Người đàn ông hơi có tuổi đứng nhìn chăm chăm vào bức họa vẽ khuôn mặt một thiếu nữ còn trẻ lắm, khoảng đôi mươi, tóc dài óng mượt xõa ngang vai. Ông như xúc động mạnh. Ông hết nhìn bức tranh rồi lại nhìn qua một thiếu nữ trẻ khác vừa ở trên lầu đi xuống và đang đứng bên cạnh ông, rồi lại nhìn bức tranh, rồi lại nhìn cô, và lần này thì như ông có ý muốn hỏi điều gì. Cô gái tóc ngắn như hiểu ý, nhoẻn miệng cười: − Không phải cháu đâu, bác! Người trong bức tranh là mẹ cháu đó! − Cháu tên gì? − Đoan Trang. Đoan, Đoan! Ông vụt hỏi nhanh: − Còn mẹ cháu có phải tên là Khánh Đoan không? − Đúng rồi! Sao bác biết? − Bác là bạn thân của mẹ cháu. − Bác Luân! Phải bác là bác Luân không? Người đàn ông gật đầu thay cho câu trả lời. Cô gái vui vẻ nói: − Mẹ cháu nhắc tới bác hoài. Bấy giờ, Ý Nhi, cô cháu của người đàn ông đang ngồi nơi xa- lông mới lên tiếng, hỏi lại: − Cậu quen mẹ của Đoan Trang thật à?...Có phải...? Cô ngập ngừng rồi không hỏi nữa, vì xem chừng cô đã biết câu trả lời. Cô tảng lờ: − Đoan Trang với mẹ Đoan Trang giống nhau ghê cậu nhỉ? Bà vẫn còn trẻ lắm, chẳng khác với bức tranh là mấy. Đi ra đường chắc nhiều người nghĩ đây là hai chị em! Rồi quay sang bạn, Ý Nhi nói: − Đây là cậu Út của mình. Cậu ở tiểu bang xa đến thăm mình và hôm nay cậu đưa hai đứa mình đi ăn, mình đã dặn trước Đoan Trang là đừng ăn cơm nhà tối nay là vì vậy. Từ phòng khách, ông nhìn vào trong lối đi hẹp như có ý kiếm ai. Thấy vậy, Đoan Trang nói: − Mẹ cháu không có ở nhà. Cậu Út của Ý Nhi là Professor Nguyễn, một giáo sư đại học, vừa bước vào tuổi trung niên, mái tóc chỉ mới lẫn vài sợi bạc. Ông mang cặp kính khá dày, nhưng mặt ông vẫn giữ nét đẹp, lanh lợi của thời trai trẻ. Đám học trò đoán hẳn hai chục năm trước, cũng có người say mê ông hay có nhiều người thích ông. Người ông tráng kiện, bụng thon, vì ông có thói quen bơi lội mỗi sáng trước khi đến trường. Ông trong ban giảng huấn của ngành điện. Tay ông đeo nhẫn như là ông đã lập gia đình nhưng thật sự thì ông không có vợ và chưa từng có vợ. Ông ít nói về đời sống riêng của ông nên ngay cả đồng nghiệp cũng không hiểu rõ về ông để về kể cho vợ họ nghe, để rồi một chút ít về ông được lọt ra ngoài, chỉ biết là ông sống một mình. Bao nhiêu năm đi đi về về trong căn phòng thuộc trường đại học. Căn phòng nhìn xuống con lạch uốn khúc, có chiếc cầu gỗ bắc ngang, hai bên bờ có hàng liễu rũ. Thuở đó, ông cũng có người yêu. Khánh Đoan. Hai người yêu nhau với sự chống đối quyết liệt của mẹ Khánh Đoan. Luân không cùng tôn giáo với gia đình bà. Bà cho là những người không tin Chúa là ở ngoài chơi với ma quỷ! Ba của Khánh Đoan là ông Huấn đã chịu rửa tội theo đạo của bà khi bà bằng lòng lấy ông. Bây giờ, bà cũng muốn Luân học đạo, vô đạo, rồi bà mới chịu gả Khánh Đoan cho Luân. Nhưng Luân không giống ông Huấn. Luân không muốn bị ai bắt ép theo đạo, dù người đó là mẹ của người yêu mình, và dù chàng đã yêu Khánh Đoan tha thiết. Khánh Đoan mạo hiểm cho tình yêu, có ý chờ anh rủ nàng bỏ nhà ra đi lập tổ uyên ương, nhưng anh còn lý tưởng quá, anh không cho việc ra đi như vậy là một điều chấp nhận được. Anh còn nghĩ với tình yêu chân thật của hai người, mẹ của Khánh Đoan trước sau gì cũng bằng lòng cho họ lấy nhau. Anh khuyên nàng kiên nhẫn, và anh cũng nói, giả dụ anh ở vị trí của bậc làm cha mẹ, anh cũng sẽ đau lòng lắm nếu con cái bỏ nhà ra đi như vậy. Nhưng anh lầm. Tình yêu chân thật đó không lay chuyển được trái tim sắt đá của mẹ Khánh Đoan. Bà vẫn bắt Khánh Đoan bỏ Luân và ép nàng đi lấy chồng. Thuở đó, Luân có khiếu về hội họa. Anh tự học. Anh thích vẽ vào những lúc rảnh rỗi. Anh vẽ cho Khánh Đoan được một bức mà anh vừa ý nhất. Anh tặng cho Khánh Đoan bức ấy. Ngày cuối gặp nhau, Luân nói: − Em đi lấy chồng...chắc không tiện giữ bức tranh...em cho anh xin lại. − Em cũng nghĩ vậy. Anh nói thêm: − Để anh vẫn có em bên cạnh... Nhưng rồi một phút sau nàng buồn bã đổi ý: − Thôi cho em mượn. Vật gì cũng trả lại cho anh thì em không còn gì để mang theo nữa. Nếu sau này gặp lại, anh còn đòi thì em trả. Rồi nàng đi lấy chồng. Mẹ nàng gả con cũng chỉ vì nghe qua cái danh của gia đình bên người ấy. Bà khuyên nàng, được làm dâu nhà ấy là phúc đức mấy đời, với lại họ cùng tin Chúa như gia đình mình, dễ dàng thông cảm nhau. Người chồng lớn tuổi xử tốt với nàng. Nhưng nàng sống với sự trống vắng trong lòng. Chỉ từ khi có Đoan Trang, nàng bận rộn trong bổn phận làm mẹ, là nàng thấy hạnh phúc nhất. Năm năm trước người chồng đau bệnh nan y và mất. Từ đó, hai mẹ con lại càng gần gũi nhau thêm. Chồng để lại một gia sản đáng kể nên nàng và con không phải bận tâm lo lắng về chuyện mưu sinh. Mẹ con thường tâm sự với nhau, vì vậy mà Đoan Trang biết được mối tình ngày xưa của mẹ. Ở tuổi mới lớn, Đoan Trang thấy những mối tình dang dở thật là tội nghiệp. Và cô bắt mẹ cô hứa là mẹ sẽ không cản trở việc yêu đương của cô nếu cô gặp và yêu ai. Nói tới đây, cô cười: − Bây giờ thì mẹ chưa phải lo, vì con chưa yêu ai. Hì hì... Thấy ông cậu chừng đó tuổi mà vẫn chưa chịu lập gia đình, cô cháu Ý Nhi mới tính làm mai mẹ của bạn cho cậu. Qua những lần phôn, và những lần e-mails, cô dụ được ông cậu bay qua đây chơi. Ai dè! Hai người đã biết nhau trước rồi. Ý Nhi nói nhỏ điều gì bên tai cô bạn. Ông Luân thấy cả hai vui vẻ lắm. Ông làm ra vẻ không để ý hai cô nhỏ mà vẫn chăm chú nhìn bức tranh, vì đây chính là bức tranh ông thích nhất và ngày đó ông có ý muốn người yêu để lại cho ông giữ. Hồi lâu ông Luân lên tiếng nhẹ, hỏi Đoan Trang: − Bố mẹ cháu khỏe không? − Thật sự mẹ cháu mới là người bác muốn hỏi phải không? Mẹ cháu khỏe! Còn bố cháu thì bị bệnh mất 5 năm rồi. Và cô lém lỉnh: − Mẹ cháu...vẫn...ở vậy! Chắc mẹ qua thăm bà ngoại ở bên dì Thục Đoan. Hai cô gái dàn xếp cho ông Luân gọi Khánh Đoan ngày hôm sau. Ý Nhi cẩn thận hỏi Đoan Trang: − Có cần cho mẹ của Đoan Trang biết trước không? − Trang nghĩ là không cần. Để cho mẹ ngạc nhiên và thích thú chơi. Ý Nhi quay sang hỏi ông cậu của cô: − Còn cậu? Con tim của cậu có good không? Cậu không đứng tim khi nghe giọng nói của bác ấy chứ! Ông Luân bước vào nhà Khánh Đoan với tâm trạng của chàng thanh niên mới đến nhà người yêu lần đầu, dù rằng sáng nay ông đã nghe lại được giọng nói của nàng qua phôn. Ông hồi hộp, chuẩn bị câu nói mà ông đã thực tập nhiều lần trên đường đến đây, để bắt đầu câu chuyện. − Anh đến "đòi" lại bức tranh... Khánh Đoan mặc một chiếc áo đầm màu trắng. Ông thấy nàng vẫn thon gọn như thời con gái. Giọng nàng nhỏ nhẹ: − Anh không cần phải lấy lại. Lúc nào, nó cũng là của anh. − Em nói thế thì anh không đòi nữa. Anh nghẹ..mẹ em còn khỏe mạnh. − Vâng, mẹ còn khỏe. Nhưng lâu rồi mẹ không còn...khó khăn như xưa. Mà cho dù mẹ có còn khó khăn, thì em cũng không cho me....xía vô chuyện của em nữa. Anh biết không, vì em cũng đã làm mẹ rồi mà. Con đường trước nhà Khánh Đoan có hai hàng cây phong cao ngất, bữa nay những chiếc lá trên cành đã bắt đầu trở vàng thật đẹp. Khánh Đoan bước ra cửa. Ông Luân đưa tay lấy chùm chìa khóa nơi tay Khánh Đoan và ông giúp nàng khóa cửa lại. Hai người từ từ ra xe. Ông Luân mở cửa xe cho Khánh Đoan bước vô ngồi, rồi ông đóng cửa xe, rồi ông vòng qua cửa phía bên kia, vô xe ngồi. Họ như đôi trẻ mới hò hẹn lần đầu. Ngày xưa khi mới quen nhau trời cũng vừa bắt đầu vào thu. Mùa thu hò hẹn. Ông đưa tay qua nắm lấy bàn tay ấm áp của nàng, bóp nhẹ. Sao mà hạnh phúc quá! Ông sung sướng nói: − Bức tranh! Thì ra chính nó giúp anh tìm lại được em! Linh Vang (Tacoma)