những người dân tị nạn – cái dáng vẻ của chính cô cách đây không lâu. Liệu có phải vì thế mà trông chúng rất quen thuộc hay không? Hay là vì chúng gợi nhắc đến những đứa trẻ tị nạn mà cô đã gặp trên con tàu đến Mỹ? Bà Stein nói: “Sonya, đây là Liese và Karl”. Đây đúng là tên của hai đứa cháu cô. Sonya chẳng còn tâm trí đâu nữa, tim cô bắt đầu đập thình thịch. Điều đó là không thể, những điều như thế không thể nào xảy ra. Đây đúng là một phép màu, nhưng cô đâu có cầu xin một phép màu. Cô chỉ cầu xin để mình có thể trở lại một cuộc sống bình thường. Cô bước đến gần bọn trẻ và chăm chú nhìn vào gương mặt của chúng. Cũng đã khá lâu rồi, chúng cũng như cô đã thay đổi rất nhiều. Bà Stein bối rối hỏi: “Có chuyện gì vậy Sonya?”. Sonya lắc đầu nhưng vẫn nhìn chúng chằm chằm. Cô bé gái ngước nhìn lên – đôi mắt to đen láy rất quen thuộc như cũng đang quan sát khuôn mặt Sonya. Rồi thằng bé bỗng hét toáng lên. “Karl?”. Bà Stein hỏi: “Con sao vậy?”.Thằng bé tay run run chỉ vào ba tấm ảnh Sonya đã bày ra đêm hôm trước, rồi nó chạy lại phía bàn trang điểm chộp lấy tấm ảnh em gái của Sonya và ôm chặt vào lòng, nó thì thầm: “Mẹ ơi!”.