Mỗi ngày, cứ gần ba giờ chiều, ông Tuyên dọn dẹp bàn giấy ở sở làm cho gọn ghẽ một chút, rồi đứng dậy đi ra. Biết thói quen của ông rồi nên chẳng ai hỏi gì, vì các người cùng làm việc với ông biết ông đi đón các con ông đi học về. Giờ này, coi như là giờ nghỉ trưa của ông. Mọi người mỗi ngày đều có 1 giờ nghỉ trưa, một số chỉ lấy nửa giờ thôi để ra về sớm. Ông Tuyên lại lấy trọn hai giờ vì ông phải đưa hai đứa con ông về nhà và chờ vợ ông về coi sóc các con thay vì gởi con nơi nhà giữ trẻ. Việc ấy làm ông phải trở lại làm việc thêm mấy giờ nữa, thành thử ngày làm việc của ông giống như dài hơn 8 tiếng bình thường mỗi ngày. Bà Tuyên mỗi sáng rời nhà từ 6 giờ rưỡi đến 4 giờ rưỡi chiều mới về tới nhà là lúc ông trở lại sở làm của ông. Ông thích vậy vì ông có giờ gần gũi với các con ông và có giờ nói và dạy thêm tiếng Việt cho các con ông hơn. Ông muốn các con ông dù sống ở nơi nào cũng nhớ về nguồn cội của mình.
Buổi sáng hôm nay, ông rất cảm động khi thấy bé Quân đưa cho chị nó trọn vẹn 5 đồng duy nhất của mình mà chẳng đòi hỏi điều gì. Ông thắc mắc không biết bé Mai, đứa con gái nhu mì của ông, sẽ làm gì với số tiền ông và bé Quân đã cho. Mười bảy đồng chẳng có là bao, chưa đủ cho ba cha con ông ăn ở các tiệm ăn nhanh ở Mỹ như McDonald, Burger King... Để cho con mua sách đọc thì có giá trị lâu dài hơn. Ông vừa lái xe đến trường bé Mai vừa suy nghĩ về cách đối xử thương yêu nhau của các con ông. Ông cầu mong chúng nó lớn lên vẫn tiếp tục thương yêu đùm bọc nhau.
Ông rẽ vào lối vào trường bé Mai và tạt sát vào lề đường, với tay sang cửa xe sau bên phải để mở cửa xe cho cô con gái. Cô bé vừa chào Bố vừa mở hẳn cửa xe, bỏ chiếc vĩ cầm xuống sàn xe, rồi lách mình ngồi vào ghế xe sau. Ông Tuyên mỉm cười chào lại rồi hỏi:
-- Hôm nay có gì hay ở trường? Con đã mua được gì rồi nào?
-- Dạ con mua một trò chơi điện tử cho Quân thôi\!
Ông Tuyên nhướng mắt nhìn con trìu mến hỏi:
-- Sáng nay con nói con muốn mua sách gì đó được ba giải thưởng văn học mà!
-- Dạ, con định mua cuốn đó, nhưng con thấy trong thư viện của trường có cuốn đó nên con đã mượn để đưa về đọc thôi Ba ạ.
-- Thế cũng được, đọc xong con thấy thích và muốn mua để đọc lại thì mua sau.
Ông Tuyên chờ cô con gái gài dây nịt an toàn xong thì lái xe vòng ra đường. Hai cha con đang trên đường đi đón bé Quân ở trường tiểu học gần đó thì bé Mai hỏi:
-- Bố ơi, Việt Nam nghèo lắm hở? Hôm nay trong giờ Lịch Sử thầy giáo con nói Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới.
-- Đúng vậy. Nghèo đến nỗi những đứa trẻ như con không được cắp sách vở đến trường con ạ.
-- Bố ơi, con mua trò chơi cho bé Quân giá 7 đồng. Số tiền 12 đồng Bố cho con còn lại 5 đồng, Bố cho con gởi về cho trẻ em Việt Nam nhé!
Ông Tuyên xúc động. Hằng năm ông vẫn dành dụm ít tiền gởi về Việt Nam cho thân nhân và các hội từ thiện nhưng chỉ giữa ông và bà biết với nhau thôi, chứ không muốn con cái mình bị mặc cảm là quê hương của bố mẹ chúng nghèo đến nỗi nhiều người cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc và nhiều trẻ em không được đến trường. Ông bà đã sai lầm, không ngờ trái tim trẻ thơ lớn hơn là mình tưởng tượng.
Ông dừng xe trong bãi đậu bên kia đường của trường tiểu học. Hai cha con mở cửa xe cầm tay đi bộ và băng qua đường đón bé Quân. Bé Quân, túi sách trên vai, áo lạnh không gài mặc dù trời lạnh chạy ào tới ôm chị và bố. Ông Tuyên nhẹ nhàng nói:
-- Trời lạnh, sao con không cài áo lạnh vào?
-- Con không lạnh Bố ạ
Thằng bé trả lời rồi quay sang bé Mai hỏi:
-- Chị mua được gì không?
-- Được, chị mua được một món quà bí mật cho em!
-- Cái gì thế?
-- Bí mật mà, ra tới xe thì biết!
-- Chị xài hết tiền em không?
-- Không, tờ giấy năm đồng đó của bà tiên răng cho em còn mới toanh, chị không nỡ xài, để dành cho em giữ. Chị mua bằng tiền Bố cho.
-- Tiền Bố cho làm sao đủ để mua quà cho em?
-- Chị không mua cuốn sách chị thích, chị mượn thư viện trường rồi! Chị còn dư cả năm đồng, nhưng chị xin Bố cho chị gởi về cho trẻ em Việt Nam. Hôm nay chị học nói Việt Nam là một nước nghèo.
-- Có nghèo như Phi Luật Tân, nước của Vicky mà bố mẹ gởi tiền mỗi tháng giúp đỡ không?
-- Chắc nghèo hơn, bố nói có nhiều trẻ em không được đi học phải đi làm thuê đó!
Bé Quân ngẩng mặt nhìn ông Tuyên:
-- Thật vậy hở Bố?
-- Ờ thật vậy, để hôm nào, Bố tìm hình ảnh Việt Nam cho các con coi.
-- Vậy Bố cho con gởi 5 đồng của con cho họ luôn nha!
-- Được, Bố sẽ gởi cho các con. Sự thương yêu nhau và lòng quảng đại của các con làm bố xúc động lắm. Bố mẹ rất sung sướng có những đứa con giàu lòng thương người như vậy. Về nhà, Bố sẽ cho các con coi hình và thư từ các hội từ thiện giúp đỡ người Việt Nam như hội KMF, như Hội Tình Thương để các con mỗi đứa chọn một hội gởi tiền hằng năm. Bố mẹ sẽ bỏ thêm con số không vào sau số tiền các con muốn gởi, được không nào.
Bé Mai hỏi:
-- Như vậy 5 đồng của con thành 50 đồng hở Bố?
-- Đúng, tiền của con cho được tăng gấp mười lần mà!
Bé Quân hứng chí nói:
-- That's cool, Dad!
Bé Mai hỏi:
-- That's cool, tiếng Việt nói làm sao Bố?
-- Tuyệt cú mèo!
Bé Quang trố mắt nhìn tôi:
-- Sao bố nói Excellent Owl, Cat?
Ông Tuyên cười ha hả nói:
-- Không phải, tuyệt cú mèo là kiểu nói that's cool, that's excellent thôi các con ạ trừ khi hai đứa con một đứa làm cú một đứa làm mèo!
Ông làm mặt nghiêm trang xoa đầu hai đứa nói bằng tiếng Anh:
-- My owl and my cat, you are both excellent! (Con cú và con mèo của Bố, cả hai con tuyệt lắm!)
Cả ba cùng cười to vui vẻ giữa bãi đậu xe. Bé Mai và bé Quân lập lại bằng tiếng Việt:
-- Tuyệt... Cú... Mèo!
Nguyên Đỗ
 

Xem Tiếp: ----