Nếu bạn không biết “Quán ăn bình dân và Nhà hàng gia đình” của Bôglơ thì đó là một thiệt thòi của bạn. Bởi vì nếu bạn nằm trong số người may mắn xưa nay vẫn ăn uống sang trọng thì hẳn bạn sẽ thích thú được biết nửa kia của nhân loại tiêu thực phẩm ra sao. Còn nếu bạn thuộc về cái nửa mà hoá đơn thanh toán do người hầu bàn đem tới là cả một biến cố, thì ắt bạn phải biết quán Bôglơ, vì ở đấy bạn nhận được cái xứng với túi tiền của bạn, ít ra là về mặt số lượng. Quán Bôglơ nằm ngay trên trục chính của khu vực tư sản, tại phố Brao Giôn và Rôbinxơn cùng Đại lộ số Tám. Trong quán có hai dãy bàn, mỗi dãy sáu chiếc. Trên mỗi cái bàn có một cái giá xếp những lọ đựng đủ món gia vị. Từ cái lọ đựng tiêu bạn có thể lắc ra được một đám mây không mùi vị và u u sầu sầu như bụi núi lửa. Bạn đừng trông đợi tí gì ở cái lọ đựng muối cả. Dù có là một con người có khả năng ép được dòng nước mật lờ đờ từ loại củ cải đỏ nhạt thếch, ý chí của bạn cũng bị thui chột một khi bạn có dịp moi muối từ những cái lọ của quán Bôglơ. Ngoài ra, trên mỗi bàn có một bầu chứa món nước chấm giả danh tuyệt mĩ làm “theo công thức pha chế của một bậc quý nhân Ấn Độ”. Ngồi ở quầy thu tiền là tay Bôglơ lạnh lùng, hãm tài, chậm chạp, tàn tệ, chuyên quơ tiền của bạn. Đằng sau đống tăm xỉa răng, ông ta trả lại tiền thừa cho bạn, thu hoá đơn của bạn lại và phun vào mặt bạn, như cóc phun, một câu về thời tiết. Tốt hơn hết là bạn đừng vượt quá khuôn khổ một sự đồng tình với thông báo khí tượng của ông ta. Vì không phải là chỗ bạn bè của Bôglơ, mà chỉ là khách ăn một chốc lát của ông ta, bạn và ông ta có thể không gặp lại nhau cho đến khi nào có tiếng tù và gọi đi ăn của thiên sứ Gabrien. Cho nên hãy cầm lấy số tiền ông ta trả lại và xéo đi… đằng quỷ nào thì xéo cho rảnh. Đấy là cái triết lí của Bôglơ. Những nhu cầu của khách ăn quán Bôglơ được đáp ứng bởi hai cô hầu bàn và một giọng nói. Một cô hầu bàn tên là Aylin. Cô ta người cao, đẹp, hoạt bát, duyên dáng và đã thạo lối đùa cợt. Còn họ của cô? Ở quán Bôglơ này cần quái gì đến tên họ, cũng như cần quái gì đến bát nước rửa tay sau khi ăn cơ chứ. Tên của cô hầu bàn kia là Tinđy. Việc gì cứ phải nhất thiết gọi là Matinđa (1) nhỉ? Xin hãy nghe lần này cho rõ nào: Tinđy, Tinđy. Tinđy người lùn bè bè, mặt xấu và quá lo lắng đến việc làm vừa lòng mọi người, đến việc làm vừa lòng mọi người. Bạn hãy nhắc lại câu nói cuối một vài lần, để hiểu cái ý nghĩa của sự lặp lại. Giọng nói của quán Bôglơ là vô hình. Nó phát ra từ bếp và chẳng tỏ ra độc đáo hay đặc sắc gì cả. Nó là một giọng nói vô học, bằng lòng với việc đơn thuần lặp lại những tiếng hô món ăn do các cô hầu bàn xướng lên. Nhắc lại một lần nữa rằng Aylin đẹp có làm bạn phát chán không? Giá cô ấy được khoác bộ quần áo vài trăm đôla và gia nhập đoàn diễu hành lễ Phục sinh, và giá bạn được trông thấy cô ấy, nhất định bạn sẽ vội vã thốt ra những lời kia. Khách ăn quán Bôglơ là nô lệ của cô. Cô có thể phục vụ được sáu bàn liền một lúc. Những người đang vội thì nén sự sốt ruột của mình để sung sướng ngắm nhìn dáng đi lanh lẹn và thân hình kiều diễm của cô. Những người đã ăn xong còn ăn nữa để có thể tiếp tục ở trong vòng hào quang những nụ cười của cô. Mọi người đàn ông đến đó - mà khách cũng chủ yếu là đàn ông - đều cố gây ấn tượng với cô. Aylin biết trao qua đổi lại rất thành công những câu đùa dí dỏm với một tá người ăn một lúc. Và mỗi một nụ cười của cô, như những tràng đạn ghém, găm vào biết bao nhiêu là trái tim. Đồng thời trong lúc ấy cô vẫn thực hiện những chiến công xuất sắc là đem các món thịt lợn xào đậu, những món hầm, trứng tráng, xúc xích với nước chấm từ lúa mì và đủ mọi thứ khác trong lập là, trong chảo, ở thế dựng đứng và thế nằm ngang. Bằng tất cả những yến tiệc kiểu ấy, cộng với sự tán tỉnh và đối đáp hóm hỉnh, quán Bôglơ đại loại cũng gần như biến thành một phòng khách thượng lưu, với Aylin trong vai bà Rêcamiê (2). Nếu những khách thoáng ghé qua đã bị quyến rũ bởi Aylin diễm lệ, thì những người thường xuyên lui tới say mê cô biết chừng nào. Vô số tranh chấp đã diễn ra trong số các khách quen của quán. Tối nào Aylin cũng được hẹn hò. Ít nhất một tuần hai lần có người đưa cô đi rạp hát hoặc đi nhảy. Một đấng nam nhi béo tốt mà cô và Tinđy gọi riêng với nhau là “lợn thiến” đã tặng cô chiếc nhẫn ngọc lam. Một người khác biệt hiệu là “tẩm” làm việc trên chiếc xe chuyên sửa chữa của hãng máy kéo đã toan biếu cô một con chó xù hễ khi nào người anh anh ta vớ được hợp đồng chuyên chở ở Đại lộ số Chín. Còn người đàn ông vẫn ăn món sườn trơ xương với rau bina và nói rằng anh ta làm nghề mua bán cổ phần chứng khoán đã mời cô đi xem “Pacxiphan” (3) với anh ta. - Tớ chẳng biết nơi ấy ở đâu, - Aylin tâm sự với Tinđy, - nhưng mà bao giờ phải có nhẫn cưới nằm trên ngón tay đã thì tớ mới cất công may quần áo đi đường, tớ nói có phải không nào? Thế còn Tinđy thì sao? Trong quán Bôglơ nghi ngút hơi, lao xao tiếng nói chuyện và thơm mùi bắp cải có một tấn bi kịch của cõi lòng. Tinđy, với cái mũi thô, bộ tóc màu cỏ khô, da mặt có tàn hương, thân hình bồ sứt cạp thì chẳng có ai nhòm ngó đến cả. Chẳng một người đàn ông nào dõi mắt theo cô mỗi khi cô đi lại trong nhà hàng, chỉ trừ đôi khi họ sáng mắt lên nhìn đồ ăn cô mang tới vì bụng đói cồn cào. Chằng ai trêu ghẹo cô để cô vui vẻ nhập vào cuộc trao đổi õng ẹo gồm toàn những lời dí dỏm. Chẳng ai lớn tiếng “cưa” cô mỗi sáng như họ vẫn thường làm với Aylin, bằng cách trách nàng, khi món trứng được bưng đến chậm, rằng đêm qua nàng đi chơi với những anh bồ tốt số nào. Không ai tặng cô chiếc nhẫn ngọc lam hoặc mời cô làm một chuyến đi đến cái nơi “Pacxiphan” xa xôi, huyền bí bao giờ. Tinđy là một cô phục vụ tốt nết nên cánh đàn ông chịu đựng được cô. những người ngồi ở bàn cô phục vụ nói năng ngắn gọn với cô bằng những trích dẫn trong thực đơn, rồi sau đó rướn giọng lên những gam ngọt ngào, thi vị để hùng hồn phát ngôn với người đẹp Aylin. Họ ngọ nguậy trên ghế để nhìn ngang nhìn ngửa, bỏ qua cái dáng lù đù của Tinđy mà tìm kiếm Aylin, để vẻ đẹp của nàng có thể biến trứng và thịt muối của họ thành cao lương mĩ vị. Tinđy bằng lòng với địa vị lao công không người tỏ tình, miễn sao Aylin nhận được sự tán dương và ái mộ. Cái mũi thô trung thành với cái mũi Hy Lạp xinh xắn. Cô là bạn của Aylin, cô sung sướng được thấy Aylin ngự trị các trái tim và kéo sự chú ý của giới đàn ông khỏi món bánh luộc đang bốc khói hay món bánh kem trứng với chanh. Nhưng ở sâu dưới những nốt tàn hương và bộ tóc màu cỏ khô, những kẻ xấu xí nhất trong chúng ta cũng đều mơ đến một hoàng tử hay một công chúa sẽ đến đón riêng ta, chứ không phải vì một ai khác. Một buổi sáng, Aylin đi làm với một bên mắt hơi thâm tím, khiến Tinđy lo lắng đến mức tưởng như có thể chữa được bất kì bệnh mắt nào. - Một thằng cha du côn, - Aylin giải thích, - đêm qua lúc tớ đang đi về nhà ở góc phố Hai mươi ba và Đại lộ số Sáu, thì hắn ta sán đến rồi giở giọng tán tỉnh. Tớ lạnh lùng cho hắn nghỉ khoẻ, đã tưởng hắn lén lút rút lui, ai dè hắn theo tớ đến tận phố Mười tám, rồi lại giở cái giọng ba lăng nhăng ra. Chà! Tớ mới cho hắn một cái tát vào bên mắt. Thế là hắn làm tớ tím bầm chỗ mắt này đây. Nom có khiếp lắm không, hả Tin? Tớ chỉ lo anh Nicônxơn trông thấy thôi. Quãng mười giờ anh ấy lại đây uống trà và ăn bánh mì rán đấy. Tinđy vừa lắng nghe bạn vừa lặng đi vì mừng rỡ. Chẳng có người đàn ông nào theo đuổi cô bao giờ. Vào bất kì giờ nào trên cả hăm bốn tiếng cô cũng an toàn khi đi ngoài phố. Sung sướng cái nỗi gì khi có một người đàn ông bám theo và vì tình yêu mà làm tím bầm một bên mắt thế kia! Trong số khách hàng của quán Bôglơ có một thanh niên tên là Xiđớcxơ, làm ở hiệu giặt là. Anh Xiđớcxơ mảnh người và có bộ tóc màu sáng, tựa hồ như vừa mới được sấy khô queo và được phết hồ cứng. Anh ta quá nhút nhát, không dám mong đến sự để ý của Aylin, vì thế nên anh ta thường ngồi ở bàn của Tinđy và đắm mình vào sự yên lặng cùng món cá luộc. Một hôm trước khi đến đấy ăn, anh Xiđớcxơ đã uống bia. Lúc ấy trong tiệm chỉ có hai ba người khách. Khi anh Xiđớcxơ đã đánh chén xong món cá của mình, anh liền đứng dậy, quàng tay qua eo lưng Tinđy, trắng trợn hôn cô một cái rõ to rồi bước ra phố. Anh khinh miệt phẩy tay về phía hiệu giặt và rảo cẳng bước đến khu vực giải trí ở dãy hiên có vòm cuốn, bỏ tiền xu vào các máy tự động để nhập cuộc vui chơi. Trong giây lát Tinđy đờ người ra. Cô sực tỉnh khi Aylin dứ dứ ngón tay vào cô một cách tinh quái và nói: - Chết nhé, Tinđy, thế mà ghê thật! Cô nàng ma mãnh ơi! Chả mấy chốc rồi bà nẫng mất mấy chàng của tôi. Tôi phải để mắt đến bà mới được, lệnh bà ạ. Một tia sáng loé lên trong trí óc đang rộn ràng của Tinđy. Trong khoảnh khắc, từ một kẻ ái mộ ngoan ngoãn, vô hi vọng, cô đã bước lên hàng chị em với Aylin toàn năng, dòng dõi của Eva. Giờ cô cũng đã là người thu hút đàn ông, là cái bia của thần Ái tình, là cô gái Xabin (4) phải cảnh giác khi người La Mã tiệc tùng chè chén. Đàn ông đã thấy eo lưng của cô đáng ôm và đôi môi của cô đáng hôn. Cái anh chàng Xiđớcxơ đường đột si tình kia dường như đã thực hiện trên cô một tiết mục màu nhiệm của nghệ thuật giặt là lấy ngay. Gỡ bỏ vẻ ngoài xấu xí như lớp vải bao bố của Tinđy, anh ta đã giặt giũ, đã hong khô, đã phết hồ và đã là nó, rồi trả lại cho cô dưới dạng vải thêu mỏng tang phủ lên chính bản thân thần Vệ nữ. Những nốt tàn hương trên má Tinđy chìm vào ráng màu ửng hồng. Cả Xiếcxê (5) và Pxysê (6) cùng long lanh nhìn bằng đôi mắt sáng của cô. Ngay đến chính Aylin cũng chưa từng được ôm và được hôn công khai như thế trong tiệm. Tinđy không thể giữ được điều bí mật tuyệt vời này được lâu. Lợi dụng lúc vãn khách, cô tiến lại bàn thu tiền của Bôglơ. Mắt cô sáng lấp lánh, cô cố không để cho lời nói của mình có vẻ kiêu hãnh và huênh hoang. Cô nói: - Hôm nay một vị khách đã xúc phạm đến em. Ông ấy ôm ghì ngang lưng và hôn em. - Thế kia à? - Bôglơ hỏi, vẻ mặt đã lột bỏ lớp vỏ giáp chuyên chú kinh doanh xưa nay. - Từ tuần tới, mỗi tuần cô sẽ được nhận thêm một đôla nữa. Đến bữa ăn thường lệ sau đó, khi Tinđy bước ra trước những khách hàng cô đã quen, cô nói với từng người một cách khiêm tốn, như thể phẩm giá của mình không cần phải phóng đại: - Hôm nay, một vị khách đã xúc phạm đến em ở tiệm này. Ông ấy đã vòng tay quàng lấy lưng em và hôn em. Khách ăn đón nhận tin này theo nhiều cách khác nhau: người thì tỏ ra không tin, người thì chúc mừng, người thì lại tới tấp trút lên cô những lời đùa tếu từ trước đến giờ chỉ dành cho một mình Aylin. Trái tim Tinđy nở ra sung sướng, vì rốt cuộc cô đã thấy những ngọn tháp của lâu đài tình ái nhô lên nơi chân trời, phía cuối của vùng bình nguyên xám xịt mà lâu nay cô vẫn lang thang. Hai ngày liền anh Xiđớcxơ không lại. Trong thời gian ấy Tinđy đã xác định bản thân một cách chắc chắn rằng mình là một cô gái đang được tán tỉnh. Cô mua các dải băng, sửa sang lại mái tóc cho giống hệt như của Aylin và thắt eo chật lại hai insơ. Cô mang trong lòng một nỗi lo hồi hộp và dễ chịu rằng biết đâu anh Xiđớcxơ sẽ ập vào bất thình lình và giương súng lục bắn cô. Chắc là anh yêu cô đến mất trí, mà những người tình cảm mãnh liệt thì hay ghen tuông mù quáng lắm! Ngay cả Aylin cũng chưa bị bắn bằng súng lục bao giờ. Thế là Tinđy mong rằng anh ấy sẽ không bắn cô, vì cô luôn luôn là người bạn chung thuỷ với Aylin, cô không muốn át thanh danh của bạn mình. Mãi bốn giờ chiều ngày thứ ba anh Xiđớcxơ mới tới. Ở các bàn chẳng có khách khứa nào cả. Tít phía cuối tiệm Tinđy đang xúc mù tạt vào các lọ, còn Aylin thì đang cắt những chiếc bánh làm tư. Anh Xiđớcxơ đi đến chỗ họ đang đứng. Tinđy ngẩng lên nhìn thấy anh ta, cô há hốc miệng và áp chắt cái thìa xúc mù tạt vào nơi tim. Chiếc nơ màu đỏ đang ở trên mái tóc cô. Cô đeo trên cổ biểu tượng của thần Vệ nữ trên Đại lộ số Tám: chiếc dây chuyền hạt cườm xanh lơ với hình trái tim bạc lủng lẳng. Anh Xiđớcxơ đỏ mặt lúng túng. Một tay anh thọc vào túi quần, tay kia thọc vào cái bánh bí ngô ngon lành. - Cô Tinđy này, - anh ta nói, - tôi muốn xin lỗi cô về việc làm của tôi tối hôm nọ. Thực tình mà nói, tôi đã uống đến mức bí tỉ, chứ không thì ai lại làm như thế. Lúc tỉnh táo, không bao giờ tôi lại có thái độ như vậy với phụ nữ. Cô Tinđy ạ, tôi mong rằng cô sẽ tha lỗi cho tôi. Xin cam đoan với cô là tôi không đời nào làm như vậy nếu tôi hiểu được mình đang làm trò gì và không quá say đến như thế. Bày tỏ một cách lịch sự sự hối hận của mình rồi, anh Xiđớcxơ lui ra khỏi quán, trong lòng đinh ninh rằng lỗi lầm của mình đã được sửa chữa. Nhưng đằng sau tấm bình phong tiện lợi, Tinđy đã gục mặt xoài ra bàn, giữa những đầu mẩu phó mát và tách cà phê. Cô oà lên nức nở, sụt sùi và trở về với miền bình nguyên xám xịt, nơi những kẻ mũi thô và tóc màu cỏ khô như cô vẫn lang thang. Cô giật tung chiếc nơ màu đỏ quẳng xuống sàn. Cô khinh bỉ thậm tệ Xiđớcxơ, cô đã lầm tưởng cái hôn của anh ta là cái hôn của chàng hoàng tử khai sơn phá thạch, bắt những chiếc đồng hồ ngủ quên phải chạy, bắt đám tiểu đồng tung tăng rộn rã trên con đường đến chốn thần tiên. Nhưng đấy chỉ là cái hôn say rượu và vô tình, vương quốc mộng mơ không bị đánh thức bởi hiệu lệnh giả: cô mãi mãi vẫn chỉ là Người Đẹp đang ngủ. Nhưng chưa phải là đã mất tất cả. Cánh tay Aylin đang quàng lên cô, và bàn tay rực đỏ của Tinđy quờ quạng giữa đám đầu mẩu phó mát cho đến khi nó tìm được nắm tay ấm áp của bạn cô. - Thôi đừng buồn Tinđy ạ, - không hiểu rõ tâm trạng của cô, Aylin cất tiếng. - Cái đồ mặt củ cải, choắt như cái kẹp quần áo Xiđớcxơ ấy có đáng gì. Hắn ta không phải bậc nam nhi quân tử, nếu không thì hắn đã chẳng phải vác mặt đi xin lỗi./. Nguyễn Việt Long dịchChú thích: (1) Tinđy là tên gọi tắt thân mật hoặc suồng sã của Matinđa. (2) Bà Rêcamiê (Récamier, Jeanne - Francoise) (1777 - 1849), người bạn chung thuỷ của Satôbriăng, nổi tiếng về vẻ kiều diễm và phòng khách thượng lưu ở Pari thời đó. (3) Tên một vở nhạc kịch của Vecne với nhân vật chính là Pacxiphan (4) Tên một bộ tộc ở Ý bị người La Mã chinh phục vào thế kỉ 3 trước Công nguyên (5) Xiếcxê: trong thần thoại Hy Lạp là nữ phù thuỷ, chúa tể đảo Ea, có tài biến đàn ông thành lợn (6) Pxysê: trinh nữ đẹp tuyệt trần trong thần thoại Hy Lạp, được cả thần Ái tình say mê và thần Vệ nữ ghen