Mặt sông buổi chiều còn loang một vệt mặt trời mầu cam đỏ. Gió nồm thổi hiu hiu. Hai đứa tôi dắt tay nhau đi lững thững đến một bãi cỏ mé bờ sông. Hạnh đòi ngồi xuống. Cỏ xanh rì và ướt lạnh vì đang mùa mưa. Tôi loay hoay rút một chiếc dép lót ngồi. Hạnh xòe bàn tay vuốt nhẹ lên mặt cỏ, gương mặt trẻ trung sáng lên với cái nhìn trìu mến:
- Chị Hà có thích cỏ hôn? Em thích cỏ ghê nơi!
Có khi tôi cũng thích cỏ lắm. Cỏ nói chung thì đa dụng. Với cỏ người ta có thể làm thơ, làm thuốc nam, làm phân xanh, hay làm cái thứ gì nữa, chẳng biết. Nhưng bình thường thì tôi không cảm tình với cỏ nhiều. Nhất là những ngày nghỉ tôi về thăm ông ngoại và phải ra vườn làm cỏ với ông. Vừa làm cỏ, vừa nghe ông đọc thơ Lục Vân Tiên và giảng đạo lý làm người. Hạnh vẫn âu yếm đùa với những lá cỏ:
- Thế nào mỗi thứ cỏ cũng có một cái tên chứ, chị? Sao em chẳng thể nào biết tên các loài cỏ.
- Hồi xưa nhà chị có một bộ "Cây cỏ miền Nam", trong đó có vô số cỏ, thứ nào cũng có tên họ đàng hoàng. Có lần chị ra vườn nhỏ đủ loại cỏ vô giở sách ra xem chúng tên gì. Rốt cuộc, chị cũng chẳng nhớ được tên cỏ nào hết.
Hạnh trầm ngâm vài giây:
- Mai mốt xuất ngũ, em sẽ đi trồng cỏ.
Và Hạnh cười hồn nhiên, đôi mắt thoáng màu cỏ xanh mơ ước. Nhìn Hạnh, tôi không nghĩ đó là một câu nói đùa, nhưng tôi cũng không quan tâm đến cỏ cho lắm. Tôi hỏi:
- Chừng nào em xuất ngũ?
- Em không biết. Em chưa định xuất ngũ lúc này. Nhưng một lúc nào đó, thí dụ em không còn sức khỏe để phục vụ trong quân đội, hay chiến tranh chấm dứt chẳng hạn, thì em sẽ xin làm người trồng cỏ.
Tôi thở dài nhìn đứa em họ. Tóc Hạnh đã cắt ngắn. Còn vóc dáng, da dẻ vẫn bình thường. Hồi ở nhà, Hạnh cũng nhỏ nhắn, ngăm ngăm đen như vậy. Cái nhìn vẫn trong sáng, nụ cười vẫn thơ ngây. Vậy mà tôi nghĩ, sau ba năm đi bộ đội, chắc Hạnh đã trải qua những gì kinh khủng nhất của chiến tranh. Khi Hạnh vào bộ đội và xin sang công tác ở nước bạn, họ hàng tôi ai cũng phản đối và xem Hạnh như một đứa con gái bất bình thường. Chơi với Hạnh từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ âm thầm cảm thông với những lý do đã thúc giục Hạnh hành động, chứ cũng chẳng dám nói gì. Người ta thường nói, ở lứa tuổi mười tám đôi mươi của đời người, có những ngọn lửa bùng cháy lên trong tim, rồi nhanh chóng lụi tàn đi, hoặc cháy mãi mãi, thắp sáng lên ý nghĩa đời người. Những ai đã qua rồi cái tuổi đó, lỡ để tắt rồi ngọn lửa ấy, sẽ chẳng thể nào hiểu được những trái tim trẻ. Tôi chỉ hơn Hạnh một tuổi, những lúc nghĩ về Hạnh vẫn nghe lòng mình náo động những khao khát một cuộc sống anh hùng, một cuộc đời cao đẹp. Từ khi Hạnh đi đến giờ, hai đứa tôi mới lại được gặp nhau, khi tình cờ cùng về thăm ông ngoại. Hạnh trước mặt tôi, chẳng có nét gì của người nữ anh hùng như bà Trưng, bà Triệu, hay nữ thánh Jane, như phác họa trong trí tôi. Vẫn giọng nói nhỏ nhẹ, tiếng xưng em ngọt ngào, và nguyện vọng tầm thường nhất trong thiên hạ, "làm người-trồng-cỏ".
Nước triều đang dâng từ từ. Tôi thòng chân xuống, nói với Hạnh là chừng nào nước dâng ngập đến mắt cá chân tôi, thì mình phải về nhà. Lúc sẫm tối, gió ngoài sông thổi vào lạnh lắm. Nhưng Hạnh muốn ngồi chơi lâu hơn nữa, và nói chuyện hoài về những loài cỏ.
- Em chỉ biết tên cỏ-dế-ăn thôi. Tự vì hồi nhỏ em hay theo tụi bạn trai đi hái cỏ về cho dế ăn. Dế thích cỏ này lắm. Trông cỏ mảnh mai, dài thon thả, màu xanh biếc, ngon lành hết sức. Có lần em cũng thử ăn...
Hạnh đưa một cọng cỏ vào miệng nhấm nháp. Tôi biết là cỏ gấu, nhưng vẫn chấp nhận cái tên cỏ-dế-ăn của Hạnh. Mặt trời đã lặn tự bao giờ. Để Hạnh thôi nói về cỏ, tôi hỏi:
- ở bộ đội có gì vui, kể chị nghe với!
- Kể chị nghe chuyện gì?
Hạnh nhìn ra sông như tìm chuyện.
- Hồi ở Bộ tư lệnh là nhiều chuyện vui nhất. Cả đám nữ tụi em mới xa nhà, tha hồ nghịch ngợm, ca hát. Mấy chú biểu đồ con nít mà cũng bày đặt làm đơn xin ra biên giới.
- Rồi làm sao em lại được ra biên giới?
- Em xin riết phải cho. Đến khi ở bên nước bạn, nhiều khi em thèm một người bạn gái để nói dóc dễ sợ. Vì cả đơn vị chỉ có mình em là nữ. Có những điều của con gái chẳng biết chia sẻ với ai hết. Lần đầu tiên em hành quân, cả một đội quân đi dài thòng mà chỉ có một mình em là con gái, lại mới đến. Đường dài mười mấy cây số xuyên rừng và đồng lầy. Đang đi em mắc tiểu quá chừng mà chẳng biết làm sao. Em không dám kểu cả đội quân dừng lại chờ em đi tiểu. Em không dám một mình tụt lại phía sau. Em ráng đi lẹ lên, cử động nhiều cho đổ bớt mồ hôi ra. Bụng dưới cứ tưng tức anh ách khó chịu ghê đi. Em cố dụ lòng mình là ráng chút xíu, chút xíu nữa thôi. Càng bước, bụng em càng nhói nhói đau, muốn khóc luôn. Mà em không dám để lộ ra, không dám nhăn mặt nữa, sợ mấy anh cười, hiểu lầm em chưa quen đi bộ. Em mở mắt nhìn chỉ thấy hào quang đổ xanh đổ tím. Mấy bận em sợ điếng người luôn, cứ lo mình nín quá, bể bàng quang mà chết!
Hạnh bật cười như tự cười cái lo sợ của mình:
- Vậy mà rồi, em cũng đi tới nơi tới chốn. Dần dần em thấy sức chịu đựng của con người thiệt lớn. Có những điều khi chưa trải qua mình cứ tưởng tượng ra mà phát sợ. Nhưng bây giờ thì em hiểu rằng trên cõi đời này không có gì khủng khiếp cả, khi lòng mình vẫn còn tin yêu cuộc sống. Hồi trước em sợ bom đạn và nghĩ rằng nếu bị thương chắc chết quá. Đến khi chính em bị thương, em lại không thấy đau đớn như đã tưởng.
Tôi ngắt ngang Hạnh, tò mò:
- Em đã bị thương rồi sao?
Hạnh cười, lắc đầu:
- Nhẹ thôi, không đáng gì hết.
- Kể chị nghe đi.
Hạnh không chịu kể. Hạnh thích tiếp tục chuyện đang nói về cuộc sống ở bộ đội.
- Để lát nữa em kể. Năm ngoái em đóng ở một phum đã bị phá hoang tàn. Có một cái giống cái ao, vài cơn mưa đầu mùa đọng lại vũng nước trong đó. Các anh bộ đội vét đáy ao để chứa nước những cơn mưa sắp tới. Từ dưới lòng ao vét lên bao nhiêu là đầu lâu, xương tay, xương chân, xương sườn lớn nhỏ, dài ngắn đủ cỡ. Vậy mà hôm trước mới đến, thiếu nước dùng, cơm canh tắm giặt gì cũng ao nước đó. Lúc ấy em lại đang kỳ kinh nguyệt, cũng ao nước đó, rửa ráy, giặt giũ...
Tôi rùng mình, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống. Hình như gió từ sông lớn thổi về rồi. Tôi kéo tay Hạnh:
- Thôi, về nhà. Tối rồi.
Hạnh đứng dậy, ngẩng nhìn bầu trời cao rộng mênh mông mới lác đác vài vì sao.
- ở nhà, chị có hay nhìn lên trời để đếm những vì sao không?
Tôi không thích đếm sao, vừa mỏi cổ, vừa nhức đầu. Những vì sao bình thường thì vẫn đâu ở đấy, nhưng khi mình đếm, chúng cứ chạy lung tung. Nhưng tôi vẫn đáp có. Hạnh nắm tay tôi đứng dừng bên bờ sông. Bàn tay Hạnh ấm, hay vì bàn tay tôi buốt lạnh, tôi cũng không rõ nữa. Hạnh chỉ cho tôi xem:
- Kia là sao chiến sĩ, mũi lưỡi kiếm chỉ hướng Nam. ở nước bạn, mỗi lần nhìn lên bầu trời em lại nghĩ rằng nếu mẹ mình, em mình, bạn bè mình đêm nay nhìn lên trời, sẽ thấy những vì sao sáng mà mình đang nhìn đây. Những lúc nghĩ vậy, em cảm động muốn khóc. Và thấy mình gần gũi với những người thân thuộc hết sức.
Hai đứa tôi đứng yên đến mấy phút để ngắm bầu trời thăm thẳm, nghe chung quanh bóng tối đen dần. Hai chị em, suýt soát tuổi nhau vẫn thường xem như đôi bạn. Hạnh chợt nắm chặt tay tôi, thấp giọng hỏi:
- Chị có sợ chết hôn?
Câu hỏi đột ngột, tôi không biết trả lời sao. Nghe nói, những người sống mãnh liệt nhất thì không sợ chết. Còn những kẻ sợ chết thì không sống bao giờ. Nhưng mà...
Tôi bỗng nghĩ đến những chiếc sọ người vét từ dưới đáy ao lên, bất giác quay đầu nhìn ra sau lưng. Gió thổi qua những ngọn dừa nghe xào... xào...
- Tụi mình về nhà đi. Vừa đi vừa nói chuyện cũng được.
Tôi cảm thấy bóng đêm không được an toàn lắm và thâm tâm cũng không muốn tiếp tục loại chuyện Hạnh đang hứng nói. Tôi không có khiếu triết lý. Tôi hài lòng với hiện tại, tự thấy mình là một con người bình thường, có một chỗ đứng vừa phải, đôi khi cũng được bầu lao động tiên tiến hay chức vụ phó này phó nọ. Cho nên nói chung thì tôi chưa thật sự tha thiết sống và cũng hơi sợ chết. Đối với những hành động anh hùng, những việc phi thường, những vấn đề cao xa... thái độ chung của tôi là "kính nhi viễn chi". Tôi những tưởng Hạnh sẽ có những chuyện dí dỏm hay là lạ kể nghe cho vui. Tôi cố tình lái câu chuyện về những cái có tính con gái nhất, như bếp núc chẳng hạn. Ngày còn ở nhà Hạnh vốn đảm đang, nhất là nấu nướng giỏi.
- Chắc ở bộ đội, em làm hậu cần?
- Một thời gian thôi, bây giờ em ở bên quân y. Hồi còn làm hậu cần, có lần em làm cá. ở "bển" có những con cá lóc bự thiệt bự, đầu cá bằng đầu gối em lận. Khi đập vô đầu cá em thấy con cá giãy lên đành đạch, vây mang vây lưng run lên như bơi chới với trong không khí, em tự nhiên thấy tay mình run theo. Em chờ con cá chết hẳn mới dám cầm lên lóc vảy. Vậy mà khi lưỡi dao phạm vào mình cá, nó vẫn còn giãy một cái mạnh đến nỗi văng cả thớt lẫn dao. Cứ nghĩ rằng có một sinh vật đang cố vùng vẫy tuyệt vọng trong tay mình để đòi được sống, em cảm thấy làm sao ấy! Cứ lợm giọng rùng mình hoài. Ngay cả sinh vật hạ cấp như loài cá cũng muốn sống, phải hôn chị? Ngay cả khi nó không hề ý thức gì về sự sống, nó cũng có những phản ứng sinh lý đòi sống huống chi là con người. Em cứ nghĩ là được sinh ra đời, con người tối thiểu phải có quyền được sống. Nhưng chị biết hôn, những cái sọ người vét dưới ao lên hầu hết đều bị bể, dấu vết của những cán cuốc đập vào đầu. Những người đã bị đập đầu chắc khi phải chết, họ còn muốn sống lắm. Càng trẻ người ta càng ham sống. Mà trong những cái sọ ấy có những cái sọ nhỏ của trẻ em. Chắc là khi bị đập đầu cho chết, họ cũng giãy giụa, cũng làm mọi cách để níu lấy cuộc sống. Và nếu là trẻ em, chắc chúng òa lên khóc và có đứa kêu cứu "má ơi!..."
Có một ngọn gió lạnh buốt thổi dọc xương sống tôi. Làm sao người ta có thể đập lên đầu đồng loại mình, thản nhiên như đập đầu cá lóc, hàng loạt, hàng loạt...
Trăng hạ tuần bây giờ mới lên. ánh trăng nhạt run run trong bóng lá cây rọi xuống con đường đất nhỏ. Những điều Hạnh nói hôm nay chắc là vẫn được xào đi nấu lại, trong đầu Hạnh rất nhiều lần. Có thể ngay cả trong giấc chiêm bao của Hạnh, những chiếc sọ người cũng hiện diện. Hai đứa tôi về đến nhà, ngồi trên thềm chơi. Mấy đứa nhỏ con cậu tôi hỏi hai chị có muốn đi bắt chim hôn? Chim ngủ trong bụi cỏ lau dọc bờ sông, mình bơi xuống nhè nhẹ sát vào bờ, bất thần rọi đèn soi vào, chim không kịp bay đi, mình bắt dễ ợt. Bắt chim về mai quay ăn. Hạnh từ chối nhưng dặn theo là nếu bắt được con nào dễ thương cho chị xin để nuôi. Tôi cười với Hạnh:
- Lúc này em coi bộ hiếu sinh dữ?
- Không phải em ở xứ Phật, mà sợ tội sát sinh. Nhưng chị đã từng cầm một con chim trong lòng bàn tay chưa? Chị sẽ nghe trái tim con chim đập trong tay chị, và lòng bàn tay chị sẽ ấm dần. Lúc ấy chị sẽ thấy đáng trân trọng, nâng niu một cuộc sống trong tay mình biết bao!
Bỗng nhiên Hạnh có vẻ đăm chiêu. Tôi cảm thấy ba năm mà Hạnh của ngày xưa hoàn toàn rơi mất theo thời gian. ở bên trong cái bề ngoài không thay đổi, tôi dần khám phá qua câu chuyện của Hạnh, một tâm hồn kỳ diệu. Những ngọn cỏ, những con chim... cũng gợi trong Hạnh những suy nghĩ về cuộc sống. Sao mà Hạnh luôn bận rộn với những điều mà chẳng mấy khi nào tôi quan tâm, dù luôn rảnh rỗi. Hạnh chợt trở lại câu chuyện:
- à, để em kể chị nghe lần em bị thương. Hôm ấy có một trận đánh với bọn tàn quân PônPốt. Trong một trận đánh có những tình huống không dự tính trước. Tình huống của em lúc đó là phải đưa một đồng chí bị thương ra khỏi chiến trường. Em không có phương tiện gì cả. Vết thương nặng và anh ấy đã mê man. Em thử cõng anh ấy, và kỳ lạ là em cõng nổi và đi được. Trong đủ các thứ tiếng chói tai của chiến trường, em vẫn nghe rõ tiếng trái tim anh ấy đập trên lưng em. Nhịp đập gấp, có lúc yếu dần đi rồi gấp dậy, dồn dập, như muốn nói điều chi tha thiết lắm; rồi bỗng yếu đi, yếu dần đi tưởng như im luôn; chợt sôi nổi trở lại như không đành yên, không thể yên. Trái tim ấy gắng gượng lần nữa, lần nữa, rồi kiệt sức hẳn. Khi không còn nghe nhịp đập trái tim trên lưng mình, em không tin. Em đặt anh nằm xuống. Đôi mắt anh vẫn mở, gương mặt trẻ và đẹp. Em áp sát tai mình vào ngực anh nghe thật lâu, nghe cả hai tai, vẫn không nghe thấy gì. Em không tin cả hai tai em. Em lại cõng anh lên, hy vọng lại nghe thấy trái tim anh còn đập trên lưng mình. Nhưng chỉ có trái tim trong lồng ngực em đập thảng thốt. Có thể nào chăng? Em đặt anh nằm xuống. Đôi mắt anh nhìn lên bầu trời cao thăm thẳm. Em không ngẩng nhìn lên, nhưng em nhìn vào đôi mắt ấy, và biết trời hôm đó xanh vô cùng. Em ngồi lặng yên, không nghĩ đến việc đưa tay vuốt cho đôi mắt ấy khép vĩnh viễn. Anh ấy còn trẻ lắm, độ bằng tuổi em thôi. Lần đầu tiên trong đời, một tình cảm gì, như nỗi căm hận, tiếc thương, từ từ dâng trào lên rồi dồn ứ ở cổ. Nào anh ấy có phải là người thân yêu gì của em đâu. Một hai lần em có gặp ảnh, nhưng chưa biết tên, chưa quen nhau. Vậy mà sao lúc ấy thấy gần gũi, mến thương kỳ lạ. Nếu không có bọn người đập đầu đồng loại bằng cán cuốc kia, chắc là ảnh sẽ gặp em ở một nơi khác hơn là nơi đây, một công viên đầy hoa chẳng hạn, biết đâu tụi em chẳng làm quen nhau, yêu nhau, cưới nhau, rồi sanh con đẻ cái... ừ! Tại sao không? Tụi em còn trẻ, đời còn dài, còn chứa chan ước vọng. Em đứng lên. Bỗng một cảm giác nhói đau, ở đâu đó gần vai, làm em lảo đảo ngồi xuống. Trong đôi mắt anh, đôi mảnh trời xanh bao la. Em muốn đưa tay vuốt đôi mắt ấy, nhưng không cử động cánh tay được nữa. Em được đưa về y viện như thế nào em cũng không biết. Vết thương không có gì ghê gớm lắm. Nhưng những ngày ở viện, em cứ nghĩa hoài đến những đồng chí mình đã hy sinh. Lúc ấy, có một ai nào đó đã đọc cho em nghe một bài thơ, không nhớ của ai nữa. Bài thơ đại ý nói là vào những năm bom Mỹ còn giội trên miền Bắc, những lề đường, những góc phố Hà Nội đã được đào lên làm hầm hào, công sự. ở những nơi đó, có những người đã chiến đấu, bắn máy bay, bảo vệ thủ đô, và đã hy sinh. Khi hòa bình, hầm hố được san lấp. Trên lề đường, công viên, người ta trồng lại cỏ. Và mỗi buổi chiều, từng lứa đôi dắt tay đi dạo, họ ngồi trên ghế công viên, tâm tình và nói đến tương lai, có khi họ trao nhau cái hôn đầu tiên nữa. Trên đầu họ, trời cao thanh thản, và dưới chân họ, cỏ xanh dịu dàng ca hát. Bài thơ làm em thao thức hoài. Em nghĩ đến màu cỏ xanh. Những bãi cỏ mượt mà tươi thắm, trải dài dưới chân mình bước. Những ngọn cỏ với sức vươn lên mãnh liệt. Em bỗng ước mơ mình sẽ là người đi trồng cỏ, và ước mơ ấy được ấp ủ trong lòng em cho đến bây giờ. Chị biết không, mỗi lần qua một phum sóc hoang tàn nào, là em lại tưởng tượng đến hình ảnh của một ngôi trường với một sân chơi nho nhỏ. Em sẽ trồng cỏ trên sân ấy, để trẻ em chơi có té ngã cũng không đau. Và trong lòng em cứ vang lên không thôi tiếng các em hồn nhiên nô đùa, không kinh hoàng hay nơm nớp lo sợ những lưỡi cuốc chỉ chực bổ xuống gáy mình...
Tôi đặt bàn tay mình lên vai Hạnh. Tôi hiểu chứ, khi còn trên trái đất này những kẻ đập đầu đồng loại bằng cán cuốc, thì còn cần những người tiêu diệt chúng. Nên Hạnh và bạn bè còn chịu đựng gian khổ, hy sinh. Nhưng khi không còn chúng nữa, sẽ cần nhiều, rất nhiều những người-trồng-cỏ.
Đêm lồng lộng những cơn gió từ sông lớn thổi về. Tôi nhìn ra vườn, dưới ánh trăng lợt lạt, không thấy cỏ mầu xanh. Sương đêm bắt đầu làm không khí ẩm lạnh. Lần đầu tiên tôi cảm thấy quả thật vạn vật không ngơi nghỉ về đêm. Hình như chung quanh tôi, cây cỏ đang nảy lộc, đâm chồi. Có thể ở bãi cỏ trước sân nhà ngoại tôi đây, đang mọc lên những ngọn cỏ mới, màu cỏ xanh non nhạt mà phơi phới sức sống. Sáng mai vô tình tôi sẽ giẫm qua mà không biết đau. Tự nhiên tôi nghe tim mình đập nhanh như đang thổn thức. Hạnh cầm bàn tay tôi ân cần:
- Chừng nào rảnh, chị qua nhà má em chơi. Mỗi lần em về, rồi đi, là má em làm mặt giận. Mà chị đừng kể cho má nghe chuyện em bị thương nghen. Má ưa lo này lo nọ lắm, nên em không hề cho má biết gì hết. Chị đừng kể nghen!
- Chị không kể đâu.
Từ trong đêm vọng lại tiếng "rào... rạt... rào...". Hai đứa tôi ngồi yên lắng nghe. Ngày mai Hạnh lại về đơn vị. Và lòng tôi lần đầu tiên thấy bồn chồn một nỗi gì. Tay Hạnh vỗ bàn tay tôi, tha thiết:
- Chị có nghe hôn? Con sông đang thở đó.
Tôi nghe. Chắc là con sông phải ngày đêm lao ra biển bằng tất cả sức lực của mình, nên mới thở dữ dội vậy. "Rào... rạt... rào". Tôi ngồi im nghe.
Hai giọt nước mắt không ngờ, ứa nơi khóe mắt tôi. Tôi để mặc nó rơi. Những giọt nước mắt tội nghiệp cho mình. Tôi ôm Hạnh muốn nói cám ơn mà không nói được. Bao lâu nay, tôi vẫn biết con sông chảy nhưng không hề nghĩ, không hề biết con sông với bộ mặt hiền hòa ấy đang sống, đang thở mãnh liệt đến như vậy. Mỗi ngày hai bận con nước triều lên xuống, tôi chỉ nghe tiếng sóng vỗ vào bờ "rào... rạt... rào". Và ngay đến cỏ, có bao giờ tôi nghĩ đâu rằng, cỏ vẫn ngày đêm âm thầm ngợi ca cuộc sống bất diệt, bằng chính màu xanh vĩnh viễn của mình./.
1981
 

Xem Tiếp: ----