Chiếc Simca long sườn rọc rạch chạy vào đầu con đường cùng lúc với tia chớp loé lửa, bửa dọc khối mây đen chụp ngang bầu trời đã nặng. Tràng sấm dữ dội tiếp theo đẩy người thiếu phụ ngồi băng sau ập vào thành ghế phiá trước. Bánh xe cũng vừa cán bưng lên một viên đá lót đường lăn giữa lộ. Trong khi gã tài xế cố giữ tay lái, vặn ngược để lủi vào bờ lề, miệng chửi thề ỏm tỏi, người thiếu phụ lảo đảo trên nệm, gượng ngồi thẳng lại, tay ôm lấy ngực, thở. Gió mênh mông từ bên kia khu đất trống theo cơn giông sắp đổ xuống lùa qua cửa xe hạ kính. Gió hất tung tấm khăn mỏng, quấn xiết chiếc cổ manh mảnh đeo chuỗi hạt đỏ lựu, trong suốt. - Cô tìm mua hòm hả? Vô đây đi cô. Thiếu phụ còn đang luống cuống gỡ khăn, giật thót người vì giọng nói nửa trẻ con nửa khàn khàn ghé sát tai. Một gương mặt cháy sẫm thò qua cửa, hàm răng vàng nhợn mọc ngổn ngang. Tự động nàng ngồi giật lại, lắp bắp: - Không..không. Cũng may, gã tài xế đã bước khỏi xe đi vòng sang, nạt: - Chỗ khác nhỏ, không có ai mua hòm mua xiểng gì hết. Anh ta vừa đá chân vào cái bánh xe xì xẹp vừa hỏi tiếp: - Có chỗ nào vá bánh mày? Thằng con trai khoảng mười lăm, mặc độc chiếc quần xà lỏn vải mòn đến nỗi thấy cả hạ bộ, dù ánh sáng bây giờ chỉ đủ nhìn ra ba chiếc quan tài nằm ngay ngắn trong căn nhà mái tôn nghiêng sau lưng nó. Thằng nhỏ bị quát, được dịp trề môi đáp trả: - Hí, lái xe mà không biết vá bánh. Xe ăn cắp hả. Gã tài xuống giọng: - Bậy mày. Nè, ấp An Định còn bao xa? - Tuốt trỏng, cô này vô đó hả. Không đợi trả lời, nó ngoẹo đầu ngắm nghiá người đàn bà rồi tiếp: - Người như vầy chắc là vô nhà ông Nguyên. Bấy giờ thiếu phụ vội vàng: - Phải, tôi vào nhà ông ấy. Xa không em? Thằng nhỏ chẳng nói thêm, bỏ chạy băng băng về hướng con đường nhỏ cắt ngang, hai bên có hàng sao cao mút. Gã tài la lên: - Ê mày chạy đi đâu? - Kêu nhà ông Nguyên ra đón cổ. Xe xì bánh, bộ để cổ ngồi đó chịu trận à. Mưa gió này tàn đêm luôn. Khi một chiếc xe hơi khá cồng kềnh từ cuối con đường vun vút hàng sao hiện ra khoảng nửa giờ sau thì mưa đã phủ khắp vùng đất trống phiá trái và khu xóm lèo tèo dăm ba nóc nhà dọc bờ lộ bên này. Miên thở phào, cười với Đăng giương dù xuống xe đang đi lại gần nàng. Đăng trách nhẹ: - Đã bảo để anh tới đón, Miên không chịu. - Tại em bận chẳng biết xong kịp không, sợ anh đợi. Ai ngờ chỗ này xa và hẻo lánh quá. - Bởi thế, chưa thấy Miên, anh lo ghê. Đường vào ấp An Định nhá nhem, điện hẳn bị cúp cuối chiều như thường lệ. Thỉnh thoảng xa xa vài ánh đèn dầu loe loé ẩn hiện. Miên hơi lo âu nên để bàn tay cho Đăng ấm áp xiết nhẹ. Nhà ông Nguyên lẩn giữa hàng rào cây rậm rạp, cổng sắt nghều nghệu chĩa đầu nhọn, cài dây xích. Hai con bẹc-giê uà ra, lưỡi hồng thòng dãi gầm gừ khi người tài xế đẩy cổng. Hàng trúc đào thấp ướt sũng, đằng sau là những cây hoa sứ dang to như Miên từng thấy ở sân chùa. Nhưng trong chập choạng một chiều mưa dáng dấp chúng u tối và đe dọa. Xe đậu ngay trước ba bực thềm một căn nhà đồ sộ trắng, nổi ma quái trên nền mây đen mưa mù. Những cột tròn chống dọc từ đất lên đỡ lấy hai tầng lầu nặng nề thuộc địa. Miên chưa kịp tỏ sự ngạc nhiên thì cánh cửa gỗ nâu dầy vẹc-ni bóng mở tung, ồn ào tiếng người cười nói giữa đèn đóm nhiều màu. Đăng bên cạnh vội vàng: - Giờ phút chót anh mới biết ông Nguyên mời đông như thế và biến thành bữa tiệc nửa hoá trang. Miên cau mày: - Nửa hoá trang… Đăng chưa đáp, một người mặc quần tây đen áo sơ-mi luạ vàng thõng thượt, đeo mặt nạ Quan Công đỏ rực đến bên mở cửa xe, cử chỉ điệu bộ mời Miên bước ra. Không một câu, Miên đứng lại trên bực cấp rồi thẳng người đi vào. Chung quanh nàng quần áo màu sắc từ gấm Tàu tới xoa Tây rửng lên dưới mấy ngọn đèn rọi từ trần cao. Những mớ tóc đen quăn chải keo, ôm cứng khuôn mặt phấn son của các bà đang cười nói bên chiếc bàn to đầy thức ăn. Chỉ mấy ông mới mang mặt nạ hình thù người và thú. Một đầu sư tử xồm xoàm bãi râu vàng hung vội tiến đến trước Miên, nghiêng người cúi nắm bàn tay nàng, trịnh trọng đưa lên môi. Ngón ngắn tròn ục, chiếc nhẫn cộm viên ngọc đỏ chạm trổ tinh vi thắt nghẽn ngón giữa thành hai thỏi xúc xích nhỏ. Miên nhìn sợi lắc vàng dầy nặng cuộn quanh cổ tay nâu sậm mà có cảm tưởng mình bị kéo trĩu theo cùng với cả tấm thân bề thế thấp của ông ta. Ông Nguyên chưa kịp nói gì đã có tiếng cười khan từ giữa đám đàn bà: - Có tôi đây, cô đừng sợ ổng ăn thịt. Miên ngửng lên chạm ngay gương mặt vỡ loang màu phấn hồng quá độ. Cằm và vai cách nhau chỉ đủ bề dầy của cái vòng đeo cổ nhấp nháy sáng, cùng cỡ lớn như tấm lắc người đàn ông. Đăng có vẻ ngượng, vừa kéo nhẹ Miên lùi lại, vừa làm cử chỉ giới thiệu: - Miên, bạn cũ của tôi ở xa về. Còn đây là anh Nguyên, chủ nhân và là tác giả cuốn sách ra mắt hôm nay. Tràng vỗ tay bật đôm đốp rồi tiếng ‘‘dô dô’’ cất lên ầm ĩ, những ly rượu giơ cao cùng cả mấy chai bia. Ông Nguyên rót một cái chung nhỏ xíu đem đến: - Cô dùng thử, Mao Đài chính cống tôi mới đem từ Trung Quốc về. Miên cầm chung rượu đưa lên, một mùi hôi nồng làm nàng sựng lại. Đăng vội vàng đỡ lấy: - Xin lỗi anh Nguyên, Miên không quen. Người đàn ông đưa tay vuốt chòm râu sư tử, hề hề: - Không sao, không sao. Người Tây quen rượu Tây là thường. Đây, Mạc Teo, Oắc Cơ đen, Oắc Cơ đỏ…đủ cả, cô muốn thứ gì tôi rót hầu thứ ấy. - Cám ơn ông, cho tôi một chút cognac. Ông ta quay lại búng tay gọi: - Tám, rót ly cỏ nhắc XO mày, cho mấy cục đá nghen. Miên gạt: - Xin lỗi, tôi không dùng cognac lạnh. Lúc nàng đưa ly rượu lên môi, mùi thơm làm mấy sợi thần kinh chùng giãn xuống. Bấy giờ đảo mắt nhìn quanh Miên nhận ra căn phòng thật rộng, gấp mấy lần nguyên căn chung cư ngột ngạt tối tăm, độc hai mảng cửa phía trước của người chị họ nàng ở trọ chuyến về này. Nhưng sa-lông cùng bàn tủ, ghế nệm bày đầy chặt, vừa da vừa gỗ trộn lẫn với simili và mây tre. Sự hỗn độn rõ rệt ở cả những tấm tranh treo dọc quanh mấy bức tường, bản sao màu mè tranh Van Gogh, nhợt nhạt Monet chen giữa các bức tranh sơn dầu khổ lớn rất đẹp mà nhìn qua Miên biết ngay của một số hoạ sĩ nước nhà tên tuổi. Ông Nguyên đến gần chỉ trỏ, hứng thú, hãnh diện: - Ấy, tranh tôi mua ủng hộ bạn bè cả. Xong khịt mũi một tiếng và nhích nhẹ đôi vai, buông lửng: - Thời buổi này nghệ thuật rẻ như bèo. Rồi chẳng chờ Miên đáp, ông ta xoay người hướng mắt về một cuốn sách bầy trang trọng trên giá gỗ phủ vải điều, giữa một chiếc bàn gần cửa sổ. Tên tác giả Tài Nguyên chữ đỏ nổi bật trên bià giấy cứng láng bóng, nền in vân mây và ruộng lúa. Ông ta nói: - Chốc nữa tôi xin ký tặng cô một cuốn. - Cám ơn ông. Nhìn bề ngoài đã thấy in rất công phu, khác hẳn tất cả các cuốn trên kệ sách ngoài phố. Miên ngừng, rồi tiếp: - Nghệ thuật ấy thì không rẻ như bèo. Ông Nguyên hực một tiếng, cái cười thản nhiên thoả mãn. Đăng đã đến đằng sau ngắt lời: - Xin lỗi anh, mưa đã ngưng, tôi đưa Miên ra ngoài hành lang cho thoáng. Tất cả những đám mây đen đặc trên con đường Miên đến đây đã tan biến, trả lại một bầu trời đêm xanh. Làn gió đẫm hơi nước lay các chậu phong lan đong đưa trên giàn, rớt xuống cổ nàng những giọt nước mát rượi. Khu đất trải rộng nhưng vườn cảnh cây cối còn thấp, trẻ như căn biệt thự hẳn xây chưa bao lâu. Hai tầng lầu trên im lìm ngủ, có lẽ ngoài phòng khách và nhà bếp thì chỉ còn mỗi căn phòng nhỏ che màn ở cuối hành lang dài lơ mơ sáng. Xa tít, vài ánh đèn heo hắt tựa những vì sao bị đọa xuống cõi trần và sắp lặn chìm vào mặt đất. Miên ngước nhìn, tìm con trăng như thói quen. Đã bao năm, con trăng ẩn hiện thắt vào nở ra theo những mâu thuẫn, bận lòng cùng thương cảm của Miên. Dù bất cứ nàng đang ở đâu, nó vẫn mãi hoài trên ấy để nhắc nhở, trách cứ cùng phủ dụ. Trăng là hình ảnh riêng biệt thuộc về một phần đời quá khứ, không liên quan gì đến hiện tại và nơi chốn nàng đang sinh sống. Cũng trăng đứng đấy buổi tối cuối cùng nàng chia tay Đăng, đã hơn hai mươi năm nơi sân thượng nhà Cương. Đăng ngồi bó gối dựa chậu kiểng, lòng mắt nhìn Miên sâu như tiếng kèn Cương chạy suốt con ngõ hun hút, chờn vờn trên những nóc nhà bê-tông mái ngói mái tôn xênh vênh cao thấp. Hưởng vừa từ Đà Lạt xuống kịp tiễn Miên, tóc anh chàng sinh viên sĩ quan húi ngắn, cổ còn quấn chiếc khăn, điệu bộ kêu tháng chạp trời Saigòn lạnh như cao nguyên. Mơ quỳ trên hai chân khép, vạt áo dài đi học mộc mạc trải mặt chiếu thỉnh thoảng nâng nhẹ với gió đêm. Dưới mái tóc cắt tròn, da mặt Mơ dịu dàng trong màu trăng sữa loãng. Nhìn Mơ, lòng Miên càng chùng xuống. Mai, khi nàng đi rồi, còn ai rẽ vào đường Tú Xương yên vắng để kéo Mơ ra khỏi những manh áo choàng của các bà sơ? Cô thiếu nữ mười tám ấy bỏ bà mẹ và hai đứa em từ dọc biển Phan Thiết chạy vào Saigòn để tránh sự hà hiếp của ông bố dượng. Mơ ở bán trú trong tu viện để đi học, nửa ngày còn lại Mơ đan áo, thêu thùa cùng các sơ, buổi tối kèm học trẻ em để sống và thỉnh thoảng gửi về giúp mẹ. Miên là người duy nhất ngày cuối tuần dắt chiếc solex vào qua cánh cổng Régina. Sân tu viện chiều chủ nhật thật vắng, không ai đến đặt hàng thêu, lơ thơ người thăm viếng. Mơ đi ra từ dãy nhà thấp, lẳng lặng trèo lên yên sau xe. Miên đèo Mơ đi xi-nê hay trở về con đường có hiệu chè Hiển Khánh. Mơ hút ngon lành những sợi thạch trong suốt, cười như trẻ nhỏ, nhưng lúc chia tay trên bờ lề im lặng dưới đọt nắng sót trên đầu cây Mơ thường nói: - Tuần tới Miên đừng đến nghe, rủ Mơ đi chơi hoài coi chừng hết tiền mua truyện, mua tem gửi thư cho anh Đăng. Chân chống xe, nhìn dáng Mơ nhỏ nhắn đơn độc, vai hơi nghiêng về một bên thấp thoáng giữa những cây sứ sau cánh cổng, Miên nghĩ giá đừng tiêu vặt để dành giúp Mơ có tiền về thăm mẹ và em khi Tết đến. Miên gỡ cánh tay Đăng quàng qua vai đứng dậy định đến bên người bạn gái thì chân trời đùng đùng chấn động. Hoả châu vụt lên, vỡ tung. Vùng lửa rực cháy vàng rơi hướng ấy thật đối chọi với khoảnh sáng mơ hồ mông lung của vầng trăng nơi này đang muốn lẩn vào bóng mây. Năm người cùng nhìn về phiá làn khói đen bắt đầu toả lan chung quanh những đốm hoả châu. Hưởng buột miệng: - Hai ngày nữa thì bầu trời trên đầu Miên sẽ chỉ còn sao với trăng thanh bình. Miên hãy nhìn cảnh này cho kỹ, kẻo quên. Mà thôi, quên đi là tốt hơn cả, nhớ làm quái gì. Cương đang vắt vẻo trên bờ tường bọc quanh sân thượng nhảy xuống, quát: - Thằng Hưởng im miệng. Cải lương vừa vừa. Miên vội vàng: - Không, cứ để anh Hưởng nói. Mai mốt có muốn, qua hơn mười ngàn cây số Miên cũng không nghe được. Ném cây harmonica vào chiếc ghế mây, Cương sà người, tay bốc một lon bia, ngửng lên tu một chặp rồi chỉ chiếc đĩa trên chiếu: - Việc gì phải nghe. Không nghe gì hết. Chẳng việc gì phải nhắn nhủ, phải chia tay. Ăn đi Miên, bò biá này hồi chiều tui lội tới cổng trường Miên mua về đó nha. Bà già tui mới hấp lại đó. Ăn đi, qua bển không có thứ này đâu. Sẽ nhớ, sẽ tiếc hùi hụi. Nè, tui nói cho mấy bồ nghe… Hưởng chặn lại: - Ê, đứa nào vừa nói không được tiếc nhớ ỉ ôi. Cương không trả lời, cúi xuống cầm một cuốn chấm chấm vào bát tương ớt dúi vào tay Miên. Nãy giờ ngồi im với điếu thuốc, Đăng lên tiếng: - Chúng mày đừng nói nhiều nữa. Mày hát đi Cương. - Hát gì? Giọng Đăng rời rã: - Bất cứ cái gì, bất cứ điều gì, ngoài chia ly và vĩnh biệt. Hưởng cầm chiếc đàn guitare dựng bờ tường, búng vài sợi, so dây: - Sao Mân không đến vậy Miên? - Mẹ chị Mân bệnh. Không hỏi thêm, Hưởng cúi xuống, dòng “Jeux interdits ’’(1) rung lên hoài cảm. Miên quay sang, bắt gặp Mơ nhìn Hưởng đăm đăm. Nàng cố chặn tiếng thở dài, đêm chìm sâu hơn và những giọt mưa đầu vừa rớt độp xuống mái che. Năm người đến ngồi đây đêm cuối cho nàng, người nào cũng hiểu rõ lòng kẻ khác nhưng đều phải ngăn giữ nỗi niềm, nghẹn hơi thở khó. Miên chỉ mong giá Hưởng săn sóc đáp lại tấm lòng Mơ, trong khi Hưởng mỗi lần về phép là dặn dò Miên cố rủ chị Mân đến cho anh chàng thấy mặt. Còn Đăng thương Cương như bạn như em, vẫn bảo rằng không thể để thằng Cương bị bắt lính, nó sẽ chết trước khi biết nổ súng, nó sẽ chết như mơ, miệng còn đang chúm lại thổi kèn hay nghêu ngao hát. Và Đăng cũng thừa những lần bắt gặp Cương đau đáu nhìn Miên. Ngồi xê lại Miên vòng tay ôm hai đầu gối Đăng, vải quần kaki nhà binh dầy nham nháp. Mọi lần được phép về tới thành phố Đăng thay mặc ngay bộ quần áo sinh viên nhẹ nhàng, cởi sợi dây đeo thẻ bài nhôm bỏ vào chiếc ba-lô sẽ nặng dần những cuốn sách, băng nhạc gom đi trong các chiều lang thang với Miên ở lề đường Lê Lợi. Kỳ này, đã cả tuần Đăng dửng dưng lãng đãng. Bao lần nàng muốn nói khẽ với Đăng: - Đừng buồn, Miên đi, học hành xong rồi Miên lại về. Nhưng nàng đã không nói được câu gì, miệng lưỡi u ơ khâu khép. Những cuộc hành quân hai bờ sinh tử Đăng từng kể, một lần rút cả can đảm đi tìm Đăng ở chân núi chàng đóng quân giữa bom đạn tung hê là ám ảnh. Chuyến trực thăng đưa người thiếu nữ đau đáu tấm lòng dâng hiến đến tận vũng sâu của chiến tranh. Rồi cũng nó thẩy nàng trở về thành phố với gia đình và mái trường ngói đỏ, chưa tả tơi, vẫn trinh nguyên với màu áo trắng nhưng ai bảo được rằng tâm hồn tươi sáng ấy còn nguyên vẹn. Những tiếng đạn pháo kích mỗi đêm bất ngờ nổ toang giựt đứt thần kinh người thành phố như Miên, và bao nhiêu chênh vênh bất tường cảm nhận từ đời sống, từ tình yêu đầu đời mong manh vô định đã cắt đi, chặt ngang niềm tin và hi vọng. Không có niềm tin, làm sao nói ra lời hứa. Mấy hạt mưa theo gió hắt vào, Miên thấy mắt mình đọng nước. Cương đã nhặt lại chiếc kèn đưa lên môi phụ hoạ với Hưởng một đoạn ‘‘Le Pénitencier’’(2) u ẩn, rồi đột ngột Cương buông kèn, giật chiếc guitare của Hưởng dạo một dòng cất cao giọng: ‘‘Chiều nay còn mưa sao em không lại. Nhỡ mai trong cơn mưa vùi…’’(3). Bấy giờ những ngón tay Đăng đang vuốt nhẹ sợi tóc Miên bất thần co quắm, cắm sâu vào vai Miên, nàng nghiến răng nghe nỗi đau chạy rút vào tim. Hẳn điện đã trở về trên ấp An Định nên máy phát điện riêng của ông Nguyên đã ngừng ro ro rì rầm. Giờ đồng loạt bừng lên tiếng dế và ễnh ương rên rỉ ồm oạp đêm hè. Miên không quay lại, nàng biết Đăng đứng sát đằng sau. Chỉ cần một xoay người, một chạm nhẹ thì mọi điều có thể xảy ra, dù trong nàng hiện tại giữa hai người chỉ là một hội ngộ thoi thóp. Miên biết nàng không thể bơi ngược dòng sông dẫu kỷ niệm, quá khứ vẫn chập chùng, tươi rói. Con người chắt chiu quá khứ vì mọi sự đã qua dù đen tối đau thương vẫn có thể được biện hộ tha thứ, được trùm lên cái đẹp hào quang để tái tạo một nơi chốn cho linh hồn có chỗ trở về cư ngụ. Thất vọng với hiện tại, mù mịt về tương lai, nên con người quay tìm ngôi nhà cũ xưa, quẩn quanh, tự an ủi, đánh lừa mình giữa những bức tường ảo tưởng, nhập nhoà đèn bóng. Chẳng biết Miên sẽ đứng im, nén tiếng đến bao lâu nếu Đăng không cất giọng: - Mấy hôm nữa Miên trở sang bên ấy? - Ngày kia. Miên đáp rất nhỏ. Bỗng nàng cao tiếng hơn: - Tại sao anh rủ em đến đây? Đăng điềm tĩnh: - Để em thấy luôn là có một thế giới khác hẳn những con đường khu phố tối tăm mất điện, chật chội bương bả ngoài kia. Bây giờ Miên quay lại, nhìn Đăng: - Anh quan hệ ra sao với ông Nguyên? Ông ta làm gì mà có được cơ ngơi như vầy trong khi mọi người… Đăng ngắt, hỏi ngược: - Đây là thắc mắc cho biết hay một tra vấn? Không đợi trả lời Đăng tiếp: - Em thừa hiểu, trong hoàn cảnh đất nước này không sự giàu có nào trinh trắng hồn nhiên. Còn quan hệ anh với ông ta. Giản dị thôi, anh làm nhà in mà. - Ông ta viết được không? Đăng cười giọng mũi: - Với đồng tiền ông ta viết được khối thứ. Trong số người đeo mặt nạ hôm nay có mấy người sẵn sàng viết thế ông Nguyên bất cứ thứ gì. - Thảo nào, ông ta bảo nghệ thuật rẻ như bèo. Im lặng, rồi Đăng thở ra: - Không thể phủ nhận, nhờ ông ta họ có cơm ăn. - Chẳng tưởng được có một nơi chốn xa hoa, sáng choang như vầy giữa thế giới tăm tối vật vã quanh đây. Anh thuộc thế giới nào? Rút gói thuốc từ túi áo, Đăng chậm rãi châm, hít một hơi. Đầu lửa nhỏ vừa nháy lên đốm sáng trong đêm thì Đăng đã dụi vào thành lan can, ném xuống sân cỏ tối. - Lắm khi không có chọn lựa Miên à. Chúng ta đã ở năm 90, không phải 68 khi em đi du học, cũng chẳng còn là 75 khi anh tất tưởi về được tới nhà Cương, thắp vội cho nó nén hương rồi cùng Hưởng chạy vào Tân Sơn Nhất đẩy nó lên trực thăng. - Sao lúc ấy anh không đi? - Kẹt gia đình. Mà thật ra, mấy năm lính tráng chung đụng với lính Mỹ, có những nhức nhối, đau xót vẫn còn dằn nặng làm anh e dè chán nản không muốn đi. Vả chăng còn bà già của Cương. Bác níu lấy anh để sống từ khi anh đem xác Cương từ Phú Khánh về. Lỗi tại anh mà nó chết. Một tiếng quạ từ đồng trống vụt ngang, quác điếc. Miên rùng mình, Đăng định đưa tay kéo nàng sát vào thì có tiếng mở cửa từ căn phòng mờ nhạt ánh đèn cuối hành lang. Một bóng áo trắng đi ra, thoáng ngừng lại để làm quen với bóng tối rồi bước thật chậm về phiá Miên và Đăng, dáng đi hơi chệnh choạng như thể dẫm cả lên ống quần dài lết trên mặt đất. Đăng kề vào tai Miên: - Con gái ông Nguyên, cô ta chẳng bình thường, Miên đừng sợ. Miên nghĩ không có gì để sợ, nhưng khi người thiếu nữ đến gần thì nàng giật mình bởi khuôn mặt với đôi mắt to, da trắng rợn, mái tóc bum bê đen nháy không khác gì Mơ. Ôi Trang Thị Mơ của hơn hai mươi năm trước sao lại có thể ở đây, trong không gian trần thế này? Miên run run đưa tay nắm lấy Đăng, bấu chặt. Chẳng nói một lời, cô gái bỗng nhiên mở miệng cười ơ ơ. Hai hàm răng không ngờ vàng trơ lợi khiến Miên đang bối rối cũng nhớ lại vành răng thằng nhỏ bán hòm ngoài bià con lộ chính. Bộ quần áo trắng tươi nhưng mỏng dính và nhàu nát, chiếc áo lênh thênh hếch gò ngực vun hai đầu vú nhọn. Ngọn đèn treo ở đòn gỗ cuối căn biệt thự nhập cùng ánh trăng rọi mập mờ cặp đùi đầy thả xuôi bên một vùng đặc sẫm. Cánh tay trần óng dịu nhỉu, quấn quíu theo bước đi không vững nghiêng chao càng làm cả thân hình lộ liễu đong đưa, liêu trai khiêu gợi. Cô ta bước tới sát hơn, thản nhiên nhìn vào mặt hai người. Nhưng khi mắt rơi xuống bàn tay Đăng đã đặt giữa cần cổ và mảnh vai Miên lọt ra khỏi bờ áo cổ rộng, thì gương mặt người con gái đang phẳng lặng chợt nhúm lại, lòng mắt ngơ ngơ phựt lên ánh sợ hãi, vành môi đầy hơi trễ mở vội như muốn bật kêu. Cả thân người giật lùi ra sau, đụng phải bờ tường cô ngồi xẹp xuống, hai bàn tay cuống cuồng che mặt. Miên định tới gần, Đăng giữ nàng: - Đừng đụng tới cô ấy, để anh gọi ông Nguyên. Mặt trăng đã thoát khỏi vầng mây, vặc sáng lên lúc ông Nguyên chạy đến tất tưởi, một tay xách chiếc mặt nạ đã tháo. Hai má ụ đỏ trên khuôn mặt núng nính như những ngón tay u tròn cầm chào Miên lúc nãy. Nhưng dáng đi hấp tấp hớt hải, cử chỉ đau xót choàng ôm con gái làm tấm thân dầy thấp của ông bỗng nhiên cao lớn hơn trước mắt Miên. Đăng lặng lẽ kéo nàng tránh ra, bước xuống hành lang đi về cuối vườn. Gió giữa đêm bắt đầu thổi mạnh, những vạt lá dừa, tàu chuối sẫm đen lắc lư tay vẫy. Mây sà xuống choàng lấy mặt đất tối, rồi thoắt lại hút lên chụp ngốn mảnh trăng đơn độc. Miên nhắm mắt lại, nàng muốn xua đi gương mặt người con gái ông Nguyên. Nhưng không, vòm tóc ôm đôi má hơi bầu bĩnh, chiếc cằm thuôn của Mơ hiển hiện, nhập trùng lẫn lộn với cô ta. Mơ cứ hơm hớp mở miệng định nói gì với nàng mà lời chẳng thoát khỏi bờ môi. Rời quê nhà đi mùa Saigòn không nắng, sang đến giữa hè năm sau Miên đang hùng hục học thi khoá nhì năm dự bị thì được biết Cương sửa soạn nhập ngũ và Mơ báo tin sắp dành đủ tiền về Phan Thiết. Chẳng hiểu có phải vì nghe đồn chị Mân đính hôn hay vì ‘‘Miên đi thành phố bỗng buồn’’ như Hưởng viết trong thư nên mỗi lần về phép Hưởng thường quay xe vào con đường Tú Xương tìm Mơ. Điều này làm Miên vui và yên tâm cho cả hai người, nhưng từ đó tin Đăng với Cương càng vắng. Có những làn sóng từ biển rộng đại dương cuồng nộ nổ bung phá tan tất cả đã đành, cũng có biết bao đợt sóng đời dập dềnh nhỏ đọn nhưng liên tục trào dâng và cùng một khả năng cuốn trôi đi những gì người ta đinh ninh rằng không thể mất. Tuy nhiên mất chẳng có nghĩa là quên, muốn quên đâu dễ dàng. Cuộc đời đe dọa lẫn khiêu khích con người bằng tính ẩn mật và thách đố, rồi lại thích chơi trò nổi cơn chấn động, quấy tạo bão tố, cố tình không để cho những gì muốn im xuôi nằm lặng trong quên lãng được ngủ yên. Kể từ đầu thu hai năm sau đó, ba lá thư lần lượt đến tay Miên, từ ba nơi khác biệt trên quê hương. Tờ thứ nhất dầy, đựng thiệp cưới của Đăng, không thêm dòng nào ngoài nét chữ đầy nam tính và đẹp. Miên giở ra rồi đút tấm thiệp trở lại trong phong bì, nàng không nhìn tên cô dâu lẫn ngày cưới. Suýt nữa Miên không thấy cả một cánh hoa tim tím xanh nhạt rơi trên mặt bàn. Màu hoa còn mới vẫn dịu dàng mong manh như khi xưa đôi lần Đăng hái giữa đồi núi gửi về cho nàng. Miên cúi xuống vuốt thật nhẹ rồi cẩn thận bỏ vào phong thư dán lại. Lá thư thứ nhì Miên nhận được từ Hưởng một buổi trưa nắng mùa đông theo gió bắc rực lên, nhức sáng. Cửa sổ căn phòng đại học xá nhìn xuống sân bóng sinh viên. Những chiếc lá cuối cùng của hàng bạch dương viền quanh rứt lìa, lốc theo cát bụi cuốn bay nhập nhoà với nắng, với những giọt nước mắt không ngừng Miên chảy ứa. Hưởng viết thật dài, thật dài về cái chết của Trang Thị Mơ. Tên gì toàn hoa với quả, mà lại là thứ hoa quả Miên hay đùa bảo sao không bình thường như cam chuối. Mơ đã về thăm mẹ và em dịp Tết năm ấy, cho Hưởng biết sẽ ở Phan Thiết ít lâu. Hưởng ra trường đổi về vùng 4 chiến thuật trận địa gay go, không còn dịp trở lại thành phố. Bẵng tin Mơ cho đến hôm được phép tất tả tới Tú Xương thì Mơ vừa tự tử chết được hai tuần. Mơ chẳng để lại một lời gì, cho bất cứ ai. Hưởng chờ đợi ngóng mãi mới gặp được người sơ trẻ thỉnh thoảng vẫn thấy đi cùng với Mơ. Những gì Hưởng được cô nói cho nghe sau bao nhiêu đắn đo cũng khá mơ hồ. Mơ đem số tiền nhỏ dành dụm về Phan Thiết, thấy mẹ bị ông chồng hành hung hằng ngày nàng quyết định ở lại, tìm cách kháng cự với ông ta. Một trưa nhà vắng, ông dượng hung dữ say khướt trở về tóm lấy Mơ trấn đầu vào vại nước cho ngất đi rồi xé toang quần áo, quật Mơ xuống cái mọp mẹ Mơ phơi cá khô ra chợ bán. Nhưng thảm kịch là bà mẹ không tin còn mắng chửi con gái đã cố tình khiêu khích ông dượng, rồi đuổi con đi. Mơ lên đường trở lại thành phố, thân thể luôn bốc mùi cá chết, tâm hồn tấm mọp tơi tả rách bươm, mặn chát muối biển. Tuyệt vọng, không có ai, không còn ai. Lá thứ ba cũng của Hưởng, gọn lỏn hai hàng. ‘‘Xác Cương đã được Đăng đem về Saigòn cho bà già, hôm nay chôn nó. Nghe đâu nó chết như mơ, như thằng Đăng hay nói.’’. Thêm một tái bút bên dưới: ‘‘Cũng vừa biết hôn phu Mân tử trận trước Cương mấy ngày’’. Những đêm khuya sau đó Miên quay cuồng với những giấc mộng chằng chịt vòng kẽm gai không lối thoát, bóng áo dài trắng phất phơ của Mơ cứ chập chờn khiến Miên chạy theo hụt đuổi. Thức giấc nàng còn thấy rõ như trên màn truyền hình buổi tối giờ tin tức, B52 nhả thòn thọt, từng trái bom dội xuống. Vùng đất tung toang khốc liệt bốc khói, những con người đê mê cuồng điên chạy trong ngọn lửa ấy có phải là hình ảnh hiện thực hay đấy là cơn mộng? Nhạc Bob Dylan quen dần bên tai cùng tiếng hát người bạn du học sang sau đem theo Kinh Việt Nam (3). Miên nghe lẫn trong giọng ma mị của Khánh Ly cả tiếng hát của Cương ‘‘người tình rồi quên, bạn bè rồi xa, những tháng năm, những dấu chân người cũng bụi mờ..’’(3). Đêm rền sâu trong tiếng côn trùng, nước đọng trên mặt lá rơi xuống vòng hồ giữa vườn tóc tách hoà âm. Văng vẳng vọng ra giọng nói cười từ phòng khách ông Nguyên như là cõi đời nào khác. Miên cất tiếng hỏi: - Tại sao anh bảo vì anh mà Cương chết? Đăng chẳng trả lời ngay, mãi lúc sau cất lên, rốc khô mà có gì hơi nghẹn đặc: - Chúng ta đều biết Cương đâu có bóng viá chịu đựng cảnh chết chóc lửa đạn. Em đi rồi, Cương cũng chẳng được hoãn dịch bao lâu. Sau hai ba cuộc hành quân, nó gần hóa điên, lần về phép thứ nhì nó đào ngũ. Trốn trui trốn nhũi, đôi khi nó chạy ra Trung tìm anh, rồi lại về tuốt Châu Đốc, trèo lên Đà Lạt. Bệnh suyễn tái phát mạnh, bà già nó luôn luôn co rúm, sợ nó bị bắt hay chết một mình ở nơi nào. Đợt hè 72, chiến tranh đến hồi tàn khốc quyết liệt, lính đào ngũ càng bị truy lùng ráo riết. Cương quá mỏi mệt với sự lẩn trốn, cũng không tránh khỏi dằn vặt trước những cái chết bạn bè, nó liên lạc hỏi ý anh. Anh gặp người trung tá chỉ huy quân đoàn cũ của anh, kể rõ tình trạng Cương và xin cho nó về trung đội ông, cho nó một việc làm tại chỗ tương đối an toàn không phải đi trận. Cương nghe lời anh ra trình diện ngay ở Phú Khánh nơi nó đang ẩn trốn. Trong khi chờ đợi chuyển ra đơn vị của viên trung tá, nó tạm lấy lại tinh thần. Nhưng chưa kịp đi thì Phú Khánh bị tấn công, đêm ấy Cương chết với cái kèn bất khả chia lià và một mẩu giấy ghi mấy dòng nhạc nó đang viết dở trong túi quần. Tội nghiệp bà già Cương… Miên để Đăng miên man, bây giờ nghẹn ngào: - Năm 73 em về thăm nhà, đến bác, bà chẳng nhận ra em, lơ ngơ hỏi: cô quen thằng Cương ra sao? Không đừng được nàng nấc lên, và Đăng chỉ đợi có thế là vội dang tay choàng qua vai Miên. Gió ủ đầy hơi ẩm, gương mặt môi se cùng sương tóc ướt, nàng co người và rung lên trong vòng ấm của Đăng. Mỏi mệt đè nặng trĩu, Miên cũng muốn gục vào bờ vai ấy. Đôi môi Đăng lướt trên những sợi tóc mai của nàng, nhè nhẹ lần xuống cổ quấn quít quanh vành tai. Cảm giác nao nao dâng lên tràn giữa ngực, một mùi hương gì kín ẩn hơn hương đêm lúc ấy thoảng ngấm không gian. Đăng kéo xiết bụng nàng, bàn tay tìm đường sau làn vải. Miên thả trôi đi trong giọng Đăng thao thiết gọi tên, giữa lũng trời chẳng còn gì ngoài gió nẩy mơn man. Không còn những cách trở sau bao nhiêu năm, chẳng còn những biến chuyển đổi thay đã đến trong đời và nếp sống cùng suy tư khác biệt của mỗi người, như thời gian đã quay ngược về khởi điểm để cảm xúc vẫn là nguyên thủy xưa, nhưng cộng thêm sự nóng bỏng, vội vã, mặn và nồng của một thứ tuổi người đã chín. Chợt ộp ộp bõm bõm, mấy con cóc ở đâu ùa ra nhảy chuyền trên mặt hồ nước thoang thoáng những tán lá sen. Miên ngước lên, nào ngờ trước mắt đầu hành lang bỗng rực sáng, tiếng nhạc tiếng trống lẫn tiếng người rầm rầm ồ ạt tung ra từ những khung cửa mở toang của tất cả các căn phòng. Bao nhiêu mặt nạ nối nhau ùa tới, cái nhe răng nham nhở, cái đen xì với những giọt lệ sơn trắng lân tinh, lão Quan Công bừng đỏ, cặp mắt chồn lao láo trên chiếc mũi nhọn, cả cái đầu sư tử râu tóc rựng chĩa của ông Nguyên. Giọng cười đùa mà như gào khóc, họ khiêng hai ba chiếc quan tài gỗ mộc của thằng nhỏ mặc quần xà lỏn mỏng tanh đã thò sát mặt vào Miên ngoài con đường lớn. Họ đi ào ào, ập đến như đoàn âm binh, theo sau một đám áo quần màu sắc nhoà nhoẹt bà vải ông đồng. Giữa đám phụ nữ già khằn, mặt gấp nếp như mớ giấy bồi, tóc tai xơ xác đâm ngược lên trời hay rũ rượi xõa xuống mấy con mắt bôi xanh bôi đỏ, con gái ông Nguyên phất phơ uốn lượn, trong suốt những chùm thịt da hồng nứt hồn nhiên, không mảy may che đậy. Đột nhiên cô dừng lại, tay túm lấy hạ bộ của thằng con trai đang lắc lẻo đuổi theo đòi tiền bán hòm, cô cười khanh khách. Rồi thì Mơ, Mơ quay đảo cái đầu có mái tóc tròn xoe đen nhánh, tay phất mớ tiền, tay kia cầm tấm mọp phơi cá quơ ngang mảnh ngực trắng rợn lộ ra qua manh áo rách bươm. Mơ ngất ngưởng ngó liên láo rồi chỉ vào một chiếc quan tài người ta đang dập dình lảo đảo khuân đi. Trên nắp, một bát hương đứng yên không đổ, ba cây nhang nghi ngút khói trước bức chân dung Cương lóe sáng. Miên run rẩy nhắm nghiền mắt, một phản xạ bức nàng đẩy xô Đăng. Đến khi chợp mở mắt ra, âm binh áo quần trống kèn đã rút biến. Lưng lưng một dáng người trắng toát nghiêng chao, lướt đi giữa hành lang hiu hắt ngọn đèn. Xa, trời đen mịt mùng. Những ngọn sao đã chìm rơi vào đất. -------------------------------------- (1) Nhạc Narcisso Yepes, (2) Qua giọng hát Johnny Hallyday, (3) Nhạc và lời Trịnh Công Sơn